Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lá thư từ Kinh Xáng (Phần 1)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lá thư từ Kinh Xáng (Phần 1)


    Lương Thư Trung

    Kinh Xáng Bốn Tổng
    ngày 12 tháng 5 năm 2011


    Kính thăm anh Hai An Phú,

    Qua cái thơ anh giới thiệu có một người trẻ muốn nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt về ngành đúc tượng vùng Long Xuyên – Châu Đốc mình thì tui là dân ruộng nên đành chịu thua anh Hai à. Vì mình đâu có biết gì về ba cái vụ đúc tượng “Bông Lúa” ở công trường Trưng Vương trước mặt rạp hát Minh Hiển (Long Xuyên) hồi đời xửa đời xưa đâu mà thưa với thốt. Vì thế ngay khi nhận được lá thơ anh gởi là tui tản thần hồn rồi. Vậy mà rồi tui lại nhận tiếp hai ba lá thơ nữa của cô nghiên cứu mà anh giới thiệu, tui đành chạy trốn luôn, hổng dám trả lời trả vốn gì nhe anh Hai. Thành ra, nếu nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ này có tìm, anh nhắn lại giùm tui bịnh rồi, và cái máy computer hư rồi nên tui hổng có vô i- mail i-miếc gì được, xin cô cảm phiền bỏ qua cho.


    Thiệt tình ra, hồi mấy năm cuối thập niên 1960 bò qua mấy năm đầu thập niên 1970 gì đó, dân Long Xuyên ai ai cũng thấy một tượng Bông Lúa cao chót vót được dựng ngay công trường Trưng Vương, nghe đâu do ngân hàng Việt Nam Thương Tín tại tỉnh lỵ Long Xuyên tổ chức đúc tượng này. Dân Long Xuyên mình có cái vui là mê coi hát, nên mỗi lần rạp Minh Hiển có gánh cải lương dìa là chen chưn mua vé vô coi hát đầy nhóc rạp. Chiều chiều họ tới sớm ngồi chỗ tượng Bông Lúa này chờ tới giờ rạp mở cửa vô trình vé coi hát. Tui thấy hồi đó ít ai để ý tượng Bông Lúa này dựng lên hồi nào, do ai đúc tượng và dựng tượng nhằm mục đích gì. Kể ra, đời sống thực tại nó cần hơn nghệ thuật hay sao mà rồi hổng ai để ý công trình này, thiệt tình là tui hổng biết anh Hai à. Và nay có người nhắc thì mình nhớ vậy thôi chứ hồi đó chính tui cũng không để ý cho lắm.



    Tượng Bông Lúa của Điêu khắc gia Mai Chửng

    Thưa anh Hai

    Giờ xin nói qua một bài báo của tác giả Trần Phỏng Diều, với cái tựa là “Tết Miền Nam”, có đoạn tác giả viết: “Ở miền Nam, có bốn món cúng và bốn món ăn ngày Tết: món thứ nhất là thịt hầm. Bắt buộc phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ với vài vị thuốc Bắc. Món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho Tàu, bắt buộc phải là thịt ba rọi (ba chỉ) và bắt buộc phải to ít nhất cũng bốn phân và bắt buộc phải cho vào nồi thịt kho ấy một trái dừa xiêm, để cho món thịt kho ấy lạt đi. Món thứ ba là khổ qua dồn thịt heo bằm nhuyễn cũng hầm y như hầm món thịt nói trên. Món thứ tư thật ra là hai món nhưng chỉ để ăn chơi nên xem như một, đó là nem và bì. Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá. Trong bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá.”(1)

    Thưa anh Hai,

    Vừa đọc xong đoạn tác giả kể bốn món ăn ngày Tết ở miền Nam, tui tối tăm mặt mũi hết biết đường mò. Tui hỏi thiệt anh Hai nhe, từ tạo thiên lập địa tới giờ, trên làng Bắc Nam thuộc quận An Phú của anh có bao giờ anh nghe tới sáu thứ “bắt buộc” như tác giả liệt như vừa kể hông anh Hai ? Riêng tui miệt kinh xáng Bốn Tổng dưới này, từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui chưa bao giờ nghe ông già bà cả kể về bốn món cúng mà có tới sáu chữ “bắt buộc” như vậy nhe anh Hai.

    Làm gì mà có món thịt bắp đùi hầm thuốc Bắc để ăn chơi chứ không ăn với cơm? Làm gì mà có “bắt buộc” thịt kho rệu phải là thịt ba rọi? Đành rằng muốn thịt kho rệu ngon thường thường mấy bà nội trợ ưa kho thịt ba rọi; nhưng nếu kẹt quá, không có thịt ba rọi, người ta có thể du di kho bằng thịt đùi cũng đâu có sao? Rồi làm gì có “bắt buộc” phải cắt vuông vức bốn phân; nếu lỡ cắt năm phân hoặc sáu phân hoặc nhỏ hơn chút ít hổng châm chế được hay sao anh Hai? Rồi làm gì “bắt buộc” phải có một trái dừa xiêm cho vô nồi thịt kho? Nếu hổng có dừa xiêm, mình dùng các loại dừa khác chắc cũng đâu có sao, phải hông anh Hai? Còn một “bắt buộc” nữa là “trong bất kỳ món nào trong bốn món này cũng bắt buộc ăn với dưa giá”; sao kỳ vậy anh Hai? Ông bà mình thường nói “dưa giá cá kho”, nay tác giả nói “bắt buộc” như vậy, hổng lẽ món thịt hầm thuốc Bắc, và món hủ qua hầm là những món thuộc loại canh mà cũng ăn với dưa giá nữa sao anh Hai? Dưa giá mà ăn với thịt kho thì hạp nhưng dưa giá mà ăn với canh thì chắc hai món này hổng hạp anh Hai à? Thiệt tình là tui hổng biết tác giả căn cứ vào đâu mà “bắt buộc”dân quê miền Nam mình ăn Tết gò bó quá mạng như vậy.



    Món ăn Nam Bộ

    Thưa anh Hai,

    Thiệt tình ra việc ăn uống ngày thường hoặc lo mấy món ăn trong ba ngày Tết là việc tùy thuộc vào từng hoàn cảnh gia đình mỗi người mà liệu lượng sao cho vừa với túi tiền trong mỗi gia đình. Dĩ nhiên món ăn ngày thường thì có phần đạm bạc, ba ngày Tết dù nghèo hèn gì cũng ráng sắm sửa sao cho có món ăn ngon cúng quảy ông bà cho ra vẻ Tết nhứt, nhưng cũng không ra ngoài câu châm ngôn xưa nay là “liệu cơm gắp mắm” anh Hai à. Vả lại, ông bà cũng đâu có đòi hỏi mình phải hầm thịt đùi với thuốc Bắc, hủ qua hầm, nem bì, dưa giá gì mà ông bà chỉ trọng ở lòng thành kính hiếu đạo của con cháu là đủ rồi. Có người khuất mặt nào mà đòi mâm đòi bàn để con cháu phải vay nợ vay nần lo miếng cúng miếng ăn. Anh Hai thử nghĩ coi tui nói vậy có đúng cùng không anh Hai?

    Nhớ có lần, đâu cũng khoảng năm năm dìa trước, tui cũng ý kiến về tác giả Trần Phỏng Diều trên Talawas về cách ăn uống của dân quê mình mang tính hoang dã. Tui xin chép lại vài đoạn anh Hai đọc chơi nhe:

    Tác giả kể: “Buổi đầu, khi những lưu dân đặt chân lên vùng đất này thì thiên nhiên ở đây còn rất hoang sơ, rừng hoang cỏ rậm, thú dữ hoành hành. Con người cảm thấy lạ lẫm trước một cảnh quang thiên nhiên mà ở nơi quê cha đất tổ họ chưa hề gặp phải. Vì vậy, để sinh tồn, ở phương diện ăn uống, họ không thể nào ăn các món ăn truyền thống nơi quê nhà, bởi nguyên vật liệu, các nguồn lương thực họ chưa hề quen biết, nên lúc đầu gặp gì ăn nấy, từ những cây cỏ trên bờ, con cá dưới sông, con chim trên trời... cho đến các loài sinh vật khác. Tính hoang dã trong văn hóa ẩm thực của người Nam bộ đã định hình từ lúc này.” Về điểm này điều khó thuyết phục là “để sinh tồn, ở phương diện ăn uống, họ không thể nào ăn các món ăn truyền thống nơi quê nhà”, làm cho người đọc tự hỏi, các cư dân mới đến vùng đất này là từ đâu? “Món ăn truyền thống” của họ là gì? Họ có phải là người Việt Nam hay dân tộc nào khác? Nếu họ là người Việt Nam từ các tỉnh miền ngoài từ Quảng Bình, Quảng Nam trở vào chẳng hạn, thì món ăn truyền thống của các vùng ấy là gì? Có phải họ lấy gạo làm cơm, lấy cá làm thức ăn không hay là họ có những thức ăn nào khác ngoài cơm và cá? Ngay cả các lưu dân từ bên Trung Hoa, nhóm di thần nhà Minh, đến cù lao Phố và Mỹ Tho ngay buổi đầu đi nữa, họ chắc cũng ăn cơm với cá. Thì thử hỏi trong hoàn cảnh mới với đất đồng mới mà đầy cá và rau họ không ăn hai món này thì họ sẽ ăn gì? Phải chăng cá và rau không phải là những món ăn truyền thống của họ? Tác giả viết tiếp: “Điều dễ nhận thấy nhất ở tính hoang dã này là người Nam bộ ăn rất nhiều rau”, rồi lại tiếp “đối với loài thủy hải sản, ngoài các loại cá, tôm bắt ở ao, đìa, người ta còn ăn cả các loài mang tính hoang dã như: con còng, con cua, ba khía, chuột, cóc nhái, ếch, rùa, rắn, lươn, le le, dơi… và thậm chí người ta còn ăn cả một số loài côn trùng như: cào cào, dế… nữa.”

    Và có lẽ đoạn văn sau đây ta cần đặc biệt ghi nhận:

    “Nhưng nổi bật hơn hết trong tính hoang dã này chính là môi trường của việc ăn uống. Người Nam bộ thường có thói quen chế biến món ăn và ăn ngay tại chỗ, nên tính hoang dã ở đây thể hiện ở việc các món ăn gắn với không gian của một khoảnh vườn, đám ruộng, bờ ao. Món cá lóc nướng trui là một minh chứng cho điều này, hoặc một nồi canh chua cá lóc được nấu ngay sau buổi tát đìa cũng thể hiện điều đó. Bởi vì, mọi thứ đều là cây nhà lá vườn. Tát đìa xong, người ta lựa những con cá lóc to, đem nấu canh chua. Mọi thứ rau, như: bạc hà, ngò om, cà chua, ớt ... đều có sẵn ở miếng vườn kế bên, không phải ra chợ mua.”



    Nướng trui cá lóc

    Trước hết nói về ăn rau. Thú thật, tôi chưa bao giờ nghe hay đọc bất cứ tài liệu nào cho rằng vì “ăn nhiều rau” nên người dân miền Lục tỉnh “có tính hoang dã” trong việc ăn uống. Ông bà xưa có nói “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Ở vào thời kỳ khó khăn khi các lưu dân mới tới vùng này buổi đầu cũng như về sau này, sở dĩ cư dân ở đây ăn nhiều rau vì trên các thửa đất bạt ngàn miền Nam này có quá nhiều rau. Rau thiên nhiên hay rau trồng chẳng những nuôi sống con người khi đói mà còn cứu sống con người những lúc ốm đau nữa. Trong rau có nhiều chất dinh dưỡng và cũng có nhiều vị thuốc, chẳng lẽ bây giờ lại đi tìm cao lương mỹ vị gì trên trời mà không ăn rau? Xưa Nguyễn Công Trứ “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”, chẳng lẽ trong bụng Nguyễn Công Trứ lại mang tính “hoang dã” nữa sao! Vả lại, theo tác giả, “mọi thứ đều là cây nhà lá vườn”, “không phải ra chợ mua”, rồi kết luận rằng đó là “đặc trưng của tính hoang dã” trong ăn uống, điều này lại càng không đúng. Thành ra, cư dân Nam phần ăn rau vì đất trời ở đây mang tới cho con người quá nhiều rau, chứ không phải vì “tính hoang dã” hay hoang địa gì trong việc ăn uống này. Thứ đến là việc ăn cá hay ăn cua, ăn còng, rùa rắn. Điều đơn giản là đặc sản vùng này có quá nhiều cá tôm rùa rắn. Thứ gì cũng ngon và hấp dẫn. Sẵn trên sông, trên đồng, dưới mương trong ruộng, nơi nào cũng đầy dẫy thức ăn ngon và lạ. Thế là cư dân ở đây cứ việc bắt lên và nấu nướng thành những món ngon cho bữa cơm mỗi ngày. Sống giữa một trời lương thực như vùng đất Nam phần này, nếu bạn không ăn những vật thực này thì bạn ăn món ngon vật lạ nào nữa bây giờ? Bảo rằng cư dân ở đây ăn những món bắt được trên đồng trên sông như vậy gọi là mang “tính hoang dã trong ẩm thực”, thật là một điều càng đáng nghi ngờ. Nhưng có lẽ nhận định cuối của tác giả trong phần chúng tôi vừa trích bên trên là kém chính xác nhất, đó là “môi trường của việc ăn uống”. Tác giả bảo “cá lóc nướng trui”, “canh chua cá lóc nấu ngay sau buổi tát đìa” ngay trên bờ đìa, miếng ruộng, mảnh vườn mang “tính hoang dã”. Điều này không đúng. Vì một năm mấy lần tát đìa và cư dân ở đây ăn được bao nhiêu nồi canh chua như vậy trên bờ đìa bờ ruộng? Đó là chưa kể, đìa thì thường đào ở các ruộng lung, ruộng trũng rất xa nhà, có khi cách xa vài ba cây số hoặc có khi phải đi cả ngày mới tới đìa. Nếu tát đìa xong mà không nấu cơm, nấu canh chua, nướng trui cá lóc ngay bên bờ đìa hoặc trong trại ruộng để ăn sau một ngày lao lực mệt nhọc thì làm sao có sức và thời giờ để mang cá về nhà, để lo cho các công việc đồng áng khác đang chờ bàn tay của người làm ruộng! Nếu quan sát kỹ thêm chút nữa, ta thấy chỗ ngồi ăn của cư dân Nam phần không nhất thiết lúc nào cũng ngồi bệt dưới đất mà tùy theo sinh hoạt mỗi ngày, họ có nhiều chỗ ngồi khác nhau với những hoàn cảnh khác nhau như ngồi bên bờ kinh, dưới gốc cây, ngồi trên lớp rơm, ngồi trên chiếc đệm, ngồi trên chiếc chiếu rách, ngồi trên chiếc chiếu trắng, ngồi trên chiếc chiếu bông, ngồi trên sạp tre, ngồi trên sàn nhà bằng ván, ngồi trên bộ ván xoài, ngồi trên bộ ngựa gõ, ngồi vào bàn tròn, ngồi vào bộ tràng kỷ. Các nơi chốn khác nhau như vậy cho thấy cư dân ở Nam phần đã tạo được cho mình một nét đẹp trong đời sống. Nếp sống và suy nghĩ qua những chỗ ngồi đó chẳng những không mang “tính hoang dã” trong ăn uống mà nó còn biểu hiện cái nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày của cư dân nơi này. Ở đó nó giữ được cái nét giản dị mà vẫn trọng lễ nghi; nó chứa đựng cái tình thân ái mà vẫn giữ được tôn ti trật tự trong gia đình. Tóm lại, việc ăn uống của cư dân Nam phần không hề mang “tính hoang dã” cho dù ở đây người ta thích ăn nhiều loại rau cùng cá tôm và các sinh vật khác có mặt trên đồng ruộng sông rạch. Có chăng, nếu muốn đưa ra một nét tiêu biểu nào đó trong hương vị các món ăn vùng này, thì có thể nói rằng các món ăn vùng này thể hiện được khẩu vị, cá tính, hoàn cảnh, nếp sống, thói quen của từng nhà trong làng quê miền Nam này. Nhìn mâm cơm với các món ăn dọn lên hằng ngày người ta rất dễ nhận ra các đặc điểm vừa kể.” (2)Thưa anh Hai,
    Qua các món cúng ngày Tết vừa nêu và qua tính “hoang dã” trong cách ăn uống ở Nam phần hồi năm nẳm của tác giả Trần Phỏng Diều, anh Hai thấy sao ?

