Lương Thư Trung
Kinh Xáng Bốn Tổng
ngày 12 tháng 5 năm 2011
Kính thăm anh Hai An Phú,
Qua cái thơ anh giới thiệu có một người trẻ muốn nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt về ngành đúc tượng vùng Long Xuyên – Châu Đốc mình thì tui là dân ruộng nên đành chịu thua anh Hai à. Vì mình đâu có biết gì về ba cái vụ đúc tượng “Bông Lúa” ở công trường Trưng Vương trước mặt rạp hát Minh Hiển (Long Xuyên) hồi đời xửa đời xưa đâu mà thưa với thốt. Vì thế ngay khi nhận được lá thơ anh gởi là tui tản thần hồn rồi. Vậy mà rồi tui lại nhận tiếp hai ba lá thơ nữa của cô nghiên cứu mà anh giới thiệu, tui đành chạy trốn luôn, hổng dám trả lời trả vốn gì nhe anh Hai. Thành ra, nếu nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ này có tìm, anh nhắn lại giùm tui bịnh rồi, và cái máy computer hư rồi nên tui hổng có vô i- mail i-miếc gì được, xin cô cảm phiền bỏ qua cho.
Thiệt tình ra, hồi mấy năm cuối thập niên 1960 bò qua mấy năm đầu thập niên 1970 gì đó, dân Long Xuyên ai ai cũng thấy một tượng Bông Lúa cao chót vót được dựng ngay công trường Trưng Vương, nghe đâu do ngân hàng Việt Nam Thương Tín tại tỉnh lỵ Long Xuyên tổ chức đúc tượng này. Dân Long Xuyên mình có cái vui là mê coi hát, nên mỗi lần rạp Minh Hiển có gánh cải lương dìa là chen chưn mua vé vô coi hát đầy nhóc rạp. Chiều chiều họ tới sớm ngồi chỗ tượng Bông Lúa này chờ tới giờ rạp mở cửa vô trình vé coi hát. Tui thấy hồi đó ít ai để ý tượng Bông Lúa này dựng lên hồi nào, do ai đúc tượng và dựng tượng nhằm mục đích gì. Kể ra, đời sống thực tại nó cần hơn nghệ thuật hay sao mà rồi hổng ai để ý công trình này, thiệt tình là tui hổng biết anh Hai à. Và nay có người nhắc thì mình nhớ vậy thôi chứ hồi đó chính tui cũng không để ý cho lắm.
Tượng Bông Lúa của Điêu khắc gia Mai Chửng
Thưa anh Hai
Giờ xin nói qua một bài báo của tác giả Trần Phỏng Diều, với cái tựa là “Tết Miền Nam”, có đoạn tác giả viết: “Ở miền Nam, có bốn món cúng và bốn món ăn ngày Tết: món thứ nhất là thịt hầm. Bắt buộc phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ với vài vị thuốc Bắc. Món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho Tàu, bắt buộc phải là thịt ba rọi (ba chỉ) và bắt buộc phải to ít nhất cũng bốn phân và bắt buộc phải cho vào nồi thịt kho ấy một trái dừa xiêm, để cho món thịt kho ấy lạt đi. Món thứ ba là khổ qua dồn thịt heo bằm nhuyễn cũng hầm y như hầm món thịt nói trên. Món thứ tư thật ra là hai món nhưng chỉ để ăn chơi nên xem như một, đó là nem và bì. Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá. Trong bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá.”(1)
Thưa anh Hai,
Vừa đọc xong đoạn tác giả kể bốn món ăn ngày Tết ở miền Nam, tui tối tăm mặt mũi hết biết đường mò. Tui hỏi thiệt anh Hai nhe, từ tạo thiên lập địa tới giờ, trên làng Bắc Nam thuộc quận An Phú của anh có bao giờ anh nghe tới sáu thứ “bắt buộc” như tác giả liệt như vừa kể hông anh Hai ? Riêng tui miệt kinh xáng Bốn Tổng dưới này, từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui chưa bao giờ nghe ông già bà cả kể về bốn món cúng mà có tới sáu chữ “bắt buộc” như vậy nhe anh Hai.
