Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lá thư từ Kinh Xáng (Phần 1)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    Cá chạch vùng nước ngọt - Kỳ 2

    Tháng mười âm lịch cũng là mùa cá ra, mùa sạ lúa Đông Xuân. Vì thế cá chạch ào ào ra sông như đang dự một cuộc thi cá hội. Cá sống với nước, nên nước rút, cá theo nước để duy trì đời sống. Những vó cất đón đường tại các ngã ba mương rạch là những túi cá nặng trĩu. Vô số cá là cá, trong đó cá chạch cũng nhiều. Mấy chàng thích lai rai vài ly, vài xị cũng ưa cái món cá chạch nhúng nước muối phơi khô vào mùa cá trên đồng ra sông này. Khi con cá vừa phơi được một nắng mới hơi ráo ráo rồi đem nướng trên than củi gốc dừa mục, cái mùi thơm thơm của mấy con khô cá chạch mới này làm cho dân ghiền rượu đế chưa kịp nếm môi mà thấy như muốn say rồi.


    Đến mùa cá ra sông, ngoài việc hứng cá bằng vó cất, còn là mùa câu cá chạch lấu theo gốc gáo, gốc bần. Cá chạch lấu khác cá chạch thường này vì nó có nhiều bông vằn vện trên mình và nó cũng khá lớn nữa. Có con nặng cả ký, trong khi cá chạch thường nhỏ bằng ngón chân, ngón tay. Thêm nữa, cá chạch lấu chỉ sống theo gốc cây dưới sông sâu, không chịu lên trên đồng vì nước cạn. Cá chạch lấu thích ăn mồi tép. Lưỡi câu móc nguyên con tép, kèm theo cục chì hình nón, lớn bằng ngón tay cái. Vậy mà rồi cá ăn không kịp giựt. Nhưng coi vậy mà lại khó ăn vì cá lôi nhợ câu vô gốc rồi chằng qua vướng lại, loay hoay đứt lưỡi câu, mất cả chì lẫn cá. Người câu cá ngồi trên xuồng thở dài và chặc lưỡi tiếc hùi hụi như con thằn lằn tiếc của. Tục ngữ có câu: “Cá sẩy là cá lớn” mà!


    Xúc cá dưới về lục bình

    Vào những ngày mùa này, hồi còn làm lúa sạ, lúa mùa, trên các kinh rạch, dòng nước đỏ ngầu màu nước phèn, nước cỏ cũng là mùa cá dại. Nên những chị cá chạch cùng chung số phận các loại cá đồng, cá sông mà nổi ngất ngư đầy mặt nước. Tuy nhiên cũng có một số cá chạch khác núp dưới những tầng rễ các về lục bình trôi theo dòng nước rút. Chỉ cần một người cầm cái rổ ngồi ngay nơi mũi xuồng và một người ngồi sau lái xuồng với cây dầm bơi cầm chừng về hướng ngược nước để đón các về lục bình mà lấy rổ xúc vào. Về lục bình nào cũng có năm, ba con cá chạch. Xúc cá chạch như vầy rất thú vị vì cá là cá, nhưng cũng mệt và mỏi tay vì rổ nào cũng cần phải giũ lục bình ra mới bắt được cá.

    Rồi mùa nước xuống,bỏ lại cánh đồng khô với những mùa màng mới. Đến tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba âm lịch cũng là mùa đặt rù, đặt bôn, đặt hủ ở khắp các vùng kinh rạch miền Tây. Những cái lu, cái khạp, thùng phuy, mà nhất là những cái bôn, cái rù đan bằng ngọn tre giống như trái bầu cắt ngang, một đầu kín, một đầu bông lớn ra thành cái miệng, rồi bỏ chà vào đầy những dụng cụ vừa kể, đem đặt gần gốc gáo hay nơi đầu doi đuôi vịnh. Các loài cá lớn thường trú ngụ nơi đầu doi đuôi vịnh nhiều lắm vì nơi ấy nước vừa sâu, vừa cạn. Nơi nước sâu cá cư ngụ, nơi nước cạn cá đi tìm mồi kiếm ăn. Theo lệ thường, khi nước lớn như “tháng giêng là tháng ăn chơi” của người nông phu, cá dưới sông cũng theo con nước dạo chơi đâu đó bên gốc dừa nước, bãi cỏ, gốc cây để kiếm mồi hay du lãm. Đến con nước ròng, cá dưới sông trở về gốc cây, về bôn, về rù, về chà như về căn nhà cũ an cư đợi chờ con nước lớn. Đời sống cá tôm theo chu kỳ đó mỗi ngày từ dưới nước bốn mùa. Biết được thói quen đó của cá, nên người nhà quê bày ra những nơi trú ngụ như vậy để mà bắt cá. Nhưng khi đặt những dụng cụ trên nên nhớ đặt ở vị trí trở miệng xuôi theo con nước ròng và buộc dây, gài cây cho chắc chắn để đừng bị nước cuốn trôi. Vậy mà hai ngày dở một cữ, cá trê, cá lóc, cá rô biển và cá chạch lấu vô nhiều như cá rộng trong lu, trong khạp. Đầu trên dở rù, xóm dưới dở lu, cả một làng quê vào mùa này vui vầy theo con nước kém mỗi ngày. Người nào được những con cá lớn họ la lên cho cả xóm cùng mừng với họ. Vui cùng vui, khổ cùng chia nhau nỗi khổ, đói cùng chia nhau lon gạo, buồn cùng chia sớt nỗi buồn với nhau là nét đặc trưng của những người nhà quê vùng đồng bằng miền Tây này. Và có lẽ tại các vùng thôn xóm các miền quê khác cũng có cùng cái đức tính quí báu như vậy khi kẻ viết bài này có dịp ghé qua Diên Khánh, Lương Sơn ngoài Nha Trang.

    Sang đến tháng Hai, tháng Ba, ở làng quê có thêm mùa cào cá chạch. Cào là một miếng sắt mỏng dài khoảng từ năm đến bảy tấc được người nhà quê đem ra lò rèn hàn thêm những mũi chĩa nhọn như hình dáng cái cào dùng để cào cỏ trên đồng. Các mũi chĩa này bằng cây căm xe đạp hoặc kèo dù, dài khoảng tám phân. Lưỡi cào này được tra vào một cái cán bằng ngọn cây tầm vông dài có đến năm thước. Vì biết cá chạch nước ròng hay chúi trong bùn non tại các vàm rạch ở tư thế thẳng đứng, do đó người nhà quê biến chế cái cào nằm ngang để cào cá chạch. Với cái thau buộc ngang thắt lưng để đựng cá, người nông dân đứng dưới nước cho cái cào từ xa rồi ghì mạnh cái cán cào mà kéo về phía trong mình. Như vậy mà mỗi lần giở lưỡi cào lên, lần nào cũng dính vài ba con cá chạch dẫy lạch chạch vì bị mũi cào xuyên ngang lưng, ngang bụng. Nếu ai làm siêng, cào như vậy đến con nước nhửng lớn có khi được cả ký cá như chơi.



    Bên cạnh đó, người nào không cào cá chạch bằng cái cào sắt, họ có thể dùng cái rổ vừa tay cầm, không lớn, không nhỏ mà lặn cá chạch. Lặn cá chạch cũng vui vui, nhưng phải biết nín thở hơi lâu và có sức chịu đựng cái lạnh. Chẳng qua là người ta cầm cái rổ lặn sâu xuống lòng rạch với hai chân cắm sâu xuống bùn cho đừng nổi lên nhanh và sẵn sàng móc một cục đất bùn đựng đầy rổ. Xong đâu đấy, vội vàng đội cái rổ lên đầu mà chạy trong nước theo triền rạch lên bờ. Vậy mà mỗi rổ bùn cũng có năm ba con cá chạch mập mạp. Rồi cứ thế mà tiếp tục cho đến khi nào cảm thấy lạnh, ngồi phơi nắng một hồi ra về với thau cá chạch liến thoắng làm nước văng tung tóe. Lặn cá chạch ngoài cái lạnh, còn cái cực nữa là hai con mắt đỏ lừ như con tôm luộc. Ngoài ra, có thể kể thêm cách móc cá chạch trên bùn khô. Thật ra, cá chạch không ở những chỗ bùn khô như vậy, mà thường ở các vũng nước nơi con rạch cạn, nhất là các vũng nước do người ta đào hầm lấy đất đấp bồi vườn tược. Muốn móc cá chạch, thường thường phải tát khô vũng nước, rồi dùng hai bàn tay móc từng cục đất vừa tay. Cá chạch ở trong những cục đất vừa móc. Dĩ nhiên, có cục đất có cá, có cục đất chỉ đất là đất. Cũng cần lưu ý là nên móc đất cho liền mí để bắt cho hết cá chạch trong bùn, không bị sót.

    Thú vị nhất trong từng mùa cá chạch là thỉnh thoảng có những mối tình chơn chất của đôi trai gái nhà quê mỗi ngày gặp rồi để ý quen nhau, thương nhau... Những con cá chạch mà chàng trai quê mùa gởi cho cô hàng xóm, vậy mà thắm thiết nghĩa tình rồi đi vào lòng cô con gái quê hồi nào nhiều lúc cô không nhớ nổi... Nó như những sợi dây tơ hồng bò trên đọt cây bằng lăng buộc chặt những chùm bông màu tím nhạt dịu dàng mà không gỡ ra được. Mối mai, trầu cau, lễ vật, mâm bàn được mang đến dâng lên cho một lễ hỏi từ những mùa cá chạch cơ cực như vậy. Họ thương nhau rồi thành vợ chồng, rồi tiếp tục buộc chặt vào nhau từ đó, để mỗi lần mùa cá chạch về, vợ cầm thau, bơi xuồng để chồng xúc lùm, lặn cá mà cười khúc khích, vui vầy, hạnh phúc với đời sống lứa đôi...

    Riêng về thức ăn, cá chạch có thể làm nhiều món như cá chạch làm khô, kho mắm, nướng tươi, chiên tươi hoặc muối sả ớt rồi chiên, kho khô, nấu canh chua. Đặc biệt, nổi tiếng nhất có lẽ cá chạch kho nghệ hoặc kho cà ri là ngon và hấp dẫn. Dường như kẻ viết bài này chưa nghe và cũng không thấy ai ở nhà quê làm mắm cá chạch. Điều này có thể giải thích bằng căn cứ vào thực tế như cá chạch dù có nhiều mùa nhưng số lượng bắt được không nhiều như các loài cá khác, nên chỉ đủ ăn và làm khô để dành là hơi lo xa rồi. Vả lại, thịt cá chạch khá dai, nên khi làm mắm, mắm cá chạch cứng và khó rã, không như các loại mắm của nhiều loài cá khác mà mình thường thấy ở nhà quê.

    Trong sách vở, nhà văn Nguyễn văn Ba có nhắc loại cá chạch này trong bài viết về cá bóng kèo ở Bạc Liêu: “Cá chạch là loại cá nhỏ, mình dẹp và mỏng dài chừng hai tấc, chiều ngang khoảng hai, ba phân, vảy thật mịn, thường có màu vàng lục, mỏ nhọn và dài (ngoài ra còn có loại cá chạch lấu lớn hơn mình có bông, màu nâu sậm). Và ông kể tiếp món cá chạch nướng tươi:”Cá chạch kẹp giữa hai nhánh tre chẻ dọc, nướng trên than hồng cho đến khi mở chảy xèo xèo, rồi làm một chén nước mắm gừng. Cá chạch nướng ăn với nước mắm gừng và ăn cơm nấu bằng gạo nàng hương thì hết phản.”(*)

    Ngoài ra, ca dao, tục ngữ cũng có nhắc đến cá chạch nhưng không nhiều. Chẳng hạn như câu tục ngữ sau đây:” Chạch bỏ giỏ cua “ để chỉ những người hay lanh chanh, không chững chạc, không đằm thắm, giống như cá chạch mà bỏ vào giỏ cua, cua chưa kịp kẹp là đã giãy đành đạch lên rồi.





    Ở nhà quê, miệt sông rạch miền Tây, mùa nào cũng có cá chạch và người dân nơi miền thôn dã này cũng tùy theo từng mùa mà bắt cá chạch. Rải rác nơi này, nơi kia, cách này, cách khác, nhưng ở đâu, nơi nào người dân quê cũng phải ngâm mình trong nước, trong bùn có khi lạnh tái môi mới bắt được loài cá luôn luồn mình trong bùn non và nước đục này.

    Thế mới biết, giữa thiên nhiên và con người luôn có những rượt đuổi nhau thường trực để tìm cho mình một đời sống nhiều lúc khá chật vật. Mặc dù nghèo cực bốn mùa, nhưng lòng người nhà quê với bản tính vốn dĩ hiền lành, chất phác, mộc mạc từ đời nào, họ hầu như lúc nào cũng nhận ra một vài niềm vui nho nhỏ vào mỗi mùa cá chạch về lại trên đồng, dưới rạch, dưới sông của vùng đồng bằng, để thấy đời mình nhiều lúc cũng có cái vui vui, thích thú trong cuộc sống hẩm hiu, cơ cực giữa những vườn chuối, bờ tre, hàng xoài, miếng ruộng quen thân mấy đời. Hạnh phúc ở đời không nhất thiết phải giàu có, sang trọng, sống ở những nơi văn minh, đô hội, mà nó còn có ngay trong những lúc người nhà quê chờ gặp những mùa cá chạch về theo từng con nước tại những vùng kinh, rạch, sông ngòi nữa!
    Last edited by viet11; 27-05-2012, 04:38 PM.
    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
    ............



    Can't Live Without...hehe...


    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

    Comment


    • #32
      An Giang - Một vùng cổ tích phương Nam - Kỳ 1

      Lương Thư Trung

      Bạn ơi, có lần nào bạn đi ngang qua An Giang chưa? Nếu chưa, xin bạn nên ghé lại thăm An-Giang đôi ngày vì địa danh này đã gợi cho bạn nhiều hấp dẫn từ một dòng sông, dòng An-Giang. Phải thế không bạn? Người nghệ sĩ ngợi ca dòng An-Giang có cái lý riêng của họ mà tự dòng sông này cũng đẹp mát lạ thường.




      Cầu Hoàng Diệu

      Long Xuyên

      Bạn ơi, có lần nào bạn đi ngang qua An Giang chưa? Nếu chưa, xin bạn nên ghé lại thăm An-Giang đôi ngày vì địa danh này đã gợi cho bạn nhiều hấp dẫn từ một giòng sông, giòng An-Giang. Phải thế không bạn? Người nghệ sĩ ngợi ca dòng An-Giang có cái lý riêng của họ mà tự dòng sông này cũng đẹp mát lạ thường.

      Ngày xưa, khoảng những năm 1950-1960, nếu bạn từ miệt dưới Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre lên hoặc từ trên Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho xuống theo con đường liên tỉnh số 8, từ Sa Đéc lên khoảng ba mươi cây số là bạn đang ở địa phận quận lỵ Lấp Vò. Con đường số 8 thời xưa ấy hoang phế lắm với những lùm cây mắc cỡ, thù lù, cỏ lông gà mọc đầy hai bên đường và đá xanh trải mặt đường thì lởm chởm ổ gà, lỗ chân trâu làm cho bạn nhiều lúc đang ngồi trên chuyến xe đò cũ kỹ đôi lúc muốn nhảy chồm lên, dài khoảng ba cây số, từ chợ quận Lấp Vò sẽ đưa bạn đến bến bắc Vàm Cống. Nơi mà ngày xưa lúc Tây mới đến nơi này, để có nước sạch cho dân tiêu dùng, chính quyền địa phương hồi ấy bèn cho đào con kinh ăn thông vô một cái chợ nhỏ, nước lớn từ sông Hậu chảy vô rồi khi nước ròng nước lại tháo trở ra sông Hậu, ở miệng ra vào, người ta mới đặt ống cống rất lớn để điều chỉnh nước thông thương mà có tên là Vàm Cống (1), và ngày nay dấu tích cũ đâu rồi vì vàm nước từ sông Hậu này nay đã thành vàm sông rộng lớn mênh mông nước là nước.

      Đây rồi, dòng An Giang đang rộng thênh thang phía trước mặt bạn. Từ mặt sông những ngọn gió nồm mát rượi thổi hiu hiu từ bên kia bờ phía An Giang làm bạn quên cái cảm giác mệt nhọc trên đoạn đường đá gồ ghề mà bạn vừa đi qua. An Giang đang chào đón bạn! Những chiếc bắc cồng kềnh như những "bè thủy lục" mệt nhọc chở những xe cộ cùng khách bộ hành từ bao mùa như chở những mảnh đời cũng mệt nhọc qua dòng An Giang xanh xanh nước biếc ngọt ngào. Những con sóng bạc đầu từ hướng Cần Thơ ào ào tràn lên mùa gió chướng hay những con sóng lưỡi búa nhấp nhô từ bên kia sông giạt về bên này sông vào mùa gió nồm từ hướng Rạch Giá kéo về như những kiếp bọt bèo chìm nổi theo gió, theo giông tuần hoàn bất tận. Những ngọn sóng làm chòng chành chiếc bắc như muốn xô hết những gì mà nó đang mang trong lòng một cách nặng nhọc, nhưng rồi chiếc bắc vẫn cố gượng dậy để đưa bạn đến bên kia bờ An Giang sau hơn hai mươi phút vượt qua con sông sâu có bề ngang phình rộng ra này.



      Cầu Henry (cầu Hoàng Diệu ngày nay)

      Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng gặp những mùa gió chướng, gió nồm như vậy vì gió có mùa của gió, bạn đi qua giòng An Giang này có cái hạnh ngộ thật thú vị của bạn với giòng sông. Nếu bạn sang sông vào buổi sáng, bạn sẽ gặp dòng sông phẳng lặng đến hiền hòa. Bạn sẽ thấy cảnh bình minh trên sông với mặt trời bò chầm chậm từ dưới nước bò lên, vượt qua những rặng cây ở phía chân trời xa xa về hướng đông nơi làng Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây nằm vắt võng trên cái cù lao tưởng chừng lấp ngang dòng nước chảy xuôi ra biển, cách chợ quận Thốt Nốt một chuyến đò ngang. Ánh mặt trời để lại trên dòng nước một tấm thảm nắng ấm màu vàng ửng thật rực rỡ, chứa chan biết bao hy vọng của một ngày mới…. Có lẽ nhân loại nói chung và cư dân vùng châu thổ dọc theo con sông Cửu Long này nói riêng, sống được là nhờ nước ngọt và sự có mặt của ánh sáng mặt trời.

