Victoria's Secret đến hồi suy sụp?
Đế chế nội y Victoria's Secret đã chính thức đến hồi suy sụp. Không phải đến bây giờ, Victoria's Seret mới gặp phải khủng hoảng, nhiều người cho rằng thương hiệu nội y đình đám này đã đến đỉnh cao rồi trượt xuống.Năm nay nhiều khả năng, Victoria's Secret show sẽ bị dừng lại. Đây là điều đáng buồn với các fan của thiên thần nội y nhưng lại là sự thật. Người ta càng có cơ sở để tin tưởng sau khi kênh truyền hình chính đã có tín hiệu muốn dừng phát sóng chương trình này.
Mới đây, trong buổi phỏng vấn với The Daily Telegraph, Shanina Shaik có nói: "Đáng tiếc rằng, buổi biểu diễn của Victoria's Secret năm nay có thể sẽ không được tổ chức. Khoảng thời gian này mọi năm tôi đang luyện tập như một thiên thần nhưng điều này không xảy ra khiến tôi thấy lạ lẫm". Người mẫu cũng chia sẻ rằng, cô nghĩ nhãn hàng đang cố gắng xây dựng lại thương hiệu và thực hiện chương trình theo một cách mới mẻ hơn.
Thiên thần Shanina Shaik tiết lộ về chương trình năm 2019 có thể không được diễn ra.
Victoria's Secret từng được xem là xứ sở mộng mơ khiến tất cả các cô gái đều muốn trở thành thiên thần. Kể từ khi được thành lập vào năm 1977, thương hiệu nội y này dần khẳng định mình như người tiên phong trong thị trường thời trang mới, tập trung vào mặt hàng đồ lót mà trong quá khứ nhiều người từng e ngại khi nhắc đến. Tuyên bố của Shanina Shaik chứng tỏ thương hiệu này đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Quả thật, khi so sánh những gì Victoria's Secret đã làm được với hiện tại, người ta nhận ra những dấu hiệu báo trước sự hết thời của một đế chế.
Victoria's Secret được thành lập vào năm 1977.
Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng
Trong giai đoạn 1977 - 1980 Victoria's Secret tăng trưởng 500.000 USD trong năm đầu tiên bán hàng đủ để chi trả cho một trụ sở và các cửa hàng mới cùng dịch vụ đặt hàng qua e-mail. Trong năm 1982, catalogue thứ 12 của thương hiệu xuất bản với doanh thu khủng, lợi nhuận từ các quyển catalogue này đóng góp hơn 55% cho doanh thu 7 tỷ đô hàng năm của công ty. Vì gặp phải vấn đề trong chiến lược kinh doanh, cha đẻ của thương hiệu là Roy Raymond đã bán Victoria's Secret cho Leslie Wexner, nhà sáng lập của Limited Stores (sau được gọi là L Brand).
Thương hiệu này tăng trưởng một cách nhanh chóng.
5 năm sau khi mua công ty, The Limited đã mở đến 346 cửa hàng bán lẻ, thâm nhập vào các trung tâm thương mại. Năm 1986, Victoria's Secret là chuỗi bán hàng nội y quốc nội duy nhất ở Mỹ. Tờ The New York Times đã viết bài về sự phát triển vượt bậc của Victoria's Secret's từ 4 cửa hàng vào năm 1982 lên đến 100 cửa hàng vào năm 1984 và nêu lên suy đoán của giới chuyên môn, cho rằng con số này sẽ tăng đến 400 vào năm 1988. Năm 1990, các nhà phân tích ước tính doanh thu của hãng tăng trưởng gấp 4 lần đến 120 triệu đô la Mỹ trong 4 năm.
Victoria's Secret là thương hiệu bản lẻ nội y lớn nhất nước Mỹ.
Tuy nhiên khủng hoảng với Victoria's Secret đến sớm hơn những gì chúng ta biết. Trong những năm 1990 - 1993 hãng liên tục vấp phải vấn đề chất lượng. Những năm tiếp theo, doanh thu của Victoria's Secret lên xuống thất thường, báo hại công ty mẹ L Brands cũng rơi vào khủng hoảng. Năm 2016 cổ phiếu của L Brands giảm hơn 40%. Sau 2 năm điều hành thương hiệu Jan Singer cũng đã từ chức vào năm 2018, cổ phiếu của công ty giảm 39%. Khách hàng không còn muốn đến cửa hàng của Victoria's Secret để mua đồ bởi nó không còn phù hợp, dù đắt đỏ nhưng kiểu dáng lỗi thời.
