Những điều cần hết sức chú ý vào mùa đông
BS Hoàng Xuân Đại nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế khẳng định, dù thời tiết mùa đông có khắc nghiệt đến mấy cũng không được để cho cơ thể "nằm ườn", vì như vậy cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh.
Nếu không thể thực hiện được những bài tập đòi hỏi sự vận động mạnh thì có thể chọn cách vận động nhẹ. Người tập có thể vận động bằng cách chạy nhẹ ở trong nhà, xoa bóp tay chân khi nằm giường hoặc đi bộ trong nhà.
Trời lạnh vừa phải có thể vận động ngoài trời nhưng nên vận động vào buổi chiều có nắng ấm. Không dậy từ sáng sớm tập thể dục vì thời tiết quá lạnh dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bơi lội cũng tốt cho sức khoẻ nhưng phù hợp với những người khoẻ mạnh, trẻ.
Mùa đông phải tránh lạnh đột ngột. Tắm nước lạnh đột ngột, bước ra ngoài mà không mặc áo ấm, mặc đồ phong phanh trong nhà, không đóng kín cửa làm gió độc lùa vào... sẽ là nguyên nhân làm tai biến mạch máu não.
Lạnh đột ngột làm mạch máu co lại, huyết áp tăng lên, cơ thể thay đổi đột ngột làm cho các dây thần kinh chưa kịp thích ứng, sẽ bị phình ra và mạch máu bị nổ, vỡ. Làm chảy máu não, tai biến mạch máu não, có thể dẫn đến liệt không vận động được, méo mồm, lệch mắt.
Vì thế, nếu buộc phải ra ngoài vào thời tiết lạnh thì phải mặc đủ ấm, hoặc nếu phải làm việc trong môi trường lạnh thì phải để cơ thể có thời gian thích nghi dần dần.
BS Nguyễn Văn Phú cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, phải mất 1 - 3 tuần để tạo thói quen tập luyện, tạo cảm giác thích vận động thường xuyên. Vì thế, vào mùa đông, đối với những người bắt đầu quá trình luyện tập nên khởi động việc tập luyện trước mùa đông từ 1 - 3 tuần để tạo thói quen.
Ngoài ra, vào mùa đông nên chọn thời gian tập vào buổi chiều (từ 17 - 21h), thời gian tập luyện có thể kéo dài từ 60 - 120 phút tùy thuộc vào sự thích nghi của từng người. Sau khi tập phải nhanh chóng mặc quần áo ấm.
Theo Bee