      Tại ngã ba Vàm Cống phía bến kia sông, giữa vùng đất phương Nam, nhưng bạn vẫn nghe nhiều người nói giọng Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn hết sức bình thường, tự nhiên như ngay ngoài miền Trung mà thân tình. Nếu bạn rẽ về tay trái, bạn sẽ đi về Cần Thơ hoặc vào Rạch Giá theo hai lối rẽ khác nhau sau khi cùng đi chung một đoạn đường ngắn độ năm cây số. Cần Thơ xuôi về miệt dưới theo con đường số 9; Rạch Giá theo con đường số 8 về vùng biển ngàn trùng.… Dĩ nhiên, bạn rẽ về tay mặt ngay khi vừa rời bến bắc là bạn đang đi về hướng tỉnh lỵ Long Xuyên, cách Vàm Cống chín cây số. Nhưng xin bạn cứ thư thả nhìn ngắm con đường mà bạn sắp đi qua vì có lẽ lâu lắm rồi bạn mới đến An Giang một lần, nên đâu phải vội vàng gì, phải thế không bạn?

      Khởi đi từ Vàm Cống này, hồi ấy, bạn sẽ theo con đường trải nhựa mà hai bên đường là những vườn xoài, nhà cửa san sát chạy song song với dòng An Giang bên tay mặt và cánh đồng ruộng bao la về bên tay trái của bạn. Cánh đồng ruộng không có những rặng cây che ngang tầm mắt càng làm bạn thấy cánh đồng rộng thênh thang biết dường nào! Nó chạy tít mù xuống tới Cái Sắn, rồi chạy miết đến khu di cư của đồng bào miền Bắc năm 1954 trong Tân Hiệp với những con kinh đào băng ngang cánh đồng lúa hướng về con kinh Thoại Hà về phía núi Núi Sập, Ba Thê xa xa ở hướng tây nam; chúng mang tên những mẫu tự quốc ngữ như A, B, C, D, E, F, G, H… như những vết cắt nằm song song trên cánh đồng bằng. Nếu kể những địa danh gần hơn chút nữa, bạn sẽ nghe tên gọi quen quen những cánh đồng như Cái Sao, Bờ Ao, Bắc Dục, Vĩnh Chánh, Phú Hòa. Bạn có thể tưởng tượng giữa cánh đồng ruộng đất bùn lầy ngàn trùng này lại có một vùng đất toàn là đá với đá. Những tảng đá nằm lúp xúp pha lẫn những lung vũng mà nông dân nơi đây gọi là vùng đá nổi, cách Bờ Ao, Bắc Dục không xa. Có thời sau năm bảy mươi lăm, người ta lại đổ xô về đây bòn vàng. Tuy không rầm rộ nhưng cũng tạo cho vùng quê này chút không khí sôi động, ồn ào. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những vồ đá thấp, cùng những vết tích do người ta đào ruộng bòn vàng nơi đây còn để lại vào những ngày của các năm 1980 ấy nhiều lần qua những lần nuôi vịt chạy đồng ngang qua những miếng ruộng nơi này vào mùa cắt lúa tháng Hai, tháng Ba. Nhưng có lẽ vàng bòn được không bao nhiêu, nên người ta không quấy rầy những miếng ruộng an phận giữa đồng không mông quạnh này. Và rồi đá vẫn nổi giữa cánh đồng, những vồ đá bằng phẳng như những mặt bàn lộ thiên của các vị tiên ngồi ngắm trăng mùa nước cạn… Lác đác các loài chim muông như cò, diệc, gà đãi, gà nước, trích rừng dừng chân rỉa lông, nghỉ cánh hoặc chân bước lăng xăng như những chú tiểu đồng mang trà, rượu cho các chàng "ngư, tiều, canh, mục" đang ngồi nhâm nhi giữa cảnh đẹp của thiên nhiên, ruộng đồng thơm thơm mùi rạ mới ngạt ngào….



      Trường Thoại Ngọc Hầu năm 1959

      Giữa cánh đồng sâu hun hút này, có lẽ bạn cũng không ngờ có con kinh đào mà cư dân dọc hai bờ kinh nói rặt giọng miền Trung như những người mà bạn gặp ở ngã ba Vàm Cống. Nghĩ cho cùng, có lẽ tổ tiên chúng ta từ những ngày xa xưa xuất phát từ Quảng Nam, từ Huế mà lưu lạc đến đây cho đến tận bây giờ như một dòng chảy bất tận của một dòng sông Nam tiến vậy. Nên người dân An Giang thời nào cũng dễ cảm thông và sống hài hòa với mọi miền như những ngày tháng sau hiệp định Genève 1954 với cư dân vùng các con kinh ở Cái Sắn, Tân Hiệp. Phải chăng đây là một trong những nét đẹp của tấm lòng người phương Nam nói chung và An Giang nói riêng.

      Vì là vùng sông rạch chằng chịt, nên trên đường bạn đi, bạn phải đi qua những chiếc cầu đúc bắc ngang những con rạch nhỏ. Rạch Cái Dung, rạch Cái Sao, Cống Bà Thứ, rạch Gòi Bé, rạch Gòi Lớn, rạch Tầm Bót, rạch Cái Sơn để vào thăm Long Xuyên như về một thủ phủ thật đẹp và hiền hòa. Những con rạch mang phù sa từ dòng An Giang bồi bổ cho những miếng ruộng phì nhiêu bên tay trái đầy những bông lúa vàng. Long Xuyên mà bạn đang dừng chân có lẽ đã có từ thời có cuộc di dân từ hơn hai trăm năm mươi năm của tổ tiên chúng ta, nhưng nó được kiến thiết và mở mang rộng lớn như ngày nay là vào những năm 1950 với người có công lớn nhất với tỉnh lỵ Long Xuyên này là ông Nguyễn Ngọc Thơ. Dường như Long Xuyên có cái dáng vẻ đặc biệt riêng, không giống bất cứ thành thị nào mà tôi có dịp đã đi qua hơn ba mươi tỉnh lỵ miền Nam. Khu hành chánh bên kia cầu Hoàng Diệu với Tòa hành chánh tỉnh, Tòa án, Ty bưu điện, Ty ngân khố, Sở giáo dục, trường học, nhà thương và nhiều ty sở khác như một vùng yên tĩnh. Bên này cầu Hoàng Diệu là khu thương mại, chợ búa, phố xá, khách sạn, rạp hát, bến đò, bến xe tấp nập, ngược xuôi… Và những đường phố của Long Xuyên khang trang với những dãy phố chạy dài cùng một lối kiến trúc giống hệt như nhau, không cao, không thấp, không trồi, không sụt như những bộ đồng phục mà bạn không thấy bất cứ nơi thị tứ nào mà bạn đã đi qua vùng đồng bằng miền Tây Nam phần.

      Công viên Trưng Vương chạy dài từ đường Phan Đình Phùng đến đại lộ Tự Do như gương mặt diễm kiều của thị xã với những gốc trúc đào, những cây dương, những cánh hoa mười giờ màu tím than, những cây tùng xanh biếc quanh năm. Cầu Hoàng Diệu mà tên gọi thời Pháp thuộc là Henrie Rivière, bắc ngang con sông đào Long Xuyên-Rạch Giá như một kỳ quan vùng đồng bằng này, nối liền hai khu vực của thị xã như đan kết hai mảnh đời dính liền lại với nhau. Với hai dãy trụ đèn cao gần bằng những chiếc cột nhà ngói cổ dọc hai bên thành cầu từ xa xa bạn nhìn giống như những cổng tam quan đang đón bạn đi qua thành phố. Nếu bạn nhìn xuống dòng nước trôi xuôi về miệt núi Sập phía dưới chân cầu, bạn sẽ thấy chiếc cầu Hoàng Diệu đang in dáng dấp lung linh trên dòng sông tuyệt đẹp. Sau này có thêm chiếc cầu Duy Tân, song song với nó, nối liền bến chợ với nhà thương Long Xuyên, nơi mà những năm 1940-1945 chiếc ghe tam bản của tía má tôi tản cư đậu nơi bến nhà thương này, nhưng không sánh kịp về cái dáng đẹp đã có tự bao năm ….



      Công viên Nguyễn Du

      Hàng cây trứng sấu to lớn trở thành những cây cổ thụ trên đường Đinh Tiên Hoàng phía bên kia cầu Hoàng Diệu chạy ngang qua khu học đường thật bệ vệ trang nghiêm. Nào là trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ, trường Nữ Tiểu Học với lớp lớp học trò nhỏ vui đùa của biết bao thế hệ nối đuôi nhau theo dòng thời gian mà những năm cuối thập niên 1940 tôi có dịp dự phần cùng các lớp học trò bé nhỏ ấy. Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu có cổng chánh bên đường Gia Long với những hàng dương liễu thướt tha chung quanh trường, có lẽ sẽ làm cho bạn nhớ về ngôi trường nào một thời mà bạn đã mài đũng quần. Trường này có may mắn là có nhiều vị giáo sư danh tiếng về dạy. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ngày xưa cũng dạy nơi đây ba niên học.



      Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) năm 1959

      Phía trước trường, gần cổng chánh, có ngôi miếu tiên sư thật trang nghiêm để thờ phượng các vị giáo sư của trường quá cố như tấm lòng nhớ ơn của học trò cùng hậu thế dành cho các thầy, như một nét văn hóa thật đẹp và cao quý của trường. Và có lẽ, tại Long Xuyên này, học sinh hết mực thương mến thầy. Trong hồi ký, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nhắc lại tình thầy trò:" Dạy ba năm ở Thoại Ngọc Hầu mà non ba chục năm sau, bây giờ về Long Xuyên còn gặp được năm sáu trò cũ coi tôi như cha, có trò thân mật như người trong nhà; điều đó làm cho tuổi già của tôi được vui." (2) Tình thầy trò ngày xa xưa ấy thật đầm ấm, thiết tha nhưng trang nghiêm, cao quí biết dường nào!
      Last edited by viet11; 27-05-2012, 04:16 PM.
      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
      ............



      Can't Live Without...hehe...


      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

      Comment


      • #33
        An Giang - Một vùng cổ tích phương Nam - Kỳ 2


        Nhưng có lẽ nên mời bạn đến thăm công viên Nguyễn Du bên bờ dòng An Giang, nằm song song con đường Lê Lợi, với những giàn bông giấy, những cánh hoa trúc đào, những cánh hoa phượng đỏ đứng soi mình lướt thướt bên bờ đá xây cặp dòng sông, nơi mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nhắc trong hồi ký của ông, cứ mỗi lần đến đây ông có cảm tưởng như đang hưởng cái thú "giang thượng chi thanh phong" của Tô Đông Pha vậy. Công viên Nguyễn Du này tình tứ thật, nhất là những đôi tình nhân thời còn cắp sách thì tuyệt diệu vào những ngày năm sáu mươi năm xa xưa ấy. Ngày nay nước của con sông Cửu Long cạn dần vì các đập ngăn nước làm thủy điện trên các nước thượng nguồn và bờ đá nơi công viên Nguyễn Du cũng đành phải xa mặt nước sông để trơ ra bãi bùn và vài ba bụi cỏ dại lưa thưa nơi bến sông xưa, mà ngày xưa lúc nào nơi mé sông này cũng lé đé nước với những lượn sóng rì rào theo gió lô xô va vào bờ đá như một điệu nhạc của gió, của sóng, của sông nhịp nhàng không dứt …


        Công viên Nguyễn Du ngày nay với bờ sông Cửu Long nước cạn xa bờ, để trơ những bụi cỏ bên bờ sông cạn

        Dù vậy, ngày xưa, nếu bạn xuống con đò nhỏ về bên kia cồn Mỹ Hòa Hưng, ngang công viên Nguyễn Du, bạn sẽ lạc vào chốn thiên thai với những vườn cây ăn trái phủ phục, oằn nhánh, nặng cành. Nào xoài, ổi, mận chẳng thua gì vườn ổi ở bến bắc Cần Thơ, nếu không muốn nói cư dân nơi Mỹ Hòa Hưng này chơn chất, ngọt ngào như cây trái mà họ trồng trong vườn.… Bạn có thể ăn trái cây đầy bụng, nếu bị xót ruột, họ sẽ mời bạn dùng cơm với họ như người thân trong nhà. Để tiếp tục cuộc hành trình, vì An Giang thì quá rộng, xin mời bạn trở lại Long Xuyên để về thăm Châu Đốc như một chuyến hành hương trở lại vùng cổ tích. Trước lúc rời khỏi Long Xuyên, có lẽ nên mời bạn ăn một bữa cơm với canh chua cá hô hoặc cá bông lau cùng cá rô kho tộ béo ngậy.


        Cá tra dầu thuộc hạ lưu sông Cửu Long
        (nguồn: National Geographic)

        Nhưng ở đây có món mắm kho cũng ngon đáo để không thua gì mắm Châu Đốc mà ngay cả người sành điệu như Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có lần đã phải khen (3):

        Thú ăn chơi cũng gọi rằng,
        Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian.
        Hà tươi cửa bể Tu-ran,
        Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.
        (Thú ăn chơi)

        Tôi không biết "cà Nghệ An" thơm ngon như thế nào vì chưa có dịp được thưởng thức, nhưng chắc chắn mắm Long Xuyên với hương vị đậm đà quê hương và độc đáo lắm!

        Thế là mời bạn đi theo con đường liên tỉnh số 9 về miền Châu Đốc để bạn có dịp nghiệm lại mấy vần ca dao mà người miền quê ở đây ai ai cũng hát dỗ em như nằm lòng:

        Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
        Đất nào dốc bằng đất Nam Vang,
        Nghe tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
        Có một mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?!!!




        Bắc Châu Đốc (An Giang)

        Trên con đường khoảng năm mươi cây số này bạn sẽ đi xuyên qua những cánh đồng đầy lúa là lúa. Khi bạn đến ngã ba lộ tẻ Mặc Cần Dưng, đường đi Tri Tôn, bạn có thể dừng lại nơi đây trong chốc lát để thưởng thức món bánh tét vùng này. Những hạt nếp mới mà mềm và thơm mùi lá dứa ngạt ngào, làm bạn nhớ mẹ ngày xưa cũng nấu cho mình những nồi bánh tét nhưn đậu, nhưn chuối vào những ngày giỗ chạp, tết nhất mà thương mẹ nhiều hơn vì đã quá vất vả với mình. Từ đây nếu bạn theo con đường rải đá xanh, bạn sẽ về Cần Đăng, Hang Tra, Trà Kiết, Cầu số 5, Tri Tôn. Ngày xưa, con đường này vắng ngắt, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò hiệu Thành-Long ột ệt bò từ Tri Tôn xuống Long Xuyên rồi trưa trưa lại bò về hết sức mệt mỏi. Riết rồi, trẻ con trong vùng mỗi lần thấy chiếc xe đò bò ngang qua vạt lúa của mình mà nhớ câu hát huê tình cười đùa mang nhiều ý nghĩa:

        Thành Long chạy tắt đường đồng,
        Mấy cô chưa chồng lại muốn Thành Long.



        Xe đò Tri Tôn-Long Xuyên, Tri Tôn-Châu Đốc những năm 1950
        (Nguồn: Thất Sơn Châu Đốc (TSCĐ))

        Theo con đường này, bạn nhìn về hướng tay trái, xa xa dưới kia có rặng cây băng ngang cánh đồng nối liền hai vùng Vĩnh Hanh, Hang Tra với Ba Bần là kinh xáng Bốn Tổng. Con kinh thẳng nên rặng cây xanh rì cũng thẳng như một nét mực Tàu vẽ lên nền trời trong vắt, mà hai ngọn núi Ba Thê, Núi Sập trong kia cũng khuất một phần chân bên kia rặng cây xanh. Ba bên bốn bề lúa là lúa. Bạn mà lọt vô vùng tứ giác này, có đủ các món nhậu để đãi bạn, từ chuột, rắn, rùa, cá lóc, lươn, tôm, chim muông đủ loại như một kho vô tận, nhất là vào những năm xa xưa còn làm lúa mùa chẳng thiếu món ngon vật lạ nào thuộc vùng đồng ruộng.

        Tiện đây nhắc một chút về địa danh Hang Tra mà có lẽ các bạn mới nghe lần đầu. Là vùng heo hút nơi thôn cùng này, nhưng Hang Tra lại có lần ghi tên mình vào sử sách qua trận đánh Pháp của Quản Cơ Trần Văn Thành vào ngày 20 tháng Hai, năm Quí Dậu (1873). Quản Cơ Trần Văn Thành, theo sử sách, quê ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thuận Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (4); nay là ấp Bình Phú, xã Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Để nhớ công ông, tại làng Bình Hòa trên con đường bạn sẽ đi qua ngang cầu sắt Mặc Cần Dưng có ngôi trường trung học mang tên Quản Cơ Thành.

        Ngoài ra vùng đất An Giang còn rất nhiều sĩ phu, hào kiệt nữa mà bài viết ngắn này không tiện ghi ra hết được. Nhưng có lẽ cụ Thoại Ngọc Hầu là một trong những tiền nhân có công nhất trong việc kinh bang tế thế và mở mang vùng An Giang này mà ai ai đã đọc sử sách cũng đều am tường. Những di tích mà Ngài đã để lại như kinh đào Long Xuyên-Rạch Giá, kinh Vĩnh Tế dọc biên giới Việt-Miên là những bằng chứng cụ thể.
        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
        ............



        Can't Live Without...hehe...


        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

        Comment


        • #34
          An Giang - Một vùng cổ tích phương Nam - Kỳ 3



          Tại bến đò Châu Giang, ngày xưa ấy, bạn sẽ bắt gặp các cô học trò đi học bằng đò chèo qua sông giữa sông nước mênh mông. Những bông hoa biết nói ấy nay có lẽ tuổi đời đã chồng chất nhiều rồi nhưng họ đã có một thời làm nên nét đẹp vùng châu thổ ấy, tuyệt diệu biết dường nào! Phải thế không bạn?

