Những con số bị coi là 'cấm kỵ'
Kết quả lập trình của Jon Johansen đã cho sản phẩm. Giờ thì cậu thiếu niên người Na Uy đang ngồi theo dõi quá trình tải 200 megabytes bộ phim mới ra mắt, Ma Trận (The Matrix), từ đĩa DVD sang máy tính cá nhân.Chương trình mà cậu và hai thành viên vô danh khác viết ra trong năm 1999 có tên là DeCSS, sau đó đã gây ra một vụ tranh cãi om sòm.
DeCSS cho phép mọi người bẻ khóa các đĩa DVD thương mại, do vậy nó ngay lập tức bị ngành công nghiệp điện ảnh phản đối dữ dội về mặt pháp lý.
Những gì diễn ra sau đó đã khiến luật sư của nhiều hãng phim lớn phải kinh ngạc.
Johansen về sau được trắng án, nhưng cuộc cãi vã quanh DeCSS đã chuyển sang thành một cuộc tranh luận về bản chất của máy điện toán và về việc điều gì cần bị cấm một cách hợp logic.
Cấm đoán và phản kháng
Tâm điểm của cuộc tranh luận xoay quanh chuyện bất kỳ một file hay chương trình máy tính nào cũng đều được đại diện bởi một con số nhất định.
Liệu quý vị có thể thực sự coi những con số là bất hợp pháp không? Nếu có thì việc kiểm soát thông tin có nghĩa là gì?
Chẳng bao lâu sau khi DeCSS bị hạn chế sử dụng, các nhà lập trình và các nhà hoạt động bắt đầu phản công bằng cách nộp mọi phiên bản khác nhau của chương trình này lên một 'phòng trưng bày' - một địa chỉ tổng hợp lưu trữ trên mạng.
Họ còn in lên cả áo phông và thậm chí viết thành thơ để kể về những gì chương trình này làm được; có người còn ghi âm cả một ca khúc dành cho kiểu nhảy square-dance.
Đó là những hình thức phản kháng chung nhằm phản bác ý định cho rằng việc cấm đoán phân phối một chương trình nào đó, hay cấm đoán việc bày tỏ quan điểm, là điều khả thi.
Những con số 'nằm ngoài tầm với của pháp luật'
Phil Carmody, kỹ sư phần mềm sống tại Cambridge, Anh, là người muốn làm một cái gì đó khác đi.
Chừng hơn hơn một năm sau khi DeCSS được công bố trên mạng internet, Carmody đặt ra một sứ mệnh cho riêng mình: biến DeCSS thành một con số đặc biệt, một số nguyên dài, có tầm quan trọng trong lịch sử.
Con số này, đồng nghĩa với một chương trình máy tính, như lời Carmody nói, sẽ "nằm ngoài tầm với của pháp luật".
Do đó, Carmody đã đặt mã (encode) DeCSS thành một số nguyên tố.
Áp dụng một số ghép nối bằng phần mềm toán học, cuối cùng ông đã cho ra được một con số dài 1.905 ký tự.
Với Carmody, thế là quá đủ - đó là một thành tích nhỏ có tính lịch sử và cần phải được ghi nhận tương xứng.
"Bẻ khóa các đĩa DVD để xem được nội dung mà không phải mua bản gốc là điều bất hợp pháp ở hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới, và hành động đó quả đúng là bất hợp pháp," ông viết sau đó.
"Tuy nhiên, tôi không tin rằng việc áp dụng luật hiện hành của Mỹ là cách làm hợp lý. Tôi tin rằng về mặt logic thì điều đó là không nhất quán, mang tính thành kiến đối với lợi ích của các nhà in đĩa đa quốc gia, và chống lại lợi ích của người tiêu dùng."
Touretzky thấy rất ấn tượng về điều này. Ông đã đưa những gì Carmody làm được lên trang web của mình.
Bản thân ông đã viết DeCSS thành một bài thơ haiku. Nhưng ông đặc biệt ấn tượng trước kết quả chuyển đổi của Carmody, biến chương trình này thành một số nguyên tố.
"Bạn có thể tìm thấy một con số như thế trong tự nhiên," ông giải thích.
"Nó đã tồn tại sẵn rồi. Thế rồi họ nói rằng một trong những con số nguyên tố này là bất hợp pháp - cái đó về mặt nhận thức là gây kinh ngạc hơn so với một số những đóng góp khác."
