Ăn nhiều ớt, sinh nhiều chứng bệnh
Dù ớt là loại gia vị được ưa thích, có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng chữa bệnh, nhưng ăn quá nhiều ớt sẽ không có lợi cho sức khoẻ. Thậm chí, các chuyên gia y tế còn khuyên một số người không nên ăn ớt.
Giá trị dinh dưỡng cao
Thầy thuốc Đỗ Hữu Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, ớt có vị cay, nóng, có tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, giảm đau. Ớt cũng thường được dùng để chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp...
Y học hiện đại cũng đã chứng minh trong 100g ớt tươi chứa tới 144 mg vitamin C, đứng đầu trong các loại rau tươi. Ngoài ra, ớt còn rất phong phú các chất sắt, canxi, phốt pho, vitamin nhóm B và chất beta- caroten - một trong những chất chống ôxy hóa có tác dụng chống cảm mạo, phong hàn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, trong quả ớt có chứa hoạt chất capsaicin có tác dụng kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, có đặc tính như thuốc giảm đau, đặc biệt có ích cho những bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính và các bệnh ung thư.
Các nghiên cứu khác ở Pháp còn phát hiện, ớt cay không những hữu dụng đối với người bị phong hàn, mà còn hiệu quả trong việc giảm lượng cholesterol trong máu. Ăn ớt cay còn có thể đẩy nhanh sự trao đổi chất, thúc đẩy bài tiết hormone nên cũng có tác dụng làm đẹp da.
Ngoài ra, ớt còn giúp ngăn ngừa bệnh tim do chứa một số hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng đông vón tiểu cầu dễ gây tai biến tim mạch. Ớt còn có tác dụng ngăn ngừa tình trạng huyết áp tăng cao.
Sinh nhiều chứng bệnh
Tuy mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh, nhưng thầy thuốc Đỗ Hữu Trung cho biết ăn quá cay hoặc ăn cay thường xuyên đều không tốt cho sức khoẻ.
Theo thầy thuốc Đỗ Hữu Trung, thường xuyên ăn các đồ ăn cay trong một thời gian có thể bị viêm dạ dày, tiếp đó có thể bị loét dạ dày. Khi bị bệnh dạ dày thì nên kiêng ăn ớt. Nguyên nhân là do bề mặt dạ dày những người mắc bệnh bị thương tổn nặng vì tình trạng viêm nhiễm, lở loét nên khi ăn cay, dạ dày chịu sự kích thích đột ngột của chất cay sẽ co bóp dữ dội, gây ra hiện tượng đau bụng, đi ngoài.
Thường xuyên ăn cay sẽ khiến vị giác tiếp nhận quá nhiều kích thích, có thể dẫn tới mất khả năng cảm nhận vị giác. Ăn cay cũng khiến con người khó ngủ, đặc biệt là người già. Vì khi ăn xong các đồ ăn chua cay, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ. Vì thế, tốt nhất là không nên ăn các chất cay vào buổi tối.
Sử dụng đúng cách, ớt là gia vị ngon, phương thuốc hay.
Theo bác sĩ Đỗ Thu Huyền, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Huyền Hương (Hà Nội), những người mắc bệnh huyết áp, lao phổi thì không nên ăn ớt. Bởi chất cay sẽ kích thích tuần hoàn máu, khiến tim đập nhanh hơn, tạo nên gánh nặng cho tim mạch. Ăn quá nhiều chất cay trong một khoảng thời gian ngắn có thể làm tim bị bầm dập do sức nóng trong chất cay tỏa ra, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi chúng ta ăn nhiều chất cay sẽ làm cho dịch tiêu hoá trong dạ dày tiết ra ồ ạt, khiến túi mật phải tăng công suất hoạt động, dịch mật tiết ra khó khăn nên dễ gây ra viêm túi mật, sỏi mật. Ăn quá nhiều chất cay còn gây hại cho thận, vì chất cay có thể gây tổn thương những tế bào trong thận, làm suy yếu hoạt động của thận. Do vậy, bác sĩ Hương khuyến cáo những người mắc bệnh liên quan đến túi mật, thận thì tuyệt đối không nên ăn ớt cay.
Theo thầy thuốc Đỗ Hữu Trung, do tính chất “hoả” của ớt nên những người bị đau mắt nên kiêng ớt cay. Sản phụ hay phụ nữ đang cho con bú không nên ăn ớt, vì ảnh hưởng đến thai nhi cũng như chất lượng sữa cho bé. Những người hay mắc chứng khô cổ họng, miệng đắng, phiền muộn, dễ nổi cáu, đều không nên ăn ớt.
***Dù là một gia vị kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng, tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyến cáo chúng ta không nên ăn quá nhiều cay. Các bệnh ung thư dễ gặp như thực quản, ung thư dạ dày đều có một phần “đóng góp” của việc ăn quá nhiều cay. Bác sĩ Hương cho rằng, trong chế biến thực phẩm nên cho ớt ở mức vừa phải. Nếu ăn ớt theo kiểu cách nhật là tốt nhất. Không nên ăn cay với liều lượng quá nhiều hoặc ăn vào buổi tối.
Thùy Như (Theo giadinhnet)