Trần Văn Chi
Ðồng Bằng Sông Cửu Long chỗ nào cũng có sông lớn sông nhỏ, kinh rạch dài ngắn, đầm bưng sâu cạn... nước lên xuống mỗi ngày hai bận theo hệ thống hai con sông chánh là Tiền Giang và sông Hậu Giang.
Con sông Hậu Giang, theo Gia Ðịnh Thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức: “Thượng lưu sông từ phía Ðông thành Nam Vang Cao Miên, chảy xuống Châu Ðốc, qua Mạt Cần Ðăng; Nam đổ xuống đồn Cường Oai ở Lấp Vò rồi qua đồn thủ Trấn Giang Cần Thơ, đến đạo Trấn Di, ra cửa biển Ba Thắc, nước dầm thấm khắp cả ruộng vườn, bao hàm cả cồn bãi bờ biển, là nguồn thủy lợi rất lớn, lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết.”
Ở vùng này việc đi lại thuở xưa trên bờ thì có cầu khỉ, cầu tre... chênh vênh lắc lẻo. Dưới nước chủ yếu là xuồng ghe luồn lách, quanh co cồn bãi, len theo dòng nước mà đi lại, mà chở chuyên. Nghèo giàu cỡ nào ai cũng có tối thiểu một chiếc xuồng ba lá để làm chân.
Xuồng ghe xứ này có nhiều loại với những tên gọi mà người nơi khác không sao hình dung và hiểu được:
Như “xuồng ba lá” còn gọi là tam bản, mũi là lái như nhau, không cần quay trở, khởi động bằng dầm, là phương tiện dùng cho cá nhân. Sau này chiếc xuồng ba lá thay đổi cách tân nhưng vẫn còn là phương tiện căn bản của người dân ở đây.
Còn chiếc ghe thì lớn hơn xuồng ba lá, là phương tiện di chuyển cộng đồng, có loại chuyên dùng, tùy theo nhu cầu mà có kích cỡ, hình dáng, mẫu mã khác nhau.
Như ghe dùng để đi làm ăn thì có ghe câu, ghe lưới, ghe cui (chở củi, cây lá làm nhà), ghe đò, ghe cá, ghe chài, ghe be (làm nhà nổi hoặc để bè gỗ, bè cây trên sông), ghe “hàng bố” dùng đi bán hàng tạp hóa trong chợ xóm...
Ði biển có “ghe cửa” to dài có mũi cao để nhảy sóng. Quan chức và người có tiền thì sắm “ghe hầu”, “ghe điệu” loại ghe có mui trang trí như nhà ở, có người phục vụ; để đánh giặc có “ghe chiến” hay “ghe sai”. Giờ đây hầu hết các loại xuồng ghe lớn nhỏ đều có gắn máy hoặc gắn đuôi tôm.
Việc đi lại dưới sông nước ở vùng này do vậy xưa nay lúc nào cũng náo nhiệt: chiếc xẹt qua, chiếc xẹt lại như người Sài Gòn lái xe honda, xe hơi vậy.
Chợ nổi nguyên sơ bán rùa rắn chim chốc
Chợ nổi nhóm trên sông nước ở miền Tây là hình thái quen thuộc của người ở miệt này. Có những chợ nổi như chợ Phụng Hiệp, Cái Răng hay Cái Bè được người cả nước biết.
Hỏi người dân địa phương, những ông bà lớn tuổi thì không ai biết cái chợ nổi có hồi nào!
Chỉ nghe nói rằng thuở xưa kia ở Phụng Hiệp, hằng năm tới mùa nước thấy có nhiều người bơi xuồng, chèo ghe đến bán rắn rùa, chim chốc để kiếm tiền đi chợ. Các loại chim như mỏ nhát, óc cao, chàng nghịch, chàng bè, quốc (đỗ quyên), bìm bịp, kỳ đà, chuột... ở đây có tiếng là ngon nên được nhiều người bơi ghe đến tìm mua.
Phụng Hiệp là chỗ giáp nước từ bảy nơi tụ về, là chỗ “tao ngộ” của giới thương hồ, nơi họ dừng chân, đậu ghe để “chờ con nước”. Và Ngã Bảy trở thành nơi “đô hội dưới nước”, trai tài gái sắc, tứ chiếng, dân làm ăn có tiền đến đây tiêu xài, ăn nhậu vui chơi.
