Quả dừa
Về mặt thực vật học, dừa là loại quả khô đơn độc được biết đến như là quả hạch có xơ. Vỏ quả ngoài thường cứng, nhẵn, nổi rõ 3 gờ, lớp vỏ quả giữa là các sợi xơ gọi là xơ dừa và bên trong nó là lớp vỏ quả trong hay gáo dừa hoặc sọ dừa, lớp vỏ quả trong hóa gỗ, khá cứng, có ba lỗ mầm có thể nhìn thấy rất rõ từ phía mặt ngoài khi bóc hết lớp vỏ ngoài và vỏ giữa (gọi là các mắt dừa). Thông qua một trong các lỗ này thì rễ mầm sẽ thò ra khi phôi nảy mầm. Bám vào thành phía trong của lớp vỏ quả trong là vỏ ngoài của hạt với nội nhũ dạng anbumin dày, là lớp cùi thịt, gọi là cùi dừa, nó có màu trắng và là phần ăn được của hạt.
Khi nhìn từ một đầu, vỏ quả trong và các lỗ mầm trông giống như mặt của khỉ, từ trong tiếng Bồ Đào Nha để gọi nó là macaco, đôi khi được viết tắt thành coco, từ đây mà có tên gọi khoa học của dừa. Nucifera là từ trong tiếng Latinh để chỉ mang theo hột.
Khi quả dừa còn non, nội nhũ bên trong còn mỏng và mềm và có thể nạo dễ dàng. Nhưng lý do chính để hái dừa vào giai đoạn này là để lấy nước dừa làm thức uống; những quả to có thể chứa tới 1 lít nước uống bổ dưỡng. Khi quả đã già và lớp vỏ ngoài chuyển thành màu nâu (khoảng vài tháng sau) thì nó sẽ rụng từ trên cây xuống. Vào thời điểm đó nội nhũ đã dày và cứng hơn, trong khi nước dừa sẽ có vị nồng hơn. Khi đó nếu uống nhiều có thể bị tiêu chảy, chỉ sau khoảng 15 phút.
Để lấy nước của quả dừa cần loại bỏ lớp vỏ ngoài và lớp xơ dừa sau đó dùng đũa/que chọc vào mắt lớn nhất của quả rồi đặt ống hút vào. Người ta có thể lấy nước bằng cách chặt bỏ một phần vỏ ở phần đối diện với cuống dừa để phần vỏ cứng bên trong phơi ra, sau đó vạt đi phần của lớp vỏ cứng đó và rót nước dừa vào vật chứa (cốc, chén, bát, v.v.). Ngày nay, người ta còn dùng dao/máy bào bớt đi lớp vỏ bên ngoài làm gần lộ ra phần vỏ cứng phía đối diện cuống dừa, rồi cũng vạt bỏ đi phần này khi muốn lấy nước. Do quả dừa có điểm rạn tự nhiên nên có thể bổ quả dừa bằng các loại dao to, chẳng hạn dao mác, dao phay hay các loại tuốc vít bản bẹt và búa. Trên quả dừa đã lột bỏ vỏ có 3 lằn gân ứng với 3 mắt, kinh nghiệm cho thấy khi dùng sống dao hoặc lưỡi dao hơi cùn đập vuông góc vào gân chính (ứng với mắt lớn nhất - như chỉ bởi mũi tên đỏ trong hình) thì quả dừa sẽ bể đôi dễ dàng, đường bể thường thẳng và đều. Các nông dân ở Bến Tre thường dùng một loại dao đặc biệt lưỡi không bén (sắc)lắm gọi là cái rựa để bổ dừa.
