9 vật dụng trong nhà chứa nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe
Ngôi nhà lúc nào cũng tiềm ẩn những nguy hiểm với sức khỏe trong những vật dụng bạn vẫn sử dụng hàng ngày. Sau đây là những gì bạn nên biết…
1. Miếng bọt biển trong bếp
Có thể bạn đã từng nghe về những mầm bệnh trên miếng bọt biển trong nhà bếp của bạn: nó có thể chứa tới 20 triệu con vi khuẩn. Kiểu lau chùi bằng cách dùng miếng bọt biển có thể để lại rất nhiều vi khuẩn trên các vật dụng. Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp USDA phát hiện việc dùng miếng bọt biển với nước tẩy trắng, nước chanh hoặc nước thường không thể loại trừ được tất cả các vi khuẩn.
Cách tốt nhất để tẩy sạch miếng bọt biển là đặt chúng vào lò vi sóng ở chế độ high trong khoảng 1 phút, sẽ tiêu diệt được đến 99,9% vi khuẩn.
2. Dùng chung khăn tắm với người khác
Dùng chung khăn tắm với người khác có thể mang lại những tác hại không tốt cho sức khỏe của bạn - là cảnh báo của những chuyên gia vệ sinh. MRSA, một dạng kháng thuốc của khuẩn tụ cầu, còn được biết đến như là một lọai siêu vi khuẩn, có thể truyền trực tiếp qua da khi có sự tiếp xúc và khi dùng chung những đồ dùng cá nhân như khăn tắm.
3. Giường ngủ
Nếu bạn đi du lịch, chắc hẳn bạn sẽ đem về nhà “những vị khách không mời”. Rệp và bọ trên giường ngủ là những sinh vật hút máu nhỏ bé có thể gây nên các căn bệnh như viêm gan B và các bệnh lây qua đường tiếp xúc khác. Theo Trung tâm Bảo vệ Môi trường của Mỹ, rệp và bọ trên giường đang lây lan khá nhanh. Chúng ẩn nấp trong nệm và khung giường, có mặt ở khắp nơi, từ những phòng khách sạn cho tới những phòng trọ bình thường và thường tìm đường chui vào hành lý của khách du lịch, từ đó được mang theo về nhà của họ.
Vì thế, nếu bạn vừa đi du lịch về hoặc gần đây thấy mình có những vết cắn nhỏ trên tay chân, hãy mang vali hành lý ra giặt lại sạch sẽ, dùng bàn chải lông cứng chà lại một lần truớc khi mang đi hấp nóng.
4. Máy tính xách tay của bạn
Tuy là người duy nhất sử dụng nó nhưng liệu bạn có biết chiếc máy tính xách tay của mình có thể dơ tới mức nào? Theo một nghiên cứu của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe thuộc trường đại học Bắc Carolina, bàn phím máy tính luôn chứa một lượng lớn vi khuẩn. Nếu bạn đã biết, trung bình trên bàn cầu vệ sinh có 41 con vi khuẩn/1 inch vuông, thì bàn phím của máy tính cá nhân cũng có đến 21.000 con vi khuẩn/ 1 inch vuông. Chỗ ngồi toilet là nơi thường được chùi rửa, nhưng liệu có ai nghĩ đến việc lau chùi bàn phím laptop thường xuyên?
Cách tốt nhất để giữ cho laptop của bạn được sạch sẽ là lau chùi nhẹ nhàng hằng ngày bằng khăn tay mềm. Có thể sử dụng các loại miếng chùi dùng một lần dành cho máy tính để không làm hư bàn phím.
5. Rèm nhà tắm
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe Môi trường Mỹ, rèm nhà tắm làm từ nhựa PVC có thể có hại cho sức khỏe. Nghiên cứu trên cho thấy, nhựa PVC đã phóng thích các loại chất hóa học nguy hiểm trong phòng tắm. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc những chất hóa học ấy gây độc hại cho con người đến đâu, nhưng cơ quan này vẫn khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc với rèm nhựa trong nhà tắm.
6. Máy giặt
Không ai nghĩ đến chuyện máy giặt lại là nơi có nhiều vi khuẩn, vì máy giặt vốn là nơi quần áo được làm sạch. Tuy nhiên, nếu giặt quần áo với nhiệt độ không cao, máy giặt có thể là nơi lý tưởng cho vi khuẩn phát sinh, đặc biệt là khi bạn sử dụng các máy giặt công cộng. Theo nghiên cứu của đại học Arizona, những loại vi khuẩn như siêu vi A có thể dễ dàng lây từ quần áo lót sang những quần áo khác khi giặt.
Để khắc phục, bạn nên giặt riêng quần áo lót và khăn tắm, cho thêm nước tẩy nếu cần và chỉnh nước nóng đến khỏang 68 độ C (155 độ F) là nhiệt độ có thể tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn.
7. Máy làm ẩm không khí
Máy làm ẩm không khí là môi trường ẩm, thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Nếu máy không được làm sạch thường xuyên sẽ là nơi truyền bệnh đường hô hấp “hiệu quả” nhất.
Nếu bạn thường để máy làm ẩm không khí suốt đêm, hãy làm sạch nó vài lần/tuần bằng dung dịch gồm một phần thuốc tẩy và 19 phần nước. Dùng khăn lau nhẹ máy và để chừng vài phút trước khi lau lại bằng nước sạch.
8. Tay nắm cửa
Hãy nghĩ đến số lượng người tiếp xúc với tay nắm cửa trong một ngày, bạn sẽ dễ hiểu vì sao nơi này cũng nằm trong danh sách không sạch sẽ. Vi khuẩn trên tay nắm cửa có thể tồn tại trong vài ngày và dễ dàng truyền bệnh từ người này sang người khác.
Hãy tập thói quen lau tay nắm cửa thường xuyên bằng miếng khăn có nước khử trùng hoặc những loại bình xịt tẩy rửa. Nếu tay nắm cửa nhà bạn bằng đồng, sẽ giảm bớt được đến 95% các loại vi khuẩn so với các loại tay nắm khác.
9. Lọ muối và tiêu
Lần cuối cùng bạn làm vệ sinh lọ muối và tiêu là khi nào? Những vật dụng nhỏ như thế thường bị bỏ quên trong quá trình nấu nướng và dọn vệ sinh. Bạn có thể dùng tay không lấy muối ướp thịt sống rồi sau đó lại để lọ muối này lên bàn ăn để nêm nếm thêm. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn lây lan từ thức ăn sống sang chín.
Bạn nên làm vệ sinh những vật dụng nhỏ trong nhà bếp thường xuyên. Rửa tay sau khi tiếp xúc với thức ăn sống và trước khi tiếp xúc với thức ăn chín. Nên có 2 lọ gia vị riêng cho bếp và trên bàn ăn.
Theo Nhiên Nguyễn
PNO/glamour.com (aFamily)
PNO/glamour.com (aFamily)