Vì sao bạn lại hay mệt mỏi?
Bạn có thấy ở một thời điểm nào đó, tưởng như chẳng có nguyên nhân nào hết, thời tiết không thay đổi, cúm H5N1 đã lùi xa, vậy mà sao cơ thể mình vẫn mệt mỏi một cách lạ lùng.
Mệt mỏi dẫn đến làm làm việc hiệu quả thấp.
Đêm ngủ không an giấc, còn ban ngày mới 11 giờ trưa, đang ngồi trong văn phòng mà mắt cứ díp lại. Miệng đắng ngắt, nghĩ đến việc ăn uống là thấy ngại ngùng, chân tay bải hoải.
Nhưng đâu phải những thứ bạn đã cố tránh như vừa nêu mới là những nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi, chán và ngại công việc, năng suất thấp đến nỗi nơm nớp lo sếp sẽ gọi lên vừa “chân thành góp ý” vừa “bóng gió răn đe”. Bạn tìm mãi không ra nguyên nhân làm tinh thần và cơ thể có vẻ đồng lòng nhất loạt bãi công để chống lại bạn.
Các bác sĩ sẽ gợi ý cho bạn có thể là những nguyên nhân bạn thường ít nghĩ tới sau đây:
1. Dùng ”hơi bị nhiều” thức ăn bột
Nếu bữa trưa của bạn nhiều món ăn bột (gluxit) và ít món ăn đạm (protit), bạn có thể mệt mỏi vào xế trưa. Thức ăn bột làm tăng sự sản xuất serotonin, có tác dụng làm dịu do hệ thần kinh tiết ra, gây buồn ngủ. Protit có thể chống lại sự buồn ngủ ban ngày này bằng cách giảm sự sản sinh ra serotonin. Vậy bạn hãy duy trì sự cân bằng giữa hai thành phần trên trong bữa ăn của bạn. Nó sẽ giúp bạn loại bỏ được tình trạng ngủ gà ngủ gật vào lúc sắp sửa nghỉ trưa.
2. Dậy rất muộn vào ngày nghỉ cuối tuần
Ngủ nướng làm bạn uể oải khi bắt đầu ngày mới.
Những ngày nghỉ thường cho phép bạn thoải mái về giờ giấc, bạn tranh thủ “ngủ truy lĩnh” cho đã, có khi 9, 10 giờ mới dậy. Sự “vô kỷ luật” ấy có hại. Nó làm rối loạn nhịp sinh học của bạn. Hiện tượng này một phần do sự tiết cortisol, một hocmon kết hợp với trạng thái thức của cơ thể. Nếu bạn thường dậy vào lúc 7 giờ, thì 2-3 giờ sáng hocmon này bắt đầu được sản sinh ra, đạt mức tối đa lúc 11 giờ trưa. Nếu bạn dậy muộn, bạn đã giảm hàm lượng cortisol vào giờ này khiến não chìm vào trạng thái uể oải đặc trưng của ngày nghỉ cuối tuần. Hãy cố gắng bù đắp giấc ngủ bằng cách ngủ đúng giờ để duy trì sự hoạt động bình thường của đồng hồ sinh học.
3. Huyết áp thay đổi thất thường
Hạ huyết áp gây kiệt sức. Bạn sẽ đờ đẫn sau khi đứng lâu, chóng mặt khi lên thang gác. Bạn trở nên lường biếng. Lúc nào cũng chỉ muốn ngả lưng, ngại công việc. Tất nhiên phải đến bác sĩ tìm những lời khuyên nhưng trước mắt, dùng thử môt chất gây kích thích, chẳng hạn uống ly cà phê, ngậm viên kẹo gừng, nhai miếng cam thảo. Nếu quả thật giảí pháp tình thế ấy cải thiện được sự mệt mỏi thì hạ huyết áp đúng là thủ phạm rồi. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên ăn uống thế nào, dùng thuốc gì để thận giữ được natri nhiều hơn.
