Chóng Mặt Quay Cuồng
Khi còn nhỏ, mấy đứa tinh nghịch thi nhau quay mình rồi đột nhiên ngừng lại thì thấy trời đất ngả nghiêng. Cả bọn té nhào, ôm lấy nhau rũ rượi vui cười thích thú.
Rồi tới tuổi cao, mỗi khi ngủ dậy bước ra khỏi giường mà thấy mặt mày xây xẩm, đồ vật như quay cuồng chuyển động thì hoảng hồn, sợ bị té ngã.
Dù tinh nghịch hay khó khăn của tuổi già, các hiện tượng đó đều do sự mất thăng bằng của cơ thể, làm ta bị Chóng Mặt Quay Cuồng. Đây là một rối loạn gây nhiều hoảng hốt bối rối nhưng triệu chứng lại rất mơ hồ nhiều khi chính đương sự cũng không diễn tả ra được. Mà người ngoài thì khó mà thông cảm, ước lượng được khó khăn của bệnh nhân. Vì đây là một cảm giác rất chủ quan, có người gọi là ảo tưởng không gian về vị thế của con người.
Thăng bằng cơ thể.
Đứng trên trái đất, con người luôn luôn chịu nhiều sức ép hút lôi cuốn nên dễ ngả nghiêng. May mắn là tạo hóa đã cho ta một cơ chế để giữ cơ thể được thăng bằng. Khả năng này tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương.
-Mắt thu nhận các dữ kiện về vị trí và sự di động của cơ thể trong không gian rồi chuyển lên não.
-Thụ cảm thần kinh da tại các khớp xương và cột sống cho biết phần nào của cơ thể chạm xuống mặt đất; thụ cảm trong bắp thịt và xương cho biết phần nào của cơ thể đang chuyển động;
-Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp cho não bộ các cảm giác về tư thế, vị trí và sự xoay của cơ thể cũng như sự hiện diện các vật chung quanh. Các chuyển động như quay mình, nghiêng qua phải qua trái, tới phía trước phía sau, lên trên hay xuống dưới đều được các bộ phận này ghi nhân.
Mê đạo (labyrinth) là một hệ thống cuộn gồm các xoang và ống, tạo thành một cơ quan để giữ thăng bằng cơ thể và nghe âm thanh. Bộ phận này gồm có ba xương hình bán khuyên nho nhỏ, một dung dịch chất lỏng, các dây thần kinh và một số sợi cảm xúc mềm nhỏ li ti.
Tiền đình (vestibule) tai là xoang của mê đạo xương có chứa tiều nang và thông nang là cơ quan chịu trách nhiệm sự cân bằng cơ thể.
Não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không sử dụng được các tín hiệu này, hoặc các tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng. Say sóng khi đi tầu biển, chóng mặt khi ngồi xe là do cùng nguyên tắc. Ngồi trong máy bay gặp gió bão, máy bay chòng chành, ta không nhìn thấy thay đổi bên ngoài nhưng tai tiếp thu sự giao động, ta thấy choáng váng, xây xẩm.
Dấu hiệu
Các dấu hiệu mà người bệnh diễn tả bệnh của mình đều rất chung chung, mơ hồ về mức độ nặng nhẹ, lâu mau. Một số than phiền thường thấy là:
•Có cảm giác là cơ thể hoặc sự vật chung quanh đang quay hoặc di động;
•Mất thăng bằng, đi đứng không vững;
*Phải vịn vào vật tựa nào đó mới đứng lên và bước tới được;
•Đầu nhẹ tâng tâng;
•Muốn xỉu ngã;
•Yếu, mệt;
•Kém tập trung;
•Mắt mờ khi quay cổ, cử động đầu;
*Buồn nôn, ói mửa;
*Nhịp tim nhanh, hỗn loạn;
*Hồi hộp, lo sợ, hoảng hốt, mất định hướng.
Các triệu chứng xuất hiện bất thường trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài lâu hơn.
Các loại chóng mặt.
Xây xẩm choáng váng có thể là:
1-Chóng Mặt với Quay Cuồng (vertigo).
