Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Bếp và những điều kiêng kị

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bếp và những điều kiêng kị

    Tôi nghe nói làm nhà thì chỗ kê bếp nấu không được ở dưới toilet của tầng trên. Bên dưới chỗ kê bếp nấu cũng không được để bể nước hoặc hầm cầu? Xin hỏi điều này có đúng không? Đó là kiêng cữ (kiểu tín ngưỡng - mê tín) hay là khoa học? Nếu nhà chật quá, không có điều kiện làm khác đi thì khi “vi phạm” có bị gì không? (T.T.N - TP.HCM);


    Tại sao lại không kê bếp nấu thẳng với cửa ra vào? (Nguyễn Văn Vịnh - quận 9);

    Xin cho biết cách tính vật liệu của vài vật liệu cơ bản làm bếp kiểu như đá màu xanh là hợp mạng gì? Inox hợp mạng gì...?(Nguyễn Vui - Cần Thơ)


    Quầy bar kiêm bàn soạn cũng là một giải pháp ngăn chia - kết nối khí tốt cho bếp trong căn hộ nhỏ

    Trả lời: Câu hỏi của các bạn đề cập đến nhiều vấn đề về phong thuỷ của bếp. Chúng tôi xin trả lời chung bằng bài viết tổng hợp những điều nên làm và nên tránh. Dù bếp trong không gian hiện đại ngày nay có nhiều biến đổi về tiện nghi nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc phong thuỷ truyền thống mà gia chủ cần lưu tâm. Nhất là vào dịp cuối năm, bếp luôn cần có những dọn dẹp, sắp xếp đúng phong thuỷ để đón một năm mới tươi vui, an lành hơn.

    Có kiêng có lành:

    Khá nhiều “kiêng kỵ” được truyền tụng lâu nay về bếp có thể vô tình đã làm các gia chủ bối rối và nêu thắc mắc lo lắng vì nhìn đâu cũng thấy nhà mình bố trí… sai phong thuỷ! Chúng tôi xin tóm gọn lại các nguyên tắc bố trí cơ bản về bếp như sau:

    a. Tránh bếp gặp trực xung đối môn: vì hướng của bếp là hướng từ miệng bếp nhìn ra (chứ không tính hướng của người đứng nấu bếp) nên cũng cần giữ gìn sự sáng sủa, thoáng đãng và an lành giống như xem hướng trước cửa vậy. Miệng bếp mà nhìn thẳng ra cửa đi (trước hoặc sau nhà) thì luồng khí dẫn truyền bụi bặm sẽ tác động trực tiếp vào, gió thổi tắt lửa, người đứng nấu quay lưng lại không quan sát được cửa. Dân gian gọi bếp đặt như vậy là “khai môn kiến táo, tài phú đa hao”, hay ngắn gọn hơn: lộ táo khẩu!

    b. Tránh bếp bị trực xung thuỷ – hoả: theo ngũ hành thì thuỷ khắc hoả, nên bếp tránh đặt quá gần khu chứa nước, bồn rửa hoặc nhà vệ sinh. Các hệ thống dùng nước (đường ống, bể nước, hầm phân, hố ga…) nếu ở trên đầu bếp, ở bên cạnh hoặc ngay dưới bàn bếp cũng đều gây ra những bất cập khi sử dụng, khi sửa chữa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

    c. Tránh xú uế và tác động va chạm: bếp cũng cần tránh để sát bên hoặc miệng của bếp nấu tránh nhìn thẳng vào cửa phòng vệ sinh, chỗ nuôi súc vật (nhiều xú uế) cũng như sàn nước, máy giặt (thuỷ khắc hoả) thậm chí tránh cả nhà để xe nữa (dễ gây cháy nổ và bụi bặm, mùi xăng dầu). Nên kiểm tra lại dây chuyền hoạt động bếp từ rửa đến sơ chế, rồi nấu và soạn xem có thông suốt không. Nếu đặt bếp cạnh lối gia đình đi ra vào thường xuyên cũng rất dễ gây ra va chạm, vướng víu khi nấu nướng và nguy hiểm nếu nhà có trẻ nhỏ.

    Phong thuỷ cũng kỵ đặt giường ngủ hoặc các chỗ sinh hoạt ngay trên chỗ nấu bếp (nhất là phía trên bếp sàn bằng gác gỗ) để tránh việc đi lại, sinh hoạt ở trên làm“động bếp” dưới, đồng thời bếp đun hơi nóng xông lên ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người bên trên. Tất nhiên việc tốt xấu trong nội thất còn tuỳ thuộc vào hình thức và chất lượng xây dựng của bếp cũng như các không gian liên quan. Nếu bếp có tiện nghi cao, chắc chắn, đúng tiêu chuẩn, và khu vực khác cũng sạch sẽ, kín đáo thì sẽ giảm thiểu được sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.


