Xông hơi: Phương pháp chữa bệnh độc đáo
Đông y có rất nhiều phương pháp chữa bệnh. Nếu nói về thuốc uống đã có 8 cách (bát pháp). Ngoài ra còn rất nhiều phương pháp khác như châm cứu, bấm huyệt, khí công dưỡng sinh. đặc biệt xông hơi được coi là một phương pháp chữa bệnh độc đáo và rất quen thuộc trong nhân dân.
Bát pháp trong Đông y
Bát pháp ở đây chủ yếu nói tới các cách chữa bệnh bằng cách dùng thuốc để uống, bao gồm: Pháp hãn là phương pháp uống thuốc để làm cho ra mồ hôi khi mắc các chứng cảm mạo phong hàn đôi khi cả phong nhiệt để mồ hôi thoát ra ngoài mang theo các nguyên nhân gây bệnh mà YHCT gọi là "hàn tà hoặc nhiệt tà" kèm theo là hạ thân nhiệt, làm hạ sốt, giảm đau và các triệu chứng khác kèm theo. Pháp thổ là phương pháp làm nôn ra thức ăn, thức uống, nhất là khi ăn phải các thức ăn ôi thiu, trúng độc, gây đau bụng dữ dội. Phương pháp tả hạ là phương pháp dùng thuốc cho đi tiêu chảy, để chữa các trường hợp đại tràng thực nhiệt, bụng đầy trướng, táo kết gây co thắt đại tràng, đau đớn... Pháp hòa là phương pháp dùng các vị thuốc có tính chất hòa hoãn để làm cân bằng lại âm dương, khi quá nhiệt hoặc quá hàn. Pháp ôn là phương pháp dùng các vị thuốc mang tính vị cay nóng, tính ôn, nhiệt để điều trị các chứng mà cơ thể luôn cảm thấy giá lạnh, nhất là chân tay, ngay cả mùa hè... Pháp thanh là phương pháp dùng các vị thuốc để thanh nhiệt cho cơ thể, nếu bị trúng thử (say nắng), dùng thuốc thanh nhiệt giải thử, nếu bị mụn nhọt, mẩn ngứa, dùng thanh nhiệt giải độc... Pháp tiêu chủ yếu là "tiêu đạo", tức dùng các vị thuốc mang tính chất tiêu hóa, khi cơ thể kém tiêu, ăn uống không biết ngon...
Pháp bổ gồm 4 cách: bổ âm, bổ dương, bổ khí và bổ huyết.
Phương pháp xông hơi:
là phương pháp được tiến hành xông theo nhiều cách khác nhau: xông toàn thân khi cảm mạo hoặc xông cục bộ khi viêm mắt, viêm mũi, buồn bực ống chân, đau lưng... là những bệnh thường gặp khi giao mùa. Sau đây xin được giới thiệu về phương pháp này.
Dược liệu để xông hơi
Các dược liệu dùng để xông hơi đa phần dùng dạng tươi, dễ kiếm, dễ hái ngay trong vườn nhà. Liều lượng mỗi lần, thường dùng dưới dạng một nắm (tương đương 50 - 70g). Tùy theo từng chứng bệnh mà có các dược liệu tương ứng, ví dụ khi bị cảm mạo phong hàn, nồi lá xông sẽ có nhiều vị thuốc, được cấu tạo theo các nguyên tắc sau:
- Dược liệu mang tính kích thích khai mở tuyến mồ hôi: đó là các loại lá có mùi thơm, tức có chứa các thành phần bay hơi: tinh dầu, coumarin, các chất terpen... có khả năng kích thích tuyến mồ hôi: lá sả, khuynh diệp, tía tô, kinh giới, hương nhu, bạc hà, cúc tần...
- Dược liệu mang tính thanh nhiệt: lá tre, lá duối, lá mây... là những dược liệu chứa nhiều chất chlorophyl (diệp lục tố) có tác dụng thanh nhiệt giải độc tốt.
- Dược liệu mang tính nhuận hạ, lợi tiểu: Lá và dây khoai lang, rễ khoai lang chứa nhiều chất nhựa có tác dụng nhu nhuận đường tiêu hóa.
Như vậy, tác dụng chung của các dược liệu nói trên là làm cho cơ thể ra mồ hôi dẫn đến hạ nhiệt khi sốt cao, thanh nhiệt giải độc và nhuận hạ, giúp cơ thể thải nhiệt qua đường đại tiểu tiện.
