Những món ăn giúp tránh sẹo
Thịt lợn, rau ngót, diếp cá và các loại rau họ cải được Đông y khuyên dùng trong thời gian có vết thương để tránh sẹo xấu.
Theo bác sĩ đông y Trần Văn Thuấn (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), các tổn thương ít nhiều đều để lại sẹo lớn hay nhỏ, có khi là những sẹo bất thường sẹo lồi, lõm, sẹo quá phát, sẹo trắng, sẹo thâm... Sẹo lồi thường do cơ địa hoặc ảnh hưởng di truyền, tỷ lệ tái phát cao sau khi phẫu thuật loại bỏ. Một số trường hợp tuy không thuộc tạng sẹo lồi nhưng do không được mổ tốt hoặc bị sang chấn, nhiễm trùng... cũng dẫn đến sẹo lồi. Sẹo trắng làm mô da bị mất màu. Sẹo thâm là do phản ứng của tế bào sắc tố dưới ánh sáng mặt trời.
Khi bị tổn thương, bạn xử lý vết thương càng sớm bao nhiêu thì càng hạn chế được sẹo bấy nhiều. Không nên ăn rau muống, rau rút... vì dễ để lại sẹo bất thường. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, các bác sĩ cũng khuyên kiêng các loại rau này, cũng không nên dùng rượu, bia. Nên ăn các loạu rau có tính chất mát như rau ngót, các loại rau họ cải, diếp cá... để giúp vết thương chóng liền miệng. Khi da thịt đã tổn thương, cần tránh những món như cơm nếp, thịt gà, đồ cay nóng...
Rau ngót tốt cho quá trình lành vết thương.
Trong dân gian lưu truyền rằng có một số món ăn cần kiêng trong quá trình hình thành sẹo, chẳng hạn món trứng có thể làm vết thương loang lổ như lang ben, thịt bò dễ gây co kéo da, hải sản, da gà hay gây ngứa... Nhưng đó chỉ là sự lưu truyền trong dân gian, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định điều đó. Tốt nhất, khi da thịt bị tổn thương, cần luôn giữ vết thương thông thoáng, khô ráo để chóng liền miệng.
Thịt lợn là món ăn lành nhất. Có thể chế biến thịt lợn thành những món ăn khác nhau cho đỡ ngấy và cung cấp kịp thời dinh dưỡng, giúp cơ thể tự lấy lại sự cân bằng. Các loại rau củ đều có công dụng tốt với các vết thương đang lên da non. Nghệ là món ăn được khuyến khích cho người đang cần tái tạo các tế bào. Diếp cá cung cấp kháng sinh tự nhiên, chống viêm và kháng khuẩn rất tốt.
Những tổn thương nhẹ như mụn trứng cá, các vết đứt tay... thường lành nhanh, phần da phải tái tạo không nhiều, chỉ cần vệ sinh tại chỗ sạch sẽ là được. Sau khi vết thương khô, có thể dùng nghệ tươi bôi trực tiếp lên để thúc đẩy ngay quá trình tái tạo da.
Những vết thương hở, mất da cần được giữ thông thoáng và vệ sinh ngay từ đầu. Khi vết thương bắt đầu se mặt, có thể ép nước cốt nghệ tươi bôi trực tiếp lên khắp bề mặt. Khi vết thương đóng vảy, đặc biệt là lúc lên da non gây ngứa, cố tránh gãi vì sự bong vảy vết thương vì có thể gây nhiễm trùng và sẹo lớn, lâu lành hơn.
Theo Giadinh