Làm gì mà có món thịt bắp đùi hầm thuốc Bắc để ăn chơi chứ không ăn với cơm? Làm gì mà có “bắt buộc” thịt kho rệu phải là thịt ba rọi? Đành rằng muốn thịt kho rệu ngon thường thường mấy bà nội trợ ưa kho thịt ba rọi; nhưng nếu kẹt quá, không có thịt ba rọi, người ta có thể du di kho bằng thịt đùi cũng đâu có sao? Rồi làm gì có “bắt buộc” phải cắt vuông vức bốn phân; nếu lỡ cắt năm phân hoặc sáu phân hoặc nhỏ hơn chút ít hổng châm chế được hay sao anh Hai? Rồi làm gì “bắt buộc” phải có một trái dừa xiêm cho vô nồi thịt kho? Nếu hổng có dừa xiêm, mình dùng các loại dừa khác chắc cũng đâu có sao, phải hông anh Hai? Còn một “bắt buộc” nữa là “trong bất kỳ món nào trong bốn món này cũng bắt buộc ăn với dưa giá”; sao kỳ vậy anh Hai? Ông bà mình thường nói “dưa giá cá kho”, nay tác giả nói “bắt buộc” như vậy, hổng lẽ món thịt hầm thuốc Bắc, và món hủ qua hầm là những món thuộc loại canh mà cũng ăn với dưa giá nữa sao anh Hai? Dưa giá mà ăn với thịt kho thì hạp nhưng dưa giá mà ăn với canh thì chắc hai món này hổng hạp anh Hai à? Thiệt tình là tui hổng biết tác giả căn cứ vào đâu mà “bắt buộc”dân quê miền Nam mình ăn Tết gò bó quá mạng như vậy.
Món ăn Nam Bộ
Thưa anh Hai,
Thiệt tình ra việc ăn uống ngày thường hoặc lo mấy món ăn trong ba ngày Tết là việc tùy thuộc vào từng hoàn cảnh gia đình mỗi người mà liệu lượng sao cho vừa với túi tiền trong mỗi gia đình. Dĩ nhiên món ăn ngày thường thì có phần đạm bạc, ba ngày Tết dù nghèo hèn gì cũng ráng sắm sửa sao cho có món ăn ngon cúng quảy ông bà cho ra vẻ Tết nhứt, nhưng cũng không ra ngoài câu châm ngôn xưa nay là “liệu cơm gắp mắm” anh Hai à. Vả lại, ông bà cũng đâu có đòi hỏi mình phải hầm thịt đùi với thuốc Bắc, hủ qua hầm, nem bì, dưa giá gì mà ông bà chỉ trọng ở lòng thành kính hiếu đạo của con cháu là đủ rồi. Có người khuất mặt nào mà đòi mâm đòi bàn để con cháu phải vay nợ vay nần lo miếng cúng miếng ăn. Anh Hai thử nghĩ coi tui nói vậy có đúng cùng không anh Hai?
Nhớ có lần, đâu cũng khoảng năm năm dìa trước, tui cũng ý kiến về tác giả Trần Phỏng Diều trên Talawas về cách ăn uống của dân quê mình mang tính hoang dã. Tui xin chép lại vài đoạn anh Hai đọc chơi nhe:
Tác giả kể: “Buổi đầu, khi những lưu dân đặt chân lên vùng đất này thì thiên nhiên ở đây còn rất hoang sơ, rừng hoang cỏ rậm, thú dữ hoành hành. Con người cảm thấy lạ lẫm trước một cảnh quang thiên nhiên mà ở nơi quê cha đất tổ họ chưa hề gặp phải. Vì vậy, để sinh tồn, ở phương diện ăn uống, họ không thể nào ăn các món ăn truyền thống nơi quê nhà, bởi nguyên vật liệu, các nguồn lương thực họ chưa hề quen biết, nên lúc đầu gặp gì ăn nấy, từ những cây cỏ trên bờ, con cá dưới sông, con chim trên trời... cho đến các loài sinh vật khác. Tính hoang dã trong văn hóa ẩm thực của người Nam bộ đã định hình từ lúc này.” Về điểm này điều khó thuyết phục là “để sinh tồn, ở phương diện ăn uống, họ không thể nào ăn các món ăn truyền thống nơi quê nhà”, làm cho người đọc tự hỏi, các cư dân mới đến vùng đất này là từ đâu? “Món ăn truyền thống” của họ là gì? Họ có phải là người Việt Nam hay dân tộc nào khác? Nếu họ là người Việt Nam từ các tỉnh miền ngoài từ Quảng Bình, Quảng Nam trở vào chẳng hạn, thì món ăn truyền thống của các vùng ấy là gì? Có phải họ lấy gạo làm cơm, lấy cá làm thức ăn không hay là họ có những thức ăn nào khác ngoài cơm và cá? Ngay cả các lưu dân từ bên Trung Hoa, nhóm di thần nhà Minh, đến cù lao Phố và Mỹ Tho ngay buổi đầu đi nữa, họ chắc cũng ăn cơm với cá. Thì thử hỏi trong hoàn cảnh mới với đất đồng mới mà đầy cá và rau họ không ăn hai món này thì họ sẽ ăn gì? Phải chăng cá và rau không phải là những món ăn truyền thống của họ? Tác giả viết tiếp: “Điều dễ nhận thấy nhất ở tính hoang dã này là người Nam bộ ăn rất nhiều rau”, rồi lại tiếp “đối với loài thủy hải sản, ngoài các loại cá, tôm bắt ở ao, đìa, người ta còn ăn cả các loài mang tính hoang dã như: con còng, con cua, ba khía, chuột, cóc nhái, ếch, rùa, rắn, lươn, le le, dơi… và thậm chí người ta còn ăn cả một số loài côn trùng như: cào cào, dế… nữa.”
Và có lẽ đoạn văn sau đây ta cần đặc biệt ghi nhận:
“Nhưng nổi bật hơn hết trong tính hoang dã này chính là môi trường của việc ăn uống. Người Nam bộ thường có thói quen chế biến món ăn và ăn ngay tại chỗ, nên tính hoang dã ở đây thể hiện ở việc các món ăn gắn với không gian của một khoảnh vườn, đám ruộng, bờ ao. Món cá lóc nướng trui là một minh chứng cho điều này, hoặc một nồi canh chua cá lóc được nấu ngay sau buổi tát đìa cũng thể hiện điều đó. Bởi vì, mọi thứ đều là cây nhà lá vườn. Tát đìa xong, người ta lựa những con cá lóc to, đem nấu canh chua. Mọi thứ rau, như: bạc hà, ngò om, cà chua, ớt ... đều có sẵn ở miếng vườn kế bên, không phải ra chợ mua.”
Nướng trui cá lóc
Trước hết nói về ăn rau. Thú thật, tôi chưa bao giờ nghe hay đọc bất cứ tài liệu nào cho rằng vì “ăn nhiều rau” nên người dân miền Lục tỉnh “có tính hoang dã” trong việc ăn uống. Ông bà xưa có nói “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Ở vào thời kỳ khó khăn khi các lưu dân mới tới vùng này buổi đầu cũng như về sau này, sở dĩ cư dân ở đây ăn nhiều rau vì trên các thửa đất bạt ngàn miền Nam này có quá nhiều rau. Rau thiên nhiên hay rau trồng chẳng những nuôi sống con người khi đói mà còn cứu sống con người những lúc ốm đau nữa. Trong rau có nhiều chất dinh dưỡng và cũng có nhiều vị thuốc, chẳng lẽ bây giờ lại đi tìm cao lương mỹ vị gì trên trời mà không ăn rau? Xưa Nguyễn Công Trứ “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”, chẳng lẽ trong bụng Nguyễn Công Trứ lại mang tính “hoang dã” nữa sao! Vả lại, theo tác giả, “mọi thứ đều là cây nhà lá vườn”, “không phải ra chợ mua”, rồi kết luận rằng đó là “đặc trưng của tính hoang dã” trong ăn uống, điều này lại càng không đúng. Thành ra, cư dân Nam phần ăn rau vì đất trời ở đây mang tới cho con người quá nhiều rau, chứ không phải vì “tính hoang dã” hay hoang địa gì trong việc ăn uống này. Thứ đến là việc ăn cá hay ăn cua, ăn còng, rùa rắn. Điều đơn giản là đặc sản vùng này có quá nhiều cá tôm rùa rắn. Thứ gì cũng ngon và