Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lá thư từ Kinh Xáng (Phần 1)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Ồ những hình ánh trong bài post nầy thấy lạ quả
    Nhất là hình nầy

    mới nhjinf thấy mà hồn phắt bay theo mây luôn



    Comment


    • #17
      Nguyên Văn Bài Viết Của whitesky View Post
      Ồ những hình ánh trong bài post nầy thấy lạ quả
      Nhất là hình nầy

      mới nhjinf thấy mà hồn phắt bay theo mây luôn
      Phách chứ hổng phải phắt nghe Ms WS ( phách chắc là vía : lâu quá xài quen hổng nhớ nghĩa gì luôn)
      Ở VN ngừ ta quan niệm "vật dưỡng nhơn" tức là con vật trên trái đất này chỉ để nuôi sống con ngừ (coi con ngừ superior ghê chưa?) Nên như Bác nào trong này nói : con gì nhúc nhích đều quất tuốt (dĩ nhiên ngoại trừ con...bù lon)

      Comment


      • #18
        Ông lái đò & con sáo

        Lương Thư Trung
        E-mail
        Vào những ngày Tháng Hai, gió mùa lại về trên dòng sông Cửu Long làm những lượn sóng vỗ ào ào như một điệp khúc của một bản nhạc sóng trào. Ngọn sóng này bò lên mình ngọn sóng khác như trẻ con chạy giỡn trên cánh đồng còn gốc rạ sau mùa cắt gặt. Tiếng sóng đập vào mũi xuồng, mũi ghe ầm ầm làm tung tóe những bọt nước trắng xóa... Những lần có dịp bơi xuồng qua con sông Cái tại vàm Cái Sao hay ngang bắc Vàm Cống là người người qua sông không sao tránh khỏi những ngọn sóng bạc đầu làm chòng chành chiếc xuồng muốn nhào lăn, nhào lộn... Và rồi, con sông chảy ngang qua làng Tân Bình, nơi cái doi ông Tú Thường chèo đò cư ngụ với cái chòi nhỏ có từ lâu lắm rồi, cũng bị những ngọn gió từ ngoài sông Cái mang theo những ngọn sóng bỏ vòi...



        Cái bến đò chợ Cũ, có lẽ có từ lâu lắm rồi, từ những ngày người ta bắt đầu lập nơi vùng ngã ba nước chảy này một cái chợ làng. Nhưng, theo ông bà xưa kể lại, cái bãi đá xanh được xây bằng phẳng từ trên mé lộ đá chạy tới mé nước có từ thời người Pháp mở con đường lộ đá để các ông chánh tổng, ông huyện, ông phủ người Pháp đi bằng xe hơi qua vùng này về bên kia sông Tiền. Nay thì con đường lộ đá này đã bị bỏ từ lâu rồi, không còn chiếc xe hơi nào qua lại nữa. Con đường gồ ghề như một vết tích văn minh thời Tây đến miền quê Tân Bình nay trở thành con đường làng như mọi con đường làng trong vùng sông nước Cửu Long. Hai bên đường là nhà cửa của cư dân thưa thớt với những vườn chuối, vườn xoài, nhưng nhiều nhất có lẽ là những vườn trầu lá non vàng rực chạy xa dần đến miệt Cái Tàu Thượng, Tùng Sơn, Mỹ Luông, Chợ Thủ, Chợ Mới...

        Ngày lại ngày, bến đò chợ Cũ này người người qua lại dập dìu, nườm nượp, mà đông nhất, có lẽ là đám học trò trong làng. Những đứa học trò nhà quê này lúc nào cũng bước xuống chiếc ghe tam bản hai chèo của ông Tú Thường như ma rượt. Chúng cứ đùa giỡn, chạy rầm rập, nhiều lúc làm chiếc đò chòng chành, nghiêng qua nghiêng lại như lên đồng, lên cốt không bằng. Vậy mà ông Tú có la rầy gì đâu. Ông cứ mải miết ghì tay chèo và vui vẻ với mấy đứa học trò như con cháu của mình.



        Ông lái đò trên bến sông này được người qua lại gọi ông là ông Tú Thường với vẻ vừa kính trọng, vừa coi thường ông. Họ kính trọng vì ông là người có học. Quê hương ông Tú, được ông bà xưa kể lại ở đâu dưới miệt Cần Thơ, Ô Môn, rồi mới lưu lạc về đây từ lâu lắm. Nghe đâu thời Tây ông theo học tới bậc tú tài, nhưng sau đó bị Tây chích cho một mũi thuốc gì đó, nên làm cánh tay trái của ông Tú bị run run như ăn nhiều giò gà hồi còn nhỏ.

        Thế mà, ít khi nào người ta nghe ông nhắc về những ngày quá khứ xa xưa ấy. Đặc biệt, trong những câu chuyện đời qua lại với người khách chờ đò qua sông hay những cư dân nơi bến đò, ông Tú không bao giờ chêm vào bất cứ một câu tiếng Tây nào trong lời nói của mình. Ông Tú khác với nhiều người cùng thế hệ với ông thời đi lính tập cho Tây, hoặc nhiều người một thời làm thông ngôn, mỗi câu, chốc chốc lại xen vào những tiếng Tây lẻ loi mà nghe sao nó ngờ ngợ. Có lần ông Tú tâm sự: “Cũng vì ba cái chữ Tây mắc dịch này mà cánh tay tui muốn xụi lơ, nên tui ớn nó quá là ớn.” Kể ra thì ông Tú cũng còn may mắn hơn nhiều người đồng thời với ông mà học giỏi rồi cũng bị Tây dùng cách ám hại như ông. Nhớ hồi trước, khoảng thập niên năm mươi, có ông Kiên ở miệt Cần Thơ cũng bị Tây chích thuốc làm hai tay bị liệt, miệng méo xệch. Ông Kiên thường mang trước ngực tấm bảng có đeo một văn thư của chánh quyền tận trên Sài Gòn, được bọc nhựa như lời kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người cứu giúp những nạn nhân bị Tây ám hại như vậy. Và ông Kiên thường vào các trường học để nhờ giáo sư, học trò giúp chút đỉnh tiền. Lần nào cũng vậy, đám học trò nhỏ đều nhịn ăn quà vặt bỏ vào cái nón rơm trên tay run run của ông Kiên với lòng thương cảm của tuổi nhỏ đối với một người tài giỏi nhưng chẳng may lại bị ám hại.

        Nhiều người, trái lại, xem cái bề ngoài quan trọng, lại coi thường ông Tú vì ông vừa nghèo, vừa lừng khừng với áo quần rách vá lung tung. Hôm nào vui thì ông Tú chèo đò. Những chuyến đò qua sông vào lúc nước chảy xiết, nặng trịch tay chèo mà đò vẫn cứ trôi xa một đỗi. Loại ghe tam bản này nó chỉ có bánh lái nước khuất ngầm phía dưới, nên ông Tú phải vừa chèo vừa lái cho chiếc ghe theo hướng vào bờ bên kia sông. Nhưng nhiều lúc nước chảy mạnh cùng với gió chướng thổi giạt ngang nên ông Tú cực ơi là cực với con đò bé nhỏ đầy người qua sông vào những lần như vậy. Mỗi ngày, ông Tú mang theo một mo cơm với vài ba con cá lóc muối sả ớt chiên mỡ nguội ngắt. Và những bữa ăn thanh đạm như vậy đối với ông như một thức cao lương vừa miệng quanh năm. Ông Tú ít khi buồn phiền hay quan tâm về những việc ăn uống hằng ngày. Hôm nào bận bịu việc gì, ông chỉ cần bước vài bước lên cái chợ bên cạnh bến đò mua một gói xôi bánh phồng với màu lá cẩm tươi rói, rắc thêm vài muỗng đường cát mỡ gà ngà ngà vàng, trộn chút muối mè, vài lát dừa cứng cạy béo ngậy mới được bà bán xôi nạo bằng cái bàn nạo còn tươm chất béo của dừa.



        Vườn sao anh Chín (Rạch Dược, làng Tân Bình) (Hình do Lê Thạnh chụp)

        Đời sống nơi bến đò của ông Tú theo với từng con nước lớn, nước ròng, mùa nắng, mùa mưa cũng chừng ấy những ngày âm thầm trôi trên bến sông xưa. Người người qua lại tại bến sông này trên chiếc ghe tam bản hằng ngày, người ta cũng quen nhìn ông Tú chèo đò như quen những chuyến đò ngang bình thản theo dòng nước xuôi, nước ngược. Người ta không nghe ông Tú than mệt nhọc, nhưng dường như tuổi đời làm ông Tú uể oải đi nhiều. Nhiều lúc ông cũng muốn nghỉ luôn cái nghề dang nắng dầm mưa quanh năm này. Nhất là cái bến sông này, con đò nhỏ với đôi chèo mòn lẵn, với đám học trò nhà quê nghịch phá, với những chuyến đò sớm mai hay chạng vạng tối, tất cả như những cái gì thân thiết lắm đối với ông Tú. Hễ vắng đi một ngày, là ông thấy buồn quay quắt một ngày. Ngồi trong cái chòi che nắng mưa nơi vàm Tân Bình, ông Tú thấy như đời mình cô độc, lẻ loi.

        Ông chỉ còn biết làm bạn với con sáo có bộ lông màu tím sậm đen, cái mỏ màu vàng mà ông đã nuôi nó từ hồi mới vừa đủ lông cánh. Mỗi ngày ông Tú cho nó ăn vài trái ớt hiểm, mấy con cào cào, một chút cơm nguội hay trái chuối lá xiêm chín muồi. Khi con sáo vừa lớn với lông cánh đầy đặn, mỗi tháng ông Tú lột lưỡi cho con sáo một lần. Ông dùng cái móng tay út gỡ nhẹ cái màng mỏng nơi cái lưỡi già. Dường như con sáo bị đau rát nơi cái lưỡi nên nó rùng mình mấy cái khi ông Tú thả nó lại trong cái lồng bằng nan tre gai già bóng lưỡng để gần cái khạp nước nơi bụi tre xiêm. Ngày lại ngày, ông Tú nhớ những lần lột lưỡi đúng hạn kỳ và ông dạy con sáo nói được tiếng người. Lúc đầu tiếng nói còn ồ ề, không rõ ràng. Sau dần dần, con sáo nói rất nhanh dù chỉ nói có vài tiếng mà ông Tú đã dạy cho nó. Nếu gặp người lạ đi gần cái chòi, chưa kịp hỏi han gì, con sáo của ông Tú vội nhảy chờn vờn nói to lên “đò..., đò...”, “đò..., đò...”. Như vậy có nghĩa là Ông Tú đang chèo đò. Còn hôm nào, như mấy lúc sau này, ông Tú đi lượm trái sao, trái dầu, con sáo lại nói với người lạ đến gần nó “sao..., dầu...”, “sao..., dầu...” Từ ngày con sáo biết nói, ông Tú cưng nó lắm. Ông có thể nhịn ăn, nhưng những món ăn hằng ngày của con sáo, lúc nào ông Tú cũng lo cho nó thật đầy đủ. Kể cả nước cho con sáo tắm được chứa trong cái miểng lu bể, mỗi ngày ông cũng thay nước mới trong vắt. Bù lại mỗi lần ông Tú đi đâu về là con sáo mừng liến thoắng, bay nhảy trong cái lồng tre rầm rập. Ông Tú thấy con sáo mừng ông về, nên ông cũng vui vui trong bụng, rồi ghé ngang nhắc nhở nó những điều ông dạy: “đò..., đò...”, “đò..., đò...”, “sao..., dầu..., sao..., dầu..” và con sáo bắt đầu lặp lại “y chang” như vậy. Ông Tú lấy trong túi vài trái ớt hiểm đưa vào cái mỏ vàng vàng của nó. Con sáo nuốt những trái ớt hiểm thật ngon lành, hí hửng.

        Có một hôm, ông Tú bị bịnh cảm gió nặng lắm, tưởng đâu người ta không còn kịp cạo gió, chở ông vào nhà thương cấp cứu, có lẽ ông đã chết vào kỳ trúng gió độc ấy rồi. Và rồi, sau đó ông bình phục lại và trở lại với chiếc đò chèo ngày nào.
        Last edited by viet11; 10-04-2012, 10:24 PM.
        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
        ............



        Can't Live Without...hehe...


        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

        Comment


        • #19
          Ông lái đò & con sáo tiếp theo

          (Tiếp theo) Nhưng lần này, ông không chèo đò liên tục như mấy năm trước nữa. Ông chỉ chèo đò kiếm chút đỉnh tiền nuôi lấy miệng ăn vốn cũng chẳng tốn hao bao nhiêu. Với vài con cá muối chiên, thêm cái nồi cơm bằng đất mà người ta nắn từ ngoài hòn chở vô bán dập dìu trên các ghe đồ gốm, chai nước mắm cá linh, một ít muối hột Bạc Liêu, một mớ đọt khoai lang hoặc rau diệu, rau muống, rau má, hay đọt nhãn lồng, một mớ củi tre, một cái cà ràng, thế là ông Tú có một bữa cơm thanh đạm như mọi ngày.


          Do vậy, lúc sau này, thỉnh thoảng những người khách sang sông thấy vắng ông Tú nơi bến đò. Và rồi, đi ngang qua vàm sông này, ai cũng nhắc ông Tú. Những người qua sông thường nói với nhau: “Chắc ông Tú bữa nay đi trồng sao cho bá tánh.” Và dường như, người ta, ai cũng thấy mến người chèo đò già này đã quen thuộc với họ quá rồi. Những ngày nghỉ như vậy là những ngày ông Tú không thích bám chặt lấy dòng sông nữa. Ông Tú muốn đi lang thang khắp làng này qua làng nọ như đi chơi, đi dạo, hoặc đi thăm vườn tược, cây trái, rẫy bái, ruộng nương. Nhất là vào mùa hè, mùa bông sao, bông dầu bay bay như những con chuồn chuồn xòe cánh, như bầy chim én liệng rợp trời, ông Tú mang cái thúng về lượm bông sao, bông dầu đựng đầy cả thúng vun trùng. Và rồi, ông đem về giâm những trái sao, trái dầu cho hai cánh hướng lên trời trên một bãi đất bùn phía sau căn chòi ọp ẹp của ông. Những cánh bông sao rợp trên bãi bùn như những con chim sâu nhỏ đang sà xuống mổ những con kiến đất bò ngổn ngang. Khi những cây sao mọc cao vài tấc, ông Tú lại bứng những cây sao con này và bầu lại bằng những bẹ chuối hột, chất đầy chiếc xuồng cũ rong rêu đóng tua tủa bên trong cũng như hai bên be xuồng như những bộ râu ngà ngà vàng của ông Tú dài gần tới ngực. Bắt đầu những ngày đầu mùa mưa, ông Tú nghỉ chèo đò có khi đến năm ba ngày. Những ngày nghỉ như vậy, ông Tú chẳng rảnh rỗi chút nào. Ông Tú bơi những xuồng sao vô đình, chùa, miếu hoặc nơi nào ông Tú thích là ông cứ tấp xuồng vô bờ. Ông buộc sợi dây buộc xuồng bằng những lát bố da đánh xoăn lại và lại è ạch bưng lên từng thúng cây sao con, cây dầu con, rồi lui cui đào đào, xới xới mà đặt những cây sao ấy vào bất cứ nơi nào ông thích. Hoặc có khi ông Tú không cần giâm những bông sao lên cây con, mà ông cứ nhét những trái sao ông vừa lượm được đại đâu đó dọc hai bên con đường làng nơi ông đi qua, rồi tưới cho nó vài mủng dùa nước để cho đất mềm mềm. Thế là trái sao nẩy mầm và lên cây, ngấm mưa, ngấm nắng cứ tháng ngày qua mà lớn mau như một loài cây cỏ bị bỏ quên. Mọi người, ai ai cũng biết và gọi những cây sao, cây dầu mọc như vậy trong đình chùa, trong vườn tược, trong đất của mình là sao, là dầu của ông Tú Thường trồng cho bà con. Bây giờ có nhiều cây sao, cây dầu lớn có bề hoành đo được ba, bốn gang tay người lớn. Riêng ông Tú, chẳng bao giờ ông để tâm đến những cây sao, cây dầu mà ông đã trồng rải rác như vậy. Người ta không ai có thể đếm được ông Tú đã trồng được bao nhiêu cây sao cho thập phương bá tánh khắp nơi. Từ Định Yên, Cái Dầu, Tân Bình, Bàu Hút cho đến Hội An Đông, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Cái Nai, Xẻo Tre, Xẻo Đào... đâu đâu cũng có những cây sao, cây dầu cao lớn chót vót của ông Tú. Sau mỗi lần đi trồng sao về như vậy, thế nào ông Tú cũng có một mớ ớt hiểm mọc hoang trong các khu vườn vắng chủ, vài con châu chấu, vài con cào cào cho con sáo cưng của ông.

          Ngay tại vàm Tân Bình, dòng nước chảy làm xoáy lở để lòi ra những gốc tre đầy rễ già tua tủa. Cái chòi của ông Tú nằm thoi loi với bụi tre bông cản gió nằm xiên xiên như muốn ngã nhào xuống sông. Nơi này cũng có một cây sao lớn do ông Tú trồng từ hồi mới che chòi, có bề hoành bằng cái hũ đường, luôn che chở cái chòi của ông Tú trống trước, trống sau mát rượi vào mùa hè khi gió thổi là là qua mặt nước của con sông cặp hai bên hông...
          Dòng sông phía trước mặt chảy ngang qua căn chòi ông Tú dường như chẳng để lại cảm xúc gì. Nhưng bến sông, con đò, cái chòi cùng cuộc đời ông Tú Thường như một trong nhiều trạm đo mực nước lên cao xuống thấp hằng năm mà người ta thường đặt rải rác hai bên bờ con sông Cửu Long từ trên An Phú chạy dài xuống tới Cần Thơ bên này, Vĩnh Long bên kia, ra tới các cửa biển. Ông Tú nhìn thấy hết thời cuộc lướt qua vùng này như con nước sông trôi qua từng ngày để lại những ngấn nước nơi bến đò. Những thời kỳ 45 rồi 54, cho chí đến những năm tháng sau này, không một mảy may nào mà ông không chứng kiến. Trong dòng thế sự, nhiều lúc việc đời đổi thay, ngang trái quá đã làm ông bàng hoàng, rụng rời tay chân như cánh tay trái của ông run run theo tuổi đời buông thòng, mỏi mệt...

          Và rồi, một hôm, người quen trong xóm không nghe con sáo liến thoắng “đò..., đò...”, “đò..., đò...”, hay “sao..., dầu...”, “sao..., dầu...” nữa mặc dù người ta đến gần bên cái lồng của nó. Con sáo dường như co ro trong sắc mặt không vui . Nó chỉ chợt giựt mình khi thấy người quen lối xóm đến gần. Do tinh ý, người quen mới phát giác ông Tú nằm chết chèo queo trong cái chòi rách nơi vàm Tân Bình với lòng thương tiếc và quí mến một người chèo đò nghèo trên bến sông xưa. Bình sinh, ông Tú không làm buồn lòng bất cứ người nào dù người ấy sang sông với vẻ gấp rút, cằn nhằn đò ông qua chậm, qua nhanh. Người ta thông báo cho nhau về tin ông Tú Thường qua đời. Mọi người, khắp nơi nơi đổ xô về cái doi nơi căn chòi rách của ông Tú; kẻ tiền người của lo hòm rương chôn cất ông Tú thật chu đáo, tử tế như một lần được tỏ lòng nhớ ơn ông. Người ta, ai cũng mang ơn ông biết bao lần đưa họ qua bến sông xưa. Và dường như, khắp các làng quanh vùng chợ quận này, ai ai cũng đã có những cây sao, cây dầu dưới bến sông hoặc trong vườn, bên bờ mương mà hơn một lần ông Tú quá bước qua trước mảnh vườn của họ. Nhiều người cũng tỏ ra hối tiếc về một điều tưởng chừng không bao giờ còn có dịp nào để có thể thực hiện được. Họ tự trách mình nhiều lúc cũng quá vô tình. Phải chi lúc ông Tú Thường còn sống, có một người nào đó bán một cây sao hay cây dầu do ông trồng, rồi mang đến cho ông chút đỉnh tiền, có lẽ ông Tú đỡ cực nhọc với những ngày nắng mưa kiếm sống trên bến sông. Thông thường, khi người ta nhớ ra và hối tiếc về một điều sơ suất nào đó thì mọi điều đã muộn màng hết rồi. Bà con, ai cũng nhận ra con sáo buồn ủ rũ trong cái lồng tre bên bụi tre xiêm. Sau nhiều ý kiến, người nào cũng muốn đem con sáo về nuôi, nhưng có một cụ già râu tóc bạc phơ, chậm rãi đưa ra ý kiến là nên thả con sáo để cho nó bay tự do như làm phước. Ai ai cũng tiếc, nhưng rồi làm theo lời dạy của cụ già. Con sáo được thả ra bay vù lên bụi tre xiêm, đứng trên cái nhánh tre gần mái chòi nhìn xuống như nhớ về một điều gì. Con sáo vẫn im lặng và mọi người đang nhìn theo nó như chờ đợi nó bay đi luôn về cái chốn vườn cây của nó ở một nơi nào xa vời vợi... Nhưng con sáo vẫn đứng yên như chẳng muốn bay nhảy làm gì. Mọi người bàn tán với nhau: “Con sáo, nó nhớ ông Tú Thường.”



          Vàm Tân Bình và Xáng Lớn với doi ông Tú Thường.

          Vì bận rộn việc lo chôn cất ông Tú, nên người ta cũng quên luôn con sáo bay về đâu. Lạ lùng thay, khi gần đến giờ động quan, con sáo từ đâu lại sà xuống đậu vào cái nóc chòi của ông Tú làm mọi người có mặt vô cùng ngạc nhiên và xúc động về một nghĩa tình giữa người chủ già và con sáo nhỏ... Vả lại, ông Tú Thường như một người sống ở giữa chợ đời nhộn nhịp nhưng tâm ông bình thản lắm, nên làm sao mà người ta sánh kịp với ông về cái lòng nhân nghĩa được gói kín bằng chiếc áo rách chèo đò. Và rồi, thỉnh thoảng, một vài người trong xóm đi ngang qua bụi tre xiêm bên cái chòi ông Tú, lại gặp con sáo của ông đậu trên nhánh tre nơi cái lồng cũ nhưng không còn nghe nó nói “đò, đò”, “sao, dầu” như trước nữa.

          Từ dạo ấy, căn chòi của ông Tú Thường bị dây bìm bìm, hắc sửu, dây giác leo đầy, hoang vắng. Mọi người trong xóm đưa ra ý kiến mình nên dỡ căn chòi xếp lại và cùng nhau lập cái miễu thờ ông Tú dưới gốc cây sao như để tạ ơn ông. Chạng vạng nào, một cụ già tóc bạc phơ ở gần bến đò đều ra đây thắp một cây nhang cho ông Tú như một cái lệ sáng nào cụ cũng sang đò uống ly cà phê đen nhiều đường. Mỗi lần đi qua bến đò chợ quận này, hoặc đi ngang cái chòi cũ nơi mà bây giờ cái miễu nhỏ thờ ông Tú nằm dưới gốc cây sao, người ta mới sực nhận ra, trên đời này muốn sống được một đời thật bình thường như ông Tú Thường chèo đò, không phải ai cũng sống được!

          Và rồi, bẵng đi khá lâu, người ta không còn gặp con sáo của ông Tú trở lại bụi tre xiêm nơi cái chòi cũ nữa. Có lẽ, con sáo cũng đã già lắm rồi! Người ta không biết chắc có lần nào con sáo của ông Tú bay qua bên kia sông với chợ búa ồn ào hay không? Nhưng mọi người đinh ninh rằng nơi chợ búa náo nhiệt đó không phải là nơi chốn của nó được ăn những trái ớt hiểm, những trái chuối chín muồi, những con châu chấu, những con cào cào như hồi ông Tú Thường còn sống! Nhưng, một hôm, người con trai của cụ già hằng đêm thắp nhang trong cái miễu, trèo lên ngọn sao nơi cái doi ông Tú để chặt những nhánh sao um tùm làm củi và người ấy gặp một ổ sáo trên mấy cái nhánh cây nơi cháng ba cao vòi vọi. Con sáo mẹ giống hệt con sáo của ông Tú vụt bay ra một cái vù và trong ổ bằng cỏ khô còn lại một bầy sáo con vừa mới ra ràng, nằm cựa quậy há miệng kêu chíu chít chờ mẹ đút mồi! Người thanh niên đang leo trên đọt sao cảm thấy hai lòng bàn chân nhột nhột, chợt nhớ con sáo của ông Tú Thường, nên lật đật tuột xuống đất vì sợ con sáo bỏ ổ đi xa. Anh ngồi dưới gốc sao nghỉ mệt một hồi và chăm chú chờ con sáo mẹ bay trở về với bầy con trong cái ổ bằng cỏ khô ở trên cao...