          Rồi qua vài con rạch nhỏ, không đi học bằng đò, các cô nữ sinh ngày xưa với tà áo dài trắng thanh khiết, họ bước chân lên những nhịp cầu tre lắt lẻo mà tâm hồn thiếu nữ man mác trữ tình. Cầu khỉ và bóng dáng nữ sinh một thời làm bức tranh quê vùng An Giang thêm đẹp lạ kỳ!



          Để trở lại con đường số 9 về Châu Đốc, bạn sẽ qua khỏi cua Mặc Cần Dưng đến Năng Gù, một xóm đạo lớn nhất An Giang này. Và chính vị cố đạo Conte coi nhà thờ Năng Gù, vào năm 1891 đem một giống lúa ở Cao Miên về đây gieo giống thử. Nó sống và lên theo kịp nước lụt, nên người Pháp gọi là lúa nổi (riz flottant), còn người Việt mình gọi là lúa mùa, lúa sạ (5) vì giống lúa này chỉ cần cày bừa rồi chờ mùa mưa xuống là sạ, rồi chờ đến mùa lúa chín là cắt gặt và mỗi năm chỉ làm lúa một mùa duy nhất mà thôi (sạ vào tháng Ba, tháng Tư, cắt gặt tháng Chạp, tháng Giêng âm lịch).

          Tại Năng Gù này, nếu bạn xuống đò đi ngang qua dòng An Giang bạn sẽ đến những ngôi làng trù phú trên các cồn cát với rẫy đậu, bắp, thuốc lá cùng vườn cây ăn trái, ruộng lúa. Những cù lao trên dòng sông Cửu Long trong địa phận An Giang này thật sự là một thánh địa với ngôi làng Hòa Hảo, làng Hưng Nhơn, quận Chợ Mới, với xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Long Kiến, Mỹ Luông, cù lao Ông Chưởng, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng với xóm đạo Công giáo và trại mồ côi khá lớn được tạo dựng từ lâu đời. Riêng Cù Lao Giêng, vào những ngày gần cuối năm 1967, chúng tôi có dịp theo phóng viên Việt Tấn Xã đến thăm trại cô nhi cùng xóm đạo này, nhờ vậy mới thấy vùng đất An Giang, đâu đâu tình thương yêu cũng tỏa ra như một vùng đất thánh. Ngay địa phận hai xã Hòa Hảo và xã Hưng Nhơn, trên Chợ Mới một đỗi, sông Tiền Giang phía Tân Châu và sông Hậu Giang phía Châu Đốc ăn thông với nhau bằng con sông Vàm Nao có bề ngang rộng đến hơn hai cây số với lưu lượng nước rất mạnh và những giòng nước xoáy ngầm làm xụp lở bờ sông mỗi ngày mỗi lớn thênh thang. Nơi đây thường xảy ra những cảnh chìm ghe chết người vào những mùa giông mưa, bão tố mà hồi còn nhỏ chúng tôi thường nghe ông bà xưa kể lại tại Vàm Nao này có ông Năm Chèo nuốt vào bụng nhiều mạng người mỗi lần ghe xuồng qua sông trên khúc sông sâu và rộng bao la với sóng to gió lớn vào mùa gió chướng. Sông Vàm Nao, theo tương truyền, vào thời cụ Thoại Ngọc Hầu đào kinh Rạch Giá-Long Xuyên và kinh Vĩnh Tế (đời vua Gia Long), chỉ là một con rạch nhỏ nhưng rất nhiều cá sấu (6), nên việc qua lại vùng này vô cùng ghê rợn. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần trẻ con khóc mà dỗ hoài không nín, chỉ cần người lớn dọa:” Còn khóc, ông Năm Chèo nuốt vô bụng” là đứa bé nín liền.



          Bắc Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang)

          Nhắc cù lao Ông Chưởng là nhắc cụ Chưởng Binh Lễ, người có công trong việc đánh tan giặc Xiêm và giặc Miên cùng với Đốc Binh Vàng vào năm 1837, nhưng cả hai ngài đều tử trận và để tưởng nhớ công đức, hai ngài đều được triều đình phong làm Phúc Thần và được dân chúng lập đền thờ, cúng tế trang nghiêm, cùng đặt tên các kinh rạch, cù lao, đường xá, trường học tại địa phương. Chúng tôi ghi lại câu ca dao này để các bạn biết cả một vùng sông rạch này cá tôm nhiều vô số kể:

          Chiều chiều quạ nói với diều,
          Cù lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm.

          Trên dòng An Giang mà bạn đang theo dòng, vào mùa nước giựt, bạn sẽ thấy hàng hàng lớp lớp những dề lục bình trôi bềnh bồng trên dòng nước xuôi về hạ nguồn với những cánh hoa màu tím đung đưa trong gió, mang mang nỗi buồn về những mảnh đời vô định không bến, không bờ.… Thời Pháp đô hộ có cả những thây ma bị Tây giết thả trôi sông tấp theo những dề lục bình.… Rồi chợt nhớ về những vần thơ của một thi sĩ thời tiền chiến đã cảm hoài:

          Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
          Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
          Nắng xuống, chiều lên sầu chót vót,
          Sông dài trời rộng, bến cô liêu.
          Bèo giạt về đâu hàng nối hàng?
          Mênh mông không một chuyến đò ngang.
          Không cầu gợi chút niềm thân mật,
          Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…
          (Huy Cận) (7)



          Ngã ba vàm Tân Bình và Xáng Lớn (Lấp Vò, Sa Đéc)

          Chợt nhớ mấy câu thơ của cụ Tú Xương:

          “Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
          Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!”

          Về Tân Châu bạn sẽ gặp những bè cá trên sông, những con cá he nghệ vàng nghếnh, cá ba sa đầy mỡ. Xuống Long Sơn, trên con đường đi về Hòa Hảo, bạn sẽ vui với mùa nhãn chín thơm đầy vườn bên tiếng chim gọi nhau líu lo xào xạc, nhớ câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ Vườn Xưa đầy tình tự:

          “Hai ta như sen mùa Hạ, cúc mùa Thu,
          Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn,
          Em theo chim em đi về tháng tám,
          Anh theo chim cùng với tháng ba qua.”

          Nhưng có lẽ cũng xin mời bạn đọc bài thơ của nhà thi sĩ vùng Long Sơn (Tân Châu), thi sĩ Nguyễn Hải Thệ còn có bút danh Ngy Do Thái, viết về bến nước Tân Châu:



          Ghe cui trên sông Tiền Giang (Tân Châu-An Giang) mùa nước tháng 9 âm lịch.

          Sáng ra hỏi thăm dòng sông Trước
          Ngó lên Nam Vang trùng trùng sóng nước
          Bến Tân Châu bụi nắng long lanh
          Trăm chiếc lá non rung rinh đầu cành
          Ta mở lòng ra với trời xanh biếc
          Hít thở không khí căng đầy lồng ngực
          Đàn chim ríu rít theo đuổi bình minh
          Lẽo đẽo bờ sông anh theo đuổi em
          Và bài ngợi ca Châu Đốc:
          Đêm về ngó ngọn đèn cao Châu Đốc
          Dòng sông sâu biêng biếc trời xanh
          Nước trong mát ngọt thơm lành
          Thuyền lênh đênh chở hoàng hôn bỏ lại
          Tuổi trung niên dong buồm ra Đông Hải
          Màu hoa vàng xưa đã chết trên ngàn
          Câu điệu lý như mây quờ bóng trăng
          Hồn ta chất ngất tình quê núi
          Ngó đỉnh Thất Sơn vòi vọi
          Đất lành chim đậu cành cây
          Miền Viễn Tây nghi ngút sương bay
          Trời với đất không còn phân ranh giới
          Bờ với cõi viên dung giềng mối
          Ta và em hiệp một trong nhau
          Càn khôn phôi dựng xuân đầu
          Em về mắt biếc nguyên màu biển xưa
          Gót sen cỏ rộng đong đưa
          Cành chim lá gió hai bờ ngửa ngang
          Lục bình man mác Phương Nam
          Thuyền qua Châu Đốc lộng tràng giang em
          Bàn tay thon lá cỏ mềm
          Hiển hoa trăng ngọc lộ nguyên Nguyệt Hằng.
          (Châu Đốc Quý Sửu 10/1973) (8)



          Trở lại bến đò Năng Gù, mới bạn về thăm Châu Đốc với biết bao cảnh đẹp. Nhưng có lẽ từ trên bờ sông Châu Đốc được cẩn bằng những thềm đá xanh cao vòi vọi mà dòng nước tháng Giêng thăm thẳm dưới xa kia cho bạn nhận ra lời ví trong ca dao gần gũi bạn hơn: “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc…”


          Đường xuống dốc bên hông lăng Thoại Ngọc Hầu
          (Châu Đốc, An Giang)


          Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc)
          (Nguồn: Hình do ĐD& LT chụp năm 2005, TSCĐ)

          Chợ Châu Đốc thời xa xưa có đặc điểm là chuối thường để nguyên quầy, không cắt ra từng nải một và dù ban đêm nhưng chuối vẫn treo đầy trong các sạp, không cần phải dọn dẹp và sáng hôm sau lại bán tiếp tục mà không bị mất cắp. Dĩ nhiên bạn nên mua vài keo mắm thái, mắm trèn ngon ơi là ngon để làm quà cho bạn bè. Tại đây bạn có thể đi thăm Bồ Đề Đạo Tràng ngay trong thị xã, thăm Núi Sam với thánh miếu Bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An. Nhưng với Châu Đốc, có lẽ cũng xin nhắc cùng bạn nơi vùng đất thuộc An Giang này có những mùa nước lên ngập lút các đường phố vào những năm 1960, 1961 qua một vài tấm hình nước ngập tràn bờ bên cạnh như một dấu tích một thời. Bạn đừng ngại, ngày xưa vùng An Giang này hằng năm nước đều lên như vậy, và nhờ nước lên đồng ruộng mới được bồi đấp phù sa mà xanh tốt, cá tôm trên sông trên đồng mới hè nhau làm vui bụng dân nghèo sống bằng nghề câu lưới tới mãn mùa…


          Công viên Châu Đốc ngập lụt năm 1961(Nguồn: TSCĐ)


          Đường Bạch Đằng (Châu Đốc) mùa nước lụt năm 1961.
          (Nguồn:TSCĐ)


          Thị xã Châu Đốc mùa nước lụt năm 1961 (Nguồn: TSCĐ)

          Nếu bạn theo con đường liên tỉnh lộ dọc con kinh Vĩnh Tế để về thăm Ba Chúc mà từ những năm xa xưa cách nay hơn năm mươi năm chúng tôi đã đến vùng này vào lúc Ba Chúc bắt đầu được khai mở làm thành “khu trù mật”. Rặng núi nằm chắn một vòng thật dài như một thành lũy ngăn bước gây hấn của quân Miên có tên là Bảy Núi in hình lên nền trời thật hùng vĩ. Chúng tôi không có dịp đi hết qua các ngọn núi này nhưng ông bà xưa có kể tên các ngọn “Thất Sơn” này như sau, xin ghi lại cho bạn: Núi Két, Núi Cấm, Núi Bà Đội Om, Núi Voi, Núi Dài, Núi Cô Tô, và Phụng Hoàng Sơn.


          Đường vô núi Sam (Châu Đốc) ngày xưa. (Nguồn: TSCĐ)

          Việc đặt tên các núi, ông cha xưa thường căn cứ vào hình dáng ngọn núi mà đặt tên, nên mới có những tên núi như những hình ảnh vừa kể mà ai ai cũng nhận ra được. Thất Sơn là một vùng với nhiều giai thoại huyền bí nhưng có lẽ những người Việt bị giặc Miên giết chết năm Pôn Pốt tràn qua còn để lại nhiều sọ người chất cao như núi tại một ngôi chùa là một trong những niềm đau xót mà chúng ta cần chia sẻ. Xin các bạn dành một phút để mặc niệm những oan hồn của đồng bào xấu số chết tức tưởi nơi vùng biên cương này khi đất nước quá nhiễu nhương!

          Tại bến đò Châu Giang, ngày xưa ấy, bạn sẽ bắt gặp các cô học trò đi học bằng đò chèo qua sông giữa sông nước mênh mông. Những bông hoa biết nói ấy ngày nay có lẽ tuổi đời đã chồng chất nhiều rồi nhưng họ đã có một thời làm nên nét đẹp vùng châu thổ ấy, tuyệt diệu biết dường nào!

          Rồi qua vài con rạch nhỏ, không đi học bằng đò, các cô nữ sinh ngày xưa với tà áo dài trắng thanh khiết, thướt tha, họ bước chân lên những nhịp cầu tre lắc lẻo mà tâm hồn thiếu nữ man mác trữ tình. Cầu khỉ và bóng dáng nữ sinh một thời áo trắng làm bức tranh quê vùng An Giang thêm đẹp lạ kỳ! Phải thế không bạn?



          Cầu khỉ An Giang

          Nếu bạn đi thêm mười bảy cây số về hướng Đông, bạn sẽ gặp một thị trấn tơ tằm và buôn bán phồn thịnh nằm bên bờ sông Tiền: Chợ Tân Châu. Tân Châu nổi tiếng với hàng lãnh Mỹ-A, hang Cẩm-Tự đen tuyền nhuộm bằng trái mặc nưa, một loại hàng thông dụng khắp từ miền Lục Tỉnh đến Sài Gòn và cả miền Trung. Dòng sông Cửu Long nước chảy xiết, rộng thênh thang. Xa xa bạn sẽ nhìn thấy những tàu buôn ngoại quốc đang buông neo sừng sững ngoài khơi như những cù lao, cồn cát. Vì là con đường giao thương qua lại quốc tế, nên Tân Châu như một thương cảng vùng nội địa của An Giang khi tàu buôn dừng lại. Do đó có những mặt hàng ngoại quốc ở Tân Châu tràn ngập mà các nơi khác không có nên càng thu hút nhiều người buôn bán từ các nơi khác đổ xô về làm cho chợ Tân Châu lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhưng “tang điền biến vi thương hải” vì dòng nước chảy xiết, cả con đường Bạch Đằng với khu chợ náo nhiệt ngày nào đã bị chìm theo dòng nước cuốn trôi mất hút từ lâu rồi. Giờ chỉ còn một khu hoang vắng ngậm ngùi, những căn phố, những viên đá xanh lót đường ngày nào thăm thẳm chìm vào lòng sông vô định qua từng mùa nước dâng, nước cạn.… Khu chợ Tân Châu mới thì dời về sân banh còn buồn xo như chưa kịp lay hồn tỉnh dậy.… Rồi vàm kinh Vĩnh An Hà ngày xưa sâu là thế mà ngày nay vàm kinh cũ cũng đâu rồi một thuở đầy tràn những mùa nước kinh xưa?


          Vàm kinh Vĩnh An Hà (Tân Châu- An Giang)
          những ngày chưa bị lấp

          Chợt nhớ mấy câu thơ của cụ Tú Xương:

          Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
          Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!


          Về Tân Châu bạn sẽ gặp những bè cá trên sông, những con cá he nghệ vàng nghín, cá ba sa đầy mỡ. Xuống Long Sơn, trên con đường đi về Hòa Hảo, bạn sẽ vui với mùa nhãn chín thơm đầy vườn bên tiếng chim gọi nhau líu lo xào xạc, nhớ câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ Vườn Xưa đầy tình tự:

          Hai ta như sen mùa Hạ, cúc mùa Thu,
          Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn,
          Em theo chim em đi về tháng Tám,
          Anh theo chim cùng với tháng Ba qua.



          Nhưng có lẽ cũng xin mời bạn đọc bài thơ của Nguyễn Hải Thệ (còn có bút danh Ngy Do Thái), nhà thi sĩ vùng Long Sơn (Tân Châu), viết về bến nước Tân Châu:



          Sáng ra hỏi thăm dòng sông Trước
          Ngó lên Nam Vang trùng trùng sóng nước
          Bến Tân Châu bụi nắng long lanh
          Trăm chiếc lá non rung rinh đầu cành
          Ta mở lòng ra với trời xanh biếc
          Hít thở không khí căng đầy lồng ngực
          Đàn chim ríu rít theo đuổi bình minh
          Lẽo đẽo bờ sông anh theo đuổi em

          Và bài ngợi ca Châu Đốc:

          Đêm về ngó ngọn đèn cao Châu Đốc
          Dòng sông sau biêng biếc trời xanh
          Nước trong mát ngọt thơm lành
          Thuyền lênh đênh chở hoàng hôn bỏ lại
          Tuổi trung niên dong bườm ra Đông Hải
          Màu hoa vàng xưa đã chết trên ngàn
          Câu điệu lý như mây quờ bóng trăng
          Hồn ta chất ngất tình quê núi
          Ngó đỉnh Thất Sơn vòi vọi
          Đất lành chim đậu cành cây
          Miền Viễn Tây nghi ngút sương bay
          Trời với đất không còn phân ranh giới
          Bờ với cõi viên dung giềng mối
          Ta và em hiệp một trong nhau
          Càn khôn phôi dựng xuân đầu
          Em về mắt biếc nguyên màu biển xưa
          Gót sen cỏ rộng đong đưa
          Cành chim lá gió hai bờ ngửa ngang
          Lục bình man mát Phương Nam
          Thuyền qua Châu đốc lộng tràng giang em
          Bàn tay thon lá cỏ mềm
          Hiển hoa trăng ngọc lộ nguyên Nguyệt Hằng.
          (Châu Đốc Quý Sửu 10/1973) (8)

          Tân Châu còn là rừng mía chạy mút tầm mắt, những vạt mía thơm diệu, mía tây, mía huê kỳ, mía cọ cho nhiều đường ngọt lịm…

          Trước khi bạn trở lại Sài Gòn hoặc về miền Cần Thơ, Cà Mau, xin mời bạn trở lại thăm hai vùng thân quen một thời của An Giang ngày xưa, giờ đã thuộc về hai tỉnh khác. Đó là Thốt Nốt thuộc Cần Thơ và Lấp Vò thuộc Cao Lãnh (Đồng Tháp). Giống như hai đứa con gái mẹ cha phải gả đi xa, cư dân Lấp Vò và Thốt Nốt luôn nhớ về An Giang không muốn rời căn nhà thân yêu cũ. Cực chẳng đã, phải dính líu đến giấy tờ hành chánh, nhưng kỳ dư mọi giao dịch, mua bán, thăm viếng họ đều gần gũi với An Giang hơn nhiều và lúc nào cũng tha thiết. Thốt Nốt cũng giàu có với lúa, với vườn và tháng mưa, lúa hột phơi đầy trên con lộ số 9 về hướng Cần Thơ mà mỗi lần xe chạy qua nghe rào rào dưới lườn xe vùn vụt. Còn Lấp Vò thì có nhiều trăn trở, đau buốt riêng của nó so với các nơi khác ở quanh vùng này. Bạn có tưởng tượng trong nhà lồng chợ Lấp Vò, thời thuộc Pháp, nhiều người bị Tây bắt chặt đầu, xác thả trôi sông và lấy đầu treo đầy cây tre trong nhà lồng chợ . Ngày xưa, nghe ông già bà cả kể, nơi chợ quận này có thằng Tây ác dữ lắm, biết bao gia đình là nạn nhân của nó, bị chặt đầu mà kinh hồn.



