5 loại thực phẩm có độc tính
5 loại thực phẩm dưới đây được xem là ngon miệng, thậm chí còn là đặc sản nhưng nếu không biết chế biến, sử dụng thì "lợi bất cập hại", có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
1. Fugu
Fugu là món cá khoái khẩu của người Nhật hay còn gọi là cá nóc (Puffer fish) tên khoa học là Tetraodotiformes hay Plectognathi, thường sống xung quanh các bãi đá san hô ở vùng biển nhiệt đới và có cả những loài cá nước ngọt sinh sống ở vùng gần cửa sông. Loài cá này có mặt trên trái đất khoảng 40 triệu năm, có tới 21 loài có chứa độc và tùy thuộc độ thuần thục về sinh dục mà cá nóc có độc tính cao. Độc tính cao nhất vào các tháng 2, 3 và 7, 9 trong năm, đây là mùa sinh sản của các nóc.
Tại Nhật, món cá nóc được xem là khoái khẩu vì vậy những đầu bếp đảm nhận việc chế biến món ăn này phải được đào tạo bài bản và có giấy phép hành nghề. Nếu chẳng may bị ngộ độc, thì sau khi ăn 20- 180 phút, bệnh nhân bị tê đầu lưỡi, tiếp đến là tê chân tay, kèm theo đau đầu, buồn nôn, đau cánh tay, đi đứng không vững. Nếu nặng có thể nôn ói dữ dội, khó thở, hôn mê, ngừng hô hấp và dẫn đến tử vong sau vài ba giờ. Hiện nay chưa có thuốc giải độc chỉ có thuốc khử độc bằng cách uống than hoạt tính để hấp thụ độc, làm hô hấp nhân tạo và đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
2. Khoai tây
Khoai tây (Potatoes) là thực phẩm rất gần gũi với con người và ngay cả việc xếp khoai tây vào danh mục thực phẩm nguy hiểm cũng là điều làm cho nhiều người ngạc nhiên nhưng kỳ thực có rất nhiều điều cần nói. Đây là loại cây có chứa nhiều độc tố như ở thân, lá và ngay cả trong củ, nhất là khi củ chuyển sang màu xanh.
Sở dĩ có hiện tượng màu xanh là do nồng độ độc tố glycoalkaloid trong củ tăng lên. Hiện tượng ngộ độc khoai tây rất hiếm nhưng nếu xảy ra nó sẽ làm suy yếu cơ thể, gây lẫn lộn về trí nhớ và nếu nặng có thể gây tử vong. Tại Mỹ đã có nhiều trường hợp tử vong do ăn củ khoai tây xanh và uống nước ép từ lá loại cây này.
Có lẽ ít ai ngờ khoai tây cũng bị liệt vào danh sách này
3. Món gỏi bạch tuộc
Người Hàn Quốc gọi đây là món Sankaji hay Sanakji hoe, thường được làm từ loại bạch tuộc còn bé, ăn với các loại rau thơm gia vị, nước chấm nhưng các chi, xúc tu của nó vẫn còn sống và nếu không nhai kỹ nó có thể bám vào miệng, cổ họng gây sốc, đó là chưa kể những loại độc tố chưa được xử lý hết, nhất là độc tố thủy ngân và các tác nhân gây bệnh đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy.
4. Quả anh đào
Quả anh đào (cherries) là loại quả rất phổ biến được nhiều người ưa dùng, có thể ăn trực tiếp, chế biến thành các món ăn, đồ uống khác nhau. Anh đào thuộc họ mận nhưng lại có chứa nhiều độc tố, nhất là trong lá và hạt. Ví dụ, nếu lấy hạt và lá của nó nghiền ra ta có thể triết được những độc tố nguy hiểm, đó là prussic acid (hydrogen cyanide). Trong thực tế chưa có trường hợp chết người vì ăn anh đào nhưng nên nhớ ăn hạt, lá, nhất là chiết xuất của nó có thể dẫn đến tử vong.
5. Nấm
Nấm là món ăn khoái khẩu thông dụng và rất hữu ích cho sức khỏe nhưng hiện tượng ngộ độc nấm cũng thường hay xảy ra. Nhất là nhóm người có thói quen ăn các loại nấm hoang dã, không phân biệt được đâu là nấm độc hoặc đâu là nấm lành ăn được. Dấu hiệu thường gặp là rối loạn tiêu hóa, nôn ói, mệt mỏi, khó thở và nếu nặng có thể gây tử vong. Riêng loại nấm có tên là Psilocybia có thể gây ảo giác, gây ra những chứng bệnh thần kinh nguy hiểm. Để khắc phục, mọi người cần phải có kiến thức tối thiểu về loại thực phẩm này để phân biệt khi sử dụng, khi bị ngộ độc nên đưa ngay đến bệnh viện để xử lý.
Theo Nông nghiệp