          Gió đang thổi ngang qua dòng sông mát rượi ...
          Last edited by viet11; 13-04-2012, 11:42 PM.
          Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
          Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
          ............



          Can't Live Without...hehe...


          Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

          Comment


          • #20

            Mùa Xoài

            Lương Thư Trung

            Tháng Ba, tháng Tư âm lịch, miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lãnh, Sa Đéc đang vào mùa xoài. Tháng Giêng, tháng Hai, khắp nơi nơi, đâu đâu cũng thấy tràn ngập những vườn xoài đang trổ bông. Bông xoài đơm đầy nhánh, trổ rộ trên cành. Những nhánh bông xoài treo lòng thòng đầy những nhụy bông lấm tấm vàng, làm thành một không gian chập chùng những núi đồi nhấp nhô, những bờ cao, vườn thấp, ngập tràn cái hương thơm ngào ngạt của một loài hương đồng cỏ nội mà vùng vườn tược nơi này dâng hiến cho con người...


            Trúng mùa xoài

            Cái hương vị ngạt ngào độc đáo của bông xoài dường như không có hương thơm của mùa cây trái nào ở miệt vườn làm cho nó bị lẫn lộn được. Bông bưởi, bông chanh, bông cam, bông quít có cái hương thơm thanh nhã, sang trọng, bay xa mà nhẹ. Buổi sáng ra vườn cam, quít, bưởi, chanh, người ta có thể nghe cả khu vườn phảng phất một hương thơm tinh khiết, làm lâng lâng tâm hồn. Người ta có thể ngửi hương cau bay trong gió, nghe trong lòng rộn rã niềm vui mùa sáo cưỡng về lót ổ giữa nắng Hè. Người ta có thể nghe trong tiếng chuông chùa công phu buổi sớm, buổi chiều dường như lan xa trong xóm, trong làng cái hương nhẹ mà dịu của bông mận, bông lê, hoà cùng tiếng kinh, tiếng kệ nơi cổ tự, đượm chút gì hiền lành, ẩn dật. Nhưng mùi hương của bông xoài thì khác hẳn, ôi thôi nó chất phác biết dường nào. Xoài là loại cây trái bình dân nên cái bông của nó cũng có cái hương thơm của cái chơn chất bình dân tràn ngập...

            Qua khỏi những ngày bông xoài vàng nhánh là những nụ non kết trái lấm tấm khắp trên từng nhánh bông mới hôm qua, hôm kia còn vàng một màu vàng quyến rũ. Xoài đậu trái, quê tôi người ta gọi là xoài đang có trứng cá vì những nụ mầm li ti này giống như trứng cá vào mùa mưa khi cá sắp lên đồng quậy ổ để đẻ. Trứng cá xoài rồi lớn dần bằng hột cườm, bằng đầu đũa ăn, rồi bằng ngón tay út, ngón tay cái, ngón chưn cái, rồi bằng cườm tay. Những trái xoài lúc còn nhỏ tí ti này đều có giống nhau như đúc đó là chất chua.



            Rồi khi xoài lớn dần lên, mỗi giống xoài có cái nét chua khác nhau, nhiều khi chua biết ớn như xoài giấm chẳng hạn. Đặc điểm đáng lưu ý là khi xoài giấm già thì bớt chua đi nhiều; và khi nó chín mà nhất là lúc nó chín muồi, thì ôi thôi, chưa chắc loại xoài danh tiếng nào ngọt bằng nó.

            Có một giống xoài ít chua hơn, đó là xoài thanh ca. Xoài thanh ca có hai loại: thanh ca trắng và thanh ca đen. Xoài thanh ca trắng khi còn sống chua hơn. Và khi chín, xoài thanh ca đen cũng ngọt mặn hơn xoài thanh ca trắng.

            Xoài voi thì chua không kém gì xoài thanh ca nhưng trái lớn hơn xoài thanh ca nhiều; thịt xoài voi có thớ, chứa nhiều nước nên khi chín, xoài voi có hơi lạt, không ngọt gắt như xoài cát. Xoài voi cũng có hai loại: xoài voi đen và xoài voi trắng. Sở dĩ có tên gọi xoài voi và xoài thanh ca như vậy vì người nhà quê căn cứ vào cái vỏ. Vỏ xanh đậm thì gọi là xoài voi hay xoài thanh ca đen, vỏ xanh lợt thì gọi là xoài voi hay xoài thanh ca trắng.

            Xoài tượng khác với xoài voi dù “voi” hay “tượng” đều có nghĩa giống nhau. Mà thật ra gọi là xoài tượng vì trái xoài lớn và dài như chân tượng. Nhưng có lẽ tên gọi đúng với hình dạng và chất chua của loại xoài này lại là “xoài đu đủ”. Vì xoài này có nhiều trái giống như trái đu đủ và đặc biêt loại xoài này không chua như các giống xoài khác nên chỉ để ăn sống với nước mắm đường sắt là ngon tuyệt diệu.

            Gọi là xoài gòn vì trái nó giống như trái gòn. Thịt có nhiều sớ chạy dọc trong thịt xoài, nên ăn ít ngon miệng. Trái lại, có giống xoài hương, trái gần giống y chang trái xoài gòn, nhưng thịt lại mịn, ít chua và khi chín thì ăn ngọt và rất thơm nên nhà quê gọi là xoài hương.

            Xoài nghệ thì trái nhỏ bằng nắm tay như xoài giấm nhưng thịt vàng như nghệ. Khi chín xoài nghệ rất ngọt và thơm.
            Còn một loại xoài nữa không chua, ăn sống là hết sẩy, thịt xoài khi còn sống ăn nó giòn giòn, trái tròn tròn như củ khoai lang tháng hạn. Loại xoài này trồng để ăn sống, ít ai đem dú vì chín ăn không ngon bằng.

            Ở miệt Long Xuyên, trước năm 1960, chưa có xoài cát. Xoài cát lúc bấy giờ có nhiều ở vùng Giáo Đức, Bắc Mỹ Thuận. Về sau, ghe miệt vườn vùng Vĩnh Long, Bến Tre đem cây giống xoài cát miệt dưới lên bán trên này, nên mấy năm sau miệt Long Xuyên có thêm nhiều vườn xoài cát.

            Trồng xoài bằng hột, thường lấy hột xoài ngon, phơi khô, lấy dao chặt hai đầu, lột vỏ, đặt hột xoài trong ống tre đựng đất sông phơi khô cho tơi ra, đem đặt gần lu nước hay góc vườn nào đó, rồi tưới nước cho hột xoài nứt nanh và thành cây. Khi thấy cây xoài con đủ sức ra sống nơi đất vườn là người nhà quê mới đem xoài ra trồng. Trồng xoài bằng cây con, nếu đất tốt, khoảng 5 năm là có trái.



            [COLOR="Black"]Trái lại, sau này miệt Vĩnh Long, Bến Tre chế ra cách ghép tháp cây giống, đặc biệt là ghép tháp xoài cát. Loại này khi mua về trồng rất mau có trái. Vì là cây tháp nên tàn cây không cao, nhánh cây ít, do vậy xoài tháp trồng tuy trái thấy đơm cây như vậy nhưng bẻ xuống không nhiều như xoài trồng bằng hột. Sức sống của loại cây ghép tháp này cũng hổng bằng loại trồng bằng hột. Nó chỉ có cái lợi duy nhứt là trồng mau ăn.

            Trồng xoài bằng hột như đã nói khoảng 5 năm mới có trái, nếu là đất tốt, tức là lâu ăn; nên dân quê thường nói “trẻ trồng xoài, già trồng chuối” là vậy. Người già mà trồng xoài chỉ với mục đích duy nhứt là trồng cho con cháu đời sau có mà ăn với đời. Người nhà quê xưa thâm thúy thay!

            Xoài cát trúng mùa

            Thuở nhỏ, lúc còn đi học sơ học, vào mùa xoài, lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng có gói muối ớt trong chiếc cặp đệm để ăn với xoài sống. Xoài sống lượm được thời ấy thường là xoài thanh ca trái bằng cườm tay, phủi bụi cho sạch rồi kê vô gốc xoài đập mạnh một cái. Trái xoài nứt ra nhiều miếng và cứ thế tách ra chấm với muối ớt mà ăn ngon lành. Không cao lương mỹ vị gì mà tới ngày nay tuổi đời đã già rồi mà vẫn còn nhớ những đứa bé nhà quê đi học lượm xoài ăn dọc đường như vậy. Nhớ lắm tuổi ấu thơ ơi !
            Vào mùa xoài, có cái vui nhứt là lượm xoài vào những buổi mưa dông. Trời mưa dông, tụi nhỏ chúng tôi bắt đầu mỗi đứa một cái rổ đứng ngay dưới gốc xoài nào nhiều trái. Và cứ thế gió đưa, gió đẩy nhằm thử sức bền dai của các cuống treo các chùm xoài tòn ten. Thế rồi chỗ này xoài rụng, chỗ kia xoài rụng. Có khi tàn cơn dông, xoài lượm đầy rổ hoặc tràn cả rổ mang về không hết. Lượm xoài rụng thì lượm nhiều như vậy nhưng về nhà có khi bỏ lăn bỏ lóc đâu có ai ăn.

            Đến mùa xoài, đi đâu bạn cũng thấy xoài. Bơi xuồng dưới sông xoài lòng thòng sát mặt nước. Đi bộ trên đường làng, những chùm xoài treo tòn ten như mời gọi khách bộ hành. Nhưng những năm tháng xa xưa ấy, cây ai nấy trồng, xoài ai nấy hái, không ai ăn trộm ăn cắp của ai. Và xoài phơi trái đầy đường mà không phải rào rạu gì. Trên đường Long Xuyên đi Châu Đốc, khúc gần cầu Mương Trâu, sắp sửa tới ngã ba lộ tẻ Tri Tôn - Mặc Cần Dưng, có một vườn xoài nổi tiếng trong vùng. Thời ấy tiền bạc còn mắc mỏ mà vườn xoài này bán cả mấy chục ngàn đồng, trong khi đó nhiều vườn xoài lớn vùng Lấp Vò rất trúng mùa nhưng cũng chỉ bán được năm mười ngàn đồng là nhiều. Và ở Rạch Gòi Lớn cách Long Xuyên chừng sáu bảy cây số về hướng bắc Vàm Cống có vườn xoài của ông Trường tiền Hỹ cũng sầm uất không kém. Đây là vườn xoài cát lớn nhứt vùng vào thời ấy. (Sở dĩ gọi ông Trường tiền Hỹ vì ông tên Hỹ và làm Trưởng ty Công Chánh tỉnh An Giang lúc bấy giờ). Những thân xoài thấp vì đa số cây giống là xoài tháp, nên trái loà xoà sát mé mương vườn, nhìn mà biết mê.

            Vào mùa xoài, dù là chợ quê, chợ làng, chợ quận, chợ tỉnh, đâu đâu cũng đầy chợ xoài. Hồi đó bán xoài bằng chục. Miệt quê tôi tính chục 12 trái, còn gọi là chục có đầu, ít khi nào bán chục 10 trái, còn gọi là chục trơn. Rồi sau này nhiều bạn hàng vì muốn bán xoài nhanh để tránh xoài chín rộ bán không kịp, người ta tăng chục lên nhiều trái hơn như chục 14, chục 16, hay chục 18, nhưng chục 20 là tối đa. Tuy vậy cũng ít khi thấy ai bán chục 20 trái vì chung qui, chục loại nào thì giá tiền cũng tương đương với giá ngoài chợ, không rẻ hơn bao nhiêu.

            Nhưng vào mùa xoài mà không nhắc xoài chín cây là chưa đủ. Khi xoài già và bắt đầu có trái chín cây lai rai, thì ban ngày có chim trau trảu, ban đêm có dơi dạo quanh vườn xoài. Các giống này khôn lắm và chúng cứ lựa trái xoài nào đỏ ức là chúng lấy mỏ mà mổ. Trái xoài đong đưa qua lại vài bận, có khi vết mổ gần sát cuống, dù trời đang đứng gió, xoài vẫn rụng cái bịch... Dù bạn đang nằm ngủ nửa đêm bạn cũng lồm cồm ngồi dậy xách cái đèn hột vịt ra lượm trái xoài vừa rụng. Dù nhiều lúc bạn không ăn xoài chín cây rụng, nhưng cái hấp lực của xoài chín rụng làm bạn không cách nào từ chối mà lạnh lùng ngồi đó chờ trái xoài chín khác rụng tiếp được.

            Ở Bắc Mỹ Thuận vào dạo ấy họ bán trái cây như xoài, ổi, mận và họ đựng trong cái xây. Hình dạng cái xây giống như cái sề nhỏ, đương bằng tre trẹt đít. Mua trái cây ở đây thường người mua bị lầm vì họ chất trái hư, trái nhỏ ở dưới đáy xây, nên nếu không để ý kỹ, mua về một xây ổi, một xây xoài chỉ ăn được một nửa. Còn lại phải vứt bỏ vì trái cây bị hư, bị giòi đục. Sở dĩ có tình trạng này là vì hành khách qua đò là khách hàng lạ và đi gấp, nên có khi xe qua bắc nhanh chưa kịp lựa hàng thì bạn hàng đã hối trả tiền rồi. Do vậy, mà ai đi ngang qua bắc này nhiều lần thế nào rồi cũng có lúc bị bạn hàng bán trái cây gạt một lần, khó tránh khỏi. Ngày nay bắc Mỹ Thuận nằm yên trong ký ức ngày xưa rồi, nhưng có lẽ cảnh mua trái cây ở đây mỗi lần qua bắc quả là những kỷ niệm khó quên khi nghĩ về một thời xa lắc ấy.

            Dường như khoa học ngày càng tiến bộ càng làm cho miệt nhà quê không tránh khỏi những thay đổi mùa màng. Ngày nay mùa xoài không còn nhất thiết vào mùa Hè, mà nó có rải rác khắp những ngày mùa nước lên, mùa tết hoặc mùa nào lá xoài thấy chưa ra lá non, là người ta xịt thuốc kích thích cho nó ra bông, rồi xịt thuốc dưỡng bông, dưỡng trái. Thế là có mùa xoài. Xoài ngày nay cũng không còn bán chục trơn hay chục có đầu như xưa mà cân bằng kilô và tính tiền theo số ký.



            Xoài cát Hoà Lộc

            Ngày xưa, chủ vườn muốn kêu lái bán xoài, trước hết đếm thử một nhánh xoài trung bình coi được bao nhiêu trái. Rồi sau đó đếm nhánh cây, và rồi nhơn ra mà tính số thành, coi xem vườn mình có mấy thiên xoài. Thiên là ngàn trái. Thiên có đầu là 1,200 trái hoặc 1,600 trái tùy theo chục 12 hay chục 16. Vậy mà rồi dưới con mắt nhà nghề của chủ vườn và con mắt chuyên nghiệp của lái buôn thường cũng không sai chạy con số trái là bao nhiêu. Thường chủ vườn ngày xưa hay lấy câu “cây nhà lá vườn” làm chuẩn nên bán có lầm đôi chút cũng hổng đến đỗi nào. Và lái buôn nào mua bán tử tế với chủ vườn và nghĩ đến công lao săn sóc, giữ gìn cây trái ít bị thất thoát, thường mỗi lần ghé thăm chủ vườn nhớ mua cho vài lượng trà hay gói thuốc rê, thì chắc mùa xoài năm sau, chủ vườn sẽ dành ưu tiên cho mình mở hàng trước nhứt.

            Việc buôn bán, mà nhứt là buôn bán ở nhà quê lấy cái chơn thực làm cái thước đo lòng tử tế. Mọi ý nghĩ sẽ lừa dối nhau dường như không có mặt trong cách buôn bán này. Do vậy chủ vườn nào mà đã nhận tiền đặt cọc của lái buôn rồi, họ sẽ còn cực hơn hồi vườn xoài chưa bán vì họ sợ hao hớt về gió rụng, về trẻ con bẻ phá hay về bất cứ lẽ gì đi chăng nữa đều làm họ rất khó chịu, mất ngủ. Mùa xoài cũng là mùa chủ vườn hay mất ngủ là vậy. Ngày nay, xoài cân ký, việc còn mất không quan trọng nữa vì còn nhiều thì mình ít lỗ, rủi ro có hao hụt chút ít thì chờ mùa tới, và cái thước đo về lòng tử tế của chủ vườn có cái cân đo giùm rồi, không việc gì phải lo đến mất ngủ như ngày xưa nữa...



            Về cách ăn xoài, loại trái cây mà từ hồi đời ngày xưa Lê Quý Đôn đã phải công nhận là loại trái ngon nhứt rồi *, thì ăn cách nào cũng ngon. Không câu nệ phải gọt xoài như thế này hoặc thế khác, đó chẳng qua là kiểu cách của người thành thị sợ dính tay. Người nhà quê ăn là lấy no, nên có khi gọt xoài ăn với cơm. Trưa trưa, ngồi buồn miệng, lấy trái xoài chín khỏi cần dao gọt vỏ mà chỉ lột vỏ và cạp vài miếng là xong; rồi lại lu nước lạnh bên hiên nhà múc một gáo nước rửa tay là có một bụng xoài thơm râu, thơm miệng rồi. Nhưng không mấy ai ăn xoài quá hai ba trái vì xoài ăn nhiều dễ bị nặng bụng và nóng hai con mắt, làm mắt bị đổ ghèn.

            Mùa xoài coi vậy mà ngày xưa có liên quan tới mùa lúa. Năm nào mùa xoài trúng thì y như rằng năm đó thất mùa lúa và ngược lại năm nào lúa trúng mùa thì nhà vườn lại thèm xoài. Cái gì cũng có thuận và khắc với nhau ráo trọi. Hồi xưa làm ruộng và trồng xoài là cứ phú cho trời nên thường gặp những bất cập như vậy. Ngày nay nhờ có thuốc trừ sâu rầy nên lúa hay xoài gì thì mạnh ai lo có trái theo mùa của mình, không còn chờ gió đưa hương, dù là hương lúa mới hay hương bông xoài đang vào mùa thơm bát ngát trời đất như xưa nữa!

            LTT
            (Trích trong “Mùa Màng Ngày Cũ”,Thư Ấn Quán phát hành tháng 2 năm 2011, trang 11-21)

            Phụ chú:
            (*) Theo “Vân Đoài Loại Ngữ” của Lê Qúy Đôn, chương IX, mục 154, sách Nhất Thống Chí: “Yêm la (quả xoài), tục gọi là hương cái, là thứ ngon nhất trong các loại quả.” Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Việt Nam, năm 2006.
            Last edited by viet11; 20-04-2012, 09:41 PM.
            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
            ............



            Can't Live Without...hehe...


            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

            Comment


            • #21
              Tuổi thơ & Con đường đi học

              Lương Thư Trung
              Cánh đồng ruộng vào tháng ba khô chan chát. Những luống đất cày như những lượn sóng nối tiếp úp mặt vào nhau làm thành những căn nhà cho mấy chú dế mun, dế lửa đầy đồng. Tiếng dế thi đua nhau gáy từ những căn nhà khuất lấp dưới những luống cày như vậy vang vang thánh thót giữa những cánh đồng mùa nắng, đã làm cho bầu trời cao rộng với những ánh sao nhấp nháy trong màng mắt vì nắng gắt bỗng dịu mát lại với lòng đam mê bắt dế của tuổi ấu thơ...


              Tôi mê dế từ những ngày chưa biết đi học. Những ngày tháng ấy hồn nhiên lắm! Sáng sớm vừa chợp mắt thức dậy là chạy ra cánh đồng, tay cầm cái hộp bằng thiếc mà mẹ tôi để dành đựng kim chỉ vá may. Lần mò theo tiếng dế gáy, hai tay bé nhỏ của đứa trẻ lật những mảng đất cày ngược lại để tìm những chú dế đang ẩn núp đâu đó. Nào là dế lửa với đôi cánh mỏng màu đỏ rực như than hồng đang cháy, có cặp râu dài. Nào là những chú dế mun màu sắc đen tuyền lấp lánh như những cục than đước, loại than mà tôi còn nhớ mỗi lần nướng bánh bông lan, mẹ tôi thường mua về để dành năm ba ký, nên lúc nào cũng có dưới khuôn bếp. Rồi những chú dế trụi với thân mình trần trụi không có một tí cánh mỏng che thân; đôi lúc tụi nhỏ chúng tôi gọi loại dế này là dế mọi vì nghe người lớn cũng thường gọi như vậy. Nhưng có lẽ mấy chị dế mái là hiền từ. Chúng tôi không nghe dế mái gáy bao giờ và cũng không biết đá như dế trống, nên chúng tôi không bao giờ bắt dế mái làm gì. Những chú dế được bắt bỏ vào cái hộp thiếc là những con dế tuyển, có cái đầu to với đôi hàm bén ngót, có đôi râu dài lóng lánh màu đen như những sợi tóc mai, có đôi cánh mỏng mà mỗi lần dế hăng lên đôi cánh ấy được căng lên như cái loa phát ra những tiếng gáy “reng reng” làm cho đối phương hoảng sợ, có đôi chân sau vừa nhỏ, vừa bén chắc, vừa nhanh nhẹn... Khi mang dế về nhà, tôi len lén đi vào trong bếp rồi tìm mấy cái lon sữa bò mẹ tôi thường để trong chiếc giỏ đệm treo tòn ten nơi chái bếp. Căn nhà mới của mỗi chú dế là cái lon sữa bò cũ đó. Tôi cẩn thận cho vào một vài cục đất nhỏ, mấy ngọn cỏ chỉ non cho dế ăn và đậy nắp lại bằng miếng giấy dày có khoét vài lỗ nhỏ cho không khí lọt vào để dế thở. Những lon dế giấu kín dưới nhà bếp, trong kẹt tủ mà rồi cũng gáy vang vang đầy nhà. Và tôi lại mê dế cho tới những ngày đi học sau này ở trường làng.




              Đá dế

              Nhớ ngày ấy, xa xưa lắm, chị tôi nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng vào dịp tựu trường. Một tay tôi nắm tay chị, còn tay kia cầm ổ bánh mì, mắt tôi cứ nhòe nước mắt. Lần ấy tôi cứ dằng tay chị tôi lại, không chịu vào lớp. Dường như đứa bé nhà quê nào ngày đầu ôm tập đến trường cũng có cùng trạng huống như tôi. Vừa lạ, vừa sợ, vừa nhút nhát là đặc tính của những đứa bé nhà quê lần đầu đi học đến dễ thương nhưng đôi lúc cũng làm cho người lớn nổi giận vì cứ khóc thút thít hoài dỗ không chịu nín. Thế rồi tôi cũng phải vào lớp học với lời dỗ dịu ngọt của chị tôi nhưng đôi mắt trẻ thơ đầy nước mắt cứ đăm đăm nhìn ra ngoài sân trường nơi chị tôi đang chờ tôi ngoài cổng. Như vậy là tôi bắt đầu đi học từ ấy, năm tôi lên bảy tuổi. Vị thầy giáo dạy cho tôi những mẫu tự A, B, C... đầu tiên là thầy Cầm. Ngày trước ở nhà quê, trong xóm ngoài làng người ta xưng tụng với thầy giáo bằng tên thật kèm với hai chữ “thầy giáo” hoặc chữ “thầy” gọn lỏn nhưng đầy vẻ kính trọng mặc dù không gọi thầy với cả tên lẫn họ. Ví như, thầy giáo Ngân, thầy Chánh, thầy Nhì, thầy Trang, thầy Cầm một cách thân tình mà quí trọng. Dù gặp các thầy bất cứ ở đâu, bất cứ trong trường hợp nào cả phụ huynh cùng học trò đều lễ phép cúi đầu chào thầy một cách kính cẩn, trọng nể.


              Tôi còn nhớ ngôi trường làng bé nhỏ của tôi gồm ba lớp học nằm lẩn khuất dưới bóng cây dầu cao lêu nghêu. Những cây xoan tây bông trắng tỏa hương thơm, những hàng phượng vĩ xanh quanh năm phía trước sân trường, mùa hè nào cũng nở những chùm hoa đỏ rực làm cho sân trường luôn luôn mát rượi. Mái trường bằng lá tàu, một loại lá dừa nước được xé ra làm đôi bắt đầu từ ngọn lá. Vách trường vừng cao ngang ngực, cũng bằng loại lá dừa nước nhưng những phiến lá mỏng được chằm lại với những sợi lạt cờ bắp bằng ngọn dừa nước. Phía trên là mặt khại với những miếng tre đóng thành những hình thoi được sơn màu đỏ sậm.

              Ngôi trường của tôi nằm trên nền cao của ngôi chùa Miên bỏ hoang lâu đời. Phía bên kia con rạch Vàm Nha là ngôi chùa Kỳ Viên với vị sư trụ trì già đức độ mà dân trong làng quen gọi với vẻ tôn kính “Thầy Kỳ Viên”. Mỗi sáng, mỗi trưa vào giờ ngọ, mỗi chiều vào giờ công phu, tiếng chuông chùa ngân nga len lỏi qua từng kẽ lá vẳng đưa đến lớp học như những âm thanh quen thuộc mỗi ngày chạy tràn vào lớp học trường làng.