“Ngã Bảy chia dòng xuôi lục tỉnh
Cà Mau, Rạch Giá nối Hậu Giang
Khách thương hồ nổi trôi sông nước
Năm tháng thuyền dong lướt dặm ngàn.”
(Uyên Thảo, Ðẹp Cần Thơ)
Phụng Hiệp cách thành phố Cần Thơ độ trên 30 cây số. Cầu Phụng Hiệp trước kia là cầu quay mỗi khi có ghe tàu qua lại, sau này hãng thầu RMK của Mỹ làm lại bằng cầu đúc còn cho tới ngày nay.
Từ Phụng Hiệp có ba ngã chánh đi xuôi về Cái Sơn ra Sông Hậu để đi Cần Thơ, xuống Vĩnh Long, Ðồng Tháp, An Giang, Châu Ðốc, Campuchia, Trà Vinh, lên Bến Tre, Sài Gòn, hoặc đổ ra biển Ðông đi Trung, ra Bắc...
Bốn ngã còn lại nối với kinh, rạch trong quận, tỉnh như Xẻo Môn, Sóc Trăng...
Ðứng tại đây nhìn về hướng sông Hậu, dòng kinh Cái Côn dài ngút ngàn và thẳng tắp, xa xa với Bưng Thầy Cai, với Vàm Rọc, nhà cửa sung túc.
Bài vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” với giọng ca trữ tình của nghệ sĩ Út Trà Ôn như nhắc lại cho người ở đây về một kỷ niệm nào đó trong đời mình với địa danh Ngã Bảy.
“Hỡi ơi! Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào. Cổng nhà cô đã khép kín tự hôm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, để tô điểm loan phong cho gái còn xuân...”
Chợ nổi Cái Răng, biểu tượng của Tây đô
Từ khi Sài Gòn được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Ðông” thì thành phố Cần Thơ được gọi bằng cái mỹ danh là “Tây Ðô”, thủ đô của 12 tỉnh miền Tây tới nay. Thành phố chạy dài trên 65 cây số dọc theo con sông Cửu Long mang trong nó nhiều huyền thoại về Chín Rồng.
Cần Thơ diện tích 2,962 cây số vuông, 1 triệu 900 ngàn dân (theo thống kê năm 1997) là “thành phố sông nước“.
“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền.
Ðừng cho lúa gạo/mà/xóm giềng/họ/cười chê!”
Không biết câu hò có từ khi nào mà như đã nói lên tâm tình người con gái Cần Thơ thừa lúa gạo, giàu tình cảm và thực thế. Nghe kể lại là từ những thập niên đầu thế kỷ trước đã có nhiều ghe buôn bán thương hồ đến đây trao đổi hàng theo, hát hò giao tình với thiếu nữ trên sông... và từ đó trở thành chợ nổi tại đây ra đời.
Từ lúc trời còn chưa sáng, đã có hàng trăm ghe xuồng, chạy máy, chèo tay tập trung nhóm chợ chật trên cả một khúc sông.
Chợ Cái Răng là nơi đầu mối thâu mua những hàng nông sản của thương lái hay chủ nhà vướng đưa đến. Từ đây được vân chuyển đến các tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sài Gòn hoặc đi Long Xuyên, Châu Ðốc, Cà Mau, Rạch Giá. Tại đây còn chở thẳng đi Campuchia, Trung Quốc nữa.
Trái cây ở đây đủ loại như cam, quít, mận, xoài, nhãn, mận, thơm, chuối, đu đủ, chôm chôm, sầu riêng, dừa khô-xiêm... làm ngộp mắt du khách!
Cũng có những loại nông sản thường như bầu bí, dưa, mía, sa bô chê, ổi... thứ nào thứ nấy chất đầy ghe... mùa nào thứ nấy.
Chợ nổi Cái Răng có sáng kiến “treo bẹo” giới thiệu sản phẩm của mình lên cây sào cao gọi là “cây bẹo” để chào khách mà không cần rao! Ghe đuôi tôm chạy xẹt qua xẹt lại như xe honda chạy trên đường Sài Gòn. Ðèn măng xông, đèn điện bình ac-qui, đèn đầu... sáng cả mặt sông, đến 9-10 giờ sáng thưa dần.
