Sự thật về ba phút hồn lìa khỏi xác.
Theo báo Nga Komsomolskaya Pravda, những thí nghiệm do hai nhà bác học Anton Coenen và Tineke van Rijn ở Trường Đại học Tổng hợp Nijmegen (Hà Lan) mới tiến hành đã buộc chúng ta phải thêm một lần suy nghĩ về linh hồn. Và làm dấy lên những cuộc tranh luận mới về sự tồn tại hay không tồn tại của khái niệm bí ẩn này.
Tử hình nhân đạo
Theo đơn đặt hàng của Ủy ban về Đạo đức thuộc Trường Đại học Tổng hợp Nijmegen, hai nhà bác học Hà Lan trên đã đi tìm lời giải cho hai câu hỏi mang tính thực tiễn. Thứ nhất, những con chuột buộc phải “thí thân” cho khoa học bị đau đớn đến mức độ nào? Thứ hai, có cách nào nhân đạo nhất để khai tử chúng hay không?
Và quả thực họ đã tìm được lời giải hữu lý. Hóa ra là, đối với những con chuột trong phòng thí nghiệm thì không có cách khai tử nào “nhân đạo” hơn là làm cho đầu chúng lìa khỏi cổ. Khi bị chặt đầu, những cảm giác đau đớn xuất hiện ở các “tội đồ chuột” chỉ diễn ra trong vòng không hơn 4 giây.
Tuy nhiên, những hiện tượng mà hai nhà nghiên cứu Anton và Tineke phải chứng kiến khi chặt đầu 25 con chuột trong phòng thí nghiệm đã làm chuyển hướng của các thí nghiệm sang một hướng khác, mang màu sắc duy tâm. Các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra trong những cái đầu đã lìa khỏi xác những đột khởi não, khi họ định ghi lại điện não đồ của chúng sau khi đã “hành hình” chuột được vài phút.
Kết quả nghiên cứu khoa học của hai nhà bác học Hà Lan đã làm giảm khá nhiều ấn tượng mạnh mẽ mà trước đây hai năm, những thí nghiệm do các đồng nghiệp của họ từ Khoa Y học Trường Đại học George Washington ở Mỹ tiến hành.
Các nhà khoa học Mỹ khi đó đã ghi nhận được những hiện tượng điện từ sôi động ở trong não của những người vừa trút hơi thở cuối cùng. Và họ đã làm náo động các phương tiện thông tin đại chúng khi khẳng định rằng họ đã tìm ra được cơ sở sinh lý học của những ảo ảnh siêu thực liên quan tới thí nghiệm ở những người hấp hối.
Và điều đó đã trở thành một sự kiện thực sự chấn động và ngay lập tức đã xuất hiện giả thuyết: các điện não đồ đã ghi lại không phải là cái gì khác ngoài quá trình linh hồn lìa bỏ xác thân con người.
Và giờ đây thì đến lượt các chú chuột cũng bộc lộ hiện tượng bí ẩn tương tự. Và các nhà khoa học đang phân vân không biết kết luận thế nào. Vì rốt cuộc chỉ có hai cách nhận định: hoặc là phải công nhận rằng chuột cũng có linh hồn như con người, hoặc phải công nhận rằng, những khẳng định về việc con người có phần hồn là chưa đủ chứng cứ.
Dấu hiệu sự sống sau khi chết
Năm 2009, các nhà khoa học Mỹ đã ghi lại điện não đồ của 7 bệnh nhân hấp hối rồi qua đời vì bệnh ung thư hoặc vì hệ lụy của những cơn suy tim. Không thể có cách gì để níu kéo sự sống cho những người này. Nhưng sau khi họ trút hơi thở cuối cùng thì não của tất cả những “tử sĩ” này dường như lại trỗi dậy trước khi lịm tắt hoàn toàn. Đó là những xung lực điện từ rất mạnh mà khi còn sống đã không hề có ở họ.