              Tuổi thơ của tôi thật hồn nhiên với những ngày mới đi học. Sáng nào, mẹ tôi cũng nấu sẵn nồi cháo trắng với vài khứa cá lóc kho khô để cho tôi ăn lót lòng trước khi đến trường. Mẹ tôi căn dặn con ráng học vì thầy giáo Ngân khó lắm và cũng đánh học trò bằng roi mây lớn bằng ngón tay. Thật ra, đó chỉ là lời căn dặn thường lệ của mẹ; nhưng tận trong lòng là mẹ tôi cưng con, muốn cho con mình là đứa con ngoan ngoãn và siêng học. Mỗi ngày tôi thường đi học theo con đường làng sầm uất rợp bóng những cây xoài, cây vú sữa với một bên là bờ sông, một bên là những căn nhà sàn cao khỏi đầu như một nét riêng biệt về nhà ở của vùng quê ngoại tôi hầu tránh những tháng nước ngập lụt vào mùa mưa. Bận đi, tôi phải đi bộ qua cầu nhà lầu. Nơi đây là ngôi nhà lầu cao của một người Tàu mà cũng là địa chủ vùng Bình Hoà này. Lúc bấy giờ chỉ còn lại nền gạch vụn hoang phế với những cây thù lù, dây nhãn lồng, dây bìm bìm, hắc sửu mọc đầy cùng bờ tường phía trước mặt cao lêu nghêu với nhiều viên đá hoa cẩn đầy, những bậc tam cấp, cửa ngõ với hai trụ hai bên để hai ngọn đèn Hoa Kỳ như di tích một thời hưng thịnh của một ông chủ ruộng vùng đồng bằng.

              Vào tháng nước đổ, dưới dạ cầu là dòng nước chảy xiết đầy những con cá lòng tong mương, những con cá ngựa với chiếc kỳ đỏ au lội ngược nước rượt đuổi mấy chú cá lòng tong bay làm cho dòng nước văng tung tóe như những nụ cười đùa giỡn của loài cá đầy những chiếc xương nạng này; một loại xương mà mỗi lần mẹ tôi mua loại cá này về nấu canh chua thường nhắc nhở chị em tôi ăn coi chừng mắc xương. Nhớ có lần ông nội tôi bị mắc loại xương cá ngựa mà không cách gì lấy xương ra được. Chạy thầy đối đế nhưng cái xương nạng dài thượt vẫn còn nằm trong cổ họng mấy ngày. Sau cùng ông tôi bảo ra tiệm thuốc bắc mua vảy con trúc, về đốt thành than rồi tán nhuyễn và dùng ống trúc vạt mỏ vịt, để tro của vảy con trúc vào ống mà thổi vào miệng. Vậy mà ông tôi sặc ra được cái xương nạng con cá ngựa dài có tới hơn ba phân mắc ngay thực quản mấy ngày trời.


              Qua khỏi cầu nhà lầu, tôi theo mấy đứa bé trong xóm lũ lượt đi trên con đường làng dài hơn hai cây số như vậy đi ngang ngôi chùa Tân An Tự với cột phướn cao trước sân chùa treo lủng lẳng lá phướn màu đỏ dài chấm đất vào những ngày rằm lớn. Bến chùa là chiếc cầu mát lợp bằng ngói âm dương de ra dòng sông bên gốc bồ đề cổ thụ um tùm những tán lá xanh quanh năm. Nhớ có lần đi học còn sớm, chúng tôi rủ nhau ghé lại chùa xem con qui nằm nơi hậu liêu, xem ông Phật Mười Tám Tay, ông Tiêu le lưỡi dài. Chúng tôi ra phía hông chùa lượm những bông mận, bông lê thơm một mùi thơm thật ngạt ngào làm trái vụ bỏ đầy cặp. Hồ sen phía sau chùa nở những cánh hoa trắng với nhụy hoa vàng vượt lên trên nền lá xanh tròn che khuất mặt nước. Rải rác mấy gương sen non đầy hạt hướng mặt lên nền trời cao như những đóa hoa quỳ hướng mặt về vầng thái dương. Năm ba ngọn tháp hình lục giác cao nhiều tầng là những ngôi bảo tháp mà bên trong là xác thân trần phàm của các sư cụ trụ trì chùa này đã viên tịch. Điều đó cho thấy ngôi Tân An Tự này là ngôi cổ tự, đã có từ lâu lắm rồi với phong cảnh xung quanh thật là u tịch, trang nghiêm.

              Cánh đồng tháng ba khô khốc. Vào buổi chiều còn phảng phất mùi khói đốt đồng từ dưới kinh xáng Bốn Tổng hoặc miệt Đìa Bèo theo gió chạy tràn về tới tận mé vườn tre làm cho cảnh vật thêm rạo rực vào mùa cày bừa phơi đất sau những ngày cắt gặt mỏi mệt. Đây tát đìa, kia bắt lóng, người đâm lươn, kẻ gánh cá, đâu đâu cũng vui tươi nhộn nhịp thái bình. Chúng tôi đi học về cũng men theo những xe bò kéo cá về nhà nhiều lần tối mịt.



              Thuở nhỏ đi học như đi chơi, vậy mà bài nào cũng thuộc nằm lòng. Thầy tôi luôn cho điểm cao bằng cây viết chấm mực đỏ. Lúc bấy giờ học vần xuôi, vần ngược, cửu chương, Quốc văn Giáo Khoa Thư, vài ba chữ Tây nữa. Nhưng có lẽ hồi đó tôi thích nhất mấy chữ Tây vỡ lòng dễ nhớ nhất này: mon père, ma mère, mon frère, ma soeur... mà mỗi lần đi bắt dế, thả diều hay bắt ổ cu, ổ chim tôi đọc lầm thầm mon père là cha tôi, ma mère là mẹ tôi, ma soeur là chị tôi, mon frère là anh tôi, đến nằm lòng. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi miên man nghĩ ra một điều nhỏ nhoi về giá trị của sự bắt đầu. Tuổi thơ bắt đầu đi học bằng những chữ vỡ lòng và chữ vỡ lòng nào cũng bắt đầu dạy về yêu thương, về lòng biết ơn, về sự trong sáng, hiền hòa, ấm áp, dễ thương biết bao! “Cha tôi, mẹ tôi, chị tôi, anh tôi” không phải là những chữ nghĩa diễn đạt những tình tự thiêng liêng để cho tuổi thơ nhận ra rằng cha, mẹ, anh, chị là những chất liệu ngọt ngào, ấm áp thì còn là gì nữa ở trên đời này!?

              Thầy Cầm hiền khô dạy lớp Năm. Thầy Trang dạy lớp Tư không bao giờ biết cầm chiếc roi mây dài để đánh vào mông học trò. Thầy Ngân dạy lớp Ba, nghiêm ơi là nghiêm; học trò đứa nào học đến lớp của thầy cũng xanh mặt. Trường làng tôi chỉ có ba lớp và ba thầy giáo dạy hoài như vậy, nên chúng tôi đứa nào cũng phải qua ba bậc như ba nấc thang. Sau khi đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu Học vào cuối năm học lớp Ba, chúng tôi tiếp tục lên lớp Nhì, lớp Nhất tại trường tiểu học bổ túc Bình Hòa. Ngôi trường gạch quét vôi vàng nằm cạnh ngôi đình thờ vị Thần linh nhất vùng quê này. Giữa sân trường là cột cờ cao vòi vọi cắm giữa vòng tròn cẩn gạch xung quanh trồng đầy hoa mười giờ xen kẽ những luống rau diệu tía màu đỏ thẫm. Mỗi sáng, khi mặt trời vừa lên khỏi rặng cây phía trước sân trường, những cánh hoa mười giờ màu tím dưới chân cột cờ bắt đầu nở rộ.



              Một lớp học xưa (Nguồn Mộc Nhân Lê Đức Thịnh)

              Lên tới lớp Nhì tôi học với thầy Nhì, khó ơi là khó! Trên bàn thầy lúc nào cũng có một củ tre để thầy sẵn sàng gõ vào đầu cốc cốc đau điếng. Thêm một cây thước bảng dày một phân, dài năm tấc luôn để lại trên bàn tay tuổi thơ những vết tích đỏ bầm. Vậy mà rồi cuối năm học, chúng tôi đứa nào cũng được lên lớp Nhất và không bao giờ biết giận thầy, mà thương thầy ngày một già thêm, mệt mỏi thêm. Lớp Nhất trường này do thầy Chánh dạy. Thầy Chánh lại làm Hiệu Trưởng nữa, nên thầy rất nghiêm với tất cả học trò của trường, không riêng gì lớp Nhất. Thầy hiệu trưởng khó có tiếng, cả làng đều biết. Giờ thầy dạy, lớp học như đêm dài qua chậm, con muỗi cắn còn chưa dám đuổi chứ đừng nói đập cho nó một cái chách lên da. Ngày nào thầy cũng dọn bài và ngày nào thầy cũng giận học trò vì không thuộc bài. Như một thói quen, trước khi mở sổ điểm danh để kêu tên học trò dọn bài, thầy Chánh cởi tất cả những gì thầy đeo trên tay như cà rá, đồng hồ. Cùng lúc ấy chúng tôi hồi hộp, trái tim đập ầm ầm mà xanh mặt. Vì lần nào cũng như lần nào, thầy tôi giận lên là đánh những bạt tai năm ngón rành rạnh lên mặt học trò nên thầy sợ đeo cà rá, đồng hồ gây thương tích cho học trò của mình. Đôi lúc thầy bắt học trò nằm dài trên nền gạch tàu hứng những lằn roi mây đau điếng mà rươm rướm nước mắt cúi đầu chào thầy ôm tập về chỗ ngồi. Có một điều kỳ lạ là cha mẹ nào cũng muốn cho con mình học lớp Nhất của thầy Chánh và học trò của thầy không bao giờ biết oán trách thầy, trái lại yêu kính thầy mãi mãi dù sau này thành người, lớn khôn ra đời làm việc.

              Nhắc lớp Nhì, lớp Nhất, con đường đi học của tuổi thơ tôi cũng dài thêm và nhiều lần hồi hộp. Tôi phải đi bộ xa hơn và dĩ nhiên tôi vẫn còn ấu thơ nên ổ chim sẻ trên mái trường lợp ngói đỏ chót làm cho những lằn roi mây của thầy tôi bớt đau, những bạt tai của thầy tôi bớt rát. Rồi những câu chuyện cổ tích về cây đèn Thần, chiếc nhẫn Thần được thầy Nhì kể làm lớp học bớt buồn xo vì những củ tre thầy vừa gõ gõ lên đầu vào buổi sáng. Mỗi ngày tôi phải đi ngang qua chùa Hòa An nằm phía bên kia sông bất động, bên này là một đồn canh của lính giáo phái Hòa Hảo. Mỗi ngày tuổi nhỏ của tôi thấp thỏm đi ngang qua đồn lính. Rồi những trái khế vàng ửng rớt đầy bên Thánh Thất Cao Đài với những cánh hoa hướng dương vàng rực gần mương hội đồng như những chặng đường tuổi nhỏ của tôi ngày xưa ấy rong chơi vô tư lự đến thần tiên. Chúng tôi lại phải nhắm mắt chạy qua một khúc đường vắng ngắt khỏi vườn thầy Đạt, cách Thánh thất Cao Đài vài trăm thước vì nghe đồn đãi rằng khúc vắng có ma. Ở nhà quê, dường như ai cũng tin về những điều huyền bí dù nhiều lúc không có thật, nhưng nói hoài thành linh hiển, có thật. Rồi vậy mà tin, người lớn không ai giải thích, trẻ con thì lại sợ mất hồn, mất vía nhưng cũng thích nghe kể chuyện ma vào ban đêm nhưng không đứa nào dám ngồi thòng hai chân xuống đất.

              Mặc dù học lớp Nhì, lớp Nhất, thầy tôi khó “giàn trời mây”, nhưng tôi cũng mê những trò chơi ở nhà quê. Nào là chơi u hấp té giập môi, nào là thảy đáo với những đồng tiền bằng ngói đỏ mài tròn lẵn quí như tiền thật, nào là nắn con tu hú bằng đất sét thổi chơi mỏi miệng mà không chán. Tôi cũng mê bắt những ổ chim dòng dọc treo tòn ten trên bụi mây gai làm bằng những lá sậy được giống chim bé nhỏ này dùng cái mỏ nhỏ xíu của nó tước những cọng dây thật mịn màng. Những ổ chim này làm giày mang thật êm chân. Chiều nào, chúng tôi cũng rủ nhau ra sân lúa chia hai đội đá banh với trái banh làm bằng những bẹ chuối hột bó rơm bên trong tròn lại. Mùa hè, tôi cũng thích theo tiếng ve kêu trên tàu lá chuối, trên nhánh cây ổi bên hông nhà để bắt những con ve sầu kêu rả rích suốt ngày. Rồi những con cam, con quít, con bửa củi cũng làm cho tuổi nhỏ của tôi say đắm, quên những lần bị đòn răn dạy của mẹ cha....



              Nhắc đến tuổi nhỏ, có lẽ tôi không thể quên những ngày học Hè tại một trường thuộc Thánh thất Cao Đài làng Bình Hòa có tên là “Đạo Đức Học Đường” vào những ngày tôi học hết lớp Ba, đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, sắp chuyển ra lớp Nhì trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa. Tía tôi bảo, học như vậy cho cứng và cũng để tôi khỏi chơi lỗ cua, lỗ còng suốt ngày. Vì là trường của tôn giáo, nên ngoài việc học chữ, chúng tôi được dạy nhiều về luân lý, đạo đức nhằm trau dồi lễ nghĩa, đức hạnh. Dù còn rất nhỏ, nhưng tôi lại thích những ngày học ở đây với thầy giáo Lưỡng, mà tôi thường gọi thân mật là cậu Sáu, vì thầy có liên hệ bà con với bên ngoại của tôi. Buổi học thường bắt đầu bằng những bài đồng nhi mà tất cả học trò cùng đọc với nhau thật trang nghiêm và thật đều. Lâu quá tôi không còn nhớ lời những bài ấy, nhưng tôi nhớ là tôi rất thích thú được đọc đều đều, lên giọng, xuống giọng như vậy. Ngày trước đi học ngày hai buổi, nhà lại xa trường, nên học trò đứa nào cũng cơm gói mo cau, cá kho mang theo. Đến buổi nghỉ trưa chờ giờ học chiều, chúng tôi đem cơm ra “ngọ phạn điếm” cùng nhau ngồi ăn, đông rần rần, vui lắm.
              Thuở nhỏ, vì loạn lạc nên gia đình tôi tản cư về quê ngoại, do đó tôi sống gần cậu hai của tôi. Cậu tôi là tín hữu Cao Đài giáo, chức sắc đến bậc Khâm Châu hay Đầu Tộc mà tôi không rành, nhưng tôi thấy cậu tôi sùng đạo lắm.


              Phía trước sân nhà, cậu tôi có cất một cái am để thờ cúng theo nghi thức tôn giáo Cao Đài. Vào giờ Ngọ, vào buổi chiều tối là những lễ cúng thường nhật. Rồi vậy mà tuổi nhỏ của tôi rong chơi trên đồng, đi học, bắt dế, đá banh vân vân..., nhưng làm gì thì làm, mỗi chiều tôi đều được tắm rửa thay quần áo sạch sẽ ra chỗ cái am ngoài sân cúng lạy với cậu tôi. Nhớ nhiều lần quỳ gối lâu quá tôi bị tê chân muốn chết dù quỳ trên một chiếc gối bằng vải độn gòn. Vậy mà nghe tiếng chuông mõ, tôi đọc kinh theo cậu tôi, cùng các anh con của cậu tôi đến thuộc lòng. Như mấy câu sau này trong một bài mà tôi còn nhớ mang máng:

              “Biển trần khổ chơi vơi trời nước,

              Ánh Thái Dương rọi trước phương Đông.

              Bổn sư Thái Thượng Đức Ông,

              Ra tay cứu độ, dày công giúp đời...”

              Và còn nhiều bài kinh kệ nữa, mà bây giờ lâu quá tôi không nhớ hết. Nhưng tôi nhớ thuở ấy, lần nào chiều về nghe tiếng chuông, tiếng mõ cậu tôi khai thời cúng mà tôi không cúng được là lòng tôi bồn chồn lắm, không an tâm chút nào.

              Quê ngoại tôi, bà con phần lớn ăn chay niệm Phật, nên tuổi thơ của tôi cũng nhận ra ở đó những niềm vui vào những ngày lễ, ngày vía với cờ xí treo rợp con đường làng. Nào màu cờ sắc dà của đạo Phật Giáo Hòa-Hảo, cờ ba màu của đạo Cao Đài, cờ phướn của chùa chiền, thánh thất và có cả cờ của đạo Thiên Chúa Giáo nữa, cùng quốc kỳ treo rợp trời. Mặc dù sau này lớn lên tôi quy y theo Phật Giáo với pháp danh Minh Nguyện do Thượng Tọa Thích Tắc Phước đặt cho tôi, nhưng lòng tôi vẫn tôn thờ những bài kinh Cao Đài mà tôi đọc mỗi ngày trong những thời cúng ngọ, cúng chiều với cậu tôi thuở ấu thơ.

              Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy trước mặt con đường đi học của tôi qua đi hai mùa mưa nắng hằng năm. Tôi quen từng con dốc, từng cua quẹo đến dấu chân trâu. Tôi nhớ từng hàng xoan, bụi tre, bụi trúc. Tôi mang vào giấc mơ những chiều bắt dế, thả diều, đá banh, u hấp... Tôi thèm từng trái nhãn lồng chín vàng, những trái thù lù đỏ ửng. Tôi ghiền nhìn những chị nhồng, chị cưởng tha cỏ, tha rơm làm ổ trên đọt thốt nốt vào những ngày xây tổ uyên ương. Tôi háo hức cất những ổ chim dồng dộc vào trong giấc ngủ. Tôi nhớ những làn khói thơm thơm mùi rạ cháy từ cánh đồng xa lướt qua tuổi nhỏ. Tôi không làm sao quên nổi những bông mận, bông lê chạy xoay vòng thành trái vụ. Tôi nghe văng vẳng tiếng ve sầu gọi hè bên hiên hàng xóm. Tôi thấp thoáng thấy hàng thốt nốt nghiêng nghiêng cợt đùa trong tiếng gió lao xao... Tôi mơ cả tiếng tu hú bằng đất sét như mùa Tết Nguyên Đán về trên những luống dưa hấu, luống rẫy, luống cà, vườn cam, vườn quít. Tôi thương các anh, các chị tôi hy sinh đời mình lo lắng cho em út được lớn khôn. Tôi nhớ cả cô Phán cứu tôi khỏi chết chìm trên dòng nước đục ngầu. Tôi nhớ cậu tôi với những thời cúng cùng tiếng chuông mõ, lời kinh thật hiền hòa... Và cả thầy giáo của tôi nữa, thầy Cầm, thầy Trang, thầy Ngân, thầy Nhì, thầy Lưỡng, thầy Chánh, những ân nhân đã mở cho tâm trí ngu muội của tôi bằng những chữ vỡ lòng khi tôi mới bập bẹ a, b. Làm sao mà tôi có thể quên ơn các thầy của tôi được tuy các Người nay không còn nữa dù xa rồi mấy mươi năm!

              Vượt lên trên tất cả, tôi nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục vô bờ bến của cha mẹ tôi. Tôi nhớ gói cơm bằng mo cau mà mẹ tôi cụ bị. Tôi nhớ khứa cá mà mẹ tôi kho tiêu cay cay thơm phức ngày nào! Ngay cả những lần tôi nhõng nhẽo đòi nghỉ học, mẹ tôi cũng chiều con xin phép thầy giáo cho con mình vắng mặt. Lúc bấy giờ tôi đâu biết nghỉ học một ngày là gián đoạn việc học một ngày. Còn tía tôi cũng cưng con, muốn tôi đi học xa phải biết bơi, biết lội, nếu không lại té sông chết chìm, rồi ngày nào tía tôi cũng tập lội cho tôi hì hụp dưới sông. Hồi ấy, tôi bị mấy con chuồn chuồn cắn rún đau điếng vì nghe đâu muốn biết lội cho chuồn chuồn cắn rún là lội được. Tía tôi cũng làm cho tôi một tấm bảng đen sơn bằng dầu hắc để tôi mang theo trong cặp. Còn một ảng nước mưa đựng những con cá lia thia với mấy cánh bèo tai tượng nổi trên mặt nước, mà mỗi lần đi học về, tôi chưa kịp cất tập vở là chạy ngay lại lu nước kiếm vài con trùn chỉ làm thức ăn cho cá. Tía tôi thấy con mình thích cá lia thia, rồi không nỡ rầy. Còn nhiều lắm, biết bao điều đáng nhớ nữa. Chính vì sự ấp ủ, cưng thương, trìu mến của cha mẹ nên tôi mới có những ngày thơ ấu đến dễ thương như vậy. Càng nhớ tưởng càng se thắt lòng, đau từng đoạn ruột khi song thân mình nay đã ra người thiên cổ từ bao năm rồi!



              Nếu tôi có được chiếc đèn thần hoặc chiếc nhẫn thần như câu chuyện cổ tích mà thầy giáo lớp Nhì của tôi kể năm xưa, tôi chỉ xin các vị thần Đèn, thần Nhẫn cho tôi được thêm một lần ấu thơ với những ngày đi học ở trường làng cũ qua những con đường mòn có nắng, có chim, có hoa, có khói đốt đồng, có cả hàng thốt nốt cùng những ngày ngập lụt, có cơm gói mo cau với cá kho của mẹ, có tấm bảng đen nho nhỏ của cha và có cả những con chuồn chuồn cắn rún để biết lội cùng một bầy cá lia thia tung tăng dưới những cánh bèo tai tượng ngày nào...

              Ôi, thương biết mấy tuổi thơ hồn nhiên, trong lành của tôi nay đã xa rồi, xa lắm, hơn năm mươi năm!!!


              Last edited by viet11; 11-05-2012, 10:06 PM.
              Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
              Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
              ............



              Can't Live Without...hehe...


              Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

              Comment


              • #22
                Có một loài bông trôi trên sông

                Bạn ơi, có bao giờ bạn nghe ai kể về loài bông trôi nổi bềnh bồng vô định trên những dòng sông chảy xiết như loài bông lục bình chúng tôi lần nào chưa? Tên gọi lục bình của tôi có lẽ rất quen nhưng cũng làm bạn rất đỗi ngạc nhiên, phải không? Thiệt tình ra, mọi tên gọi các loài vật trên mặt đất này, tự thân sự vật không cần biết tên mình là gì bạn à; mà tất thảy đều là do loài người đặt để ra ráo trọi!


                Chẳng hạn riêng như loài lục bình, thì ở xứ sở vùng nhiệt đới gió mùa như miền sông nước miền Tây Nam nước Việt của bạn với tên gọi lục bình hay lộc bình (1) vì có người cho rằng cuống lá của chúng tôi giống hình dáng những chiếc lục bình chưng bông trong nhà; có người còn gọi chúng tôi là bèo tây vì người ta tìm thấy chúng tôi đến đất Việt từ bên trời Tây (2); còn từ nước nào thì chúng tôi không rành; nhưng cũng nghe kể chúng tôi ở tuốt từ bên xứ sở Ba Tây (Nam Mỹ) lận…

                Thiệt tình ra, ngay như bên Nam Mỹ, chúng tôi có mặt ở nhiều vùng đất thuộc khí hậu nhiệt đới có, mà ôn đới cũng có; rồi chúng tôi cũng có mặt ở Châu Phi nữa, nhiều nhất là vùng hồ Victoria của xứ Kenya; chúng tôi còn hiện diện các vùng Châu Á như Nhựt Bổn, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Tân Guiné, bên Cao Miên và rồi cũng có ở phía Nam nước Pakistan; còn ở Bắc Mỹ với những ao hồ đầm lầy vùng Texas, Louisiana, Florida của Hoa Kỳ thì loài lục bình này cũng đã sống qua nhiều mùa mưa nắng khá lâu rồi...



                Bông lục bình và u du

                Sự hiện diện ở xứ sở Hoa Kỳ này chúng tôi bị cản trở hơi bộn vì sự phát triển khá nhanh bản tính của loài bèo sống trôi nổi của mình, phần nào làm cho các vùng thiên nhiên nơi đây bị trở ngại về các đường thoát nước. Do vậy, để tránh các tai nạn làm kẹt cứng các đường mương thoát nước nên một vài nơi tại các vùng này chúng tôi bị các luật lệ các địa phương nơi ấy cấm cư dân không được nuôi dưỡng loài lục bình này. Thành ra, sự có mặt của giống lục bình ở các vùng này giống như những người nhập cư không có đủ giấy tờ nên việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn trắc trở dữ lắm!

