Những điều cần biết về phẫu thuật làm đẹp mũi
Cần lưu ý, nếu cố sửa mũi cho cao thì dù với vật liệu tự thân, da vẫn bị mỏng, lộ sống mũi rất khó chữa.
Trong khi kỹ thuật chỉnh hình ngực, hút mỡ bụng, căng da mặt có nhiều điểm chung ở các quốc gia trên thế giới thì kỹ thuật chỉnh hình mũi không như thế. Kỹ thuật chỉnh hình mũi dành cho người Á và cho người Âu có nhiều điểm khác nhau.
Vật liệu tự thân: an toàn
Mũi người Á Đông thường ngắn, sống mũi thấp, nền mũi hẹp. Mục tiêu chính của phẫu thuật thẩm mỹ mũi người Á Đông là làm cho tháp mũi cao lên và dài hơn, vì vậy phải dùng chất độn. Có rất nhiều loại vật liệu dùng để độn mũi.
Có thể dùng vật liệu tự thân (của chính người đó) như sụn sườn, sụn vành tai, xương sọ đính, xương mào chậu, các loại cân mạc… hay dùng vật liệu tương tự từ người khác hoặc dị loại - từ sinh vật khác loài (sụn bò, da heo…). Các vật liệu này được chế biến theo một quy trình nghiêm ngặt để loại trừ tính gây kháng thể. Hoặc dùng vật liệu tương hợp sinh học: silicone dẻo, Gore-Tek, Porex, san hô, Aquamid, Aqualift…
Dĩ nhiên, dùng vật liệu tự thân là an toàn nhất. Tuy vậy, để có một thanh độn dài, thẳng như tháp mũi thì tốt nhất là sụn sườn và xương mào chậu hay xương đính của sọ. Điều cần biết là phẫu thuật lấy mô ghép có nhiều nguy cơ hơn, hậu phẫu dài và đau kéo dài hơn việc phẫu thuật chỉnh hình mũi.
Việc đau ở vùng sườn và chậu do mổ có thể kéo dài nhiều năm. Lấy sụn ở vành tai ít gây tổn thất nhất, nhưng sụn vùng này quá ít, dẹp và cong, chỉ dùng để sửa chữa những khiếm khuyết nhỏ. Dùng sụn vành tai để nâng toàn bộ sống mũi thì gần như thất bại vì hoặc không đủ cao hoặc sụn vành tai sẽ lộ ra dưới da với những đường cong vặn cố hữu sau một thời gian.
Dùng vật liệu đồng loại và dị loại thì không phải chịu phẫu thuật lấy mô ghép, nhưng các loại vật liệu này bị cơ thể hấp thu khá nhanh, nhất là những vùng chịu lực như ở đỉnh mũi, làm mũi dễ bị biến dạng.
Chính những lý do trên mà các nhà chuyên môn thường chọn các vật liệu tương hợp sinh học để chỉnh hình mũi. Vật liệu tương hợp sinh học thì không bị hấp thu, nhưng vấn đề ở chỗ cơ thể có đào thải chất đó hay không.
Những nghiên cứu khoa học đã chứng minh tính an toàn của một số vật liệu sinh học như: silicone dẻo, Gore-Tek, Porex… Trong đó silicone dẻo là vật liệu thông dụng nhất đã được dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ mũi người Á Đông.
Người Âu Mỹ không chuộng dùng những vật liệu tương hợp sinh học, tuy nhiên, áp dụng trên người Á Đông thì thành công hơn vì da mũi người Á Đông dày hơn, chắc hơn. Dùng vật liệu tương hợp sinh học có lợi là không cần phải làm thêm phẫu thuật để lấy mô ghép, việc tạo dáng cho thanh độn khá dễ dàng, thời gian mổ ngắn.
Cần hài hòa với khuôn mặt
Hiện nay các phẫu thuật viên chọn phương pháp phối hợp: sườn của mũi là vật liệu tổng hợp sinh học còn những vùng chịu lực thì dùng vật liệu tự thân: sụn vành tai, sụn vách ngăn… Da sống mũi cũng được tăng cường bằng một lớp mô đệm khác của cơ thể. Kiểu sửa mũi này nếu thực hiện tốt sẽ tạo hình mũi đẹp, trông rất tự nhiên như mũi thật và lại rất bền. Đây là kỹ thuật chỉnh hình mũi mới đang được áp dụng, còn gọi là “sửa mũi Hàn Quốc” vì nhiều cô diễn viên điện ảnh xinh đẹp của Hàn Quốc được chỉnh hình mũi theo phương pháp này.
Kỹ thuật này cũng được dùng để “cứu vớt” những mũi sửa bị hư, da mũi quá mỏng hoặc đối với mũi bị biến dạng do chấn thương.
Cần lưu ý, nếu cố sửa mũi cho cao thì dù với vật liệu tự thân, da vẫn bị mỏng, lộ sống mũi rất khó chữa. Gần đây, các kỹ thuật viên có thể giải quyết tốt biến chứng mỏng da bằng cách tháo bỏ sống mũi và cấy vào đó bằng mỡ tự thân. Mỡ sẽ độn mũi cao lên và nuôi da mũi dần dày hơn, tạo cho mũi có dáng vẻ tự nhiên.
Chỉ cần những điều chỉnh nhỏ về kích thước và hình dạng sẽ làm cho mũi xấu đi hay đẹp hơn. Điều quan trọng là mũi sửa phải hài hòa với những nét chung của khuôn mặt và phù hợp với cá tính của người được sửa.
TS-BS Lê Hành
(Trưởng khoa Phẫu thuật
thẩm mỹ tạo hình, BV Chợ Rẫy)
Theo PNO
(Trưởng khoa Phẫu thuật
thẩm mỹ tạo hình, BV Chợ Rẫy)
Theo PNO