Chữa bệnh và làm đẹp bằng cách tắm
Tắm không chỉ là vệ sinh thân thể mà còn thúc đẩy sự tuần hoàn máu, làm thông các tuyến mồ hôi, cải thiện việc cung cấp dinh dưỡng cho các tế bào da và cơ đỡ mệt mỏi và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, tắm ngâm mình trong nước, hoặc tắm dưới vòi hoa sen làm cho con người sảng khoái.
Nhiệt độ của nước tắm rất quan trọng, vì vậy cần vừa phải, không nóng quá hoặc lạnh quá. Không nên dùng loại xà phòng tắm có độ kiềm cao. Dùng xà phòng thơm cao cấp hoặc loại nước tắm có lợi cho da. Người già không nên tắm quá kỹ, vì da của người già ít tiết chất nhờn, tắm kỹ càng làm cho da thêm khô nẻ.
Lúc đói hoặc lúc vừa ăn cơm xong cũng không nên tắm ngay. Đặc biệt, tắm nước nóng sau bữa ăn tối dễ bị xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Tắm sau khi uống rượu cũng rất nguy hiểm. Có rất nhiều bài thuốc tắm của người phương Đông, mỗi bài thuốc có giá trị khác nhau.
Tắm bằng nước khoáng:
Tắm suối nước khoáng làm giảm trương lực cơ bắp và tiêu hao năng lượng, do vậy có thể làm thư giãn cơ thể, tăng tuần hoàn máu, làm dịu sự co giật thần kinh và đau đớn, làm tiêu ung nhọt.
Trong nước khoáng có nhiều hóa chất như canxi, ma-giê, sắt, măng-gan, iốt, clo có tác dụng kích thích da, có thể ngấm qua da vào cơ thể, trị được các bệnh về da và về chức năng tuần hoàn, tăng sức đề kháng của cơ thể, cải thiện trung khu thần kinh, thúc đẩy sự phục hồi các tổn thương.
Tắm nước thuốc:
Tắm hoặc ngâm nước thuốc có tác dụng trợ giúp chữa nhiều loại bệnh. Có thể nấu vỏ trấu hoặc hạt lúa mạch, rồi lọc lấy nước để tắm, chữa các chứng sần da, mẩn ngứa, viêm da dạng thần kinh. Nước tắm ngâm lưu huỳnh vừa đủ, có thể trị bệnh ghẻ.
Nấu nước có các vị thuốc như kinh giới, phòng phong, khổ sâm, uy linh tiên, xích thược mà ngâm mình có thể trị bệnh viêm khớp, sần da. Nước tắm pha một chút sô-đa có tác dụng giãn mao mạch, thúc đẩy tuần hoàn ở da, làm đẹp da, sảng khoái tinh thần, chống lão hóa.
Tắm nước muối:
Hòa hai thìa cà phê muối biển với nửa thìa cà phê nước chanh, rồi đổ vào bồn tắm, ngâm mình 10 phút, sẽ làm lưu thông máu dưới da.
Tắm giấm:
Những người da khô hay ngứa ngáy, khó chịu, có thể ngâm mình 10 phút trong nước ấm có pha một cốc giấm trắng để chữa bệnh.
Tắm sữa bò:
Có tác dụng làm mát và mềm da. Đặc biệt, khi vừa nóng vừa mệt, hãy thử ngâm mình trong bồn tắm có pha một cốc sữa bò tươi nguyên chất, một lúc sau bạn sẽ cảm thấy dễ chịu.
Tắm nước cam:
Thích hợp với bất cứ loại da nào, có tác dụng làm sạch và mát da. Vắt hai trái cam vào bồn nước tắm, ngâm mình trong 10 phút, da sẽ hấp thu vitamin C trong nước cam nên càng thêm tươi tắn.
Tắm mật ong:
Đổ một thìa mật ong vào nước tắm, ngâm mình trong nước này rất có lợi cho những người cơ thể mệt mỏi, bởi lẽ chất đường thiên nhiên trong mật ong có tác dụng làm phấn chấn tinh thần và còn làm cho da thêm mịn màng, bóng bẩy.
Tắm rượu:
Tắm nước pha rượu là phát minh của người Nhật. Cách tắm này có thể trị viêm khớp, làm cho da mịn màng, mềm mại, giàu tính đàn hồi, cũng có tác dụng đối với chứng đau thần kinh và các bệnh về da. Sở dĩ tắm rượu có hiệu quả như vậy, là vì rượu có thể làm giãn mao mạch da, làm lưu thông mạch máu.
Tắm hơi:
Sự kích thích của hơi nước nóng đối với cơ thể gây ra hàng lọat phản ứng, không những tăng cường sức đề kháng đối với giá rét, mà còn tăng thêm tính đàn hồi của mạch máu. Da sẽ hồng hào bởi khi tắm hơi lỗ chân lông sẽ giãn ra và thải các chất cặn bã trên bề mặt da. Phụ nữ có kinh, tuyệt đối không nên tắm hơi, vì dễ bị cảm và bị rong kinh.
Tắm thảo dược:
Các loại thảo dược có thể là hoa hồng, hoa cúc... Tắm hoa có tác dụng làm mát da, trơn mịn và hồng hào. Mỗi tuần nên ngâm mình vào trong bồn nước tắm có hoa hồng và hoa cúc một lần, bạn sẽ thấy hiệu quả đối với làn da của mình.
(Theo Phụ nữ)