Khi quả còn non thì lớp vỏ rất cứng, nhưng quả dừa non hiếm khi rụng, ngoại trừ khi bị bệnh như nấm chẳng hạn hoặc do chuột, dơi ... phá hoại. Trong thời gian quả rụng tự nhiên, lớp vỏ trở thành màu nâu và xơ dừa trở nên mềm và khô hơn, như thế quả sẽ ít bị hư hại khi rụng. Có một vài trường hợp quả dừa rụng đột ngột và có thể gây thương vong cho người. Đây là chủ đề của bài báo ấn hành năm 1984 và đã được trao giải Ig Nobel năm 2001. Số lượng tử vong do dừa rơi được dùng để so sánh với số lượng các vụ tấn công của cá mập, với kết quả đưa ra là người ta bị chết do dừa rụng nhiều hơn là do bị cá mập tấn công. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào cho thấy người ta bị tử vong theo kiểu này. [1] Tuy nhiên, William Wyatt Gill, một nhà truyền giáo của Hiệp hội truyền giáo London (LMS) tới Mangaia đã ghi lại một chuyện trong đó Kaiara, người thiếp yêu của vua Tetui, đã bị chết do một quả dừa non bị rụng. Cây "tội phạm" này đã bị chặt bỏ ngay lập tức. Điều này xảy ra vào khoảng năm 1777, cùng thời gian viếng thăm của thuyền trưởng Cook.
Tại một số khu vực trên thế giới, những con khỉ đã huấn luyện được dùng vào việc hái dừa. Các trường huấn luyện khỉ vẫn tồn tại ở miền nam Thái Lan. Các cuộc thi được tổ chức hàng năm để tìm ra con khỉ hái dừa nhanh nhất.
Tại Việt Nam, dừa được trồng nhiều ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam, nhất là các vùng duyên hải. Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất được mệnh danh là "xứ dừa". Cây dừa đã trở thành biếu tượng tại đây.
Sử dụng
Tất cả các phần của quả dừa và cây dừa đều có thể được sử dụng. Dừa còn là loại cây cho quả tương đối nhiều (tới 75 quả mỗi năm); vì thế nó có giá trị kinh tế đáng kể. Tên gọi của dừa trong tiếng Phạn là kalpa vriksha, có thể dịch thành "cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống". Trong tiếng Mã Lai, dừa được gọi là pokok seribu guna tức là "cây có cả ngàn công dụng". Tại Philippines, nói chung dừa được gọi là "Cây của sự sống".
Công dụng của các phần khác nhau của cây dừa bao gồm:
* Phần cùi (cơm) dừa trắng ăn được và được sử dụng ở dạng tươi hay sấy khô trong một số món ăn. Cơm dừa khô là nguyên liệu sản xuất dầu dừa.
* Nước dừa nằm trong khoang bên trong quả dừa có chứa các chất như đường, đạm, chất chống ôxi hóa, các vitamin và khoáng chất, là nguồn cung cấp và tạo ra cân bằng điện giải đẳng trương tốt cũng như là nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Nước dừa được dùng làm nước giải khát tại nhiều vùng nhiệt đới. Nước dừa là vô trùng khi quả dừa chưa bị bổ ra, và có thể dùng làm dung dịch truyền ven (xem PMID 10674546). Nó cũng được dùng để sản xuất món tráng miệng dạng sệt có tên gọi Thạch dừa (nata de coco). Đôi khi, nước dừa khô cũng được cô cạn thành chất có màu nâu đen được gọi là nước màu dừa, dùng làm chất tạo màu cho thức ăn thay cho nước màu được làm từ đường (gluco).
* Cây cảnh: Những cây dừa lạ (do biến dị) được trồng làm cảnh, chủ yếu tại Philippines, tại đây nó được gọi là macapuno.
* Sữa dừa, ở miền Nam gọi là nước cốt dừa, (chứa khoảng 17% chất béo) được tạo ra từ cơm dừa đã nạo nhỏ hòa với nước nóng hay sữa nóng. Nước cốt dừa là thành phần chủ yếu của các món ăn vùng Đông Nam Á và Việt Nam. Các bã sợi cơm dừa còn lại từ việc sản xuất sữa dừa được dùng làm thức ăn cho gia súc.
* Kẹo dừa là món đồ ngọt thông dụng tại Việt Nam, nguyên liệu chính là nước cốt dừa cô đặc pha hương vị lá dứa, Sầu riêng hoặc Sôcôla.
* Mứt dừa được làm từ cơm dừa được cắt sợi và sên với đường cát để khô dùng trong ngày tết ở việt Nam.
* Kem dừa là lớp chất nổi lên trên khi sữa dừa bị làm lạnh.