    Vài hàng thăm anh chị và cầu chúc anh chị mạnh khoẻ.

    Kính thư,
    Hai Trầu
    Last edited by viet11; 15-03-2012, 08:47 AM.
    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
    ............



    Can't Live Without...hehe...


    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

  • #2


    Lá thư từ Kinh Xáng
    7/2/2011
    Lương Thư Trung
    Chia sẻ bài này |

    Lời giới thiệu: Anh Hai An Phú tên thật là Dương Văn Chung, bút hiệu Khiêm Cung, tuổi Ất Hợi, sanh quán tại làng Bắc Nam, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, hiện định cư tại Sydney, Úc Đại Lợi, tác giả tập truyện Nội Ngoại Đều Thương do nhà xuất bản Quán Âm Sơn (Tân Tây Lan) ấn hành năm 2009. Viết về vùng quê Thất Sơn Mầu Nhiệm ngày xưa, không ai qua nổi học giả Nguyễn Văn Hầu; viết về vùng Tân Châu ngày trước, không ai qua nổi bậc tiền bối Nguyễn Văn Kiềm; còn viết về vùng Xà Tón (Tri Tôn) chắc chắn không ai qua nổi nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa; nhưng viết về vùng Bắc Nam, Vĩnh Trường, Đồng Cô Ky, Đồng Đức Thượng với những mùa cá tôm chim chóc lúa thóc chín vàng đồng tôi tin không ai qua nổi nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung.
    Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn những mẩu trò chuyện cùng tác giả “Nội Ngoại Đều Thương” dưới đây qua những mùa màng vùng sông nước Bắc Nam thuộc quận An Phú, tỉnh Châu Đốc cách nay có gần bảy tám chục năm xa xưa ấy và hy vọng chia sẻ cùng các bạn một chút tình quê qua những câu chuyện kể của người già còn nặng lòng với chốn cũ một thời...
    Trân trọng
    Hai Trầu
    Kinh xáng Bốn Tổng ngày 06-06-2011






    HT:

    Thưa anh Hai An Phú,

    Anh cắt nghĩa “cẩm tự” vậy là quá rõ rồi. Chữ dệt trên gấm. Theo Nguyễn Văn Kiềm hàng cẩm tự có nhiều loại như hàng lụa dệt ra loại trơn gọi là cẩm tự trơn, loại có bông thì gồm cẩm tự bông cúc, cẩm tự mặt võng, cẩm tự mặt đệm lớn, cẩm tự mặt đệm nhỏ v.v…(9) Nhà bà ngoại sắp nhỏ con tôi ở ngay xã Tân An (Tân Châu) xứ của những hãng dệt hàng lãnh cẩm tự, sau vườn có trồng nhiều cây mặc nưa hằng năm bán cho các lò nhuộm lãnh. Loại trái này nhuộm lãnh cẩm tự không bay màu nhe anh Hai, càng mặc cũ hàng càng bóng, vải mịn và mềm mại lắm.

    Còn nhắc các ông Đạo thì vùng mình hồi thời anh và tôi, ôi thôi nhiều ông Đạo nổi lên như vậy, theo tôi là do dân quê mình dễ tin người, dễ sùng bái, dễ mê tín nên cứ nghe có ai xưng mình là ông Đạo thì hổng cần biết thiệt giả gì, rồi cứ rủ nhau đến chiêm bái và nhờ vậy mà có một thời nhiều ông đạo nổi tiếng như cồn. Còn đời xưa, thời Phật Thầy Tây An, theo sách vở (10) và nghe ông bà xưa kể lại là có những người tài theo Phật Thầy cứu người, cứu đời như :

    1/ Đức Cố Quản Trần Văn Thành quê ở Cồn Nhỏ, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, tỉnh Châu Đốc.

    2/ Ông Tăng Chủ, họ Bùi nhưng tên thiệt của ông thì hổng ai biết tên gì, trên bia mộ của ông ở Nhà Bàng (Tịnh Biên) chỉ ghi “Tăng Chủ Bùi Thiền Sư” mà thôi.

    3/ Ông Đình Tây tên Bùi văn Tây, quê quán ở đâu không rõ, có người nói ông ở Năng Gù, có người nói ông ở Nhơn Hòa, cả hai nơi này đều thuộc tỉnh Châu Đốc.

    4/ Ông Đạo Xuyến quê ở Ba Giác (Bến Tre), ông lập chùa Châu Long Thới và khai phá đất Cái Dầu.

    5/ Ông Đạo Lập, tên thật Phạm Thái Chung, người làng Đa Phước, Cồn Tiên, thuộc An Phú của anh, ông lập chùa Bồng Lai ở Bài Bài thuộc xã Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.

    6/ Ông Đạo Ngoạn nguyên danh là Đặng Văn Ngoạn, sanh quán làng Nhị Mỹ, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, trong lòng sông Cần Lố, thuộc rạch Trà Bồng (Đồng Tháp Mười).

    7/ Ông Đạo Lãnh, còn gọi ông Hai Lãnh, ông còn một tên nữa là Cậu Hai Gò Sặt. Ông tinh thông nho học, võ nghệ cao, có thuật gồng và thông tường các loại bùa thư.

    8/ Ông Đạo Sĩ, người làng Trà Kiết (An Giang), từ Mặc Cần Dưng đi vô tới chợ Cần Đăng, đi vô nữa là tới Trà Kiết, ông đến Xẻo Môn thọ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, về sau ông lập cốc ở Trà Kiết trị bệnh cho bá tánh.

    9/ Ông Đạo Thắng tên thật Nguyễn Văn Thắng, là người gần gũi với Phật Thầy Tây An.

    10/ Ông Đạo Chợ, quê ở Chưn Đùn, Cá Hố (gần Vàm Ông Chưởng), ông trị bịnh rất linh nghiệm.

    11/ Ông Đạo Đọt giữ việc hương khói nơi trại ruộng Thới Sơn của Phật Thầy, có tài trị hết bịnh nhiều người.

    Ngoài ra, còn có các vị giáo chủ hoằng pháp sau Phật Thầy như ông Đạo Đèn, quê ở sốc Lương Phi, núi Tà Lơn, Tịnh Biên, Châu Đốc; Đức Bổn Sư, ngài chính danh là Ngô Lợi, quê quán Dội, gần Mộc Bài, thuộc vùng giáp giới Miên-Việt, tỉnh Châu Đốc; ông Sư Vãi Bán Khoai không rõ quê quán nhưng thường đến xã Vĩnh Gia thuộc kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc) trị bịnh cứu nhơn độ thế; ông Cử Đa, quê ngoài Phù Cát (Qui Nhơn), lúc mới tới vùng Bảy Núi, nhiều người nghe tiếng nói của ông phát ra có giọng miền Trung, nên dân địa phương cũng gọi ông là Ông Thầy Huế. Giờ xin trở lại cuốn Nội Ngoại Đều Thương của anh Hai, ở lời mở đầu anh Hai có viết: “Tôi không phải là nhà văn. Từ nhỏ đã thích đọc văn của người khác viết, nhưng bản thân mình chưa viết được một bài văn nào. Về già rảnh rỗi viết để giải khuây, nhớ gì viết nấy. Bè bạn có dịp đọc được, khuyến khích viết thêm, nên tiếp tục viết rồi in thành quyển sách nhỏ này để làm kỷ niệm.”

    Và rồi tôi đọc lời nhận xét của nhà văn Vũ Thất qua bài “Đọc Nội Ngoại Đều Thương của Khiêm Cung” trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, tác giả viết:



    Khiêm Cung Dương Văn Chung và phu nhân

    “Bằng vào lời phi lộ “Về già rảnh rỗi viết để giải khuây, nhớ gì viết nấy”, thì hẳn ông bắt đầu viết vào lứa tuổi tri thiên mệnh. Thế nhưng những gì ông nhớ và viết ra thì thật đáng kinh ngạc so với số tuổi của ông.”

    Tiếp theo, tác giả Vũ Thất nhận định về cách viết của Khiêm Cung:

    “Lối kể chuyện của ông là lối kể chuyện trinh thám, khiến tôi gần đứng tim và luôn mong mỏi cả gia đình ông được thoát đi suôn sẻ .Nhưng hãy nghe ông tỏ lời kết thúc chuyến vượt biên: “Trái đất tròn, nước Việt Nam mình cũng tròn, gia đình tôi đi vòng vòng rồi trở về chỗ cũ”. Ông thất bại chua cay, mất bao nhiêu tiền của mà vẫn giữ nụ cười hóm hỉnh…”

    Để rồi từ đó, nhà văn Vũ Thất đưa ra nhận xét về cách chọn lọc, sắp xếp các truyện trong Nội Ngoại Đều Thương như sau:

    “Có lẽ chính nhờ tinh thần hài hước đó mà Khiêm Cung đã tuyển chọn bài và cố tình sắp xếp theo thứ tự thời gian đột biến: từ một quá khứ ấu thơ rồi bất ngờ kể chuyện tuổi già, từ tuổi già bỗng quay lại thuở học trò, từ thuở học trò chợt nhảy sang thời mất nước. Thời gian đột biến kéo theo không gian đột biến. Từ quê nội sang quê ngoại. Từ quê nhà chuyển sang quê người. Đề tài cũng biến đổi liên tục. Từ gia đình đến hàng xóm. Từ thầy cô đến bạn bè. Từ tập tục lễ nghĩa đến chuyện cũ tích xưa. Từ ngôn ngữ bất đồng đến con người bất bình đẳng. Hiện tại - quá khứ xem ra không dính gì nhau mà lại đan nhau một cách khéo léo, tự nhiên và lôi cuốn.”



    Gia đinh ông Khiêm Cung (Dương Văn Chung) (1973)

    Sau cùng, tác giả kết luận:

    “Với một trí nhớ lạ thường, một tri thức quảng bác, với lời văn bình dị sáng sủa đôi khi điểm chút khôi hài ý nhị, tôi không tin tập truyện Nội Ngoại Đều Thương được hình thành như ông bày tỏ: “Về già rảnh rỗi viết để giải khuây”. Ông nói gì thì nói, tự tập truyện của ông đã hàm chứa đầy đủ các lời nhắn nhủ về đạo làm người Việt Nam, rất cần cho con cháu ông, cho con cháu tôi và cho tuổi trẻ hải ngoại.”(11)

    Là tác giả của tập truyện Nội Ngoại Đều Thương ấy, anh có cảm tưởng ra sao qua những lời nhận định vừa rồi của nhà văn Vũ Thất, anh Hai ?


    HAP:

    Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

    Anh Hai nhắc tozi nhớ đặc điểm của hàng cẩm tự là mặc càng cũ càng bóng, mịn và mềm. Nguồn tài liệu tham khảo của anh Hai quả thật dồi dào và vô giá, chắc anh đã khổ công góp nhặt và lưu giữ rất nhiều năm mới có được như vậy.

    Thưa anh Hai,

    Sau khi cuốn truyện Nội Ngoại Đều Thương ra mắt, có nhiều độc giả thương mến coi tôi như là một nhà văn, tôi trân trọng cảm ơn chân tình đó. Nhưng bản thân tôi cho tới ngày hôm nay vẫn nhận thấy rằng mình chưa phải là một nhà văn. Tôi nhớ quê nội, làng Bắc Nam, ngay từ lúc tôi ra tỉnh lỵ Châu Đốc học, vì bận lo học hành, không thường xuyên về thăm nhà, thăm quê. Sau đó, gia đình rời Bắc Nam đi tản cư về quê ngoại ở An Phú - Châu Đốc, biết chắc là không bao giờ có dịp trở về làng cũ nữa, tôi càng nhớ Bắc Nam nhiều hơn. Còn đối với làng Vĩnh Lộc và cả khu vực quận An Phú còn phảng phất nụ cười, tiếng nói và cử chỉ trìu mến của Bà Ngoại, của cậu mợ, các anh chị cô cậu của tôi và bà con, láng giềng của Bà Ngoại tôi tạo thành những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên được. Sống ly hương, chung quanh mình hầu hết là những người khác chủng tộc, màu da, những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ nơi quê nội, quê ngoại hiện về, tôi vội ghi ra những kỷ niệm đó thành cuốn truyện ngắn. Nội Ngoại Đều Thương là một lối thoát cho những tình cảm sâu đậm, những luyến nhớ không nguôi còn ẩn ức trong lòng. Những tình cảm, những luyến nhớ đó có thể trở thành hương vị của món ăn tinh thần. Món ăn có ngon là nhờ hương vị ngon chớ không phải là do đầu bếp giỏi. Nội Ngoại Đều Thương là truyện kể, còn rất nhiều khuyết điểm, tôi tự thấy chưa phải là một nhà văn. Dầu sao, độc giả không quá hững hờ với cuốn truyện là một khích lệ lớn lao đối với người viết.

