Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Vài điều cần biết về bệnh thiếu vitamin A

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vài điều cần biết về bệnh thiếu vitamin A

    [grade="00008B FF6347 008000 4B0082 FF1493"]

    Thiếu vitamin A là một bệnh phổ biến và nghiêm trọng, bởi vì đã tăng tỷ lệ tử vong và gây mù mắt ở cả người lớn lẫn trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 6 triệu trẻ em bị thiếu vitamin A, khoảng 10% trong số đó bị mù mắt. Vì vậy, trước đây, tại New Dehli - thủ đô Ấn Độ, WHO đã triệu tập hội nghị quốc tế về “mù dinh dưỡng” và phát động chương trình phòng chống bệnh thiếu vitamin A, nhất là ở các nước đang phát triển.

    Nguồn cung cấp vitamin A

    Vitamin A được cung cấp từ thức ăn động vật (thịt, trứng, cá, sữa, gan...) dưới dạng rétinol, thức ăn thực vật (rau, đậu hoặc trái cây có màu xanh, vàng, đỏ) dưới dạng beta-carotène. Sau khi vào ruột, vitamin A được hòa tan trong chất béo và được hấp thu dưới dạng rétinol. Còn beta- carotène có độ hấp thu kém hơn 6 lần rétinol. Do đó, ở các nước thiếu thức ăn từ nguồn động vật trong bữa ăn, thường có tỷ lệ bệnh thiếu vitamin A cao.

    Ngoài ra, lượng vitamin A trong thức ăn của đa số các nước đang phát triển thường thấp vì thiếu cân đối các đạm, đường, mỡ. Do đời sống kinh tế thấp, người dân chủ yếu no chất bột và thiếu thức ăn, nhất là các loại từ nguồn động vật. Sự mất cân đối này rất trầm trọng ở trẻ em:

    * Dưới 6 tháng do thiếu sữa, nhất là sữa mẹ.

    * Từ 6 tháng đến 3 tuổi do chế độ ăn giặm không đúng cách gây thiếu đạm, mỡ, rau, trái cây...

    Chuyển hóa vitamin A

    Từ ruột, vitamin A được hấp thu vào máu dưới dạng rétinol: 40% được đưa đến các tổ chức để sử dụng và 60% được dự trữ ở gan dưới dạng palmitate rétinol.

    Gan dự trữ 90% vitamin A của cơ thể và sẵn sàng cung cấp vào máu, để giữ mức vitamin A trong máu luôn luôn ổn định trên 20 microgam%. Muốn được giải phóng vào máu, rétinol phải được gắn với một chất đạm đặc hiệu do gan sản xuất, còn được gọi là RBP (Rétinol Binding Protéine). Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc suy gan, lượng RBP giảm và sẽ gây thiếu vitamin A trong máu, 20 microgam% là ngưỡng cho phép và dưới mức đó sẽ có triệu chứng thiếu vitamin A trên lâm sàng. Dự trữ vitamin A được coi như cạn, nếu nồng độ trong máu dưới 10 microgam%. Đây là giai đoạn gây tổn thương trầm trọng, khó hồi phục. Vì vậy, trong điều trị bệnh thiếu vitamin A, WHO đề nghị nhanh chóng hồi phục dự trữ ở gan, để các tổn thương không tiến triển thêm và sớm được cải thiện.

    Vai trò của vitamin A

    Vai trò sinh lý của vitamin A được biết đến từ lâu, nhưng thường chỉ được quan tâm đối với mắt, ít chú ý đến các cơ quan khác.

    1. Vitamin A là vitamin tăng trưởng: Rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ, giúp trẻ lên cân nhanh, phát triển chiều cao, tăng chuyển hóa các chất và giúp biệt hóa tế bào. Nhu cầu về vitamin A rất cao ở trẻ em, tuổi càng nhỏ thì nhu cầu càng lớn. Trẻ sơ sinh, nếu không có sữa mẹ, bú toàn nước cháo thì sẽ nhanh chóng sụt cân, ngừng phát triển chiều cao và khó tránh được mù do bệnh khô mắt.

    Đối với phụ nữ, ngoài nhu cầu bình thường 500 microgam vitamin A/người/ngày, cần thêm 100 microgam/ngày lúc có mang và 350 microgam/ngày khi cho con bú, để giúp bào thai và nhũ nhi phát triển thể chất tốt.

    2. Vitamin A và hệ thống miễn dịch: Cũng như một số chất, vitamin A có ảnh hưởng đến tế bào miễn dịch, nhất là limpho T, B và bạch cầu đa nhân trung tính, cả về số lượng lẫn chất lượng. Thiếu vitamin A thường gây suy giảm yếu tố miễn dịch.

