Khi nào nên uống thuốc ngủ?
Giấc ngủ tự nhiên bảo tồn năng lượng, còn giấc ngủ do thuốc tiêu phí năng lượng. Sau giấc ngủ tự nhiên, các cơ bắp khỏe hơn, ý chí được tăng cường; còn sau giấc ngủ do thuốc, các cơ yếu và run, ý chí bị cùn mòn đi.
Nếu chỉ mất ngủ 1-2 đêm, việc uống thuốc ngủ có thể giải quyết tốt tình trạng này. Khi bị sang chấn tinh thần nặng nề hoặc căng thẳng, thuốc ngủ có thể thích hợp trong một thời gian ngắn nhằm giúp chúng ta vượt qua stress và tránh các hậu quả về tâm lý sau một đêm không ngủ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải là giải pháp thích hợp để điều chỉnh các rối loạn của giấc ngủ hoặc chữa trị mất ngủ.
Thuốc gây ngủ là thuốc hoặc một chất có khả năng gây ngủ được cho người. Thường thì không có một hiện tượng đặc hiệu về tính chất gây ngủ, vì với một số chất (như barbituric chẳng hạn) nếu dùng với liều tăng dần thì người ta có thể nhận thấy tuần tự các tác dụng: cảm giác êm dịu, có giấc ngủ ít nhiều gần như giấc ngủ sinh lý; có thể có tình trạng tê mê, rồi hôn mê, suy giảm hô hấp nặng dần và thậm chí có xảy ra tử vong.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc ngủ:
- Ở phụ nữ có thai, không khẳng định được là thuốc gây ngủ không có tai biến gây quái thai mặc dù tai biến này chỉ có tỷ lệ rất thấp. Ở trẻ em, người già và những người bị suy hô hấp, một giấc ngủ rất sâu sẽ làm tăng thêm tình trạng không thở được và dễ bị chứng tăng carbon dyoxit huyết.
- Người bị chứng nhược cơ (myasthenia) không được dùng thuốc gây ngủ loại benzodiazepin.
- Sử dụng thuốc gây ngủ thời gian dài sẽ có ảnh hưởng tới khả năng tinh tế, ứng xử nghề nghiệp, vì vậy dễ gây tai nạn trong lao động nghề nghiệp.
- Không dùng thuốc ngủ sau khi uống rượu.
- Nói chung, đối với thuốc gây ngủ, phải hết sức cẩn thận. Khi mất ngủ, phải khám bệnh để biết nguyên nhân. Thuốc gây ngủ chỉ có tác dụng chữa triệu chứng. Việc dùng thuốc dễ dãi kéo dài dễ gây quen thuốc rồi bị nghiện thuốc, rất có hại.
Nếu cần sử dụng thuốc gây ngủ thì phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc, không bao giờ tự dùng hoặc dùng lại đơn thuốc ngủ mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Theo Sức khỏe & Đời sống