    Tôi đã ứa nước mắt vì cảm động khi đọc hai bài nhận xét về cuốn truyện Nội Ngoại Đều Thương, một bài của nhà văn Lương Thư Trung (Hai Trầu hay Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng) đăng nơi phần sau cuốn truyện và trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, đã soi thấu tâm can của tác giả; một bài khác của nhà văn Vũ Thất viết sau khi cuốn truyện phát hành, đã đăng trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, nhiều tờ báo điện tử ở Hoa Kỳ, tờ Văn Nghệ Tuần Báo, Bán Tuần Báo Việt Luận ở Úc Châu, bài viết rất vắn gọn, nhưng rất đầy đủ ý nghĩa, giới thiệu những điểm nổi bật của cuốn truyện, nhờ vậy mà có thêm nhiều độc giả tìm đọc Nội Ngoại Đều Thương. Tôi xin chân thành cảm ơn hai tác giả đã nhiệt tình giới thiệu cuốn truyện với đồng hương khắp nơi.

    Nhân tiện, tôi xin báo một tin vui nho nhỏ: Cuốn truyện ngắn Nội Ngoại Đều Thương được Austlit ghi nhận vào thư mục của tổ chức. Austlit là một hệ thống thư viện do 12 trường đại học tại Úc và Thư Viện Quốc Gia Canberra phối hợp thành lập. Austlit có chuyên viên từng sắc tộc phụ trách đọc và tuyển chọn để ghi nhận vào thư mục những tác phẩm của người Úc (bất kỳ nguồn gốc nào), sáng tác và phát hành tại Úc. Đọc Nội Ngoại Đều Thương, Austlit thấy có những bài dính dáng đến Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, họ hỏi thăm tôi về anh Nghĩa, tôi đã gởi cho tổ chức đó mượn cuốn Con Đường Cũ và sẽ gởi cho họ tiểu sử của anh Nghĩa. Hy vọng sách của anh Nghĩa cũng sẽ được ghi nhận vào thư mục Austlit.

    Kính thăm anh chị Hai và các cháu.
    Thân kính,
    Chung An Phú


    HT:

    Thưa anh Hai An Phú,

    Nhơn anh có nhắc nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, cũng như trong lời giới thiệu khi vào cuộc trò chuyện này tôi có nhắc tác giả “Con Đường Cũ”: “Viết về vùng Xà Tón (Tri Tôn) chắc chắn không ai qua nổi nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa”. Mới đây tôi có đọc được “Những bức thư đầm ấm”(12), là những lá thư thăm hỏi và trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Hiến Lê và thi sĩ Quách Tấn (từ 1966 đến 1984), nhơn bàn về viết địa phương chí, lá thư ghi Nha Trang ngày 27-4-1980, Quách Tấn viết: “Viết địa phương chí cũng như viết truyện ký, phải viết bằng “cây bút trí” chấm vào “bình mực lòng” thì mới làm cho cảnh sống người sống. Bằng viết bằng cây bút của người vẽ địa đồ, của người chép lý lịch, dù đúng từng ly từng tí, cũng không phải là một mỹ nghệ phẩm. Phải chăng anh? Theo tôi, phải yêu người yêu cảnh, viết mới hay nổi. Dường như anh đã đồng ý rồi.” (13) Trong lá thư hồi âm ghi Sài Gòn ngày 10-6-80, Nguyễn Hiến Lê viết: “Viết địa phương chí, đúng như anh nói, phải có lòng (tôi bảo là có tâm hồn) lại phải có cặp mắt nữa. Phạm Trung Việt thiếu cả hai cái đó. Hai tập Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương của anh, theo tôi, khó có ai viết hơn.”(14)


    Nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa


    Tứ đó, tôi mới nghiệm ra Khiêm Cung Dương Văn Chung và Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa là những tác giả đã có đủ hai yếu tố ấy qua những trang sách viết về bức tranh quê làng Bắc Nam (An Phú) cũng như Xà Tón (Tri Tôn) thuộc địa giới tỉnh Châu Đốc vậy.
    Xin chân thành cảm ơn anh Hai đã bỏ thì giờ chia sẻ nhiều chi tiết về một khoảng thời gian dài sáu bảy chục năm với những mùa cá tôm đầy trong sông nước vùng Bắc Nam (An Phú); đồng thời qua cuộc trò chuyện này, anh cũng phác hoạ lại những nét chính về các sinh hoạt xã hội thời tao loạn lúc bấy giờ giúp cho tôi và các bạn trẻ có dịp hiểu thêm về một vùng đất xa xôi mãi tận nơi miền biên giới Việt-Miên một thời qua các mùa màng cùng những lễ tục nơi những làng quê xa xôi hẻo lánh ấy, thật là thú vị và bổ ích.

    Kính chúc anh Hai luôn luôn dồi dào sức khỏe và hy vọng anh sẽ tiếp tục chia sẻ cùng bạn đọc nhiều mẩu chuyện lý thú nơi làng quê của anh ngày xưa trong các bài viết mới sau này. Không quên kính lời thăm chị Hai và kính chúc chị Hai cùng các cháu mạnh khoẻ.

    Trân trọng kính chào anh Hai,
    Hai Trầu
    Last edited by viet11; 23-05-2012, 08:22 AM.
    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
    ............



    Can't Live Without...hehe...


    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

    Comment


    • #3
      Lời giới thiệu: Đưa người đọc về không gian mộc mạc, gần gũi của những ngày mùa, những con nước lớn nước ròng, vườn xoài, cây chanh..., nhà văn Lương Thư Trung là một trong những cây bút hiếm hoi tại hải ngoại đang giữ lại những nét đẹp bình yên của đồng quê Việt Nam một thời. Những câu chuyện dung dị nhưng chất chứa nhiều thâm cứu công phu, tác giả không chỉ dẫn dắt người đọc về với quê xưa mà còn cho ta biết bao điều mới lạ, chẳng hề biết đến dù đã sống với chúng bao năm. Trẻ xin trân trọng giới thiệu và mời quý độc giả lần lượt đón xem những bài viết giá trị này.


      Lưới cá trên sông Cửu Long

      Lương Thư Trung


      Vài hàng qua thư hồi âm của Anh Hai An Phú

      An Phú, ngày 26 tháng 5 năm 2011

      Kính gởi anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

      Thiên hạ lại làm cho anh em mình ngứa miệng, phải một lần nữa nói về cái ăn, vừa rồi nói về cái ăn hoang dã, kỳ này nói về cái ăn tiêu khiển. Anh Hai có nêu lên bài báo trên Người Việt Online:

      Theo kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã (WAR) phối hợp với Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên tổ chức tại Sài Gòn vừa được công bố:

      Trong số gần 8.000 cư dân Sài Gòn được hỏi “có ăn thịt rừng” hay không thì có đến 4.000 người (50%) số người được hỏi xác nhận có ăn thịt thú rừng và coi đó là một thú tiêu khiển;

      Phần lớn người thích ăn thịt rừng là nam giới, thuộc độ tuổi trung niên, có việc làm, có bằng cấp cao ở các trường đại học.

      Tôi không ngạc nhiên lắm khi nói phần lớn người thích ăn thịt thú rừng là nam giới, người nhậu rất thích thịt rừng, hầu hết người nhậu là nam giới, có mấy người phụ nữ Việt Nam uống rượu? Các quán thịt rừng “chặt đẹp” lắm, cho nên phần lớn những thực khách là người trẻ, có sức khỏe đi làm việc, có lương cao nhờ có bằng đại học, hoặc có mánh mung lớn mới có tiền đi ăn thịt rừng.



      Thịt rừng bày bán khắp nơi tại Sàigòn

      Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao coi việc ăn thịt rừng là một thú tiêu khiển, giống như kỳ trước tác giả Trần Phỏng Diều nói cách ăn của người miền Nam có tính “hoang dã” vậy.

      Tôi đi cầu cứu quý chơn sư “Hán Việt Từ Điển” và “Từ Điển Tiếng Việt” về ý nghĩa của từ kép “tiêu khiển”, quý chơn sư dạy rằng: Tiêu khiển có nghĩa:

      giải muộn khuây sầu (Hán Việt Từ Điển-Đào Duy Anh) làm cho tinh thần thoải mái bằng những hình thức vui chơi nhẹ nhàng: đánh cờ…(Từ Điển Tiếng Việt- Nguyễn Kim Thân, Hồ Hải Thủy, Nguyễn Đức Dương)

      Như vậy cái ăn có tác dụng làm cho người ta lên tinh thần hay hết buồn hay sao mà nói ăn thịt rừng là thú tiêu khiển? Theo thiển ý, ăn chỉ làm cho thấy ngon, cho khoái khẩu, không phải là một thú tiêu khiển.

      Anh Hai ơi,

      Kết quả khảo sát trên đã làm cho Tổ chức WAR giựt mình, lo ngại nhiều loại thú rừng sẽ bị diệt chủng vì người ta đua nhau ăn thịt chúng để “tiêu khiển”.

      Theo tôi nghĩ không phải chỉ có thú rừng bị diệt chủng, mà thú vật nhà, thủy hải sản cũng dần dần bị diệt chủng luôn.

      Bọn Tàu Cộng (Kẻ lạ?) rất thâm độc tìm mua móng trâu, móng bò (phải đủ 4 móng) với giá cao, dân mình nghèo giết trâu bò để bán thịt, rồi đem bán 4 móng cho bọn gian manh muốn hại nước mình không còn phương tiện canh tác.

      Sông Cửu Long bị đắp đập ở thượng nguồn làm ô nhiễm môi trường và nhiều lý do khác nữa, cá tôm tiêu hao dần, không sanh sản. Những gì anh em mình viết về nguồn thủy sản ở nơi quê quán, miền Tây Nam phần đều chỉ là những hoài niệm. Còn đâu nữa những con tôm càng trồi lên gần mặt nước để cắn miếng mồi dừa cho chúng ta vớt, còn đâu nữa bầy cá ròng ròng lội có luồng, lòn lách trong cỏ dưới nước trong, còn đâu nữa những con cá thia thia xanh biếc, kỳ, vi và đuôi màu đỏ chói ta bắt nuôi để xem cho mãn nhãn hoặc cho đá lộn, còn cá đâu nữa để nhắp, để câu, để chài, để lưới, để chất chà, để đặt lờ, đặt lọp, để kéo bò…v.v. Còn đâu nữa những con quạ nó đứng đầu cầu, nó kêu bớ má têm trầu khách ăn. Không còn tôm cá thì chim cò cũng vắng bóng, còn gì đâu để chúng bu lại ăn? Anh em mình chắc sẽ có dịp trao đổi nhiều hơn về chuyện cá tôm, chim chóc, phải không anh Hai?
      Không đồng ý cái ăn là một thú tiêu khiển, nhưng tôi thấy người ta bày ra đủ trò để làm cho thực khách “tiêu khiển” trước khi ăn, những trò tiêu khiển nầy quá ư tàn nhẫn đáng để cho Tổ chức WAR can thiệp. Chẳng hạn cho rắn còn sống biểu diễn rồi chặt đầu rắn ngay trước mặt thực khách, lấy máu rắn hòa với rượu mời khách uống; cho vịt đi trên bản sắt nóng rồi lấy chưn vịt cho khách ăn. Thật là một lối tiêu khiển hết sức dã man.

      Xin tạm ngưng và hẹn anh Hai thư sau.

      Kính thư,
      Chung An Phú


      Kinh xáng Bốn Tổng
      ngày 29 tháng 5 năm 2011

      Thưa anh Hai An Phú,

      Mấy hôm nay nhận được thơ anh Hai, tui rất mừng mà cũng rất buồn. Mừng là tuổi già của mình nay còn có người tri âm tri kỷ như anh Hai để trang trải những nỗi niềm, nhưng buồn là những sinh vật trong trời đất vùng mình một thời nay hổng còn nữa, mà nhứt là đọc đoạn này, tui lại nghe như ruột gan rã rời, rũ liệt: “Sông Cửu Long bị đắp đập ở thượng nguồn làm ô nhiễm môi trường và nhiều lý do khác nữa, cá tôm tiêu hao dần, không sanh sản. Những gì anh em mình viết về nguồn thủy sản ở nơi quê quán, miền Tây Nam phần đều chỉ là những hoài niệm. Còn đâu nữa những con tôm càng trồi lên gần mặt nước để cắn miếng mồi dừa cho chúng ta vớt, còn đâu nữa bầy cá ròng ròng lội có luồng, lòn lách trong cỏ dưới nước trong, còn đâu nữa những con cá thia thia xanh biếc, kỳ, vi và đuôi màu đỏ chói ta bắt nuôi để xem cho mãn nhãn hoặc cho đá lộn, còn cá đâu nữa để nhắp, để câu, để chài, để lưới, để chất chà, để đặt lờ, đặt lọp, để kéo bò…v.v. Còn đâu nữa những con quạ nó đứng đầu cầu, nó kêu bớ má têm trầu khách ăn. Không còn tôm cá thì chim cò cũng vắng bóng, còn gì đâu để chúng bu lại ăn?”



      Dự án đập Xayaburi của Lào
      trên thượng nguồn sông Cửu Long

      Qua đoạn thơ rất ngắn mà như một lời than thở ấy anh đã gợi lại trong tui cả một trời thương nhớ về những cảnh chim cá trên sông, trên đồng sáu bảy mươi năm qua. Thơ anh bày tỏ tấm lòng nhớ tiếc của người già nhìn lại cảnh cũ một thời tha thiết biết bao! Những chữ “còn đâu nữa”, “còn đâu nữa” mà anh lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc ấy là cả tấm lòng hoài niệm của người già trào dâng như nước ngập tràn bờ mà không thể lấy gì kềm giữ nổi; chẳng những anh muốn nói về cá, về tôm, về cua, về ốc, về chim mà còn nhằm nói chung những cảnh bể dâu dời đổi của trời đất mùa màng, trong đó có một thời tuổi trẻ thanh xuân của anh và của tui nữa mà nay đã qua đi hơn bảy chục năm trời nhanh như “thời giờ thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mất, có chờ, chờ ai”, thưa anh Hai!


