Nhức nửa đầu, dùng thuốc như thế nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên nhức nửa đầu như: stress, thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, bỏ bữa ăn, hành kinh, rượu... Một số thức ăn như sôcôla, pho mát thường là các yếu tố làm cơn đau nửa đầu dễ xuất hiện. Ngoài ra việc dùng một số thuốc (các thuốc tránh thai uống) cũng có thể làm tăng tần suất cơn đau.
Hoạt động của tế bào não ở người bị đau nửa đầu.
Khi bị cơn đau nửa đầu, ngoài cảm giác đau đầu người bệnh có thể có các biểu hiện như buồn nôn, nôn. Đối với những cơn nhức nửa đầu thể kinh điển thường có triệu chứng báo trước hoặc đi kèm như rối loạn thị giác (thấy các đường sang nhấp nháy, thấy ảnh bị chia đoạn) hoặc rối loạn cảm giác như đau nhói hoặc thấy tê, mất cảm giác, thậm chí liệt nhẹ nửa người hoặc giảm ý thức. Đối với nhức nửa đầu thể thông thường không có các triệu chứng thoáng báo nhưng lại hay gặp nhất, chiếm 75% các trường hợp nhức nửa đầu. Nếu không được điều trị cơn đau đầu có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ba ngày.
Để phòng ngừa và làm giảm tần suất cơn, người bệnh cần tránh các yếu tố gây nhức đầu (như đã nói ở trên). Điều trị nhức nửa đầu bao gồm điều trị cơn đau cấp và điều trị dự phòng.
Thuốc điều trị cơn đau cấp
- Thuốc giảm đau thông thường
Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, acid acetylsalicylic (aspirin), thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen)... có tác dụng với cơn đau vừa hoặc nhẹ nếu được uống sớm. Cần uống ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau. Đối với aspirin, ibuprofen nên dùng trong hoặc sau bữa ăn. Không tự ý dùng paracetamol giảm đau quá 10 ngày (ở người lớn), 5 ngày (ở trẻ em).
Phần lớn các trường hợp nhức nửa đầu đáp ứng với paracetamol. Trong cơn nhức nửa đầu, nhu động ruột thường giảm, do đó nên dùng thuốc ở dạng sủi để làm tăng hấp thu. Với trẻ em (dưới 16 tuổi) nên dùng paracetamol thay cho aspirin để tránh nguy cơ mắc hội chứng Reye. Tuy nhiên cần lưu ý khi dùng kéo dài thuốc giảm đau cũng có thể dẫn đến nhức đầu do thuốc.
- Ergotamine tertrat
Chỉ dùng ergotamin khi cơn đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường trên và dùng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn. Khi người bệnh không dùng thuốc được theo đường uống hoặc đường uống kém tác dụng có thể dùng thuốc đặt trực tràng.
Khi dùng thuốc người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn (ADR) do thuốc gây ra như buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, chuột rút, đau vùng trước tim, thiếu máu cục bộ cơ tim hay hoại tử ở các đầu chi (do ergotamine gây co mạch ngoại vi mạnh). Do có nhiều tác dụng phụ nên không được dùng thuốc vượt quá liều khuyến nghị để điều trị một cơn đau và khoảng cách giữa các lần điều trị kế tiếp bằng ergotamine phải cách nhau ít nhất là 4 ngày. Không được dùng thuốc này để dự phòng nhức nửa đầu
Đối với người mang thai, cho con bú, trẻ em, người mắc các bệnh mạch ngoại vi, tắc mạch máu và hội chứng Raynaud, tăng huyết áp nặng không được dùng thuốc... Thận trọng với người cao tuổi, nhức đầu tái diễn hàng ngày có biểu hiện phụ thuộc ergotamine; phải ngừng thuốc ngay khi thấy các đầu chi có cảm giác bị kim châm hoặc tê mất cảm giác hoặc đau thắt ngực và phải đi khám.
Thuốc chống nôn
Nếu có buồn nôn và nôn, cần dùng thuốc chống nôn như metoclopramid. Thường dùng thuốc uống. Có thể dùng theo đường trực tràng nếu đường uống kém tác dụng (như thuốc có độ sinh khả dụng thấp theo đường tiêu hóa, không hấp thu được thuốc do nôn) hoặc bệnh nhân không uống thuốc được. Uống ngay khi cơn đau mới bắt đầu, tốt nhất là 10-15 phút trước khi dùng thuốc giảm đau hoặc ergotamine. Như vậy không chỉ làm giảm nôn mà còn có thể phục hồi nhu động dạ dày, làm tăng hấp thu thuốc chống nhức nửa đầu.
Thuốc dự phòng
Đối với các trường hợp: bệnh nhân đã dùng các thuốc giảm đau hoặc bằng ergotamin mà không hiệu quả hoặc bệnh nhân bị đau trên 1 cơn mỗi tháng hoặc cơn đau thưa hơn nhưng nặng hoặc kéo dài hơn cần điều trị dự phòng nhức nửa đầu. Các thuốc điều trị dự phòng có thể dùng là các thuốc chẹn beta giao cảm (propranolon, atenolon...), các thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin hoặc thuốc chẹn calci như verapamin...
Việc điều trị dự phòng không thể chữa dứt điểm được hoàn toàn các cơn nhức nửa đầu mà chỉ có thể làm giảm mức độ nặng và mật độ các cơn đau, do đó vẫn cần bổ sung bằng điều trị triệu chứng khi có cơn đau. Tuy nhiên, không nên điều trị dự phòng kéo dài và cần xem xét lại 6 tháng/lần.
Theo BS. Nguyễn Bích Ngọc (Sức Khỏe & Đời Sống)