          Ngã ba vàm Tân Bình và Xáng Lớn (Lấp Vò, Sa Đéc)

          Nếu bạn qua sông bằng con đò chèo nơi bến đò Chợ Cũ để về Cái Tàu hoặc bạn bắt đầu rẽ tay mặt nơi có ngôi nhà xưa của anh Sáu Louis chuyên chụp hình rất đẹp nằm cạnh bến đò vào những năm 1950-1960 để về làng Tân Bình, Bồ Hút, Gia Vàm, Thủ Ô, lúc bấy giờ nơi bến sông này có ông Tú Thường mưa nắng bao mùa chèo đò đưa rước khách sang sông và bạn bồi hồi nhớ lại câu ca vọng cổ ngày nào và nhớ về một kiếp người lăn lóc cùng sông nước qua bao mùa mưa nắng:

          Còn nước mơ màng mây vẩn vơ
          Thì còn ông lão với con đò
          Có tiền mua lấy vài chai rượu
          Nhắp rượu xong rồi lão nói thơ



          Thơ Vân Tiên

          Linh đinh trời rộng sông dài
          Đò ngang một chiếc lần hồi sớm trưa
          Chiều rồi nghỉ một chuyến mưa
          Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
          Cơm ngày hai bữa cầu no
          Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viển vông
          Đời này có cũng như không
          Sớm còn tối mất bận lòng mà chi

          Nói lối:

          Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão …

          1. … đưa đò. Sông nước miền quê như say theo tiếng hát câu hò. Trên con thuyền cũ kỹ ai muốn sang bến sông này lão đưa rước giùm cho, tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai bữa mà thôi, bởi lão đây yêu quý con đò như thiên hạ họ yêu một người tình lý tưởng …(9)

          Và rồi bạn chợt nghe một điệu hò quen thuộc của ông lão chèo đò mà như tiếng vọng từ trái tim mình:

          Hò ơ…
          Nước giữa dòng có khi trong khi đục
          Người ở đời có lúc nhục lúc vinh
          Gẫm ai vô sự như mình
          Đò ngang một chuyến
          Hò hơ …
          Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa .(10)

          Tiếp tục, xin được mời bạn đi theo con đường lộ đá cũ lồi lõm này, bạn sẽ về Cái Tàu Thượng, Tòng Sơn nơi sanh quán của Đức Phật Thầy Tây An. Ngôi chùa Tòng Sơn bên dòng sông Cửu Long, cách Cái Tàu Thượng vài ba cây số về hướng Đất Sét Nhỏ, là một ngôi cổ tự mà nhiều thập phương bá tánh về đây hành hương, cầu nguyện Phật Thầy. Nhưng có lẽ bạn sẽ qua rạch Xẽo Môn, nơi ngày xưa trồng khoai môn nổi tiếng vùng này, nơi mà Phật Thầy trị bịnh, cứu nhơn độ thế làm cho nhiều người khỏi chết vì bịnh dịch vào những năm đói khổ, dịch bệnh. Dọc theo con hương lộ đá từ Mương Kinh về Cái Tàu Thượng những vườn trầu vàng, lá trầu non mượt, rải rác khắp một vùng làng quê lao xao theo cơn gió hiu hiu. Bạn sẽ gặp những cô thôn nữ hái trầu đem bán những phiên chợ quận với đôi má hây hây, tình tứ mà trầm trồ và buộc lòng bạn nhớ lại câu ca dao quen miệng mà giật mình:

          Trồng trầu thì phải khai mương,
          Làm trai hai vợ, phải thương cho đồng.



          An Giang quá rộng, nhiều nét đặc thù, nhiều con đường còn xa khuất mà tôi vì tài hèn sức mọn không làm sao ghi lại đầy đủ, trọn vẹn hết được. Tôi chỉ là người mê nét đẹp thiên nhiên và con người của An Giang, tôi muốn xin được chia sẻ cùng bạn những gì tôi đã cảm nhận được qua năm sáu mươi năm lớn lên từ vùng đất An Giang ấy. Suốt hai mươi năm chiến tranh, An Giang so với nhiều vùng khác là một vùng yên bình; có người còn gọi An Giang là đất Phật, là Thánh địa; nhưng với riêng tôi, dù hôm nay An Giang có nhiều thay đổi, chẳng hạn như dòng sông Cửu Long bị ngăn dòng bởi các đập thuỷ điện nơi các nước thượng nguồn nên nước sông càng ngày càng cạn hơn, từ đó kéo theo cá tôm khan hiếm hơn, đồng lúa đất đai ít khi được phù sa bồi thêm sau mỗi mùa lúa thần nông ngắn ngày kết thúc, thì trong lòng tôi, hình ảnh một An Giang những ngày tháng cũ cách nay năm sáu mươi năm quả thật là một vùng cổ tích tuyệt diệu ở phương Nam này.

          Có lẽ An Giang là xứ sở của cổ tích, của huyền thoại thật sự của vùng đồng bằng thuộc hạ lưu sông Cửu Long, mà bạn khó bắt gặp bất cứ nơi nào khác có những nét đặc thù tương tự vào những ngày tháng cũ. Nhờ hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhơn hòa, An Giang có một thời đã mang tặng cho bạn cái nét đẹp của những cánh đồng lúa mùa bao la bát ngát với những biển lúa chín vàng đồng, những bến nước hữu tình, những giòng sông đầy cá tôm, những vườn cây ăn trái ngào ngạt hoa thơm trái chín và một tấm lòng hiếu khách, hiền hòa, chơn chất của cư dân dọc hai bên bờ dòng An Giang mát mẻ, ngọt ngào, quả từ rất lâu, từ những năm tháng cách nay hơn năm sáu mươi năm, An Giang đã mang đến cho bạn một món quà rất đẹp và nhiều ý nghĩa rồi vậy!
          Last edited by viet11; 01-06-2012, 10:23 AM.
          Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
          Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
          ............



          Can't Live Without...hehe...


          Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

          Comment


          • #35
            Tâm sự loài cá thác lác còm trong hồ kiếng

            Bây giờ là tháng năm. Bên ngoài có lẽ tiết trời đang đổi mùa. Những cơn bão tuyết hồi chúng tôi ở vùng Rhode Island mới về đây, nay không còn nữa. Gió lùa qua cửa sổ nhà ông Hai, chúng tôi nghe hơi nóng ùa theo làm cho bên trong phòng khách như nực nội thêm. Và nước trong hồ nơi chúng tôi ngụp lặn ròng rã mấy tháng nay cũng đang dần dần ấm lại hơn mọi khi. Thấm thoát mà quá nhanh! Mới đó mà ông Hai đã đem hai chị em cá thác còm chúng tôi về nuôi dưỡng cũng đã gần nửa năm rồi, chứ ít ỏi gì! Nửa năm với cái hồ rộng gần ba mươi “ga-lông” như hôm trước chúng tôi có thưa với bạn, kể cũng là tiên một cõi giữa xứ lạ quê người này rồi!



            Lương Thư Trung


            Vẫn ngày hai luợt ông Hai cho chị em cá thác còm chúng tôi mỗi đứa vài con cá mồi bằng ngón tay út. Ăn lấy sống mà chứ đâu phải sống để chỉ cần ăn thôi đâu, phải không bạn? Nhưng có cái thích thú là khi ông Hai thả vài con cá mồi vào, chúng tôi đứa nào cũng hí hửng mừng lắm. Sống trong hồ nước mà, ba bên bốn bề là một vòng thành bằng kiếng, có kiếm tìm được miếng ăn nào ngoài miếng ăn bố thí của người chủ già nua của mình. Nhưng có điều chúng tôi muốn tâm tình thêm với bạn là cách ăn mồi chạy như vậy có cái thú vị của nó. Con mồi lội lòng vòng như điếng hồn khi gặp chị em tôi lội lòng vòng theo vách hồ. Hiểu được cái lo lắng của những con cá nhỏ, nhưng biết làm sao hơn khi chúng tôi không tìm được thứ gì khác ngoài mớ đá trứng nằm sâu dưới đáy hồ cùng vài ba bụi rong đuôi chồn, cùng vài ba bụi bông súng vừa bén rễ với những cọng non nhỏ rứt như sợi chỉ mành treo chiếc lá mỏng bằng đồng tiền. Và chúng tôi theo bản năng sinh tồn cứ hả miệng nuốt chửng con cá nhỏ lờ khờ. Cái miệng cá thác lác còm mở lớn, chúng tôi ngậm con mồi gọn lỏn với cái đuôi ngoắt qua ngoắt lại thong dong. Và chúng tôi núp mình dưới một bụi rong đuôi chồn chăm rễ dưới lớp đá trứng xanh biếc để nghe cái bao tử no dần, no dần… Riêng về điều này thôi, cái điều “cá lớn ăn cá nhỏ” như cửa miệng người đời thường nói, vậy mà khi chúng tôi vô tới cái hồ kiếng rồi cũng không tránh khỏi. Chị em tôi nghe bà Hai tâm sự với ông Hai:

            - Ông ơi, đừng cho cá thác lác ăn cá nhỏ nữa. Tội lắm!

            Nghe bà Hai nói vậy, chị em tôi cũng phát rầu. Chuyến này chắc có thay đổi, nhưng chúng tôi không lượng định được sự đổi thay sẽ tới mức nào. Vì nghe ra, bà Hai hiền lắm nhưng bà cũng quyết liệt can ngăn ông Hai trong việc bắt loài cá nhỏ chết cho cá lớn sống phè phỡn, nhởn nhơ giữa vùng nước trong leo lẻo…

            Ngồi suy nghĩ một hồi, ông Hai mới trả lời vợ:

            - Bà nghĩ coi, hồi đời trước, cá thác lác còm chỉ ăn tép rong thôi. Bây giờ sang đây rồi, người ta tập cho nó ăn cá con quen rồi, làm sao mà sửa lại cho được. Tui cũng biết chuyện tội phước lắm chứ! Nhưng nuôi cá mà bỏ đói nó chắc còn tội cũng không thua gì. Nói thì vậy, để từ từ rồi tui tính lại coi!Nghe ông Hai nói chuyện với bà Hai chúng tôi lại đâm ra lo âu lắm. Và không biết ông Hai tính bằng cách nào đây! Thế rồi, một ngày kia, khi có người bạn vong niên của ông Hai đến chơi, ông Hai mới hỏi:

            - Hồi nào tới giờ chú em có nghe ai kể chuyện người ăn thịt người không?

            Người bạn nhỏ của ông Hai đáp:

            - Dạ, thưa chưa nghe ông Hai. Điều đó có thiệt sao ông Hai?

            Ông Hai mới từ từ kể lại câu chuyện Cấp Ảm, tự là Trương Nhụ, người Bộc Dương; tổ tiên có người sủng thần của Vệ quân ngày xưa. Hiếu Cảnh Đế băng, thái tử lên ngôi, Cấp Ảm được làm Yết Giả. Một hôm quận Hà Nội cháy, lửa lan ra thiêu rụi mất hơn ngàn nóc nhà, vua sai Cấp Ảm đi quan sát. Tới khi về lại báo cáo rằng :

            “- Vô ý cháy nhà, cháy lan hàng xóm, can gì phải lo. Thần đi qua quận Hà Nam, hơn một vạn gia đình nghèo khó của quận này bị nạn lụt và hạn hán, có gia đình cha con ăn thịt nhau, thần đã kính cẩn tự tiện lấy danh nghĩa là sứ giả của Thiên tử mà xuất thóc của kho quận Hà Nam, phát chẩn cho đám dân nghèo đói. Thần xin nộp lại phù tiết mà chịu cái tội đã “kiểu mệnh” (giả mệnh lệnh vua).

            Vua khen và tha không bắt tội, đổi đi làm quan lệnh huyện Vinh Dương. Cấp Ảm cho việc làm quan lệnh là điều sỉ nhục, nên cáo bệnh về quê. Vua hay tin ấy, vời Cấp Ảm, bổ làm trung đại phu.”(1)

            Nghe xong, người bạn vong niên của ông Hai có vẻ trầm tư lắm về câu chuyện Cấp Ảm trong Sử Ký Tư Mã Thiên. Rồi ông Hai mới mang chuyện cá ăn thịt cá ra kể cho người bạn nhỏ nghe. Nghe xong, người bạn vong niên của ông Hai không dám đưa ra ý kiến gì vì nhiều lẽ. Trước nhất là vì chỗ thân tình, mà ý kiến của bà Hai cũng đúng lắm. Nuôi con cá này mà bắt con cá kia làm mồi thì chỉ là cái điều bất nhân. Còn nuôi cá mà không cho nó ăn, bỏ đói bỏ khát lại là điều quá bất nhẫn. Ngồi suy nghĩ một hồi, người bạn nhỏ của ông Hai mới nói:

            - Đâu, ông Hai tính lại coi cách nào hợp với trời đất cứ theo đó mà làm, miễn thế nào cá nuôi không bị đói mà cá nhỏ cũng không bị chết oan là cách hợp lý nhất.

            Với đôi hố mắt sâu muôn thuở, ông Hai nhìn chúng tôi một chặp lâu rồi mới nói:

            - Để tui thử tập cho nó ăn tép xem sao. Chứ bây giờ bỏ mồi ngang xương, có nước hai con cá thác lác còm này có ngày sẽ tiêu đời!

            Nằm chèo queo một góc hồ, chị em chúng tôi nghe ông Hai nói vậy cũng đang lo. Lo vì không biết tép ở đây làm sao ông Hai kiếm được. Lại nữa, chúng tôi lo vì lâu quá không ai cho mình ăn tép, không biết mùi tép có tanh không? Hiểu được cái lo đó, ông Hai từ từ giảm lần cá mồi. Thay vì mỗi ngày hai con, nay ông Hai cho chúng tôi mỗi đứa một con duy nhất. Lần hồi, vài bữa sau, ông Hai cho thêm một miếng tép nhỏ đông lạnh. Nói là tép, nhưng ở đây sao nó lớn lắm. Ở bên sông Cửu Long mình và trên các rạch ngòi các giống tép rong, tép đất, tép bạc con nào con nấy nhỏ xíu hà. Thành ra, một con tép ở đây cắt ra được năm bảy miếng mồi tùy theo lớn nhỏ khác nhau. Vì bụng chưa no do mồi cá bớt lại, nên chị em thác lác còm chúng tôi nhắm nháp thử miếng tép ông Hai xắt mỏng cũng tàm tạm nhưng chưa mạnh miệng lắm.


            Cá thác lác còm (Clown Knife).

            Chuyện đời nghĩ cũng ngộ, hồi còn lang bạt kỳ hồ khắp các vùng sông nước tận miệt quê mùa, món gì ăn cũng ngon miệng. Nhưng có điều là lúc bấy giờ mình phải tự tìm kiếm thức ăn, chứ không như bây giờ mỗi ngày đều được ông Hai cung phụng đầy đủ ngày hai bữa ròng rã mấy tháng trường. Mà việc tự tìm kiếm miếng ăn là việc cực chứ có đâu như ông vua Cỏ hồi đời xửa đời xưa chỉ nằm đó chờ cho sung rụng ngay vô miệng, chờ cho cỏ bò tới bên ngai vàng rồi mới bắt đầu nhởn nhơ thưởng thức vị chua ngọt của mọi vật ở đời. Không biết có phải nhờ vậy mà mình ăn ngon chăng? Còn bây giờ, suốt ngày lội lòng vòng quanh hồ rồi tới cữ lại được ăn, nên đâm ra õng ẹo, khen chê miếng ngon miếng dở, mồi này mồi nọ, làm khổ thêm tấm thân già của ông Hai hơi bộn bộn.


            Hai chị em thác lác còm chúng tôi dựa vách mà nghe hai người lớn tuổi nói chuyện, nhiều khi không hiểu hết điều gì còn ẩn tàng trong câu nói của hai người. Nhưng có điều chắc chắn rằng lươn không phải là
            cá và cá không phải là lươn, nên cuộc sống chung giữa lươn và cá không biết có trục trặc gì hông, chỉ có mấy chị cá thác còm ở nhà người bạn trẻ mới biết được; ngoài ra, mọi bàn bạc về điều này đều vô nghĩa, chỉ là bàn trớt mà thôi vì mình cũng chưa lâm trận như vậy.