                Về đặc tính của lục bình, chúng tôi có những thân hình ống mọc cao khoảng vài ba tấc mang lá hình hơi bầu tròn màu xanh lục, mặt trên của lá rất láng. Một bụi lục bình trung bình có từ sáu tới tám lá hình bầu tròn; cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp thân lục bình nổi trên mặt nước dễ dàng. Rễ lục bình trông như bộ râu ông già chưa bạc nhiều thả lửng lơ trong nước, dài ngắn tùy nơi chúng tôi dừng lại mà ở nơi chốn ấy có mực nước sâu hoặc nước cạn. Sâu thì rễ dài ra thành thủy sinh vật, còn cạn thì rễ bám luôn vào đất giống như các loài nê thực vật. Chỗ nước sâu rễ có khi dài năm sáu tấc là thường. Nhiều sách vở nói rễ lục bình dài một thước, nhưng thực tế bộ rễ dài như vậy cũng không phải lúc nào cũng dễ tìm. Đến mùa nắng, lục bình trổ bông màu tím lợt, cánh bông giữa có đốm màu vàng và bao quanh đốm vàng ấy là một vòng màu tím; có 3 tiểu nhụy với lông mịn; noãn sào chừng 6 ly. Nang có ba ngăn với lớp da mỏng, hột nhiều sắp nằm ngang. Cuống bông đứng thẳng đưa bông vươn cao lên khỏi những chiếc lá màu xanh (3).



                Chúng tôi sinh sản hơi nhanh. Một cây cái có thể nẩy ra nhiều chồi con rất mau và cứ thế sinh sản ào ào; các nhánh con này phát triển từ một cọng thân cứng cỡ bằng ngón tay thả dài trên mặt nước cách thân mẹ chừng vài tấc là mọc ra một bụi lục bình con và từ cây con này lại mọc ra cây con khác và cứ thế chúng tôi sanh sản mau lắm, tùy theo môi trường sống, nếu thích hợp với chùm rễ trôi trong nước chúng tôi có thể sanh sôi nẩy nở không biết đường nào mà tính cho xuể…

                Còn bảo rằng lục bình có hai loại: “loại thân thẳng như một đoạn gậy và cao chừng 5-6 tấc, lá lớn thường được hái để gói đồ thay cho lá chuối, lá sen; loại nhỏ hơn thân phình rộng chính giữa và túm nhỏ hai đầu, cao nhất khoảng một gang tay người lớn, lá cũng nhỏ hơn, loại này thân mềm nên được chuộng làm thức ăn gia súc hơn.” (4) thì cũng hổng trật nhưng chưa đủ…

                Thưa bạn, nếu căn cứ vào việc cao thấp của thân mà phân biệt chúng tôi hai loại như vừa kể thì chưa chắc lắm. Nói thế chẳng qua là vì ở sông nước miền Tây Nam Việt Nam chúng tôi phần lớn là loại lục bình có tên quen thuộc là Eichhornia Crassipes (Common Water Hyacinth); nhưng vì ở trong các mương vườn tàn cây che bóng mát, lục bình chúng tôi phải vươn mình lên cao hầu hứng chút ánh nắng mặt trời nên thân hình chúng tôi có hơi cao, còn các nơi ngoài chỗ nắng nhiều, những cọng lục bình không cần phải chen vai hít thở ánh nắng như trong các chỗ rậm rạp nên lá cũng nhỏ mà mấy cuống lá cũng thấp hơn các anh chị nằm trong bóng mát quanh năm là nhờ vậy.



                Anchored Water Hyacinth (Eichhornia azurea) (theo Wikipedia)


                Common Water Hyacinth (Eichhornia Crassipes)(theo Wikipedia)

                Thiệt tình ra, các nhà nghiên cứu về lục bình cho biết chúng tôi có tới bảy loại dù cùng mang chung tên là lục bình. Điều này cũng dễ hiểu vì cùng loài nhưng khác giống là bình thường. Chẳng hạn có giống lục bình mang tên Eichhornia Crassipes (Common Water Hyacinth) mà chúng tôi vừa kể. Loại này chiếm đa phần trong các giống lục bình nơi miền sông nước Cửu Long. Rồi có giống lục bình với cái tên rất lạ là Anchored Water Hyacinth (Eichhornia Azurea); rồi lại có loại Variable Leaf Water Hyacinth (Eichhornia Diversifolia); và cũng có giống lục bình với cái tên rất Ba Tây như Brazilian Water Hyacinth (Eichhornia paniculata) (5) …


                Rau mác thon (Monochoria hastata)(theo Wikipedia)


                Brazilian Water Hyacinth Eichhornia Paniculata)(theo Wikipedia)

                Thưa bạn, đó là lược kể về vài giống khác nhau cùng mang tên chung là lục bình, nhưng còn họ lục bình mà các nhà khoa học tìm ra và đặt tên chung là họ Pontederiaceae (6) thì ngoài lục bình (Eichhornia), chúng tôi còn có bà con với rau mác (Monochoria) nữa. Cũng như lục bình, các anh chị rau mác có rất nhiều loại khác nhau như rau mác thon (Monochoria Hastata), rau mác lá bầu (Monochoria Ovata), rau mác bao (Monochoria Vaginalia), rau mác cao (Monochoria Elata), rau mác lam (Monochoria Cyanea)…

                Dù cho lục bình hoặc rau mác, khi cần bạn có thể tước những mầm non dùng làm rau trong các bữa ăn đạm bạc nơi miền quê đồng ruộng được. Người ta có thể ăn bông lục bình nhưng bông thì lạt, không ngon bằng những đọt non mềm mới nhú ấy. Mấy anh chị em chúng tôi trong dòng họ lục bình rau mác này là những loài cỏ nội hoa đồng chỉ mang đến cho bạn chút ít chất tươi non hầu lót lòng khi trưa nắng chiều mưa vùng gió mùa của bạn; có được một chút hữu dụng như vậy nhiều lúc chúng tôi cũng tự an ủi mình và mừng trong bụng lắm rồi, không mơ ước gì hơn.

                Ngoài ra, trong những vạt đất có nhiều bùn và rơm rạ cặp theo các mé mương, cạnh bên những đám lục bình và rau mác, chúng tôi thỉnh thoảng cũng bắt gặp các anh chị cù kèo mọc lá non xanh mơn mởn với những bông vàng rất xinh xắn. Những bụi cù nèo mập mạp này cũng góp phần làm những món rau đạm bạc trong các bữa cơm của dân ruộng thêm chất tươi với nhiều vị mát trong lành. Những bụi cù nèo mập mạp này cũng góp phần làm những món rau đạ

                Cước chú:
                1&2/ Theo “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, năm 2005, trang 129.
                3/ Theo Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ do Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xuất bản, quyển II, năm 1972, trang 639.
                4/ Bài “Lục Bình Tim Tím” của tác giả Tạ Phong Tần, trang mạng tạp chí Trẻ News, mục Hương Vị Quê Hương, ngày 21-07-2011.
                5/Theo Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia



                Giờ xin trở lại kiếp phiêu bồng trôi giạt của loài lục bình chúng tôi thêm chút nữa nơi vùng sông nước miền Tây Nam Việt Nam này hầu có thêm vài ba câu chuyện giải buồn. Có tài liệu cho rằng chúng tôi tới vùng đất này từ năm 1905 (7). Việc này thực hư khó biết cho chính xác vì các tài liệu ấy cũng chỉ nói vậy thôi chứ người ta không đưa ra những giấy tờ gì chứng minh về điều này; vả lại, người ta căn cứ vào thời Tây vô đất Việt nên mới có bèo Tây. Nghe thì nghe vậy nhưng chưa lấy gì làm chắc chắn lắm bởi ai đem chúng tôi vô đây và đem vô xứ sở đồng ruộng bao la bát ngát với sông rạch chằng chịt nơi này bằng cách nào? Dĩ nhiên rồi, nếu từ bên Ba Tây, bên Kenya mà trôi qua Việt Nam thì làm sao chúng tôi trôi cho nổi vì đường sá quá xa mà lại là đường biển đại dương với sóng cao gió lớn nữa thì lại càng cách trở biết là bao! Nhưng có phần chắc là chúng tôi đã có mặt nơi vùng đồng bằng Cửu Long này kể ra cũng là lâu lắm rồi, lâu đến độ hết biết năm tháng nào là năm tháng khởi đầu của những về lục bình trôi miên man trên những dòng sông nước ngọt bốn mùa…

                Thế rồi những năm giặc giã loạn ly hồi đầu thập niên 1940, chúng tôi lan tràn khắp các kinh mương sông rạch. Dường như nơi nào có kinh mương là có lục bình. Lục bình lan ra cả trên đồng sâu ruộng thấp. Lục bình có trong những mương ruộng, mương vườn. Lục bình trong những ụ chà, trong những búng đập, trong những ao hồ. Lục bình trong những đăng bửng chờ cá bắt tôm. Lục bình trên những mé sông, mé cồn, mé bãi. Dường như đâu đâu lục bình cũng có mặt như một loài cỏ nổi khá thân quen với dân quê, dân ruộng và cũng khá thân quen với ghe xuồng xuôi ngược nơi những bến sông ghé lại của khách thương hồ…

                Ở những nơi chốn ấy, chúng tôi cũng có biết bao niềm vui và nỗi lo. Nếu là cư dân nơi đìa mương nào đó chẳng hạn như mương ông Nhà Lầu vùng Mặc Cần Dưng hoặc xa xa dưới kia miệt Đìa Bèo hay miệt lung Ngọc Hoàng vùng Ngã Bảy (Phụng Hiệp) thuộc Cần Thơ, thì chúng tôi là những mái nhà che mát cho biết bao thế hệ cá lóc cá rô sống lưu lai nơi những vùng nước ngọt pha chất phèn chua nơi những lung vũng kinh mương ấy. Bạn có biết, khi mùa nắng bắt đầu tháng Giêng tháng Hai là lúc mùa tát đìa khởi sự, đó cũng là lúc dưới những chùm rễ dài hai ba tấc của chúng tôi giống như bộ râu người già chưa bạc nhiều ấy cá ôi thôi là cá . Có nhiều đoạn kinh mương nước sắc lại, chưa cần phải dùng gàu dai tát cạn, bạn chỉ cần lấy một cái nôm và cái giỏ bằng tre, rồi bạn theo những kinh mương cạn ấy bạn lôi những cụm lục bình bỏ qua một bên và cá nằm phơi mình đen mun trên những mặt bùn khô nước ấy. Lúc bấy giờ bạn chỉ cần lấy nôm úp mấy con cá nằm phơi mình và thò tay bắt cá trong nôm bỏ vô giỏ là cách bắt cá gọn nhất của những năm tháng cá tôm trù phú nơi này. Cá rất ưa nằm ẩn mình dưới những về lục bình như vậy vừa mát mình vừa khỏi phải chúi xuống bùn sâu làm gì cho bị ngộp, khó thở.

                Đó là cá nơi những mương cạn vào mùa nắng tháng Hai với những vạt lục bình che khuất mặt mương. Còn mương vườn, mương ruộng, rồi đìa cạn, đìa sâu vào mùa nắng những lúc làm lóng tát mương tát đìa, lục bình cũng làm cho cá tôm có nơi trú ngụ thật vô cùng lý tưởng. Khỏi phải nói rồi, như bạn biết, là mỗi khi tới giai đoạn bắt cá sau khi đìa mương tát cạn, chúng tôi nghe dưới lớp rễ của mình cá chen nhau lách mình đầy nhóc hết biết đường trở về sông sâu nước chảy.

                Cái dở của các giống cá đen là cứ mê lục bình, không chịu rời khỏi những mương đìa ấy để ra sông sơm sớm mà còn có dịp mùa mưa năm sau trở lại những cánh đồng ngập nước vào tháng tháng Bảy, tháng Tám để có thời giờ lo quậy ổ đẻ trứng nở ròng ròng cho những đời sau như chu kỳ mưa nắng cùng mùa màng của trời đất mà thong dong bơi lội giữa dòng đời… Cái dở đó là do cá cứ ỷ y lục bình che chở chúng mãn đời, trong lúc đó lục bình giữ cho mình còn chưa rồi nói gì che chở cho ai được. Phải thế không bạn ?

                Rồi bạn ơi, có những năm tháng quá loạn lạc, nơi những hầm hố ao hồ, lục bình chúng tôi còn là những nơi kín đáo với biết bao lư đồng, ngựa gõ, chén bát tô tộ đủ loại sành sứ bên Tàu của những nhà giàu có phải bỏ nhà tản cư chạy giặc. Lúc túng cùng, người ta thường bỏ của chạy lấy người thì tất cả những gì quý giá ấy đều được chôn sâu dưới những hầm chứa trong vườn hoặc là đem nhấn lút dưới bùn trong các ao hồ dày đặc lục bình ấy để giấu bớt các vật quí ấy nhằm khi yên giặc trở về có mà dùng trong nhà. Loạn ly bạn ơi, ở đâu lục bình cũng vun chùn vì đâu có ai dám trở lại tát mương tát hầm gì được, nên lúc bấy giờ lục bình sống vững vàng lắm... Cũng vào cái buổi loạn ly những năm 1939-1945, có một điều chúng tôi luôn luôn kinh hoàng phải chứng kiến những cảnh thây người trôi trên sông bám vào các về lục bình mà mỗi lần hồi tưởng lại, lần nào cũng như lần nào, chúng tôi vô cùng ớn hồn, biết sợ cảnh đời chung quanh sao nhiều lúc quá điêu linh, điên đảo!

                Không như lúc loạn lạc, khi thanh bình người ta sau mấy năm tản cư xa nhà nay đã trở về, người này lên liếp làm rẫy, người kia đào mương lập vườn, tới tháng nắng đám lục bình chúng tôi dày đặc lúc loạn ly nay bị chủ vườn vớt lên ủ vào các gốc cam gốc quít, bụi chuối, vườn trầu , đâu đâu lục bình vừa che nắng cho cây ấm gốc vừa làm phân cho cây khi rễ và thân chúng tôi mục rệu thành đất thành bùn. Dù khô chết đấy nhưng lục bình chúng tôi có những khô chết không phải là vô ích nơi những kinh mương sông nước miệt vườn ruộng ấy. Phải thế không bạn ?

                Đó là đời sống của loài lục bình trên đìa mương nước không sâu cho lắm, nhưng nơi các sông sâu như sông Cửu Long từ Châu Đốc theo hai nhánh Tiền Giang, Hậu Giang dòng sông chạy dài xuống các địa danh xuôi dòng ra biển, loài lục bình vì rễ ngắn không bám vào đất bùn được nên chúng tôi lại tấp vô các mé sông nơi những đống chà, những vàm rạch mà lênh đênh trên mặt nước những tháng ngày. Thế rồi chúng tôi không có nơi nào là quê là nhà cố định hết. Chính vì thế vào những năm xa xưa có một hồn nghệ sĩ nhận ra kiếp sống bình bồng ấy và ông đã viết:

                “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng ?
                Mênh mang không một chuyến đò ngang.
                Không cầu gợi chút niềm thân mật,
                Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…”(8)

                Bạn thử nhớ lại mà xem, lục bình chúng tôi có nơi nào là nhà là cửa gì đâu! Tháng Chín, tháng Mười người ta bắt đầu chặt cây chất chà cho cá vô ở cũng là lúc người ta vớt lục bình bỏ vô đống chà. Ở đó chúng tôi sanh sôi nẩy nở mau lắm và làm các đống chà ấm cúng thêm. Rồi cá trên sông thấy chỗ này ấm áp, yên tĩnh coi bộ an cư được nên chúng rủ nhau ghé lại rồi ở luôn hổng chịu bơi đi. Có đứa còn đào bùn quậy ổ trong đống chà để đẻ như cá ngát, tôm càng là mê mấy ụ chà dày đặc lục bình này dữ lắm. Những cái ổ tròn tròn miệng rộng bằng miệng thúng dê dùng để rê lúa, đáy ổ cá tôm láng cón. Đang ở yên ấm như thế, cá tôm đâu biết gì bên dòng nước miên man trôi qua lại mỗi ngày. Bỗng một hôm nước kém, xuồng ghe tấp lại, người buông lưới, kẻ cắm say, người thả đăng, kẻ bao chà và rồi lục bình chúng tôi sống thành một rừng xanh mướt ấy bị mấy người dỡ chà tốc chúng tôi lên và ném ra giữa dòng sông nước chảy để chuẩn bị cho một kỳ gạn lưới dỡ chà vào những ngày nắng tháng Giêng, tháng Hai nơi vùng sông nước Cửu Long. Thế là chúng tôi mất nơi trú ngụ và trôi theo dòng nước xiết chẳng biết về tới bến nào!

                Ngoài ra, cảnh đời bèo giạt của loài lục bình như câu thơ vừa kể còn là do những lúc dân ruộng nơi vùng lúa mùa này họ cần xả mương dọn cỏ vào những mùa vụ phát cỏ dọn mương, nên lục bình cũng ào ào được đùa đi, xô đẩy ra khỏi những kinh mương sông rạch nhỏ để trôi về sông lớn vào những tháng sắp sửa tát mương, tát đìa hoặc những tháng nước bắt đầu giựt sau mùa nước ngập. Do vậy mà mới có cảnh “bèo giạt về đâu hàng nối hàng” trên những dòng sông nước chảy xiết. Hai tiếng “lục bình”, chúng tôi thiển nghĩ, chữ “bình” ngoài nghĩa đen chỉ định về một loài cỏ nổi có hình dáng như những chiếc lục bình để chưng bông mà người đời thường dùng nơi miền sông nước này, nó còn mang nghĩa bóng khác nhằm chỉ dòng đời loài cỏ chúng tôi luôn trôi giạt bình bồng vô định và chúng tôi thiển nghĩ, đây mới đích thực là một tên gọi rất phù hợp với kiếp sống phiêu bồng vô định của lục bình...

                Bạn ơi, ngoài ra, được biết ở những nơi như các vùng đất Hoa Kỳ mà chúng tôi vừa kể bên trên, thỉnh thoảng có ai đó thích màu sắc thiên nhiên thì họ thường tìm đến các nơi bán cây cỏ sống trong nước nuôi trong ao hồ rồi mua chúng tôi về nuôi làm cảnh thì lúc bấy giờ lục bình lại có giá. Thường thường, mỗi nhánh lục bình vừa vừa với ba bốn lá và một chùm rễ không dài lắm, khách mua có khi phải trả với giá 10 đôla cho một nhánh nhe bạn chứ không có “giá bèo” như các nơi tràn ngập lục bình thuộc vùng sông rạch Cửu Long.

                Thế mới biết dù chúng tôi vốn là bèo, nhưng vài dịp người ta lại bán mắc thấu trời. Nhắc về điều này, chúng tôi chợt nhớ nhiều món hàng rất cũ, rách te tua như sách cũ, tem thư cũ vậy mà có lúc có người mê nó cũng phải trả giá rất cao mới mang các bạn ấy về nhà được. Khi mua được món hàng mình mê rồi, ai mà không vui, trừ khi gặp món hàng dỏm thì mới buồn cho một giá mắc; nhưng lục bình chắc ít ai mua lục bình giả vì lục bình giả thì tự thân nó đã vô hồn vô cảm rồi làm sao mà dụ dỗ cảm hoá ai được...
                Dĩ nhiên rồi, người có ý đập đổ thì mấy lúc gặp được những người có chút đam mê như vậy họ sẽ vui vì kiếm được thêm cho cái túi của họ một số tiền khá nặng. Thành ra, thường thường việc mua bán mắc rẻ là do luật cung cầu, nhiều thì rẻ, ít thì mắc nhưng cũng còn tùy nơi sở thích của người mua nữa. Khi người ta không thích cho dù là vàng, kim cương, ngọc ngà châu báu quyền cao tước trọng gì mà đem bán rẻ đi nữa, người ta vẫn không muốn mua…

                Nhắc điều ấy thật tình chúng tôi cũng không có ý muốn tự tâng bốc mình làm gì vì ai ai cũng biết trên mặt đất này không có vật nào trời đất sanh ra nhằm mục đích bán chác, trao đổi mà mọi bán chác trao đổi ấy đều là do con người bày ra ráo trọi...
                Bạn ơi,

                Giữa dòng đời với biết bao phong ba bão táp này, lục bình chúng tôi cũng còn có chút an ủi là các nhà nghệ sĩ còn nghĩ tới mình chút chút. Những vần ca dao của giới bình dân nơi các làng quê miền Tây còn nhớ tới chúng tôi khá bộn. Chẳng hạn như :

                “Hạc giao đầu, phụng lại giao đuôi,
                Anh về ở dưới bỏ tui một mình.
                Nước trôi cuốn cụm lục bình,
                Anh đi sông biển biểu mình đừng nhớ thương.”

                Có một bạn trẻ vùng Cà Mau cũng nhắc về lục bình, cô ấy viết: “Có lần đi Kiên Giang, qua phà Tắc Cậu, tôi lại thấy ở lục bình một hình ảnh khác, rất “đời”. Nơi này gần cửa biển, lục bình từ các sông trôi đến dìu dập. Nhưng lạ, bầy đàn đông đúc, mà có vẻ tan tác cô đơn. Hăm hở trước biển khơi mà như dùng dằng nuối tiếc dòng nước cũ. Lựa chọn nhưng vẫn hoài nghi, hoang mang. Hay lục bình chỉ là lục bình thôi, chỉ tôi gởi tâm trạng của mình vào rồi thấy mình là lục bình trôi trôi ngơ ngác.
                ……
                Và chiều nay, trong cái quán lạ bên dòng sông xa lạ, tôi hơi đắng đót bởi ý nghĩ, con người ta còn tự cầm tù mình bằng những ảo vọng ngông cuồng được thì sá gì đám lục bình hèn mọn này, sá chi con chim trong lồng kia… Thôi, trở vô bàn ăn sướng hơn. Mình cũng bị nhốt như đám lục bình đó, mắc gì tiếc thương cho chúng.”(9)

                Và cũng từ miền Rạch Giá, Kiên Giang ấy, có một nhà nghệ sĩ với cái tên là Lý Dũng Liêm, đã nhân cách hoá tôi với một người con gái qua lời bài hát “Hoa Tím Lục Bình” trữ tình, tha thiết biết bao:

                “Có một loài hoa buồn trôi lững lờ
                Theo nước hững hờ trôi mãi về đâu
                Mãi trôi, trôi chẳng hết sầu
                Nên loài hoa ấy đượm màu tím (tìm) thương
                Có một loài hoa vừa đi vừa nở
                Em lấy chồng rồi anh ở vậy thôi
                Nữa mai trông đứng nhớ ngồi
                Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn
                Loài hoa ấy, Lục bình
                Loài hoa ấy là đời em
                Dòng sông ấy vô tình
                Chở hoa về bên anh
                Loài hoa ấy, Lục Bình
                Loài hoa ấy là tình em
                Tình yêu ấy âm thầm
                Niềm vui cũng lặng câm
                Em ơi em, sao em không nói lời nào
                Cho anh ru thành lời ca dao
                Nở chi hoa tím Lục Bình
                Trôi chi trôi giữa dòng tình đôi ta” (10)

                Thưa bạn,

                Qua câu chuyện về một loài bèo như lục bình mà chúng tôi vừa tự thuật để làm quà cùng bạn thật ra lục bình cũng chỉ là một loài cỏ nổi như bao loài cỏ khác trên mặt đất này, chẳng lấy gì làm đặc biệt... Qua bao vật đổi sao dời, qua bao bận sông sâu sông cạn, qua bao mùa nắng cháy mưa dầm bùn lầy nước đục, thân phận của loài bông trôi trên sông chúng tôi cũng theo dòng đời mà trôi nổi phong trần. Đó có lẽ là kiếp bèo giạt rất hợp với câu thơ của thi sĩ Quách Tấn trong một lần tâm sự cùng nhà văn Nguyễn Hiến Lê thuở nào:

                “Đục trong phú chẳng thua bần,
                Gặp phong trần cũng phong trần như nhau.”(11)

                LTT
                Kinh xáng Bốn Tổng ngày 10 tháng 12 năm 2011
                Cước chú:
                7/ Theo “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” (sđd ở cước chú 1).
                8/ Thơ Huy Cận, theo cuốn Du ký và Biên khảo “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê, loại sách Học Làm Người xuất bản, năm 1954, trang 93.
                9/Trích bài Lục Bình của Nguyễn Ngọc Tư trong tập “Sống Chậm Thơi @” của Nguyễn Ngọc Tư & Lê Thiếu Nhơn, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2006, trang 5.
                10/ Nhạc phẩm “Hoa Tím Lục Bình” do nhạc sĩ Lý Dũng Liêm quê Rạch Giá sáng tác, nhờ sự chép lại theo trí nhớ của thi sĩ Ngu Yên.
                11/ Thơ của Quách Tấn, trích trong “Những Bức Thư Đầm Ấm”, do nhà xuất bản Tổng Hợp Tp. HCM xuất bản, năm 2010, trang 162, lá thư gởi Nguyễn Hiến Lê đề ngày 10-6-1978.



                Còn Tiếp
                Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                ............



                Can't Live Without...hehe...


                Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                Comment


                • #23
                  [
                  Lúa Thần Nông một dòng đời - Kỳ 1

                  Thời tiết Tháng Ba oi bức. Những đám mây đen cứ vần vũ. Vạn vật như chìm vào cái khô cằn, nóng bức của khí hậu vùng nhiệt đới vào mùa nắng. Mùa nắng là mùa của chuẩn bị cho mọi vụ mùa. Người nông dân, kẻ cày người bừa, kẻ đốt đất, đốt đồng người săm soi lại những hạt lúa giống để sẵn sàng cho một vụ lúa mùa, lúa nổi vì Tháng Ba là tháng sạ tỉa, mùa màng như trong ca dao tục ngữ có nhắc: “Tháng Tám mạ trà, Tháng Ba mạ thóc”.



                  Trong cái rạo rực giao mùa, những hạt lúa giống cũng chuyện trò, tâm sự về nắng, về mưa, về thân phận, về hành trình, về thăng trầm, về còn mất, về vui buồn trong những đổi dời của dòng đời. Với mỗi loài, mỗi loại có mỗi cảnh đời. Cây lúa cũng không sao vượt thoát được định luật sinh hóa, đào thải của vũ trụ, của thời gian .

                  Nghe trời gầm, trời chuyển, hạt lúa giống cũng chuyển, cũng rùng mình, cựa quậy. Hạt lúa giống Thần nông vui cái vui của người trẻ. Hạt lúa mùa, lúa nổi dàu dàu nỗi lòng của người cũ, người xưa. Hai loại giống, hai mùa màng, hai thế hệ, hai thời đại, hai cách sống khác nhau, hai tuổi đời khác nhau nhưng có cùng số phận, có cùng những thăng trầm, có cùng bến đến trong dòng đời với đủ gia vị vui buồn, cơ cực của một mảnh đời, một kiếp sống dù là lúa thần nông hay lúa mùa, lúa nổi.

                  Đôi khi, trong góc bồ một mình, trầm tư, suy nghĩ về sự biến hóa, đổi thay, những hạt lúa mùa muốn nói lên tâm sự của mình nhưng có còn ai là tri kỷ, tri âm để gởi gắm đôi điều. Thôi thì đành vậy, chỉ biết tự sự với mình, chỉ biết nói với riêng mình và giữ lại trong lòng cho bây giờ, cho muôn đời về những bí mật của một loài lúa, mà đôi lúc vì cuộc sống cứ chạy về phía trước, người đời cũng dễ lãng quên những hạt lúa mùa với những tên gọi thân thương một thời như Nàng tây, Thâm đưng, Nàng thơm, Ba bụi, Đuôi trâu, Nàng keo, Tàu binh, Móng chim, Nàng quớt, Trắng lùn, Trắng lựa, vân vân...

                  Các bạn ơi! Đó là dòng đời, đó là sự hẩm hiu của tổ tiên chúng tôi, những giống lúa mùa, lúa nổi. Còn chúng tôi đây là lúa Thần nông, là lúa ngắn ngày, là kẻ hậu sinh, là những loài lai tạo từ nhiều giống lúa, xin có đôi dòng tâm tình về một dòng đời, về một kiếp sống dù là kiếp sống của đời cây lúa.

                  Khi những hạt lúa giống được rút sạch, bỏ vào bao, buộc miệng, ngâm nước một đêm, rồi người nông dân vớt lên giặt giũ thật sạch chất bùn, chất chua, đem đi ủ mầm. Những mộng lúa nứt nanh đều rang, trắng hếu.
                  Thường thường theo kinh nghiệm, lúa giống ủ mông một đêm, cây giống sẽ lên rất mạnh. Nếu ủ hai đêm, mông ra dài quá, hạt giống sẽ yếu, vì khi mông ra dài, rễ khó bám vào đất. Những thửa ruộng được dọn rong sạch sẽ, được bò trâu hoặc máy xới trục đôi ba bận rồi trang bằng mặt. Người nông dân phải mất nhiều công, nhiều sức để đánh những đường nước chánh, vẹt những đường nước phụ, làm thế nào cho các trũng nước rút thật khô ráo, lúa giống mới lên đều được. Vì lúa giống mà nằm dưới những vũng còn nước, mộng sẽ bị con rệp nước cắn, hạt giống sẽ hư, thối, không đâm rễ vào đất, lúa sẽ thưa, không đều vì hao hớt.

                  Các bạn ơi! Cuộc đời chúng tôi được bắt đầu từ đấy, từ những hạt lúa giống nẩy mầm, ra mộng. Rồi người nông dân, họ cắm rò, cắm lối vừa với tầm tay của những người thợ chuyên nghiệp để những nắm lúa giống từ tay họ có thể được rải đều trên mặt ruộng theo lối đi của họ. Họ mang trước ngực thúng lúa giống với sợi dây làm quai, choàng ngang vai qua cổ. Tay trái giữ hờ lấy thúng. Tay mặt họ bốc từng nắm lúa giống, đi chầm chậm, bước đều và hất tung những nắm lúa từ phải sang trái một cách nhà nghề, nghĩa là không dày, mà cũng không thưa. Thoát ra khỏi bàn tay thô kệch của những nhà nông rành nghề, chúng tôi, mỗi đứa được họ dành cho một chỗ nằm trên mặt bùn, mặt đất với diện tích không hơn hạt lúa. Lũ chúng tôi, theo luật sinh tồn, mỗi đứa tự cựa mình bám rễ vào mặt đất. Nếu không tự tìm cho mình một đời sống có nghĩa là tự sát, tự mời mọc con rệp nước cắn mông, tự đưa thân cho cò giẫm đạp, cho cua, cho ốc nhọn đít ăn tươi nuốt sống.

                  Vì lẽ sinh tồn, chúng tôi phải vượt qua những giây phút lạnh lẽo nơi bùn lầy này trong muôn ngàn khó khăn và có lẽ trong vũ trụ này chưa có loại hạt giống nào mạnh bằng hạt lúa. Không biết có phải vì được người đời gọi là “hạt ngọc của TRỜI”, nên hạt lúa có sức mạnh vô địch chăng?

                  Các bạn ơi! Bắt đầu cái đêm đầu tiên nằm trên cánh đồng vừa sạ xong còn ướt bùn, còn nghe róc rách đó đây tiếng cá rô, cá lóc mắc cạn đang rọt rẹt lóc bừa lên mình chúng tôi để xuống đường nước chánh, hầu tìm mọi cách thoát ra ngoài kinh, ngoài rạch, chúng tôi đã cố ghim được cái rễ duy nhất vào bùn, vào thế giới mới của mình. Ngay sáng hôm sau, thân thể hạt lúa giống đã nằm im dưới mặt đất, khuất dạng, chỉ có chi chít những mũi kim nhỏ lú lên khỏi mặt đất bùn khoảng nửa phân. Nằm dưới bùn, chúng tôi nghe tiếng nói chuyện vui cười của những nhà nông đi trên bờ bi ngắm ngắm, nhìn nhìn với gương mặt vui vui, vì vừa trải qua những ngày cực nhọc, lo lắng, mệt mỏi cho mùa sạ lúa. Chúng tôi cũng nghe tiếng nhóc nhen, tiếng nhái, tiếng dế trụi, và cả những tiếng chim đi ăn đêm về ngang buông ra những tiếng kêu như to nhỏ về một cuộc lữ hành nào đó ở vườn tre, đám tràm, đám trâm bầu về hướng biệt ngàn. Nghĩ lại thân phận mình, cuộc sống thời hiện đại, cũng phải cố chạy đua với thời gian vì có lẽ cuộc sống của một đời cây lúa ngắn ngủi hơn bất cứ loài cây cỏ nào. Do đó, không thể chần chừ, chúng tôi cố vượt lên khỏi mặt đất càng nhanh càng tốt. Và quả nhiên, sau ba ngày ba đêm, chúng tôi đã biến màu đất ruộng xạm đen vì bùn trở thành màu xanh của những thân lúa non với một đọt vừa mở ra bẹ lá nhỏ xíu. Chúng tôi ra mộng cùng một lúc, được sạ xuống ruộng cùng một thời điểm và vượt lên khỏi mặt đất cũng cùng một hoàn cảnh. Không đứa nào chậm chân được vì chúng tôi biết chúng tôi phải sinh trưởng theo một trình tự mà tạo hóa đã chọn sẵn, không thể nhanh hơn mà cũng không thể trễ hơn.



                  Gieo sạ

                  Khi kinh nghiệm đến độ già dặn, người nông dân, bằng mọi cách họ ngăn ngừa cỏ lấn áp chúng tôi. Những luồng nước, mới cách nay mấy hôm được bơm ra không còn một vũng, nay lại trở lại tráng đầy mặt ruộng. Chúng tôi còn quá yếu ớt, quá mong manh nhưng cũng cố ngoi lên, ngoi lên theo mực nước. Đứa nào đứa nấy ốm tong, ốm teo như sợi chỉ, như cọng rong phất phơ theo làn gió thổi là đà trên đầu, trên mặt nước. Dịp này cũng mang tới cho chúng tôi nhiều thảm họa. Nào là cua kẹp, nào là cá lội, cá quẫy làm chúng tôi chưa kịp bắt rễ sâu xuống đất phải nổi lềnh bềnh, vất vưởng theo gió trôi giạt về bờ phía dưới gió, dồn đống trông thảm hại. Biết làm sao hơn, khi cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống vội, sống vàng, sống mà không kịp lớn là phải bị nhận nước, nhận bùn. Nếu không hụp lặn như vậy, thì thôi đủ loại cỏ rượt đuổi, lấn chiếm, có nước chủ ruộng ngồi đó mà rầu, mà khổ vì mùa màng thất bát. Đặc biệt, giống cỏ có dáng dấp giống hệt chúng tôi, được gọi là cỏ gạo, tăng trưởng nhanh như chỗ không người. Nông dân chuyên nghiệp phân biệt giữa cỏ gạo và lúa rất dễ dàng. Còn người nào không có dịp sống với đồng ruộng hoặc lâu lâu mới ghé lại đám lúa một lần thì coi như nhìn lúa và cỏ gạo không khác nhau bao nhiêu. Nếu có cơ hội nào đó, hoặc dịp may mắn nào đó, mà được họ bước xuống ruộng và nhờ họ nhổ dùm vài bụi cỏ gạo, chắc chắn một trăm phần trăm là họ sẽ nhổ cả cỏ lẫn lúa là một cái gì tự nhiên như đi dạo, đi chơi, mà họ không thể nghĩ mình sao lại vô tình đến vậy. Thật ra, gốc của cây lúa có màu xanh, hơi dẹp, còn gốc cỏ gạo màu trắng, tròn và lá cỏ gạo lại nhỏ bề ngang, dáng giống giống lá sả.

                  Các bạn ơi! Sang tới ngày thứ năm, kể từ ngày được nằm dưới bùn đêm đầu tiên, chúng tôi được nhà nông rải cho một ít phân lạnh, những hạt phân hóa học này bóng lưỡng, tan nhanh trong nước như muối bỏ biển. Thế nhưng, cũng đỡ khổ, dù nguyên diện tích đất ruộng trung bình một công tầm cắt, nghĩa là hơn một ngàn thước vuông của đơn vị đo lường mà loài người tự qui định, chúng tôi được năm ký phân hóa học này. Tính ra mỗi gốc lúa được vài hạt phân là nhiều. Nước thì vẫn lai láng, chúng tôi sặc lên sặc xuống gần chết, nhưng vẫn phải gượng dậy như người đau nặng mới mạnh. Khi thời gian và mực nước đủ sức làm cho cỏ không mọc được, người nông dân từ từ rút bộng để tháo nước ra, cho chúng tôi hít thở, gượng gạo đứng ngồi cho quen những ngày thơ ấu này. Từ những thân lúa như cọng chỉ, có chút phân, mực nước lấp xấp, chúng tôi xanh rì trở lại không mấy hồi. Cả một cánh đồng đến ngày thứ mười, kể từ ngày xuống giống, những vạt lúa mới sạ mấy ngày trước đây trở thành những đám mạ xanh lặt lìa, lượt ngọn, vờn vờn theo từng cơn gió lướt qua cánh đồng lúa bao la, bạt ngàn chạy tuốt đến tận chân trời về phía xa xa.



                  Bón phân
                  Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                  Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                  ............



                  Can't Live Without...hehe...


                  Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                  Comment


                  • #24
                    Lúa Thần Nông một dòng đời - Kỳ 2

                    Mà khổ nỗi, các bạn ạ! Tạo hóa đã sanh ra cây lúa, lại sanh thêm cỏ, sanh thêm muôn loại côn trùng, sâu bọ. Dĩ nhiên, thân phận cây lúa là thân phận của một loài ngũ cốc yếu ớt so với cỏ, với sâu rầy, với mọi thứ côn trùng lân láng. Cây lúa chúng tôi không một chút tị hiềm, nhỏ nhoi, ích kỷ.


                    Vì như các bạn, dù khó tánh đến đâu, cũng phải công nhận rằng cây lúa có mặt trên những cánh đồng là vì loài người, vì đời sống của con người, vì miếng cơm manh áo của các bạn. Chúng tôi hiện hữu trong trần đời này chỉ với mục đích duy nhứt đó, không hơn không kém, một mục đích mà nghĩ cho cùng chẳng khác nào là một cứu cánh, một sứ mạng của đời tôi: sứ mạng nuôi sống loài người. Thành ra chúng tôi đâu có tị hiềm, bon chen với các loài cỏ, loài sâu rầy để làm gì. Chỉ có các loài cỏ và sâu rầy là tấn công, lấn áp, bắt nạt, đục khoét, cắn ngọn, cắn đọt chúng tôi mà thôi. Chúng tôi bao giờ cũng chỉ là nạn nhân của mọi biến động, từ mưa bão đến nắng hạn, từ ruộng sâu đến ruộng cạn, từ đất cũ khô cằn đến đất phèn đất chua, từ nước kém đến nước rong, từ ốc cua đến chim chóc như cò, như vạc, từ sâu keo, sâu lá, sâu ống, rầy nâu, đến bịnh tiêm, bịnh đạo ôn vân vân... Trăm muôn ngàn thứ như sẵn sàng phủ chụp lên đầu chúng tôi những tai ách nhiều hơn là thân thiện, cùng những dằn vặt, những bầm giập.

                    Mở đầu một trong những tai nạn là nạn sâu keo, một loại sâu được sinh sôi, nẩy nở nhanh nhất khi cây lúa có chút phân lạnh ở dưới rễ, vào ngày thứ mười. Sâu keo màu xạm đen, con nào con nấy như con nhọng, bóng lưỡng, lớn bằng ngón tay út, trông chúng đeo theo thân lúa hoặc bò lểnh nghểnh đến mà phát lạnh xương sống. Sâu keo ăn chúng tôi không thương tiếc. Nó cắn lúa cụt đọt, sát gốc thành từng chòm, từng lõm, từng vạt, từng vạt như bò ăn, bò gặm. Nhưng coi vậy, mà không đến đỗi nào. Dường như, tạo hóa cũng dành ra một điều lệ là “loài nào bạo phát thì thường cũng bạo tàn”. Điều lệ ấy, rất đúng trong trường hợp này. Người nông dân chỉ cần dùng bất cứ loại thuốc sâu nào với lượng dùng bình thường và xịt qua một lần là đám sâu keo hàng hàng, lớp lớp này ngã lăn ra chết như kiến, chết mà không kịp trối. Và rồi, chúng tôi lại lai tỉnh, bắt đầu lại, chuẩn bị tư thế lại để còn kịp lớn, kịp đón nhận những ngày còn lại với bao khó khăn, bất trắc.

                    Rồi cũng kể từ ngày thứ mười ấy, chúng tôi được nhận thêm một đợt phân bón nữa sau khi sâu keo chết hết. Thật lòng, có thêm phân bón hay không, cây lúa vẫn là cây lúa, không ai có thể gọi cây lúa là cây cỏ được.
                    Nhưng nhiều lúc, khi đời mình gắn liền với đời của mùa màng, của đất trời, của nắng mưa, của người làm ruộng, chúng tôi cũng băn khoăn trong lòng khi mình quá èo uột, quá thất bát, quá xập xệ, không bằng ai. Buồn cho thân phận mình thì ít nhưng chia sẻ với người nông dân về nỗi lo lắng thì nhiều. Các bạn không ở trong cảnh đời tay lấm chân bùn của họ, các bạn khó mà cảm thông chia sẻ với họ, khó mà thấy họ bấn loạn khi tới kỳ rải phân cho lúa mà trong nhà không tiền, không một hạt phân. Ngó trước, dòm sau, không còn một thứ gì để bán, ngoài bộ lư đồng trên bà thờ ông bà. Nhiều lúc, họ không có đến bộ lư đồng để một lần vương mang những ý nghĩ tội tình này như có được một lần hy vọng, dù hy vọng đó hết sức tội lỗi với tổ tiên. Thôi thì, họ đành chạy ngược, chạy xuôi vay nợ, bán đổ bán tháo “lúa già lúa non” cho có chút tiền còm, để có vài hạt phân cho chúng tôi.
                    Hỡi ơi! Có ai thấu cho nỗi lòng của những nhà nông nghèo túng như vậy bằng chúng tôi, những cây lúa sống giữa đồng, giữa ruộng. Chúng tôi dù không nói nên lời, nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi đang sống một đời đáng sống, vì chúng tôi đang sống cho tha nhân, cho loài người kia mà. Ý thức rõ điều đó, những chùm rễ lúa bám nhẹ nhàng trên mặt đất vui vẻ hít thở dưỡng khí, hút nước lạnh, nước bùn, hút chút phân bón khiêm nhường, nuôi sống chính mình và hy vọng trả chút nợ với đời.

                    Thế là, chúng tôi đã đến ngày thứ mười lăm, ngày những cánh đồng lúa bắt đầu lượt ngọn, yên ổn với dáng dấp những thân mạ non đủ sức trang trải cho bạn bè những chòm, những vũng nào bị hao hụt, bị cua kẹp, bị cò giẫm đạp tìm tép tìm cá mà chịu cảnh chết non, chết yểu.

                    Đến ngày thứ hai mươi, mạ rất vừa để cấy dặm. Chúng tôi được người nông dân chiết từ những đám lúa dày đem dặm lại các chỗ hư hao. Và chậm nhanh thế nào, đến ngày tròn tháng, chúng tôi không còn nhỏ nữa, không còn được gọi là mạ nữa, mà đã bắt đầu một thời kỳ khác trong đời chúng tôi. Đó là thời kỳ “lúa con gái”. Thật dễ thương các bạn nhỉ! Các bạn có tưởng tượng ra thời kỳ con gái của lúa không? Ngày tròn tháng, cũng là ngày chúng tôi được người nông dân, sau khi dặm vá đàng hoàng, sạ đợt phân thứ ba gồm có một số lượng phân lạnh và phân tiêu sữa, tổng cộng khoảng mười lăm ký cho một công tầm cắt. Có lẽ, các bạn nghe tên gọi phân tiêu sữa này hơi lạ. Riêng chúng tôi, mùa nào chúng tôi cũng có nhấm nháp chút ít, nên nhiều lúc như ghiền, không có nó lúa không xanh lâu, không tốt lâu, không chắc hột. Đó chẳng qua là một hợp chất của nhiều chất hóa học, có hạt tròn tròn như hạt tiêu với màu cà phê sữa, nên nhà nông gọi loại phân này là phân tiêu sữa. Các bạn thấy không, người nông dân rất giản dị mà thực tế, mộc mạc mà chân tình. Họ không để ý công thức hóa học làm gì thêm rườm rà, thêm khó nhớ. Họ chỉ lấy cái kết quả thực tế là quan trọng, giống hạt tiêu, giống màu sữa là gọi tiêu sữa, rồi cứ thế mà sử dụng, mà dùng. Giản dị như chính cuộc đời của họ. Một cuộc đời nông dân đầu đội trời, chân đi đất mà phóng khoáng, rộng lòng và phảng phất một chút hưởng nhàn trong cái cực, một chút vui trong cái đắng cay, một chút trầm tư trong lúc ngồi nhìn cánh đồng lúa đang vào thời kỳ con gái.



                    Lúa con gái

                    Những lá lúa thời kỳ con gái mượt mà, nở lớn như chưa một lần được nở lớn như vậy. Sáng sáng, khi sương mù tắm ướt chúng tôi trong đêm, chúng tôi im lìm bất động như ngủ vùi, ngủ dập, không một chút thẹn thùng, phơi lộ hết hình hài. Trên bờ bi, một con đê nhỏ chạy quanh vạt lúa chúng tôi, tiếng chân bước chậm đến độ êm êm, không nghe động nhẹ trên đất của người nông dân, chúng tôi hãnh diện đã mang lại cho họ niềm vui khi họ nhìn chúng tôi trong cái rạng rỡ của buổi sớm mai. Hạnh phúc thay được mang hạnh phúc đến cho người nông dân dù ít ỏi, khiêm nhường của giai đoạn này trong đời của cây lúa!

                    Thời kỳ con gái của lúa còn là thời kỳ của phát triển đẫy đà, thời kỳ của tuổi rong chơi với gió, với trăng. Những đêm trăng sáng vằng vặc, những chiều gió mát rì rào, những trưa trời im, mây xanh thẳm, những cây lúa chúng tôi cũng biến dạng theo từng chập, từng chập với gió, với trăng, với mây, với nắng. Vì là con gái mà, chỉ có một thời con gái trong đời, nên xin đất trời cũng cho phép chúng tôi được khoe sắc thắm, khoe nét đẹp, khoe cái vẻ diễm kiều với tạo vật, với thiên nhiên, với cây cỏ.

                    Chúng tôi vượt cao lên thấy rõ. Mới cách nay mấy hôm, chúng tôi còn là đà dưới thấp. Bây giờ, chúng tôi đã nhổ giò, có ống chân, cây lúa mập ra, lá lúa dài thêm, thân lúa cao ngang bụng, ngang thắt lưng của bất cứ người nông dân nào khi họ bước vào đám ruộng.

                    Các bạn ơi! Trong muôn loài sinh vật, chim muông, cây cối, hoa lá, dường như loài nào đẹp thường thường dễ bị dập vùi, dễ bị khổ sở với chính nét đẹp của mình. Chẳng hạn, hoa đẹp dễ bị người đời hái trước, dễ bị ong bướm chờn vờn hút nhụy. Chim muông, con nào có bộ lông đẹp, có tiếng hót thánh thót dễ bị săn bắt đem về nhốt trong lồng, trong giỏ, mất cả một trời thênh thang lộng cánh chim ngàn. Đời cây lúa thời kỳ con gái cũng không vượt ra khỏi cái số phận của cỏ cây, chim muông, hoa lá đẹp. Cái mượt mà của những lá lúa xòe rộng, rào rào theo từng cơn gió một cách ngây thơ, vô tình, có biết đâu rằng, trong từng nách lá là những ổ sâu lá đang âm thầm đẻ trứng, sanh sôi. Vì lúa đang tốt tươi cũng có nghĩa là mồi ngon của loài sâu lá ác hiểm này, một loài sâu chỉ sống với nhựa lúa, với lá lúa thời kỳ con gái này.

                    Những ổ sâu lá cuốn những đọt lá lúa lại, rồi sanh trứng, hút nhựa, làm lá lúa bạc lạt, trắng dã. Mới đầu lác đác vài ổ, sau đó lan rộng ra một chòm, một vùng, một vạt. Lan nhanh đến độ, nếu người nông dân không kịp xịt thuốc loại chuyên trị sâu lá, thì y như rằng, cả đám lúa chúng tôi mùa này sẽ thất mùa, sẽ bạc lạt. Giống sâu nào cũng có cái độc hại riêng, có cái tàn phá riêng nhưng có lẽ sâu lá là một trong những giống sâu độc hại nhất và chúng xuất hiện ngay vào thời kỳ lúa còn con gái. Vì loài sâu này nằm trong ổ kín, nên việc xịt thuốc rất khó khăn. Chẳng hạn, phải có người đi phía trước dùng nhánh tre quơ quơ cho những ổ sâu mở ra, rồi người khác theo sau xịt thuốc. Có như vậy, cách trị sâu lá mới hiệu quả. Trong trận giặc này, chúng tôi bị thất điên bát đảo, nào là sâu hút nhựa sống của đời chúng tôi, nào là bị người nông dân quơ đập tơi tả trên ngọn, trên lá, nào là những lối mà người nông dân phải lội vào, phải giẫm đạp vào, chúng tôi bị đạp nhầu dưới bàn chân nhiều khi rướm máu của họ. Nhưng chúng tôi không buồn phiền, không than trách, mà còn cảm thông, chia sẻ với họ về những tai vạ này, những tai vạ dường như lúc nào cùng thường trực trong cái nghề làm ruộng nhiều cực nhọc, dạn dày.

