Hành mộc trong nhà
Dung hòa và phối hợp sử dụng vật liệu kim – mộc để đạt hiệu quả cao về mặt phong thủy.
Mọi ngôi nhà định cư ổn định luôn lấy hành thổ làm nền tảng cho cấu trúc, bắt đầu từ nền móng cho đến những cấu kiện bên trên. Thuỷ (nước) và hỏa (lửa) là hai hành không thể thiếu trong sinh hoạt, duy trì sự sống của con người. Còn xét về bề mặt hoàn thiện và các cấu trúc động thì hai hành kim và mộc là hai hành luôn hiện diện trong mỗi ngôi nhà, dù chính hai hành này lại tương khắc với nhau! Vì thế cần biết cách dung hòa và phối hợp sử dụng vật liệu kim – mộc để đạt hiệu quả cao về mặt phong thủy.
Nhà xưa: mộc thịnh hành
Cung cách ăn ở của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước xưa kia luôn dựa vào thiên nhiên, tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như gỗ, tre… Ngoại trừ phần nền nhà đắp đất hoặc một số nơi dùng đá hộc xây tường, còn lại thì ngôi nhà truyền thống hầu như hoàn toàn làm bằng nguyên liệu mộc. Với những ưu điểm như bền bỉ và gần gũi với thiên nhiên, dễ trang trí, đem lại cảm giác “mềm, ấm” cho người sử dụng nên cho đến tận ngày nay vẫn luôn có số đông gia chủ thích ở trong những ngôi nhà có nhiều chất liệu gỗ (thiên nhiên hay nhân tạo) và xem các vật dụng bằng gỗ quý như là món đồ gia bảo!
Nhưng dùng gỗ nhiều thì cũng làm xâm hại môi trường và dễ sinh hoả. Đồng thời gỗ quý hiếm cũng ngày càng cạn kiệt dần, do đó càng về sau này trong nhà ở thường chỉ còn dùng gỗ chủ yếu ở cửa, cầu thang và vật dụng (như tủ bếp, bàn ghế), những khu vực tiếp xúc với con người hàng ngày nhiều và mang tính đối nội. Còn các vật liệu tạo nên bộ khung cơ bản cho ngôi nhà và tiếp xúc môi trường bên ngoài đang dần được thay thế bêtông, kính, kim loại…
Nhà nay: kim phối hợp mộc
Đặc tính chắc chắn, nhẹ, dễ chế tác và tạo hình khiến hành kim ngày càng được ưa chuộng, nhất là trong các công trình đòi hỏi tính chính xác cao, hoạt động sản xuất và cần thời gian thi công nhanh (nhà xưởng, siêu thị, công trình kỹ thuật…). Trong nhà ở, kim vốn không được ưa thích bởi tính lạnh, cũng là do tâm lý “ưa mộc” của dân chúng như đã nêu trên. Mà kim vốn là hành khắc mộc, nên trong khi mộc được ưa dùng nhiều bên trong thì kim hay được chọn cho bên ngoài, mang tính bảo vệ, đối ngoại (hàng rào, cửa cổng, cửa cuốn, bông sắt, lan can, ban công…) như một sự “phân công” hợp lý. Một giải pháp nữa là tăng mộc giảm kim ở các không gian riêng tư, ví dụ như đưa tivi máy vi tính ra khỏi phòng ngủ để giảm từ trường và toả nhiệt của thiết bị.
Một xu hướng ưa dùng là “ruột kim vỏ mộc”, tức là dùng kết cấu kim loại nhưng được sơn phủ bên ngoài bề mặt mang tính chất gỗ, tạo vân gỗ để đáp ứng tâm lý người sử dụng. Đây cũng là một xu hướng mà nhiều vật liệu nhân tạo khác khi tiếp cận thị trường nhà ở (nhất là vùng châu Á) thường làm bề mặt giống gỗ (các loại nhựa, kim loại, tấm dán decal, nhôm… và ngay cả gạch lát hay tấm trải sàn có mặt vân gỗ cũng rất được ưa chuộng là vì vậy). Điều này cũng thể hiện xu hướng phối hợp các loại vật liệu một cách hài hoà trong làm nhà, không ưu ái quá mức một loại vật liệu nào (không thiên lệch trong ngũ hành) và phù hợp theo tâm lý người sử dụng phương Đông. Ta xét thử một gian bếp hiện đại, thấy ngay yếu tố mộc thậm chí còn bị “lép vế” so với kim, bởi hệ thống thiết bị phục vụ cho việc làm bếp khác hiện đại và tiên tiến. Nhưng các tủ bếp dù bằng inox hay nhựa nếu có chút màu sắc, bề mặt… giống gỗ vẫn được các gia chủ (nhất là gia chủ trung niên) ưa chuộng hơn là tủ bếp kim loại.
Và xưa – nay giao hòa
Một xu hướng đang được ưa chuộng hiện nay là sử dụng các vật liệu gần gũi với thiên nhiên, trong đó mộc (gỗ, tranh, tre, nứa, lá…) và thổ (gạch, ngói, đá, sỏi…) luôn được ưu tiên. Cách dùng vật liệu này không những giúp môi trường sống thân thiện mộc mạc hơn mà còn tạo nên được các không gian với chất liệu tương tự (hoặc mang phong cách gần gũi) với ngôi nhà truyền thống, từ cách bố cục, sắp xếp, đến hoàn thiện chi tiết.
Nhà nghỉ, biệt thự, resort,…khá phù hợp với lối sử dụng vật liệu này và không thể tách rời khuôn viên, cỏ cây, mặt nước như là những thành tố bắt buộc hình thành nên thế đất, thế nhà. Trong nhà phố hay căn hộ chung cư, do các điều kiện cố định về diện tích và quan hệ xung quanh nên việc sử dụng vật liệu thô mộc bị hạn chế hơn, chỉ tập trung trong trang trí nội thất. Điều chủ yếu là các gia chủ cần hiểu rõ nguyên tắc hài hoà ngũ hành, biết cách phối hợp, tương tác giữa các loại vật liệu với nhau trong quan hệ tổng thể.
Theo THS. KTS Hà Anh Tuấn
Sài Gòn tiếp thị
Sài Gòn tiếp thị