            Dường như trong căn phòng nhỏ của ông Hai qua mấy tháng nay, chúng tôi nhận ra không có gì thay đổi nhiều ngoài cái việc bên hồ cá sặt có thêm một cặp cá sặt bướm ông Hai mới mua về cũng từ Rhode Island. Tính ra có tất cả là bốn cặp cá sặt với bốn sắc màu khác nhau, không cặp nào giống với cặp nào. Từ bên này hồ nhìn sang bên kia hồ cá sặt với ba bụi bông súng xum xuê lá một màu xanh biêng biếc, chúng tôi nghe ông Hai nhắc lại với bà Hai những ngày tát vũng, tát mương ở dưới ruộng. Cá sặt muôn trùng, đủ loại, biết làm gì cho hết ngoài ba cái mắm, cái khô. Nào sặt rằn, sặt bướm, sặt điệp không thiếu loại nào nhưng bản tính cá sặt lại hiền không cắn mổ gì nhau và đặc biệt với cái miệng nhỏ, cá sặt không ăn câu như cá thác lác còm hay các loài cá khác. Mỗi một kỷ niệm qua đi của những ngày bắt từng rổ cá sặt trên lung, trên đìa về làm mắm làm khô là mỗi một vết hằn in đậm lên vầng trán lấm chấm đồi mồi của người chủ già nua… Và chúng tôi chợt hiểu được vì sao ông Hai lúc nào cũng muốn giữ lại mãi những ngày nắng sớm mưa chiều qua một đoạn đời cơ hàn cơm rau dưa mắm như vậy, không rời…

            Bên hồ cá chép màu vàng, kế bên hông hồ cá chúng tôi, đàn cá chép dường như hớn hở lắm. Lúc nào các bạn ấy cũng lội tung tăng trên mặt nước như đang thi nhau vượt vũ môn bên chiếc tàu “Titanic” lắc lư theo dòng nước đang chảy róc rách quanh hồ. Mấy hôm nay ông Hai có thả thêm hai con cá he nghệ màu vẩy bạc với kỳ trên có một chấm đen trên nền màu vàng. Hôm mang hai con cá này về thả vào hồ cá chép, ông Hai kể cho bà Hai là hồi má ông còn sống, má ông có một cái thú vui là vào những ngày tản cư bà rất thích câu cá he trên sông. Má ông chỉ ngồi trước mũi ghe tam bản với cái cần câu bằng ngọn trúc, nhợ câu bằng dây gân, lưỡi câu không có ngạnh được uốn bằng cây kim may vá áo quần, loại kim đít vàng và mồi câu cá he là một hột cườm màu đỏ được luồn vào lưỡi câu rồi dùng dây chỉ buộc lại cho chặt để hột cườm không bị tuột ra. Và thêm một dùa cám rang cho vàng thơm phưng phức. Chỉ chừng ấy thôi, má ông Hai vừa ném một nhúm cám xuống dòng nước trong, cám theo nước trôi đi mang theo hương thơm của cám rang béo ngậy mời gọi những bầy cá he, cá thiểu, cá lòng tong quần tụ về trước mũi ghe tam bản. Và má ông Hai tay cầm cần câu với mồi hột cườm gắn sẵn mà vụt nhợ câu rồi giựt lên đều đều, liên tục như người nhạc trưởng điều khiển một ban nhạc đại hòa tấu. Cứ thế cá he, cá thiểu, cá lòng tong cứ mắc vào lưỡi câu và có cái rổ để sẵn ở bên cạnh, má ông Hai chỉ cần cho cá ngay vào cái rổ là tự động cá vùng vằng rồi xứt ra, khỏi phải gỡ cá như nhiều cách câu khác . Hết con cá này nuốt hột cườm rồi lại con cá khác nuốt hột cườm, cứ thế hột cườm thì chỉ có một miếng mồi còn nguyên mà trong rổ cả một bầy cá he, cá thiểu đang nằm khô vẫy. Nhưng cũng lạ là bầy cá he, cá thiểu dưới dòng nước trong vẫn cứ tụ hội về theo mùi thơm của cám rang vàng nghính để tiếp tục nuốt vội cái hột cườm màu đỏ tươi khô cứng trong lưỡi câu cũng nhỏ xíu như một trò giỡn chơi… Những năm tháng chạy giặc xa nhà như vậy, những con cá he má ông Hai câu được làm thành những bữa cơm ngon cho đàn con dại mà cũng khuây khỏa được chút nào lo buồn vì thời cuộc giặc giã lung tung phải bỏ nhà trống vườn hoang mà chạy lấy cái sống…

            Nhưng có lẽ, hơn một lần ông Hai kể lại cho bà Hai nghe hồi còn nhỏ, sống ở nhà quê vùng làng Tân Bình, ông thường theo tía ông chận hầm, xúc ụ để bắt những chú cá he về nuôi ở một cái hồ dài như con rạch nhỏ phía sau vườn cam quít. Cái ụ nhỏ hình tròn như bồ lúa với cái cửa bề ngang khoảng hai thước được chận lại bằng cái tấm liếp tre cao khỏi mặt nước. Mỗi khi nhử cá vào ụ, tấm liếp tre này được giở hỏng lên khỏi mặt nước với cái ngọn tầm vông dài có đến ba bốn thước được đặt trên cái nạng cắm ngay giữa miệng ụ. Mồi nhử cá là cám rang thơm phức được rải đều trong ụ được bao bọc bởi một cái vòng tròn làm bằng cọng tàu lá chuối giữ cho cám khỏi trôi giạt ra bên ngoài, nhằm dụ cá vào trọn trong ụ. Đến khi theo dõi thấy cá vô ụ khá đông, tía ông Hai bèn rút cái ngọn tầm vông để tấm liếp tre sập xuống và chận cá đang mê mồi mắc kẹt trong ụ. Và lúc bấy giờ tía ông Hai mới dùng cái xịa tròn bằng cái nia hay cái rổ xúc mà xúc lấy cá. Những con cá he nghệ, cá mè vinh, cá vảnh, cá éc, cá mè lúi là những loại cá được chọn lựa để thả vào một cái hào rộng để nuôi cho lớn. Chính vì vậy mà hồi xưa nhà ông Hai lúc nào cũng có một ao cá he nghệ lên dọi vàng rực một màu vàng dưới làn nước trong veo bốn mùa. Và chị em tôi hiểu được phần nào khi nhận ra ông Hai cưng hai con cá he nghệ này coi mòi dữ lắm. Thế mới hay câu nói của một cô giáo trường làng nói sao mà có nghĩa quá chừng: “Dĩ vãng là một hồ sơ được xếp lại, nhưng khi mình mở ra nó lại mới ràng ràng”. Niềm thương nhớ nào mà không mới khi mình lại chợt nhớ lại một đoạn đời cũ qua rồi mấy mươi năm !

            Chiều nay, một buổi chiều mùa Xuân nơi này mà nhiệt độ còn quá thấp. Có lẽ tiết trời bên ngoài khá lạnh nên hồ nước mà bọn tôi đang ở đang lạnh dần. Ông Hai vừa mở thêm một chút “hít” điện. Ánh lửa vừa nhấp nháy bật lên một tia sáng nhỏ nhoi treo lưng chừng nơi góc hồ. Chúng tôi lội vòng qua chỗ ánh sáng vừa mới lóe lên xem có gì lạ xuất hiện. Đến bên cạnh ngọn lửa sưởi, chị em tôi nghe nước ấm lại như mọi ngày, nên đứa nào cũng mừng lắm…Tiếng chuông ngoài cửa vừa bấm nhẹ. Tiếng mở cửa cũng nhẹ như hơi gió chạm vào vách lá. Và người bạn trẻ lại ghé thăm ông Hai chơi, mà chủ yếu là uống trà và nói chuyện cá mú cho vui nữa. Ngồi vào cái ghế như mọi khi, người bạn trẻ hỏi: Ông Hai có khoẻ hông? Tiếng ông Hai trả lời nhỏ xíu:

            - Lúc nào cũng rề rề, mà vẫn phải cày sâu cuốc bẫm, nên khỏe hết nổi.

            Chị em tôi thấy khách lại nhà nên đứa nào cũng luống cuống, lội lòng vòng rồi vào núp bên những gốc chà màu rêu xanh đậm. Bà Hai mang ra bình trà nóng và hai cái chung uống trà. Hai người bạn, một già một trẻ, rót cho nhau từng giọt nước trà xanh bốc hơi như chút tình bé nhỏ còn sót lại sau bao mùa tuyết qua rồi, cây cối lại xanh um nơi vùng đất lạ này. Nhìn chung quanh, người bạn trẻ thấy khung cảnh căn phòng không mấy thay đổi gì khác. Cũng vẫn cảnh cũ quen thân, cũng với hồ cá chép vàng tung tăng lội bên bụi rau sà lách son rỉa từng chiếc lá làm mồi, cũng với hồ cá sặt chờn vờn đòi ăn khi có bóng người đến gần, mà sao trong lòng người bạn trẻ thấy có điều gì hơi mới lạ. Thì ra, người bạn trẻ nhận ra chúng tôi thích dựa lưng vào những gốc cây màu tràm lục như căn nhà yên ấm lắm và cứ trầm trồ hoài về cảnh vật trong hồ cá thác lác còm. Bỗng người bạn trẻ lấy trong cái bóp nhỏ một con tem thơ in từ Việt Nam in hình hai con “cá còm”, mỗi con với chín chấm màu đen trên nền vẩy bạc, để ông Hai xem thử. Con tem thơ đề giá là ba ngàn đồng. Ông Hai trầm ngâm một hồi, nhấp giọng bằng một chút trà, rồi mới hỏi:

            - Bưu chính cũng biết đến cá thác lác còm nữa sao?Người bạn trẻ đặt chung trà xuống bàn rồi đáp:

            - Cá thác lác còm là loại cá được chú ý nhiều ở vùng này ông Hai à, nói gì ở bên mình.

            Nghe người bạn trẻ nói vậy, ông Hai nhìn cái hồ có ba chị em chúng tôi đang bơi lội, rồi đưa ra nhận xét về một luồng đang tìm về loài cá bổi:

            - Từ ngày có người nuôi cá thác lác còm như mình, các tiệm cá lại tìm loại cá này về bán khá nhiều và giá lại mắc như cắt cổ chứ không còn rẻ rề như mấy lúc trước nữa. Chú em có thấy vậy hông?Người bạn trẻ đáp:

            - Loài cá thác lác còm mà lên hình trên tem thơ rồi, thì giống cá này đâu còn là cá bổi nữa ông Hai!Chị em chúng tôi nghe người bạn vong niên của ông Hai nói vậy lại càng rầu. Chị em tôi rầu vì từ trong tên gọi, mình chẳng là gì rồi nói gì đến tên tuổi, tiếng tăm với đời. Người Trung Hoa gọi chúng tôi với cái tên “thất tinh ngư” là cá với bảy chấm đen in trên mình như bảy ngôi sao; người Mỹ gọi là “lưỡi dao thằng hề”; người Ai Lao gọi chúng tôi với cái tên ngồ ngộ là “ba thoi” có nghĩa là “chiếc lá”; người bình dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lại gọi “thác lác còm” để phân biệt với loài thác lác trắng không có chấm đen; còn bưu chính lại nghèo nàn hơn, gọi gọn lỏn là “cá còm”.

            Từ những tên gọi như vậy, bạn thấy mỗi nơi mỗi hình dung chúng tôi theo cách khác nhau, nhưng chung qui cũng chỉ là một tên gọi thật cục mịch, nghèo nàn. Nên chị em tôi hết sức rầu là vì mình sắp sửa bị mất dần cái gốc chính thống khi bị người đời đưa mình đi xa dần cái cội nguồn trên sông nước Cửu Long lúc nào không ai biết trước được. Xa con sông đã buồn tha thiết rồi, mà nay lại xa dần cái gốc cá bổi lại càng buồn hơn bội phần, chứ vui sướng gì những gió sớm mưa chiều… Ba chị em tôi nhìn nét mặt ông Hai hơi rầu rầu, nhưng đôi mắt vẫn sáng rực. Ông Hai mới chậm rãi nói:- Chuyện đời đâu phải ai cũng muốn người ta biết mình. Sống thầm lặng như một giống cá bổi này cũng đâu phải là “một chuyện dễ gì !” (*)Người bạn trẻ hiểu ra cái ý ông Hai, nên không còn nhắc đến một chút danh hão mà chúng tôi được gán ghép ngoài đời nữa. Chị em tôi hơi yên bụng khi câu chuyện giữa hai người không còn nhắc bàn đến số phận giống cá thác lác còm như một loài cá quí nữa.

            Bỗng dưng chúng tôi lại nhớ về những vạt lung đầy rong đuôi chồn pha lẫn nhiều loài rong trầm thủy khác, những ổ cá chìm sâu dưới làn nước ngọt hiền hòa, những căn nhà ấm cúng làm bằng những nhánh chà me nước đầy gai nơi các đầu doi đuôi vịnh mà chúng tôi biết bao lần nương náu qua những dặm trường. Không biết trong trời đất, ngoài ông Hai, có ai đã hiểu được rằng chúng tôi không bao giờ muốn xa cái gốc cá bổi này không ?!?Như để chia sẻ với người lớn tuổi hơn mình về cái gốc gác nhà quê, người bạn trẻ của ông Hai mời ông Hai thêm chút nước trà, rồi mới nói :

            - Chuyện cá, chuyện đời nghĩ cũng vui vui!

            Câu chuyện đến đây theo lẽ đã dừng lại rồi, nhưng thưa bạn, dòng đời còn trôi và thân phận mấy chị em chúng tôi còn mấy phen lênh đênh trôi nổi thêm nhiều bận nữa. Số là, sau đó, thời tiết thì quá khắc nghiệt bên ngoài nơi vùng Đông Bắc này mà trong hồ kiếng, chúng tôi mỗi ngày mỗi lớn và dĩ nhiên rồi, ba chị em chúng tôi ăn cũng hơi nhiều … Và dường như càng lớn chừng nào, loài cá thác lác còm chúng tôi ăn càng nhiều thêm, đã đành, nhưng chúng tôi có cái bịnh này cũng hơi ngặt là trong phần bài tiết, chúng tôi tiết ra nhiều chất nhớt khá tanh. Chất nhớt ấy lan tỏa mùi tanh nhiều lúc chúng tôi còn không chịu nổi nói gì người khác phải ngửi mãi mùi nước trong hồ tanh rình này. Ông Hai thương chúng tôi dữ lắm nên ông cứ thấy mùi tanh là ông lại thay nước trong hồ rồi khử thuốc an toàn cho cá mỗi tháng hai ba lần, riết rồi chúng tôi cũng ngại quá nhưng biết làm sao hơn khi đời sống mỗi loài có những nhu cầu riêng như vậy. Chúng tôi chỉ còn biết nằm nơi góc hồ dưới những bóng rong mà chờ giờ giấc đi qua mỗi ngày với những bữa ăn từ bàn tay gầy của ông chủ già nua của mình…

            Thế rồi, vào một buổi chiều nắng ấm, chúng tôi thấy ông Hai vớt chúng tôi ra một cái thùng lớn chứa đầy nước chừng vài chục lít, mà ở đây người ta hay dùng cách tính là năm hoặc sáu gallon gì đó chúng tôi không rành lắm. Ông Hai mới đem chúng tôi ra một tiệm bán cá cách đó khá xa và nói chuyện với ông Leo là người chủ tiệm. Thì ra, vì hết chịu nổi cảnh ăn cá con, cảnh ngửi mùi tanh của nhớt cá và nhứt là ông Hai sợ tội trong việc cá chậu chim lồng, ông có lần dự tính mang tôi về hồ Avon phóng sanh chúng tôi về với ao sâu hồ rộng giữa thiên nhiên muôn trùng nhưng ông chủ của chúng tôi lại lo chúng tôi không chịu nổi cái lạnh vào mùa đông nơi này nên ông không đành thả chúng tôi vào cái hồ giữa rừng nguyên sinh ấy. Nghĩ mà thương cho ông và cũng thương cho mình, nếu có bề gì chắc là chúng tôi sẽ chết trong những mùa tuyết giá ấy.

            Sau cuộc trò chuyện giữa ông Hai và chủ tiệm bán cá mà ông Hai quen mua mồi cho chúng tôi, chúng tôi được thả vô một cái hồ kiếng lớn thiệt là lớn và với chúng tôi là một bước dừng chân tới một nơi mới mẻ nữa. Xem chừng ông Hai còn bịn rịn ở lại nơi này với chúng tôi ít giờ nữa và ông ra về mà nghe như vừa làm một điều gì đó ngoài mong muốn và cũng vừa phải đắn đo suy nghĩ qua nhiều ngày. Thỉnh thoảng năm ba hôm, ba chị em chúng tôi thấy ông Hai trở lại một lần và đứng bên hồ chúng tôi đang ở và cứ đứng nhìn chúng tôi hoài như thầm nói một điều gì nhưng rồi ông Hai không nói gì. Chúng tôi thì ngày nào cũng vậy, cứ ở đây hoài chờ một cái gì đó sẽ tới với mình mà mình không biết nó sẽ tới như thế nào và không lúc nào chúng tôi quên được người chủ già nua của chúng tôi qua bao mùa mưa tuyết lạnh giá nơi này với những niềm thương mến kẻ lạc loài mà ông đã dành cho…

            Thôi thì chỉ còn biết xin cảm ơn ông Hai, cảm ơn đời và cảm ơn những tấm lòng bao dung độ lượng của những tâm hồn quê mùa chơn chất giữa trùng khơi lạc bước này vậy ….
            Last edited by viet11; 15-06-2012, 04:30 PM.
            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
            ............



            Can't Live Without...hehe...


            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

            Comment


            • #36
              Lương Thư Trung



              Mùa xoài rơi vào những ngày nắng Tháng Ba, kéo dài qua mùa mưa Tháng Tư và tháng 5 âm lịch, thì mùa cày bừa lại bắt đầu vào Tháng Hai, sau khi những cà lang lúa trên đồng vừa được trâu bò đạp xong và chuyển lúa hột về nhà. Những cánh đồng cò bay mỏi cánh, được bà con nhà quê châm ngọn lửa từ những chiếc đuốc lá dừa để chuẩn bị cho một mùa cày bừa mới.


              Khói đốt đồng

              Những ngọn lửa cháy lan từ miếng ruộng này đến miếng ruộng khác lan toả khắp đất trời mùi khói đốt đồng thơm thơm khó tả. Vào những năm đầu thập niên 40, 50, và lan qua thập niên 60, cả một vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lãnh, Lấp Vò, Ba Thê, Núi Sập, Thốt Nốt, Tân Hiệp... dường như cùng hè nhau vào mùa cày bừa cho kịp mùa sạ lúa tháng 4 âm lịch. Do vậy mà không ai hẹn ai cứ ở nhà, lo dọn đất để sẵn sàng vào mùa cày bừa.


              Những năm tháng ấy, mỗi nhà đều có nuôi vài đôi bò hoặc vài ba con trâu để dùng vào việc đồng áng. Trâu thì mạnh, nên khi kéo xe lúa hột hoặc cộ lúa bông để gom lại thành cà lang trong mùa cắt gặt, thì thường chỉ dùng một con là đủ sức kéo nổi một cộ lúa hay một xe lúa hột chừng 25 giạ. Nhưng khi cày hoặc bừa thì trâu và bò cùng được dùng như nhau, nghĩa là phải hai con mới kéo nổi cái cày hay bừa. Và dùng hai con cho một cái cày hay bừa cũng tránh được cái nạn luỡi cày làm đứt chưn trâu bò.