      Cảm ơn anh Hai nhiều lắm về một tấm chơn tình với bằng hữu, với sông nước quê mình. Hy vọng có dịp sẽ nhờ anh Hai kể cho nghe thêm về làng Bắc Nam của anh, vùng An Phú cũ hồi thời còn Tây vào những năm 1947, 1948 nhe anh Hai.

      Kính chúc anh chị Hai luôn dồi dào sức khoẻ, vạn sự như ý.

      Kính thư,
      Hai Trầu
      Last edited by viet11; 16-03-2012, 12:58 PM.
      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
      ............



      Can't Live Without...hehe...


      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

      Comment


      • #4

        Lương Thư Trung


        Kinh xáng Bốn Tổng ngày 14 tháng 7 năm 2011
        Chú Tư Tiến thân mến,

        Tui rất mừng là hôm 02 tháng 7 năm 2011 có nhận được thư chú gởi nhắc cuốn Mùa Màng Ngày Cũ; mừng là vì có một người am kim bác cổ như chú mà ưa ba cái chuyện làng quê tụi tui thì còn gì bằng. Mở đầu lá thư chú viết:

        “Kính gửi anh Hai Trầu

        Thưa anh em là Tư Tiến, người được anh tặng sách từ bữa 25 tháng 4 mà tới bữa nay mới viết thư cảm ơn. Lý do là em cứ nghĩ mình sẽ viết một bài báo “rất bảnh” về Mùa Màng Ngày Cũ để tặng ông Lương Thư Trung cho nó ngon lành, thay vì một lời cảm ơn suông.Nghĩ thì dễ vậy mà hơn hai tháng nay chưa viết xong nên thôi thì đành cảm ơn suông lấy vốn cái đã, cho dù là muộn. Em chắc là mình mạng Thuỷ nên sông, suối, ao, đìa, rạch, thác... gì em đều thích hết. Con gì ở dưới nước em cũng thích luôn. Mọi sinh hoạt liên quan đến cá tôm (câu, cắm, rớ, lưới, tát, xúc... ) em đều say mê ráo trọi.



        Hố Xuân Hương Đà Lạt

        Trời hại cái là em sinh trưởng ở miền núi nên những cơ hội tiếp xúc với cá nước không nhiều. Đà Lạt có hồ Xuân Hương, em biết rõ cái hồ này như biết căn nhà thời thơ ấu của mình. Chỗ nào nước sâu, chỗ nào nước cạn. Chỗ nào cắm có cá trê, chỗ nào để câu cá giếc, chỗ nào để câu cá chép, lúc nào câu được cá rô, góc nào có bầy ròng ròng mới đẻ...Chỉ có một lần em ghé Tân An, Châu Đốc, lúc 15 tuổi, và được chứng kiến cảnh Kéo Bò. Mãi tới bây giờ, bốn mươi năm sau, em vẫn còn nhớ hình ảnh mớ tôm cá (dám tới bốn năm ký) nhảy lao xao khi người ta mở cửa bò hứng cá vô chậu. Thiệt là thấy ham quá xá. Ở Đà Lạt, đi câu nguyên năm chưa chắc đã được số cá người ta kéo bò chỉ một lần như vậy.”


        Chú Tư,

        Qua đoạn thơ trên, được biết chú mạng Thuỷ; Thuỷ là mang cái mát đến cho mọi người, mang cái vui cho người làm ruộng. Lạy trời mưa xuống lấy nước tui uống, lấy ruộng tui cày mà. Nghe chú kể chú vốn dân Đà lạt và mê cá trên vùng hồ Xuân Hương tui lại càng mừng, vì hồi xưa tui có lang bạt tới vùng thông reo bốn mùa của chú; có biết hồ Xuân Hương; có nghe tiếng thác Cam Ly chảy róc rách; có đi ngang cà phê Tùng; có liếc vô nhà hàng Cẩm Đô; có ghé lại con đường Bà Triệu bên cái dốc cầu đúc có dòng suối nhỏ chảy rì rào; có qua Lạc Dương coi người ta trồng cải; có xuống Đập Đất nhìn ngắm những giàn trái su; có dìa Đơn Dương xem cá chép nơi đập thuỷ điện Đa Nhim và có băng qua con lộ 20bis với những rừng chồi lưa thưa để thăm Tùng Nghĩa, Đức Trọng và nghe tiếng thác Liên Khương lách mình êm êm qua những ghềnh đá thấp hoặc tiếng nước dập dồn như giận dỗi nơi thác Gougah; rồi tui cũng quay ngược dìa con đường 20 để trở lại Đà Lạt của chú qua những rừng thông trùng trùng bên tiếng thác Prenn nơi cách cây số 13 không xa lắm. Đà Lạt của chú tui nhớ chừng đó của những năm cách nay có hơn bốn chục năm rồi, chứ có mau mắn gì đâu. Nên nay nghe nói Đà Lạt đã thay đổi nhiều giống như tui với chú hồi nào lúc chú mới mười lăm tuổi, chú xuống làng Tân An, quận Tân Châu (Châu Đốc) để được coi người ta kéo bò bắt cá dễ như chơi mà nay có lẽ tuổi đã nhiều, tóc lại hoa râm hơi bộn, và nhứt là tui thì ôi thôi tóc đã bạc mái đầu lâu rồi chú Tư à!

        Giờ xin trở lại mùa màng một chút nhe chú Tư. Thi sĩ Quách Tấn trong một lá thư hồi âm nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ông có viết: “Làm một bài thơ viết một tập văn mà được người biết rõ chỗ sở đoản sở trường của mình, là toại nguyện. Có được thêm nhiều tri âm, càng quí; bằng chỉ một Chu lang, cũng đủ rồi.”(1) Thành ra, chú có ý viết một bài về cuốn sách cho thiệt “bảnh”như chú dự định, đã là quí rồi; thế rồi vì bận rộn nên chú không viết được và nay thay vào đó, chú viết lá thơ ngắn gọn này tui thấy lại càng quí hóa nhe chú Tư, vì văn hay chẳng nệ vắn dài chú Tư à, dù ngắn nhưng miễn sao nó gói trọn một chút lòng của chú trong đó “cũng đủ rồi” vậy.

        Rồi chú kể tiếp việc mê chim:

        “Mà nói em mạng Thủy chắc cũng không đúng hẳn. Em cũng mê chim lắm anh à. Chim gì em cũng kết hết. Lúc nhỏ, mỗi năm em được về Sài Gòn một tháng. Em có mặt ở chợ Đũi, có người còn kêu bằng chợ Chó, đúng 30 buổi sáng để coi chim. Coi thôi, chớ không có tiền mua và em có thể đứng coi vài tiếng đồng hồ mỗi ngày như vậy cho tới khi đói chịu hết nổi mới về. “Kiến thức về chim” của em giới hạn chỉ có ở chợ như vậy nên đọc sách của anh xong em mới biết Pelican là Bồ Nông. Bữa trước, cho con gái đi câu, thấy nguyên một bầy Bồ Nông từ trên trời đáp xuống hồ, em nói với nó đó là chim... Chàng Bè! Thiệt là hết thuốc chữa.”

        Chú Tư,

        Nghe chú kể sơ sơ cái cảnh mê chim cá của chú lúc chú xuống Sài Gòn ghé lại chợ Đũi coi chim, tui cũng nhớ có lúc tui cũng mê chim cá như vậy. Tui cũng có lúc ra chợ Cũ (Sài Gòn), chỗ đường Hàm Nghi, nhìn người ta bán gà tre, chích chòe lửa, manh manh, áo dà, cưỡng, nhồng quên đói bụng luôn. Còn chim “thằng bè” hoặc có chỗ kêu là chim “chàng bè” như chú nhắc, là chim chân vịt, lớn con hay thả trên mặt nước (2); loại chim này làm ổ trên cây, thân lớn nặng tới 10 kílô, hai cánh dang rộng tới 2 mét, lông xám mốc, chân ngắn, có màng da liền như chân vịt, đầu nhỏ, mỏ lớn, phần dưới mỏ có túi đựng cá. Riêng loài bồ nông tương tự như thằng bè, màu lông của nó cũng xám nhưng hơi đậm hơn, đôi chân cao hơn, và đặc biệt hai chân bồ nông không có lớp màng chân vịt như thằng bè.”(3)

        Sau cùng chú lại hứa sẽ chỉ cho tui cách thả câu ống:

        “Thôi em stop anh nha. Bữa nào dìa kinh xáng em chắc phải ghé lại anh nhậu lai rai một bữa, bàn thêm về chuyện chim chuột, cho nó đã. Em cũng sẽ “chỉ” cho anh cách câu ống, để câu cá lóc của dân Đà Lạt.”



        Nghe chú hứa mà tui có lòng trông. Hồi xưa lúc vô rừng tràm, có lúc tui cũng mê thả câu ống dữ lắm. Hổng biết cách thả câu ống dưới rừng tràm này có giống cách câu ống của chú trên Đà Lạt hông; tui xin kể sơ sơ: Người ta lấy mấy cây sậy lớn bằng ngón chưn cái, rồi cắt ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn dài chừng bốn hoặc năm tấc và dùng mác bén vót hai đầu ống sậy thành hình chữ “U” để khi mình cuốn nhợ câu vô hai đầu ống sậy nhợ câu không bị vuột ra ngoài làm câu bị rối. Xong xuôi đâu đấy, lúc bấy giờ người ta mới lấy nhợ câu có tóm sẵn lưỡi câu buộc vào giữa ống sậy; nhợ câu này dài khoảng bốn hoặc năm tấc tùy theo muốn thả bắt cá nơi sâu hay nơi cạn. Sau đó, mới móc mồi trùn vào lưỡi câu và cuốn nhợ câu như tôi vừa trình bày ở trên. Tất cả các ống câu này bỏ vô trong một cái túi làm bằng bao cát và mang lên vai, rồi mình cứ đi dọc theo lung vũng nào mình muốn thả câu thì chọn nền rồi vạch lỗ trống, tháo lưỡi câu ra và để nhẹ ống câu xuống chỗ mình mới dọn nền; rồi cứ đi chọn chỗ và bỏ ống câu kế tiếp như vậy cho đến khi nào hết câu thì lên bờ rửa chưn chuẩn bị ra dìa. Đợi sáng hôm sau trở lại thăm và cuốn câu mang dìa. Nếu nơi nào nhiều cá, cá dính nhiều lắm, quảy cá biết nặng. Nhưng cũng xin nhắc một điều là để tránh trường hợp các ống câu dễ bị thất lạc, mình nên thả câu theo từng vạt đất, để khi thăm hết vạt đất này rồi, mình qua thăm vạt đất kế; bằng không, cứ gặp đâu mình vẹt lỗ bỏ ống câu tùy hứng, không theo thứ tự các vạt đất thì chắc chắn câu sẽ bị lạc mất dữ lắm. Thường thường thả câu ống chỉ thả các nơi nước hơi cạn, nên người ta hay đi bộ, ít đi xuồng. Thả chỗ nước cạn có cái ý là cá thường hay lên chỗ cạn kiếm mồi và gặp mấy ống câu này có mồi ngon chúng ăn liền hổng sợ ai bắt mình, cá dạn ăn lắm. Và rồi, cứ thế ngậm mồi vô miệng, thấy êm êm cũng chưa sao, mấy anh chị cá này mới nuốt mồi một cái ực rồi cứ lôi ống câu đi lòng vòng trong cái lỗ trống ấy, không thoát đi đâu được vì nước cạn không lôi ống câu đi xa; vả lại chung quanh là cỏ lác mịt mùng nên cứ thế mà nằm chờ người ta tới vớt ống câu lên lượm cá mang dìa. Cá bắt bằng cách này mau ăn và chắc ăn nhưng cũng dễ bị cá sẩy và cá chết.



        Cá sẩy vì khi chúng dính câu và bị lưỡi câu làm đau cái miệng, chúng vùng vẫy dữ lắm, và cố hết sức bình sinh lôi ống câu đi; càng lôi lại càng vướng vô cỏ, càng vướng vô cỏ cá lại càng lôi cho đến khi nào lưỡi câu bị sứt mới thôi. Thế là cá thoát khỏi lưỡi câu và cá sẩy bao giờ cũng là cá lớn là do vậy. Còn cá nhỏ yếu sức, nên vùng vẫy chừng vài bận là đành chịu trận chờ người ta bắt mang mình bỏ vô rộng mang dìa nhà muốn làm gì thì làm, đem ra chợ bán cũng được, bỏ vô nồi kho khô cũng được, mà bắt chảo chiên xù cũng được ráo trọi. Cá nằm trên thớt rồi thì muốn khứa mấy khứa thì cứ việc khứa chứ biết chạy đằng nào bây giờ. Phải thế hông chú Tư ? Còn cá chết là do khi cá quậy để thoát, nếu không thoát được có khi quấn vô cỏ một nùi và nhợ câu bị thắt gút lại và cá khó trườn lên mặt nước để thở nên cá hay bị ngột vì vậy. Hổng biết cách thả câu bằng ống sậy này nơi vùng sình lầy miền Tây tui có giống cách câu ống trên hồ Xuân Hương của chú hông chú Tư?

        Xin có mấy hàng hồi âm cùng chú Tư như một lời cảm ơn chú còn nhớ người già cùng mùa màng nơi thôn quê mấy chục năm qua mà nay ít ai còn nhớ vậy. Kính chúc chú thím cùng quý quyến vạn sự như ý…

        Kính thư,
        Hai Trầu

        Cước chú:
        1/ Thư đề ngày 24-10-1974, Nguyễn Hiến Lê gởi cho Quách Tấn có ghi các nhận xét về bản thảo cuốn Hương Vườn Cũ của Quách Tấn; và thư hồi âm của Quách Tấn ngày 29-11-1974 có ghi như câu vừa dẫn, trong cuốn “Những bức thư đầm ấm”, nhà xuất bản Tổng Hợp (SaiGon Média), năm 2003, trang 102. Ngoài ra, “Chu lang”, trong sách có chú thích: “ Chu lang: ý nói Chu Công Cẩn, tướng nhà Ngô đời Tam quốc”
        2/ Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài gòn, năm 1895, nhà Văn Hữu tái bản năm 1974, trang 369.
        3/ Theo Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, năm 2007, trang 290.
        Last edited by viet11; 18-03-2012, 09:18 AM.
        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
        ............



