Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chiêm ngưỡng những con rồng có thật trên Trái đất

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chiêm ngưỡng những con rồng có thật trên Trái đất

    Đó chính là những cỗ máy "cosplay" hình rồng cực hoành tráng!

    1. Rồng GonKirin


    Thoạt nghe nhiều người sẽ liên tưởng tới một nhân vật nào đó trong truyện tranh Bảy viên ngọc rồng nhưng sự thật thì đây là một chú rồng đang “cư trú” ở Detroit, Mĩ. Điều đặc biệt ở chú rồng này là nó được chế tạo từ sắt thải, phế liệu, chân trước và chân sau được làm từ những chiếc lốp xe cũ. Từ xa, trông nó thật dữ dằn và có phần kì dị.




    Song thực tế, nó lại là một chiếc ô tô cực ngầu và thật tiện nghi với chiếc ghế sofa rộng rãi, thoải mái. Ryan C. Doyle và Teddy Lo - tác giả của tác phẩm này còn trang bị thêm cho “đứa con cưng” hệ thống phóng thủy lực, có thể phun lửa khi đi. Vào ban đêm, GonKirin còn phát sáng các màu sắc khác nhau nhờ hệ thống đèn Led cực “chất”.








    2. Tàu rồng


    Dừng chân ở lễ hội Burning Man năm 2003 được tổ chức tại sa mạc Black Rock (Nevada), chắc hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi ngắm nhìn chú rồng này. Đây thực ra là một chú rồng châu Á được “biến hóa” từ 4 toa xe riêng biệt, cộng với cái đuôi tự chế, trang trí từ những phế thải tái chế, được sáng tạo nhằm quảng bá hình ảnh du lịch sa mạc Black Rock. Đặc biệt, chú rồng này cũng đi được với vận tốc 8km/h nữa đấy!






    3. Thần rồng cầu nguyện


    Tại lễ hội Burning Man năm 2009 với chủ đề Evolution, một chú rồng ra đời ở đây. Chú rồng có hình dáng khá giống với thằn lằn với 4 chân bò sát dưới đất, trông như đang cầu nguyện vậy.





    Lấy ý tưởng từ loài rồng châu Á, chú rồng này có vảy sáng bóng và sừng trên đầu, miệng và dọc thân rồng được trang trí bởi những chiếc thùng rác. Chú rồng cầu nguyện được sáng tạo nhằm kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Chủ nhân của nó là Ryan Mathern cho biết, anh đã sử dụng những lưới, hộp cũ, sắt vụn để tạo nên tuyệt phẩm này.






    4. Rồng thép


    Trước mắt mọi người, đấy chính là một chú rồng lửa hung tợn đó! Nghe có vẻ khó tin nhưng với nghệ sĩ Keith Coleman thì không có gì là khó tưởng tượng. Ông đã nấu chảy thép tạo thành 300 mảnh ghép, sử dụng đèn xì axetilen, để tạo nên chú rồng thép này.





    Hiện nay, nó đã trở thành một ngôi sao của bảo tàng Rapid Grand Public tại Taylor, Michigan, Mĩ. Rất nhiều du khách đến đây tham quan đều muốn có một bức ảnh với chú rồng làm kỉ niệm. Để duy trì, bảo vệ chú rồng kim loại trước sự ăn mòn của các tác nhân môi trường, nó thường xuyên được bảo dưỡng và chăm sóc cẩn thận.







    5. Rồng “plastique”


    Người Pháp vốn nổi tiếng thế giới với những phong cách sáng tạo mang đậm cá tính và thời trang. Và lần này, họ truyền niềm cảm hứng vô tận ấy vào một chú rồng mang dáng dấp kinh điển: dữ tợn có chân và móng vuốt to, đôi cánh khỏe, bay lơ lửng và phun lửa… Nhìn từ xa, dưới ánh nắng Mặt trời, không ít người sẽ tưởng đây là một tác phẩm làm từ đá quý hay vật liệu mới đắt tiền. Nhưng thật ra, nó hoàn toàn được làm từ lon nhôm và túi nilon tái chế. Chú rồng này được đặt tại Jardin de Plantes, quận 6 ở Paris.




