Dao kéo làm nên sắc đẹp
Giải phẫu thẩm mĩ đã trở thành phổ biến tới mức, chưa ai lần nào bước chân đến thẩm mỹ viện thực sự là còn hiếm. Chẳng thế mà có người mẫu còn nhận mình là “người đẹp dao kéo” một cách tự hào đấy thôi!
Giải phẫu thẩm mỹ xưa và nay
Nếu đúng với nội dung thì giải phẫu thẩm mỹ (nâng cao vẻ đẹp) ra đời sau giải phẫu tạo hình (bảo đảm chức năng của bộ phận nào đó bị hư hỏng) mà cách đây và nghìn năm, người Ai Cập, Ấn Độ và Trung Quốc đã từng tiến hành. Đấy là chưa kể còn có cách ngược lại, phẫu thuật làm mất chức năng của một bộ phận “cực kỳ quan trọng” để làm nên một vị hoạn quan. Sau đó, mới là những người phương Tây, nhưng do chưa ai biết dùng thuốc mê và phương tiện vệ sinh kém nên một cuộc phẫu thuật làm người bệnh rất đau đớn và không an toàn, khiến nhiều người bị tử vong.
Thời Trung cổ, tại Hy Lạp và La Mã, giải phẫu thẩm mỹ bị nghiêm cấm vì lý do tôn giáo, thần linh và đạo đức. Đến thời Phục hưng, được giải phóng khỏi những trì trệ, ngành này bắt đầu phát triển mạnh. Do dựa trên cơ sở khoa học (giải phẫu cơ thể học), nên phương Tây thành công hơn phương Đông. Từ đầu thế kỷ 19, họ đã biết lấy xương sườn ghép lên sống mũi, bóc da từ nơi nọ ghép vào nơi kia.
Từ đó, khoa phẫu thuật thẩm mỹ dần hình thành. Thế chiến thứ nhất tạo cho ngành này một cơ hội lớn: các nhà phẫu thuật phải làm việc hết mình để trả lại vẻ mặt gần như cũ cho những binh sĩ và nạn nhân bị thương nơi mặt. Tích lũy được bao nhiêu kinh nghiệm, nó ngang nhiên thành một ngành ngày càng có vị trí quan trọng, nhất là từ nửa cuối thế kỷ 20.
Cho tới nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã có thể can thiệp vào hầu khắp các bộ phận bên ngoài của cơ thể, là chiếc đũa thần để biến cô vịt con xấu xí thành một cô thiên nga quý phái, biến một cô bé Lọ Lem thành nàng công chúa diễm lệ, làm một bà mệnh phụ trẻ ra hàng chục tuổi…
Không thỏa mãn với vẻ mặt và tấm thân Trời cho có lẽ là nỗi ám ảnh, là tâm lý chung của mỗi người phụ nữ. Đã đẹp còn muốn đẹp hơn. Đã “chuẩn” còn muốn “chuẩn” hơn. Tìm mọi cách chống lại sự khắc nghiệt của thời gian… Những điều đó thúc đẩy ngành giải phẫu thẩm mỹ phát triển. Khả năng sửa chữa những khiếm khuyết của cơ thể ngày càng cao, giá thành ngày càng hạ.
Lúc này, đâu phải người giàu có mới đến “làm quen” với ngành giải phẫu thẩm mỹ, mà cả những người trung lưu, thậm chí người nghèo vẫn bước chân mạnh dạn. Thấy dạo này mình hơi bị phình ra, cô gái lục tìm địa chỉ của câu lạc bộ aerobic hoặc dinh dưỡng. Ôi, phiền phức và khó khăn quá với những bài tập thể dục mệt nhoài hoặc sự “bóp mồm bóp miệng” trong khi mình quá dồi dào tâm hồn ăn uống. Mắt cô bỗng sáng lên với một điểm đến mới: Viện phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong quyền lực của phẫu thuật thẩm mỹ
Danh sách những hạng mục có thể thực hiện bởi phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng dài và càng cơ bản. Trước đây, người ta thường chỉ thực hiện 2 phẫu thuật một lúc thì hiện nay 3, 4, 5 ca có thể làm một lần để các “đơn vị thẩm mỹ” được hài hòa. Nâng xong chiếc mũi thật dọc dừa từ mảnh sụn lấy từ sườn, không lẽ để bộ răng hô và đôi “nét xuân sơn” quá rậm? Hẹp hòi gì chẳng điểm thêm một lúm đồng tiền duyên dáng nơi mái trái? Hút xong lớp mỡ bụng không lẽ chẳng xúa nếp gấp và làm đôi gò bồng đảo nổi lên? Những việc trước đây đòi hỏi hàng tháng, hàng năm thì nay chỉ một vài tuần, đối tượng giải phẫu đã biến thành một người khác.
