Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Một thời câu cá

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một thời câu cá

    Một thời câu cá







    Tôi bỏ nghề câu cá từ lâu lắm rồi sau khi tôi đã trót lỡ buông lời thề độc không sát sanh hại vật nữa. Bây giờ tôi chỉ đi dòm cá hoặc xem người khác câu thôi. Người già về hưu có tiền hưởng nhàn bằng cách đi du lịch Việt Nam hay nước nầy nước nọ, thăm thú đó đây, ngắm danh lam thắng cảnh có nhiều kỳ hoa dị thảo. Có người mua ống dòm đi vô rừng ngắm chim, mà đối với tôi thì chim nào cũng vậy, tình cờ thấy thì ngắm, tội gì phải lặn lội đi xa tốn tiền.




    Một góc Erindale Park
    Bữa nọ tôi đến Erindale Park nơi khúc sông Credit River chạy dọc theo con đường nhà giàu Mississauga Rd. ở khoảng Dundas St.W để xem thiên hạ câu. Đầu mùa Xuân mỗi năm, người câu ở đây rất đông, gồm nhiều sắc dân gốc Tàu, Phi, Việt, da trắng, da đen, da vàng đủ cả. Mạnh ai nấy câu, mọi người đều vui vẻ. Cá salmon, cá lake trout bự tổ chảng. Người muốn thả xuống, người khác đến xin mang về nhà, không sao cả! Di dân chưa quen nề nếp hành xử theo văn hóa phương Tây cứ thấy cá là khoái và la oai oái.


    Dân câu người da trắng bản xứ thường hay bước xuống sông với mực nước cao tới khoảng đầu gối rồi đứng đó câu, trong khi người câu gốc di dân đều chỉ đứng trên bờ thả câu. Không phải họ sợ nước, mà tại vì giá của một cái quần bằng cao su cao tới ngực để mặc chồng bên ngoài bộ quần áo thường cho khỏi bị ướt cũng cỡ từ sáu chục đô trở lên. Nó vừa rộng vừa nặng chình chịch, dân Mít ta vốn vóc dáng nhỏ thó mặc nó trông cứ như người hành tinh.


    Vì công viên nằm ngay trong thành phố lại có bãi đậu xe mênh mông và vì nhằm lúc mùa câu vừa bắt đầu. Dân câu ở đâu mà đông quá xá đứng hàng dài cạnh nhau, tôi nghĩ có khi số người đi câu còn nhiều hơn số cá dưới nước. Tôi đi dài dài theo con đường mòn dọc bờ sông quan sát một lúc, tôi thấy lâu lâu mới có người câu được một con. Ông câu “điên” nào định trả tự do cho cá liền có người đến gần hỏi “Cho tôi được không?”, may thì được đồng ý và bợ cá về, tiết kiệm được mấy chục bạc chớ phải chơi đâu. Cá hồi bán ở Chợ Tàu hơn mười đồng một ký lô, con cá nặng ít nhất cũng năm, sáu ký.

    Mùa Thu, đầu Tháng Mười, nhiệt độ ban đêm xuống thấp, những cây phong Canada thay áo muôn màu rực rỡ khiến cho các công viên quanh Toronto đều đáng được viếng thăm. Đó cũng là lúc cá steelhead (bị đặt cho cái tên đầu thép chắc là cá này cứng đầu), tên của một loại cá hồi (salmon), từ hồ Ontario vượt qua các đập nước (chặn ngăn lụt) trên các con sông Credit, Hyumber và Don trong vùng đại đô thị Toronto để lên sông suối và bắt đầu mùa sinh sản. Đêm đến cá cái thì đẻ trứng, thả trứng ra ào ào như B.52 trải thảm đường mòn HCM. Cá đực thì đi theo để... đóng góp một chút gì bằng cách xịt tinh trùng lên đám trứng kia, như thể phi cơ trinh sát thả trái khói đánh dấu mục tiêu! Nếu như vậy mà gọi là “giao phối” thì thật oan cho cá quá! Theo khảo sát khoa học thì cá đực của chín phần mười các giống cá có xương đều không có bộ phận sinh dục, dù là nhỏ xíu bằng hạt đậu! Thơ rằng: “Kiếp sau nếu chẳng được làm người/Cũng xin đừng làm cá người ta cười không có... chim.”

