Cá chạch vùng nước ngọt - Kỳ 2
Tháng mười âm lịch cũng là mùa cá ra, mùa sạ lúa Đông Xuân. Vì thế cá chạch ào ào ra sông như đang dự một cuộc thi cá hội. Cá sống với nước, nên nước rút, cá theo nước để duy trì đời sống. Những vó cất đón đường tại các ngã ba mương rạch là những túi cá nặng trĩu. Vô số cá là cá, trong đó cá chạch cũng nhiều. Mấy chàng thích lai rai vài ly, vài xị cũng ưa cái món cá chạch nhúng nước muối phơi khô vào mùa cá trên đồng ra sông này. Khi con cá vừa phơi được một nắng mới hơi ráo ráo rồi đem nướng trên than củi gốc dừa mục, cái mùi thơm thơm của mấy con khô cá chạch mới này làm cho dân ghiền rượu đế chưa kịp nếm môi mà thấy như muốn say rồi.
Đến mùa cá ra sông, ngoài việc hứng cá bằng vó cất, còn là mùa câu cá chạch lấu theo gốc gáo, gốc bần. Cá chạch lấu khác cá chạch thường này vì nó có nhiều bông vằn vện trên mình và nó cũng khá lớn nữa. Có con nặng cả ký, trong khi cá chạch thường nhỏ bằng ngón chân, ngón tay. Thêm nữa, cá chạch lấu chỉ sống theo gốc cây dưới sông sâu, không chịu lên trên đồng vì nước cạn. Cá chạch lấu thích ăn mồi tép. Lưỡi câu móc nguyên con tép, kèm theo cục chì hình nón, lớn bằng ngón tay cái. Vậy mà rồi cá ăn không kịp giựt. Nhưng coi vậy mà lại khó ăn vì cá lôi nhợ câu vô gốc rồi chằng qua vướng lại, loay hoay đứt lưỡi câu, mất cả chì lẫn cá. Người câu cá ngồi trên xuồng thở dài và chặc lưỡi tiếc hùi hụi như con thằn lằn tiếc của. Tục ngữ có câu: “Cá sẩy là cá lớn” mà!
Xúc cá dưới về lục bình
Vào những ngày mùa này, hồi còn làm lúa sạ, lúa mùa, trên các kinh rạch, dòng nước đỏ ngầu màu nước phèn, nước cỏ cũng là mùa cá dại. Nên những chị cá chạch cùng chung số phận các loại cá đồng, cá sông mà nổi ngất ngư đầy mặt nước. Tuy nhiên cũng có một số cá chạch khác núp dưới những tầng rễ các về lục bình trôi theo dòng nước rút. Chỉ cần một người cầm cái rổ ngồi ngay nơi mũi xuồng và một người ngồi sau lái xuồng với cây dầm bơi cầm chừng về hướng ngược nước để đón các về lục bình mà lấy rổ xúc vào. Về lục bình nào cũng có năm, ba con cá chạch. Xúc cá chạch như vầy rất thú vị vì cá là cá, nhưng cũng mệt và mỏi tay vì rổ nào cũng cần phải giũ lục bình ra mới bắt được cá.
Rồi mùa nước xuống,bỏ lại cánh đồng khô với những mùa màng mới. Đến tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba âm lịch cũng là mùa đặt rù, đặt bôn, đặt hủ ở khắp các vùng kinh rạch miền Tây. Những cái lu, cái khạp, thùng phuy, mà nhất là những cái bôn, cái rù đan bằng ngọn tre giống như trái bầu cắt ngang, một đầu kín, một đầu bông lớn ra thành cái miệng, rồi bỏ chà vào đầy những dụng cụ vừa kể, đem đặt gần gốc gáo hay nơi đầu doi đuôi vịnh. Các loài cá lớn thường trú ngụ nơi đầu doi đuôi vịnh nhiều lắm vì nơi ấy nước vừa sâu, vừa cạn. Nơi nước sâu cá cư ngụ, nơi nước cạn cá đi tìm mồi kiếm ăn. Theo lệ thường, khi nước lớn như “tháng giêng là tháng ăn chơi” của người nông phu, cá dưới sông cũng theo con nước dạo chơi đâu đó bên gốc dừa nước, bãi cỏ, gốc cây để kiếm mồi hay du lãm. Đến con nước ròng, cá dưới sông trở về gốc cây, về bôn, về rù, về chà như về căn nhà cũ an cư đợi chờ con nước lớn. Đời sống cá tôm theo chu kỳ đó mỗi ngày từ dưới nước bốn mùa. Biết được thói quen đó của cá, nên người nhà quê bày ra những nơi trú ngụ như vậy để mà bắt cá. Nhưng khi đặt những dụng cụ trên nên nhớ đặt ở vị trí trở miệng xuôi theo con nước ròng và buộc dây, gài cây cho chắc chắn để đừng bị nước cuốn trôi. Vậy mà hai ngày dở một cữ, cá trê, cá lóc, cá rô biển và cá chạch lấu vô nhiều như cá rộng trong lu, trong khạp. Đầu trên dở rù, xóm dưới dở lu, cả một làng quê vào mùa này vui vầy theo con nước kém mỗi ngày. Người nào được những con cá lớn họ la lên cho cả xóm cùng mừng với họ. Vui cùng vui, khổ cùng chia nhau nỗi khổ, đói cùng chia nhau lon gạo, buồn cùng chia sớt nỗi buồn với nhau là nét đặc trưng của những người nhà quê vùng đồng bằng miền Tây này. Và có lẽ tại các vùng thôn xóm các miền quê khác cũng có cùng cái đức tính quí báu như vậy khi kẻ viết bài này có dịp ghé qua Diên Khánh, Lương Sơn ngoài Nha Trang.
