Cận cảnh "đáng sợ" của phẫu thuật hút mỡ, căng da.
Một kiểu phẫu thuật thẩm mỹ khá kinh dị và khiến bạn phải cân nhắc khi muốn "cải thiện" hình ảnh bản thân.
Ngày nay, do tác động của môi trường làm việc văn phòng yêu cầu phải ngồi nhiều, làm việc hàng giờ bên máy tính, những đêm thức trắng hay việc loại bỏ hoàn toàn thói quen tập thể dục, ăn uống điều độ đã khiến một bộ phận không nhỏ các phụ nữ lâm vào tình trạng thừa cân. Với phái đẹp, điều này thật sự là một cơn ác mộng bởi thân hình mảnh mai vẫn là chuẩn mực của vẻ đẹp. Chính vì thế, đã có không ít người đầu tư tiền bạc và chịu đựng những đau đớn để đi hút mỡ với mong muốn mình nhanh chóng sở hữu thân hình mơ ước.
Không ít phụ nữ sẵn lòng đánh đổi tất cả để có được vòng bụng đáng mơ ước như các người mẫu.
Hút mỡ được xếp vào dạng trung phẫu. Ngày nay, hút mỡ phổ biến nhất với hai kỹ thuật là hút mỡ khô và hút mỡ ướt. Hút mỡ khô có thể hiểu nôm na là sử dụng ống hút và hút trực tiếp các mô mỡ ra ngoài cơ thể. Còn hút mỡ ướt là bơm một loại dung dịch nước đặc biệt vào người, khiến các mô mỡ trương lên rồi mới tiến hành hút ra ngoài. Bởi tính an toàn cao hơn vậy nên hút mỡ ướt thường được ưa chuộng, tin dùng hơn cả.
Bước 1: Trước khi làm phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn ăn và xét nghiệm toàn thân. Chỉ khi nào các chỉ số xét nghiệm đạt tiêu chuẩn, bệnh nhân mới được phép tiến hành phẫu thuật.
Bước 2: Khoanh vùng da cần hút mỡ.
Bước 3: Rạch khoảng 1cm tại điểm da luồn ống hút. Thông thường, hút mỡ bụng sẽ rạch vùng da mu hoặc trong rốn bởi những vùng da này dễ tiếp cận vào vùng cần hút mỡ mà lại khuất, giấu được sẹo.
Bước 4: Dùng dụng cụ chuyên dụng để đưa dung dịch đã pha vào mô mỡ.
Bước 5: Tiếp tục đưa dụng cụ vào vùng cần hút mỡ. Tùy loại dụng cụ sẽ phá vỡ cấu trúc của mô mỡ, từ đó chúng dễ dàng đi qua ống hút mỡ.
Bước 6: Luồn ống hút qua vết rạch da và tiến hành hút mô mỡ đã bị phá hủy cùng dung dịch.
Thông thường, một ca phẫu thuật hút mỡ sẽ mất khoảng 1-2 tiếng tùy theo thể trạng, cân nặng của bệnh nhân. Sau khu hút mỡ, người bệnh sẽ bị đau ở vùng mổ vài ngày, bụng sưng, phù nề từ 1-2 tuần.
Một vấn đề rất được quan tâm sau khi hút mỡ, đó là phần da thừa. Thường có 2 lựa chọn cho bệnh nhân, đó là cắt bỏ phần da thừa, căng da hoặc sử dụng đai nịt bụng.
Đai nịt: Bệnh nhân đeo đai nịt bụng 24/24h trong 10 ngày đầu. 10 ngày tiếp theo sẽ chỉ cần đeo vào ban ngày. Tuy nhiên, kết quả chỉ có thể thấy rõ sau 1 tháng và phải từ 3 tháng đến nửa năm thì vùng da hút mỡ mới hoàn toàn bình phục, tự nhiên và đẹp.
Căng da: Sau khi hút mỡ, bác sĩ sẽ tiến hành tách phần da bụng của bạn. Sau đó căng da, cắt bỏ phần da thừa và khâu lại.
Với sự phổ biến của phẫu thuật hút mỡ như hiện tại thì có thể nói tính an toàn càng ngày càng được nâng cao. Không chỉ có giá trị về thẩm mỹ, phẫu thuật hút mỡ còn tốt cho sức khỏe bởi nó giúp lọc đi phần mỡ thừa, mỡ chứa cholesteron.
Tuy nhiên, phẫu thuật hút mỡ cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ biến chứng như cứng bụng, da lồi lõm. Tệ hơn là bác sĩ xác định sai vị trí, gây tổn thương tĩnh mạch dẫn đến tắc mạch. Tế bào mỡ bị tràn vào mạch vành, mạch tim gây tác ngắn, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Vậy nên, trước khi quyết định đi hút mỡ, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ xem có thật sự cần thiết phải "cầu cứu" đến dao kéo không, bởi việc giảm cân vẫn hoàn toàn nằm trong khả năng bạn có thể làm được nhờ thể dục thể thao và chế độ ăn hợp lý.
(Afamily)