Ở đàn ông, chất lượng tình dục phụ thuộc vào 2 chức năng: cương cứng và xuất tinh. Việc điều trị ung thư có thể ảnh hưởng xấu đến cả hai yếu tố này.
Khi nam giới có ham muốn tình dục, những xung động thần kinh làm tăng lưu lượng máu tới thể hang và thể xốp để tạo nên hiện tượng cương cứng; và khi kích thích tình dục đến mức cao trào thì xuất tinh. Việc điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến cả hai chức năng nói trên. Tuy nhiên, do cơ chế của chúng khác nhau nên nam giới vẫn có thể duy trì được cương cứng và đạt khoái cực mà không cần xuất tinh.
Có 3 yếu tố cần thiết để tạo ra và duy trì cương cứng: có ham muốn tình dục, đáp ứng của hệ thần kinh, tăng lưu lượng máu đến dương vật. Nếu một hay hai trong 3 yếu tố trên bị ảnh hưởng thì sẽ xuất hiện rối loạn chức năng cương cứng. Nam giới dễ bị ung thư tuyến tiền liệt, biến chứng hay gặp nhất của nó là rối loạn chức năng cương cứng. Mọi phương pháp điều trị bệnh này đều ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Mục đích của trị liệu là loại trừ được bệnh ung thư nhưng vẫn duy trì chất lượng cuộc sống cho nam giới, trong đó có chức năng tình dục.
Khi chưa phát triển được kỹ thuật mổ không đụng chạm đến thần kinh thì việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt triệt để thường dẫn đến mất khả năng cương cứng hoặc suy giảm chức năng tình dục. Một số người còn bị cả chứng không kiểm soát được nước tiểu. Với kỹ thuật hiện nay, bác sĩ có thể bảo vệ các dây thần kinh và duy trì những cơ cần thiết để kiểm soát nước tiểu và cương cứng, giúp duy trì hay phục hồi chức năng tình dục.
Việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt còn làm cho nam giới không thể xuất tinh. Tuy nhiên, họ vẫn có thể đạt khoái cực vì xuất tinh và khoái cực là hai chức năng tách biệt nhau. Khả năng sinh sản tuy có mất đi sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt nhưng điều này thường không còn là vấn đề vì bệnh nhân thường đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nếu vẫn có nhu cầu sinh con thì cần những công nghệ hỗ trợ sinh sản khác.
Với những loại ung thư khác thì vấn đề sinh sản khá quan trọng vì người bệnh còn trẻ. Ví dụ như với ung thư tinh hoàn (tuổi 15-35) thì thường phải cắt bỏ. Nếu tinh hoàn còn lại bình thường, chức năng tình dục cũng như sinh sản thường không bị ảnh hưởng; nếu cả hai tinh hoàn đều phải cắt bỏ thì tất nhiên không thể sinh sản.
Một số bệnh nhân có nhu cầu gửi tinh trùng của họ vào ngân hàng tinh trùng trước khi phẫu thuật để sử dụng sau này theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tuy nhiên ung thư có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, làm giảm khả năng thụ tinh cho trứng. Ngoài ra, tinh hoàn là nguồn chính để bài tiết testosteron - hoóc môn cần thiết để có ham muốn tình dục, nên cần bổ sung testosteron sau phẫu thuật. Khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, các hạch bạch huyết thường cũng bị lấy đi để xem có di căn không, nên thầy thuốc cũng phải sử dụng kỹ thuật bảo tồn thần kinh để duy trì khả năng xuất tinh. Có người muốn đặt “tinh hoàn giả” sau cắt bỏ tinh hoàn để không có cảm giác “trống vắng”.
Phục hồi chức năng cương cứng như thế nào?
Đầu tiên là tìm nguyên nhân gây ra bất lực (yếu sinh lý), kiểm tra nồng độ testosteron trong máu, kiểm tra xem còn có hiện tượng cương cứng trong lúc ngủ, dùng siêu âm xem lưu lượng máu đi tới dương vật có bị cản trở không. Sau khi đã có chẩn đoán chính xác, cần tiến hành thử một số liệu pháp. Thuốc uống bao gồm Viagra hoặc Prostaglandin dùng theo đường đặt hậu môn hay tiêm vào dương vật (dùng kim rất nhỏ tiêm vào cạnh hay gốc của dương vật), thuốc sẽ làm giãn cơ và tăng lưu lượng máu đi tới, dương vật sẽ cương cứng cho tới khi hết tác dụng của thuốc. Các tác dụng phụ (hiếm xảy ra) là cảm giác bỏng rát và xơ hóa tại chỗ tiêm, cương cứng kéo dài, dương vật vẹo.
Có khi thầy thuốc cho dùng loại bơm chân không (hoạt động bằng tay hay bằng pin). Không khí được hút ra tạo chân không để máu dồn đến thân dương vật; một vòng trong đặt ở gốc dương vật để máu không thoát đi nhằm duy trì sự cương cứng. Sau giao hợp, bỏ vòng tròn đi, dương vật trở lại bình thường. Một lựa chọn khác là cấy vào dương vật, bìu hay vùng xương vệ một dụng cụ hỗ trợ liên hệ với một bơm nhỏ ở bên ngoài để bơm không khí hay dịch vào dụng cụ; muốn hết cương cứng thì có van để thoát khí hay dịch. Loại dụng cụ này tạo ra được sự cương cứng một cách tự nhiên nhất, đầy đủ nhất và khi trở về trạng thái tự nhiên cũng bình thường nhất; không ảnh hưởng đến cảm giác hay khả năng đạt được khoái cực. Vì là dụng cụ được cấy vào bằng can thiệp ngoại khoa nên có nguy cơ nhiễm khuẩn và trục trặc cơ giới khi dụng cụ vận hành.
Comment