Đây là nguyên nhân thông thường nhất của mất thăng bằng cơ thể với cảm giác không thật về sự di động hoặc quay cuồng của mọi vật chung quanh. Sự việc trở nên trầm trọng hơn khi ta ngồi dậy hoặc đi tới đi lui. Rối loạn này thấy trong:
a-Thay đổi vị thế. Đó là Chóng mặt kịch phát lành tính do tư thế (Benign Positional Vertigo) xẩy ra khi ta nghiêng đầu qua phải trái lúc nằm ngủ hoặc ngồi dậy vào buổi sáng. Như tên gọi, bệnh đột nhiên xẩy ra, kéo dài trong chốc lát nhưng tạo ra sự sợ hãi mạnh mẽ. Nguyên nhân có thể là chấn thương não bộ, rối loạn các thành phần tai trong, viêm giây thần kinh số VIII hoặc là diễn tiến bình thường của tuổi già.
b-Viêm tai trong với đột nhiên bị chóng mặt kéo dài cả mấy ngày cộng thêm buồn nôn, ói mửa khiến người bệnh phải nằm xuống họa may mới bớt. May mắn là các triệu chứng thường tự mất đi sau vài ngày. Nguyên nhân chưa biết rõ, có thể là do nhiễm siêu vi khuẩn.
c-Bệnh Meniere là một trường hợp chóng mặt thường thấy ở nam giới hơn là nữ giới, tuổi ngoài 40. Bệnh có thể xuất hiện từ từ hoặc bất thình lình với cường độ nặng nhẹ khác nhau, kéo dài dăm phút hoặc vài tháng hoặc lâu hơn.
Người bệnh thấy mọi sự xung quanh như quay cuồng, chân đứng không vững, có cảm giác đầy đầy ở tai trong rồi ù tai (tintinus), thính giác lúc rõ lúc yếu. Có nhiều trường hợp, triệu chứng trầm trọng đến nỗi người bệnh không sinh hoạt được, đứng lên như muốn ngã, thân thể ngả nghiêng.
Nguyên nhân thông thường là do tích tụ dung dịch lỏng ở tai trong mà nguyên nhân chưa biết rõ.
đ-U bướu, viêm giây thần kinh thính giác. Như trong trường hợp nhiễm virus hoặc tai biến động mạch não
e-Thay đổi quá nhanh sự chuyển động cơ thể như lái xe quá mau, đi bánh xe trượt.
g-Tâm thần xáo trộn với lo âu, sợ hãi.
2- Xây xẩm ( Faintness) mà không có bất tỉnh nhân sự, da xanh nhợt, đôi khi buồn nôn. Nguyên do có thể là huyết áp xuống thấp khi ta đứng dậy quá mau; khi có bệnh tim với nhịp tim rối loạn hoặc giảm khối lượng máu trong cơ thể nhất là giảm máu lên não bộ.
3- Mất thăng bằng (Imbalance). Đi đứng không vững vì bệnh tai trong, kém thị giác; hư hao giây thần kinh ở chân; bệnh thần kinh ngoại biên, tủy sống, tiểu não, trong bệnh Parkinson, viêm xương khớp; do tác dụng của dược phẩm như thuốc trị kinh phong, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị bệnh lao.
4- Đầu choáng váng ( lightheadedness) là cảm giác như có gì bơi lội trong đầu. Nguyên nhân có thể là rối loạn tiền đình, rối loạn tâm lý, căng thẳng lo âu, hồi hộp, thở hổn hển quá nhanh.
Một cách thực tế, có một số hoàn cảnh khiến ta đoán được cơ quan gây ra chóng mặt. Chẳng hạn:
-Đang ngồi rồi đứng nhanh lên mà chóng mặt thường là do huyết áp quá thấp hoặc do tác dụng của một số dược phẩm làm hạ huyết áp;
-Khi đói bụng quên một bữa ăn thì có thể là do đường huyết thấp;
-Cúi xuống lấy vật gì rồi ngẩng lên hoặc khi ngủ mà xoay đầu thì nghĩ tới chóng mặt do tư thế thay đổi, tới rối loạn tiền đình hoặc tới hậu quả của gai đốt xương sống;
-Hắt hơi, ho mạnh mà choáng váng là do thay đổi chất lỏng ở tai trong;
-Bối rối, xúc động mạnh mà chóng mặt có thể do lo âu, trầm cảm, hồi hộp;
-Chóng mặt, ù tai có thể do tổn thương giây thần kinh thính giác số VIII và thành phần tiền đình.
