Bị đau ngực kèm theo ho, phải làm gì?
Ho khan khi gặp cảm lạnh, hút thuốc nhiều. Ho kèm theo thở rít thường gặp ở người bị hen suyễn, bệnh tim. Ho ra máu có thể là dấu hiệu lao, ung thư phổi... Khi ho kéo dài, có kèm theo máu, mủ hoặc đàm... bạn phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa phổi.
Ho là phản ứng của cơ thể để đẩy đàm và các mầm bệnh từ trong họng, khí phế quản hay phổi ra ngoài. Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều loại bệnh .
1. Có nhiều kiểu ho:
Ho khan: Gặp khi bị cảm lạnh, cúm, hút thuốc.
Ho có nhiều hoặc ít đờm: Gặp trong viêm phế quản, viêm phổi…
Ho có kèm thở rít hoặc khó thở: Gặp ở người bị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim…
Ho dai dẳng: Gặp ở người bị lao, viêm phế quản mạn, khí phế thũng, hút thuốc, công nhân mỏ…
Ho ra máu: Lao, ung thư phổi …
Vì vậy khi ho kéo dài, ho ra máu, ra mủ hoặc có đàm kèm khó thở liên tục thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa phổi.
2. Cơ chế gây đau ngực:
Cảm thụ đau: Đau do cảm thụ thần kinh hay gặp nhất trong phần lớn các chứng đau cấp tính (chấn thương, nhiễm trùng, thoái hóa...). Đau có thể tăng khi hoạt động thể lực hay đau nhiều về đêm...
Đau do bệnh thần kinh: Trong trường hợp này, đau do nguyên nhân bệnh thần kinh trung ương hay ngoại vi. Ngoài ra, trong lâm sàng còn thường gặp chứng đau hỗn hợp bao gồm cả hai cơ chế nói trên.
Đau do căn nguyên tâm lý: Đau do căn nguyên tâm lý có đặc điểm là đau bản thể hay của nội tạng do bị ám ảnh nhiều hơn là đau thực thụ, với sự mô tả thường là không rõ ràng hoặc luôn thay đổi và thường lan tỏa.
Đau chỉ mất đi khi người bệnh tập trung chú ý một vấn đề gì đó. Thuốc chống đau không có tác dụng với loại đau này.
3. Các nguyên nhân chính gây đau ngực là gì?
Đau ngực trong các bệnh về hô hấp: viêm phổi, viêm dày dính màng phổi, tràn dịch màng phổi do lao hoặc do các vi khuẩn khác, tràn khí màng phổi, thuyên tắc mạch phổi, ung thư phế quản phổi.
Đau thắt khi gắng sức và giảm đi sau nghỉ ngơi: Nguyên nhân có thể ở động mạch vành, nhồi máu cơ tim.
Đau ngực có thể gặp trong loét thực quản (bệnh trào ngược dạ dày - thực quản) thường đau rát sau xương ức.
Đau thần kinh liên sườn: Thường gặp ở phụ nữ sau nhiễm lạnh. Đau tăng khi ho, hắt hơi, đau tăng khi ấn dọc bờ dưới của xương sườn liên quan.
Đau tức ngực trong viêm dạ dày cấp, thường bệnh nhân có thêm triệu chứng đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, đau rát vùng thượng vị sau ăn…
4. Khi bị đau ngực kèm theo ho, phải làm gì ?
Đau ngực kèm theo ho khiến ta nghĩ nhiều đến bệnh phổi, tuy nhiên cũng không bỏ qua một số nguyên nhân khác kể trên. Vì vậy cần phải thực hiện một số khám nghiệm để loại trừ những nguyên nhân khác gây đau ngực không do phổi.
- Chụp X quang ngực là cần thiết và phải thực hiện đầu tiên.
- Điện tâm đồ.
- Soi dạ dày.
- CT scan ngực.
- Soi phế quản.
Các xét nghiệm thường quy khác như: Đường huyết, công thức máu, tốc độ lắng máu, vi trùng lao trong đàm…
5. Xử trí khi bị đau ngực
Tùy vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ chuyên khoa phổi sẽ có hướng xử trí thích hợp: Kháng viêm giảm đau, kháng sinh, kháng lao. Nếu là tràn khí màng phổi phải nhập viện để được đặt ống dẫn lưu màng phổi.
Nếu là ung thư phổi giai đoạn sớm chưa di căn thì phải phẫu thuật, nếu trễ hơn thì truyền hóa chất trị ung thư. Các trường hợp đau tức ngực do viêm loét dạ dày hay đau rát sau xương ức trong hội chứng trào ngược sẽ được chuyển điều trị đúng chuyên khoa.
6. Phòng tránh
Giữ ấm, tránh lạnh: hạn chế uống nước đá, tránh bớt máy lạnh, quạt máy. Cần tránh bụi, khói: thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường. Bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với người hút thuốc lá. Không thức khuya, không làm việc quá sức, sinh hoạt điều độ, tránh các căng thẳng thần kinh quá mức cũng như lao động quá sức, nên ngủ đủ giấc, thư giãn để giải tỏa các stress
Chú ý dinh dưỡng đầy đủ, ăn những thức ăn dễ tiêu, tránh đói quá hoặc ăn no quá mức, tránh ăn gia vị cay nóng.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Thu Ba (bee.net.vn)