Trong khi các đối thủ cạnh tranh như American Eagle's Aerie, Rihanna's Savage x Fenty, ThirdLove,.. nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới bralettes thì Victoria's Secret là người đến sau, dập khuôn và cổ hủ với những miếng mút dày, áo có gọng. Chính giám đốc marketing của thương hiệu là Ed Razek cùng thừa nhận điều này. Trong năm 2019, Victoria's Secret định xóa sổ 53 cửa hàng sau 30 cửa hàng đã bị đóng cửa vào năm 2018.
Nhiều cửa hàng của thương hiệu đã bị đóng cửa.
Chương trình ế ẩm, Fantasy Bra rẻ rúng
Victoria's Secret bắt đầu tổ chức buổi trình diễn thời trang vào năm 1995, chỉ sau 2 năm, chương trình nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người nổi tiếng và công chúng. Victoria's Secret Show không chỉ là nơi thương hiệu cho ra mắt những thiết kế mới mà giống như một bữa tiệc xa hoa và đầy gợi cảm. Vậy mà tỉ suất người xem giảm mạnh đến mức khó tin. Chương trình có mốc người xem cao nhất đã thuộc về quá khứ cách đây rất lâu, năm 2001 với 12,4 triệu lượt xem.
Tạp chí W đánh giá show diễn của Victoria's Secret vào năm 2018 thấp nhất trong lịch sử. Theo báo cáo của TV by the Numbers, chương trình phát sóng vào lúc 10h tối có tổng lượt xem chỉ là 3,27 triệu view. Năm 2017 cũng không phải quá cao nhưng vẫn khá hơn với 4,98 triệu lượt xem.
Victoria's Secret Show được tổ chức lần đầu vào năm 1995.
Điểm nhấn trong mỗi đêm diễn của Victoria's Secret là sự xuất hiện của Fantasy Bra. Bộ nội y này là át chủ bài, trở thành giấc mơ của tất cả các thiên thần. Fantasy Bra cực phẩm, được nạm đầy kim cương, chế tác riêng cho mỗi năm và có giá hàng triệu đô la. Điều đáng nói là thiết kế của Fantasy Bra ngày càng có phần qua loa, kéo theo giá trị thụt giảm.
Chưa một bộ nội y nào vượt qua Red Hot Fantasy Bra từ năm 2000 với giá 15 triệu USD (khoảng 340 tỷ đồng), được đính 1300 viên kim cương và đá ruby. Sách kỷ lục Guiness công nhận đây là nội y đắt nhất được chế tác.
Red Hot Fantasy Bra là bộ nội y giá trị nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, Dream Angels Fantasy Bra, vedette của Victoria's Secret Show 2018 chỉ có giá 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng). Thiết kế của bộ trang phục rất đơn giản, thậm chí nhãn hàng còn tạo ra bản "dupe" để kinh doanh. Cuối tháng 11/2018, mẫu nội y na ná Fantasy Bra đã được bán với giá 250 USD (khoảng 6 triệu đồng). Điều này phản ánh vấn đề tài chính của nhãn hàng cũng như sự cạn kiệt ý tưởng.
Không chỉ vậy, đến giờ chỉ duy nhất Heavenly “70” Fantasy Bra năm 2004, được siêu mẫu Tyra Banks mặc là tìm được chủ nhân sau khi kết thúc đêm diễn, số còn lại đều bị gỡ kim cương và đá quý. Một sự hào nhoáng, xa xỉ nhất thời.
Fantasy Bra năm 2018 gây thất vọng.
Sai lầm trong việc định hình thương hiệu
Victoria's Secret xây dựng hình ảnh các thiên thần làm gương mặt đại diện cho nhãn hàng và biến họ trở thành những hình mẫu lý tưởng đến vô thực. Dễ thấy, dàn người mẫu của thương hiệu đều có chung một mẫu số, vóc dáng thon gọn và thân hình nóng bỏng, quyến rũ. Không thể phủ nhận hình ảnh này đã tạo nên nét riêng và sức hút cho Victoria's Secret nhưng nó cũng vấp phải chỉ trích khi tuyên truyền một mẫu hình chỉ có trong tưởng tượng. Họ không hề tuyển người chuyển giới hay những người mẫu có vóc dáng ngoại cỡ vì không phù hợp với hình tượng mà thương hiệu đặt ra.