Khi tai trong bị tổn thương vì bể xương sọ, bệnh nhân bị chóng mặt quay cuồng, nôn ói, mất thính giác. Bệnh kéo dài vài tuần rồi giảm dần nhờ phía tai lành tiếp sức.
Biến chứng.
Chóng mặt có thể tăng nguy cơ té ngã; tăng nguy cơ tai nạn khi lái xe hoặc điều khiển máy tự động. Bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, đi lại khó khăn, không muốn tham gia vào các sinh hoạt thường lệ, bỏ các thú vui tiêu khiển.
Các vị cao niên là rất hay bị mất thăng bằng cơ thể và là lý do thông thường để các cụ đi bác sĩ khám bệnh. Ngoài ra vì chóng mặt, các cụ hay bị té ngã, với gẫy xương hông, có thể đưa tới tàn tật.và các hậu quả khác nếu không điều trị.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Dù chóng mặt ít khi là dấu hiệu của căn bệnh trầm kha, nhưng nếu thấy một trong những triệu chứng như sau là ta phải đi bác sĩ để được khám nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân:
•Cơn nhức đầu bất thình lình;
•Mờ mắt nhìn sự vật không rõ;
*Giảm thính giác;
*Mất định hướng với không gian và thời gian;
•Nói khó khăn;
•Tay chân run rẩy, yếu;
•Bất tỉnh nhân sự;
•Cảm thất lảo đảo muốn té ngã;.
•Thấy tê dại các đầu ngón chân tay;
•Đau ngực hoặc nhịp tim nhanh chậm bất thường.
Các dấu hiệu đó có thể báo hiệu bệnh nặng như tai biến động mạch não, u bướu não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng..
Định bệnh.
Việc định bệnh căn cứ vào lời khai của bệnh nhân, vào các rối loạn của hệ tim mạch, thần kinh và tai.
Bác sĩ sẽ hỏi trong điều kiện nào thì ta thấy mất thăng bằng, choáng váng. Những câu hỏi coi bộ giản dị nhưng cần thiết. Chẳng hạn khi nào có cảm giác chóng mặt, quay cuồng? Khi đứng lên, khi quay đầu quá nhanh, sau khi uống thuốc...Mỗi cơn kéo dài bao lâu? Có khó khăn thị giác không? có buồn nôn ói mửa? Có bệnh kinh niên như tiểu đường, suy tim, chấn thương não bộ, mới bị nhiễm trùng...Xin hãy cố nhớ các chi tiết và nói cho bác sĩ hay.
Rồi từ đó, sẽ làm các thử nghiệm cần thiết tùy theo mỗi trường hợp. Có thể là chụp quang tuyến sọ não, cột sống, các soang trên mặt; thử nghiệm máu về đường huyết, chất điện phân, kích tố...Bác sĩ cũng gửi khám bác sĩ chuyên khoa như Tai Mũi Họng, Thần Kinh.
Điều trị
Điều trị căn cứ trên dấu hiệu của bệnh.
•Chóng mặt ngắn hạn vì trở đầu khi nằm thì có thể làm giảm bằng cách tập vị trí đầu không gây ra cảm giác này. Cần bác sĩ chuyên khoa chỉ dẫn cách tập.
•Bệnh Meniere. Giảm nước giữ trong cơ thể bằng thuốc lợi tiểu, bớt tiêu thụ muối; dùng thuốc an thần, chống dị ứng, thay đổi chế độ ăn uống. Đôi khi kháng sinh cũng được dùng.
Một số trường hợp nặng thì phẫu thuật có thể là giải đáp với kết quả tốt. Nhưng giải phẫu này cũng rất tế nhị, cần được một phẫu thuật gia kinh nghiệm thực hiện.