    6. Rồng Hazina


    Một tác phẩm làm từ 100% vật liệu tái chế, tất cả đều được tìm thấy ở các bãi xe phế thải và lề đường. Đây là tác phẩm của nghệ sĩ Ptolemy Elrington. Ông tâm sự: “Tác phẩm này của tôi nhằm mục đích cảnh báo tới toàn xã hội về sự lãng phí nguyên liệu của con người. Hi vọng con người sẽ có thể nhận ra điều này sau khi thưởng thức Hazina”.






    7. Rồng Harlech


    Con rồng hung dữ này nằm bảo vệ lâu đài Harrlech ở North Wales, Vương quốc Anh đấy! Nó còn có một tên gọi thân thuộc khác là Dewi. Dewi có cân nặng 1.542kg và đã được ghép lại từ 2.500 miếng ghép có kích thước khác nhau. Phải mất tới 732 giờ để các nghệ sĩ Anthony, Peacock, Ashley và trợ lí hoàn thành tác phẩm này. Dài 4,8m; cao 3m - chú rồng này được làm ra nhằm mục đích quảng bá du lịch.










    8. Rồng hoàng gia Á Đông




    Con thú cuối cùng chúng ta chiêm ngưỡng đến từ đất nước có thể coi là nguồn gốc của loài vật linh thiêng này. Điều lạ là nó lại nằm ở Chiliwack, British Columbia, và là tác phẩm của nghệ sĩ tên Kevin. Tác phẩm được làm từ thép không gỉ, trong suốt 2 năm liền. Nó rộng 4,2m; cao 3,6m; dài 10,6m và cân nặng hơn 272kg. Đây là một chú rồng cuộn mình, chân cầm ngọc. Theo ước tính nếu kéo dài hẳn ra, nó sẽ dài tới hơn 25m. Con vật này được coi là lấy nguyên mẫu từ con rồng hoàng gia của người Á Đông.

  • #2
    Những loài rồng huyền thoại châu Á

    Rồng Ananta Shesha có 1.000 đầu, rồng tóc dài Nure-onna thích chơi lược, rồng Kiyo là kẻ hầu bàn thét ra lửa...

    Hôm nay, chúng ta cùng tìm về những truyền thuyết, thần thoại ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và khám phá những loài rồng đặc trưng châu Á nhé!


    1. Ryūjin - Loài rồng mạnh mẽ của biển cả


    Ryūjin đại diện cho sức mạnh của đại dương trong các truyền thuyết Nhật Bản. Loài rồng này có khả năng biến hóa thành hình dạng của con người, nó làm chủ một cung điện dưới đáy biển với quản gia là loài rùa biển, người làm vườn là các loài san hô và cận thần là loài sứa. Theo truyền thuyết, Ryūjin còn điều khiển được hoạt động của thủy triều và nắm giữ rất nhiều vàng bạc châu báu quý giá.




    Cũng có truyền thuyết nói rằng Ryūjin chính là “thủ phạm” khiến cho loài sứa trở thành động vật không xương. Khi Ryūjin ra lệnh cho cận thần sứa đi kiếm gan của một con khỉ nhưng “cậu” sứa ấy lại trở về với chú khỉ không còn gan. Việc này khiến Ryūjin rất giận dữ và đã đánh viên cận thần này một trận nhừ tử, từ đó loài sứa trở thành loài vật không xương như hiện nay. Cách để thu phục Ryūjin tốt nhất là bạn hãy cho Ryūjin gan của con khỉ nếu muốn dụ chúng.


    2. Vitra - Loài rồng của vũ trụ


    Vitra một loài rồng tuyệt đẹp, nổi tiếng trong truyền thuyết của Ấn Độ với khả năng hấp thụ tinh hoa trên toàn vũ trụ và cai quản tất cả các ngọn núi vĩ đại.




    Để thuần hóa được loài vật này, bạn cần phải nắm trong tay quyền uy của sấm sét như vị thần Indra vậy, đáng tiếc là các loại máy phát điện của chúng ta hiện nay dù là công suất lớn nhất cũng sẽ không là đối thủ của Vitra.