              Cây cày gồm ba phần là bắp cày, chuôi cày và gọng cày nối dài từ bắp cày chạy dài tới cái ách để gác lên đôi vai trâu bò. Cái ách phải được bào cho láng bóng để khỏi làm phồng da cổ bò trâu. Gọng cày không dài quá làm trâu bò dễ lộn ách, mà cũng không ngắn quá dễ làm trâu bò bị đứt chân, đứt gót, vì khi đi chưn bò trâu thường giơ lên cao nên dễ chạm vào lưỡi cày hay răng bừa. Bò trâu mà bị đứt chưn, đứt gót là bỏ mùa, dân làm ruộng sẽ gặp nhiều khốn đốn.


              Ngày xưa, cây mọc hoang còn nhiều, nhứt là những năm tản cư Tây trở về, vườn hoang nhà trống, nên lấy các loại cây mọc hoang lâu năm như bằng lăng, mù u mà làm bắp cày, chuôi cày, thân cày thì hết sẩy. Lưỡi cày phải dùng sắt hoặc thép để rèn, bản lớn, mũi nhọn và bén, uốn nghiêng để gắn vào bắp cày ở tư thế dễ làm xóc đất, vừa đủ lật lớp đất lên và lật úp lại cho cỏ bị đè và chết khô dần, mà không ăn xuống sâu lắm làm bò trâu kéo mệt và đuối sức. Trái lại, răng bừa thì có thể dùng hai loại bằng cây hoặc bằng sắt để làm răng. Bừa phá đất thì chỉ dùng răng suôn là được; nhưng nếu muốn bừa cho nát đất thì dùng răng muỗng. Và răng muỗng phải rèn bằng sắt chứ không dùng cây được. Dù răng bừa loại nào đi chăng nữa cũng không dài quá 20 cm, vì dài quá bò trâu kéo rất nặng, ngắn quá thì răng bừa không đủ sức làm bể vụn đất cày.


              Mùa cày bắt đầu với những luống “cày mở vạt”, tức là luống cày đầu tiên khởi đầu cho vụ cày miếng đất của mình. Tùy theo miếng ruộng lớn hay nhỏ mà “luống cày mở vạt” nên bắt đầu từ đâu trong miếng đất cho hợp lẽ. Luống cày mở vạt rất quan trọng về tâm lý và tính chơn chất của người làm ruộng. Tâm lý là khi mở vạt nhỏ, thấy miếng đất được chia nhỏ và cày ít ngán. Bạn thử tưởng tượng một người làm ruộng một mình với đôi bò, đôi trâu giữa cánh đồng nắng Tháng Hai, Tháng Ba cùng với miếng ruộng bao la bát ngát mà cày hoài không giáp đất, thì nỗi mệt mỏi và ngán ngẩm biết dường nào. Cho nên dân ruộng hay nói “liệu cơm mà mở vạt cày” là vậy. Do vậy mở vạt cày nên chú ý là mở vạt vừa phải, không lớn lắm mà không nên nhỏ quá vì mở vạt mà nhỏ quá làm cho việc xoay trở khi cày giáp đất nhiều bận sẽ bị mất thì giờ, trâu bò và người nông dân cũng dễ mệt mỏi vì cứ mở vạt cày mới hoài; còn mở vạt lớn, lúc đầu thấy đất rộng mà ngao ngán, nhưng được cái lợi là cứ cày hoài, không phải mở vạt mới lắt nhắt. Trường hợp miếng ruộng vài ba chục công, thông thường người nông dân mở vạt cày ngay giữa miếng đất, do vậy mà miếng đất nào cũng có đường nước ở giữa trũng xuống vì năm nào họ cũng mở vạt ngay giữa miếng đất, lâu ngày thành đường nước trũng như vậy. Đường nước trũng này có cái lợi là làm đường thoát nước ra mương, ra rạch khi ruộng lúa bị ngập, hay dẫn nước vào ruộng khi mùa khô cần bơm nước vào, miếng ruộng sẽ mau đầy nước.

              Còn về tính chơn chất, theo lệ thường, khi mở vạt cày là nên mở cho luống cày lật vô phần đất của mình để tránh luống cày đầu tiên nằm úp lên ranh, chồm qua phần đất của người giáp ranh, để không làm phiền lòng chủ đất liền ranh.



              Ngày xưa, đất đai nhiều vô số, nên việc lấn ranh đất ít có. Ranh đất giữa hai miếng ruộng thường là một lối mòn mà hai đầu có cắm hai trụ đá xanh. Rồi hai chủ ruộng cứ nhắm chừng chỗ ngay chính giữa là cày bừa cắt gặt, để không xê qua xích lại vài tấc đất gây bất hoà làm gì. Do vậy mà ranh đất những cánh đồng lớn miệt Kinh Xáng Bốn Tổng, Đìa Bèo, Cầu Số Năm hay bên Cao Lãnh, trong Tân Hiệp, Ba Thê, Núi Sập, Thới Lai thường là một giồng cỏ ở giữa hai miếng ruộng.

              Mở vạt đất cày mà ví thì khi cày trở phải mở vạt cày phá. Ví là đất úp vô, còn phá là đất lật trở ra. Còn bừa chỉ có mục đích làm bể đất cày ra chứ không có phá hay ví gì. Muốn cục đất lớn thì chỉ bừa một bận, muốn đất nhuyễn thêm thì bừa hai hoặc ba bận. Do vậy con bò hay con trâu mà đứng ở vị trí ví bao giờ cũng bị lép vế hơn con bò con trâu ở vị trí phá. Con trâu hay bò ví phải phụ thuộc vào con trâu hay bò phá. Phá đứng bên mặt cái cày, ví đứng bên trái cái cày. Khi người cầm cày la ví là con bò bên tay trái phải lo chúi đầu qua tay trái, hướng vô phía trong miếng ruộng và ngược lại cái anh trâu hay bò ở thế phá, khi chủ mà la phá thì anh ta chỉ có nước thong dong bước về phía mặt một chút là an toàn mà không phải bận tâm gì ráo trọi. Ví là vô, phá là ra, đời là vậy. Cùng một kiếp bò trâu mà có đứa sướng đứa cực rất khác nhau!

              Thường thường sau khi cày phơi đất cho ráo phèn và cho cỏ chết, mãi tới gần mùa sạ người ta mới bắt đầu mùa bừa. Vì bừa sớm quá, đất chưa thiệt khô nên khó bừa cho rã đất. Hồi xưa, chưa có máy cày, nên việc khẩn hoang mở ruộng phần lớn là do sức người và sức trâu bò. Lúc khẩn đất là đất còn cỏ lâm, sậy đế trùng trùng, nên người đi khẩn đất cũng không thể cày bừa liền được vì đất lâm chằng chịt rau muống, cỏ chỉ, cỏ song chằng, cỏ ống, đưng, lác, cỏ sướt, rau dừa, nên người ta phải dùng cái phảng, lưỡi dài chừng 70 cm hoặc 80 cm, bề dày ở chót lưỡi phảng có khi dày 1 tấc. Phần chuôi phảng được tra vào một cái cán bằng đoạn tầm vông dài khoảng hai tấc vừa với tay cầm.

              Khi phát cỏ, người cầm phảng khòm lưng xuống chém cỏ với cây cù nèo, vừa là dụng cụ để kéo cỏ làm cho người phát cỏ dễ phát, vừa là vật cản nhằm đề phòng trường hợp người phát cỏ chém hụt lưỡi phảng sẽ đưa vào ống quyển, vào chân. Do vậy cây cù nèo là vật phụ nhưng không thể thiếu nó trong công việc phát cỏ bằng phảng được.



              Mài phảng
              Mùa phát cỏ rơi vào mùa nắng nếu làm ruộng sạ, có khi rơi vào mùa mưa nếu làm ruộng cấy. Vì phát vào mùa nắng, cỏ phát xong được phơi khô và sau đó nhà nông đốt cỏ và cày bừa để kịp mùa sạ lúa. Còn ruộng cấy khi phát cỏ xong thì chỉ còn gom cỏ trên đồng qua hai bên giồng ranh và rồi bứng mạ và cấy là được rồi, không phải qua nhiều giai đoạn như đốt đồng và cày bừa như lúa sạ. Nói ruộng cấy là nói vậy, chứ phát cỏ rồi mà muốn cấy, nhà nông cũng phải phát cỏ con lại lần thứ hai hoặc thứ ba, các lần phát sau này được dân quê gọi là chế đất. Chế đất có cái lợi là làm cho cỏ non không mọc nữa để lúa vừa cấy xuống không bị cỏ lấn lướt. Do vậy có phát là phải có chế mới đúng là làm ruộng thời khai hoang mở ruộng.


              Cái phảng để phát cỏ

              Người đi khẩn điền thường phát cỏ bằng cái phảng. Trong các loài cỏ vừa kể, họ ngán nhứt là hai loại cỏ song chằng và cỏ chỉ; hai loại cỏ này vừa nhiều mà rất nặng phát vì nó bám chặt xuống đất rất khó chặt cho nó đứt. Do vậy mà dân làm ruộng có câu: Nhứt song chằng, nhì cỏ chỉ. Ngoài ra, rau muống dày bịt cũng là một trở ngại không nhỏ trong việc dọn cỏ, phát đất vào những ngày đất đai còn hoang lâm ấy nữa.

              Khi phát cỏ dọn đất cũng như phá lâm làm ruộng, ở nhà quê có cái vui là thức ăn nhiều vô số kể. Nào rắn, nào rùa, nào chim, nào chuột, mặc tình dân ruộng bắt đem về mà khìa mà nướng hay xào lá cách, lá lốt. Trăm thứ trăm ngon vì thịt rừng vừa tươi vừa ngọt mà dân ruộng thì giản dị với món ăn, không chế biến cầu kỳ, chỉ lấy chất tươi của thịt cùng rau cỏ miệt ruộng làm thành những bữa ăn thanh đạm mà bổ dưỡng, tinh khiết, đặc biệt là món nào món nấy cũng thơm tho, ngon miệng.

              Sau này, những năm đầu thập niên 60 có máy cày, mày xới, việc làm ruộng đỡ cực hơn, nhưng dân ruộng chuyên nghiệp vẫn thích cày bừa bằng trâu bò, vì trâu bò dù làm chậm nhưng kỹ càng hơn, do đó ruộng dù làm ít nhưng trúng hơn. Hơn nữa, máy cày xốc đất lớn nên luống cày lớn là nơi tốt nhất cho chuột bọ có nơi ẩn trú. Miếng ruộng nào do máy cày cày rồi thì khó mà kêu trâu bò cày trở và bừa phá đất vì luống cày với những lát đất quá lớn mà sức trâu bò yếu, chủ cưng sợ trâu bò đau móng, nên khó kêu công cày bừa. Việc sạ tỉa sợ nhất là bị bê trễ mùa màng. Hễ cày bừa mà bị trễ rồi thì coi như các giai đoạn kế tiếp sau đó đều bị trễ theo, và hậu quả tất nhiên là bị thất mùa. Do vậy mùa cày bừa coi đơn sơ và dễ ăn vậy nhưng nếu bạn không quan tâm tới ngày tháng bắt đầu và kết thúc thì miếng ruộng của mình khó trúng mùa, dù ngày xưa chỉ có sạ lúa và chờ mưa là có gạo ăn. Làm ruộng coi rất dễ mà không dễ là vậy.
              Last edited by viet11; 03-09-2012, 12:05 PM.
              Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
              Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
              ............



              Can't Live Without...hehe...


              Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

              Comment


              • #37
                Lương Thư Trung

                Thông thường, là con người sống trên mặt đất này, ai ai cũng biết là "đói ăn, khát uống", nhưng cách ăn uống nơi nhà quê có khác với cư dân các chợ búa thành thị đông đúc rất nhiều. Điều hiển nhiên của sự khác biệt ấy do giàu nghèo, sang hèn mà ra đã đành, mà cái chính là do nề nếp sinh hoạt mỗi vùng mỗi khác biệt nhau nữa.


                Nơi chợ búa ít khi thấy khạp mắm trong nhà, lu nước trước sân, hũ muối nơi bếp núc. Ở chợ cần gì người ta cứ xách giỏ ra chợ là có ngay thức ấy; trong khi ở nhà quê là phải dự trữ mới có mà dùng khi cần. Cứ tới mỗi mùa, nơi các làng quê là người ta bắt đầu lo cụ bị, gom góp lại những món nào dư dả để dành hầu có mà dùng vào những mùa không có thức ấy.

                Chẳng hạn, "tháng giêng là tháng ăn chơi", nhưng dân quê cũng biết sắp tới mùa cắt lúa, tát đìa bắt cá, làm lóng, tát mương. Thế nên người ta cụ bị dành dụm lúa thóc ví bồ cho những tháng hết mùa lúa chín ngoài đồng; rồi làm khô làm mắm khi cá bắt được quá nhiều vào những ngày làm lóng tát đìa bắt cá tháng Hai, tháng Ba. Có người còn đào hầm rộng cá để dành cho những ngày khô hạn tháng Tư, tháng Năm; những con cá trong những ao hầm ấy dù gầy ốm vì thiếu ăn nhưng vẫn là những thức ăn cần cho dân quê vào những ngày khô hạn thắt ngặt.

                Đến tháng Tư, tháng Năm, mưa đầu mùa lai rai rớt hột, cá dưới sông tấp nập nơi các miệng bộng tìm cách lên đồng trở về những lung vũng cũ thì dân quê lại có cách đón đường các anh chị cá tôm này mà dùng làm thức ăn trong các bữa cơm mỗi ngày. Họ làm hầm cá nhảy cạnh bờ đập có nước chảy ra vô, họ đặt lọp ngay nơi miệng bộng khi cá theo nước vô mương vô ruộng. Vào mùa này có nước mưa, cua ốc cũng được mùa từ dưới đất cày, ốc bươu ốc lác bắt đầu lên đầy mặt ruộng mà tìm đường xuống những đường nước để về lại các lung vũng cũ. Cua đồng cũng vậy.



                Làm nước mắm tại nhà

                Đành rằng, giữa chiên và nướng, cả hai cách đều làm cho thức ăn có chung mùi thơm, nhưng mùi thơm của cá nướng thơm ngon hơn nhiều. Chẳng hạn cá trê vàng cặp gắp nướng sẽ ngon không thua gì cá trê vàng chiên với mỡ với dầu, rồi thêm chút nước mắm gừng nữa thì bên tám lạng bên nửa cân, chưa biết chiên và nướng món nào ngon hơn món nào. Đó là chưa kể, khi đem so lại món nướng tiện lợi hơn vì nó vừa gọn mà lại giữ nguyên chất ngọt của cá tươi.

                Ngoài ra, theo chỗ tôi biết, khi ở nhà quê mà bạn ăn món nướng tức là bạn ăn sang rồi đó vì chỉ khi nào cá tôm dư dả người ta mới dám nướng mà ăn. Sở dĩ tôi nói vậy là vì khi bạn nướng cá, bạn chỉ ăn được thịt cá, do vậy muốn ăn tròn bữa cơm với cả gia đình đông người, bạn phải nướng nhiều cá thì ăn mới đủ bữa. Cùng một con cá lóc, thay vì bạn nướng trui, bạn đem con cá kho mặn, hoặc nấu chua, hoặc kho mắm, kho mẳn bạn sẽ ăn một bữa cơm với cả gia đình, có khi tàn bữa cơm rồi mà cá kho, cá chua vẫn còn cho bữa ăn chiều nữa. Do vậy, ăn món cá tôm nướng nơi nhà quê gọi là ăn sang nhứt rồi vậy!

                Tới món kho, như vừa nhắc, có lẽ đó là món chính trong mỗi bữa cơm gia đình nơi các vùng quê. Theo nhận xét của riêng tôi, dân vùng quê có khẩu vị khác dân thành thị. Ở nhà quê thích ăn mặn, trái lại dân chợ búa thích ăn vừa vừa, có khi lạt hơn, hoặc ngọt hơn các món ăn ở nhà quê. Chẳng hạn, bạn lên Long Xuyên, Sài Gòn ghé lại nhà người bà con họ mời các bạn ăn cơm, món nào thấy cũng béo, cũng lạt, đôi khi hơi ngọt ngọt như món cá kho tộ mà cũng ngọt hơn ở nhà quê nhiều. Còn bạn ghé lại các tiệm cơm, hoặc nhà hàng lớn, thì món nào cũng có nhiều vị ngọt, ngay cả món cá kho tộ là món mặn nhưng bạn cũng vẫn nghe vị ngọt nơi đầu lưỡi.

                Đặc tính mặn lạt này có nhiều nguyên nhân của nó. Trước nhứt phải công nhận một điều là đời sống ở chợ đầy đủ tiện nghi hơn, mọi vật thực đầy đủ hơn; trái lại, nơi thôn quê đồng ruộng thiếu đủ thứ, nhiều lúc trong nhà hết đường hết mỡ, thì làm gì có mỡ có đường làm gia vị cho nồi cá kho dịu lại thơm ngon. Đó là chưa kể, ở nhà quê còn có quan niệm dân ruộng là dân lao động cần nhiều sức lực trong mọi công việc nên thích ăn mặn để gân cốt mạnh dạn hơn. Thành ra, so với cư dân thành thị trông có vẻ sáng và sang nhưng kể về mạnh thì không sao mạnh bằng dân ruộng về sức mạnh và bền bỉ dẻo dai được, phần chính là nhờ quen cực nhọc với công việc nặng nhọc đã đành nhưng có lẽ một phần khác nữa là nhờ ăn mặn. Do vậy, ở nhà quê trong bữa cơm gia đình nếu hôm nào các món ăn nhiều canh quá dường như ăn ngon và mau no nhưng vẫn thiếu món mặn thì cái mức ngon cũng bớt đi một ít. Thành ra, nơi thôn quê món kho mặn là món ăn làm gốc của mọi bữa cơm gia đình.