Nhớ lại là phi hành gia Hoa Kỳ Alan B. Shepard Jr cũng bị chứng này. Sau giải phẫu , ông ta hoàn toàn bình phục và trở lại điều khiển phi thuyền đáp xuống cung trăng vào năm 1971
*Lo âu buồn phiền, có thể làm bớt do giải quyết tâm bệnh hoặc dùng thuốc thuốc chống trầm cảm, an thần.
•Với các điều kiện khác thì phải do bác sĩ khám tìm hiểu nguyên nhân rồi quyết định cách thức trị liệu.
Tránh mất thăng bằng
Ta có thể áp dụng các mẹo như sau để giảm thiểu chóng mặt:
•Ý thức được là mình dễ bị mất thăng bằng và có thể bị té ngã, thương tích. Rồi tự tránh các động tác có thể gây ra khó chịu. Chẳng hạn hãy chậm rãi khi ngồi hoặc nằm mà muốn đứng dậy, quay mình từ từ khi muốn nhìn qua phải trái hoặc phía sau. Tránh ngoảnh cồ quá mạnh và nhanh;
•Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt;
•Tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường hay bị choáng váng;
•Ban đêm, để đèn ngủ sáng cho dễ nhìn sự vật chung quanh;
•Dùng gậy tựa khi di chuyển để bước đi vững chãi;
•Tránh dùng nhiều cà phê, rượu, thuốc lá vì các chất này làm bệnh nặng hơn;
* Tránh tiếp xúc với các chất liệu hoặc thực phầm có mùi vị kích thích;
* Giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hoảng hốt;
* Tránh leo trèo cao;
*Tránh đọc sách báo khi ngồi trên xe hơi;
•Hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc để chữa bệnh.
Kết luận
Chóng mặt, mất thăng bằng cơ thể là chuyện thường xầy ra cho mọi người. Đa số trường hợp đều lành tính, thoảng qua. Nhưng cũng có khi bệnh trầm trọng và cần được các bác sĩ chuyên môn khám nghiệm, điều trị tức thì.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
Khi còn nhỏ, mấy đứa tinh nghịch thi nhau quay mình rồi đột nhiên ngừng lại thì thấy trời đất ngả nghiêng. Cả bọn té nhào, ôm lấy nhau rũ rượi vui cười thích thú.
Rồi tới tuổi cao, mỗi khi ngủ dậy bước ra khỏi giường mà thấy mặt mày xây xẩm, đồ vật như quay cuồng chuyển động thì hoảng hồn, sợ bị té ngã.
Dù tinh nghịch hay khó khăn của tuổi già, các hiện tượng đó đều do sự mất thăng bằng của cơ thể, làm ta bị Chóng Mặt Quay Cuồng. Đây là một rối loạn gây nhiều hoảng hốt bối rối nhưng triệu chứng lại rất mơ hồ nhiều khi chính đương sự cũng không diễn tả ra được. Mà người ngoài thì khó mà thông cảm, ước lượng được khó khăn của bệnh nhân. Vì đây là một cảm giác rất chủ quan, có người gọi là ảo tưởng không gian về vị thế của con người.
Thăng bằng cơ thể.
Đứng trên trái đất, con người luôn luôn chịu nhiều sức ép hút lôi cuốn nên dễ ngả nghiêng. May mắn là tạo hóa đã cho ta một cơ chế để giữ cơ thể được thăng bằng. Khả năng này tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương.
-Mắt thu nhận các dữ kiện về vị trí và sự di động của cơ thể trong không gian rồi chuyển lên não.
-Thụ cảm thần kinh da tại các khớp xương và cột sống cho biết phần nào của cơ thể chạm xuống mặt đất; thụ cảm trong bắp thịt và xương cho biết phần nào của cơ thể đang chuyển động;
-Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp cho não bộ các cảm giác về tư thế, vị trí và sự xoay của cơ thể cũng như sự hiện diện các vật chung quanh. Các chuyển động như quay mình, nghiêng qua phải qua trái, tới phía trước phía sau, lên trên hay xuống dưới đều được các bộ phận này ghi nhân.