                    Tất cả rồi cũng qua đi, cho dù mọi đe dọa vẫn như thường trực. Thường trực đến đỗi cái thời con gái của chúng tôi mới đó mà biến mất từ lúc nào, không một ai có thể ngờ được. Trong môi trường sinh sống với dưới gốc lúa là nước tù hãm vì có biết bao sinh vật chết do thuốc sâu, thuốc rầy, những thân lúa chúng tôi phải sống trong đó như lửa thử vàng, như thách thức với bệnh tật. Thành ra, vừa qua trận sâu lá tàn phá, chúng tôi, lác đác một vài bụi đọt lúa bị đỏ rồi ngã sang màu vàng, và héo. Chỗ này bị, chỗ kia bị, rồi dịch bịnh này lan nhanh không thể tưởng tượng nổi.
                    Last edited by viet11; 16-05-2012, 03:15 PM.
                    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                    ............



                    Can't Live Without...hehe...


                    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                    Comment


                    • #25
                      Lúa Thần Nông một dòng đời - Kỳ 3

                      Các bạn có biết chúng tôi bị nạn sâu gì nữa không? Sâu ống đó các bạn ạ! Loại sâu này còn được người nông dân gọi một tên nữa là sâu đục thân. Vì sâu ống ở trong thân lúa, hút nhựa, rồi làm cho đọt lúa bị đỏ, bị úa, rồi đọt lúa bị bịnh này khô và chết.


                      Các bạn thử tưởng tượng, mỗi cây lúa chỉ có mỗi cái đọt để tăng trưởng, để trổ bông và kết hạt, rồi tự dưng bị sâu ăn, sâu cắn, thì còn gì để mà hy vọng. Giống như đời bất cứ loại thảo mộc nào, cái ngọn, cái ngành là chánh, mà tự dưng bị héo úa đi, bị đứt đọt, đứt ngọn đi thì cho dù có đâm ra nhiều chồi khác, nhiều nhánh khác, không làm sao có thể trở thành một thân cây toàn vẹn được, một thân cây vững chắc được, thịt của cây sẽ bộp, sẽ xốp, không dùng vào đâu được. Cây lúa chúng tôi cũng cùng thân phận như vậy, cũng cùng có sự tệ hại như vậy sau khi bị loại sâu ống này hoành hành, cắn phá. Ngay chỗ đọt lúa bị sâu cắn, thay vào đó là vài ba cái tược nhỏ, nhỏ đến độ về sau này chỉ có thể cho được năm, mười hạt lúa chét là cùng. Cả cuộc đời cây lúa, với bao nhiêu công sức người nông dân đổ vào miếng ruộng cho một mùa màng cùng những ước ao, hy vọng, mà chúng tôi chỉ trả lại cho họ năm, ba bông lúa chét, thì làm sao mà khỏi thẹn thùng, xấu hổ, làm sao mà khỏi băn khoăn, cắn rứt trong lòng.

                      Các bạn ơi! Các bạn có biết chúng tôi vượt thoát nạn sâu ống, sâu đục thân bằng cách nào không? Vì loại sâu này ở trong thân, trong ruột cây lúa, nên không thể chỉ xịt thuốc như sâu keo, sâu lá được. Người nông dân, dù họ ít học, nhưng họ cũng thừa kinh nghiệm để đề phòng và trị loại sâu này bằng cách trộn thuốc trị sâu ống vào phân bón, một loại thuốc hột, và bón phân vào lúc lúa được giặm vá xong xuôi. Rễ lúa hút phân bón có trộn thuốc sâu, nếu có sâu ống trong ruột, sâu sẽ ngấm thuốc và bị hủy diệt từ trong trứng, từ trong mầm. Và sau này, nếu có sâu ống xuất hiện, người nông dân sẽ rải thuốc thêm một lần, trộn với cát hoặc tro trấu. Công dụng của cát và tro trấu chỉ dùng để giúp cho việc rải lượng thuốc ít ỏi này được trang trải đều trên diện tích lúa nào đó, chứ không có tác dụng diệt sâu. Nhưng chúng tôi cũng xin cảm ơn cát, cảm ơn tro. Cho dù là cát, là tro nhưng nhiều lúc cũng mang lại lợi ích cho đời, chẳng hạn như đời của cây lúa, cũng giúp cho người nông dân trong những trường hợp cấp thiết này. Vì rằng cứu lúa khỏi nạn sâu rầy chẳng khác nào cứu hỏa đó các bạn ạ, là việc cấp thiết nhất đối với nhà nông.

                      Thế rồi, “cái gì đến sẽ đến”. Không biết ai nói điều đó, quả quá đúng với đời sống cây lúa chúng tôi đến như tuyệt đối. Chúng tôi trở nên già dặn hơn, cứng cỏi hơn, vững vàng hơn, chững chạc hơn vì rằng cây lúa đang ở vào thời kỳ đẹp nhất mà cũng rạo rực nhất, hấp dẫn nhất, đầy đặn nhất với những thân lúa to tròn, với những bắp lúa nhọn vót như ngòi viết lông, loại viết mà người xưa dùng để viết chữ Nho, chữ Hán.

                      Đó là thời kỳ cây lúa có chửa đấy các bạn ạ! Những lá lúa già đi với màu vàng lá tranh. Từ trong những thân lúa to tròn ấy là cả một bầu hoa, một bầu gạo sắp nở rộ đúng hạn kỳ, là niềm vui, là hạnh phúc của chúng tôi mà cũng là niềm vui và hạnh phúc của nhà nông, của những người bạn thân thiết nhất của chúng tôi trong cánh đồng lúa bạt ngàn này.

                      Một sáng đẹp trời của những ngày mùa, khi cây lúa tròn hai tháng và năm ngày, như đồng loạt, không ai bảo ai, chúng tôi mở toạc những bẹ lúa tròn đầy để khoe với đất trời, với tạo vật, với gió, với nắng và nhất là với người bạn nông dân của chúng tôi, những bông lúa đầu mùa. Cả một bầu trời đầy màu sắc trắng trinh tuyền, ngập hương thơm thoang thoảng toả nhẹ. Những nhụy hoa của cánh đồng lúa vờn vờn, bay bay theo gió, lượn lờ...

                      Thế nhưng, các bạn ơi! Cây lúa là một trong những loài cây hiển hoa khỏa tử như xoài, bắp, vân vân... Nên việc thụ phấn phải nhờ tới ong, tới bướm, tới gió. Chúng tôi nghe một thi sĩ, hơn một lần tả cảnh phấn thông vàng, đã cho rằng: “Thông reo không cần tới gió, mà gió thổi là nhờ thông reo.” Không biết đúng sai thế nào. Riêng đời sống chúng tôi thì ngược lại, chẳng những cần mà còn rất cần những luồng gió nhẹ nhàng giao tình, những luồng gió mang những nhụy đực của phấn hoa đến gần những nhụy cái để giao hoà, để thụ phấn. Không có gió, đời chúng tôi sẽ là những mảnh đời bất hạnh, thừa thãi, buồn chán đến độ bịnh hoạn, vì nghĩ cho cùng, không có gió chúng tôi chỉ có cái đẹp đến độ tình tứ, lãng mạn, có sắc, có hương mà không thiết thực, không làm tròn sứ mạng với đời, không làm no lòng người, thật là vô dụng. Xin được cảm ơn gió, cảm ơn những ngọn gió giao hoà, tình tự, những ngọn gió không phải “mang thương nhớ trở về”, mà là mang hạnh phúc đến cho đời cây lúa chúng tôi, cho nhà nông, cho loài người!



                      Lúa trổ.Người làm ruộng họ giản dị như vậy, khi cánh đồng lúa nở rộ, họ gọi nôm na là lúa trổ. Trong tự cội nguồn của chữ “Hoà”, có cây lúa đứng bên cái miệng. Nghĩa là con người có ăn được “cây lúa”, mới “Hoà” được. Bởi vì rằng, cây lúa đứng trong đất, trong nước, trong bùn nên thuộc về âm. Do đó, mùa lúa trổ vào những ngày nắng là lý tưởng nhất. Mà nắng thuộc về dương, về sức mạnh. Có như vậy, âm dương mới giao hoà, mới hợp với lẽ Trời. Và dĩ nhiên, chúng tôi sẽ mang đến cho người làm ruộng một mùa lúa quằn bông, trĩu hạt. Tự thân chúng tôi là một sự hợp nhất của âm dương kia mà!

                      Các bạn có lẽ không bao giờ ngờ, trong lúc đêm đêm các bạn ngủ say, ngủ vùi cùng với vạn vật chìm vào cõi đêm bao la, im lìm, u tịch, chúng tôi lại lui cui mở rộng vỏ lúa còn non nớt để hứng những giọt sương tinh anh nhất của đất trời cùng với những nhụy đực của phấn hoa làm thành sữa, thành gạo cho chính mình, cho nhà nông, cho nhân loại. Chúng tôi âm thầm kết tinh như vậy giữa đêm trường, giữa những giấc ngủ êm đềm, giữa những mệt mỏi của người làm ruộng dãn dần, dãn dần trong hơi thở đều đều sau những ngày vất vả trên cánh đồng với bao dạn dày, phong sương. Thành ra, chúng tôi rất sợ mưa vào ban đêm khi lúa trổ rộ, khi lúa mở cánh xòe ra, khi lúa cần cái ấm áp của đất trời để “âm dương chi giao”, kết hợp. Quả tình, trong những ngày này trong đời cây lúa, giống như câu Kiều:

                      “Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung”.

                      Thế là, dưới ánh nắng mặt trời ấm áp, những bông lúa rực rỡ phơi hạt, phơi màu, khoe hương, khoe phấn. Chúng tôi rượt đuổi nhau trên cánh đồng, nghe cả tiếng cười khúc khích trong gió, trong nắng. Chúng tôi thăm hỏi, tâm sự về những vui buồn, sâu bịnh, nước nôi, phân phướng. Nhưng, đặc biệt trong bất cứ cuộc chuyện trò nào, chúng tôi không quên nhắc đến những người bạn nông dân thân thiết của mình, với lòng cảm thông, chia sẻ về những vui buồn, những lo lắng, những lúc thiếu trước hụt sau, mà dường như vì dòng đời trôi nhanh, nên ít ai còn nhớ một hạng người nơi thôn dã quê mùa.

                      Các bạn ạ! Ở đời, thường có những nghịch cảnh éo le, không như mình nghĩ. Chẳng hạn, khi lúa ở thời kỳ còn non, tốt tươi quá và mãi tới thời kỳ nở nhụy khai hoa mà vẫn còn tham lam nhận thêm nhiều phân bón quá, chẳng khác nào đứa con được cưng chiều quá độ, đứa con sẽ dễ hư hỏng. Những đám lúa um tùm, xanh liệt lá, liệt đọt, khi trổ bông thường bị bạc lạc, mà người nông dân gọi là lúa trổ cờ bắp, hạt lúa lép gần hết, không có sữa, không có gạo. Hoặc một vài trận gió hơi nặng ngọn, những thân lúa mềm mại này chưa kịp nhìn rõ những bông lúa lép của mình thì đã nằm dài trên bùn, trên nước trông rất thảm hại. Những đám lúa bị ngã như vậy sẽ không bao giờ gượng dậy nổi. Những hạt lúa vừa ngậm gạo sẽ mọc mọng và lâu ngày thúi rữa, hư hại. Điều này, lỗi một phần cũng vì một vài bạn nông dân thiếu kinh nghiệm trong việc rải phân, chăm sóc mùa màng. Hoặc vì háo danh, ham được tiếng khen đám ruộng này tốt nhất vùng, đám ruộng kia xanh tốt không ai sánh kịp, nên một vài bạn nông dân cứ chìm đắm trong lời khen, tiếp tục bón phân thật nhiều mà không cần đúng hạn kỳ, đúng liều lượng, nên mới có những cảnh lỡ khóc, lỡ cười ở cuối cuộc chạy đua này.
                      Last edited by viet11; 16-05-2012, 03:15 PM.
                      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                      ............



                      Can't Live Without...hehe...


                      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                      Comment


                      • #26
                        Chử HIẾU Ở nhà quê

                        Lương Thư Trung

                        Phàm làm con là phải hiếu đạo. Phép xử thế của người nhà quê là thế. Không hiếu đạo là kẻ vô nghì, bị chòm xóm láng giềng khinh miệt, chê cười là đứa con bất hiếu. Không tách rời khỏi láng giềng mà như bị cô lập giữa dòng sống nơi thôn xóm vốn lấy tình thân ái làm mối dây giao tiếp. Xem vậy từ cổ chí kim nơi thôn dã coi đạo hiếu là đạo trọng, là nền tảng mọi đạo đức của con người. Dù tiền muôn bạc vạn, lúa vựa lúa kho, ruộng vườn cò bay mỏi cánh mà ăn ở với cha mẹ không hiếu thảo, đứa con bất hiếu coi như đồ bỏ đi nói gì đến vật chất bạc tiền lúa ruộng trâu bò chỉ là vật ngoại thân chết rồi phủi hai bàn tay trắng chẳng mang theo được gì mà còn bị bia miệng để đời.



                        Ở nhà quê, dân cư chuyên việc đồng áng, ít ham học như dân chợ búa thành thị. Nên dân quê phần đông ít học. Thế hệ già lại càng ít người biết chữ quốc ngữ. Họa hoằn lắm mới có người học tới lớp nhất lớp nhì, nhưng đa phần lại chịu khó học chữ Hán. Chữ Hiếu nơi thôn quê được hiểu biết qua các ông đồ dạy chữ Nho mà quyển Minh Tâm Bửu Giám là một cuốn sách lúc nào cũng được lật tới lật lui tối ngày, nên ngày xưa người nhà quê phải chẻ hai miếng tre mỏng kẹp cái gáy cho sách đừng bị rách. Do vậy, đạo Hiếu ở nhà quê một phần được hấp thụ qua sách vở minh tâm. Tuy nhiên, cái đạo Hiếu ấy càng suy nghĩ cho kỹ đó chính là cái đạo tự nhiên, ông bà tổ tiên để gương lại cho cha mẹ, cha mẹ để gương lại cho con cháu rồi cứ thế từ đời này qua đời khác mà truyền tử lưu tôn làm thành cái đạo sống ở đời rất độc đáo của làng mạc, một đạo sống làm nền tảng văn hóa Việt Nam nơi làng quê luôn mang lại cho gia đình niềm an vui hòa thuận mà không phải hao tốn công sức tu luyện.

                        Do có trải qua những năm tháng được sanh ra và lớn lên từ nhà quê, phần đông ai cũng nhận ra chữ Hiếu được thể hiện qua lòng kính trọng thương mến của con cái đối với cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ bằng chính cái tình máu thịt mà cha mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh dưỡng ra mình. Nhận ra điều ấy để thấy đạo Hiếu ở nhà quê không lệ thuộc nhiều vào kinh điển sách vở xưa mà văn hoá Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa qua tứ thư ngũ kinh, đặc biệt chịu ảnh hưởng về đạo làm người của Khổng Tử. Những tấm gương hiếu đạo và những lời dạy về đạo làm con trong kinh sách phần nhiều nghiêng về luân lý hơn là dựa vào cái tình máu thịt ruột rà giữa cha mẹ và con cái. Nên sách vở khuyên dạy về cách báo hiếu cha mẹ đó và đồng thời cũng bó buộc phải làm theo như vậy đó, không cần biết có hợp hay không hợp với hoàn cảnh của con cái và gia đình.

                        Cái tình trong đạo Hiếu là cái tình thâm mà chắc chắn không sách vở nào ghi chép lột tả ra cho hết được. Thương cha mẹ không gì bằng thấy cha mẹ cực nhọc thì mình không nên ăn chơi phung phí là hiếu. Thấy cha mẹ không vui, mình chẳng dám đùa giỡn vui đùa. Thấy cha mẹ đau yếu già nua, con cái lo miếng cháo miếng cơm thuốc thang chữa trị là hiếu. Đầu mùa lúa có hạt gạo thơm dâng cho cha mẹ nồi cơm lúa mới. Đầu mùa mưa, bắt được con cá mới lên đồng còn mập thè lè cặp trứng dâng cha mẹ miếng cá ngon. Cha mẹ nào cũng muốn con cái hòa thuận thảo ngay, mình không dám nghịch lẫn nhau là hiếu. Trong gia đạo anh em hòa hiếu, ngoài xã hội không ai dám chê cười. Bằng ngược lại anh em tranh giành nhau từng tấc đất bờ ao, từng bụi tre ngọn gáo làm cha mẹ phải rầu buồn vì con cái bất hòa, cả thôn làng chòm xóm ai cũng chê cười, đời đời bị bia miệng mai mỉa chế nhạo những đứa con bất hiếu ngay lúc cha mẹ còn sanh tiền.

                        Đạo Hiếu ở nhà quê chú đến cái lòng thành hơn là cái nghi tiết nhỏ nhặt, rườm rà. Chữ hiếu càng nặng lại càng được giữ chặt trong lòng hơn là phô bày ra chiều trình diễn. Cái tình máu mủ ruột thịt là cái tình muôn đời như dòng nước ngọt không cắt rời ra được. Nó bền mà ngọt. Nó mạnh mẽ mà không khô. Nó thực tế mà không ra chiều chú trọng về mặt vật chất. Cái đạo Hiếu nó hiển hiện đó mà cũng thâm thâm diều diệu đó. Ai có lòng hiếu thảo sẽ nhận ra ngay, không cần phải giải nghĩa cầu kỳ, không cần phải trích dẫn ra hai mươi bốn tấm gương hiếu để ngày xưa trong Nhị Thập Tứ Hiếu bên Trung Hoa để mà noi theo.

                        Ở mỗi hoàn cảnh, ở mỗi không khí gia đình riêng, mỗi người dân quê có cách riêng để đạt đạo Hiếu mà không phải bắt chước gương hiếu này hạnh thảo kia cho mình. Chính vì vậy mà chữ Hiếu ở nhà quê mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác nhưng có chung nhau tình máu thịt ruột rà giữa con cái đối với cha mẹ rất thắm thiết không có luật lệ nào can dự vào đạo lý gia đình nơi thôn quê được.

                        Xem như điều này cũng không trái với đạo Khổng bàn về chữ Hiếu. Chẳng hạn cũng cùng chữ Hiếu, khi được các đệ tử hỏi về cái nghĩa lý của nó, mỗi người được Khổng Tử trả lời khác nhau. Với Mạnh Ý Tử, Khổng Tử đáp: “Vô vi”; với Mạnh Vũ Bá, Khổng Tử đáp: “Phụ mẫu duy kỳ bệnh chi ưu”; với Tử Du, Khổng Tử đáp: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã dai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ?”; với Tử Hạ, Khổng Tử đáp: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kì lao, hữu tửu tự, tiên sinh soạn: tằng thị dĩ vi hiếu hồ?”(1)

                        Trong giới thức giả tiền bối, dường như người nào thành nhân chi mỹ cũng coi chữ Hiếu là trọng. Một Vương Hồng Sển, khi tuổi trời đã chín mươi, mà mỗi lần nhắc lại mẹ cha ông đều nghiêng mình nhỏ lệ để tỏ lòng hiếu đạo với bậc sanh đẻ ra mình. Một Nhất Hạnh với Bông Hồng Cài Áo, một Võ Hồng với Một Bông Hồng Cho Cha. Đặc biệt, với học giả Nguyễn Hiến Lê với Làm Con Nên Nhớ đã có lời sám hối: “Tình thương của cha mẹ tự nhiên như nước chảy xuôi, mà lòng hiếu của con phải nhờ giáo dục, nhờ kinh nghiệm rồi mới có.(...) Nước chảy xuôi hoài cho tới khi cạn. Cha mẹ cứ muốn giúp con hoài cho tới khi chết.(...) Trong cái trào lưu sinh hoạt vĩnh viễn bất tuyệt của loài người, nước đã chảy đi thì không bao giờ trở lại về nguồn. Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt đầu rời suối, các bạn nên ngừng bước lại một chút, quay lại nhìn về nguồn để hiểu nguồn thì trên đường đời các bạn đỡ phải ân hận, đỡ phải sám hối như hôm nay tôi sám hối trên bàn viết, trước mặt bàn thờ ba má tôi mà lư trầm đương lặng lẽ toả hương”. (2)

                        Người nhà quê mấy ai được đọc những sách vở viết về lòng hiếu thảo ấy trong Luận Ngữ của Khổng Tử, của Nhất Hạnh, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê. Thành ra, đạo Hiếu nơi người nhà quê là cái đạo tự nhiên như trời có gió, nước có nguồn, cây có bóng mát làm cho phong phú thêm tâm hồn của họ vốn đã chất phác giản dị hiền hoà càng ngày càng làm cho đạo làm con từ đời này truyền qua đời khác càng phong phú thêm nữa. Nghèo mà sạch. Ít học mà thơm lâu là vậy. Lòng hiếu thảo ấy là cội nguồn của một nền văn hoá rất ư gần gũi, ai cũng biết, ai cũng thấy, thời nào cũng cần giữ gìn. Trở về nguồn không gì bằng trở về nhìn lại những tình tự rất tha thiết, rất thực thà của dân quê trong đạo Hiếu đối với cha mẹ.

                        Trong trời đất con người là chánh. Trong gia đình đạo Hiếu là trọng. Không làm tròn đạo Hiếu là một thiệt thòi lớn của kiếp làm người. Không ai bắt tội mình kể cả cha mẹ. Mà chính mình sẽ tự trách mình suốt đời nếu để lỡ một dịp may không làm được những gì một người con cần làm để cha mẹ vui lòng!

                        LTT

                        Chú thích:

                        (1) Mạnh Ý Tử hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đáp: “Không trái”; Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đáp: “Cha mẹ chỉ lo cho con bị bệnh tật”; Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng tử đáp: “Ngày nay người ta cho hiếu là có thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến chó, ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu không kính cha mẹ thì có khác gì?”; Tử Hạ hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đáp: “Khó ở chỗ giữ được nét mặt vui vẻ. Khi cha có việc, con phải khó nhọc (để giúp cha mẹ), hoặc khi có cơm rượu, mời cha ăn uống, như vậy đủ gọi là hiếu chăng?”
                        (Theo Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê, nhà Văn Nghệ xuất bản, Hoa Kỳ , 1994.)

                        (2) Bách Khoa số 207 ngày 15-8-1965. Phật lịch 2509)
                        Last edited by viet11; 22-05-2012, 10:53 PM.
                        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                        ............



                        Can't Live Without...hehe...


                        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                        Comment


                        • #27
                          Lúa Thần Nông một dòng đời - Kỳ 4

                          Thế là, chúng tôi đã sống được trên cánh đồng này tròn tám mươi ngày hoặc trồi sụt đôi chút. Với trên dưới tám mươi ngày vừa đi vừa chạy đó, chúng tôi nhìn lại chính mình, trong lòng biết bao vui mừng dù nhiều gian truân, trắc trở. Nhìn những hạt lúa ngậm gạo hơn hai phần ba, chúng tôi rất hài lòng về cuộc hành trình đã đi qua, dù chưa trọn vẹn. Ngày nào cũng như ngày nào, những bạn nông dân của chúng tôi, mỗi sáng tinh sương, mỗi chiều mát dịu, họ rảo bước trên bờ bi nhỏ nhìn ngắm chúng tôi say đắm.


                          Một vài người gặp nhau bên đám ruộng, mời nhau điếu thuốc vấn, mồi cho nhau chút lửa, rít một hơi dài rồi nhả ra từng sợi khói, trong cái mát dịu của đất trời, trong cái hay hay của những bông lúa vàng mơ, thơm thơm mùi lúa mới, những sợi khói cứ quyện vào nhau như những thân tình giữa người và người, giữa người và đất trời, giữa người và những bông lúa ngập trời. Những lúc như vậy, cũng là những lúc chúng tôi trầm tư nhất, chúng tôi cũng chia sẻ niềm thân ái với họ nhất vì lúc bấy giờ chúng tôi đang lắng lòng nhất trước khi chào một ngày mới rạo rực hay đón một đêm dài êm ả, mát lạnh, thì thầm.

                          Hôm nay, dường như có điều gì bất thường. Dưới gốc lúa chúng tôi, có những sinh vật lạ li ti bám vào thân, vào gốc làm chúng tôi hơi nóng, lạnh bất thường. Rồi hôm sau, một vài chiếc lá hơi rực đỏ. Dần dần, những nhánh bông của chúng tôi chưa chín mà như rực chín. Thế là, chúng tôi lại bị sâu rầy nữa rồi, cho dù chúng tôi đã đi gần trọn cuộc hành trình của đời mình.