* Nhựa dừa thu được từ việc rạch các cụm hoa dừa được lên men để sản xuất rượu vang dừa (ở Philippines gọi là tuba).
* Gáo dừa khô bổ đôi được dùng làm bộ phận trong một số loại nhạc cụ như gia hồ và bản hồ của Trung Quốc hay đàn gáo của Việt Nam, chúng được đập vào nhau để tạo ra hiệu ứng âm thanh tựa như tiếng vó ngựa. Gáo dừa còn được dùng làm gáo múc nước và là nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ.
* Xơ dừa được dùng làm dây thừng, chão, thảm, bàn chải, khảm thuyền cũng như làm vật liệu lèn; nó còn được dùng rộng rãi trong nghề làm vườn để làm chất độn trong phân bón.
* Vỏ và xơ dừa có thể làm nguồn nhiên liệu hay để sản xuất than củi. Một loại dừa hiếm tại Nam bộ có xơ dừa tươi cho nước khá ngọt khi nhai, trong khi các loài khác cho vị chát.
* Lá là nguồn cung cấp vật liệu làm mái che, làm một số loại giỏ đựng đồ và làm chổi dừa.
* Các gân giữa của các lá (chét) có độ cứng thích hợp cho việc làm các que xiên (để nướng thịt chẳng hạn) trong nấu ăn.
* Các chồi non trên ngọn cây dừa có thể ăn được và nó đôi khi được thu hái để làm rau ăn (mặc dù kiểu thu hái này sẽ làm chết cây dừa).
* Phần bên trong của lá non đang lớn cũng có thể thu hoạch làm tim dừa và nó được coi là một loại đặc sản. Kiểu thu hái này cũng làm chết cây dừa. Tim dừa thường được ăn trong các món rau trộn; các món rau trộn như thế đôi khi được gọi là "salad triệu phú".
* Gỗ dừa có thể dùng làm đồ mỹ nghệ hoặc làm vật liệu cho một số công trình xây dựng đặc biệt (nổi tiếng nhất là cung điện Dừa tại Manila). Người Hawaii còn đục rỗng thân cây dừa để làm trống, thùng chứa hay các loại xuồng nhỏ.
* Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh lỵ. Nó còn được dùng để đánh răng.
* Củ hũ dừa là phần lõi trong thân cây dừa, đôi khi cũng được dùng làm món ăn.
Lợi ích sức khỏe
Trong nước dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cần cho cơ thể, nhiều vitamin nhóm B và chất khoáng. Hàm lượng kali và magiê trong nước dừa tương tự như dịch tế bào của người nên nó thường được dùng cho bệnh nhân bị tiêu chảy, thậm chí làm dịch truyền.
Trẻ bị tiêu chảy được khuyến khích uống nước dừa pha muối. Nước dừa làm đẹp da, đen mượt tóc. Nhân dừa non (mềm như thạch) chứa nhiều enzym tốt cho tiêu hóa, dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, đái tháo đường, lỵ, trĩ, viêm ruột kết. Polysacharit của nước dừa kích thích miễn dịch đối với bệnh lao phổi.
Nước quả dừa xanh còn non được các nhà khoa học gọi là “nước khoáng thực vật” vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết cho cơ thể và đường ở dạng dễ tiêu hóa, lượng vitamin C đủ cho nhu cầu 1 ngày. Nước trong trái dừa 6-7 tuần tuổi là ngon và bổ nhất. Nước dừa từng được dùng làm dịch truyền trong Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Việt Nam.
Các nhà khoa học Peru dùng dừa chống sốt rét: Khoét vỏ, đưa thân cây bông vải có tẩm 1 loại vi khuẩn thích ăn ấu trùng của muỗi anophèle vào, đậy kín lại rồi thả vào nước muối 2-3 ngày để vi khuẩn ăn chất dinh dưỡng của dừa mà sinh sôi nảy nở. Đổ nước những quả dừa đó xuống ao hồ, đầm lầy, vi khuẩn sẽ diệt ấu trùng muỗi truyền sốt rét bằng cách ăn no chúng.