        Can't Live Without...hehe...


        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

        Comment


        • #5

          Đền thờ Cụ Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù lao Ông Chưởng, Chợ Mới


          Vấn an


          Kinh xáng Bốn Tổng ngày... tháng ... năm ...

          Gửi chú Tư Thế,


          Trời thần ơi, nhận được cái thư chú "vấn an", mấy bữa rày tui không ngủ được. Vừa mừng húm mà cũng vừa nghĩ ngợi lung tung mấy câu chú hỏi. Nào là Cụ Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chết trận hay chết vì bịnh hoạn ở miệt cù lao lòng Long Xuyên; nào là anh Hai có biết nguồn gốc hai tiếng bà con nhà quê hay xài là "mình ên" không?

          Thiệt tình, câu nào cũng gắt củ kiệu nghe chú Tư. Khó ơi là khó chú Tư à! Nhưng hồi ông nội còn sống, tui thường nghe ông nội kể là ngày xửa ngày xưa, cụ Chưởng Binh Lễ dẹp giặc Miên, giặc Xiêm vùng sông Trước (*) làm cho quân giặc tan tành nhưng cụ lại bị tử trận. Rồi dân chúng lập đền thờ cụ tại làng Kiến An, thuộc quận Chợ Mới, tỉnh An Giang.

          Sau này tui lại nghe Tía nói có ông thầy dạy ở trường Đại Học Hòa Hảo, gần sân bay Vàm Cống đó mà, có nghiên cứu nói cụ Chưởng Binh Lễ sau khi thắng trận giặc Xiêm, giặc Miên rồi mở tiệc khao quân tưng bừng cả vùng cù lao mấy ngày liền. Nhưng vì giặc giã kéo dài, đường sá hiểm trở, trời đất mưa dông tầm tã, lương thực thiếu hụt, sức lực con người suy yếu nên xong giặc cụ bị bệnh, rồi thổ huyết mà chết. Dân chúng tưởng nhớ công đức của Ngài, rồi lập miếu, lập đền thờ và đặt tên cù lao bên Chợ Mới là cù lao Ông Chưởng.



          Vậy đó chú Tư, chết trận hay chết vì thổ huyết chỉ lưu truyền vậy thôi chứ không chắc chắn chú Tư à. Có điều hậu thế biết tưởng nhớ công đức tiền nhân đánh Nam dẹp Bắc cho dân tình an cư lạc nghiệp mà ghi nhớ hoài là quí phải hông chú Tư? Cái gốc, cái cội mà, chứ đâu phải chuyện đầu môi chót lưỡi mà bay đi ào ào...

          Chú Tư à!

          Còn cái chữ "mình ên", thiệt tình gốc gác của nó tui coi vậy chứ không rành. Nhưng có điều hai chữ này thông dụng miệt Lục Tỉnh này quá mạng. Ai ai cũng nằm lòng, ở đâu cũng nghe nói, ở đâu cũng nghe than nghe thở. Làm việc gì cực quá cứ sẵn miệng than liền: "Nhà này chỉ có một "mình ên" tui là cực". Hoặc hỏi han, thăm nom nhau: "Bộ mày ở nhà có một "mình ên" hả?". Như nhiều tiếng ở miệt nhà quê mình thường đọc trại từ tiếng Miên như Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Xà Tón, Thốt Nốt, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Sây v.v... nên "mình ên" không biết có phải đọc trại từ gốc Miên không, vì tui cũng nghe người Miên nói tiếng Việt cũng ưa nói chữ "mình ên" lắm.

          Tuy vậy, mấy chị trong xóm mình mỗi lần nói đến cảnh đẻ chửa cứ than thân, trách phận: "Đàn ông đi biển có đôi, Đàn bà đi biển mồ côi một mình" cũng có ý than là đàn bà khi sanh đẻ chỉ có một "mình ên" đau bụng, đau dạ, trăm thứ cực, trăm thứ lo, trăm thứ sợ.

          Nhưng có điều là ông bà xưa thường rầy lắm nghe chú Tư. Con cháu đứa nào nói "mình ên" là bị ông bà rầy liền, mà nhất là ban đêm ban hôm, nói như vậy không nên, dễ bị ma cỏ, người khuất mặt bắt hồn bắt vía... Rồi vì cái óc mê tín dị đoan mà dân quê mình cứ rước thầy pháp, thầy bùa chữa hoài, riết rồi hết tiền hết lúa vì cúng vái gà, heo nhưng con bịnh không hết, có khi lại vong mạng. Ở nhà quê miệt kinh cùn này nhiều lúc chết vì bịnh ma tà lảng xẹt, thiệt là oan uổng!

          Sẵn đây, chú Tư còn nhớ ngày xưa có một thời người ta hay nói hai tiếng "một cây" hông? Chớ tui thì chỉ nhớ mang máng như vầy chú Tư, chẳng hạn mấy chữ này: ăn xài một cây, lấy le một cây, điệu một cây... là nhằm ám chỉ ăn xài không ai bằng, lấy le không ai bằng, điệu hạnh không ai bằng vậy mà... Nhưng mấy ông, mấy bà xưa giải thích cái gốc của hai chữ "một cây" là do chữ Nho "nhứt trụ kình thiên" đó chú Tư. Mình nói nôm na là "bẻ nạng chống Trời".



          Lần lần đến mấy năm tiền bạc rẻ rề, một lượng vàng, tui cũng nghe người ta hay gọi là "một cây" nữa đó chú. Nhưng cái nghĩa này nó lại khác xa cái chữ "một cây" dùng quen miệng ngày trước đi rồi.

          Chữ nghĩa rắc rối quá chú Tư! Sẵn đây, để tui kể sơ sơ chú nghe ba cái lúa thóc bên kinh xáng mình. Năm nay nắng mưa kỳ quá chú Tư. Năm trước bão Lin-Đa hại quá mạng, nhưng sau bão lụt lúa lại trúng nứt bồ. Thấy vậy, xóm mình ai nấy xúm nhau ùn ùn làm thêm mùa lúa lở mong kiếm thêm ba hột cho đầy bao, đầy bồ phòng khi thắt ngặt, tối lửa tắt đèn.

          Nhưng thất bại chú Từ à! Ba cái nạn rầy báo hại nhiều nhà bỏ ruộng, nợ sặc máu vì trị rầy không lại. Kế tiếp là mùa lúa Hè Thu tới bên lưng. Vì sạ trễ do mùa lúa lở tháng Ba, nên lúa mùa này bị mưa dông tháng Bảy, tháng Tám làm ngã sập, nằm dài như rơm trải cho vịt gà lót ổ. Hột lép, hột còn, ăn nửa, bỏ nửa, nên thất bát quá chú! Giống như cái lệ chú Tư à, lúa thất là giá lúa mắc mỏ đỏ con mắt. Vậy là người nhà quê làm lụng tay lấm chân bùn như tui là lãnh đủ nghe chú!

          Thôi, kể cho chú nghe chơi, chú đừng buồn vì "đói thì ăn rau, đau thì uống thuốc", nghĩa là cũng có thứ rau cỏ trên đồng để mà ăn khi thắt ngặt. Phải vậy hông chú Tư? Lần này cái thơ khá dài, cho tui ngưng ở đây nghe chú, kỳ sau tui viết nữa. Thăm chú và sắp nhỏ.

          Cuối thơ,

          Hai Trầu

          LTT
          Cước chú:
          (*) Sông Trước chỉ sông Tiền Giang chảy ngang Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh...
          Last edited by viet11; 23-05-2012, 08:23 AM.
          Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
          Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
          ............



          Can't Live Without...hehe...


          Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

          Comment


          • #6
            Đời sống cư dân ở thôn quê, nơi làng xóm miền Nam, gắn liền với những món ăn như dưa, cà, mắm, muối. Những món ăn vô cùng thanh đạm ấy giống như những kiếp người nơi làng quê cũng thanh đạm, bần hàn mãi hoài... Điều đó cho chúng ta thấy rằng mắm là thức ăn có từ đời kiếp nào rồi, lâu lắm mà không làm sao biết được ai là người làm ra đầu tiên.


            Vào tháng Hai, tháng Ba những cánh đồng lúa mùa đã cắt gặt xong. Những đàn bò thả lan đi rong, đi rỗi khắp cùng trên cánh đồng chỉ còn trơ những gốc rạ để cạp đỡ mấy bụi cỏ non, mấy bụi lúa rày vừa đâm tượt. Mương rạch, đìa bào cá đồng dồn về như ngày hội . Đầu này tiếng cá lóc táp lốp bốp, đầu kia cá rô, cá sặc thay phiên nhau lên móng như cơm sôi. Còn những bún đập, những khúc lóng, khúc mương đầy cỏ, đầy lục bình mà cá làm nơi cư ngụ lưu lại nữa chứ. Đó là cá trên đồng. Còn dưới sông, những đống chà chất bằng nhánh me nước, nhánh sao, nhánh bần là chỗ dựa cho những chàng cá có máu giang hồ ghé lại nghỉ chân trên con đường du lữ. Cả một vùng sông nước, đìa bào, mương rạch vùng đồng bằng miệt sông Cửu Long cá ơi là cá. Những cộ xe trâu, xe bò kẽo kẹt trên những con đường mòn từ dưới kinh, dưới đìa kéo cá về nhà. Cá sống, cá chết đổ đầy ra sân. Cá không còn tính từng bao nhiêu con, bao nhiêu ký nữa, mà tính bằng thùng, bằng giạ. Đó là những ai có đìa bào, mương rạch. Còn những người không có đìa, không có mương lóng, họ thường đi bắt hôi. Bắt hôi cá là bắt cá sót. Những chủ đìa, chủ mương tát cạn đìa, cạn mương, rồi bắt cá trước, người bắt hôi theo sau bắt những con cá còn sót lại chúi xuống bùn, dưới cỏ. Những thời xa xưa ấy cá nhiều vô số kể, nên người bắt hôi cũng được cá nhiều lắm, có khi cả giỏ mang về không nổi. Thường thường trẻ nhỏ đi bắt hôi cá đông hơn người lớn, vì bắt hôi cũng là hình thức mót lại của rơi rớt như mót lúa đổ, lúa rớt chẳng hạn. Người lớn vì lòng tự trọng, không muốn bị chủ đìa, chủ mương nhiều lúc dùng lời lẽ nặng nhẹ khi có những đứa trẻ bắt hôi tràn lên phía trước, nên ít khi họ đi bắt hôi.


            Cá nhiều quá ăn không hết, nên người nhà quê làm khô, làm mắm để dành khi thắt ngặt, lúc mùa màng đông ken không có thì giờ bắt cá, bắt lươn, sẵn có khô có mắm mà làm thức ăn chánh trong nhà. Nhưng so với cá khô thì mắm là thức ăn được nông dân làm nhiều hơn vì mắm để lâu được và cũng chế biến nhiều cách ăn riêng và tiện lợi vô cùng.

            Về thời khắc làm mắm, thường thường cũng phải có mùa tùy theo mùa cá. Có thể kể ba mùa làm mắm chính trong một năm là mùa cá đìa tháng Hai, tháng Ba âm lịch; mùa cá giở chà từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch; và mùa cá ra vào tháng Mười, tháng Mười Một âm lịch vào những ngày nước trên đồng rút về sông về biển sau mùa lụt hằng năm.



            Vào những ngày mùa làm mắm, thôn quê cũng nhộn nhịp như mùa chuột, mùa cắt lúa, mùa cá linh, mùa bắt cúm núm, mùa chằm nón lá, mùa cắt cỏ bò, mùa quết cốm dẹp với những hạt nếp vừa chín tới khi ngọn gió bấc se lạnh tràn về... Không khí rầm rộ, tiếng nói, tiếng cười trên khắp chốn thôn quê đồng nội pha lẫn vào nhau như những ngày quết bánh phồng, hoặc giã gạo chày ba vào những đêm trăng sáng vằng vặc. Ở đây, nó còn mang phong cách đầm ấm gia đình, tình nghĩa chòm xóm láng giềng thân thương, bình dị, chân tình pha những tiếng cười hồn nhiên trong lành, mà phải có đi vào thôn xóm vào những mùa màng như mùa làm mắm mới thấy hết được.

            Trước nhất, thông thường muốn làm mắm, cá phải làm sạch sẽ, rửa nước nhiều lần, rồi để trong rổ cho cá thật khô ráo mới muối. Số lượng muối tùy theo cá nhiều hoặc ít mà thêm bớt cho vừa vặn, không mặn quá, mà cũng không ít quá. Vì muối ít, cá sẽ không đủ muối sẽ bị ươn, sau này mắm sẽ hư, dễ bị “trở”. Có khi cá rửa không được sạch bùn, dù cho có muối nhiều, cá vẫn ít ăn muối và về sau cá mắm dễ bị tình trạng mắm “trở”. Nên trong dân gian, tục ngữ ca dao có câu :

            “Cá không ăn muối cá ươn,
            Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.”

            Vì cá nhiều quá, dân quê không thể ngồi đánh vẩy cá làm từng con, mất nhiều thì giờ cùng công sức. Nên để tiết giảm công sức và cũng muốn làm cho nhanh, thông thường, người nhà quê cho cá vào trong một cái khạp da bò, rồi dùng miếng đăng cũ, bó tròn lại vừa với tay cầm để trộn những con cá trong khạp cho tróc vẩy, giống như người Miên, người Thượng dùng chày để “giọt” những mẻ lúa làm gạo. Sau khi thấy cá tróc vẩy gần hết, đổ cá ra và rồi tiếp tục “giọt” vảy những mẻ cá khác. Còn những người còn lại tiếp tục chặt kỳ vi làm sạch cá như làm cá để kho hoặc nấu canh ăn vậy.