                Món kho thì, tùy hoàn cảnh mỗi nhà mà có những món kho khác nhau. Nhớ có lần trên Talawas, tôi có nhắc là cùng món cá kho nhưng không nhà nào kho giống nhà nào. Không giống trước nhứt là mùi nước mắm. Sở dĩ tôi nói vậy là vì mỗi nhà có cách nấu nước mắm khác nhau dù cũng muối cá, cũng ủ mắm, rồi tới ngày cũng lấy mắm ra nấu lên cho sôi rồi đổ vô rổ có lót khăn lược để lược xác mắm ra lấy nước mắm nhưng mỗi nhà có mỗi một loại nước mắm khác nhau. Đó là chưa kể có nhà thích kho nước mắm cá linh, nhà khác thích kho nước mắm cá đồng, rồi có nhà lại thích nước mắm làm bằng cua, bằng tép nữa. Rồi còn cách phơi nắng, đậy điệm các khạp cá ủ nước mắm có kín đáo cùng không, có bị dòi nhiều hay ít, có muối mắm hơi nặng tay hoặc muối nhẹ tay nữa, do vậy mà hương thơm của các loại nước mắm không bao giờ trùng hợp. Từ đó, mùi vị khác nhau trong các nồi cá kho là chuyện rất tự nhiên.

                Thêm vào đó, nói là cá kho, nhưng cũng có biết bao loại kho, giàu nghèo sang hèn có cách kho khác nhau đã đành mà còn khẩu vị mỗi người nữa. Người thích món kho thiệt mặn thì kho quéo; người thích kho vừa vừa thì kho mẳn, người thích ăn hơi lạt thì có món kho lạt; còn người muốn chấm rau luộc, rau ghém thì kho nước, trái lại người thích ăn cơm với gạo lúa mới vừa dẻo vừa mềm thì kho khô bỏ tiêu cho nhiều. Tùy theo loại vật phẩm mà tên gọi món kho theo mỗi cách khác. Chẳng hạn với tôm thì kho tàu, với cá rô thì kho tiêu, kho tộ, với cá chạch lấu thì kho nghệ, với cá linh thì kho mía, với lóc lớn mỗi con cỡ nửa ký đổ lên thì kho rệu với thịt ba rọi cùng nước dừa tươi..., v.v. Ngoài ra, món vịt xào gừng, món gà xào sả ớt cũng là một cách kho mặn món thịt vịt, thịt gà.



                Tát đìa bắt cá

                Tóm lại, món kho là món chánh trong mọi bữa cơm gia đình nơi làng quê, nó vừa hợp với khẩu vị thích ăn mặn của dân quê đã đành mà nó còn tiêu biểu cho cái đức tính tiết kiệm của dân quê nữa. Cùng một loài cá tôm nhưng nếu bạn kho, bạn sẽ để dành ăn lâu hơn các món khác rất nhiều. Đức tính tiết kiệm ấy không có gì xấu, mà còn giúp cho mỗi gia đình biết lượng sức mình mà không phung phí các thức ăn dù cá tôm ngày xưa trù phú.


                Sau món kho, dường như nhà nào cũng thích món xào. Hủ qua (khổ qua) xào, đậu đũa xào, rau muống xào, giá xào, cà tím xào mỡ hành, nấm mối xào mỡ, cóc nhái xào măng, cá xào giấm, bông điên điển xào với tép rong, tép chấu... Món xào, dường như là món phụ, có bữa có bữa không nhưng món xào đưọc nhiều người thích vì nó làm cho vị mặn của cá kho bớt đi phần nào.

                Còn món canh làm cho bữa cơm gia đình mát bụng. Có cá kho thường thường thích đi kèm với món canh, nên bạn thường thấy người ta vô tiệm ăn hay gọi món canh chua và cá kho tộ. Hai món này giống như cặp bài trùng, có món này phải có món kia thì bữa cơm mới đậm đà, mới ngon thêm. Ở nhà quê cũng mê hai món này. Lúc nào có canh chua thì các chị nội trợ cũng nhớ kho một nồi cá kho cho mặn. Dường như chỉ có cá kho mặn ăn chung với canh chua mới tương hợp. Xin cũng nói thêm là món canh chua hạp với món cá kho là vậy nhưng rất bất bình với món mắm kho. Dù người dân quê thường thích nấu canh rau giền, rau diệu nêm chút mắm kho, nhưng canh chua kỵ rơ với món mắm kho này dữ lắm, nên không ai vừa ăn canh chua lại vừa ăn với mắm kho bao giờ. Một phần nó không hạp vì mùi vị khắc nhau đã đành, mà nó còn khắc nhau ở chỗ hai món này mà ăn chung với nhau chẳng khác nào trống đánh xuôi kèn thổi ngược vậy.

                Món canh còn rất nhiều loại canh khác nữa như canh bí, canh bầu nhưng có lẽ món canh khoai ngọt, khoai môn, khoai từ, khoai mỡ với nhựa khoai trơn trơn giúp người già dễ ăn hơn các loại canh khác vì người già ăn cơm dễ bị mắc nghẹn nên có canh thì việc mắc nghẹn này bớt đi rất nhiều.

                Còn món chiên như có nhắc bên trên, nơi nhà quê cũng thích chiên dù lắm lúc trong nhà hết mỡ vì kẹt chưa đi chợ mua mỡ được, nên nhiều lúc phải xách chén lại nhà hàng xóm mượn đỡ vài muỗng mỡ. Việc mượn mỡ, mượn muối, mượn gạo những lúc thắt ngặt này là việc rất bình thường trong đời sống nơi các làng quê, nó thể hiện tình chòm xóm láng giềng giúp đỡ nhau qua lại khi thiếu hụt và đặc biệt là có mượn và có trả đàng hoàng. Nói thì nói vậy, nhưng đa phần là người ta cho luôn vì vài ba muỗng mỡ, muỗng đường chẳng là bao và cử chỉ ấy làm đậm thêm tình tương thân tương ái trong chòm xóm láng giềng. Điều này chắc ở chợ ít có vì chợ thì ngay trước nhà, có gì thiếu họ ra chợ mua, không hỏi mượn ai nên có lẽ thế mà dù ở sát vách nhau nhưng ít khi qua lại mượn chác gì nhau, lâu dần tạo cho người dân thành thị cái tánh sống biệt lập, không cần đến láng giềng như nơi nhà quê.

                Ngoài những món ăn thường gặp trong các bữa cơm hằng ngày trong các gia đình nông dân như vừa kể, các bà nội trợ vẫn khéo tay nấu nướng những món ăn sang vào những dịp giỗ chạp, cưới hỏi không thua gì dân chợ. Trong các dịp tiệc tùng hay cúng giỗ ấy, thường thường những món ở nhà quê hay nấu là cà-ri, ra-gu, rô-ti, gà nấu đậu, giò heo hầm măng tre, cá chiên, mì xào giòn và các món thịt nguội, nem, chả...và chắc chắn hai món sau cùng phải có là thịt kho rệu nước dừa tươi với trứng vịt hoặc cá lóc cùng với món cù-lao dùng làm canh ăn với cơm trước khi chấm dứt bữa tiệc.



                Thịt kho nước dừa tươi với trứng

                Đó là các món ăn vừa lược kể mà dân quê nhà nhà đều đã nấu nướng qua từ rất xa xưa rồi, nhưng nơi ăn và cách ăn cũng góp phần không nhỏ vào phong cách của nhà quê biết bao. Trước nhất, ăn nơi nào ngon. Thường thường muốn ăn ngon không gì bằng nấu xong dọn ra ăn liền vì các thức ăn còn nóng đã đành, nhưng trong cảnh làm ruộng cực nhọc không gì bằng ăn cơm ngoài đồng nơi các bờ đìa, dưới tàn cây có bóng mát hoặc trong trại ruộng sau khi cày bừa tới giác thả bò trâu nghỉ trưa sau những giờ làm lụng mệt nhọc. Giữa lúc vừa mệt vừa đói bụng mà ngoài đồng trống với cảnh gió đồng rong ngọn thì cơm gì ăn cũng ngon, món gì ăn cũng hấp dẫn.

                Còn cách ngồi ăn cũng quan trọng không kém trong đời sống nơi nhà quê mỗi ngày. Dù món ngon món dở gì đi nữa, dù ăn bất cứ trong nhà hay ngoài ruộng, cái tối cần là việc giữ được cái lễ nghĩa, cái từ tốn, cái tôn ti trật tự gia đình trong các bữa ăn. Người nhỏ tuổi bao giờ cũng chờ người lớn tuổi ngồi vào mâm cơm trước rồi mình mới dám ngồi. Như một điều mà ai cũng biết rồi, người lớn ngồi trên, người trẻ ngồi dưới nếu ngồi trên chiếu hoặc nơi bàn dài; còn với bàn tròn, người trẻ ngồi gần chỗ có nồi cơm để khi cần có thể đỡ chén của người lớn mỗi khi bới cơm thêm. Vì thế mà tục ngữ có câu: "Ăn coi nồi, ngồi coi hướng" là vậy. Do vậy, mà nhìn cách ngồi ăn trong một bữa cơm gia đình chẳng những người ta có thể biết được phần nào cái nề nếp của mỗi gia đình mà còn biết được cái tình trong gia đình nữa.

                Còn cách ăn cũng quan trọng không kém. Thuở nhỏ đứa bé nào ở nhà quê cũng đều được dạy cách lựa thức ăn, cách gắp thức ăn và cách ăn. Món ăn dù ngon mà ở phía xa trong mâm cơm, quá tầm tay vói của mình, người có được dạy dỗ đàng hoàng họ sẽ không bao giờ vói quá tầm đôi đũa để gắp món ăn ấy. Cũng tương tự, dù món ăn có ngon, hạp khẩu vị của mình tới đâu đi nữa, không ai cứ gắp hoài một món ăn ngon ấy. Sự biết mình phải làm gì khi ngồi vào bữa cơm là một điều không phải tự nhiên mà có; tất thảy đều có sự giáo dục từ ngày này qua ngày khác kể từ lúc còn nhỏ dại và chính vì vậy mà qua cách ăn uống của một người nào đó người ta có thể đoán biết phần nào về sự giáo dục gia đình ấy và cũng đoán biết được phần nào về phẩm cách của một người qua cách ăn uống của họ.

                Tóm lại, các món ăn nơi làng quê vừa giản dị vừa thanh đạm ấy nó hạp với nếp sinh hoạt của các cư dân vùng nông thôn với công việc chánh là làm ruộng. Nghề làm ruộng lúc nào cũng gần gũi với thiên nhiên nên người làm ruộng nào cũng hiểu được cái lẽ thuận với thiên nhiên thì vui mà nghịch với trời đất thì mùa màng không tốt tươi được. Do vậy, việc ăn uống ở nhà quê chủ yếu là ăn để mà sống và có sức lực hầu làm lụng cho kịp thời vụ, mùa màng, chứ ít ai nghĩ mình sống trên đời này chỉ để mà ăn cho ngon miệng bao giờ. Nhưng còn một điều khá quan trọng nữa trong việc ăn uống nơi thôn quê là phong cách ăn uống và chính phong cách ăn uống này nó phản ảnh phần nào phẩm cách của mỗi con người. Điều đó, kể cũng là điều đáng để mọi người nên suy gẫm lại vậy!

                LTT
                Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 25-04-2012
                Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                ............



                Can't Live Without...hehe...


                Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                Comment


                • #38
                  Vài loài bông trong vườn - Kỳ 1


                  Lương Thư Trung

                  Đồng quê là cái nôi của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu bạn là người được sanh ra và lớn lên nơi vùng đồng bằng này, bạn sẽ dễ nhận ra cái nôi êm đềm của tuổi thơ của bạn. Còn nếu bạn là du khách từ các vùng phương xa đến như miền Đông qua, miền Trung vào hoặc miền Cao nguyên xuống, hoặc từ mọi miền khác đi ngang qua, bạn sẽ nhận ra những cư dân vùng này được ấp ủ bởi những cánh đồng lúa bao bọc, những mảnh vườn tươi mát quanh năm, những dòng sông nước ngọt bốn mùa... Và, người người ở đây lớn lên với một tâm hồn mộc mạc, đơn thuần, chất phác, hiền hòa theo từng ngày tháng của một miền quê như vậy...


                  Khung cảnh đồng quê với cỏ nội hoa đồng, với chim muông líu lo trong vườn đã ảnh hưởng sâu đậm vào những tâm hồn bình dị của cư dân đến đỗi trở thành những câu nói, những thành ngữ, những phương ngôn trong đời sống nơi ruộng vườn phong phú vô cùng. Nó nhuần nhuyễn đến độ bạn không cần phải khổ công tra cứu kinh điển, sách vở như nhiều nơi, nhiều miền khác của đất nước mình hay bất cứ nơi chốn nào xa lạ trên thế gian này.

                  Có thể nói mà không sợ quá lời là nơi miền quê có bao nhiêu loài cây cỏ là có bấy nhiêu loài bông với hương sắc đậm đà. Từ bụi chuối trước khi trổ buồng, cái bắp chuối như một cái bông còn búp thật lớn, mà trong đó khi bắp chuối mở ra những bẹ bắp non, chúng ta sẽ thấy những bông chuối riêng lẻ kết lại thành từng nải với những mật ngọt trong từng nhụy hoa màu vàng bao phủ bởi đài hoa màu trắng, để sau này, mỗi bông chuối nhỏ như vậy trở thành những trái chuối khi đài hoa rụng đi sau thời kỳ trăng mật với ong bướm dập dìu.


                  Chuối trổ buồng bên hiên nhà


                  Chỉ tiếc một điều bông chuối có lẽ ít có ai trong xóm trong làng gọi đúng tên mình là bông chuối, mà cứ một mực kêu là bắp chuối hoài. Nghĩ mà thương cho sự hẩm hiu của một loài bông!

                  Và cũng như mật ngọt của các loại nhụy bông hoa khác đã cho người ta hiểu lý do tại sao loài ong mật thường hay làm tổ vào mùa hoa rừng hoặc các loài bông trong vườn trổ rộ... Và rồi, người nhà quê nghĩ rằng mùa bông trong vườn, ngoài rẫy, trên đồng nội là mùa của bướm ong dập dìu, đùa giỡn. Ong theo các nhụy hoa tìm mật, bướm theo các cánh hoa vì sắc, vì hương thơm.

                  Một đằng lấy cái ngọt ngào làm lẽ sống, còn một đằng lấy cái sắc, cái hương làm niềm vui ngập đầy nỗi đam mê cho một kiếp sống không bền. Cả hai đang tận dụng những tháng ngày của tạo vật để làm thành thú vui cho mình mà cũng mang lại nét tươi mát cho đời nữa!

                  Rồi bạn đi ngang qua vườn cam, vườn quít, vườn chanh khi vài cơn mưa đầu mùa thắm ướt nền vườn mới hôm qua còn khô khốc, bạn sẽ nhận ra những nụ bông cam, bông quít, bông chanh nhú ra từ những cành nhánh no nước, một màu trắng tinh khiết. Mỗi bông hoa với năm cánh hoa trắng mỏng manh chở che năm đài hoa nhỏ hơn cũng màu trắng như từng bậc của một kỳ quan bên trong với những nhụy vàng mà thơm thơm nhè nhẹ một hương vị trong lành, thanh khiết biết bao. Gió đưa hương theo gió lan toả khắp vườn. Cánh hoa trắng cũng theo gió để trải đầy lên mặt vườn im bóng mát như chấm phá thêm một nét vẽ của tạo hóa lên những mảnh vườn cây ăn trái nơi thôn dã này... Bạn sẽ không khỏi chặc lưỡi khen thầm loài bông bưởi trong vườn sao mà ngát hương như hương thơm của một mái tóc người con gái thuở ngồi cạnh bên nhau trong lớp học ngày nào. Cái hương tinh khiết ấy vừa thanh tao, vừa trinh bạch như tâm hồn em trinh bạch ngát hương!

                  Chẳng thế mà, thi sĩ Nguyễn Bính có lần đã phải thốt lên rằng cái “chân quê” nó quí báu biết dường nào với cái hương vị hoa chanh làm biểu tượng: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”!



                  Bông cam vào mùa


                  Bông chuối mà nơi nhà quê thường gọi là bắp chuối (hình: Lê Thạnh)
                  Last edited by viet11; 05-09-2012, 09:16 PM.
                  Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                  Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                  ............



                  Can't Live Without...hehe...


                  Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                  Comment


                  • #39
                    Vài loài bông trong vườn - Kỳ 2


                    Lương Thư Trung

                    Bạn sẽ nhận ra biết bao loài bông hoa khác nữa, nhiều vô số kể. Bên bờ mương, nơi vàm nước chảy, những cánh hoa bằng lăng màu tím buồn như màu tím của loài lục bình bám rễ trong nước hồ ao quanh năm hoặc nổi trôi lang bạt trên những dòng kinh rạch theo mực nước từng ngày... Những cánh hoa tím một đời lặng lẽ buồn hiu hắt bên những chú ong bầu kêu ve ve suốt ngày, để rồi tự nhìn lấy hình bóng mình in xuống những mặt nước ao hồ hay dòng kinh rạch ngoằn ngoèo quê mùa cái dáng lung linh cô độc...




                    Bạn sẽ nhận ra những loài bông bình dị khác nữa trong vườn. Bông lê, bông lựu, bông mận, bông xoài, hằng trăm hằng ngàn những cánh hoa trĩu đầy trên cành nhánh. Bông lê cho trái xanh. Bông lựu màu đỏ thắm cho trái chín ửng vàng. Bông mận cho trái mận da người hoặc mận trắng, mận hồng đào.

                    Còn bông xoài cho những trái xoài non thì chát, xoài già thì ít chua và xoài chín cây thì ngọt ngào mời gọi chim, dơi rầm rập. Riêng chỉ loại xoài thôi mà cũng có biết bao tên gọi khác nhau với những hình dáng khác nhau cùng cái vị ngọt chua đã khác nhau đi nhiều. Đại khái có những loại xoài mà miền quê thường trồng như xoài cát, xoài thanh ca đen, xoài thanh ca trắng, xoài voi, xoài tượng còn gọi xoài đu đủ, xoài hòn, xoài gòn, xoài hương, xoài nghệ, xoài giấm...


