Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tiền liệt tuyến (KTLT) không chỉ làm giảm 9 năm tuổi thọ trung bình của người bệnh mà còn làm suy giảm chất lượng sống của họ do những biến chứng kéo theo. Trong trường hợp phát hiện muộn, người bệnh có khả năng liệt 2 chân do di căn xương sống, tắc đường tiểu, suy thận do xâm lấn tại chỗ...
Chưa rõ nguyên nhân gây bệnh
Tiền liệt tuyến là tuyến bao quanh đoạn đầu của niệu đạo. Ở nam giới còn trẻ, kích thước tiền liệt tuyến bằng như quả óc chó. Tuy nhiên tiền liệt tuyến lớn lên theo tuổi. Hiện tượng này được gọi là phì đại tiền liệt tuyến lành tính, có thể gây chèn ép bàng quang hay niệu đạo, gây tiểu khó, tiểu lâu, lắt nhắt, tiểu phải rặn, đặc biệt về ban đêm, KTLT thường phát triển chậm và kéo dài trong nhiều năm, có rất ít hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi đã tiến triển, khối u lớn lên và xâm lấn sang các vùng khác của cơ thể như xương, phổi, gan...
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Ảnh minh họa)
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân gây KTLT. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: lớn tuổi, di truyền, nội tiết tố, độc chất trong môi trường, hóa chất và các sản phẩm công nghiệp... Dạng ung thư này rất hiếm gặp ở người dưới 40 tuổi, nhưng thường gặp ở đàn ông trên 80 tuổi (khoảng 50 - 80%). Di truyền cũng là yếu tố nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến. Chế độ ăn nhiều mỡ sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến. Tất cả những chất hay độc tố trong môi trường hay từ chất thải của ngành công nghiệp nặng, khói thuốc có thể khởi phát ung thư tiền liệt tuyến.
Triệu chứng xuất hiện muộn
Vào giai đoạn sớm, ung thư tiền liệt tuyến thường không có triệu chứng. KTLT thường được phát hiện đầu tiên bởi những bất thường trong xét nghiệm máu (xét nghiệm chất PSA) hoặc sờ thấy một khối cứng ở tiền liệt tuyến thông qua thăm khám qua trực tràng. Khi khối ung thư lớn gây chèn ép vào niệu đạo làm cho người bệnh khó đi tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu rát, tiểu ra máu. Nặng hơn có thể gây bí tiểu hoàn toàn, làm cho người bệnh đau vùng bụng dưới, bàng quang càng to vì không thể đi tiểu được. Về sau, khối ung thư xâm lấn sang các cơ quan lân cận, hay có thể lan xa hơn đến các vùng khác của cơ thể. KTLT di căn đến các đốt sống thắt lưng hay xương chậu gây đau lưng hay đau vùng chậu. Di căn đến gan gây đau bụng và vàng da. Di căn đến phổi gay đau ngực và ho.
Tầm soát bệnh sớm
Tầm soát KTLT là cách tốt nhất để phát hiện ung thư giai đoạn sớm. Các thăm khám tầm soát này bao gồm khám tiền liệt tuyến bằng tay qua hậu môn để phát hiện những bất thường như khối cứng, bờ không đều và do chất PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến) trong máu.
Xét nghiệm PSA là xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và tương đối chính xác. Những người bị ung thư tiền liệt tuyến có lượng PSA cao hơn so với những người không bị bệnh ung thư. Vì vậy, bác sĩ thường khuyên những người đàn ông trên 40 tuổi nên đi làm xét nghiệm PSA mỗi năm một lần để phát hiện sớm bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Kết quả PSA trong máu thấp hơn 4 nanogram/ml thường được xem là bình thường. PSA từ 4 - 10 nanogram/ml được coi như là giới hạn (Giới hạn này được giải thích trong bối cảnh tuổi tác người bệnh, triệu chứng, dấu hiệu, tiền sử gia đình và sự thay đổi PSA theo thời gian). Nếu kết quả trên 10 nanogram/ml được coi như là bất thường, có khả năng bị KTLT. Giá trị PSA càng cao thì càng có khả năng bị KTLT và khối u có khả năng đã di căn.
Tuy nhiên, có một số bệnh lý khác cũng khiến PSA tăng giả tạo. Chẳng hạn như u xơ tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến do bất kỳ nguyên nhân gì đều có thể làm gia tăng lượng PSA trong máu. Ngoài ra, việc khám tiền liệt tuyến bằng tay qua hậu môn hoặc xuất tinh trong vòng 48 giờ đôi khi có thể làm tăng lượng PSA. Mức tăng giả thường chỉ vào khoảng 4 - 10 nanogram/ml nhưng cũng có thể tăng cao đến 25 - 30 nanogram/ml.