Ở Philippines, dừa được xem là món ăn trường xuân (có tên gọi Nata). Nata dừa gồm có nước dừa, đường, giấm và “nước cái” (chứa vi khuẩn giúp lên men). Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos cho rằng, nhờ ăn hằng ngày món này mà ông trẻ lại như ở tuổi 20. Nata đã trở thành món tráng miệng cao cấp ở Nhật và được xem là có tác dụng ngừa ung thư.
Nước dừa còn có công dụng bảo quản tinh trùng của người và động vật trong trạng thái “sức khỏe dồi dào”, tránh phải đông lạnh gây giảm khả năng thụ tinh.
Các phần khác của cây dừa như vỏ xanh, xơ ở ngoài được dùng rửa vết thương, bỏng, chàm, lở. Vỏ cứng (sọ dừa) đốt thành than cầm tiêu chảy, chống phóng xạ. Cùi non ăn bổ tâm tỳ. Cùi già ép lấy dầu, bó chữa gẫy xương, chế mỹ phẩm. Rễ dừa cầm máu, lợi tiểu và chữa được nhiều chứng bệnh thông thường khác.
Y học truyền thống
Theo Đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam. Một số cách dùng nước dừa chữa bệnh:
* Khản tiếng: Nước dừa non 1 cốc, rau má 8 g. Giã rau má, vắt lấy nước cốt pha với nước dừa uống.
* Kiết lỵ cấp tính: Rau má 50 g, nước dừa tươi một quả. Rửa sạch rau má, giã nhỏ, vắt lấy nước, pha với nước dừa uống. Mỗi ngày một quả.
* Nôn mửa: Nước dừa 2 chén, rượu nho 1 chén, nước gừng 10 giọt trộn đều uống.
* Lợi tiểu giải độc: Nước dừa non có tác dụng lợi tiểu trong các bệnh tim mạch, thận.
* Viêm thận phù nề: Nước dừa, nước rễ cỏ tranh, nước rễ cỏ lau mỗi thứ 30 g. Trộn đều uống.
* Tẩy sán lá: Có tác dụng an toàn và hiệu lực hơn hạt cau. Không cần thuốc tẩy. Buổi sáng chưa ăn, lấy 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cho hết cùi dừa. Sau 3 giờ, ăn uống bình thường (thức ăn lỏng).
Canh dừa khử độc hại của rượu, “bôi trơn” các khớp: Những người thường xuyên uống bia rượu hay đau nhức khớp, hoặc khi hoạt động các khớp có tiếng kêu. Lấy một quả dừa cắt ngang phần trên làm nắp, cho 20 g đậu đen vo sạch vào trong rồi đậy p lại, đặt lên 1 cái đĩa, chưng trong 4 giờ. Sau đó có thể cho ít muối tùy ý để uống canh dừa. Mỗi tháng chỉ cần uống 1-2 lần thì chứng đau khớp sẽ hết, các khớp sẽ hoạt động mềm mại trở lại.
Nước dừa non trị chứng cam (bụng ỏng, đít teo, suy dinh dưỡng) cho trẻ: Nước dừa dùng nấu xôi, luộc gà… làm tăng vị thơm ngon và bổ dưỡng, thích hợp cho người gầy yếu. Người khỏe mạnh, buổi sáng uống 1 quả nước dừa xiêm cũng rất tốt.
Hoại tử ruột do bệnh thương hàn: Dừa tươi một trái, trứng gà 1 quả, gừng tươi 100 g, cam thảo 15 g. Cùi dừa tán nhuyễn với gừng và cam thảo, cho nước dừa và lòng đỏ trứng gà vào, khuấy đều, chưng hơi khô, vắt nước uống. Đây là bài thuốc dân gian Kê khương đường nổi tiếng.
Lưu ý
Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị, cho nên cứ để nguyên quả mà uống, tốt nhất là nên uống ngay tại gốc vừa chặt, tránh thả dừa xuống đất.
Mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa; nếu người đang có bệnh thì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh... Trước khi thi đấu thể thao không nên uống nước dừa. Bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều dễ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa nạo, đá lạnh và uống vào chiều tối
***Trước khi sử dụng những thông tin này, đề nghị liên hệ và nhận sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.
Wikipedia
Comment