Để cứu vớt hình ảnh, đầu năm nay, Victoria's Secret đã chọn người mẫu có vẻ đẹp đầy đặn, lệch chuẩn so với tiêu chí trước đây của hãng là Barbara Palvin. Đồng thời để người mẫu béo với vòng eo 74 cm, Lorena Duran chụp ảnh quảng cáo dòng nội y mới nhất. Tuy nhiên hành động này vẫn chưa đủ để thay đổi cả một hệ thống đã tồn tại từ thuở đầu tạo dựng thương hiệu.
Điều trên cũng khiến bản thân những người mẫu của Victoria's Secret cảm thấy bị tù túng. Năm 2015, thiên thần Karlie Kloss tuyên bố rời đi để tập trung cho việc học. Nhưng sau đó, trong một bài phỏng vấn người đẹp có bày tỏ:“Điều mọi người đang muốn thể hiện không phải là tôi, cũng như không phải là thông điệp mà tôi muốn nói với những cô gái, phụ nữ trên toàn thế giới về ý nghĩa cái đẹp”.
Vướng phải hàng loạt lùm xùm
Không chỉ tạo dựng một hình tượng "trên trời", Victoria's Secret còn vấp phải chỉ trích khi lạm dụng thân thể phụ nữ. Năm 2013, Kylie Bisutti - người chiến thắng trong cuộc thi tuyển chọn người mẫu online của hãng và được sải bước trên sân khấu của Victoria's Seret vào năm 2009 chia sẻ: “Tôi được trả tiền để cởi đồ và khêu gợi trước những gã đàn ông. Khi không thể cởi thêm nữa, tôi thấy mình như một miếng thịt. Tôi đã hoàn toàn suy sụp, hoang mang và nhận ra rằng tôi không muốn làm mẫu cho bất cứ điều gì giống như buôn bán sex”. Cô nói thêm rằng mình đã ở lì trong phòng và cầu nguyện: "Chúa ơi, sao Người lại cho con chiến thắng cuộc thi Victoria's Secret, nếu biết nó làm cho con như thế này".
Mặc dù sau đó thương hiệu có lên tiếng rằng Kylie Bisutti chỉ muốn tạo scandal để nối tiếng nhưng cái tên Victoria's Secret đã bị tổn hại trong mắt công chúng.Cũng trong năm 2013, Victoria's Secret ra mắt bộ sưu tập Pink dành cho những cô gái trẻ. Các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi 13 đến 16 đã phản đối dữ dội. Họ cho rằng câu slogan "Bright Young Things" đang nhồi nhét tư tưởng đồi trụy, cổ súy cho tình trạng quan hệ tình dục dưới tuổi vị thành viên. Khi chuẩn bị tung ra dòng sản phẩm, trưởng phòng tài chính Stuart Burgdoerfer phát biểu: “Bé gái bước sang tuổi 15,16 muốn điều gì? Tất nhiên là muốn mình xinh đẹp, 'chịu chơi', và quyến rũ như những cô gái đại học. Đó là một trong những điều kỳ diệu mà Pink giúp các em”.
Chưa hết, Victoria's Secret từng còn bị "ném đá" vì bộ nội y phân biệt chủng tộc. Trước đó, năm 2012, Karlie Kloss đã diện bộ trang phục da báo kết hợp với những chiếc mũ lông đậm chất da đỏ. Người dân bản địa Mỹ lên án bộ đồ này vì việc người phụ nữ da trắng đội chiếc mũ lông thiêng liêng của người da đỏ là hành động không tôn trọng giá trị văn hóa.
Hay có lần thương hiệu này bị tố sử dụng lao động tuổi vị thành niên, một hành động vô nhân tính đáng bị lên án. Hãng thông tấn Bloomeberg báo cáo rằng hầu hết các sản phẩm được làm từ cotton của thương hiệu được sản xuất từ những xưởng may có nhân công là trẻ em. Bloomeberg kể câu chuyện của bé Clarisse 13 tuổi như minh chứng tiêu biểu về sự bóc lột sức lao động tàn tệ. Clarisse phải đào đất bằng tay ít nhất 500 hàng trên thuở ruộng trồng bông mỗi vụ mùa nhưng ngày ngày chỉ được ăn một bữa, bị chủ đánh đập và không được trả công.
Hóa ra thời kì đỉnh cao của Victoria's Secret đã dừng lại ở khoảng những năm đầu thập niên 2000 và dấu hiệu của sự lui tàn ngày càng hiển hiện rõ nét. Liệu thương hiệu nội y tỷ đô này có thể vực lại và một lần nữa chứng minh vị thế của mình?