    Câu cá ở quê mình ngày xưa được coi là một phương cách kiếm thức ăn hàng ngày cho gia đình hơn là thú tiêu khiển thuần túy. Ta câu được cá thì ta đem về nấu canh chua, kho tộ, chiên giòn giằm nước mắm, xong được một bữa cơm chiều. Muốn cho ra vẻ tiệc tùng thì nướng trui cá lóc làm gỏi cuốn bánh tráng, không có cái vụ làm sang câu cá lên, cẩn thận gỡ cá khỏi lưỡi câu và từ từ thả cá xuống cho nó trở về với sông nước và đoàn tụ với gia đình... Câu cá ở quê mình thật đơn giản chứ không nhiêu khê như ở Bắc Mỹ với quá nhiều quy luật rườm rà và gắt gao. Nội cái việc đọc qua hết những quy luật này cũng đã đủ làm cho người muốn câu cá hoa hai con mắt, lùng bùng hai cái lỗ tai mà chưa bảo đảm hiểu hết và nhớ hết. Ác một cái nữa là những quy luật này lại thay đổi hằng năm cho thích ứng với tình hình mới và mỗi vùng mỗi khác.

    Ngày nay ở xứ người, ta đi câu không phải vì mục đích kiếm cá ăn nữa, đi câu để giải trí và vui chơi với gia đình, coi như một chuyến picnic, có cá thì càng tốt, mà không có cá cũng chẳng chết đói, cùng lắm là trên đường lái xe về nhà ghé tạt qua siêu thị mua một mớ cũng xong.



    Dân câu người bản xứ Canada (Canadien/Canadian, dân gốc Mít ta gọi họ tắt là “Điên”) thường câu cá lên rồi bỏ cá xuống, chừng ra về tay không, đúng là “điên”. Còn phe ta câu được cá thì giữ cá, vì lẽ đó phải có các bà theo để làm cá chứ. Hơn nữa, để ông xã đi câu một mình mất công sinh nghi, tối ngủ không yên, chồng đi câu về, vợ mất công điều tra. Nhưng bạn có mê câu cũng chỉ mê vừa vừa có giới hạn thôi chứ mê quá thì bị lãnh hậu quả không tốt đâu nghen.

    Cá ở xứ “Điên” tôi được chia làm hai loại: loại thường và loại quý. Loại thường như Perch, Crappie, Sunfish, Whitefish, Catfish, Sucker, Carp (kiểu như cá sặc, rô, trê, chép của ta) thì được câu quanh năm nhưng có giới hạn số lượng tối đa mỗi ngày. Loại cá quý (game fish) là loại cá dân câu thể thao ưa thích như Bass, Pickerel, Northern Pike, Lake Trout, Muskellunge thì chỉ được phép câu theo mùa.



    Mùa lạnh từ Tháng Giêng tới Tháng Ba. Mùa câu chính ở Ontario thường mở vào cuối Tháng Tư hoặc đầu Tháng Năm cho tới Tháng Chín hoặc Tháng Mười tùy theo vùng và tùy theo loại cá. Số lượng giới hạn tối đa cho cá quý mỗi ngày rất ít, nhưng cũng còn tùy là loại nào và phải đạt đủ kích thước tối thiểu.


    Đọc quy luật câu cá xong rồi mà vẫn còn giữ ý định muốn đi câu, bạn phải đi mua cái giấy phép câu cá. (Ngoại trừ trường hợp bạn đi câu ở các trại nuôi cá tư nhân hay trong gian hàng triển lãm). Giấy phép câu có hiệu lực trong một ngày là $11.00, một năm là $24.25, ba năm là $81.75. Người già trên 65 tuổi như tui đây và thiếu niên dưới 18 tuổi thì miễn phí. Dân cư ở tỉnh bang khác hoặc nước khác tới Ontario câu sẽ phải trả lệ phí cao hơn.

    Nếu câu cá mà vi phạm quy luật, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến $25,000, ta chớ có dại dột mà vi phạm. Như mùa Đông năm nọ, một ông người Cà-na-điên gốc Hoa đi câu trên hồ Simcoe bị cảnh sát của Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên bắt và lập biên bản giải tòa vì ông này câu 67 con cá perch trong khi giới hạn tối đa là 50 con/một ngày thôi. Tòa phạt ông ta một ngàn đô, chưa kể hình phạt nào đó mà vợ ông dành cho ông.