Mê đạo (labyrinth) là một hệ thống cuộn gồm các xoang và ống, tạo thành một cơ quan để giữ thăng bằng cơ thể và nghe âm thanh. Bộ phận này gồm có ba xương hình bán khuyên nho nhỏ, một dung dịch chất lỏng, các dây thần kinh và một số sợi cảm xúc mềm nhỏ li ti.
Tiền đình (vestibule) tai là xoang của mê đạo xương có chứa tiều nang và thông nang là cơ quan chịu trách nhiệm sự cân bằng cơ thể.
Não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không sử dụng được các tín hiệu này, hoặc các tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng. Say sóng khi đi tầu biển, chóng mặt khi ngồi xe là do cùng nguyên tắc. Ngồi trong máy bay gặp gió bão, máy bay chòng chành, ta không nhìn thấy thay đổi bên ngoài nhưng tai tiếp thu sự giao động, ta thấy choáng váng, xây xẩm.
Dấu hiệu
Các dấu hiệu mà người bệnh diễn tả bệnh của mình đều rất chung chung, mơ hồ về mức độ nặng nhẹ, lâu mau. Một số than phiền thường thấy là:
•Có cảm giác là cơ thể hoặc sự vật chung quanh đang quay hoặc di động;
•Mất thăng bằng, đi đứng không vững;
*Phải vịn vào vật tựa nào đó mới đứng lên và bước tới được;
•Đầu nhẹ tâng tâng;
•Muốn xỉu ngã;
•Yếu, mệt;
•Kém tập trung;
•Mắt mờ khi quay cổ, cử động đầu;
*Buồn nôn, ói mửa;
*Nhịp tim nhanh, hỗn loạn;
*Hồi hộp, lo sợ, hoảng hốt, mất định hướng.
Các triệu chứng xuất hiện bất thường trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài lâu hơn.
Các loại chóng mặt.
Xây xẩm choáng váng có thể là:
1-Chóng Mặt với Quay Cuồng (vertigo).
Đây là nguyên nhân thông thường nhất của mất thăng bằng cơ thể với cảm giác không thật về sự di động hoặc quay cuồng của mọi vật chung quanh. Sự việc trở nên trầm trọng hơn khi ta ngồi dậy hoặc đi tới đi lui. Rối loạn này thấy trong:
a-Thay đổi vị thế. Đó là Chóng mặt kịch phát lành tính do tư thế (Benign Positional Vertigo) xẩy ra khi ta nghiêng đầu qua phải trái lúc nằm ngủ hoặc ngồi dậy vào buổi sáng. Như tên gọi, bệnh đột nhiên xẩy ra, kéo dài trong chốc lát nhưng tạo ra sự sợ hãi mạnh mẽ. Nguyên nhân có thể là chấn thương não bộ, rối loạn các thành phần tai trong, viêm giây thần kinh số VIII hoặc là diễn tiến bình thường của tuổi già.
b-Viêm tai trong với đột nhiên bị chóng mặt kéo dài cả mấy ngày cộng thêm buồn nôn, ói mửa khiến người bệnh phải nằm xuống họa may mới bớt. May mắn là các triệu chứng thường tự mất đi sau vài ngày. Nguyên nhân chưa biết rõ, có thể là do nhiễm siêu vi khuẩn.
c-Bệnh Meniere là một trường hợp chóng mặt thường thấy ở nam giới hơn là nữ giới, tuổi ngoài 40. Bệnh có thể xuất hiện từ từ hoặc bất thình lình với cường độ nặng nhẹ khác nhau, kéo dài dăm phút hoặc vài tháng hoặc lâu hơn.
Người bệnh thấy mọi sự xung quanh như quay cuồng, chân đứng không vững, có cảm giác đầy đầy ở tai trong rồi ù tai (tintinus), thính giác lúc rõ lúc yếu. Có nhiều trường hợp, triệu chứng trầm trọng đến nỗi người bệnh không sinh hoạt được, đứng lên như muốn ngã, thân thể ngả nghiêng.