            Muối cá làm mắm thường bà con dùng muối Bạc Liêu, không bao giờ dùng muối bọt. Muối Bạc Liêu dù hơi đen vì ruộng muối ở đó có bùn nhưng độ mặn rất đậm đà, muối mắm ít khi bị tình trạng “mắm trở”. Sở dĩ không dùng muối bọt vì độ mặn không đủ làm cá thành mắm, nên mắm dễ bị hư. Cá muối được đựng trong những cái khạp mái đầm, còn gọi là mái vú vì những khạp này ngày xưa ở nhà quê thường dùng vào việc vú trái cây như xoài, chuối. Có một điểm đáng lưu ý là mái nào dùng để đựng mắm rồi là không còn dùng vào việc vú trái cây được nữa, vì mùi mắm còn dính trong lu mặc dù đã rửa sạch nhiều lần, sẽ làm trái cây bị mất mùi thơm và trái cây bị úng hư. Ngoài ra, người ta cũng có thể đựng cá trong các hũ đựng đường chảy bằng sành, hoặc khạp da bò v.v... Miễn sao, cá muối này được gài bằng những tấm vỉ tre và dằn lên những cục đá xanh cho con cá muối được ép thật sát lại mà người bình dân quen gọi như một thành ngữ khi đi xe đò chật ních, “ép như gài mắm” là vậy...



            Ngày trước, hồi mẹ tôi còn sống, tôi để ý thấy mỗi lần cá mắm muối được từ hai đến ba tháng, mẹ tôi thường rang gạo lức cho thật chín vàng, rồi dùng cối đá xay cho nhuyễn ra với mùi thơm như cốm, gọi là thính. Mẹ tôi giở cá muối ra để trong những cái thau rồi rắc thính trộn đều vào từng con cá muối, kể cả bên trong bụng cá. Làm như vậy cá mới đều thính và mắm mới ngon được. Công dụng của thính vừa làm cho thịt cá muối dần dần biến thành mắm, mà nó cũng làm cho mắm thơm nữa. Có thể nói, nếu không có thính bằng gạo lức rang, cá muối không bao giờ thành mắm được dù có để đến bao nhiêu lâu cũng vậy. Do đó giai đoạn thính mắm là giai đoạn quan trọng vô cùng. Chính nhờ vào thính này mà người ta mới ăn mắm sống mà không ngại ngùng gì vì mắm không còn là cá muối đơn thuần nữa.

            Sau khi thính, độ hơn tháng hoặc vài tháng, mẹ tôi bắt đầu giai đoạn cuối trong công việc làm mắm là chao mắm. Vật liệu chao mắm gồm đường chảy được thắng lên vừa có chỉ như thắng đường làm kẹo kéo; có khi còn trộn với cháo nếp. Tất cả được trộn đều vào từng con mắm cốt cho mắm dịu lại, không còn mặn như cá muối nữa. Chao mắm xong lại nhận mắm vào khạp, vào lu như lúc ban đầu và gài vỉ tre cho chắc chắn để không bị nước mắm “nong nước” vào. Nếu mắm mà bị nong nước, mắm coi như bị hư, mất ngon. Mắm được coi là ngon, tức là mắm có vị vừa ăn, không mặn quá mà cũng không chua, mùi rất thơm. Làm mắm mà bị mắm chua, mắm mặn, mắm trở là thất bại rồi; nếu có chế biến, sửa chữa cũng không thể ngon được. Như việc đời, cái gì cũng phải học dù học làm mắm, không phải dễ dàng chút nào. Chao mắm sau vài tháng là mắm bắt đầu đem ra ăn được, kể cả ăn sống. Nhưng theo kinh nghiệm nhà quê, mắm để càng lâu càng thấm đường, con mắm dịu lại càng ngon hơn là ăn mắm quá gấp.



            Ở đồng bằng sông Cửu Long dường như nơi nào cũng biết làm mắm. Nhưng những vùng nào đồng ruộng, lung vũng nhiều là mắm nhiều vì lý do đơn giản là cá nhiều. Một vài nơi tiêu biểu vào mùa làm mắm là miệt Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Long Xuyên, Xà Tón, Cầu Số Năm (Tri Tôn), Ba Thê, Cà Mau, Rạch Giá, Ba Răng, Đốc Vàng v.v... Và có lẽ mắm Châu Đốc là mắm nổi tiếng nhất vùng.

            Dường như cá nào cũng làm mắm được, ngoại trừ những loại cá nhiều mỡ. Vì cá nhiều mỡ làm mắm hoặc làm khô dễ bị hôi dầu. Thường thì cá thuộc tên nào, mắm cũng cùng tên như vậy. Có mấy loại mắm thông dụng như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá rô đồng, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá thác lác, mắm cá rô biển (loại cá này cũng ở trong sông nước ngọt, gọi như vậy để phân biệt với cá rô trên đồng), mắm cá nâu (ở vùng nước pha chè), mắm cá chốt, mắm cá trê trắng, mắm cá trê vàng... Ngoài ra, thỉnh thoảng người ta còn làm mắm tôm, mắm tép, mắm chuột... Hồi tôi còn nhỏ, vào những năm còn ít người cư ngụ vì họ chưa hồi cư, ở xóm tôi những năm còn làm lúa mùa, lúa nổi, cá lóc nhiều và rất lớn, có con cỡ một hoặc hai ký, người ta còn lấy ruột cá lóc làm mắm. Loại mắm này có tên là mắm lòng hay mắm ruột.

            Riêng mắm lóc, người ta hay chế biến một loại mắm để ăn sống bằng cách thái lấy thịt mắm lóc rồi ướp thêm đường, tỏi, đu đủ mỏ vịt bào nhỏ mà trộn thêm vào, gọi là mắm thái. Châu Đốc nổi tiếng về loại mắm thái này, không đâu sánh bằng. Mắm thái Châu Đốc được đựng trong các keo bằng thủy tinh, hoặc những cái hũ nhỏ bằng sành, bán tại Châu Đốc cũng như khắp các vùng lân cận, mà nhất là tại các bến bắc Vàm Cống (Long Xuyên), Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cái Vồn (Cần Thơ) vân vân... Du khách hay khách bộ hành đi ngang qua những nơi này, ai cũng mua vài keo mắm thái Châu Đốc về biếu tặng bạn bè thân thích, nhất là có dịp về Sài Gòn, nếu mang tặng người quen vài keo mắm thái, mắm cá trèn Châu Đốc thật là quí vô cùng. Bây giờ, có dịp các bạn đến những chợ Việt Nam ở Mỹ, các bạn sẽ thấy người ta bày bán những keo mắm thái của Thái Lan nhưng lại mang nhãn hiệu mắm thái Châu Đốc, điều này cho thấy mắm thái Châu Đốc nổi tiếng khắp mọi miền.
            Last edited by viet11; 20-03-2012, 09:57 AM.
            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
            ............



            Can't Live Without...hehe...


            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

            Comment


            • #7
              Nhắc đến mùa câu cá là nhắc cái tổng quát như vậy, nhưng từ xa xưa cho tới ngày nay việc câu cá là một công việc vừa giản dị mà cũng vừa phức tạp. Nó giản dị vì khi mình nói tới việc câu cá người ta thường chỉ nghĩ đến lưỡi câu và mồi; nhưng nó phức tạp vì không phải loài cá nào cũng giống như loài cá nào. Do vậy, nói tới mùa câu cá là nói cái nét riêng của từng loại câu, từng thời điểm và từng loài cá mà dân quê ngày xưa đã từng áp dụng vào các cách câu cá qua mấy mươi năm dày dạn kiếm tìm và tạo thành những cách câu cá sao cho thích ứng với những mùa màng nơi các sông rạch ruộng nương của vùng đất đầy sông rạch thuộc miền Tây Nam Phần của mình.


              Lương Thư Trung

              Nhớ những năm 1945, tản cư về quê ngoại trên Mặc Cần Dưng, ngày nào vào mùa này má tôi cũng câu cá lòng tong, cá mại, cá thiểu theo cách câu vụt này. Những năm tháng ấy vừa loạn lạc, vừa đói khổ nhưng sông rạch nhiều cá cũng làm nguôi ngoai nỗi lo của người lớn khi phải chạy giặc, và trẻ con chúng tôi thì đâu biết gì vì còn nhỏ quá nên chỉ mê có cá. Nhớ lại những ngày xa xưa ấy mà thương cha mẹ biết dường nào vào những ngày bồng chống con cái tản cư chạy loạn... Thế mà thời gian cũng qua mau, có tới hơn sáu mươi mấy năm dài!

              Hồi nhỏ, vào những năm tản cư về Mặc Cần Dưng, năm nào vào mùa nước lên, đường làng bị ngập, nước sông tràn vô đồng ào ào. Nhà ông ngoại tôi là nhà sàn cao cỡ một thước mà sàn nhà vẫn lé đé nước. Nước dưới sàn nhà trong leo lẻo nên cá trê trắng lội thành từng bầy, từng bầy núp theo mấy tảng đá làm nống nhà. Mấy ông anh con của cậu tôi thường ngồi trên nhà khoét cái lỗ câu cá trê trắng bằng mồi trùn ngay trong nhà mà không phải bơi xuồng đi đâu hết. Cá trê dính nhiều lắm vì chúng rất dạn ăn câu.





              Giăng lưới mùa nước nổi

              Những năm tháng đó má tôi cũng thích câu cá ba sa, cá sát, cá vồ bằng mồi con gián cánh. Chiều chiều gần chạng vạng tối, má tôi bơi chiếc xuồng xuống bến sông hoặc ngay trong sân chỗ góc nhà sau có một cái lẫm chứa lúa, một tay má tôi cầm cần câu, tay kia cầm cái mủng vùa (còn gọi “miểng vùa”) đầy nước và rót nước chảy xuống để nhử cá bu lại. Khi nghe mùi hôi của mồi con gián cánh, chúng xúm nhau giành mồi dính câu giựt hổng kịp.

              Nhắc tới cá ba sa, cá vồ mê mồi gián cánh, tôi mới nhớ khoảng năm 1957, tôi mới biết thêm cách câu cá lăng bằng mồi thuốc dưới dạ cầu Nguyễn Trung Trực, cua Lò Thiêu, Long Xuyên, mà có lần tôi có nhắc qua cá nhớ đồng, nhớ chà, nhớ gốc trong mùa quậy đìa. Mồi thuốc câu cá lăng rất đơn giản mà tôi biết chắc là nếu dùng mồi này câu được con cá giựt lên xuồng, rồi chặt đuôi thả xuống sông trở lại, một hồi thế nào nó cũng dính câu một lần nữa vì chúng mê mồi. Nó gồm cá linh làm cho sạch, thái lấy hai miếng thịt hai bên lưng bỏ chung với thịt ba rọi xắt bằng ngón tay sao cho vừa miếng mồi. Tất cả thịt cá linh và thịt heo này đem ủ trong một cái hũ cải tù xoại với vài món thuốc bắc gồm đại hồi, tiểu hồi, cam thảo. Mồi ủ chừng năm, bảy ngày là đem ra câu cá lăng được rồi. Sau này, người ta đặt lọp tép, lọp cá chạch cũng dùng ba món thuốc bắc này trộn với xác mắm cá linh sau khi lược lấy nước mắm để làm mồi đặt lọp tép, cá chạch rất đắc ý.



              Trẻ câu cá

              Nhơn nhắc cá lăng ưa mồi thuốc, hồi thời tản cư vừa trở về làng quê cũ sau hiệp định Genève 1954, những con rạch vùng quê làng Tân Bình thuộc Lấp Vò của tôi còn sầm uất lắm, nên cá lăng, cá kết, cá leo trên các vùng sông rạch này nhiều vô số kể. Vào thuở xa xưa ấy, dân quê ưa cắm câu trên các bè chuối dùng làm phao cho cần câu cắm không bị chìm tại các vàm mương, nơi cá lăng, cá kết, cá leo, cá trê trắng tìm đường lên ruộng, hoặc những chỗ vắng vẻ nước không chảy mạnh trên các con rạch này. Những giống cá loại này vào thời sau 1954, chúng rất ưa mồi cá sặt, cá rằm, cá rô nhỏ. Mỗi chiều cắm chừng vài chục cần câu trên những bè chuối như vậy, khuya đi thăm câu thế nào cũng có trên chục con cá dính câu, mà con nào con nấy nặng cả nửa ký trở lên chứ ít khi dính cá nhỏ. Thăm câu và móc mồi lại những cần câu nào bị sứt mồi rồi bỏ đó, sáng ra đi cuốn câu cũng kiếm thêm cá lăng, cá leo, cá kết khá bộn...

              Về mùa câu cá, cũng còn tùy theo địa thế lung vũng mà dân quê chế thêm ra món thả câu bằng phao. Thả câu cách này rất đơn giản, không như phải bủa câu thành luồng và cũng không cần giường câu phải dài mà chỉ cần một cái phao câu làm bằng những ống sậy dài chừng bốn, năm tấc. Ngay giữa ống sậy này người ta tóm một nhợ câu dài chừng tám tấc với lưỡi câu đúc hoặc câu dấu ó ở cuối nhợ câu. Muốn thả câu, người ta móc mồi trùn, hoặc mồi cắt rồi mới căng nhợ câu gài vào hai đầu ống sậy này cho gọn để các lưỡi câu khỏi dính vào nhau và bị rối nùi. Xong đâu đấy, tất cả các ống sậy có câu, có mồi được đựng trong một cái túi mang trên vai hoặc sắp xếp sao cho gọn bỏ trong khoang xuồng và rồi cứ theo các lung vũng có cá mà vạch lỗ vẹt cỏ cho trống, rồi lấy từng ống sậy và gỡ lưỡi câu ra, cẩn thận đặt lưỡi câu xuống cái vùng mình vừa dọn trống đó. Thế là xong một nền câu, rồi tiếp tục đi tìm cái nền mới mà thả thêm các ống câu còn lại.

              Cá ăn câu thả này ít khi bị sẩy vì khi nuốt mồi xong chúng biết mình dính câu là y như rằng bản năng sinh tồn buộc cá cắn câu thường quấn vô gốc cỏ mà tìm cách chạy thoát, nhưng càng quấn vô gốc cỏ chừng nào cá càng bị vướng, bị kẹt. Thả câu cách này vì giống như câu ngầm nên cá dính câu thả là cá trê vàng, cá trê trắng và cá lóc. Nhắc cách thả câu này, không khỏi nhớ lại những năm tháng xuống U Minh phá rừng trồng khóm, bứt dây choại, ngày nào anh em tụi tôi cũng vừa lọt vô rừng xong là lo kiếm mấy hố bom B52, mương vũng, thả vài chục ống câu thả này với mồi trùn móc sẵn. Vậy mà khi gom lại, sau một ngày ở trong rừng nghe chim kêu vượn hú, tụi tôi đứa nào cũng có vài ký cá rô, cá trê, cá lóc miệt U Minh đen thui đen thít, mập lắm...



