Hiện nay, mỗi tháng Bệnh viện (BV) K Hà Nội tiếp nhận và điều trị cho 200 trường hợp bị ung thư vú (UTV) mắc mới. Đây là bệnh ung thư có lượng bệnh nhân nữ cao nhất tại Việt Nam với tỷ lệ mỗi năm xuất hiện thêm 8.000 trường hợp.
TS Trần Văn Thuấn - Trưởng khoa Nội 2 (BV K) cho biết nếu được phát hiện sớm, bệnh UTV hoàn toàn có thể điều trị khỏi.
Thông thường, bệnh UTV gặp ở phụ nữ ngoài 40 tuổi. Nhưng tại BV K đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nữ mới 25-26 tuổi, chưa lập gia đình. Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh UTV.
Tuy nhiên, kết quả theo dõi trên bệnh nhân cho thấy những phụ nữ có tiền sử trong gia đình có mẹ, chị gái hoặc em gái đã bị UTV sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn phụ nữ bình thường từ 6-10 lần.
Phụ nữ béo phì cũng đứng trước nguy cơ bị bệnh UTV tấn công. Bác sĩ Thuấn cho biết thêm, cuộc sống hiện nay được cải thiện nhiều hơn về vật chất nên chế độ ăn của phụ nữ cũng giàu chất béo và không hợp lý hơn trước. Đây chính là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho bệnh UTV phát triển.
Bên cạnh đó, với chức năng kích thích sự tăng trưởng và phân chia tế bào, nên estrogen càng nhiều thì rủi ro ung thư càng cao. Do đó, có kinh nguyệt trước tuổi 12, chưa bao giờ có con hoặc có con sau tuổi 30, mãn kinh sau tuổi 50, dùng kích thích tố thay thế, thuốc viên ngừa thai trong nhiều năm (đặc biệt từ 10 năm trở lên) đều tăng nguy cơ UTV.
Phát hiện sớm, dễ khỏi bệnh
Tại BV K, khoảng 70% bệnh nhân bị UTV đến viện khi ở giai đoạn giữa. Đây là thời điểm vẫn có thể cứu được bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong nhưng liệu pháp điều trị cũng phức tạp hơn bệnh nhân đến sớm.
Đối với những bệnh nhân UTV phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, các bác sĩ bắt buộc phải kết hợp những biện pháp như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, dùng thuốc nội tiết, miễn dịch.
Bác sĩ Thuấn cho hay bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Một bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh UTV chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng cho 5 năm điều trị. Tuy nhiên nếu đến viện muộn, bệnh nặng, chi phí sẽ tăng lên tối thiểu thành 30 triệu đồng/5 năm.
Dấu hiệu và triệu chứng của UTV
Sờ thấy một khối cứng ở ngực là dấu hiệu chung nhất (chú ý: có nhiều loại khối u vú và cũng phần nhiều không phải là ung thư); Núm vú đổi màu; Ngứa và nổi mụn vùng núm vú; Thay đổi màu da ở vùng ngực; Đau ngực không phải là một triệu chứng phổ biến.
PGS-TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc BV K, cho biết để phát hiện sớm bệnh UTV, phụ nữ 20-39 tuổi tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần và đến bác sĩ chuyên khoa để khám vú 1 năm/lần. Trên 40 tuổi nên thực hiện cả 2 phương pháp trên và chụp hình quang tuyến vú 1 năm/lần. Thời gian khám tốt nhất là 5 ngày sau mỗi kỳ kinh.
Bác sĩ Thuấn khẳng định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh UTV có thể được chữa khỏi 100%, đồng thời đảm bảo khả năng nuôi con bằng sữa mẹ sau này.
Phòng bệnh hiệu quả
Các bác sĩ khẳng định bằng việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, phụ nữ có thể giảm các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh UTV. Nhưng thực tế cũng cho thấy, một vài yếu tố nguy cơ khó để thay đổi (ví dụ: kích thích do thời kỳ kinh nguyệt và sự mãn kinh, và mang thai).
Vì vậy để tránh mắc bệnh, các bác sỹ khuyên chị em cần thực hiện các biện pháp hiệu quả như cắt giảm ăn thịt đỏ và mỡ động vật, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả cũng như các sản phẩm làm từ đậu nành, cắt giảm uống rượu và các sản phẩm có chứa chất cồn.
Đặc biệt chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hợp lý là biện pháp tốt nhất chống lại bệnh béo phì, yếu tố nguy cơ cao dẫn tới UTV.