TS Lakhmir Chawla, người lãnh đạo thí nghiệm trên, kể lại: “Thoạt tiên chúng tôi đã không tin ở mắt mình. Chúng tôi cứ tưởng rằng những xung lực hiện trên điện não đồ là do các máy điện thoại di động hoặc là do hoạt động của các dụng cụ điện tử khác sinh ra. Thế nhưng, sau khi loại bỏ tất cả những ảnh hưởng ngoại lai này thì các hiện tượng bất thường vẫn tồn tại”.
Các nhà nghiên cứu đã đánh liều đưa ra giả thuyết rằng, sự trỗi dậy lạ kỳ như thế trong não người đã chết liên quan tới những ảo ảnh dị thường mà những người tỉnh dậy sau ca chết lâm sàng vẫn thường hay kể.
Những người duy tâm dĩ nhiên đã nhìn thấy trong hiện tượng này minh chứng cho sự tồn tại của linh hồn. Dù chỉ là minh chứng tương đối mù mờ và không hẳn đã dứt khoát. Thế còn hơn là không!
Tuy nhiên, cũng còn một giả thuyết khác ít nhiều mang tính khoa học: quá trình hồn lìa khỏi xác có vẻ giống như sự phóng điện của tụ điện. Và trong những khoảnh khắc đầu tiên sau khi con người trút hơi thở cuối cùng đã “xả” tới gần 90% lượng điện tích trong não, còn những phần còn lại “xả” dần trong khoảng thời gian từ 9 tới 40 ngày sau đó.
Chỉ là hiện tượng điện, không hơn
Trong cái đầu chuột đã bị lìa khỏi xác hiện tượng đột khởi não xuất hiện khoảng một phút sau khi chuột bị chém đầu và diễn ra trong khoảng gần 10 giây.
Ở con người não “đột khởi” khoảng 2-3 phút sau khi tim ngừng đập và máu thôi lưu thông lên não (việc này cũng tương đương như đầu lìa khỏi cổ). Quá trình diễn ra khoảng 3 phút.
Các nhà khoa học gọi hiện tượng bất thường mà họ quan sát thấy là “lớp sóng tử thần”. Và hiện nay họ đang tìm những phỏng đoán có thể lý giải được hiện tượng này. Giả thuyết về việc linh hồn bất tử cần có thời gian để lìa khỏi thân xác phù du dĩ nhiên là rất ngoạn mục.
Thậm chí vì cái đẹp có thể công nhận rằng ngay cả chuột cũng có linh hồn và ở thế giới bên kia cũng có chỗ xứng đáng dành cho loài chuột có linh hồn. Nhìn theo góc độ này thì thấy rất có lý khi nói rằng, linh hồn con người cao sang hơn nên cần nhiều thời gian hơn để lìa khỏi xác (3 phút), còn linh hồn chuột, bé nhỏ hơn, lanh lẹ hơn, nên chỉ cần có 4 giây thôi.
Thế nhưng, nhìn từ góc độ duy vật thì chỉ có thể nói rằng, hiệu ứng mà các nhà khoa học đã quan sát thấy cả ở người lẫn chuột chỉ minh chứng cho một điều duy nhất là: có một hiện tượng nào đó gắn bó với các quá trình sinh lý học diễn ra trong những bộ não đang dần lịm chết.
TS Chawla nhận xét: “Có thể giải thích một cách không duy tâm về hiện tượng đột khởi của não trong những cái đầu đã lìa khỏi xác hoặc trong những cái đầu không còn được tiếp máu nữa. Tất cả những neuron được liên kết vào một mạch điện. Vì không đủ oxy nên chúng đánh mất dần khả năng tích các trữ lượng điện. Và chúng phải “xả” ra, tạo nên những xung động dồn dập”.
Nhà bác học Coenen cũng đồng tình với quan điểm của TS Chawla: “Có vẻ như trong bộ não đang lịm chết quả thực xuất hiện hiện tượng “xả” neuron điện. Bởi lẽ, những neuron “sống” thì phải ở dưới một điện thế âm nhỏ nào đó, khoảng 70mili vôn. Chúng duy trì điện thế này bằng cách xuất ra những ion dương. Còn những neuron chết thì thay đổi cực rất nhanh từ âm sang dương. Có lẽ vì quá trình này nên xuất hiện “lớp sóng tử thần”.