Một khi khám bằng tay hoặc kết quả xét nghiệm PSA có bất thường, thì sinh thiết tiền liệt tuyến thường được khuyến cáo. Khi đã chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến dựa vào mô sinh thiết, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn ung thư theo thang Gleason. Từ 2 - 4 điểm, được coi như là khối u phát triển chậm, 5 - 6 điểm là trung gian, từ 7 - 10 điểm coi như nguy cơ cao, ung thư phát triển nhanh, tiên lượng xấu (tử vong). Các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, người có điểm Gleason 2 - 4 sẽ ít nguy cơ bị chết vì ung thư tiền liệt tuyến (4 - 7%) trong 15 năm. Còn người có điểm 8 - 10 sẽ có nguy cơ cao (60 - 87%) chết do ung thư tiền liệt tuyến trong vòng 15 năm.
Điều trị và phòng bệnh
Tùy vào từng giai đoạn ung thư mà các bác sĩ sẽ có phương hướng điều trị khác nhau. Nhìn chung, với khối ung thư khu trú tại chỗ, điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hormone liệu pháp, đông lạnh và các biện pháp này có thể kết hợp với nhau. Các trường hợp ung thư tiền liệt tuyến đã di căn thường không điều trị được. Lúc này, các phương pháp điều trị chỉ mang tính tạm thời, ngăn sự phát triển của khối u, giảm triệu chứng cho người bệnh. Nhưng theo các chuyên gia y tế, các phương pháp điều trị đều có những tác dụng phụ. Với phương pháp phẫu thuật (loại bỏ toàn bộ tiền liệt tuyến) thì gây liệt dương cho khoảng 30 - 70% bệnh nhân. Liệu pháp hormone ngoài việc loại bỏ toàn bộ nguồn sản xuất hormone nam tính còn dùng thuốc ức chế sự sản xuất hormone này ở não khiến người bệnh sau điều trị bất lực hoàn toàn.
Vì vậy, hiện nay chỉ có thể hy vọng phòng ngừa tiến trình của ung thư bằng cách chẩn đoán sớm và sau đó nỗ lực điều trị bệnh. Lời khuyên là, nam giới từ 40 tuổi trở lên nên đi tầm soát KTLT mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị sớm những tổn thương còn nhỏ, thậm chí ở mức độ vi thể (chỉ thấy trên kính hiển vi) của tuyến tiền liệt. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn đề nghị một vài chế độ ăn có khả năng phòng ngừa ung thư TLT, ví dụ như ăn ít chất béo, tránh ăn các loại thịt "đỏ" như thịt bò, để làm chậm quá trình ung thư (?!).
Những sản phẩm từ đậu nành có tác dụng làm giảm lượng testosterone trong máu, cũng có khả năng làm chậm sự phát triển của ung thư TLT. Một số nghiên cứu khác cho thấy cà chua với vitamin E, selenium, cũng có tác dụng tương tự.
***Yếu tố rủi ro gây bệnh ung thư tuyến tiền liệt
1. Nam giới sau 50 tuổi rất dễ bị ung thư tuyến tiền liệt.
2. Chủng tộc. Đàn ông châu Phi, châu Mỹ có tỉ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và chết vì bệnh ung thư này cao.
3. Lịch sử gia đình: khi bất kỳ ai có người thân mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, thì những người nam còn lại trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh cao.
4. Chế độ ăn nhiều chất béo động vật.
5. Những người trải qua phẫu thuật cắt ống dẫn tinh.
6. Kích thích tố sinh dục nam cao quá mức tự nhiên sẽ kích thích sự phát triển của tuyến ung thư.
7. Những người mà điều kiện làm việc tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ.
8. Hoạt động tình dục nhiều cũng có thể gây ra KTLT, tuy nhiên vấn đề này còn đang gây nhiều tranh cãi.
9. Phì đại tiền liệt tuyến cũng góp phần trong KTLT.
10. Thiếu sinh tố D.
*** Những dấu hiệu bệnh ung thư tuyến tiền liệt không thể phớt lờ
1. Đau nhức vô cớ vùng xương chậu gây khó khăn cho việc đi lại.
2. Lúc bắt đầu, tiểu khó hoặc tiểu són.
3. Cảm thấy buốt trong lúc đi tiểu.
4. Dòng nước tiểu yếu ớt, đứt quãng.
5. Cảm thấy bóng đái căng ứ sau khi vừa tiểu xong.
6. Thức dậy thường xuyên trong đêm để đi tiểu.
7. Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch.
8. Đau đớn khi xuất tinh hoặc không thể xuất tinh.
9. Đau đớn hoặc cứng đơ vùng dướt thắt lưng, hông và đùi dưới.
10. Sụt cân mà nguyên nhân không phải vì thay đổi chế độ ăn uống.
11. Nhức xương dai dẳng đặc biệt phần hông và lưng.
Theo Thùy Chi (Tiêu Dùng)