    3. Long Vương của Trung Quốc


    Ao Kuang là tên thần rồng mạnh nhất trong 4 vua rồng của biển cả ở Trung Quốc. Ao Kuang cai trị toàn bộ Biển Đông còn các đại dương khác thuộc về 3 vua rồng khác là Ao Chin, Ao Shun và Ao Jun. Theo người Trung Quốc, các vị thần rồng này sống trong cung điện làm bằng pha lê.




    Tay sai của 4 vị thần gồm có T'ien Lung, Chi Lung Wang, Chang Lung, Pai Lung, Lung Wang, và Shen Lung có nhiệm vụ kiểm soát mưa bão, hỏa hoạn và lũ lụt. Một Long Vương thường là hiện thân cho cả một đế chế rồng hùng mạnh, vì vậy tất nhiên chúng ta khó mà nghe kể về sự thất bại trước bất kì thế lực nào của vị thần rồng này. Người ta cho rằng, các vị thần rồng có khả năng giao tiếp với Đấng Tối Cao khi mà thậm chí Ngọc Hoàng còn không thể làm được như vậy. Vì vậy nếu muốn thu phục Long Vương, hãy học cách để có thể tự giao tiếp với Đấng Tối Cao, tức là làm cho Long Vương trở nên “thừa thãi” và vô tác dụng.


    4. Ananta Shesha 1.000 đầu của Ấn Độ





    Ananta được coi là kẻ phá hủy sự sáng tạo và sự sống khi dám nhốt Thần Bảo hộ Vishnu giữa hàng nghìn cái đầu của mình. Là một vị thần rồng rất đáng sợ với những hàm răng khủng khiếp ở mỗi cái đầu, vị thần này cũng gặp phải khá nhiều khó khăn vì sự “ba phải” của mình khi mỗi cái đầu lại đưa ra một ý kiến “Sinh ra bởi lửa! Phá hủy bằng lửa! Sinh ra! Phá hủy!”.


    5. Rồng Phật Apalala của Pakistan


    Apalala là loài rồng của Pakistan có đầu như một con người, có hai chân và không có cánh, sống ở dòng sông Swat. Apalala cho rằng mình là tín đồ của đạo Phật đã được chính Phật thu nhận làm đệ tử. Khi tìm được sự tĩnh tâm tuyệt đối, Apalala sẽ ban mưa cho người dân địa phương để có những vụ mùa tốt tươi. Tuy nhiên, cư dân trong vùng đã quên mất sự giúp đỡ này, Apalala đã trở nên giận dữ và đã cầu nguyện để trở thành loài rồng ác độc như xưa, chuyên đi gây ra bão lũ và phá hủy đất đai.




    Đúng như lời cầu nguyện, năm đó mùa vụ của người dân thất thu do bão lũ liên tục, vì vậy họ lại quay ra cầu cứu Apalala và thỏa thuận với thần về một sự báo đáp vào cuối các mùa thu hoạch. Để thu phục được Apalala, hãy dâng lên vị thần rồng này thật nhiều hạt, ngũ cốc, và không được quên ca tụng ngài mỗi khi chạm mặt. Nếu trót quên thì hãy bỏ chạy thật nhanh khi Apalala nổi cơn thịnh nộ.


    6. Rồng tóc dài Nure-onna của Nhật Bản


    Người dân Nhật Bản có truyền thuyết về một loài thú giống như rồng với cái đầu như một người phụ nữ tóc dài và phần thân là của một con rắn dài tới 300m với các móng vuốt, răng nanh nhọn hoắt.




    Nure-onna nhiều khi bị tưởng là “cô thợ gội đầu” cho các vị thần rồng, nghe có vẻ không nguy hiểm lắm, tuy nhiên tính tình đỏng đảnh của cô ấy là một mối nguy hại cho bất kì kẻ ngốc nào đến gần khi Nure-onna đang chăm chú tỉa tót cho mái tóc của mình.


    Nếu bạn tới gần Nure-onna, nàng ta sẵn sàng đè bẹp bạn bằng cái đuôi của mình hoặc tỏ ra tốt đẹp với bạn, sau đó hại bạn bằng chiếc lưỡi dài ngoằng của mình. Nure-onna rất thích lược, sau bao nhiêu năm, thị hiếu về các loại lược của Nure-onna cũng thay đổi theo thời gian. Có lẽ bạn nên tặng cô ấy một chiếc lược đính đá lộng lẫy và đáng yêu; cô ấy chắc hẳn sẽ thích lắm đấy!


