PetroTimes) - Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn nằm ở xã Thủy Thanh (Hương Thủy - Thừa Thiên - Huế) cách thành phố Huế 6km theo hướng đông, là một trong những di tích nổi tiếng của đất Thần Kinh.
Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn được tái hiện qua cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn ở Huế trong những thế kỷ trước, mang đậm vẻ quê xưa bình dị, mộc mạc, với những thiếu nữ duyên dáng, với các món chè Huế, những đứa trẻ say sưa với những con tò he đầy màu sắc, tiếng bễ rèn phì phò thổi lửa, tiếng hát bài chòi giọng Huế văng vẳng bên bờ sông Như Ý.
Thi làm bánh bột lọc và bánh nậm
Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn được tái hiện qua cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn ở Huế trong những thế kỷ trước, mang đậm vẻ quê xưa bình dị, mộc mạc, với những thiếu nữ duyên dáng, với các món chè Huế, những đứa trẻ say sưa với những con tò he đầy màu sắc, tiếng bễ rèn phì phò thổi lửa, tiếng hát bài chòi giọng Huế văng vẳng bên bờ sông Như Ý.
Cầu Ngói Thanh Toàn
Đến đây, du khách sẽ được hòa mình trong cuộc sống thôn quê dân dã bên dòng sông nhỏ thơ mộng. Du khách còn được xem những nông, ngư cụ gắn liền với người dân lao động, được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn, độc đáo, tham dự những sinh hoạt thôn dã ngày mùa như đập lúa, xay thóc, đạp nước, nghe hò giã gạo, xem thi làm bánh, thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền quê do người dân bản địa chế biến... Kéo rớ cá trên sông Như Ý
Chợ quê còn là nơi quy tụ của các sản vật vùng quê Hương Thủy như: gạo Thủy Dương, nếp Thủy Tân, bánh tráng Thủy Lương, rượu Thủy Dương, dưa gang Thủy Châu. Tiếp đến là các loại chè, bánh truyền thống như: bánh ú, bánh tày, chè bắp, chè hạt sen, kẹo cau, các loại nông sản luộc như khoai, sắn chấm với muối mè, đường đen... cùng những món ngon dân dã của riêng Huế như xôi thịt hon, muối mè, muối sả, cơm mo, cá trê nướng, bánh bèo nậm lọc cơm hến, bún hến Vĩ Dạ, bánh canh cá lóc... Chơi bài chòi ở chợ quê
Đến với chợ quê, ngoài khu buôn bán, khu ẩm thực, khu vui chơi dân gian, du khách có thể học làm bánh Huế, hay chèo đò dạo chơi trên sông Như Ý. Những trò chơi truyền thống như bài chòi, bịt mắt đập om, chọi gà, bắt vịt trên sông... rất nhộn nhịp, sinh động. Du khách mặc thử “áo tơi” của nông dân
Nhiều du khách đến chợ quê cầu Ngói tìm lại được nét xưa trong không gian thoáng mát, ngập hương lúa vụ mùa. Điều đặc biệt nhất của chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn là cây cầu Ngói sát chợ được xây dựng từ năm 1776 với kiến trúc đậm nét Á Đông với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, kiềng kiềng... mái ngói (kiểu Thượng gia - Hạ kiều). Hai bên lối đi có hai hàng ghế để du khách nghỉ chân vừa trò chuyện vừa ngắm dòng sông điểm xuyết vài bông hoa súng, hoa sen dập dềnh trên mặt nước. Xa xa là cánh đồng lúa chín, thấp thoáng làng quê yên ả. Biểu diễn chằm nón ở chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn
Cầu Ngói còn là biểu tượng văn hóa của người dân nơi đây qua những câu ca trữ tình, lãng mạn và chân quê: Ai về cầu Ngói Thanh Toàn/Cho em về với, một đoàn cho vui. Và trên lối đi ở gian giữa có bài thơ được khắc vào gỗ quý: Thanh Toàn tiếng dậy khắp gần xa/Công đức Trần Nương sáng mọi nhà/Sắc tứ Vua ban ghi sử sách/Toàn dân qua lại nhớ ơn Bà... Thi xay lúa
Cầu Ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được Nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 1991. Mỗi lần trùng tu, dân làng đều làm bài thơ khắc vào khung gỗ, treo trang trọng ở gian giữa trên cầu: Đồng tâm hiệp lực sửa cầu xong/Tình nghĩa quê hương rõ mặn nồng/Thắng tích truyền lưu say kẻ ngắm/Công trình tái thiết thoả người mong/Tiền nhân xây dựng dày ân đức/Hậu duệ tô bồi trọn thuỷ chung/Cảnh trí bây giờ thêm ngoạn mục/Vui tươi làng, xã đẹp non sông... Thi làm bánh bột lọc và bánh nậm
Thi bắt vịt dưới sông Như Ý
Phiên chợ quê ngày hội rộn ràng, tưng bừng từ lúc sáng sớm cho đến tối mịt. Dù ai làm ăn xa nơi đâu, khi về Huế, họ lại ghé cầu Ngói để thắp hương cho Bà và ngồi trên ghế cũ cầu xưa mà hồi tưởng lại một thời xa xưa - thời chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, thả rớ... trên những cánh đồng làng. Tiên Sa