Vậy là nhiều trường hợp bước chân vào viện giải phẫu thẩm mỹ, lúc đầu với ý định khiêm nhường, sau trở thành một cuộc “đại tu cơ thể” như nhiều quý bà quý cô thú nhận tại chương trình “Con Thiên nga” của kênh truyền hình Fox Broadcasting. Giáo sư giải phẫu thẩm mỹ nổi tiếng MeGuire, trường ĐH California (Hoa Kỳ) cho biết, tại cơ sở của ông, trong 7 tiếng đồng hồ có thể hoàn thành được hàng loạt ca phẫu thuật là nâng mặt, làm lại mi mắt, nâng cao cặp lông mày, lột da mặt bằng hóa chất, tiêm collagen học botox để xóa hết nếp nhăn cho một người. Chính vì thế, tính theo đơn vị phẫu thuật, Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ đã thống kê, riêng ở Mỹ mỗi năm người ta đã tiến hành trên 12 triệu ca phẫu thuật như thế này.
Phẫu thuật “lớn” nhất ở Mỹ được thực hiện tháng 4/2009 vừa qua: thay thế hoàn toàn bộ mặt một người đàn bà - bà Connie Culp – bị chồng bắn vào chính giữa mặt. Lấy xương sườn làm xương má, xương ống chân làm xương hàm, bóc da đùi làm da mặt, bà sống sót sau 20 lần phẫu thuật nhưng bộ mặt vỡ nát sau khi chỉnh sửa vẫn không còn hình người, hòan toàn không có mũi, đến mức trẻ con trông thấy đều hét lên bỏ chạy.
Sau 5 năm trời không dám ra khỏi cửa, bà đã được gia đình một người đàn bà chết vì tai nạn cho bà được sử dụng trọn vẹn bộ mặt của người quá cố. Cuộc phẫu thuật do 11 bác sĩ tại bệnh viện Cleveland (Ohio, Mỹ) tiến hành trong suốt 30 giờ đồng hồ và bà có được bộ mặt mới của người đã chết. Đây là thành công đầu tiên của Mỹ, là trường hợp thứ tư trên thế giới nhưng lại là ca khó khăn và phức tạp nhất.
Tò mò về những con số
Ở Hoa Kỳ, người ta đi giải phẫu thẩm mỹ như đi hội. Năm 2007, các trung tâm giải phẫu đã tiến hành 11,7 triệu “ca”, nếu so sánh với năm 1997 (năm bắt đầu thống kê) số vụ giải phẫu tăng 457%, một tốc độ quá cao. Số nam giới thích đỏm dáng ngày càng nhiều (với tốc độ tăng là 17% so với năm 2006), chiếm 9%, nghĩa là bằng 1/10 số các quý bà quý cô muốn thay hình đổi dạng. Chả ai ngượng nghịu về chuyện ấy nữa, mà thực ra cũng chẳng có gì đáng ngượng. Nó giúp người ta bằng lòng với bản thân mình hơn, tự tin hơn. Số tiền dân Mỹ đã bỏ ra hàng năm để chi cho việc làm đẹp không nhỏ, lên tới 13,2 tỷ đôla.
Vậy, người ta thường “bất mãn” với bản thân mình về những gì để phải cầu cứu các chuyên gia thẩm mỹ?
Trong hàng trăm hạng mục “tu chỉnh sắc đẹp”, nếu tính 5 hạng mục đầu bảng thì nam và nữ có đôi chút khác nhau. Với nữ, đó là: nâng (độn) ngực, hút mỡ, phẫu thuật mi mắt, cắt bỏ nếp gấp ở bụng, và làm nhỏ ngực lại (oái oăm thế, người muốn to lên, người muốn nhỏ đi). Còn với nam là hút mỡ, phẫu thuật mi mắt, sửa mũi, làm ngực nhỏ bớt và cấy tóc (cái đầu hói làm người ta trông già đi nhiều lắm). Yếu tố dân tộc cũng làm nên sự khác biệt. Các dân tộc châu Á ưu tiên sô 1 cho phẫu thuật mi mắt, hình như cùng với việc nhuộm tóc, nâng sống mũi học muốn mình giống với người phương Tây hơn, một hiện tượng chứng tỏ quan niệm về cái đẹp đang bị “đồng phục hóa”.
Lứa tuổi nào đến các trung tâm giải phẫu nhiều nhất? Chẳng khó khăn gì để đoán trúng. Những quý vị đã sồn sồn ấy, là lứa tuổi 35 – 50 , chiếm 46% số người thích giải phẫu, bắt đầu “xuống xề”, hoảng hốt thấy tuổi tác kéo mình đi vùn vụt. Phải tranh thủ “tút tát” để che giấu những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện, để sao cho đi đâu với cô con gái đầu lòng cũng được người ta khen nịnh “Cứ như hai chị em ấy thôi!”.
