Nông dân miền Tây thuần hóa chim trời
Có giá 500.000 - 600.000 đồng/con, le le là món ngon đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực, nhiều nông dân miền Tây đã quyết tâm thuần hóa loài chim trời này.
Anhg Sa Lê (dân tộc Chăm) ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) là người đầu tiên trong tỉnh này nuôi le le bán hoang dã rất thành công. Hiện anh sở hữu đàn le le lên đến 500 con, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Đàn le le của anh đang có trọng lượng từ 250 đến 300 gram/con. Dự kiến đến tháng 7 tháng 8 này là xuất chuồng, với giá bán từ 500.000 đến 600.000 đồng/con.
Anh Sa Lê cho biết, ý tưởng ban đầu nuôi loài chim trời này do anh xem trên tivi, thấy có nơi đã nuôi hiệu quả nên anh quyết định thử nghiệm.
Con giống của anh đa phần mua từ người dân săn bắt ngoài thiên nhiên. Để có con giống, anh đã lùng mua khắp nơi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, và cả sang Campuchia.
Qua nhiều năm nuôi và có kinh nhiệm, giờ đây anh đã có thể tạo con giống, bằng việc cho le le nuôi tự sinh sản.
Le le thường đẻ vào đầu mùa mưa, nhưng nhiều nhất tháng 7 đến tháng 8, mỗi con đẻ 8 đến 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn.
Khu chuồng nuôi le le của anh Sa Lê cũng khá đơn giản. Với hơn 1.000m2 đất sau nhà, anh đào ao và chừa lại 1/3 diện tích đất để trồng cỏ, dưới ao thả thêm lục bình, bèo,… tạo thức ăn phụ cho loài chim này.
Để bảo vệ đàn le le khỏi bị chuột, rắn tấn công hoặc đề phòng chúng bỏ đàn, anh dùng lưới quay thành một "ngôi nhà" kín.
Le le rất dễ nuôi, thức ăn chính là lúa và một số loại bèo, lục bình. Thời gian nuôi đến khi xuất bán khoảng 8 tháng tính từ lúc trứng nở.
Theo kinh nghiệm của anh Lê, trước khi thả nuôi, nên cắt tỉa bớt lông cánh để le le không bay qua khỏi lưới rào. Hiện anh Sa Lê đang tìm đến máy ấp trứng công nghiệp. Dự tính sau khi xuất chuồng đàn le le này, anh sẽ đầu tư máy ấp trứng và đẩy mạnh cho le le đẻ vào tháng 7 – 8 tới, phục vụ việc tái nuôi, cũng như cung cấp con giống cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, le le con bắt từ thiên nhiên sẽ dễ nuôi và mau lớn, sống trong môi trường bán hoang dã, loài chim này rất khỏe mạnh và hầu như chưa bao giờ mắc bệnh. Cũng vì vậy mà giá con giống mua ngoài tự nhiên hiện khá cao, từ vài chục đến trên 100.000 đồng/con.
Le le thịt của trại anh Lê đa phần được các nhà hàng lớn ở TPSaiGon cũng như ĐBSCL đặt tiền cọc trước, đợi ngày bắt bán.
Le le đang ngày càng trở nên quý hiếm, giá của loài này đang đắt hơn thịt vịt cả chục lần.
Từ loài chim trời chuyên sống thành đàn trong rừng, hiện le le đang được nhiều người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuần hóa, nuôi thương phẩm để cung ứng cho nhu cầu thị trường.
Một số nhà hàng coi thịt le le như một món ăn đẳng cấp và thường dành cho giới thượng lưu. Riêng những người sành ẩm thực thì coi le le là “hàng độc”, món đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực, do vậy mà giá loài này khá đắt.
Nguồn Zing News
Comment