Loại cây "hút" lộc xuân vào nhà
Những loại cây này được phong thủy xem là cát tường, mang lại sinh khí trong nhà trong năm mới.
Tre, trúc:
Tre mang đến sức trẻ và niềm may mắn, trúc tượng trưng thanh nhã và thoát tục. Tre, trúc thích hợp với nhiều không gian và phong cách thiết kế khác nhau. Người chuẩn bị về nghỉ hưu, người về quê hưởng tuổi già dùng rất hay.
Quít, quất:
Tượng trưng cho sự cát tường, may mắn. Công chức hay tiểu thương dùng rất lợi. Chú ý chọn cây phải đủ tứ quý, nghĩa là có: Dáng đẹp; quả đẹp và đủ quả xanh, chín; lá, lộc xanh mơn mởn; và đặc biệt có chút nụ, hoa. Màu vàng của quất biểu tượng cho tài lộc nên cây quất được nhiều người ưa chuộng.
Cọ:
Ngoài lợi ích làm thuốc, theo phong thủy, cây cọ còn có ý nghĩa sinh tài, giữ của. Có thể trồng trong sân vườn và trong chậu.
Mai:
Có ý nghĩa thanh cao, phú quí. Năm cánh mai tượng trưng cho ngũ phúc, thể hiện mong muốn gia đình hạnh phúc vẹn toàn. Người ở phương xa về sum họp gia đình hay con cháu biếu ông bà thì đắc lợi.
Lựu:
Có quả màu đỏ rất đẹp. Người ta tin rằng cây lựu nhiều hạt (nhiều con) đem đến điềm may và tin tốt lành cho gia chủ. Cây này phù hợp với gia đình có thêm em bé.
Cần thăng (thăng tiến trong nghề nghiệp):
Những người muốn năm mới công việc được phát triển, bổ nhiệm dùng rất hay.
Đỗ quyên (đỗ đạt, học giỏi):
Dùng rất tốt cho những gia đình có người đi thi.
Kim ngân:
Được coi là loại cây "phú quý", có tác dụng chiêu tài nên kim ngân, ngân lượng rất thích hợp làm quà tặng trong những dịp mừng lễ, tết, thăng chức, khai trương...
Đào, hồng (duyên tình tươi thắm):
Cây đào còn được coi là tinh hoa của ngũ hành biểu tượng cho sự sinh sôi, đổi mới. Đào, hồng (có màu đỏ biểu tượng của tình duyên, đám cưới) dùng thích hợp cho những người mong năm mới tình cảm sẽ tốt đẹp hơn.
Theo bộ:
Để trồng trong sân vườn các nghệ nhân cây cảnh thường tạo dáng cây theo các chủ đề truyền thống như tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, nhị thập tứ hiếu... trong đó các phần ngọn, thân, rễ tương đương với thiên - địa - nhân, nên hài hòa. Tiêu chuẩn cơ bản là nhất hình - nhì thế - tam chi - tứ diệp nhằm có được những dáng cây, thế cây đẹp.
Bộ tứ linh:
Đa - sung - sanh - si, vốn là những cây lâu năm, dáng đẹp, rễ bám bền chắc và cành lá sum suê. Những cây này hay được uốn theo các thế truyền thống thể hiện tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la.
Bộ tứ quý:
Mai - lan - cúc - trúc tương ứng theo bốn mùa trong năm, hoặc là tùng - trúc - cúc - mai tượng trưng cho tuổi thanh xuân và khí tiết của con người. Trong đó, tùng và trúc có dáng vươn cao tượng trưng cho nam tử trượng phu, còn cúc - mai tươi đẹp mềm mại tiêu biểu cho nữ nhi hiền thục.
Bộ tam đa:
Gồm có cây sung sai quả (hoặc cây đa) ở dạng bonsai tượng trưng cho phúc. Cây lộc vừng hoặc phát tài (thiết mộc lan) tượng trưng cho lộc. Cây bách tuế, thiên tuế hay vạn tuế, vạn niên tùng, sống đời... tượng trưng cho thọ.
Theo phong thủy, để cây trong nhà, trong vườn đạt hiệu quả thẩm mỹ cao và có tác dụng về mặt phong thủy, gia chủ cần chú ý tới những nguyên tắc nhất định như:
Gia chủ cầu mong điều gì thì lựa chọn cây đó là chủ đạo; ví dụ muốn tiền bạc hanh thông chọn cây kim ngân hay ngân lượng...) và phải tự mình đi lựa chọn.
Chú ý tính hài hòa giữa màu sắc, hình dáng của cây, hoa và không gian trong phòng, trong vườn. Phòng khách nhỏ không trồng chậu cây quá to (tham vọng quá lớn khó thành), không để cây cản trở lối đi trong nhà (được việc mình gây bất lợi người khác).
"Sức khỏe" của cây cối cũng là thước đo sinh khí cho mỗi ngôi nhà. Khi một loại cây trồng có dấu hiệu tàn úa, cần khắc phục ngay để duy trì sự quân bình. Gần thì điều chỉnh tại ngay cây đó như xới đất, tưới nước hay tỉa cành, xa hơn là quan sát cả không gian chung quanh xem có bị nắng nóng hay để cây quá sâu trong nhà khiến cây thiếu ánh sáng hoặc dưỡng khí hay không.
(Theo Kiến Thức)
Comment