Sang đến tháng Hai, tháng Ba, ở làng quê có thêm mùa cào cá chạch. Cào là một miếng sắt mỏng dài khoảng từ năm đến bảy tấc được người nhà quê đem ra lò rèn hàn thêm những mũi chĩa nhọn như hình dáng cái cào dùng để cào cỏ trên đồng. Các mũi chĩa này bằng cây căm xe đạp hoặc kèo dù, dài khoảng tám phân. Lưỡi cào này được tra vào một cái cán bằng ngọn cây tầm vông dài có đến năm thước. Vì biết cá chạch nước ròng hay chúi trong bùn non tại các vàm rạch ở tư thế thẳng đứng, do đó người nhà quê biến chế cái cào nằm ngang để cào cá chạch. Với cái thau buộc ngang thắt lưng để đựng cá, người nông dân đứng dưới nước cho cái cào từ xa rồi ghì mạnh cái cán cào mà kéo về phía trong mình. Như vậy mà mỗi lần giở lưỡi cào lên, lần nào cũng dính vài ba con cá chạch dẫy lạch chạch vì bị mũi cào xuyên ngang lưng, ngang bụng. Nếu ai làm siêng, cào như vậy đến con nước nhửng lớn có khi được cả ký cá như chơi.
Bên cạnh đó, người nào không cào cá chạch bằng cái cào sắt, họ có thể dùng cái rổ vừa tay cầm, không lớn, không nhỏ mà lặn cá chạch. Lặn cá chạch cũng vui vui, nhưng phải biết nín thở hơi lâu và có sức chịu đựng cái lạnh. Chẳng qua là người ta cầm cái rổ lặn sâu xuống lòng rạch với hai chân cắm sâu xuống bùn cho đừng nổi lên nhanh và sẵn sàng móc một cục đất bùn đựng đầy rổ. Xong đâu đấy, vội vàng đội cái rổ lên đầu mà chạy trong nước theo triền rạch lên bờ. Vậy mà mỗi rổ bùn cũng có năm ba con cá chạch mập mạp. Rồi cứ thế mà tiếp tục cho đến khi nào cảm thấy lạnh, ngồi phơi nắng một hồi ra về với thau cá chạch liến thoắng làm nước văng tung tóe. Lặn cá chạch ngoài cái lạnh, còn cái cực nữa là hai con mắt đỏ lừ như con tôm luộc. Ngoài ra, có thể kể thêm cách móc cá chạch trên bùn khô. Thật ra, cá chạch không ở những chỗ bùn khô như vậy, mà thường ở các vũng nước nơi con rạch cạn, nhất là các vũng nước do người ta đào hầm lấy đất đấp bồi vườn tược. Muốn móc cá chạch, thường thường phải tát khô vũng nước, rồi dùng hai bàn tay móc từng cục đất vừa tay. Cá chạch ở trong những cục đất vừa móc. Dĩ nhiên, có cục đất có cá, có cục đất chỉ đất là đất. Cũng cần lưu ý là nên móc đất cho liền mí để bắt cho hết cá chạch trong bùn, không bị sót.
