Sĩ Hoàng
Mặc dù lưu lạc ở bất cứ nơi nào trên thế giới, người Việt chúng ta vẫn luôn tự hào về chiếc áo dài truyền thống mang đậm nét dân tộc. Áo dài cổ truyền với tà áo thướt tha luôn xuất hiện trong những hội nghị và các dịp lễ lạc sang trọng, đặc biệt vào những ngày Xuân và Tết đến. Bài viết sau đây sẽ gởi đến bạn đọc một số nét sơ lược về lịch sử của chiếc áo dài, một biểu tượng văn hóa dân tộc của người Việt Nam từ bao đời nay.
ÁO DÀI TỨ THÂN (THẾ KỶ 17-19)
Với bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ 17, trang phục áo dài tứ thân chịu ảnh hưởng bởi nhiều quan niệm phong kiến đương thời. Điều này thể hiện qua kiểu dáng áo rộng, màu sắc đơn giản, các họa tiết trang trí trên áo hầu như không có, hơn nữa, áo dài tứ thân còn phần nào thể hiện vai trò thứ yếu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời bấy giờ. Ao dài tứ thân được sử dụng khá nhiều ở nông thôn miền Bắc cho đến những năm đầu thập niên 1930.
ÁO DÀI NGŨ THÂN (THẾ KỶ 17 – 19)
Được những người phụ nữ quyền quý ở thành thị miền bắc và nam mặc. Áo dài ngũ thân được sử dụng để thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của người phụ nữ, và cũng là biểu tượng của ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. So với áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân đã có nhiều khác biệt về chất liệu vải, màu sắc cũng như các họa tiết trên áo. Tuy nhiên, về kiểu dáng, áo dài ngũ thân vẫn giữ nguyên kiểu áo rộng, che phủ hình thể của người mặc.
ÁO DÀI HỞ CỔ
(Kiểu Bà “Nhu”)
(1958)
Vào cuối năm 1958, mẫu áo dài hở cổ lần đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn. Không chỉ lạ về mẫu áo, chiếc áo dài hở cổ còn được ‘phá cách’ với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Thiết kế mới này trở thành đề tài đựơc dư luận xã hội đánh giá theo nhiều ý kiến khác nhau. Không chỉ là thời trang, áo dài hở cổ còn là trang phục thể hiện phong cách sống tươi trẻ, tự tin của các thiếu nữ Sài Gòn.
ÁO DÀI LE MUR VÀ LÊ PHỔ
(1932 – 1935)
Làn sóng văn hoá Tây Âu du nhập vào Việt Nam đã ảnh hưởng tới thị hiếu của người dân, đặc biệt là quan niệm về thẩm mỹ đối với áo dài. Điều này đã tạo ra một phong trào cách tân về kiểu dáng, biến chiếc áo dài trở thành một trang phục tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Với áo dài cách tân, địa vị xã hội của người phụ nữ dường như đã được xác lập và tạo nên phong trào bình quyền nam nữ thời bấy giờ.
ÁO DÀI HIỆN ĐẠI
(Áo Dài Vẽ SĨ HOÀNG - 1989)
Năm 1989, cuộc thi Hoa hậu áo dài lần đầu itên được tổ chức tại Sài Gòn, đánh dấu sự hồi sinh phát triển mạnh mẽ của áo dài với hàng loạt các thiết kế mới. Trong đó, nổi bật là hai trường phái: Áo dài vẽ do họa sĩ Sĩ Hoàng khởi xướng và áo dài thổ cẩm do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trên chất liệu thổ cẩm.
ÁO DÀI HIPPY
(1968)
Mặc dù không tồn tại lâu nhưng áo dài Hippy lại là một điểm đáng chú ý trong lịch sử áo dài. Hình ảnh thiếu nữ trong trang phục áo dài với các sắc màu rực rỡ đã thể hiện nét đặc trưng của người phụ nữ hiện đại cuối những năm 1960. Tuy nhiên, trào lưu áo dài Hippy chủ yếu diễn ra tại miền Nam Việt Nam nơi mà làn sóng Hippy của nền văn hoá phương Tây tác động một cách mạnh mẽ.
Áo Dài Thổ Cẩm
Áo Dài Lê Phổ