    3. Vitamin A và lớp thượng bì của da, niêm mạc, mắt: Thiếu vitamin A sẽ làm cho lớp thượng bì dễ bị sừng hóa, bong vảy và tróc ra, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ. Đây là một điều kiện thuận lợi gây nhiễm trùng tại chỗ. Điều này giải thích vì sao trẻ thiếu vitamin A rất dễ bị nhiễm trùng ở da, niêm mạc hô hấp, tiêu hóa, đường tiểu, đường sinh dục và mắt. Vì vậy, giới y học nghĩ rằng, một số trẻ sau đây có thể bị thiếu vitamin A:

    * Ghẻ nhiễm trùng: Nhiều trẻ cùng bị ghẻ, nhưng chỉ một số bị bội nhiễm.

    * U nhọt ở đầu và thân trên một số trẻ, rất dễ tái phát sau khi ngừng kháng sinh.

    * Nhiễm trùng hô hấp tái phát: Viêm đường hô hấp trên kéo dài hàng tháng, viêm phổi 1 - 2 lần/tháng.

    * Tiêu chảy hay tiêu đàm máu tái phát, mặc dù chưa suy dinh dưỡng.

    Do đó, trẻ chỉ cần được cho uống vitamin A trong 6 tháng một lần và điều chỉnh chế độ ăn, thì sẽ cắt được các đợt tái phát bệnh. Mặt khác, các biến chứng của sởi là một ví dụ điển hình của tình trạng thiếu vitamin A. Sởi rất lành tính đối với trẻ khỏe, ăn uống đầy đủ. Ngược lại, sởi dễ có biến chứng phế quản phế viêm, tiêu chảy, kiết lỵ, loét giác mạc mắt... nếu trước đó, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc ăn chế độ cháo muối kéo dài trong thời gian bị sởi.

    4. Vitamin A và thị giác: Đối với thị giác, vitamin A rất cần để chuyển hóa Rodopsine của tế bào hình que và Iodopsine của tế bào hình nón của võng mạc, giúp trẻ nhìn tốt ánh sáng bên ngoài giảm và phân biệt các màu. Thiếu vitamin A sẽ có triệu chứng quáng gà và tổn thương tại chỗ như khô giác mạc, khô màng tiếp hợp, kết mạc mắt sừng hóa, biến dạng, nổi thành đám còn gọi là vệt Bitot. Nếu bệnh diễn biến nặng sẽ đưa đến nhuyễn, loét giác mạc.

    5. Vitamin A và tỷ lệ tử vong ở trẻ em: Sau khi khám, theo dõi và điều trị cho trẻ bị thiếu vitamin A, tác giả Alfred Sommer đã đi đến các kết luận:

    * Nhóm có bệnh khô mắt có tử vong cao gấp 4 lần, đặc biệt 10 - 12 lần ở trẻ 1 - 3 tuổi.

    * Nhóm có triệu chứng quáng gà, tử vong cao gấp 3 lần.

    * Nhóm có vệt Bitot tử vong cao gấp 7 lần.

    * Nhóm có cả hai triệu chứng quáng gà và vệt Bitot, tử vong cao gấp 9 lần.

    * Tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp tăng ở nhóm có bệnh khô mắt gấp 1,4 lần so với triệu chứng quáng gà, gấp 1,6 lần so với vệt Bitot, gấp 1,9 lần nếu có cả hai triệu chứng này.

    * Tỷ lệ tử vong tăng, nếu trẻ mắc cả hai bệnh khô mắt và nhiễm trùng hô hấp.

    Cuối cùng, Alfred Sommer đề nghị nên điều tra phát hiện sớm bệnh khô mắt do thiếu vitamin A trong cộng đồng, để từ đó có thái độ dinh dưỡng đúng, giảm tỷ lệ mù lòa, tử vong ở trẻ em. Như vậy, có thể nói việc tổ chức phòng chống bệnh thiếu vitamin A sẽ làm giảm tỷ lệ mù mắt, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng ruột, nhiễm trùng da, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

    Điều trị bệnh thiếu vitamin A

    Ngày nay, người ta bỏ cách điều trị nhỏ giọt cổ điển, mỗi ngày 5.000 đơn vị vitamin A cho đến khi nào hết triệu chứng lâm sàng, thường là hằng tháng. Cách điều trị này không ngăn chặn được sự tiến triển của tổn thương và để lại di chứng. Trong bệnh khô mắt ở trẻ em, sự chuyển tiếp của các giai đoạn (khô giác mạc, vệt Bitot, nhuyễn hay loét giác mạc...) rất nhanh, trong vòng vài ngày. Vì vậy, WHO đề nghị điều trị tấn công liều cao càng sớm càng tốt, để nhanh chóng nâng dự trữ vitamin A lên mức bình thường, nhưng đồng thời chú ý tránh ngộ độc do quá liều. Cụ thể như sau: 600.000 đơn vị vitamin A đối với trẻ 1 tuổi, chia uống làm 3 lần (ngày 1, ngày 2 liên tiếp, liều thứ 3 sau 7 - 10 ngày để tránh ngộ độc). Đối với trẻ dưới 1 tuổi, chỉ cần 300.000 đơn vị, chia làm 3 lần như trên. Nếu trẻ không uống được vì ói hoặc tiêu chảy nặng, có thể dùng vitamin A dưới dạng tiêm bắp, khoảng nửa liều uống dạng hòa tan trong nước để nhanh chóng vào máu trẻ.

    Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng, với liều tấn công như trên, dự trữ vitamin A ở gan sẽ đủ để trẻ sử dụng trong thời gian 3 tháng, nếu kèm theo chế độ ăn giàu vitamin A thì thời gian bảo đảm sẽ được 6 tháng. Do đó, cần khám lại trẻ từ sau 3 - 6 tháng, để nếu cần thì tiếp tục điều trị thêm.

    Triệu chứng ngộ độc vitamin A thường thấy ở trẻ nhũ nhi hoặc suy dinh dưỡng thể phù có gan thoái hóa mỡ, không dự trữ được tốt vitamin A. Biểu hiện lâm sàng là hậu quả của tăng tính thấm thành mạch, tăng áp lực sọ não: thóp phồng, bỏ bú, vật vã, quấy khóc, co giật. Ở phụ nữ đang mang thai, người ta khuyên không nên uống vitamin A, nhất là trong 3 tháng đầu, bởi vì dễ gây quái thai. Đối với trẻ suy dinh dưỡng thể phù, có gan bị suy do thoái hóa mỡ, khó dự trữ vitamin A, thời gian bảo đảm của liều điều trị ngắn hơn, chỉ khoảng 1 - 2 tháng. Bệnh khô mắt nói lên trẻ bị thiếu vitamin A đã nặng. Do đó, WHO đề nghị áp dụng phác đồ điều trị trên, không chỉ ở những trẻ có triệu chứng bệnh khô mắt mà cả các trường hợp chưa có, như: suy dinh dưỡng nặng; suy dinh dưỡng vừa, kèm theo sởi, ho gà, lao; suy dinh dưỡng vừa kèm theo nhiễm trùng tái phát ở đường hô hấp, ruột, da, đường tiểu...

    Vấn đề nhỏ vitamin A vào mắt, để kết hợp điều trị toàn thân và tại chỗ không được WHO chấp nhận vì vừa không có tác dụng (tế bào giác mạc mắt chỉ sử dụng vitamin A qua đường máu và sau khi được gắn với RBP), vừa nguy hiểm (trên giác mạc mắt đang bị tổn thương, mọi thuốc nhỏ điều có thể gây bội nhiễm hoặc làm cho tổn thương chậm hồi phục).

    Chăm sóc sức khỏe ban đầu

    Hiện nay, thiếu vitamin A và bệnh khô mắt vẫn là một bệnh thiếu dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em nước ta, đặc biệt trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hoặc sau các bệnh ỉa chảy, nhiễm trùng. Trẻ bị khô mắt ở giai đoạn nhẹ, được uống vitamin A kịp thời và điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu của chúng, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu để muộn, giác mạc bị tổn thương khô và loét sẽ dẫn đến nhuyễn giác mạc, hậu quả là mù. Điều trị vitamin A lúc này có thể cải thiện được nhưng sẽ để lại những sẹo giác mạc làm giảm thị lực.

    Để đạt mục tiêu “sức khỏe cho mọi người”, việc phòng bệnh thiếu vitamin A đang là vấn đề rất đáng quan tâm, nhất là đối với trẻ em. Phòng chống bệnh thiếu vitamin A bao gồm các điều sau đây:

    * Cải thiện bữa ăn: Chế độ ăn hằng ngày cần cung cấp đủ vitamin A. Trước hết, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, vì sữa mẹ là nguồn vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Rétinol chỉ có trong thức ăn động vật, nhưng beta - caroténe vốn có sẵn trong rau có màu xanh đậm, quả củ có màu cam hay đỏ đậm. Các thức ăn giàu caroténe thường kèm theo các chất dinh dưỡng quý giá như sắt, vitamin C, canxi, các yếu tố vi lượng... Chế độ ăn của các cháu cũng cần có nhiều chất béo để hỗ trợ hấp thu vitamin A.

    * Cho trẻ uống vitamin A liều phòng bệnh, mỗi năm hai lần, cách nhau 6 tháng.

    * Phải có sự hiểu biết về bệnh thiếu vitamin A để phát hiện sớm, xử lý kịp thời và biết cách phòng bệnh.
    [/grade]
Working...
X