                          Các bạn ơi! Những sinh vật nhỏ li ti bám dưới gốc chúng tôi, là rầy nâu đấy các bạn ạ! Giống rầy nâu này rất độc hại. Chúng chỉ đeo theo gốc lúa như vậy mà mùa màng coi như gặp đại họa. Dường như, trong bất cứ mùa lúa nào cũng đều bị rầy nâu phá hại, không nhiều thì ít. Mà cơ khổ nhất cho nhà nông là việc chạy tiền mua thuốc rầy, vì những ngày tháng lúa vàng mơ này cũng là những ngày tháng trong nhà đã chắt mót không còn một đồng, một cắc. Rồi lại phải chạy ngược, chạy xuôi, vay hỏi với những món lời “chảy máu con mắt”. Trên cánh đồng lúa bao la, chỗ nào cũng có rầy nâu, hằng triệu hằng triệu con trắng dã ở gốc, ở thân lúa, chỗ nào cũng xịt thuốc, chỗ nào cũng lúa sắp chín với những bước chân của người nông dân chuyên nghiệp lách từng bước, từng bước rướm máu, cẩn thận đưa vòi xịt xuống từng gốc lúa. Những giọt thuốc nhỏ li ti rớt trên gốc lúa rào rào, thấm ướt, chảy tuồn tuột lên mình những chị rầy nâu bụng thè lè trứng là trứng. Những chị rầy độc ác này sặc sụa, ói ra máu liền tức khắc, buông chân, nổi trên mặt nước lềnh bềnh như bèo cám. Các bạn thử tưởng người làm ruộng họ cực khổ biết dường nào! Nếu họ không xịt thuốc kỹ như vậy, rầy không chết, coi như bao nhiêu hy vọng mà nhà nông trông đợi vào chúng tôi, đều hoài công, uổng của.

                          Chúng tôi vừa bị rầy với những cơn nóng lạnh như làm cữ rét, cùng với mùi hôi nồng nặc của thuốc rầy làm chúng tôi muốn ngạt thở. Với những gốc lúa bị đạp, bị rầy bầm giập, chúng tôi nhiều lúc quên cả đời mình, quên cả những bông lúa sắp chín vàng. Những cây lúa chúng tôi làm sao vui được khi chúng tôi lâm nạn, khi những người bạn nông dân buồn lo, rầu rĩ. Nhiều người vì không chạy được tiền, thuốc không có, đành gạt nước mắt nhìn chúng tôi bị rầy nâu phá hại lụn dần, lụn dần như người hấp hối đang thở những hơi thở dài trước phút lâm chung. Nhiều người mua phải thuốc sâu giả, tốn tiền, tốn công xịt thuốc mà rầy không chết, chúng tôi càng ngày càng khô rụi, vì thế mà có biết bao nông dân “tán gia bại sản” với nạn thuốc giả này. Thật là thảm thương, thảm thương cho chính mình, mà cũng thảm thương cho những người nông dân, lúc nào họ cũng nhận về cho mình những thiệt thòi, những mất mát, những chịu đựng đến rơi nước mắt!

                          Phong ba nào rồi cũng qua! Tai ương nào rồi cũng phải tan biến! Và sau những bầm giập với nạn rầy, những ngột ngạt với mùi thuốc sâu lan rộng nguyên một cánh đồng cò bay mỏi cánh, chúng tôi đã gượng dậy đi cho suốt cuộc hành trình. Mực nước dưới gốc chúng tôi còn lấp xấp mấy hôm trước, váng một lớp dầu nhớt pha thuốc rầy, phụ lực với thuốc xịt trên gốc lúa, làm cho rầy mau chết cùng với hằng triệu, hằng triệu xác rầy bị chôn vùi, giờ được những nhà nông rút bộng tháo ra ngoài kinh, ngoài rạch, đánh dấu một chặng đường.

                          Chúng tôi đang ở ngày thứ chín mươi rồi, những ngày tháng xế chiều của một cuộc sống ngắn ngủi này, nhưng cũng là những ngày tháng đẹp nhất, ích lợi nhất với kết quả là cả cánh đồng lúa chín vàng. Những bông lúa đầy hạt, cong mình nhìn lại những thân lúa của mình, được che khuất dưới những lá gai còn tươi với màu vàng sậm, đang nghĩ về những vui buồn trong dòng đời.

                          Hôm nay trời nắng ấm. Mặt đất dưới chân chúng tôi ráo lại. Những cơn gió làm đong đưa từng chùm bông lúa chạm vào nhau xào xạc, rì rào không ngớt. Những lượn sóng lúa lan dần, lan dần từ vạt lúa này đến vạt lúa khác làm thành những con trăn, con rắn rượt đuổi, lượn lờ vui vui con mắt. Những người bạn nông dân, mỗi ngày họ ra đồng thăm nom chúng tôi không biết bao nhiêu lần. Kẻ qua, người lại, người nào cũng chắc lưỡi trầm trồ, khen ngợi. Vạt lúa này trúng, vạt lúa kia dấu bông. Giống lúa này giống bông dừa khít nách, giống lúa kia phơi bông, phơi hạt. Nào là, công đất này với giàn lúa như vầy, chắc mẻm sẽ bốn mươi giạ một công tầm cắt. Nào là, công đất kia là đất lung, lúa trúng hơn, có lẽ ăn đứt cánh đồng này, vân vân. Chúng tôi nghe họ cười vui, hút thuốc liên miên, khói thuốc bay bay theo tiếng nói nói, cười cười, chúng tôi cũng vui lây, hòa nhịp với tiếng cười, tiếng nói bằng những điệp khúc lao xao của những ngọn gió ngày mùa.

                          Các bạn ơi! Chúng tôi đã ở vào những ngày cuối cùng của đời mình, tròn một trăm ngày hoặc trội thêm vài bữa, khi những hạt lúa cuối cùng ở cậy bông đã đầy gạo.

                          Đây rồi, mùa lúa chín! Mùa lúa chín là mùa của chim chóc líu lo, của tiếng hát hò trên đồng, của tiếng gọi nhau ơi ới, của tiếng lưỡi hái xào xạc cắt vào gốc rạ, của những mớ lúa đặt ngay hàng thẳng lối như những người lính đứng trong hàng quân, của tiếng máy suốt lúa ầm ầm trên đồng, của tiếng thúc giục trâu, bò kéo những cộ lúa hột về nhà, của những đàn vịt hãng, vịt tàu rượt đuổi những con mồi, những hạt lúa rụng, của những làn khói nấu cơm chiều bên bờ kinh, của cười vui, của hạnh phúc. Hạnh phúc của con người, của thiên nhiên, của vạn vật và của cả những cây lúa Thần nông trên cánh đồng này.

                          Thời hiện đại là thời của khoa học tiến bộ. Cây lúa thần nông cũng bị cuốn hút vào thời hiện đại. Nghĩa là mỗi năm có tới hai mùa lúa chín: Mùa lúa chín tháng Hai và mùa lúa chín vào trung tuần tháng Bảy. Mùa trước thì nắng ráo. Mùa sau mưa dầm sùi sụt vì thời tiết tháng Bảy là mùa mưa Ngâu mà. Nhưng mùa lúa chín nào cũng có những đặc tính gần giống nhau, có những vui buồn gần giống nhau, có những rạo rực gần giống nhau, có những sinh hoạt gần giống nhau. Có khác chăng là khác tháng, khác ngày, khác mưa, khác nắng mà từ đó cái cực của người nông dân cho mỗi vụ mùa có khác nhau đôi chút.

                          Mới hôm qua, những bông lúa vàng ngập đồng, ngàn trùng, cười vui với gió đồng nội trong lành như đi chơi, đi dạo. Thế mà hôm nay, chúng tôi đã thành rơm, thành rạ với những tua quay vòng, ầm ầm, sành sạch, cuộn vào trục máy suốt, bay bổng lên không trung về phiá dưới gió như những cánh chim ngàn. Những hạt lúa tách khỏi mình mẹ tuôn ra ào ào vào bao, vào thúng như đang mang niềm vui đến thật sự cho những nhà nông lam lũ, nhọc nhằn. Chúng tôi được nhiều hạt chừng nào là mừng chừng nấy. Có như vậy, những người bạn nông dân của chúng tôi mới mong trả được những nợ nần, tiền vay, bạc hỏi, lúa già, lúa non, lúa heo, lúa thịt, lúa thuế, lúa vụ, lúa làng, lúa xã, vân vân... Những món nợ triền miên, hết đời, hết kiếp mà nhiều khi không trả nổi. Mà cơ khổ, họ có dám xài hoang phí gì cho đáng tội. Đàng này, là những nợ mua phân bón, nợ thuốc sâu rầy, nợ mướn cày bừa, nợ cắt hái, nợ xăng nhớt, nợ máy móc, nợ trâu bò, nợ lúa ruộng, những món nợ đời, nhiều khi đong lúa trả rồi, người nào cũng chảy máu con mắt. Các bạn có bao giờ tưởng tượng những gánh nặng nợ nần triền miên phủ đầy trên vai, trên cổ của những người làm ra hạt cơm, hạt gạo cho đời không? Riêng chúng tôi, những hạt lúa rời khỏi mình mẹ, được đong đi, đong đi mãi cho những chủ nợ vội vàng, chúng tôi thấy xót xa cho những nhà nông nghèo biết dường nào. Những thùng lúa nợ, ăn trước trả sau, thật hết sức tội tình!!!

                          Mỗi một mùa lúa thần nông ngắn ngủi như những kiếp sống ngắn ngủi của từng bụi lúa! Vỏn vẹn ba tháng mười ngày với một kiếp sống trong bùn, trong nước tù hãm, trong mùi thuốc sâu phủ lấp triền miên, những bụi lúa chúng tôi luôn luôn gắn liền đời mình với từng giọt mồ hôi của những nhà nông tưới xuống cánh đồng. Chúng tôi chia sẻ cái lo với họ. Chúng tôi bị sâu, bị rầy, họ bấn loạn, chúng tôi cũng tan nát từ những chiếc lá, tới những gốc lúa giập bầm. Chúng tôi trúng mùa, họ vui, chúng tôi cùng vui với họ. Chúng tôi thất mùa, bông con, bông chét, người làm ruộng rầu, chúng tôi rầu với cái rầu của họ. Lớn lên từng ngày, từng ngày trong suốt một trăm ngày, lúc nào chúng tôi cũng vươn lên như kiếm tìm cái thiết thực của đời cây lúa, cái thiết thực cho loài người, cho muôn loài đồng thời với mình mà phải sống bằng lúa, bằng gạo.

                          Nghĩ cho cùng, bất cứ sinh vật, cỏ cây, vạn vật kể cả loài người, mỗi mỗi đều hơn một lần đóng góp công sức của mình cho sự tươi đẹp, diễm kiều, hài hòa cùng sự sinh tồn của vũ trụ, của vạn vật. Chẳng hạn những loài hoa đẹp làm đẹp đất trời, làm tươi mát cuộc sống, dù cuộc sống con người hay cuộc sống cỏ cây. Hoặc những loài thú, loài cá, loài tôm, chim muông cũng đóng góp phần mình cho đời sống loài người, đời sống của vũ trụ. Riêng đời của cây lúa là một đời cỏ cây gần gũi, thân thiết với loài người nhất, không thể thiếu vắng được; gần gũi, thân thiết đến độ người làm ruộng và cây lúa hòa nhập làm một. Nhưng có lẽ không có nhà nông gieo trồng, chăm bón, săn sóc, chúng tôi cũng chỉ là những bụi lúa rụng, lúa ma hoang dã, không đơm bông kết hạt đúng hạn kỳ và không cho nhiều lúa, nhiều gạo được. Xin các bạn đừng bận lòng về thân phận, về dòng đời những giống lúa Thần nông chúng tôi, một thân phận, một dòng đời dù nhiều vui buồn trong từng vụ mùa, hết mùa này đến mùa khác, hết kiếp này đến kiếp khác, mà nên nghĩ đến những nhà nông tay lấm chân bùn, trước nhất như những ân nhân của loài người, của muôn loài. Vì rằng, hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm rất kề cận với đời thường nhưng những giọt mồ hôi của người nông dân rớt rơi ở những miếng ruộng xa mù, trên luống cày, trong những vũng nước bùn sình, đôi lúc hòa cùng những giọt nước mắt cay cay, với số phận hẩm hiu của họ dường như ít được người đời nhớ nghĩ, đoái hoài! Và chúng tôi, những đời cây lúa, cũng muốn nói lời biết ơn họ, những kiếp đời gần gũi với bùn lầy mưa nắng quanh năm...

                          Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                          Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                          ............



                          Can't Live Without...hehe...


                          Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                          Comment


                          • #28
                            Thử tìm hiểu về Bàn thờ Ông Thiên qua vài trang sách cũ - Kỳ 1

                            Nhắc tới miền quê thuộc miền Tây Nam nước Việt, không ai là không biết tục thờ cúng “Bàn Thờ Ông Thiên” nơi trước sân ở mỗi nhà; nhưng danh từ “Bàn Thờ Ông Thiên” có từ khi nào thì khó mà xác định một cách chắc chắn.


                            Lần giở lại các trang sách cũ, như quyển “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huình-Tịnh Của (1) không có danh từ này. Rồi đến các tự điển như “Hán Việt Từ Nguyên” hoặc “Tầm Nguyên Từ Điển” của Bửu Kế (2) cũng không thấy nhắc đến danh từ này. Lần mò tìm trong “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển” của Trịnh Vân Thanh (3) cũng không có vết tích gì về “Bàn Thờ Ông Thiên”. Ngay như quyển “Việt Nam Tân Tự Điển” của Thanh Nghị, do nhà xuất bản Thời Thế (Sài Gòn), 1951, cũng không có ghi lại danh từ này dù việc thiết lập “Bàn Thờ Ông Thiên” đã có từ rất lâu trước đó.

                            Vì muốn tìm hiểu việc thờ cúng “Bàn Thờ Ông Thiên” rất phổ thông này nơi các làng quê, chúng tôi tìm đọc qua các sách vở có liên quan đến đất Nam Kỳ như “Một Tháng Ở Nam Kỳ” trong quyển Hành Trình Nhật Ký của Phạm Quỳnh (4), “Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang” cũng như “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” của Sơn Nam (5) đều không thấy nhắc đến việc thờ Trời này.

                            Rồi chúng tôi dò tìm lại “Việt Nam Phong Tục” của Phan Kế Bính, “Làng Xóm Việt Nam” của Toan Ánh (6) đều không thấy vết tích gì về “Bàn Thờ Ông Thiên”.

                            Đến như cuốn “Thần, Người Và Đất Việt” (bản mới) của Tạ Chí Đại Trường (7) tác giả có khảo sát rất chi ly về các tín ngưỡng trong việc thờ phượng tế tự cùng các tôn giáo vùng đất Nam Kỳ, nhưng cũng không thấy nhắc đến việc cúng kiến nơi “Bàn Thờ Ông Thiên”.

                            Thành ra, càng tìm kiếm sách vở nhắc đến “Bàn Thờ Ông Thiên”, dù chưa gặp, nhưng tôi vẫn không nản lòng vì qua việc tìm kiếm này, tôi có dịp đọc lại nhiều sách cũ mà lúc bình thường tôi chưa đọc kỹ.

                            Thế rồi, qua cuốn du ký và biên khảo “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mưòi” của Nguyễn Hiến Lê, tác giả kể:

                            “Ngoài Bắc làng nào cũng có chùa, và phụ nữ thường đi lễ Phật đấy, song ít nhà có bàn thờ Phật và số người ăn chay không đáng kể.

                            Anh Bình mỉm cười:

                            - Anh quên rằng dân quê Bắc-Việt suốt năm ăn chay sao? “Tứ thời rau muống, tứ thời tương.”

                            - Ngay những nhà giàu ở thành-thị cũng ít ăn chay, ít lắm, mà có ăn chay thì chỉ ăn tại chùa, trong những dịp có hội hè, tế lễ thôi. Trong này mười gia đình thì tám chín gia đình có bàn thờ Phật hoặc bàn thờ ông Thiên và nhà nào cũng có người ăn chay.



                            Bàn thờ của ngưởi Bến Tre

                            Đi ghe trong các kinh, rạch, vào lúc sẩm tối, ta thường thấy hai bên bờ, cứ vài chục thước lại hiện lên những đốm đỏ, nhỏ như đom-đóm; đó là hương thắp trước mỗi nhà. Có xóm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ. Có miền tới ngày rằm, mùng một, không sao kiếm được ở chợ các món thịt, cá. Nhà nào cũng ăn chay và có nhiều người ăn chay trường. Cảnh ấy, ở Bắc-Việt tuyệt-nhiên không thấy.”(8)

                            Ở cuối trang tác giả chú thích về “Bàn thờ ông Thiên”: “Một bàn thờ nhỏ đặt trên một cái trụ ở giữa trời tại giữa sân, trước nhà, để thờ Trời Phật” (9).

                            Có được những bút lục vừa kể chúng tôi mừng lắm, ít ra có một bậc tiền bối ghi lại việc thờ phượng Trời Phật này bằng giấy trắng mực đen thay vì mình chỉ biết qua truyền miệng với nhau. Thế nhưng, vì muốn tìm học hỏi thêm, nên chúng tôi tìm đọc lại “Văn Minh Miệt Vườn” của Sơn Nam, và bắt gặp nhà văn ghi lại đôi nét về khung cảnh nhà cửa miệt vườn như dưới đây:

                            “Chúng tôi thử phác họa một ngôi nhà ở Miệt Vườn, chủ nhân là dân điền chủ bậc trung. Nhiều ngôi nhà cất sau này dựng hàng rào sắt, có xây hồ nước lộ thiên, có lầu. Theo ý chúng tôi thì những ngôi nhà tân thời ấy, không tiêu biểu cho lắm, tốt hơn là nên chọn lựa một kiểu nhà hơi xưa, cất vào khoảng năm 1905-1910, lần hồi gia chủ mua sắm thêm bàn ghế bên trong, tu bổ lại.

                            Địa điểm chọn lựa là vùng Cái Bè, ở bờ sông Tiền, nơi nổi tiếng nhờ vườn cam và cũng là vùng đất xưa. Hy vọng rằng kiểu nhà sau đây- nhà của điền chủ- nói lên được phần nào cách ăn ở của người Miệt Vườn hồi đầu thế kỷ, với nhiều tiểu dị nhưng cũng có nhiều nét đại đồng. Những người phú nông, trung nông cất nhà theo quan niệm ăn ở và thẩm mỹ ấy, nhiều chi tiết được thay đổi tùy theo túi tiền của gia chủ.

                            Mỗi nhà là một cung điện bình dân, với nhà thủy tọa, với sân rộng, hòn non bộ, cây kiểng. Sau nhà là vườn tược, trước sân và bên hông thì trồng cây để lấy bóng mát. Nhà không quá kín đối với người ngoài.

                            Nhà mát cất ở mé sông, kiểu nhà thủy tọa, có “băn” bằng cây đóng chung quanh. Đây là nơi lý tưởng để ngắm cảnh khi trăng lên, khi nước lớn. Bên cầu mát là trại lá nhỏ để ghe xuồng đậu, từ chiếc ghe hầu, mui ghe chạm trổ phết vàng sơn son, đến chiếc ghe lườn, xuồng be, xuồng vỏ gòn.

                            Rời nhà mát, gặp con đường cái, chạy dài theo mé rạch. Qua lộ, đến cổng vào nhà. Cổng ít khi đóng lại, nhiều khi không có cửa. Cổng bằng cây, bằng gạch. Nếu túng thiếu hoặc yêu mến thiên nhiên, cứ trồng cây, uốn cho nhánh giao lại theo hình vòng nguyệt, hai bên là hàng rào bằng cây khô hoặc cây tươi như dâm bụt, cây trà kiểng, cây kim quít.

                            Từ cổng vào nhà là con đường lót gạch tàu, bên đường viền cỏ dền tây, bông nở ngày, bông vạn thọ hoặc cây đinh lăng.

                            Bàn thờ ông Thiên dựng giữa sân, gần đường cái. Nhiều khi gia chủ bố trí thêm một cây trụ, trên chót là cái lồng cửa kiếng, ban đêm thấp ngọn đèn dầu lửa cho vui. “(10)

                            Qua đoạn trích vừa kể bàn về ngôi nhà hồi đời xưa, tức là vào những năm 1905-1910 nơi miệt vườn đã có “Bàn Thờ Ông Thiên” tươm tất rồi với ngôi nhà tiêu biểu vừa kể. Điều đó cho thấy, sự thờ Trời Phật qua Bàn Thờ Ông Thiên có lẽ nó đã có khá lâu trước đó.



                            Bàn Thờ Ông Thiên bên hai gốc mai vàng ngày Tết

                            Trở lại nhận xét của Nguyễn Hiến Lê về tín ngưỡng của dân Nam-Việt trong cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, tác giả viết:

                            “Ở chùa bước ra, tôi nói với anh Bình:

                            - Theo Chu Duy-Chi, tác giả cuốn “Trung-Quốc Văn-Nghệ Tư-Trào Sử-Lược”, thì miền nam Trung-Hoa khí hậu mát-mẻ, đất cát phì nhiêu, việc mưu-sinh nhẹ-nhàng, nên dân-gian thường được nhàn-hạ, có thì giờ không-tưởng, suy-nghĩ về lẽ huyền bí của Vũ-trụ, tìm cách thoát tục tu tiên. Óc tưởng-tượng của họ phong phú mà óc thực tế thì kém, văn-chương lãng-mạn phát-đạt hơn văn-chương tả thực. Trang-Tử và Khuất-Nguyên đều là người phương Nam, còn Khổng-Tử là người phương Bắc.

                            - Thuyết ấy áp dụng vào nước ta cũng có chỗ đúng. Như ở Nam-Việt này, đạo Khổng không phát triển bằng các tôn-giáo Lão, Phật.”(11)

                            Chính vì ảnh hưởng bởi Lão Giáo và Phật Giáo hơn các tôn giáo khác cho nên việc thờ Trời Phật qua Bàn Thờ Ông Thiên của dân Nam-Việt là một lẽ hết sức tự nhiên. Thêm vào đó, theo Nguyễn Văn Huyên, trong Văn Minh Việt Nam, bàn về đạo Lão, tác giả viết:

                            “Vị thần tối cao của những người theo đạo Lão, điều khiển tất cả các thần khác, là Ngọc Hoàng. Ông ở trung tâm của Trời…” và “Ngọc Hoàng thường được gọi là ông Trời hay Trời. Trong ý thức dân gian, Trời là căn nguyên của các hiện tượng khí quyển và sự che chở cho người trần. Trời là nguyên nhân nội tại của tất cả; Trời chủ trì cái sống, cái chết, hạnh phúc, sự giàu nghèo, v.v… Trời chẳng phải là sức mạnh mù quáng; Trời xem xét, suy nghĩ, phán xét. Về mặt vật chất thì Trời được tiêu biểu bằng vòm trời tạo thành một nửa thế gian, nửa kia là Đất. Toàn thể vũ trụ được gọi là Trời Đất”.(12)

                            Last edited by viet11; 25-05-2012, 10:23 AM.
                            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                            ............



                            Can't Live Without...hehe...


                            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                            Comment


                            • #29
                              Thử tìm hiểu về Bàn thờ Ông Thiên qua vài trang sách cũ - Kỳ 2



                              Ngoài ra, bàn thêm về Ngọc Hoàng, tức Ông Trời, tác giả Nguyễn Văn Huyên ghi tiếp:

                              “Người Việt nói rằng: “Ngọc Hoàng lúc khai thiên lập địa là một con chim màu đỏ. Lúc trời đất chưa ra khỏi sự hỗn mang, và bóng tối còn bao trùm vạn vật, Ngọc Hoàng đã cai trị vật chất bất động và lộn xộn. Sau này, khi Trời được giải thoát, đứng trên cao, và Đất được giải tỏa, nằm dưới thấp, thì Ngọc Hoàng ngự trị 36 cung điện của các thần trên Trời và 72 thần của các tầng của Đất. Ông là chúa tể của Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì Sao, Gió, Mây, Sét và Mưa. Các thần và ma của núi, sông, rừng, cánh đồng, biển, cũng như các sinh vật đủ loại người, chim trên không, cá dưới biển đều trở thành thần dân của Ngọc Hoàng. Ở thời Bàn Cổ xa xưa, khi con người còn hoang dã ăn thịt sống và uống máu tươi súc vật, thì Ngọc Hoàng cử Phục Hy xuống truyền cho họ những yếu tố của văn minh, cử Thần Nông dạy họ làm ruộng, và Hiên Viên dạy họ dệt vải lanh và dệt lụa. Chính Ngọc Hoàng đã tạo nên các nền trật tự thái bình vinh quang của Nghiêu và Thuấn, và sai Vũ Vương đắp đê ngăn nước trong trận lụt tràn khắp thế gian. Ngọc Hoàng còn phái xuống trần Cao Đào để thiết lập công lý giữa mọi người, Tiết để định ra năm mối quan hệ xã hội lớn, Khổng Tử để viết Ngũ Kinh, và tất cả các bậc hiền giả đã làm rạng rỡ loài người”.(13)

                              Do vậy, vốn là xứ nông nghiệp, nên khi khấn vái, người ta cầu khấn Ngọc Hoàng, tức Ông Trời, cùng các vị thần linh đệ tử của Ngài trong tất cả các sự kiện liên qua tới cuộc sống như sinh đẻ, bệnh tật, dịch bệnh, hạn hán, lụt lội, mưa nắng, mùa màng v.v… như qua các thực tế trong việc van vái nơi “Bàn Thờ Ông Thiên” mỗi ngày hoặc qua văn chương truyền khẩu còn lưu lại mãi mãi:

                              “Lạy Trời mưa xuống
                              Lấy nước tôi uống,
                              Lấy ruộng tôi cày,
                              Lấy đầy bát cơm,
                              Lấy rơm đun bếp…”

                              Về hình thể “Bàn Thờ Ông Thiên”, thì ai ai có qua vùng đất Nam Việt cũng đã thấy và đã biết hình dáng loại bàn thờ này, giống như nhị vị tiền bối Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam lược kể. Thuở còn nghèo, mới khai hoang lập ấp, người ta chặt cây tràm, hoặc đốn gốc tre gai dài chừng từ 1 thước 60 đến hai thước làm trụ dựng bàn thờ ông Thiên. Trên đầu trụ đóng cây thành hình chữ thập nhằm mục đích giữ cho miếng ván dùng làm bệ thờ không bị lật rớt. Sau đó lựa miếng ván vuông vức khoảng chừng bốn tấc đặt lên chữ thập này. Và vậy là có bàn thờ ông Thiên với cái lon thiếc làm chỗ cắm nhang, chai nước mưa, ba cái ly nhỏ để cúng nước và một chai nhỏ dùng làm bình bông cúng Trời Phật. Bông thường thường là bông trang, bông huệ, bông điệp, bông mồng gà trồng ngay nơi bàn ông Thiên mà mỗi nhà nào cũng có trồng khi bắt đầu dựng trụ thiết lập chỗ thờ cúng này.