Nguyên nhân thông thường là do tích tụ dung dịch lỏng ở tai trong mà nguyên nhân chưa biết rõ.
đ-U bướu, viêm giây thần kinh thính giác. Như trong trường hợp nhiễm virus hoặc tai biến động mạch não
e-Thay đổi quá nhanh sự chuyển động cơ thể như lái xe quá mau, đi bánh xe trượt.
g-Tâm thần xáo trộn với lo âu, sợ hãi.
2- Xây xẩm ( Faintness) mà không có bất tỉnh nhân sự, da xanh nhợt, đôi khi buồn nôn. Nguyên do có thể là huyết áp xuống thấp khi ta đứng dậy quá mau; khi có bệnh tim với nhịp tim rối loạn hoặc giảm khối lượng máu trong cơ thể nhất là giảm máu lên não bộ.
3- Mất thăng bằng (Imbalance). Đi đứng không vững vì bệnh tai trong, kém thị giác; hư hao giây thần kinh ở chân; bệnh thần kinh ngoại biên, tủy sống, tiểu não, trong bệnh Parkinson, viêm xương khớp; do tác dụng của dược phẩm như thuốc trị kinh phong, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị bệnh lao.
4- Đầu choáng váng ( lightheadedness) là cảm giác như có gì bơi lội trong đầu. Nguyên nhân có thể là rối loạn tiền đình, rối loạn tâm lý, căng thẳng lo âu, hồi hộp, thở hổn hển quá nhanh.
Một cách thực tế, có một số hoàn cảnh khiến ta đoán được cơ quan gây ra chóng mặt. Chẳng hạn:
-Đang ngồi rồi đứng nhanh lên mà chóng mặt thường là do huyết áp quá thấp hoặc do tác dụng của một số dược phẩm làm hạ huyết áp;
-Khi đói bụng quên một bữa ăn thì có thể là do đường huyết thấp;
-Cúi xuống lấy vật gì rồi ngẩng lên hoặc khi ngủ mà xoay đầu thì nghĩ tới chóng mặt do tư thế thay đổi, tới rối loạn tiền đình hoặc tới hậu quả của gai đốt xương sống;
-Hắt hơi, ho mạnh mà choáng váng là do thay đổi chất lỏng ở tai trong;
-Bối rối, xúc động mạnh mà chóng mặt có thể do lo âu, trầm cảm, hồi hộp;
-Chóng mặt, ù tai có thể do tổn thương giây thần kinh thính giác số VIII và thành phần tiền đình.
Khi tai trong bị tổn thương vì bể xương sọ, bệnh nhân bị chóng mặt quay cuồng, nôn ói, mất thính giác. Bệnh kéo dài vài tuần rồi giảm dần nhờ phía tai lành tiếp sức.
Biến chứng.
Chóng mặt có thể tăng nguy cơ té ngã; tăng nguy cơ tai nạn khi lái xe hoặc điều khiển máy tự động. Bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, đi lại khó khăn, không muốn tham gia vào các sinh hoạt thường lệ, bỏ các thú vui tiêu khiển.
Các vị cao niên là rất hay bị mất thăng bằng cơ thể và là lý do thông thường để các cụ đi bác sĩ khám bệnh. Ngoài ra vì chóng mặt, các cụ hay bị té ngã, với gẫy xương hông, có thể đưa tới tàn tật.và các hậu quả khác nếu không điều trị.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Dù chóng mặt ít khi là dấu hiệu của căn bệnh trầm kha, nhưng nếu thấy một trong những triệu chứng như sau là ta phải đi bác sĩ để được khám nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân:
•Cơn nhức đầu bất thình lình;
•Mờ mắt nhìn sự vật không rõ;
*Giảm thính giác;
*Mất định hướng với không gian và thời gian;
•Nói khó khăn;
•Tay chân run rẩy, yếu;
•Bất tỉnh nhân sự;
•Cảm thất lảo đảo muốn té ngã;.
•Thấy tê dại các đầu ngón chân tay;
•Đau ngực hoặc nhịp tim nhanh chậm bất thường.
Các dấu hiệu đó có thể báo hiệu bệnh nặng như tai biến động mạch não, u bướu não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng..