Như giáo sư luật Eben Moglen chỉ ra, bất kỳ file nào cũng đều được đại diện bởi một số nguyên. Lý do là bởi trong ngôn ngữ điện toán thì toàn bộ các file và các chương trình đều là một chuỗi các chữ số 1 và 0 (zero), hay còn được gọi là nhị phân (binary).
Các chuỗi dài 1 và 0 này có thể được chuyển trực tiếp thành các số nguyên cụ thể.
Ứng dụng toán học
Ví dụ như một số rất dài có thể đại diện cho mã nguồn của Microsoft Word.
"Ngoài vấn đề 'bảo vệ bản quyền' thì đây cũng là một bí mật kinh doanh," Moglen viết. "Tức là nếu bạn lấy con số này từ Microsoft và đưa nó cho người khác thì bạn sẽ bị trừng phạt."
Vài năm sau, đã xuất hiện những ví dụ liên quan, mà lần này là những chuỗi chữ cái và chữ số nhất định.
Vào giữa thập niên 2000, một mã khóa dùng cho các đĩa DVD HD và đĩa Blu-ray được công bố công khai.
Nó có thể được rút gọi lại bằng cách viết trên mã hexadecimal - một cách viết theo đó danh sách những chữ số và chữ cái nhỏ được dùng để đại diện cho những con số lớn hơn nhiều.
Trên thực tế là nó quá ngắn, ngắn tới mức có người còn xăm nó lên cơ thể.
Vì sao?
Giống như DeCSS, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) và Cơ quan Quản lý Hệ thống Cấp phép (AACS LA) bắt đầu yêu cầu những ai đăng mã khóa lên mạng phải gỡ bỏ nó đi.
Điều này làm dấy lên cuộc phản đối khác, đòi quyền được tái bản mã khóa đó càng rộng rãi càng tốt.
Ở tâm điểm của cuộc đấu tranh này là trang mạng chia sẻ Digg. Trang này ra tuyên bố nói: "Chúng tôi sẽ không xóa các câu chuyện hoặc các bình luận có chứa mã code, và chấp nhận bất kỳ hậu quả nào xảy ra."
Cuối cùng, các nỗ lực nhằm xóa bỏ mã khóa đã biến mất, con số này vẫn được đăng trên nhiều website và trên cơ thể một số người.
Các con số bị cấm không chỉ là những con số có khả năng bẻ khóa các chương trình máy tính hoặc các nội dung được bảo vệ bản quyền.
Đôi lúc, các con số có thể bị cấm chỉ do sự liên hệ của chúng tới những thứ khác.
Chẳng hạn như một số trường học ở Mỹ cấm trẻ em mặc quần áo có in các con số hay được các băng đảng tội phạm sử dụng.
Người giám sát ở một trường học tại Colorado giải thích: "Đúng là các con số 18, 81, 13, 31, 14 và 41 là bị cấm. Chúng có ý nghĩa nhất định trong giới băng đảng."
Có những con số được giới tội phạm sử dụng, mang ý nghĩa cụ thể
Trong mọi trường hợp đều tồn tại nghịch lý. Những con số này liên quan tới điều gì đó cụ thể và do đó ai đó thấy cần phải cấm - dù là cấm đúng hay cấm sai.
Nhưng bản thân các con số cũng là thứ trừu tượng, tách rời khỏi những cách thức cụ thể mà chúng được sử dụng. Việc cấm dùng chúng trong những hoàn cảnh cụ thể có vẻ như là điều ngớ ngẩn.
Tuy nhiên, như các thẩm phán và luật sư đã giải thích, thì có những lý do hợp pháp khiến người ta cần áp dụng lệnh hạn chế đối với những hoạt động gây hại cho việc kinh doanh hoặc gây hại cho những tổ chức nào đó.
Máy điện toán, vốn dựa vào các con số, nay đã trở nên quá gần gũi với cuộc sống của chúng ta, cho nên chủ đề cấm đoán này sẽ khó có khả năng biến mất.
Với giới luật sư và các nhà lập pháp, chuyện có quá nhiều thứ có thể rút gọn lại thành những con số có lẽ là điều gây đau đầu.
Thế nhưng với nhiều người khác thì các con số, các hoạt động giải mã lại là thứ đầy sức mạnh.
Rốt cuộc, toán học có thể mô tả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, và đương nhiên là bạn không thể cản đường môn khoa học này.
Chris Baraniuk