Động vật hữu ích bậc nhất trong y học hiện đại
Từ những con vật hiền lành như ếch, cho tới những loài vật gớm ghiếc như thằn lằn sấm, hay những con vật đáng sợ như nhện, đỉa... Các nhà khoa học khẳng định, chúng không chỉ đơn thuần là những loài động vật làm phong phú thêm cho giới tự nhiên, mà còn là những loài vật hữu ích trong các ứng dụng y học và nghiên cứu dược liệu điều trị bệnh cho con người. Trong số đó, phải kể đến:
Con ếch.
Loài ếch và triển vọng điều chế thuốc kháng sinh
Phát hiện của nhà khoa học Alexander Fleming vào năm 1929 với sự ra đời của thuốc penicillin được xem là một thành tựu quan trọng đánh dấu một kỷ nguyên mới trong y học. Và thuốc kháng sinh ngày càng trở nên hữu ích trong việc bảo vệ con người chống lại các bệnh nhiễm khuẩn từng làm chết bao nhiêu người, như viêm phổi, sốt rét, các bệnh truyền nhiễm... Tuy nhiên, trong thế giới động vật, khả năng kháng khuẩn này thực tế đã tồn tại một cách tự nhiên từ rất lâu. Và loài vật đầu tiên được phát hiện có khả năng tự sản sinh ra kháng sinh là ếch. Trong một nghiên cứu về loại động vật lưỡng cư này từ năm 1980, một nhà khoa học là Zasloff tình cờ phát hiện ra rằng: tại các vết xước trên phần da bụng của ếch cái tập trung một thành phần có khả năng chống nhiễm khuẩn rất hiệu quả. Đó chính là một lượng kháng sinh mạnh có tên antimicrobial peptides.
Loài rắn giáo Brazil
Rắn giáo Brazil.
Loài rắn này còn có tên gọi là rắn độc có đầu hình mũi tên (arrowhead viper), sống chủ yếu ở các khu vực rừng rậm của Brazil và một số nước nhiệt đới. Độc tố của loài rắn này được sử dụng như một loại thuốc chữa trị chứng tăng huyết áp và trụy tim do sung huyết. Các nhà khoa học đã tách các phân tử có tên gọi bradykinin trong nọc độc của loài rắn này để nghiên cứu, và họ phát hiện ra rằng: chính thành phần này giúp kiềm chế các enzym ACE (enzym ACE có tác dụng chuyển hoá các angiotesis đồng thời chính là yếu tố gây ra hiện tượng giãn mạch máu, từ đó giảm được nguy cơ tăng huyết áp).
Bradykinin hiện đang được sử dụng để phát triển loại thuốc điều trị chứng tăng huyết áp và các chứng bệnh về tim mạch khác có tên gọi captopril.
Loài thằn lằn Gila
Loài thằn lằn Gila.
Loài thằn lằn Gila sống đơn độc trên các vùng hoang mạc phía Tây Nam nước Mỹ và Bắc Mexico là một trong hai loại thằn lằn có độc duy nhất trên trái đất. Tuy nhiên, điều độc đáo của loài vật này là khả năng điều khiển các bộ phận chức năng trong cơ thể một cách kỳ lạ. Vào mùa đông, để giữ năng lượng, chúng tự điều khiển cho các cơ quan như ruột, tuyến tụy... giảm hoạt động một cách đáng kể. Khi mùa xuân đến, nọc độc trong cơ thể chúng giải phóng ra các hormon giúp kích thích trở lại các cơ quan hoạt động bình thường.
Năm 2005, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra thị trường loại thuốc điều trị đái tháo đường với chiết xuất thành phần Enxendin – 4 từ nọc của loài thằn lằn Gila. Ngoài ra, loại thuốc này còn giúp làm giảm quá trình tiêu hóa của đường ruột, làm giảm cảm giác thèm ăn và giúp bệnh nhân béo phì giảm được cân nặng.