    Câu cá trên sông Credit River

    Câu cá ở Bắc Mỹ được xem là một môn thể thao lành mạnh nghiêm chỉnh. Các hội những người câu cá luôn luôn khuyên hội viên khi câu được cá xong thì nên thả cá trở xuống ao hồ, nên đối xử tử tế với cá và tôn trọng môi sinh như: nên dùng loại lưỡi câu không có răng cưa để vừa tránh gây nhiều nguy hại cho cá vừa có cơ hội thi thố tài năng khéo léo của mình. Hay nên dùng đồ câu không có chất chì để tránh sự nhiễm độc cho các loài điểu cầm săn cá dưới nước như vịt, ngỗng, thiên nga và rộc, loại vịt lặn (loon). Nếu có vứt các thứ đồ nghề có chất chì đừng vứt xuống nước. Còn khi câu thì đừng giật cá quá mạnh khiến cá có thể bị toạc miệng tét mép. Lỡ giở cái cần câu lên chẳng thấy cá đâu mà chỉ có mỗi cái môi cá! Chưa hết, khi gỡ cá, đừng vì sợ nước nhớt của cá mà túm cá bằng khăn lông hoặc găng tay bằng nỉ, cá sẽ bị mất chất nhớt bảo vệ cơ thể. Còn đừng quên, tránh đừng móc ngón tay vào mang cá hoặc bóp cá quá chặt. Và nhớ phải nhanh tay gỡ cá ra khỏi lưỡi câu và thả cá xuống nước ngay kẻo tội nghiệp cá đau.





    Cá trên cạn lâu sẽ ngộp thở. Cá vùng vẫy nhiều sẽ bị thương tích. Nếu cá nuốt lưỡi câu quá sâu khó lấy ra thì nhớ hãy cắt dây câu và thả cá ngay. Đừng vì tiếc một cái lưỡi câu mà làm cá chết. Còn nếu vì cớ gì mà cá đã bị chảy máu và bị thương, tốt hơn nên giữ lại mang về nhà chứ đừng vứt lại xuống nước. Tôi bỗng nhớ câu danh ngôn Quốc Văn Giáo Khoa Thư tân thời: “Đừng làm những điều (tổn hại) gì cho cá nếu mình không muốn người khác làm những điều (tổn hại) đó với mình.” Tôi nghĩ cưng cá quá như vầy thôi thà bắt chước Khương Tử Nha câu cá mà không móc lưỡi câu cho rồi!

    Tỉnh bang Ontario có tổng cộng 250,000 ao hồ và hàng ngàn sông suối. Trong số này có 2,000 hồ có cá trout, 3,500 hồ có cá walleye và 400 hồ có cá muskellunge. Dù cá nhiều, nhưng số lượt câu cá cũng nhiều. Mỗi năm có khoảng 1.4 triệu người câu ở Ontario, chi tiêu $2.3 tỉ cho các phí tổn liên quan tới việc câu cá.



    Môn thể thao này coi bộ cũng hơi tốn bộn tiền đó vì nếu chia số tiền đó ra thì bổ đồng mỗi người câu tốn hơn $1,500.00. Nhưng đã là dân câu thứ thiệt thì họ không ngại tốn tiền trang bị đồ nghề ngon lành nhứt từ đầu đến chân. Trên đầu có cái nón hiệu Tilley Endurables dắt thêm dăm ba cái lưỡi câu và một cọng lông gà rừng hay lông chim gì cũng được, áo chemise carreaux, áo khỉ khaki túi trong túi ngoài, quần có quay chéo qua vai, giày bằng cao su ống cao để lội nước. Hộp đồ nghề nhiều ngăn đựng mồi giả, lưỡi câu đủ cỡ đủ loại, dây cước, chì, kềm mỏ dài, dao, cân, thước đo cá, phao, v.v. Ngoài ra còn có ghế xếp, giỏ đựng cá, giỏ đựng mồi sống, v.v. Tôi đã từng thấy có những con cá mà thằng cha câu người Cà-na- điên dùng để làm mồi còn bự hơn là con cá sunfish (giống cá rô) tôi mới vừa câu được kéo lên. Tôi nghĩ hay là cha nội nầy mua mồi bự để phòng hờ trường hợp câu không được cá quý nào thì đem cá mồi về cho vợ kho tiêu ăn cũng đỡ. Có lý lắm à.