Hàng quán ăn uống: cà phê, cháo, mì, hủ tiếu, phở, bánh mì... cái gì cũng có sẵn sàng túc trực phục vụ mọi người. Nhậu nhẹt, đờn ca tài tử, TV, nhạc đủ loại kể cả hải ngoại.
Các ghe buôn bán hàng tạp hóa, áo quần giày dép, dụng cụ điện tử, thuốc tây hớt tóc, làm đẹp, sửa máy ghe, bán xăng dầu cái gì cũng có ở đây.
Những con người sống với sông nước, lấy giang hồ làm vui, bầu bạn sớm hợp chiều tan nhưng lúc nào cũng hào hiệp và điệu nghệ.
Du khách đến đây, dẫu là người Việt Nam hay người ngoại quốc cũng thấy hấp dẫn, thích thú và không nỡ dời chân, bởi khó mà tìm thấy ở đâu có như vầy!
Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ đúng là nét đẹp văn hóa đặc trưng của lục tỉnh-Nam bộ.
Chợ nổi Cái Bè, “Văn minh miệt vườn” thu hẹp
Chợ nổi Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn độ 70 cây số lái xe.
Sông Tiền Giang xưa còn gọi là Sông Trước, “Nguồn sông này ở phía Bắc từ Ai Lao xuống Cao Miên đến Nam Vang, theo hướng dòng chảy đến Cần Nôm Tân Châu qua sông Ðại Tuần trước trấn Vĩnh Thanh đến Ba Lai Mỹ Tho rồi chảy về Nam ra hai cửa biển đại, tiểu, ấy là dòng chánh của sông lớn ban đầu...”
“Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa vào bãi kia, có tới 8 ngã ba sông, nhiều nhánh đan xuyên qua Hậu Giang, trông xuống trấn Vĩnh Thanh như là một biển sao...”
“...Trong vườn thì nhiều trầu, cau, dưa quả, dâu mè; mương ngòi thì đầy cá-tôm-rùa-lươn; ai nấy tự của nhà dùng, chẳng cần mua sắm ở chợ. Dân cư trước vườn, sau ruộng, tất cả đều có sản nghiệp làm ăn, mọi người được cho là giàu có”. (Theo Gia Ðịnh Thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức)
Chợ Cái Bè nổi tiếng là chợ đầu mối của nhà vườn Tiền Giang, nằm trên khúc sông Cái Bè, đủ rộng chứa đến 500 ghe thuyền mỗi ngày tụ hợp về đây buôn bán. Cây trái ở các nơi như Xoài Hột, Thuộc Nhiêu, Chợ Giữa, Cổ Cò, Cái Bè, Cai Lậy... từ lâu nổi tiếng ngon.
Bên kia, hữu ngạn sông Cái Bè có cù lao Tân Phong thuộc Vĩnh Long, có tiếng giàu có với con ốc gạo. Ốc gạo Tân Phong xưa vượt sông qua Cái Bè để bán đi khắp nơi nhứt là cho người Sài Gòn.
Xuống cù lao Tân Phong, nghe mấy ông già ở đây kể rằng ở cái cù lao này dài độ 3 cây số, có trên dưới 1,300 nóc gia, sống bằng nghề bắt ốc gạo, người nào cũng khá, trước năm 1975 có mua máy đèn riêng để coi TV.
Chợ nổi Cái Bè là nơi để thương lái đến “cất hàng” đem đi bán lại cho các nơi khác, vào giờ cao điểm sáng sớm ghe thuyền chạy như mắc cửi, huyên náo vui tươi hấp dẫn du khách.
Chợ nổi Cái Bè không xa Sài Gòn, cái riêng biệt độc đáo của vùng đất sông Tiền, như thể hiện cái “Văn minh Miệt Vườn” được thu hẹp trong tầm mắt của du khách.
Chợ nhóm trên sông nước qua chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp, Ngã Năm ở Hậu Giang, đến chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang là nét đặc thù, độc đáo của miền Tây.
Chợ nổi là loại hình “văn hóa chợ” mà hình như chỉ có ở nước mình (?)tới nay trở thành cái đẹp, cái duyên riêng mà trời dành cho người miền Tây.
Nên mới nói “Ai đến đó thời không muốn về” là vây.
Comment