Nói tóm lại, không có gì linh thiêng hơn các hiện tượng về điện và chỉ có thế mà thôi.
Ranh giới âm dương
Theo nhà bác học Coenen, “lớp sóng tử thần” cho thấy rõ não thực sự đã chết và không thể nào khôi phục lại sự hoạt động của neuron. Nhìn thấy hiện tượng này thì sẽ hiểu ra là, không thể nào cứu sống được bệnh nhân nữa. “Lớp sóng tử thần” chính là một dạng ranh giới giữa cõi âm và dương thế.
Tuy nhiên, một đồng nghiệp khác của ông, bác sĩ hồi sức cấp cứu Lance Becker thuộc Trường Đại học Tổng hợp Pennsylvania ở Philadelphia lại suy nghĩ hơi khác một chút. Theo ông, có thể hiện tượng “đột khởi” lại chính là biểu hiện của sự cố gắng của não nhằm khôi phục lại hoạt động của tim. Bác sĩ Becker cho rằng, “lớp sóng tử thần” có thể là tín hiệu cho thấy các neuron chỉ mới ngừng hoạt động chứ chưa bị hỏng hoàn toàn.
Và như vậy có nghĩa là sau ngưỡng cửa đó có thể có sự hồi sinh? Ông nhận xét: “Ngày trước tôi từng được dạy, trong bộ não không còn khí oxy nữa diễn ra những thay đổi không thể đảo ngược được. Thế nhưng, giờ đây chúng ta đã rõ rằng, mọi sự không hẳn là như thế. Trong phòng thí nghiệm các nhà khoa học đã làm sống lại cả những chú heo trong vòng 15 phút sau khi tim chúng ngừng đập mà không gây tác hại gì tới não. Trong chuyện này không ai có thể biết được, đâu là giới hạn về mặt thời gian”.
Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về các ảo ảnh mà những người sống lại sau khi chết lâm sàng kể.
TS Chawla không loại trừ rằng, những “đột khởi” điện trong não, những “lớp sóng tử thần”, có thể tạo nên những hình ảnh dị thường nhất – từ ánh sáng cuối đường hầm tới những ảo giác đa màu khác. Chúng soi rọi vào trí nhớ lâu bền như thể rọi đèn pha vào đó. Và khi ấy, trước mắt con người bỗng hiện lên những hình ảnh từ quá khứ xa sâu, hiện lên gương mặt của những người thân đã mất từ lâu. Đấy chính là điều mà những người “trở về từ cõi chết” hay kể.
Thế nhưng, các bệnh nhân của TS Chawla không trở về được từ thế giới bên kia. Và chúng ta không thể nghe được những câu chuyện kể của họ. Cũng như chưa ai ghi lại được điện não đồ của những người đã hồi sinh lại sau cái chết lâm sàng. Và vì thế, những giả thuyết của TS Chawla vẫn chưa thể có được sự kiểm chứng khoa học.
Nhà nghiên cứu Kevin Nelson thuộc Trường Đại học Tổng hợp Kentucky ở Lexington, người từng nhiều năm nghiên cứu những ảo ảnh đi theo con người trong giờ phút hấp hối lại hoài nghi việc những ảo ảnh đó có liên quan với “lớp sóng tử thần”. Theo ông, việc thay đổi cực của các neuron cũng thường diễn ra khi con người lên cơn động kinh. Nhưng những người động kinh về sau lại không hề nhớ được những ảo giác đã xuất hiện.
Nói chung, theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nelson, cho tới thời điểm hiện nay, những bí ẩn của “lớp sóng tử thần” cũng như của các ảo ảnh lúc hấp hối vẫn chưa thể được coi là đã được xác minh rõ ràng trên phương diện khoa họcSự thật về ba phút hồn lìa khỏi xác
Viet SN