hấp dẫn. Sẵn trên sông, trên đồng, dưới mương trong ruộng, nơi nào cũng đầy dẫy thức ăn ngon và lạ. Thế là cư dân ở đây cứ việc bắt lên và nấu nướng thành những món ngon cho bữa cơm mỗi ngày. Sống giữa một trời lương thực như vùng đất Nam phần này, nếu bạn không ăn những vật thực này thì bạn ăn món ngon vật lạ nào nữa bây giờ? Bảo rằng cư dân ở đây ăn những món bắt được trên đồng trên sông như vậy gọi là mang “tính hoang dã trong ẩm thực”, thật là một điều càng đáng nghi ngờ. Nhưng có lẽ nhận định cuối của tác giả trong phần chúng tôi vừa trích bên trên là kém chính xác nhất, đó là “môi trường của việc ăn uống”. Tác giả bảo “cá lóc nướng trui”, “canh chua cá lóc nấu ngay sau buổi tát đìa” ngay trên bờ đìa, miếng ruộng, mảnh vườn mang “tính hoang dã”. Điều này không đúng. Vì một năm mấy lần tát đìa và cư dân ở đây ăn được bao nhiêu nồi canh chua như vậy trên bờ đìa bờ ruộng? Đó là chưa kể, đìa thì thường đào ở các ruộng lung, ruộng trũng rất xa nhà, có khi cách xa vài ba cây số hoặc có khi phải đi cả ngày mới tới đìa. Nếu tát đìa xong mà không nấu cơm, nấu canh chua, nướng trui cá lóc ngay bên bờ đìa hoặc trong trại ruộng để ăn sau một ngày lao lực mệt nhọc thì làm sao có sức và thời giờ để mang cá về nhà, để lo cho các công việc đồng áng khác đang chờ bàn tay của người làm ruộng! Nếu quan sát kỹ thêm chút nữa, ta thấy chỗ ngồi ăn của cư dân Nam phần không nhất thiết lúc nào cũng ngồi bệt dưới đất mà tùy theo sinh hoạt mỗi ngày, họ có nhiều chỗ ngồi khác nhau với những hoàn cảnh khác nhau như ngồi bên bờ kinh, dưới gốc cây, ngồi trên lớp rơm, ngồi trên chiếc đệm, ngồi trên chiếc chiếu rách, ngồi trên chiếc chiếu trắng, ngồi trên chiếc chiếu bông, ngồi trên sạp tre, ngồi trên sàn nhà bằng ván, ngồi trên bộ ván xoài, ngồi trên bộ ngựa gõ, ngồi vào bàn tròn, ngồi vào bộ tràng kỷ. Các nơi chốn khác nhau như vậy cho thấy cư dân ở Nam phần đã tạo được cho mình một nét đẹp trong đời sống. Nếp sống và suy nghĩ qua những chỗ ngồi đó chẳng những không mang “tính hoang dã” trong ăn uống mà nó còn biểu hiện cái nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày của cư dân nơi này. Ở đó nó giữ được cái nét giản dị mà vẫn trọng lễ nghi; nó chứa đựng cái tình thân ái mà vẫn giữ được tôn ti trật tự trong gia đình. Tóm lại, việc ăn uống của cư dân Nam phần không hề mang “tính hoang dã” cho dù ở đây người ta thích ăn nhiều loại rau cùng cá tôm và các sinh vật khác có mặt trên đồng ruộng sông rạch. Có chăng, nếu muốn đưa ra một nét tiêu biểu nào đó trong hương vị các món ăn vùng này, thì có thể nói rằng các món ăn vùng này thể hiện được khẩu vị, cá tính, hoàn cảnh, nếp sống, thói quen của từng nhà trong làng quê miền Nam này. Nhìn mâm cơm với các món ăn dọn lên hằng ngày người ta rất dễ nhận ra các đặc điểm vừa kể.” (2)Thưa anh Hai,
Qua các món cúng ngày Tết vừa nêu và qua tính “hoang dã” trong cách ăn uống ở Nam phần hồi năm nẳm của tác giả Trần Phỏng Diều, anh Hai thấy sao ?
Vài hàng thăm anh chị và cầu chúc anh chị mạnh khoẻ.
Kính thư,
Hai Trầu
Comment