    7. Kuzuryu - Rồng chín đầu Nhật Bản


    Được coi là đỉnh cao của huyền thoại trong thời kỳ Nara ở Nhật Bản, câu chuyện về rồng Kuzuryu nói về một sinh vật chín đầu sống ở hồ Ashi (Hakone) đòi ăn thịt cư dân nơi đây. Để tìm cho ra được người hiến tế, người dân nơi đây đã chọn cách bắn mũi tên trắng lên không trung, mũi tên cắm vào đất nhà ai thì con gái nhà đó sẽ trở thành bữa ăn cho Kuzuryu.




    Một linh mục trong vùng tên là Mankan đã nguyền rủa con rồng để nó lúc nào cũng bị treo lộn ngược đầu xuống đất, vì vậy Kuzuryu đã ngay lập tức bị đau tim khi cố gắng tiêu thụ bữa ăn của mình. Sau đó, vị linh mục đã biến thành vua rồng và thay đổi chế độ ăn uống của loài rồng với cơm và đậu.


    8. Kiyo - kẻ hầu bàn thét ra lửa


    Kiyo tiền thân chỉ là một nữ phục vụ trà bình thường ở Nhật Bản. Tuy nhiên, như người xưa có câu “Không gì đáng sợ hơn khi một người phụ nữ bị khinh rẻ”, Kiyo đã tự học cách biến mình thành rồng sau khi bị một vị linh mục hắt hủi.




    Trong hình dáng của một con rồng, cô đã đến thăm tu viện ở địa phương và hút hồn vị linh mục và sau đó giết hại ông ta. Với Kiyo, bạn sẽ chỉ sống sót được với cô ta nếu bạn có lòng trung thành tuyệt đối mà thôi.

    Comment


    • #3
      Cùng tìm hiểu về con vật đứng đầu trong bộ “Tứ linh” của Việt Nam nhé!

      “Sơ yếu lí lịch” rồng Việt Nam



      Rồng Việt Nam được thần thánh hóa lên từ loài cá sấu bởi theo quan niệm của nhân dân ta, cá sấu là loài vật linh thiêng, đại diện cho sự trù phú và sức mạnh. Rồng Việt Nam có những chi tiết đặc trưng, đặt lên trên sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên vẻ uyển chuyển và một sức căng lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa.




      Rồng Việt Nam được thần thánh hóa từ loài cá sấu.





      Về cơ bản, rồng có những đặc điểm sau: thân của loài rắn, uốn hình sin 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước; trên lưng có vảy giống như vảy cá chép, nhỏ, liền mạch và đều đặn (81 vảy âm và 36 vảy dương).


      Đầu rồng có bờm dài của loài sư tử, có râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh; đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng của những nước khác. Đặc biệt là cái mào ở mũi: gợn sóng đều đặn (có người gọi là “mào lửa”) chứ không phải là mũi thú như rồng Trung Quốc; lưỡi mảnh, rất dài. Rồng còn có bụng sò, gan bàn chân của hổ, vuốt của chim ưng.


      Miệng rồng ngậm viên châu, tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu hướng lên thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. Ở mỗi giai đoạn phát triển, con rồng có một tính cách riêng, phù hợp yêu cầu thời điểm lịch sử xã hội.


      Rồng thời Lý


      Rồng thời Lý là sự sáng tạo độc lập, thể hiện tâm hồn, ước mơ và nguyện vọng của dân tộc ta, đóng một vài trò quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ.




      Rồng thời Lý có các khúc uốn “thắt túi” nối tiếp nhau, vuốt nhỏ dần về đuôi.

      Hình tượng rồng thời kì này có cấu tạo rất sinh động với những nét độc đáo của mào, mũi, bờm và mang một ý thức nhất định. Rồng thường ngẩng đầu lên, miệng há to. Mào thoát ra từ môi đến đường sống lưng, quyện với răng nanh, bốc lên như ngọn lửa; bờm ở sau gáy cuồn cuộn bốc lên nhiều đợt từ cổ họng, cùng với túm râu ở hàm dưới đều uốn lượn nhịp nhàng như làn sóng và bay lướt tựa lá cờ đuôi nheo được gió; mũi cấu tạo bằng những đường cong xếp chồng nhau phập phồng.


      Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, mình uốn 5 khúc, có 4 chân, mỗi chân có 3 ngón trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định, có khuỷu phía sau và có móng giống loài chim.





      Những phù điêu hay vẽ rồng của Thăng Long (Hà Nội), Phật tích và Dạm (Bắc Ninh), Chương Sơn (Nam Định) và Long Đọi (Hà Nam) hay Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) đều có thân tròn lẳn, khá dài và không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, mang vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát, gọi là rồng hình giun hay hình dây. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng rồng thời Lý mang hình dạng của một con rắn. Đó là lí do tại sao rồng thời này có những tên gọi như “rồng rắn” hay “long xà”.




      Đôi Rồng gốm sứ thời Lý đạt kỷ lục Guinness trưng bày tại Công viên Bách Thảo nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được đưa về Hồ Tây để chào đón Tết Nguyên đán 2011.

      Rồng thời Trần



      Sang đến đời Trần, hình tượng rồng có nhiều biến đổi so với thời Lý, không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nữa. Dạng chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay được thể hiện ở những tư thế tự do hơn, dáng hình thô hơn. Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ, cách thể hiện không chịu những quy định khắt khe như thời Lý.



      Hình ảnh rồng thời Trần.


      Vảy lưng không tựa đầu vào nhau như rồng thời Lý nhưng vẫn liền mạch, thể hiện từng chiếc, có dạng răng cưa, nhọn hoặc từng chiếc vảy chia thành hai tầng. Đầu rồng không có nhiều chi tiết phức tạp như rồng thời Lý. Chân rồng ngắn hơn, những túm lông ở khuỷu chân không bay ra theo một chiều nhất định như rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hoặc sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu. Mình rồng uốn 7 khúc; chân có 5 móng; có thêm sừng; mắt lồi ra (thể hiện tầm mắt bao quát bốn cõi, miệng rồng bạnh to, nhe răng nanh để thể hiến sự đe dọa). Miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp viên châu. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước.


      Rồng thời Lê


      Đến thời Lê, hình tượng rồng đã có những thay đổi khác xa so với trước. Nó là sự dung hòa giữa biểu tượng rồng thời Lý và Trần. Rồng không nhất thiết là một con vật mình rắn dài uốn lượn đều đặn nữa mà có nhiều tư thế khác nhau.



      Hình ảnh rồng thời Lê.



      Rồng có đầu to, bờm tóc thô dày, mũi lớn, nhiều sợi ria, tai thú, sừng vặn xoắn ốc rồi chẻ chạc, chân gân guốc xòe rộng ngón, được thể hiện một cách mảnh khảnh, đi vào công thức cân đối khô khan kết hợp với chạm nông nên hình bẹt và cứng. Râu rồng bố trí đều, đuôi cong xoắn hình xoáy ốc. Có nhiều con rồng thời Hậu Lê còn có dáng uể oải như đang buồn ngủ, là dấu hiệu của thời đại vua nhà Lê bị chúa Trịnh đàn áp, tiếm hết quyền hành.


      Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm "Tứ linh" (Long, Lân, Quy, Phụng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều: Rồng đứng đầu trong "Tứ linh", Lân tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa, Quy tượng trưng sự cho bền vững của xã tắc và Phụng tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại.


      Rồng thời Nguyễn


      Rồng thời Trịnh Nguyễn lại được nhân cách hóa thành hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi… Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, mình rồng uốn lượn với độ cong lớn. Đầu to, sừng chĩa ngược ra sau. Mắt rồng to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh, vảy trên lưng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn, râu uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có 5 móng, còn lại bình thường là 4 móng.



      Tượng rồng thời Nguyễn phía sau Cổng Văn Miếu.



      Rồng là con vật quen thuộc đối với nhân dân ta, xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, từ hội họa, điêu khắc cho tới phim ảnh. Rồng Việt Nam có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng, là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc.

      *Bài viết được tham khảo từ: Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập, Non nước Việt Nam và các sách báo, tài liệu về lịch sử Việt Nam.

      Comment

      Working...
      X