                    Xoài trúng mùa


                    Xoài cát trái tròn tương đối lớn, da mỏng, hột nhỏ, thịt mịn màng, vị ngọt thanh. Xoài thanh ca đen trái nhỏ, vỏ mỏng màu sậm, còn sống ít chua, chín rất ngọt. Xoài thanh ca trắng trái vừa, vỏ mỏng màu xanh lợt, chín ngọt nhưng không ngọt bằng thanh ca đen. Xoài voi trái tròn, lớn, da xanh, hột nhỏ, thịt hơi nhão có xơ, lúc chín hơi chua. Xoài tượng trái dài lớn bằng bắp chuối, vỏ màu xanh lợt gần như da trái bầu, chỉ ăn sống, thịt không chua dù xoài chưa chín. Loại xoài này thường chỉ để ăn sống, ít khi giú chín vì khi chín ăn hơi lạt, không ngọt như các loại xoài khác. Xoài tượng nơi miền quê còn gọi xoài đu đủ vì lúc trái xoài còn sống thịt giòn như trái đu đủ mỏ vịt. Xoài hòn trái lớn, tròn, thịt khi chín còn hơi chua chua, không ngọt gắt như xoài cát. Xoài gòn trái dài như trái gòn, sớ to, thịt ngọt khi chín. Xoài hương trái giống xoài gòn nhưng thịt không có xơ như xoài gòn, chín rất ngọt và thơm. Xoài nghệ trái tròn, nhỏ, khi chín thịt vàng như nghệ, ăn rất ngọt. Xoài giấm trái tròn, nhỏ như xoài nghệ nhưng da màu xanh lợt, còn sống rất chua như giấm, khi chín lại ngọt đậm đà...

                    Hằng năm cứ vào tháng Bảy khi nước ngoài đồng dâng lên, cây trong vườn bắt đầu thay lá cho đến hết tháng Tám, tháng Chín và đâm chồi non, lộc mới. Riêng các giống xoài, nếu cây nào không thay lá thì vào tháng Mười Một, tháng Chạp bắt đầu nhú nụ, trổ bông khi cánh đồng lúa thần nông cũng vào mùa con gái vụ Đông Xuân. Những cuống bông dài thậm thượt treo lơ lửng khắp cành nhánh như một lớp vẽ màu vàng bao phủ những chiếc lá màu xanh. Nếu những cây xoài nào thay lá đâm chồi, không đơm bông được nơi nhà vườn coi như năm ấy thất mùa xoài, vì khi cây đâm chồi như người làm ruộng đặng mùa lúa mà thất mùa tôm cá. Những cây xoài này sẽ không trổ bông được nữa và người chủ vườn phải chờ mãi đến năm sau như một niềm hy vọng của người chờ buổi gặp thời.


                    Bông lựu


                    Bông mận


                    Bông tím bằng lăng (hình LT)
                    Last edited by viet11; 05-09-2012, 09:17 PM.
                    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                    ............



                    Can't Live Without...hehe...


                    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                    Comment


                    • #40
                      Vài loài bông trong vườn - Kỳ 3


                      Lương Thư Trung

                      Cây có đặc tính của cây, người có tính nết của người, không lầm lẫn giữa bông với bông, giữa trái với trái, giữa người với người được! Rồi nào là ổi với những cánh hoa màu trắng lất phất bay mang lại những trái ổi xanh xá lị với lớp vỏ mỏng chua chua như mời gọi những phụ nữ có bầu, có bụng thèm thuồng. Đến lúc chín cây, những trái ổi mềm thơm phưng phức như chia sẻ cái miếng ngon với vợ chồng đôi chim trao trảo trong vườn đang hưởng những ngày trăng mật bên vườn đầy trái chín ngạt ngào...




                      Nhắc đến ổi, bạn không thể không nhắc đến mùa bông cốc trổ. Những cây cốc thân xốp vào mùa nắng tháng Ba bắt đầu trổ bông và kết trái tháng Tư để kéo dài mùa cốc với những tháng mưa dầm tháng Bảy mà cốc vẫn còn oằn nhánh vì mùa cốc quá trúng mùa mang lại nơi nhà quê chút chua chua rất quê mùa mà thiếu cốc, thiếu ổi dường như thiếu thiếu chút gì khó nói lắm.

                      Nhưng bông khế với màu trắng nhụy tím cũng khoe cùng trời đất chút mặn mà của mình qua những chùm bông sum sê biết bao!

                      Thường thường nơi làng quê có trồng hai loại khế chua và ngọt, nhưng có nơi cũng trồng thêm loại khế tây. Giống khế này trái hơi dài mà không có khía và vị rất chua. Có lẽ cũng xin nhắc lại một chút về trái khế này, ngày xưa còn gọi là “ngũ liễm tử”, có năm cạnh, mỗi cạnh hình như sống gươm, người ta còn gọi nó là dương đào. Sách “Thảo mộc trạng” nói rằng: “Người Nam gọi cạnh là liễm, nên đặt tên thế”.(1)



                      Hai cây cau lão vươn lên trời cao bỏ lại dưới kia những chùm phượng vĩ - Ảnh LT


                      Bạn có lẽ cũng nhận ra bông cau thơm ngát vào mùa Hè. Những cánh hoa thật nhỏ chi chít bám quanh những nhánh non màu xanh lợt sau khi vươn mình ra khỏi chiếc mo nang như chiếc thuyền nhỏ. Những nhụy hoa mong manh bay trong gió mang cái hương ngào ngạt của một loài bông cho những mùa hò hẹn, đính hôn, cưới hỏi những ngày giáp Tết. Vì ở nhà quê, mùa nắng ráo là mùa cưới hỏi.

                      Tháng Chạp thường là tháng tận, năm cùng, nhưng trong dân gian vẫn thường hay cưới gả, định đôi định bạn cho con cái. Do đó, người đời quen nói “cưới vợ ăn Tết” là vậy. Từ mùa Thu ấp trứng, mùa Hè nở con, mùa Xuân cau dày ruột màu hồng hoặc màu trắng trong ngần làm tươi thắm cho những cặp gái trai thành những đôi uyên ương ấm áp hạnh phúc trăm năm. Tình chồng vợ ở nhà quê thường bền chặt đến răng long tóc bạc, ít khi gặp phải những đổi thay đen bạc thường tình, có lẽ cũng nhờ vào cái duyên mặn nồng của cau trầu mà tổ tiên hằng trăm năm xưa lưu truyền lại.


                      Cau trong vườn đang trổ bông


                      Bông khế


                      Bông ổi xá lị


                      Bông và những trái cốc còn đọng những giọt mưa - Ảnh LT
                      LTT

                      1/ Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2006, Chương IX. Phẩm vật, điều 218, trang 444.
                      Last edited by viet11; 05-09-2012, 09:20 PM.
                      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                      ............



                      Can't Live Without...hehe...


                      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                      Comment


                      • #41
                        Vài loài bông trong vườn - Kỳ 4


                        Lương Thư Trung

                        Bạn có thấy nơi bến sông mấy gốc dừa cũng đang nở những chùm bông tua tủa từ trong những bẹ dừa gần củ hủ. Những bông dừa cũng ngát một hương thơm, cũng quyến rũ nhiều chị ong mật, ong bầu ve vãn suốt ngày. Bạn có biết từ khi cái bông dừa bắt đầu nhú cái bông đầu tiên chào mặt trời cho đến kết thành trái dừa non, dừa váng cháo, dừa cứng cạy, dừa lắc nước, dừa khô phải mất bao nhiêu ngày không? Tròn 365 ngày chẵn đó bạn! Không xê dịch nhiều lắm đâu, vì tôi có dịp mỗi ngày như mỗi ngày ngồi lấy giấy ra ghi ngày, tháng, năm để tính sổ đời một trái dừa từ lúc nhú bông đến khi da dừa rám vỏ, khô khốc để đốt ngắn những ngày dài chán nản của chính mình lúc tuổi trẻ mà phải bó gối chồn chân...




                        Bông xoan

                        Nào là bông sen nơi các chùa làng quê. Dường như cách nay sáu bảy mươi năm các chùa làng quê nào cũng có ao trồng sen bên hông chùa hoặc phía sau chùa. Điều này cũng dễ hiểu vì muốn xây dựng một ngôi chùa, trước tiên dân làng xúm nhau lại dùng đôi ky gánh đất đắp nền chùa. Những hầm lấy đất đắp nền chùa rất sâu ấy các Ngài trụ trì chùa nghĩ ra cách trồng bông sen cúng Phật mà cũng vừa làm cho cảnh chùa thêm thanh khiết trong lành vào những mùa sen trổ bông, nhất là những tháng Hè sen trổ rộ, hương sen thơm ngào ngạt cả một vùng hòa quyện cùng khói hương lan tỏa theo tiếng mõ, tiếng chuông cùng lời kinh bay bay trong gió lan xa lan xa khắp xóm khắp làng tạo cho làng quê những ngày thanh bình, hạnh phúc biết bao!


                        Gương sen đang vào hột


                        Bạn cũng sẽ bắt gặp những hương thơm của vài loài bông cúng Phật Trời ngoài sân như bạn đã thấy rải rác đâu đó trên đường bạn đã đi qua. Rồi nào là vạn thọ, cúc tím, cúc vàng. Nào là bông điệp bình dị cái nét thanh tao của trời đất. Nào là dạ lý hương thơm cái thơm sặc sỡ về đêm của một bà hoàng trong cung cấm. Nào là bông huệ trắng tinh khiết đến phải nâng tay nhè nhẹ vì sợ làm hoa chau mày, trách móc bàn tay người...

                        Nào là bông mười giờ bình dị quê mùa, nằm lè tè bên đám lá nhỏ xanh xanh bao vòng quanh khuôn viên bàn ông Thiên giữa trời. Rồi cỏ chi, cỏ lan cho những bông hoa màu tím thơm ngát, mỏng manh, quý phái đến nuông chiều vì cánh mỏng.

                        Còn nhiều lắm, những loài bông hoa không làm dáng, không kiêu xa nơi nhà quê này. Bạn có lần nào gặp chùm bông phù dung sớm nở tối tàn chưa?

                        Cánh hoa mỏng màu trắng pha chút màu hơi tím lợt giống như màu bông vải. Cánh hoa mỏng đến độ bạn không dám chạm mạnh bàn tay vào, thế mà kiếp hoa phù dung tàn nhanh quá đỗi!



                        Bông bụp

                        Bạn có nghe bông xoan bên hè thơm ngát không? Các nhà nghệ sĩ hay nói về “hoa xoan bên thềm cũ” đó mà! Những cánh hoa li ti màu trắng xếp thành vòng tròn như những bông gáo trắng, bông gáo vàng... Và rồi, cái nét đẹp nhà quê ấy đã gây những cảm hứng cho văn nhân, thi sĩ mọi thời! Cái thơm của bông xoan nhẹ hơn cái thơm của bông gáo nhưng ai dám bảo bông nào thơm hơn bông nào, bông nào quý phái hơn bông nào và bông nào bình dị hơn bông nào? Phải thế không bạn?

                        Và chắc chắn một điều, giữa trưa nắng gắt của mùa Hè, bạn không làm sao tìm được bông Quỳnh nở. Bởi lẽ, Quỳnh không nở để cho bạn gặp giữa ban ngày với cái sắc trắng tinh khiết, với cái nhụy vàng trưởng giả, với cái hương bát ngát, với cái linh động như bước chân đi của người con gái đẹp tuyệt vời khi cánh hoa từ từ mở ra! Mấy người may mắn bắt gặp Quỳnh hương thơm ngát bay ngang qua?

                        Nhưng bạn sẽ dễ dàng nhận ra những chiếc bông bụp treo lòng thòng trên những cuống hoa dài dọc theo hàng rào trước cửa nhà... Với cánh hoa màu đỏ thẫm để lộ cái nhụy dài ra như mời gọi bướm ong, những chiếc bông bụp đã điểm trang thêm cho hàng rào trước nhà bạn thêm tươi mát như thầm nói với khách phương xa rằng chốn thôn dã này cũng biết lấy hoa làm đẹp cho những con đường làng... Chẳng khác nào trong cái bình dị, chất phác, mộc mạc của người nhà quê không phải không có những tâm hồn hướng lên cái đẹp, cái tinh khiết, cái thanh cao...



                        Dừa lão sừng sững giữa trời nhưng vẫn trổ bông và trĩu trái - Hình LT


                        Bông phù dung đang nở rộ


                        Bông vạn thọ
                        Last edited by viet11; 05-09-2012, 09:14 PM.
                        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                        ............



                        Can't Live Without...hehe...


                        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                        Comment


                        • #42
                          Vài loài bông trong vườn - Kỳ 5

                          Lương Thư Trung

                          Rồi bạn cũng sẽ thấy bên dòng con rạch nhỏ những nhánh bần đầy bông mà nhà vua có lần gọi loại bần này là một loài “thủy liễu”, trong dân gian nơi các bến sông đọc trại ra “thúy liễu”. Những cánh hoa màu trắng được bao chung quanh những đài hoa màu xanh treo tòn ten từ trên cao như những cái lồng đèn ngôi sao lung linh trong gió. Với hương thơm nhẹ, gió đưa hương “thủy liễu” đi xa và dòng nước nhẹ đưa những cánh hoa trôi theo gió làm thành mặt nước con kinh lấm chấm những nét vẻ trắng muôn hình. Ngày qua ngày bông tàn đi, những nhánh bần còn lại những trái bần chua chua gọi mời cái thèm trưa nắng của chim chóc, con người. Trái bần chín có hương thơm thật hấp dẫn như trái cà na hình bầu dục khi chín cũng để lại cái hương thơm đến thèm thuồng như vậy...



                          Bông so đũa


                          Bạn có thấy me trong vườn trổ bông chưa? Những bông me lấm chấm trắng pha chút màu vàng rợp trên cành nhánh với ong bướm dập dìu vào mùa mưa làm cho khu vườn thêm hương sắc lạ. Những bông me rụng khi nhụy rữa hoa tàn đầy mặt đất đã cho nhà vườn những trái me non chua chua, những trái me già hột hơi chát chát, những trái me dốt mời mọc cái thèm chua, những trái me chín ruột tươm mật làm bạn chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ gợi cho vị giác của bạn muốn hái một trái me nếm thử!

                          Thỉnh thoảng có bao giờ bạn thấy cà phê trổ bông không? Ở miền quê này thuộc miệt ruộng, miệt vườn nên không phải là vùng trồng cà phê chuyên nghiệp nhưng đôi lúc bạn cũng bắt gặp những khu vườn đầy những bông cà phê màu trắng thơm thơm như bạn đang về vùng cao nguyên Đà Lạt, Lâm Đồng, Ban Mê Thuột, Đức Lập, Gia Nghĩa trên tận vùng Quảng Đức xa xôi trùng điệp giữa những núi rừng. Từ xa bạn đã nghe hương thơm rồi, cái hương thơm như mùi thơm bông lài nhưng hơi gắt hơn hương lài. Cả vườn trổ rộ và cả vườn để lại trên mặt đất những xác bông rụng như người ta xếp lên mặt đất từng cánh, từng cánh bông với màu trắng thanh khiết, tuyệt đẹp!



                          Bông cà phê

                          Bạn có nghe bông so đũa có mật ngọt không? Loại cây có thân suôn đuột, thịt xốp, ngay băng với những trái dài như đũa vắt trong ống này đã cho người nhà quê những cái bông nấu canh ăn được, những nhụy hoa đầy mật ngọt mà trẻ con ở vườn thích hái bông hút lấy cái nhụy như loài ong mật. Hình dáng như cánh buồm hoặc như vầng trăng lưỡi liềm treo tòn ten trên nhánh cây lá nhỏ, sau cùng cho những trái dài ngoằng nhiều hột nhỏ như loài đậu đũa trên các giàn đậu ở rẫy... Bông so đũa cũng để lại nơi mũi bạn một chút dư hương của mùa nắng tháng Hai, tháng Ba. Và bạn ơi, những mùa bông so đũa cũng là mùa gọi mời một loài sâu lông bò lển nghển theo từng cánh lá nhỏ li ti... Nhiều lúc sâu nhiều quá đỗi dễ làm lòng người ghê rợn, rùng mình.

                          Nhưng nhắc bông so đũa tháng khô mà không nhắc bông điên điển vào những ngày nước lên dường như có chút gì chưa công bằng lắm! Thành ra, lác đác trong các bờ mương sau vườn vào những ngày tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín, bông điên điển đang vào mùa và với màu vàng của loài cỏ nội hoa đồng này đã làm sắc trời của những ngày nước ngập cũng nhuộm một màu vàng rực rỡ…“Điên điển vàng bông, trời cũng vàng!”



                          Bông điên điển


                          Bông phượng vỹ

                          Rồi nào là bông trúc đào màu hường lợt, bông sứ ngạt ngào hương toả khắp vườn như hương thơm của các loài kỳ hoa dị thảo. Nhưng bạn cũng gặp những loài bông hoa không hương thơm như bông sao, bông dầu, bông gòn vào những tháng nắng oi bức rơi rợp đất. Những bông sao, bông dầu như những trái vụ bay bay trong mùa khói đốt đồng làm nên nỗi nhớ những ngày thơ ấu đuổi bắt những cánh bông sao, bông dầu bay bay trong gió khi mùa nắng sắp cuối mùa.

                          Còn bông điệp màu vàng pha chút màu hồng lợt nữa như một loài phượng vĩ nhà quê, được đặc biệt dành để cúng Phật Trời vào những ngày rằm ngươn, ngày vía Phật... Còn bông điệp tây mà trong sách vở thường gọi là hoa phượng hay phượng vĩ là màu tuổi học trò. Sân trường nào cũng có vài ba gốc phượng vừa để che bóng mát cho học trò vừa làm đẹp sân trường để rồi khi hè về đến lúc học trò phải chia tay nghỉ hè mà màu hoa phượng cứ man mác nỗi nhớ chẳng những lúc tuổi còn đi học mà dường như nỗi nhớ cứ theo hoài khi tuổi già và theo hoài cho tới cả đời…

                          Ngay cả bông của cây đủng đỉnh nằm bên bờ mương rồi cũng nở rộ, được kết thành rồng thành phụng cho ngày lễ tân hôn hoặc vu quy để thấy các chàng trai, cô gái quê mùa nên duyên chồng vợ sống tới trăm năm với lòng rộn ràng cho một đời sống mới bên luống cà hoặc bên vạt lúa chín vàng đồng...



                          Bông đủng đỉnh


                          Vườn sao vào mùa hè - Hình LT
                          Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                          Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                          ............



                          Can't Live Without...hehe...


                          Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                          Comment

                          Working...
                          X