    Bố trí bếp đủ thông thoáng và chiếu sáng (cả thiên nhiên lẫn nhân tạo) chính là một giải pháp an lành về phong thuỷ và đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm


    Dùng bình phong gỗ ngăn tác động xấu của phòng vệ sinh gần bếp

    Không gian, màu sắc và chất liệu:

    Đừng biến các khoảng trên nóc tủ bếp làm kho vì sẽ rất lộn xộn và bất tiện khi tìm kiếm cũng như đồ vật dễ bị rơi xuống. Nếu diện tích hạn hẹp thì có thể tiết kiệm không gian tại các khoảng pha chế và bồn rửa, nhưng cần phải đảm bảo đủ rộng cho chỗ đứng nấu, tạo khoảng lùi cần thiết đề phòng khi phát hoả. Trường hợp kết hợp chỗ ăn luôn trong bếp thì tốt nhất là giữa bếp và bàn ăn nên có một mặt bàn hay tủ thấp để ngăn theo kiểu quầy bar, kiêm chỗ soạn khá tiện dụng.

    Màu sắc trong bếp hay được chuộng màu gỗ (mộc), màu đỏ sậm (hoả) hoặc màu vàng (thổ). Tủ bếp hiện đại thường làm bằng gỗ chống cháy hoặc inox kết hợp mặt đá, gạch men, nhựa tổng hợp… Nhưng dù bằng vật liệu hay màu sắc gì thì bề mặt bàn và tủ bếp chỉ nên nhẵn và bóng vừa phải, giảm các chi tiết rối mắt và tránh làm nhiều các khe hốc rất khó làm vệ sinh. Cách tính vật liệu và màu sắc theo ngũ hành cần chú ý nguyên tắc rất biện chứng trong vạn vật là “bớt nhiều bù ít, thừa giảm, thiếu tăng”, hay nói cách khác là không nên thiên lệch về một hành nào quá mức.

    Bếp vốn thuộc hoả, nóng nực nhiều, nếu lại tiếp tục dùng màu tương sinh thì hoả thì sẽ quá vượng, mà có thể bổ sung thêm màu đen hay xanh dương (thuỷ) để khắc chế bớt. Tủ bếp có màu trắng (kim) gần đây cũng khá được chuộng vì độ sạch sẽ và sáng sủa, dĩ nhiên là cần chú ý khả năng chịu nhiệt và tránh ố vàng do hơi dầu mỡ trong quá trình đun nấu.


    Cho dù bếp màu trắng (kim) hay màu gỗ (mộc) thì cốt yếu vẫn phải là vị trí, tiện nghi và sự tiện dụng



    Bàn thờ Táo quân đặt cùng hướng với bếp, kết hợp bố trí với tủ phía trên máy hút khói


    Giảm hung tăng cát:

    Các thiết kế bếp hiện đại ngày càng giảm tác động xấu của quá trình nấu nướng lan toả sang không gian lân cận, và đưa vào bếp nhiều sự thoải mái thuận tiện hơn. Đối với nhà phố hay biệt thự, bếp hay được đặt phía sau, gần giếng trời hoặc sân sau để thuận tiện hơn cho việc nấu nướng cũng như thoát khói mùi tốt.

    Nhưng các căn hộ chung cư hoặc nhà có diện tích nhỏ thì hay đặt phần bếp gần cửa ra vào, tuy có lợi thế là dành diện tích thông thoáng chiếu sáng ở ngoài ban công, cửa sổ cho phòng khách, phòng ngủ, nhưng lại có nhược điểm vừa vào nhà đã gặp ngay bếp, đồng nghĩa với khả năng thông thoáng - chiếu sáng tự nhiên cho khu vực này thường bị kém.

    Có thể khắc phục bằng cách bố trí thông gió cưỡng bức cho bếp vào hộp kỹ thuật, đồng thời xử lý vách di động (cửa trượt, xếp) để khi đun nấu nhiều có thể tách biệt phần bếp với không gian bên ngoài. Dùng vách di động hay tủ đa năng còn giúp che chắn tầm nhìn khi khách vào nhà, tạo một khoảng đệm cần thiết với những nhà có diện tích nhỏ.



    Nguồn: SGTT

    Bài THS–KTS Hà Anh Tuấn
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

Working...
X