              Mùa câu cá, mùa giăng câu sau hơn sáu, bảy mươi năm qua mà hôm nay ngồi nhắc lại, không những đó là đời sống của các cư dân vùng lúa mùa một thời mà còn là những kỷ niệm khó phai nhòa trong tâm trí những người nhà quê già như các bạn và tôi có một thời sanh ra và lớn lên nơi các làng quê vùng lúa mùa. Chúng ta nhớ lại những mùa màng ngày cũ là nhớ lại tuổi ấu thơ của mình, nhớ về những năm tháng loạn ly nhưng còn chút thanh bình, nhớ về những buổi chiều thong dong trên chiếc xuồng với nhiều hy vọng được mùa cá, mùa câu, nhớ về những buổi sáng chống xuồng câu trở về mà lòng háo hức niềm vui nhìn cá lội đầy khoang xuồng, nhớ về những đêm trăng sáng vằng vặc hát hò nghêu ngao trên đồng nước, và cũng nhớ về những mùa gió chướng, nhổ sào cho xuồng câu trôi theo gió ào ào. Màu thời gian hiện diện trên đá, trên rêu, trên những nền nhà ngày cũ, như dấu tích những ngày qua của những đời người. Màu thời gian cũng nhuộm đậm trong tâm trí mỗi người già nhà quê chúng ta những ngày mùa giăng câu bắt cá thủa nào, khó phôi pha dữ lắm. Các thế hệ trẻ có hiểu và thông cảm cùng chăng cho những hồi ức của những người nhà quê già một thời như tôi và bạn, đang có mặt hôm nay...?
              Last edited by viet11; 22-03-2012, 10:59 AM.
              Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
              Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
              ............



              Can't Live Without...hehe...


              Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

              Comment


              • #8
                Nhắc đến mùa câu cá là nhắc cái tổng quát như vậy, nhưng từ xa xưa cho tới ngày nay việc câu cá là một công việc vừa giản dị mà cũng vừa phức tạp. Nó giản dị vì khi mình nói tới việc câu cá người ta thường chỉ nghĩ đến lưỡi câu và mồi; nhưng nó phức tạp vì không phải loài cá nào cũng giống như loài cá nào. Do vậy, nói tới mùa câu cá là nói cái nét riêng của từng loại câu, từng thời điểm và từng loài cá mà dân quê ngày xưa đã từng áp dụng vào các cách câu cá qua mấy mươi năm dày dạn kiếm tìm và tạo thành những cách câu cá sao cho thích ứng với những mùa màng nơi các sông rạch ruộng nương của vùng đất đầy sông rạch thuộc miền Tây Nam Phần của mình.


                Lương Thư Trung


                Trước nhất, vào Tháng Tư, khi trời mưa già, nước bùn trên các con đường quê chảy xuống sông rạch làm nước sông các nơi ngầu đục là cá chốt giấy trong các dòng sông bắt đầu thè lè những cặp trứng chuẩn bị một mùa lên đồng để tìm chỗ đẻ. Vào mùa này, dân quê có người câu cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột bằng cần câu với mồi dế cơm, dế nhủi là chính, nhưng cũng có người còn câu cá chốt bằng mồi trứng kiến vàng.

                Vào những ngày mưa, kiến vàng thường làm ổ trên các loại cây như xoài, gáo, bằng lăng, bần để chun vô ổ đẻ trứng và trốn mưa. Dân quê mới dùng cây sào thật dài, rồi buộc cái vợt làm bằng vải mùng hay cái thúng dê ở đầu cây sào và rồi trèo lên các loại cây có ổ kiến vàng mà phá ổ chúng cho trứng rớt ra và lấy trứng này làm mồi câu cá chốt.

                Thường thường, dân quê câu cá chốt bằng cần câu làm bằng ngọn trúc; nhưng cũng có người không câu bằng cần câu mà họ câu cá chốt bằng câu quăng. Người ta tóm những lưỡi câu cách nhau cỡ tám tấc một lưỡi vào giường câu dài cỡ ba, bốn chục thước. Đầu giường câu kia có buộc một cây sắt hay một cục đá với mục đích khi mình quăng câu, cục đá sẽ kéo luồng câu thẳng ra và chìm xuống nước theo lòng rạch.

                Sau khi móc mồi và khoanh tròn luồng câu vào cái sề sao cho các lưỡi câu không bị rối với nhau, rồi người ta mới đứng nơi đầu cầu các bến sông và cầm cục đá mà quăng giường câu ra giữa sông. Khi quăng câu như vậy rồi, người ta buộc đầu giường câu còn lại vào cái sào dài và cắm xuống nước cho luồng câu chìm sát lòng rạch và ngồi chờ cá ăn mồi. Khoảng chừng hút tàn điếu thuốc là bắt đầu nhổ cây sào lên và phăng giường câu vào bờ để gỡ cá.

                Còn nếu ai có xuồng, người ta không quăng câu như vậy mà họ bơi xuồng thả câu sau khi móc mồi như câu quăng. Bơi xuồng thả câu có cái tiện là câu ít bị rối, mình có thể thả nhiều luồng câu và công việc mau lẹ, ít trở ngại.

                Thường thường những năm 40, 50 các sông rạch miệt Long Xuyên, Châu Đốc cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột nhiều lắm, và con nào con nấy vào mùa này chúng mập dữ lắm; mà nhứt là cá chốt giấy có con bằng ngón chưn cái. Mỗi ngày, người ta thả câu lúc nước đứng lớn hoặc đứng ròng. Nước chảy yếu thì cá dạn ăn, và giường câu cũng ít bị đứt. Hồi đó, cứ quăng câu cá chốt cách này, mỗi ngày dân ruộng quăng vài ba giác là đủ cá ăn một ngày. Loại cá chốt giấy kho tiêu bỏ thêm tóp mỡ thì ngon hết biết.

                Dường như trẻ nhỏ ở nhà quê, hồi thời xa xưa ấy, đứa nào cũng mê mùa quăng câu cá chốt. Và ai đã từng sống ở nhà quê và được cha mẹ cho đi học trường làng cũng đều mê mùa câu quăng này, và thường bị người lớn rầy là tối ngày cứ mê giăng câu, hổng lo học hành gì ráo. Rầy thì rầy vậy, nhưng rồi cũng lén lén kiếm mồi và quăng câu cá chốt, không bỏ được cái tật mê câu, mê cá.

                Vào mùa nước tháng năm, tháng sáu, nước dưới sông đục ngừ, bọn trẻ nhỏ nhà quê cũng thích cắm câu xúc tép. Nói là cắm câu, thật ra sắp nhỏ chỉ lấy nhánh trúc dài cỡ tám tấc rồi buộc sợi dây bố vào với miếng mồi trùn buộc lòng thòng đầu kia nhợ câu. Thế là khi nước lớn, cứ mon men theo mé sông, mé rạch mà cắm mấy chục cần câu không lưỡi này và cầm cái rổ đi lòng vòng theo mấy cần câu cắm này, hễ thấy nhợ câu nào lay động thì đưa cái rổ nhẹ xuống và xúc lên thật nhanh, thế nào cũng được vài con tép rong, tép đất, tép bạc đang ngậm mồi. Cách cắm câu bắt tép không có lưỡi câu này, thường trẻ nhỏ thích lắm, người lớn ít ai làm vì bận phải lo những mùa câu khác bắt cá nhiều hơn.

                Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ và bò lần vô mé vườn, tràn qua đám nưa, ngập theo các vồng mía làm cho trùn trong những vồng mía cao này bắt đầu di chuyển lên gò cao. Theo lệ thường, nước bò tới đâu cá tép lội theo tới đó mà dân quê thường nói với nhau “ở đâu có nước là có cá”. Do cá biết mấy chỗ cao ráo nước tràn này có trùn và chúng mon men theo các vồng mía, vồng khoai, vồng nưa ăn mồi trùn. Vì quan sát thấy cá quậy ăn mồi theo những vồng mía lấp ló nước, dân quê mới sắm câu cắm mà cắm dọc theo mấy chỗ cá ưa quậy ăn mồi này. Thường thường cá ăn câu qua mấy luồng câu cắm này là cá trê trắng, cá trê vàng, cá chạch, cá lóc, cá chốt, nhưng cá bắt được thường là cá còn nhỏ, còn cá lớn thì không vô cạn kiếm mồi như vậy.

                Lương Thư Trung


                Trước nhất, vào Tháng Tư, khi trời mưa già, nước bùn trên các con đường quê chảy xuống sông rạch làm nước sông các nơi ngầu đục là cá chốt giấy trong các dòng sông bắt đầu thè lè những cặp trứng chuẩn bị một mùa lên đồng để tìm chỗ đẻ. Vào mùa này, dân quê có người câu cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột bằng cần câu với mồi dế cơm, dế nhủi là chính, nhưng cũng có người còn câu cá chốt bằng mồi trứng kiến vàng.

                Vào những ngày mưa, kiến vàng thường làm ổ trên các loại cây như xoài, gáo, bằng lăng, bần để chun vô ổ đẻ trứng và trốn mưa. Dân quê mới dùng cây sào thật dài, rồi buộc cái vợt làm bằng vải mùng hay cái thúng dê ở đầu cây sào và rồi trèo lên các loại cây có ổ kiến vàng mà phá ổ chúng cho trứng rớt ra và lấy trứng này làm mồi câu cá chốt.

                Thường thường, dân quê câu cá chốt bằng cần câu làm bằng ngọn trúc; nhưng cũng có người không câu bằng cần câu mà họ câu cá chốt bằng câu quăng. Người ta tóm những lưỡi câu cách nhau cỡ tám tấc một lưỡi vào giường câu dài cỡ ba, bốn chục thước. Đầu giường câu kia có buộc một cây sắt hay một cục đá với mục đích khi mình quăng câu, cục đá sẽ kéo luồng câu thẳng ra và chìm xuống nước theo lòng rạch.

                Sau khi móc mồi và khoanh tròn luồng câu vào cái sề sao cho các lưỡi câu không bị rối với nhau, rồi người ta mới đứng nơi đầu cầu các bến sông và cầm cục đá mà quăng giường câu ra giữa sông. Khi quăng câu như vậy rồi, người ta buộc đầu giường câu còn lại vào cái sào dài và cắm xuống nước cho luồng câu chìm sát lòng rạch và ngồi chờ cá ăn mồi. Khoảng chừng hút tàn điếu thuốc là bắt đầu nhổ cây sào lên và phăng giường câu vào bờ để gỡ cá.

                Còn nếu ai có xuồng, người ta không quăng câu như vậy mà họ bơi xuồng thả câu sau khi móc mồi như câu quăng. Bơi xuồng thả câu có cái tiện là câu ít bị rối, mình có thể thả nhiều luồng câu và công việc mau lẹ, ít trở ngại.

                Thường thường những năm 40, 50 các sông rạch miệt Long Xuyên, Châu Đốc cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột nhiều lắm, và con nào con nấy vào mùa này chúng mập dữ lắm; mà nhứt là cá chốt giấy có con bằng ngón chưn cái. Mỗi ngày, người ta thả câu lúc nước đứng lớn hoặc đứng ròng. Nước chảy yếu thì cá dạn ăn, và giường câu cũng ít bị đứt. Hồi đó, cứ quăng câu cá chốt cách này, mỗi ngày dân ruộng quăng vài ba giác là đủ cá ăn một ngày. Loại cá chốt giấy kho tiêu bỏ thêm tóp mỡ thì ngon hết biết.

                Dường như trẻ nhỏ ở nhà quê, hồi thời xa xưa ấy, đứa nào cũng mê mùa quăng câu cá chốt. Và ai đã từng sống ở nhà quê và được cha mẹ cho đi học trường làng cũng đều mê mùa câu quăng này, và thường bị người lớn rầy là tối ngày cứ mê giăng câu, hổng lo học hành gì ráo. Rầy thì rầy vậy, nhưng rồi cũng lén lén kiếm mồi và quăng câu cá chốt, không bỏ được cái tật mê câu, mê cá.

                Vào mùa nước tháng năm, tháng sáu, nước dưới sông đục ngừ, bọn trẻ nhỏ nhà quê cũng thích cắm câu xúc tép. Nói là cắm câu, thật ra sắp nhỏ chỉ lấy nhánh trúc dài cỡ tám tấc rồi buộc sợi dây bố vào với miếng mồi trùn buộc lòng thòng đầu kia nhợ câu. Thế là khi nước lớn, cứ mon men theo mé sông, mé rạch mà cắm mấy chục cần câu không lưỡi này và cầm cái rổ đi lòng vòng theo mấy cần câu cắm này, hễ thấy nhợ câu nào lay động thì đưa cái rổ nhẹ xuống và xúc lên thật nhanh, thế nào cũng được vài con tép rong, tép đất, tép bạc đang ngậm mồi. Cách cắm câu bắt tép không có lưỡi câu này, thường trẻ nhỏ thích lắm, người lớn ít ai làm vì bận phải lo những mùa câu khác bắt cá nhiều hơn.

                Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ và bò lần vô mé vườn, tràn qua đám nưa, ngập theo các vồng mía làm cho trùn trong những vồng mía cao này bắt đầu di chuyển lên gò cao. Theo lệ thường, nước bò tới đâu cá tép lội theo tới đó mà dân quê thường nói với nhau “ở đâu có nước là có cá”. Do cá biết mấy chỗ cao ráo nước tràn này có trùn và chúng mon men theo các vồng mía, vồng khoai, vồng nưa ăn mồi trùn. Vì quan sát thấy cá quậy ăn mồi theo những vồng mía lấp ló nước, dân quê mới sắm câu cắm mà cắm dọc theo mấy chỗ cá ưa quậy ăn mồi này. Thường thường cá ăn câu qua mấy luồng câu cắm này là cá trê trắng, cá trê vàng, cá chạch, cá lóc, cá chốt, nhưng cá bắt được thường là cá còn nhỏ, còn cá lớn thì không vô cạn kiếm mồi như vậy.
                [/B]


                Giăng câu mùa nước nổi

                Có người không cắm câu theo các vồng mía hoặc các bụi nưa ngập nước mà giăng câu từng luồng, mỗi luồng khoảng năm mười lưỡi câu tóm vào giường câu cách nhau cỡ một thước một lưỡi hoặc gần hơn một chút, nhưng đừng tóm hai lưỡi câu gần quá vì tóm câu gần, khi luỡi này dính cá thì hai lưỡi câu gần hai bên cá không dám lại ăn câu.