Con giòi
Là loài vật chủ yếu sống bằng thức ăn là các loại thịt thối, các phần thịt đã bị chết, giòi được các bác sĩ sử dụng để loại bỏ những khối u bị bệnh hoặc các vùng thịt bị hoại tử ở bệnh nhân. Với sự ra đời của nhiều loại thuốc kháng sinh, việc sử dụng giòi đã bị lãng quên. Tuy nhiên, để đối phó với nhiều loại vi khuẩn dễ bị đột biến, và các loại vi khuẩn kháng thuốc, giòi lại được sử dụng trở lại. Chúng được ví như các bác sĩ phẫu thuật tí hon trong y học hiện đại. Các “bác sĩ giòi” giúp làm sạch toàn bộ các vết thương một cách hiệu quả và khá triệt để.
Dê - nhện
Thực chất đây là loài dê biến đổi gen, với khả năng đặc biệt có thể sản sinh ra loại sữa tơ giống như tơ nhện. Loại sữa tơ này được sử dụng chủ yếu trong các ca phẫu thuật, và sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân bị đứt gân, hoặc đứt dây chằng do tai nạn. Ngoài ra, do độ bền, loại tơ nhân tạo này cũng được sử dụng làm vật liệu chế tạo áo chống đạn, dây dù...
Ốc nón
Ốc nón.
Ốc nón (cone snail) được biết đến là một trong những loại ốc có chất độc duy nhất có thể dẫn đến chết người. Tuy nhiên, loại độc tố này với một liều lượng vừa phải lại có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc điều trị một số loại bệnh.
Tại một trường đại học của Phillipines, vào năm 1970, TS. Olivera và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu về loài ốc nón. Trong chất độc của ốc nón có chứa tới 150 - 200 thành phần hóa học khác nhau của hàng loạt loại ốc khác nhau.
Vào năm 2004, FDA công bố về loại thuốc giảm đau có tên gọi ziconotid chiết suất từ protein conopeptid có trong chất độc của loài ốc nón. Ngoài ra, những thành phần này còn được sử dụng để sản xuất một số loại thuốc đặc trị các chứng đau thần kinh, bệnh tim và chứng đột quỵ...
Cá hồi bạc
Cá hồi bạc.
Rắn đuôi chuông
Là một trong những loài rắn độc nhất, chỉ một lượng nhỏ nọc độc của rắn đuôi chuông có thể giết chết con mồi trong chưa đầy một phút. Tuy nhiên, loại nọc độc này lại có thể được sử dụng để điều chế một số loại thuốc, chẳng hạn như eptifibatid - loại thuốc chống lại hiện tượng máu bị vón cục trong các mạch máu. Eptifibatid được dùng điều trị các bệnh phổ biến như bệnh tim, chứng tắc nghẽn mạch máu do hiện tượng máu vón cục, hay nguy cơ đột quỵ và các cơn đau tim đột ngột.
Sam biển
Máu của loài sam biển là một trong những nguồn điều chế vaccin và kháng sinh phổ biến hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Các nhà khoa học phát hiện ra ích lợi của máu loài sam biển sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học về khả năng tự chữa lành các vết thương và nhiễm trùng của loài vật này. Thực chất trong máu của chúng chứa một loại protein có tên gọi lumulus amebocyte lysate (LAL) có khả năng kháng lại tất cả các loại vi sinh vật và phát hiện các nội độc tố nguy hiểm có thể gây sốt hoặc tử vong cho người bệnh. Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho biết: trong hàng triệu năm, loài sam biển luôn sống trong điều kiện khắc nghiệt, tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn, do đó chúng tự phát triển hệ miễn dịch hoàn thiện cho mình. Điều này thấy rõ vì trong máu của chúng có chứa các thành phần giúp ngăn chặn vi khuẩn rất hiệu quả.
Hoài Anh (Theo The Sun, 12/6/2009) (SK&DS)