Nhiệm vụ của giải phẫu thẩm mỹ là tăng số phần trăm thực lòng của những lời khen tương tự. Tiếp đến lứa tuổi 51 – 64, chiếm 25%, là lứa tuổi cảm thấy bất lực, nhưng vẫn cố gắng hết sức để ghìm cương con ngựa thời gian. Lứa tuổi 65 trở lên chỉ còn chiếm 5%, bởi đã nản lòng, tự an ủi “sự kính nể của mọi người với mình quý bằng mấy sự ngưỡng mộ sắc đẹp ấy chứ!”.
Phẫu thuật thẩm mỹ hai mặt của một đồng xu
Chẳng ai phủ nhận khả năng biến hóa của giải phẫu thẩm mỹ đã biến những cô ca sĩ, diễn viên, người mẫu từ nông thôn chân lấm tay bùn thành những thần tượng của sắc đẹp. Khó tìm ra những người của công chúng mà chưa hề ghé trung tâm sửa sắc đẹp. Có sao đâu, hỡi cái cô ca sĩ lớn tiếng thách đố, ai chứng minh được cô đã từng phẫu thuật cô sẽ tặng 2 tỷ đồng. Đến cái tiêu chuẩn các thí sinh thi hoa hậu Việt Nam là phải chưa qua giải phẫu thẩm mỹ cũng được Ban Tổ chức bỏ đi rồi nữa là. Nếu vậy, phẫu thuật kéo dài chi liệu có thể tăng số thí sinh đi thi hoa hậu? Và bổ sung thêm được bao nhiêu thiếu nữ vào đội ngũ những cô gái chân dài?
Cái hay ho của phẫu thuật thẩm mỹ đã được nói đến, nhưng không phải là không có những khía cạnh tiêu cực. Nó tìm cách đưa người ta lại gần cái gọi là “sắc đẹp chuẩn mực”. Nó làm cho người ta trở nên giống nhau và na ná “thần tượng” chung của cả một cộng đồng “fan club” chẳng hạn. Nếu ai cũng giống ai thì sẽ nhàm chán hết chỗ nói. Xem phim Hàn Quốc thấy con trai toàn đẹp trai, con gái toàn đẹp gái. Họ giống nhau như những anh em ruột.
Một học giả xứ kim chi đã lo ngại trước làn sóng sửa sang sắc đẹp tại nước này, rằng có lẽ vài chục năm nữa sẽ chẳng còn ai giữ được vẻ đẹp truyền thống hoặc có cấu trúc xương hoàn hảo của người Cao Ly xưa, mà chỉ còn những đoạn xương nhân tạo. Mối nguy hại do những rủi ro của quá trình giải phẫu là không tránh khỏi, tuy tỷ lệ rủi ro cũng chỉ giống như phẫu thuật chữa bệnh. Nhưng trong việc phẫu thuật này, nó chỉ phục vụ cho sự thỏa mãn ước vọng cá nhân, không phải nhu cầu sống còn của người bệnh.
Những vụ phẫu thuật không thành công cũng như biến chứng sau này đôi khi không thể lường trước đã đưa đến những hậu quả nghiêm trọng đến mức có người nói “đó là việc đem mạng sống để thử thời vận”. Theo thống kê, phẫu thuật hút mỡ bụng, có độ rủi ro cao. Trong 100.000 người tiến hành phẫu thuật này, xác suất rủi ro là 10 đến 100 người.
Mà trong 100.000 vụ đụng xe chỉ có 16 người rời bỏ thế giới mà thôi. Trải qua rất nhiều phẫu thuật, chàng ca sĩ Michael Jackson từ da đen thành da trắng với những nét mặt hao hao như bà bạn nổi tiếng là Liz Taylor, song nhan sắc của anh ta tàn tạ dần, mặt sưng như nặn bằng đất sét, có lần đang biểu diễn, mũi suýt bị… rơi. Nạn nhân nổi tiếng nhất của phẫu thuật thẩm mỹ đã tử vong là đệ nhất phu nhân nước Nigeria, bà Stella Obasanjo (2005) khiến cả nước phải ngậm ngùi.
Đáng thương nhất là nữ văn sĩ Olivia Goldsmith, tác giả cuốn sách best-seller “The First Wives Club” năm 1996, qua đời cách đây 3 năm trong khi mổ căng da mặt. Điều trớ trêu là, trong một cuốn tiểu thuyết của bà năm 1998, nhân vật chính muốn đi căng da mặt để ganh đua với một phụ nữ trẻ hơn, đã được bác sĩ bảo: “Bà có điên không? Bà cần một bác sĩ tâm thần, chứ không phải bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ”. Vậy mà bà Goldsmith lại chẳng sáng suốt được như thế với chính mình.
Mới hay, nhu cầu “được đẹp” đối với một phụ nữ là không thể cưỡng lại nổi dù rằng đó là một nhu cầu rất đáng được thông cảm.
Theo Đẹp