Định bệnh.
Việc định bệnh căn cứ vào lời khai của bệnh nhân, vào các rối loạn của hệ tim mạch, thần kinh và tai.
Bác sĩ sẽ hỏi trong điều kiện nào thì ta thấy mất thăng bằng, choáng váng. Những câu hỏi coi bộ giản dị nhưng cần thiết. Chẳng hạn khi nào có cảm giác chóng mặt, quay cuồng? Khi đứng lên, khi quay đầu quá nhanh, sau khi uống thuốc...Mỗi cơn kéo dài bao lâu? Có khó khăn thị giác không? có buồn nôn ói mửa? Có bệnh kinh niên như tiểu đường, suy tim, chấn thương não bộ, mới bị nhiễm trùng...Xin hãy cố nhớ các chi tiết và nói cho bác sĩ hay.
Rồi từ đó, sẽ làm các thử nghiệm cần thiết tùy theo mỗi trường hợp. Có thể là chụp quang tuyến sọ não, cột sống, các soang trên mặt; thử nghiệm máu về đường huyết, chất điện phân, kích tố...Bác sĩ cũng gửi khám bác sĩ chuyên khoa như Tai Mũi Họng, Thần Kinh.
Điều trị
Điều trị căn cứ trên dấu hiệu của bệnh.
•Chóng mặt ngắn hạn vì trở đầu khi nằm thì có thể làm giảm bằng cách tập vị trí đầu không gây ra cảm giác này. Cần bác sĩ chuyên khoa chỉ dẫn cách tập.
•Bệnh Meniere. Giảm nước giữ trong cơ thể bằng thuốc lợi tiểu, bớt tiêu thụ muối; dùng thuốc an thần, chống dị ứng, thay đổi chế độ ăn uống. Đôi khi kháng sinh cũng được dùng.
Một số trường hợp nặng thì phẫu thuật có thể là giải đáp với kết quả tốt. Nhưng giải phẫu này cũng rất tế nhị, cần được một phẫu thuật gia kinh nghiệm thực hiện.
Nhớ lại là phi hành gia Hoa Kỳ Alan B. Shepard Jr cũng bị chứng này. Sau giải phẫu , ông ta hoàn toàn bình phục và trở lại điều khiển phi thuyền đáp xuống cung trăng vào năm 1971
*Lo âu buồn phiền, có thể làm bớt do giải quyết tâm bệnh hoặc dùng thuốc thuốc chống trầm cảm, an thần.
•Với các điều kiện khác thì phải do bác sĩ khám tìm hiểu nguyên nhân rồi quyết định cách thức trị liệu.
Tránh mất thăng bằng
Ta có thể áp dụng các mẹo như sau để giảm thiểu chóng mặt:
•Ý thức được là mình dễ bị mất thăng bằng và có thể bị té ngã, thương tích. Rồi tự tránh các động tác có thể gây ra khó chịu. Chẳng hạn hãy chậm rãi khi ngồi hoặc nằm mà muốn đứng dậy, quay mình từ từ khi muốn nhìn qua phải trái hoặc phía sau. Tránh ngoảnh cồ quá mạnh và nhanh;
•Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt;
•Tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường hay bị choáng váng;
•Ban đêm, để đèn ngủ sáng cho dễ nhìn sự vật chung quanh;
•Dùng gậy tựa khi di chuyển để bước đi vững chãi;
•Tránh dùng nhiều cà phê, rượu, thuốc lá vì các chất này làm bệnh nặng hơn;
* Tránh tiếp xúc với các chất liệu hoặc thực phầm có mùi vị kích thích;
* Giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hoảng hốt;
* Tránh leo trèo cao;
*Tránh đọc sách báo khi ngồi trên xe hơi;
•Hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc để chữa bệnh.
Kết luận
Chóng mặt, mất thăng bằng cơ thể là chuyện thường xầy ra cho mọi người. Đa số trường hợp đều lành tính, thoảng qua. Nhưng cũng có khi bệnh trầm trọng và cần được các bác sĩ chuyên môn khám nghiệm, điều trị tức thì.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