Đàn ông hồi xuân
Đàn ông hồi xuân không như phụ nữ, dù có cùng những dấu hiệu nhất định. Trước đây, đàn ông thường hồi xuân ở độ tuổi 47 - 52. Ngày nay, tuổi này kéo dài tới tận 52 - 56, nghĩa là họ có thêm 5 năm "tung hoành" trước khi "gác kiếm".Nói đến hồi xuân, người ta thường nghĩ đến phụ nữ. Có người cho rằng đàn ông lúc nào cũng... xuân nên chẳng cần đến thời kỳ nhạy cảm này. Thật ra, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể trải nghiệm hồi xuân. Nhưng có người đến già vẫn không có ấn tượng về hồi xuân.
Hồi xuân như món quà tạo hoá ban tặng cho con người để "thoả chí tang bồng" trước khi thành... lão. Do đó, tuổi hồi xuân sẽ đem lại nhiều niềm vui, bất ngờ nếu biết tận dụng được các ưu thế và đặc điểm của giai đoạn này.
Khi hồi xuân, người đàn ông có khuynh hướng trẻ lại như thời trai trẻ cả về nhận thức, tình cảm lẫn hành vi, thậm chí cả các nhu cầu. Tuy nhiên, các dấu hiệu của sự hồi xuân ở người đàn ông mang tính tiềm tàng, lắng đọng. Nó không ồn ào, cuồng nhiệt, nông nổi, liều lĩnh như lúc dậy thì nhưng lại bộc lộ một cách mạnh mẽ mà thanh lịch, điệu nghệ mà tha thiết.
Người đàn ông hồi xuân không cố gắng tìm kiếm giá trị bản thân bằng sự khẳng định tài năng hoặc con đường lập dị với thiên hạ mà họ quan tâm đến quyền lực và khả năng quan hệ tình dục. Đặc biệt, nhiều người tỏ ra thích thú và mãn nguyện khi nhận ra họ vẫn "chạy tốt".
Với một người đàn ông, khả năng quan hệ tình dục như một dấu hiệu của sự trẻ trung, cường tráng, tài ba và là một bằng chứng của phái mạnh vẫn đang... mạnh. Do vậy, nhiều người rất lo lắng cho sức khoẻ, thậm chí xuất hiện tâm trạng căng thẳng, hoang mang về tuổi già sắp ập đến.
Ở một góc độ khác, đôi khi, họ tỏ ra tiếc nuối điều gì đó chưa như ý hay một hình ảnh, trạng thái hoặc cảm xúc đã qua và có lúc mong ước, dù là ảo tưởng, sống lại thời sung mãn. Lúc ấy, họ thật sự có nhu cầu sáng tạo và có nhiều động lực để thăng hoa, tìm kiếm các giá trị mới, các giá trị của thời xế bóng.
Họ sợ nhanh già và không chịu bị xem là "quá đát". Việc cố gắng trẻ mãi còn thể hiện qua việc từ chối những sợi tóc bạc; mong chờ, nhìn ngắm, hẹn hò với vợ hoặc một cô nàng đỏng đảnh nào đó, có khi chỉ muốn "hâm nóng" nhiệt tình để được là chính mình một lần nữa.
Trong tư duy hồi xuân, người đàn ông xem người khác như đối tượng để chứng minh lòng hào hiệp. Họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, bênh vực người yếu thế, không phải để được tôn vinh anh hùng như thời trẻ mà để được vuốt ve lòng kiêu hãnh vốn đã tạm lắng xuống trong lúc bươn chải với đời. Không phải quá háo thắng, nhưng người đàn ông có khuynh hướng dấn thân nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn như để "chuộc" lại những năm tháng tưởng chừng chưa đủ của mình.
Lúc hồi xuân, người đàn ông có thói quen lượng giá cuộc đời một cách lạc quan kèm chút phấn khích, yêu đời. Họ thường dễ tha thứ cho lỗi lầm của thuộc cấp, dễ chia sẻ cảm xúc với người thân quen,... Do đó, người đàn ông hồi xuân tỏ ra rất dễ thương, dễ tính và... dễ bảo nữa.
Các điều kiện về đời sống tinh thần, sức khoẻ, kinh tế của con người ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hồi xuân. Người đàn ông hồi xuân mong đợi được chia sẻ cảm xúc, được thông cảm và đồng hành với những người xung quanh. Hồi xuân là một dấu ấn đặc biệt mang đậm tính văn hoá của cá nhân, nhưng là điểm sáng của quá trình phát triển và quá trình làm người của chúng ta.
(Theo Cẩm nang Người tiêu dùng)