                              Dùng cây tràm, dùng gốc tre lâu ngày trụ bàn thờ ông Thiên bị mưa nắng làm mục, người ta mới nghĩ đến việc dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ vì các loại cây này khi cắm xuống đất chúng sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống lưu niên từ năm này qua năm khác không sợ mục; chỉ có điều lâu lâu nên để ý mé bớt các các nhánh vông, nhánh gòn cho gọn để bàn thờ được tươm tất và đẹp mắt.

                              Dần dần về sau vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 miệt chợ Thủ thuộc Chợ Mới (An Giang) và nhiều nơi khác thuộc Long Xuyên như Cần Sây, Rạch Gòi Lớn, hoặc các vùng thuộc Châu Đốc, Cần Thơ, Sa Đéc, nói chung các vùng thuộc Tiền Giang và Hậu Giang, người ta nghĩ ra cách đúc Bàn Thờ Ông Thiên bằng xi măng cốt sắt và để bán tại chỗ hoặc có ghe chở bán khắp các làng quê trong vùng. Do vậy sau này, ít thấy bàn thờ ông Thiên làm bằng cây vông, cây gòn, gốc tre hay các loại cây gỗ khác và chỉ còn vài nhà vì quá nghèo không mua nổi bàn ông Thiên đúc xi măng thì mới còn dùng các loại cây cối có sẵn trong vườn làm trụ bàn ông Thiên.

                              Về tên gọi “Bàn Thờ Ông Thiên”, qua sách vở như vừa ghi bên trên, thoạt kỳ thủy ai ai cũng gọi “Bàn Thờ Ông Thiên” nhưng rồi dần dần vì tính giản dị của cư dân nơi vùng sông nước Cửu Long này nên nguyên chữ “Bàn Thờ Ông Thiên” được lược ngắn bớt chữ “thờ” thành ra “Bàn Ông Thiên. Chẳng hạn vùng An Phú, nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung cho biết dân nơi ấy gọi “Bàn Ông Thiên”. Ở vùng Châu Phong, theo chị Lộc Tưởng, người chủ trương trang nhà Thất Sơn Châu Đốc cũng cho biết ở đây người ta cũng gọi “Bàn Ông Thiên”.

                              Nhắc đến vùng Châu Phong của chị Lộc Tưởng, chúng tôi nhớ lại trong sách “Bangsa Champa, Tìm Về Một Cội nguồn Cách Xa”, của tác giả Đỗ Hải Minh, biên khảo về đời sống đồng bào Chăm vùng cù lao Châu Phong có nhận xét về sự khác biệt giữa nhà cửa cư dân Việt và cư dân Chăm trong vùng, với tục thờ cúng “Bàn Ông Thiên” như sau:

                              “Từ bên này bờ sông nhìn sang bên kia, không xa lắm, chỉ vào khoảng 50 thước là cùng, tiếng trẻ em vui đùa vẫn vọng mồn một sang bên này bờ, nhưng thực tế là hai thế giới khác biệt. Thật vậy, nhà cửa bên kia sông, thường đắp nền cao rồi dựng cột và vách lên, bên trong nhà có bàn thờ tổ tiên, bày biện bàn ghế, giường ngủ có chân cao. Hầu như trước nhà nào cũng có một bàn thờ nhỏ gọn gọi là “Bàn ông Thiên” buổi chiều khói hương nghi ngút. Bên này sông, trái lại, nhà nhà đều có sàn; cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa phần lớn sát vào nhau, cả làng hầu như không có nhà nào trồng rau quả, vườn tược, nhứt là vườn trầu xanh tươi như bên kia bờ.”(14)

                              Qua nhận xét vừa trích về “Bàn Ông Thiên”, cho thấy học giả Đỗ Hải Minh dù là người Chăm nhưng ông rất am tường việc tín ngưỡng của cư dân Việt quanh vùng Châu Phong.

                              Từ “Bàn Thờ Ông Thiên”, rút gọn còn “Bàn Ông Thiên”, nhưng danh từ này còn lược gọn thêm một lần nữa khi nhiều vùng bỏ bớt chữ “Ông” và thành “Bàn Thiên” và vẫn ngầm hiểu danh từ này dùng để gọi “Bàn Thờ Ông Thiên”, hoặc “Bàn Ông Thiên”.

                              Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ giải nghĩa: “Bàn Thiên (danh từ): Còn gọi là Bàn Trời, tấm ván vuông có chân cao lối 1 m 60 trồng trước sân ngay cửa để thờ Trời hoặc kiến trúc giống cái nhà nhỏ vuông-vức lối 50cm mỗi cạnh”.(15)

                              Ngoài ra, theo Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, cắt nghĩa “Bàn Ông Thiên” là bàn thờ trước sân nhà để đặt nhang, đồ cúng, làm bằng một tấm vuông nhỏ được đặt trên một trụ cao ngang tầm với người lớn; “Bàn Thiên”: Bàn thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn.” Trong phần cắt nghĩa hai danh từ “Bàn Ông Thiên” và “Bàn Thiên”, tác giả có ghi thêm hai thí dụ dẫn chứng:

                              “Tôi thấy ông chủ nhà vào trong thắp một nắm nhang, cháy đỏ, đem ra trước sân thắp lên Bàn Ông Thiên rồi quỳ xuống khấn vái, khá to tiếng.”(Sơn Nam) và “Ông Hương Ba đứng trước Bàn Thiên vái ba vái, rồi lẩm bẩm điều gì tôi cũng không nghe rõ.” (Phi Vân).(16)

                              Điều đáng lưu ý là hai bộ từ điển vừa kể của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ cũng như của Huỳnh Công Tín đều không có chữ “Bàn Thông Thiên” như nhiều người nói dân quê miền Tây còn gọi danh từ này để chỉ “Bàn Thờ Ông Thiên”. Và đây cũng là một điều làm tôi cố ý tìm tòi xem xưa nay có ai gọi “Bàn Thờ Ông Thiên” là “Bàn Thông Thiên” không?

                              Lần mò tìm đọc lại các sách mà tôi hiện có, may sao chỉ có tác giả Nguyễn Văn Kiềm & Huỳnh Minh trong quyển “Tân Châu Xưa” khi lược kể về cách thờ phượng của ông đạo Tưởng ở Tân Châu, các tác giả viết:

                              “Vào lối năm 1928, một cái am tạm làm bằng tre lá được dựng lên tại phần đất ông Nguyễn Chánh Sắt, tọa lạc giữa Long Đức Tự và ấp chiến lược Long An “A” hiện giờ, mà tục thường gọi con đường này là “Đường Chùa”, thuộc xã Long Phú, cách quận lỵ Tân Châu độ một cây số ngàn. Ấy là cái am của Ba Quốc cất để tu tâm dưỡng tánh (…)

                              Khách tò mò đến am nhận thấy chốn tôn nghiêm của ông sắp đặt thật có ngăn nắp: từ cột cái trở vô, ông lên cái gác thờ “Quan Đế Thánh Quân” tức “Quan Vân Trường” hiển thánh đời Tam Quốc, “Thục, Ngô, Ngụy” bên Tàu, gọi “Bàn Tổ” hay “Bàn Thầy”. Bên tả thờ Thần, bên hữu thờ Thánh. Đối diện bàn thờ Quan Công là cái khánh thờ “Chư Vị Năm Ông”.

                              Trên gác có xây cái liêu kín để ông tịnh và có đưa ra cái thiên thai để tiếp nhận những người đạo hạnh tập tuyệt thực. Phía trong có dành căn phòng thờ “Sơn thần” để chữa bịnh. Tại giữa sân lại dựng lên “Bàn Thông Thiên” theo cổ tục nước ta. Chung quanh chỗ thờ Trời có trồng bông mồng gà và bông vạn thọ, nên lộ lên một phong cảnh thật trang nghiêm.” (17)

                              Về cách cúng lạy “Bàn Thông Thiên” của ông Đạo Tưởng, tác giả ghi tiếp:

                              “Mỗi ngày hành lễ ba thời: khuya, ngọ, chiều. Mỗi khi hành lễ cũng có chuông mõ như các nhà chùa. Đây là cách ông lạy: trước hết ông lễ bàn Thầy, bàn Thánh, bàn Thần, bàn Chư Vị Năm Ông, mỗi bàn 12 lạy gồm 48 lạy. Khi xong, ông ra lễ bàn Thông Thiên bằng lối lạy đủ bốn hướng: “Đông, Tây, Nam, Bắc” cũng 48 lạy phân ra mỗi hướng 12 lạy y như Bàn Thầy.” (18)

                              Qua ghi nhận này, chúng tôi thấy việc cúng lạy nơi Bàn Thờ Ông Thiên tùy mỗi nơi, mỗi nhà, mỗi người, lấy cái tâm thành kính tưởng Trời Phật làm trọng, không nhất thiết ai ai cũng theo cách lạy 48 lạy như ông Đạo Tưởng. Cúng lạy mỗi ngày ba thời, mỗi thời lạy 48 lạy mà rồi qua sách Tân Châu Xưa với “Pha bạo loạn tế cờ” nghe qua mà ớn thần hồn.

                              Tóm lại, qua vài trang sách cũ nhìn lại việc gọi tên một cổ tục trong việc thờ Trời Phật nơi “Bàn Thờ Ông Thiên” của cư dân vùng châu thổ Cửu Long cho thấy dân cư các vùng sông nước Nam Việt này rất tin TRỜI PHẬT và không ai bảo ai nhưng mỗi nhà, mỗi người đều thành tâm thờ kính và cầu khấn TRỜI PHẬT tạo thành một nét tín ngưỡng rất đơn giản mà thiêng liêng, rất gần gũi mà cao siêu vòi vọi. Dù với bất cứ danh gọi nào, dù “Bàn Thờ Ông Thiên”, “Bàn Ông Thiên”, “Bàn Thiên” hay “Bàn Thông Thiên” thì mục đích và ý tưởng của cư dân vùng đất Nam Việt này đã tạo cho mình một đời sống tâm linh rất phong phú, thanh cao, an lạc vậy!

                              Hai Trầu
                              Kinh xáng Bốn Tổng ngày 16-03- 2012

                              Last edited by viet11; 25-05-2012, 10:34 AM.
                              Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                              Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                              ............



                              Can't Live Without...hehe...


                              Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                              Comment


                              • #30
                                Cá chạch vùng nước ngọt - Kỳ 1

                                Tháng Năm âm lịch, trên các dòng sông, kinh, rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long con nước bắt đầu ươn. Vài cơn mưa đầu mùa với những cơn gió nồm từ Rạch Giá thổi về làm cho dòng nước cứ như no nê, đầy óc ách các lòng rạch.
                                Những phù sa từ trên nguồn sông Cửu Long đổ tràn về, những bùn đất từ trên các mảnh vườn, các con đường làng bị nước mưa cuốn trôi chảy tuồn tuột xuống sông làm cho dòng nước ươn lại đục ngầu với bùn là bùn...



                                Đặt lọp tại Đồng Tháp Mười


                                Nước ươn cũng bắt đầu mùa cột lùm để xúc cá chạch. Lùm là những tàu lá chuối khô được buộc gom lại thành chùm vừa bằng cái thúng, cái rổ. Rồi buộc vào sợi dây bằng cọng chuối khô treo dọc hai bên bờ kinh, bờ rạch. Khoảng cách giữa hai cái lùm độ chừng năm hoặc mười thước. Cứ thế mà cá chạch chui vô những cái lùm như cái nhà cất đều đặn trên dòng nước đục ngầu như vậy. Trong cái nhà nổi bềnh bồng trên dòng nước, những chị cá chạch có cái bụng bè bè cặp trứng vàng nghính lội hà rong, hà rỗi như ngao du sơn thủy khi con nước lớn đầy rạch, lại kịp trở về trú ngụ trong những cái nhà lùm khi con nước sắp sửa đứng ròng như nghỉ mệt.

                                Biết được đường đi nước bước của mấy chị cá chạch như vậy, bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu đi xúc lùm. Dụng cụ xúc lùm thường gồm có một cái rổ xúc, hoặc cái xịa, hay cái vợt bằng loại nylon lớn hơn cái lùm. Còn vật dụng để đựng cá, người ta có thể đựng trong một cái nồi nhôm hoặc cái thau buộc sợi dây vào quai nồi rồi buộc sợi dây ngang thắt lưng. Cứ thế, người xúc lùm lội đến đâu, kéo cái thau hoặc cái nồi đựng cá đó theo bên lưng như trôi trên sông nhưng không tách ra khỏi một đứa bé đang trầm mình trong nước được. Thường để cho cá không nhảy ra ngoài được, người ta bỏ vào trong thau, trong nồi mấy bụi cỏ hoặc mấy cọng rau muống đồng mập ù bỏ vòi trên mặt nước hoặc vài ba nhánh cây nào đó ngắt vội bên bờ rạch. Xúc lùm như vậy cá chạch khá nhiều. Ngoài ra còn có cá bảy trầu, cá linh non, cá lòng tong, cá bóng, tép rong, tép đất. Nếu buộc khoảng năm chục cái lùm, cá chạch có khi bắt được cùng với tép và các loại cá khác đủ ăn cả ngày, khỏi phải mua thức ăn cho gia đình trong ngày. Nếu ở những nơi ít người buộc lùm, cá chạch càng nhiều và người ta có thể buộc khoảng một trăm cái lùm bằng lá chuối khô như vậy, rồi chia làm hai lần, luân phiên nhau, hôm nay xúc năm mươi cái lùm này, ngày mai xúc năm mươi cái lùm kia, cứ thế đủ cá ăn cho đến hết mùa xúc lùm cá chạch vào những ngày cuối Tháng Sáu, đầu Tháng Bảy âm lịch.

                                Mùa xúc lùm cá chạch qua đi theo con nước tràn bờ, khi mà đứa trẻ đã hụt chân trên con rạch căng tròn cái bụng với nước là nước, ngập đầy muốn lút đầu, lút cổ. Không còn mùa xúc lùm, những đứa trẻ nhớ những ngày như mọi ngày cá tép bò lẹt rẹt trong cái thau, cái nồi với nhiều thích thú thật hồn nhiên của thời tuổi nhỏ ở làng quê. Những cơn mưa đã vào mùa từ vài tháng trước cùng những cơn dông làm đung đưa những trái xoài treo lủng lẳng giữa trời. Mấy chị chim sâu lí nhí tiếng cười trong lùm kiến hôi bên kẹt lá. Mấy anh trao trảo hí hửng bên cái ức đỏ ửng của cặp xoài cát căng tròn, rồi dáo dác nhìn quanh quất không trông thấy ai đứng nhìn, vội lấy cái mỏ sành điệu mổ lấy mổ để vào cái ức trái xoài đang chín cây, trông phát thèm. Trong cái quê mùa của thôn xóm có cái vui của trẻ con với những con cá chạch bò rột rẹt trong cái nồi nhôm, có cái mừng của vợ chồng con chim sâu với đàn kiến vừa bắt gặp, có cái liến thoắng của mấy chú chim trao trảo với những loại trái chín cây ngọt ngào. Không những chỉ có xoài mà còn nào là chuối chín bói, long nhãn, vú sữa, mãng cầu, mận, chuối phơi khô và nhất là ớt hiểm mọc trong vườn. Mà kỳ lạ thật, món ớt hiểm vậy mà chim chóc rất thích ăn. Chẳng những chim trao trảo mà còn có các loại sáo, cưỡng, nhòng cũng thích món ăn cay cay này đến như ghiền. Hạnh phúc muôn loài quá giản dị, nhỏ nhoi. Nó có mặt rải rác cùng khắp chung quanh khu vườn mà người nào sẵn lòng biết nhận, hạnh phúc đến thật êm đềm.

                                Qua khỏi mùa xúc lùm, cá chạch theo con nước lên đồng như đang ngao du vào một mùa mới, thong dong hơn nhiều. Cánh đồng vài hôm trước còn lấp xấp nước, nay đã ngập tới hơn nửa ống chân. Đó là mùa đặt lọp cá chạch. Lọp là một dụng cụ được đan bằng tre chuốt thật bóng với những sợi dây nylon hoặc dây chì bện lại. Chiều dài cái lọp khoảng bốn tấc rưỡi. Miệng lọp hình tròn với đường kính khoảng hai tấc. Phần cuối cái lọp hình trái tim, có cái cửa dùng vào việc trút cá chạy lọp vào xuồng rộng nước. Thông thường, mỗi cái lọp gồm có hai cái hom. Hom là bộ phận giống như cái cửa được bện bằng những rẻ lọp chuốt nhọn, để cá theo đó mà vào lọp nhưng đã vào rồi không trở ra ngoài được. Như vậy hom thứ nhất như căn nhà đang mở cửa. Theo dòng nước chảy xuôi, những mùi thơm của cám rang trộn thêm mùi vị mấy món thuốc bắc như đại hồi, tiểu hồi cùng xác cá linh ủ làm nước mắm trôi xuôi theo dòng nước chảy. Tất cả được trộn đều và nắn chung với đất sét dẻo ngoẹo màu mở gà như một bữa tiệc được dọn sẵn đợi chờ mấy chị cá chạch tìm mồi. Và rồi mấy chị cá này lội ngược nước đi qua cái hom thứ nhất. Sau khi ăn uống no nê, những con cá ú ì này lúng túng tìm đường ra hoặc muốn thám hiểm thêm thế giới kỳ lạ này có gì không mà có nhiều song tre như hàng rào dưới dòng nước ngược. Nên từ đó mấy chị cá này mới lần mò chui qua hom thứ nhì. Ở đây là nơi bít bùng vì không còn cái lối nào để đi tiếp dù mấy chị cá này cố tìm lối thoát ra ngoài. Trong khi đó, có biết bao con cá chạch khác lại vờn quanh cái lọp, đang chập chờn nhìn cục đất sét có tẩm mồi cám rang cùng xác mắm cá linh, đại hồi, tiểu hồi mà thèm thuồng. Và chúng đang tìm miệng lọp để vào nơi “tử huyệt” này. Ở đời này, đâu phải chỉ con người, mà vạn vật chung quanh cũng quẩn quanh trong cái vòng kiềm tỏa của thiên nhiên, trời đất đến ghê hồn. Tưởng mùa nước lên, đồng rộng bao la không ai giam hãm đời mình nhưng rồi cá chạch lại kiếm tìm những cái hom lọp rải rác trên cánh đồng lai láng nước là nước này, để chui vào không sao thoát được! Giống như cõi đời thế nhân với những mật ngọt của đỉnh chung, danh lợi mà một nhà thơ xưa đã phải thốt lên:

                                “Cái vòng danh lợi cong cong,

                                Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.”

                                Những chiếc xuồng chất đầy những chiếc lọp xinh xắn với mồi nhử cá sẵn sàng như vậy có đến gần cả trăm, chất cao ba bốn lớp. Xa xa trông chiếc xuồng giống như con rồng đang bơi rè rè trên mặt nước. Những chiếc lọp bé nhỏ như những vẫy rồng xếp đan kẽ vào nhau. Chàng “ngư phủ miệt vườn” bơi nhè nhẹ với cây dằm mái nhỏ như đang du lãm trên vùng nước nổi bềnh bồng. Ngày nào cũng vậy, không hẹn nhưng cứ như đúng giờ, đúng bến. Chàng “ngư phủ miệt vườn” trầm mình trong nước dẫn con rồng nhẹ nhàng nhưng rất cẩn thận dò từng bước âm thầm. Họ lần lượt gỡ từng chiếc lọp rồi nhận nằm vào những cái nền láng bóng theo giồng ranh ngăn chia những thửa ruộng nằm chìm khuất dưới làn nước đục ngầu của những ngày mưa dầm gió chướng. Miệng lọp nằm theo hướng dòng nước chảy xuôi vì cá luôn luôn lội ngược về những cái hom đang mở ra chờ đợi. Không giống như những lãnh chúa thời thập nhị sứ quân, nhưng mỗi chàng “ngư phủ miệt vườn” có những vạt nền riêng cho những chiếc lọp của mình, không ai trùng lấp với ai vì “chim trời cá nước” mà, chỗ nào cũng cá là cá. Vượt lên trên hết thảy đó là cái tình ở làng quê nó thân thương như vậy. Người này còn chỉ cho người kia vạt đất nào có cá chạy lọp nhiều để cùng đi đến đó dọn nền, đặt lọp. Lúc nào cũng nhường cơm xẻ áo, không để phiền lòng nhau vì những điều nhỏ nhặt, cỏn con này.



                                Cá chạch ngoài chợ

                                Trong chốc lát, những cái lọp chìm trong nước như một cuộc dàn binh với những ngọn sậy làm dấu khỏi lạc chỗ đang phất phơ trước ngọn gió chiều lồng lộng thổi ngang qua biển nước như những cờ hiệu. Thế rồi trời chiều bảng lảng in lên nền mây xanh vàng ửng. Phía rặng tre bên kia ngôi cổ tự, tiếng chuông chùa ngân nga thời công phu cuối ngày đang mang vạn vật nơi làng quê trở về với những giờ nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc. Nghe tiếng chuông chùa lòng mọi người trầm lắng xuống như mặt trời sắp sửa đi ngủ bên kia rặng tre làng. Đêm đang về trên khắp mọi nẻo xóm thôn. Chàng “ngư phủ miệt vườn” ngồi trên xuồng mở gói thuốc gò, xé mảnh giấy quyến vừa vặn, rồi tự vấn cho mình một điếu thuốc như cái thú tự thưởng cho mình sau cái lạnh ngâm mình trong nước vừa rồi. Làn khói thuốc bốc lên qua hơi rít nhẹ làm lâng lâng tâm não anh nông phu như quyện lấy đời sống thanh bạch giữa chốn trời nước một màu lắng động. Thấp thoáng đó đây có những bạn đồng hành cùng làm nghề hạ bạc đang nghêu ngao trên đồng với câu hò tiếng hát rặt ruộng đồng. Họ hú ì nhau ơi ới! Như mời gọi, thông báo cho nhau tôi đang ở đây, rồi cùng chống xuồng lại bên nhau ngồi kể chuyện cá tôm, mùa màng. Họ chia xẻ với nhau những kinh nghiệm đời cho đến tối mịt. Văng vẳng vài tiếng chó tru trong con đường làng tối thui theo gió bay ra đồng vắng giữa đêm thâu. Trên chiếc xuồng nhỏ mà ba bên bốn bề muỗi kêu vo ve như tiếng đờn cò kéo chậm. Họ chưa kịp chợp mắt, chùa công phu buổi sáng đến thật vội vàng. Người ngư phủ nhà quê lui cui trở lại những lối mòn dưới nước lạnh để vớt những chiếc lọp theo những dấu hiệu mà anh ta đã làm dấu vào buổi chiều hôm trước. Trong cái lạnh buổi sớm mai, người nhà quê nghèo thấy trong lòng có một niềm vui nho nhỏ lao xao theo mấy chị cá chạch cùng tép rong đã vào ăn tiệc đầy bụng đang xôn xao ở phần cuối cái lọp có hình trái tim. Nhưng không chậm được, anh đành phải nhanh chân trong nước khi trời còn lờ mờ vì buổi chợ sáng nhóm ngoài quận lỵ đang chờ những con cá chạch trên đồng về nhóm chợ.

                                Thế là mùa đặt lọp kéo dài đến tháng mười âm lịch. Có lẽ cũng cần nhắc một chi tiết nhỏ là cá đặt lọp bằng mồi thuốc như vậy thường chỉ bán để xuất cảng hơn là người ta mua về ăn vì cá bị mùi vị của hai vị thuốc đại hồi, tiểu hồi trong những viên đất sét làm hôi hôi mùi thuốc bắc. Tuy vậy, loại cá chạch này cũng đắt hàng, bán chạy như tôm tươi.
                                Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                                Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                                ............



                                Can't Live Without...hehe...


                                Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                                Comment

                                Working...
                                X