Cao huyết áp không nên ăn cua biển
Do trong cua biển có nhiều natri và purin nên những người bị cao huyết áp và mắc bệnh gut không nên dùng
Trong 100g thịt cua biển tươi có 72,2g nước, 17,5g protid, 0,6g lipid, 7g glucid, 141mg canxi, 191mg photpho, 3,8mg sắt, nhiều natri, magiee, axit béo omega 3 và các vitaminA,B1, B2, PP, C… Chú ý phải ăn cua biển còn sống, khỏe mạnh. Cua biển mua về phải chế biến ngay lúc còn tươi, nếu để cua chết, chất đạm trong cua bị thối hỏng, sinh ra những chất độc, ăn không những mất hết hương vị mà còn có thể bị ngộ độc nguy hiểm.
Ngoài ra có một số người cứ ăn cua biển là bị dị ứng, nổi mày đay từng vùng hoặc khắp người, rất ngứa, người nôn nao khó chịu. Đây là những người có thể tạng đặc biệt không hợp với cua biển, tốt nhất là tránh dùng cua biển và tất cả những món ăn có loại hải sản này.
Theo Đông y, thịt cua biển có vị ngọt, mặn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, sinh huyết, tán ứ, giảm đau, bổ xương tủy nên rất tốt cho cơ thể đang phát triển của trẻ em và lứa tuổi vị thành niên, cũng như tình trạng cơ thể suy yếu của người cao tuổi.
Dưới đây là một số món ăn đồng thời là bài thuốc dùng cua biển chữa bệnh:
- Thịt cua biển nấu với Hoài Sơn, ý dĩ, sâm bố chính, hạt sen là món ăn-bài thuốc rất thích hợp với những người nóng trong, kém ăn, đái rắt.
- Cua biển làm sạch, ngâm với rượu 5-10 phút, vớt ra, luộc ăn hàng ngày là bài thuốc tăng cường khí huyết, sinh lực, chữa chứng liệt dương, suy yếu của nam giới.
- Mang cua biển (lớp xốp hình vảy dài, phủ lên mình cua, nằm dưới mai) được dùng làm thuốc chữa trẻ em đái dầm.
Cách làm đơn giản như sau:
Gỡ mang cua biển ra, rửa sạch, lấy 20-30g luộc chín cho trẻ em ăn đều đặn hàng ngày (từ 15-30g) một thời gian sẽ hết đái dầm.
Theo Khoa học và đời sống