Phương pháp xông
Xông toàn thân: Các dược liệu xông được đun trong nồi đậy kín, sôi khoảng 5-7 phút. Lấy ra, đặt phía trước người bệnh, trùm chăn kín, người bệnh cởi áo để hơi lá xông trực tiếp vào toàn bộ phần da trên cơ thể, mở vung nồi cho hơi bốc lên, đồng thời múc lấy một bát nước xông khoảng 100ml. Trong quá trình xông, thỉnh thoảng lại quấy đảo để cho hơi bốc mạnh. Khi hơi đã giảm, người bệnh uống bát nước lá xông. Như vậy, dưới tác động của hơi nước bão hòa, tinh dầu của các dược liệu đã kích thích khai mở lỗ chân lông, làm mồ hôi thoát ra. Việc uống bát nước lá xông có ý nghĩa làm ấm bên trong, tăng áp lực thẩm thấu, đẩy tiếp mồ hôi ra ngoài, tăng sức giải cảm. Chú ý, cần lau nhanh mồ hôi, mặc áo ngay, tránh gió lùa. Và không ra gió sau khi xông.
Xông cục bộ (tại chỗ):
- Xông chữa bệnh đau mắt đỏ hoặc viêm kết mạc mùa xuân. Dược liệu để xông gồm: lá bạc hà, lá dành dành, lá trầu không, lá duối, mỗi thứ khoảng 10g, cúc hoa 4g. Đun sôi 5 -7 phút. Lấy ra xông trực tiếp lên mắt. Lúc đầu nên để xa mắt, khi nguội dần để gần lại; nên trùm kín một cái khăn sạch để tập trung hơi xông. Sau khi xông, gạn lấy nước trong, rửa mắt.
- Xông chữa bệnh viêm mũi, hắt hơi, ngạt mũi. Dược liệu xông: bạc hà, quả ké, lá hoa ngũ sắc (lá cây hoa cứt lợn), tân di, bạch chỉ. Cách làm như xông mắt, chú ý hướng hơi lá xông vào mũi, nên hít sâu khi xông. Sau khi xông cũng dùng nước này để trong mà rửa hai lỗ mũi.
- Xông chữa đau đầu, đau gáy: Trước tiên, nung một hòn gạch cho nóng đỏ. Sau đó đặt viên gạch lên một vật liệu không cháy. Xếp một lớp lá ngải cứu, cúc tần tươi đã thái nhỏ lên trên viên gạch rồi rưới đều lên đó khoảng 50ml rượu trắng 30 - 35 độ. Đặt nhẹ phần đầu hoặc gáy bị đau lên phía trên lớp lá thuốc, đồng thời trùm kín đầu bằng một mảnh vải. Chú ý để đầu (gáy) ở vị trí có thể vừa tới sức nóng để tránh bị bỏng. Một tuần, có thể làm vài lần như vậy sẽ cho kết quả tốt
- Xông chữa đau nhức, tê bì hai ống chân, bàn chân: Cách làm tương tự như phương pháp xông đau đầu ở trên, song dược liệu là lá xoan chồi (lá non mọc ra từ chỗ chặt của cành hoặc thân cây xoan), dây chìa vôi, lá ngải cứu, lá cúc tần, đều dùng tươi, mỗi thứ khoảng 100g. Đem các dược liệu trên thái nhỏ, hoặc giã hơi nát, rồi cũng đặt lên một viên gạch đã nung đỏ như trên. Viên gạch nung đỏ có thuốc được đặt xuống một cái hố có kích thước vừa đủ để đặt hai chân xuống (cũng có thể thay cái hố đó bằng một thùng sắt tây hoặc cái vại sành). Rưới lên lớp lá đó khoảng 100ml rượu trắng, hoặc đồng tiện (nước tiểu trẻ em nam có độ tuổi từ 5-12, khỏe mạnh, bỏ đoạn đầu, đoạn cuối, lấy đoạn giữa). Hơ hai bàn chân lên hơi lá xông, lúc đầu để xa, sau để gần lớp lá, tránh bỏng. Cần phủ một mảnh vải ngang gối để giữ hơi lá xông. Tuần làm vài lần, sẽ cho hiệu quả tốt.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh (SK&ĐS)