4. Cơ thể mất nước
Khi bạn khát, cơ thể báo cho biết bạn đang bị mất nước đáng kể. Nhịp độ hoạt động giảm. Mất nước làm giảm thể tích máu và hậu quả là mệt mỏi. Cách chữa quá đơn giản: hãy bảo đảm khoảng 10 cốc nước mỗi ngày và khi hoạt động thể lực thì phải uống nhiều hơn.
5. Dùng thuốc có tác dụng phụ
Nên sử dụng thuốc một cách thông minh.
Một số thuốc ví dụ thuốc chống dị ứng chẳng hạn có tác dụng gây ngủ. Một vài loại thuốc điều trị sổ mũi, ho và lợi tiểu cũng có tác dụng này. Hãy hỏi bác sĩ xem chúng có phải là nguyên nhân? Nếu đúng, chắc chắn các bác sĩ sẽ thay cho bạn thuốc khác có tác dụng tương tự.
6. Căng thẳng đầu óc
Cuộc sống hiện nay, nhất là trong cơn bão giá, phải suy nghĩ nhiều hơn trong công việc sẽ khiến bạn bị căng thẳng đầu óc - bị stress. Mệt mỏi là do sự co cơ tạm thời. Nhiều khi, sự lo lắng làm bạn nín hơi mà không tự biết. Nó khiến cho lượng oxy đến cơ thể bị giảm và bạn kiệt sức. Hãy tự thư giãn bằng cách đổi tư thế, người duỗi dài, tập trung vào sự hô hấp, hít vào thở ra thật sâu. Đi thả bộ, tìm sự thanh thản. Cũng có thể gặp các nhà tâm lý để giải toả tư tưởng. Bị stress triền miên là rất nguy hiểm. Nó để lại dấu ấn ở tính cách bạn.
7. Những vấn đề về mắt
“Cánh cửa của tâm hồn” có thể là căn nguyên của sự mệt mỏi mạn tính mà ít người nghĩ đến, nhất là trong thời đại hiện nay, ai chẳng tiếp xúc với máy tính. Hãy thường xuyên kiểm tra thị lực. Nếu thấy nó giảm sút nhiều là có vấn đề rồi. Nhưng dù chưa khẳng định chiếc máy vi tính là thủ phạm thì bạn cũng cứ nên để ý cải thiện quan hệ của mình với máy. Sau mỗi giờ làm việc, bỏ ra 5-7 phút để cho mắt nghỉ ngơi.
8. Màu sắc không gian xung quanh
Bố trí không gian làm việc, sinh hoạt tươi sáng cũng là một cách giúp chúng ta thoải mái.
Màu sắc xung quanh nơi bạn làm việc, sinh hoạt hàng ngày đặc biệt là những màu trầm, buồn tẻ như màu xám, màu nâu… cũng là một nguyên nhân (tuy không nhiều) gây mệt mỏi đấy. Hãy trang trí lại khung cảnh xung quanh bằng những màu tươi sáng, nóng như vàng, hồng, xanh nhạt, da cam… Nhìn chăm chú vào một vật màu đỏ đôi khi giúp bạn hành động nhanh để chống lại trạng thái trống rỗng của tâm hồn.
Bạn hãy bỏ thời gian ra suy ngẫm, trong số những nguyên nhân vừa nêu, bạn đã truy tìm nguyên nhân nào gây ra cho bạn sự mệt mỏi chưa. Nhận diện được nó, vạch mặt chỉ tên được nó, bạn sẽ có cách khắc phục để vượt qua.
Mệt mỏi, đôi khi cũng là dịp cơ thể phát biểu mà bạn phải chú ý lắng nghe để “tu sửa” lại cơ thể, tra dầu vào những chỗ trục trặc, điều chỉnh lại cách làm việc, sinh hoạt của mình.
Theo Tuấn Hà
VNN
VNN