Thú vị nhất trong từng mùa cá chạch là thỉnh thoảng có những mối tình chơn chất của đôi trai gái nhà quê mỗi ngày gặp rồi để ý quen nhau, thương nhau... Những con cá chạch mà chàng trai quê mùa gởi cho cô hàng xóm, vậy mà thắm thiết nghĩa tình rồi đi vào lòng cô con gái quê hồi nào nhiều lúc cô không nhớ nổi... Nó như những sợi dây tơ hồng bò trên đọt cây bằng lăng buộc chặt những chùm bông màu tím nhạt dịu dàng mà không gỡ ra được. Mối mai, trầu cau, lễ vật, mâm bàn được mang đến dâng lên cho một lễ hỏi từ những mùa cá chạch cơ cực như vậy. Họ thương nhau rồi thành vợ chồng, rồi tiếp tục buộc chặt vào nhau từ đó, để mỗi lần mùa cá chạch về, vợ cầm thau, bơi xuồng để chồng xúc lùm, lặn cá mà cười khúc khích, vui vầy, hạnh phúc với đời sống lứa đôi...
Riêng về thức ăn, cá chạch có thể làm nhiều món như cá chạch làm khô, kho mắm, nướng tươi, chiên tươi hoặc muối sả ớt rồi chiên, kho khô, nấu canh chua. Đặc biệt, nổi tiếng nhất có lẽ cá chạch kho nghệ hoặc kho cà ri là ngon và hấp dẫn. Dường như kẻ viết bài này chưa nghe và cũng không thấy ai ở nhà quê làm mắm cá chạch. Điều này có thể giải thích bằng căn cứ vào thực tế như cá chạch dù có nhiều mùa nhưng số lượng bắt được không nhiều như các loài cá khác, nên chỉ đủ ăn và làm khô để dành là hơi lo xa rồi. Vả lại, thịt cá chạch khá dai, nên khi làm mắm, mắm cá chạch cứng và khó rã, không như các loại mắm của nhiều loài cá khác mà mình thường thấy ở nhà quê.
Trong sách vở, nhà văn Nguyễn văn Ba có nhắc loại cá chạch này trong bài viết về cá bóng kèo ở Bạc Liêu: “Cá chạch là loại cá nhỏ, mình dẹp và mỏng dài chừng hai tấc, chiều ngang khoảng hai, ba phân, vảy thật mịn, thường có màu vàng lục, mỏ nhọn và dài (ngoài ra còn có loại cá chạch lấu lớn hơn mình có bông, màu nâu sậm). Và ông kể tiếp món cá chạch nướng tươi:”Cá chạch kẹp giữa hai nhánh tre chẻ dọc, nướng trên than hồng cho đến khi mở chảy xèo xèo, rồi làm một chén nước mắm gừng. Cá chạch nướng ăn với nước mắm gừng và ăn cơm nấu bằng gạo nàng hương thì hết phản.”(*)
Ngoài ra, ca dao, tục ngữ cũng có nhắc đến cá chạch nhưng không nhiều. Chẳng hạn như câu tục ngữ sau đây:” Chạch bỏ giỏ cua “ để chỉ những người hay lanh chanh, không chững chạc, không đằm thắm, giống như cá chạch mà bỏ vào giỏ cua, cua chưa kịp kẹp là đã giãy đành đạch lên rồi.
Ở nhà quê, miệt sông rạch miền Tây, mùa nào cũng có cá chạch và người dân nơi miền thôn dã này cũng tùy theo từng mùa mà bắt cá chạch. Rải rác nơi này, nơi kia, cách này, cách khác, nhưng ở đâu, nơi nào người dân quê cũng phải ngâm mình trong nước, trong bùn có khi lạnh tái môi mới bắt được loài cá luôn luồn mình trong bùn non và nước đục này.
Thế mới biết, giữa thiên nhiên và con người luôn có những rượt đuổi nhau thường trực để tìm cho mình một đời sống nhiều lúc khá chật vật. Mặc dù nghèo cực bốn mùa, nhưng lòng người nhà quê với bản tính vốn dĩ hiền lành, chất phác, mộc mạc từ đời nào, họ hầu như lúc nào cũng nhận ra một vài niềm vui nho nhỏ vào mỗi mùa cá chạch về lại trên đồng, dưới rạch, dưới sông của vùng đồng bằng, để thấy đời mình nhiều lúc cũng có cái vui vui, thích thú trong cuộc sống hẩm hiu, cơ cực giữa những vườn chuối, bờ tre, hàng xoài, miếng ruộng quen thân mấy đời. Hạnh phúc ở đời không nhất thiết phải giàu có, sang trọng, sống ở những nơi văn minh, đô hội, mà nó còn có ngay trong những lúc người nhà quê chờ gặp những mùa cá chạch về theo từng con nước tại những vùng kinh, rạch, sông ngòi nữa!
Comment