    Dường như chỉ có cánh đàn ông là thích đi câu cá. Có người mang cả gia đình đi câu, nhưng chỉ thấy người chồng và con trai câu; còn người vợ ngồi chầu rìa có bổn phận tiếp tế cà phê, bánh mì ổ cho chồng. Có một lần tôi đi câu chung với gia đình một người bạn. Tôi giả vờ hỏi đùa đứa con gái 10 tuổi của anh bạn, “Sao cháu không câu?” Cháu ngây thơ đáp, “Cháu không có cần câu.” Anh bạn tôi tiếp, “Má mầy cũng hổng có cần câu luôn!” Rồi anh quay sang tôi nói nhỏ, “Phái nữ thì làm sao có cần câu được!”

    Nếu nói là phụ nữ không câu cá vì không có cần câu thì sai; họ chỉ việc vào tiệm Canadian Tire hoặc Wal-Mart mua cần câu thiếu giống gì! Một cô nọ muốn đi câu cá chơi nên vô Canadian Tire kiếm cần câu. Ngặt một nỗi là cô ta không rành về cần câu và chì, chài gì cả vì chưa hề được chỉ dẫn. May quá có một người khiếm thị mang kính đen đứng bán hàng câu cá. Ông này từng là một hướng dẫn viên câu cá chuyên nghiệp lâu năm nhưng chẳng may bị mù mắt trong một tai nạn máy bay. Cô gái (không biết người bán hàng mù mắt) lên tiếng hỏi:

    - “Ông có thể giúp tôi lượng giá bộ đồ câu này được không?”

    Ông ta đáp:

    - “Tôi tuy mù nhưng có thể xác định được bộ đồ câu thuộc loại tốt hay không. Cô chỉ cần bỏ nó rơi mạnh lên mặt quầy này đây.”

    Cô gái làm theo. Ông bán hàng mù nói:



    - “Đây là cần câu Zebco trục quay 202, dây câu loại 10 cân (lbs.). Bộ này vừa sức trung bình cho một người mới tập sự câu. Giá của nó là $20.00.”

    Cô gái ngạc nhiên hết sức và mừng rỡ đáp:

    - “Vậy tôi lấy cái nầy.”

    Nói xong, chợt cô không kềm giữ được hơi trong bụng nên làm một tiếng “bộp” không lớn lắm; cô hy vọng là ông bán hàng không nghe thấy. Ông mù bán hàng không nói gì, lo bấm máy tính tiền, xong bảo:

    - “Tất cả là 26 đô.”

    Cô gái phản đối:

    - “Nhưng lúc nãy ông mới nói là 20 đô mà?”

    - “Cần câu 20 đô, còi kêu vịt trời 4 đô, mồi giả mùi cá trê chết 2 đô, tổng cộng 26 đô.”

    Chuyện cười của Mỹ chỉ kể tới đó. Kết cuộc ra sao, tôi không biết.





    Dân đi câu về thường hay phóng đại thành tích. Cá mang về chình ình ra đó thì không thể bắt người ta ngó qua kính lúp, đành phóng đại mấy con cá sẩy, giống như là các anh tán đào có thói quen tăng chức tước và bằng cấp. Con cá dài tám inch thì nói mười mấy inch, con bằng cổ tay thì nói bằng bắp chuối, con kéo phăng phăng thì bảo kéo muốn gãy cần câu luôn! Mà sẩy cá thì nuối tiếc phải biết; nó cứ tiếc hùi hụi, mỗi lần nghĩ tới là lòng dạ lại xốn xang như chấu cắn! Sẩy đào còn tiếc hơn.

    Trở lại với buổi xem cá vượt đập nước, tôi cũng dùng máy ảnh bỏ túi chụp đám cá tụ tập gầp đập ngăn nước. Tôi cũng như nhiều người khác canh chờ để chụp ảnh mấy con cá đang phóng mình lên khỏi mặt nước để vượt lên đoạn sông cao hơn. Thật tội nghiệp cho những con cá phóng lên để rồi rớt xuống. Mỗi khi có một con cá nào vượt lên thành công, đám người xem cùng cất tiếng reo hò hoan hô ầm ĩ.




    Tôi ngắm nhìn và tiếc nhớ một thời câu cá đã qua.







    Chiêu Ấn


  • #2
    hầu như ai cũng qua một thời câu cá nhỉ

    Comment

    Working...
    X