                Mồi cắm câu hoặc mồi câu giăng theo các vạt đất gò vào mùa nước mới bò vô vườn này thường là mồi trùn vì lúc này cá lóc, cá trê vô đất gò kiếm mồi là chúng kiếm mồi trùn. Vả lại, mùa này trùn dồn lên gò nên cũng dễ đào. Hai loại trùn mà cá ưa nhứt đó là trùn hổ và trùn huyết. Trùn cơm chúng cũng thích nhưng hổng bằng hai loại trùn kia; thêm nữa, trùn cơm không dai bằng nên bị cá rỉa mau hao mồi.

                Vào tháng 8, nước trên đồng nhiều rồi, dân quê mới thực sự bắt tay vào mùa giăng câu bắt cá lóc, cá trê trên những cánh đồng lúa mùa. Vào mùa này, vì đồng lớn, nước sâu, nên ít ai cắm câu bằng những cần câu cắm. Ngày xa xưa ấy người ta giăng câu những luồng rất dài băng qua nhiều vạt đất với lung vũng đìa bàu đầy cá là cá. Những loại lưỡi câu dùng cho mùa giăng câu này tùy theo mình muốn bắt loại cá gì. Với cá lóc, người ta ưa dùng lưỡi câu đúc; với cá trê, người ta dùng lưỡi câu dấu ó; với cá thác lác, cá trèn người ta dùng lưỡi câu dấu ó có vọng câu nhỏ hơn cá trê.

                Những người giăng câu chuyên nghiệp vào mùa này người nào cũng sắm năm bảy trăm câu, có khi nhiều đến cả vài thiên câu là thường. Người giăng câu gần thì chiều chống xuồng ra đồng bủa câu, móc mồi rồi cắm xuồng ngủ chờ thăm câu giác nhứt, móc mồi lại và chờ chùa công phu hiệp nhứt là cuốn câu gỡ cá và chống xuồng về nhà.

                Người giăng câu xa thì cụ bị cà rèm, gạo thóc, nồi niêu, củi đuốc, mắm muối, cà ràng, đèn dầu, mồi câu cho chuyến giăng câu một tuần hoặc mười ngày mới về một lần. Riêng mồi câu họ cũng dự trù cho đủ số ngày ở trên đồng giăng câu. Khi ở trên đồng như miệt Bình Di, Bắc Nam, miệt Luỳnh Quỳnh, miệt Tám Ngàn, miệt Đồng Tháp Mười..., họ ngày cắm xuồng ngủ, chiều bủa câu, tối thăm một giác và thay mồi, sáng cuốn câu và gỡ cá giăng được, nếu sống thì rộng trong xuồng, nếu cá ngột thì xẻ cá muối làm khô, làm mắm. Nếu cá dính câu nhiều quá thì có xuồng ghe tới mua, thuận đâu bán đó cho nhẹ xuồng. Nhưng ngày trước, thường thường người ta rộng cá và bơi xuồng về nhà sau mỗi chuyến giăng câu lâu như vậy, ít ai bán cá sống, trừ khi cá dính nhiều không còn chỗ để chứa cá mới bán. Cá giăng câu mùa này thường là cá lóc, cá trê trắng, cá trê vàng.

                Giăng câu những đồng lớn vào mùa nước ngập lụt lút đầu lút cổ này, thường hai ba xuồng giăng chung một cánh đồng và tìm chỗ đâu xuồng chung với nhau để khi cần giúp đỡ nhau những khi có dông mưa hoặc khi cần tiếp giúp. Có điều cần lưu ý, kẻo nguy hiểm là trong những bó củi, bó lá dừa để sau lái hoặc chót mũi xuồng, rắn hổ đất gặp nước lội lêu bêu không chỗ dựa, chúng thường tấp vô xuồng và trốn trong mấy chỗ để củi và lá dừa này. Người nào giăng câu xa vào mùa này đều phải cẩn thận khi lấy củi và luôn luôn có mang theo cục mật hội để phòng khi bị rắn chạm thì có cái để rút nọc độc cứu nguy lúc hiểm nghèo giữa đồng nước bao la mông quạnh này.
                Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                ............



                Can't Live Without...hehe...


                Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                Comment


                • #9
                  Nhắc đến mùa câu cá là nhắc cái tổng quát như vậy, nhưng từ xa xưa cho tới ngày nay việc câu cá là một công việc vừa giản dị mà cũng vừa phức tạp. Nó giản dị vì khi mình nói tới việc câu cá người ta thường chỉ nghĩ đến lưỡi câu và mồi;

                  nhưng nó phức tạp vì không phải loài cá nào cũng giống như loài cá nào. Do vậy, nói tới mùa câu cá là nói cái nét riêng của từng loại câu, từng thời điểm và từng loài cá mà dân quê ngày xưa đã từng áp dụng vào các cách câu cá qua mấy mươi năm dày dạn kiếm tìm và tạo thành những cách câu cá sao cho thích ứng với những mùa màng nơi các sông rạch ruộng nương của vùng đất đầy sông rạch thuộc miền Tây Nam Phần của mình.


                  Lương Thư Trung

                  Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, nếu ai muốn giăng câu cá thác lác, cá trèn thì sắm câu mồi tép, là loại lưỡi câu dấu ó có vọng câu nhỏ. Loài cá này ưa mồi tép và mùa này tép cũng dễ kiếm. Sau này, khi bắt đầu có lúa thần nông, dân quê bày ra đặt lọp tép.
                  Dân giăng câu cũng ưa mua tép đặt lọp này về làm mồi, khỏi mất thì giờ đi xúc tép. Vào mùa này, nếu ai muốn giăng câu bắt cá chài thì người ta lấy hột bưởi lột bỏ vỏ ngoài chỉ còn ruột hột bưởi, hoặc bắp hầm làm mồi vì cá chài rất mê hai loại mồi này.

                  Đến khi nước gần giựt, dân quê giăng câu mồi cua. Vì mùa lúa đang trổ bông và rong đuôi chồn cùng mã đề mọc dày bịt, nên muốn giăng câu mồi cua người ta phải dùng lưỡi hái cắt cỏ dọn luồng. Một luồng câu như vậy thường thường bề ngang lọt lòng chiếc xuồng bơi tới và chiều dài tùy theo luồng câu ngắn hoặc dài. Giăng câu cách này là giăng ngầm, luồng câu bủa sát mặt đất ruộng, móc mồi cua còn sống, do vậy mục đích dọn luồng là để mồi cua trống chỗ mà bò tới bò lui cho cá dạn ăn câu.

                  Muốn cho con mồi sống lâu, người ta móc lưỡi câu vào càng cua áp út, tránh móc lưỡi câu vào ngay yếm cua hoặc ngay hai con mắt của con cua vì móc lưỡi câu vào hai nơi này làm con cua mau chết; hễ cua chết thì cá lóc nó chê, hổng chịu ăn câu.



                  Câu cá lóc

                  Cá dính câu mồi cua thường là cá lóc rất lớn, có con cả ký lô, ít có con cá lóc nhỏ nào mà mắc câu mồi cua. Thế mới hay cá lớn thường ăn ngầm, cá nhỏ ăn mồi nổi như lúc giăng câu vào đầu mùa nước mới bò vô mấy đám mía, đám nưa.

                  Vào mùa nước giựt, cũng là mùa sắp bắt đầu có gió bấc se lạnh. Mùa này cá rất ê hàm răng, nên chúng thích ăn mồi cắt. Mồi cắt là những loại cá linh cắt ra làm hai, hoặc người ta thụt mặt mấy ốc bươu, ốc lác lớn cắt ra làm sao cho vừa miếng mồi. Còn các mùa khác thường thường dân quê ưa giăng câu mồi nhái, mồi chạy bao gồm mồi cá linh, cá ròng ròng, cá sặt, cá rằm; nhưng thông dụng nhất vẫn là hai thứ mồi mà cá trê, cá lóc cùng ưa là mồi nhái và mồi cá linh.



                  Mồi nhái câu cá lóc

                  Khoảng tháng 11, tháng chạp, nước trên đồng cạn, lúa mùa gần chín, người ta không bơi xuồng lên đồng được và cá cũng rộ xuống mé kinh, mé rạch, lúc bấy giờ người ta xúm nhau bủa câu cặp theo các mé kinh, mé rạch đón cá. Vì không bơi xuồng lên đồng được nhưng cá vẫn còn trên đồng theo các lung vũng, nên mùa này dân quê mới sắm câu cắm mà cắm câu bắt cá lóc trên mấy miếng ruộng trũng với nhiều lung vũng. Cá còn lại trên đồng vào mùa này là cá lóc lớn, nên cắm mồi cua và mồi ốc là cá lóc ưa lắm. Nhiều con cá dính câu cả ký. Chúng ăn mồi xong rồi quấn vô gốc rạ, nên ít khi bị sẩy lắm. Nếu ai siêng siêng cắm chừng 50 cần câu thì cá ăn không hết.

                  Vì cá xuống sông vào các tháng nước giựt, ai giăng câu dưới kinh rạch thì giăng, còn dân chuyên câu cần thì cứ theo mấy gốc gáo, gốc bần, mấy đống chà sắm cần câu mà câu cá rô đồng, cá rô biển, cá thác lác, cá chạch lấu. Mồi câu mùa này rặt món tép đất vì các loài cá này ưa loại tép này hơn các loại mồi khác. Hồi xưa nhiều con cá rô biển bà lớn gần bằng cái dĩa bàn; loại cá này làm món gì cũng ngon, nhưng ngon nhứt là cặp gắp nướng, thịt cá ngon thơm lắm. Còn cá chạch lấu thì nướng càng ngon, nhưng kho cà ri cũng hết ý.

                  Nhắc món cá chạch lấu cặp gắp nướng lại nhớ anh Hai An Phú có kể: Ba anh hồi còn sống ráng tìm cá chạch lấu nướng cho các anh chị em của anh Hai ăn, thiệt là cái tình cha thương con vô cùng cảm động!

                  Nhưng nói việc câu cá dưới sông bằng cần câu, không thể không nhắc mùa câu cá mè vinh, cá dảnh, cá he tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi nước đục. Với cá dảnh, cá mè vinh thì câu bằng mồi rong đuôi chồn, loại rong mọc đầy trong các miếng ruộng lúa mùa, dễ kiếm lắm. Còn mồi cá he thì có món lá cứt quạ, cá he rất ưa. Thêm nữa, có món mồi hột gòn rang lên cho thơm, cá he cũng mê lắm.

                  Hồi đó, người ta bứt một nùi dây cứt quạ buộc lại thành một ôm rồi treo nơi gốc những đống chà mà nhử cá mè vinh, cá he, cá dảnh bu lại. Cho tới khi thấy chúng bu đông và rúc rỉa làm lung lay, động đậy bó lá cứt quạ, người ta mới móc mồi rong đuôi chồn, hột gòn rang, hoặc mồi lá cứt quạ bỏ xuống bên cạnh đó là cá liền nhào lại nuốt mồi và mình chỉ cần sẵn sàng giựt câu lên là dính cá, mê lắm!

                  Mùa nước tháng chạp, tháng giêng thì cá dường như xuống sông gần hết; nếu có còn chăng là cá lóc, cá trê, cá rô còn mắc kẹt trên các đìa bàu, lung vũng nhiều cỏ lác mịt mù vì chúng mê cái chất rong bùn nơi đồng ruộng cũ nên chẳng muốn xuống kinh rạch sông sâu nước chảy trôi xuôi về sông cái làm gì cho mệt. Do vậy, những anh chàng cá lóc nào quên chốn lung vũng một thời và mê say sông nước thì sẽ bị các cụ già mê câu nhắp, câu rê đón đường đón ngõ nơi mấy đống chà, mấy gốc cây lớn như gáo, bần bằng những cần câu dài, nhợ câu ngắn chừng vài ba thước với mồi câu vào mùa này là cá rằm, cá rô đồng, cá rô biển bề ngang cỡ bằng hai ngón tay.

                  Dân câu vào mùa này cứ ngồi nơi mũi xuồng mà thả câu theo mấy chỗ này mỗi ngày kiếm cỡ chừng năm, mười ký cá lóc như chơi.
                  Còn nếu không có xuồng, người ta cứ cầm cần câu đi trên mé rạch mà rê rê mấy lỗ trống trong đống chà hoặc gốc cây cá dựa, cũng dính cá lóc dữ lắm. Cá lóc mùa này no mồi, nên con nào con nấy béo lắm, làm món gì cũng ngon, không cứ gì phải nói tới cá lóc là phải nướng trui, kho tộ hay canh chua gì ráo trọi. Cá mập và ngon thì làm món gì cũng hấp dẫn dân nhà quê như tụi tôi ráo trọi...

                  Nhưng nhắc đến mùa câu cá mà không nhắc mùa câu cá rô Tháng Tám, Tháng Chín âm lịch thì chưa đủ. Mấy tháng này, trên những cánh đồng lúa mùa nước cỏ trong leo lẻo. Chiếc xuồng chống rào rào trên cánh đồng lúa để lại một lằn lườn xuồng vừa lướt qua là một bầy cá lòng tong, cá rô đồng ùa theo ăn những phấn lúa rơi rớt đầy mặt nước. Dân quê vào mùa này thường bơi xuồng lên đồng câu cá rô. Họ đi buổi sáng rồi chiều về có khi đầy nhóc khoang xuồng cá rô, lớn nhỏ cá là cá. Mồi câu mùa này là các món cá rô rất mê như trứng kiến vàng, gạch cua, cua ướm lột, cua lột, cào cào, châu chấu, váng nhện đóng trên các lá lúa. Do câu cá rô dễ ăn như vậy nên mùa Tháng Tám, Tháng Chín các chợ làng, chợ quê đầy cá rô câu và cá sặt đặt lờ. Hồi trước cá tôm bắt dễ nên cá tôm cũng rẻ mạt.

                  Nếu ai không bơi xuồng lên đồng câu cá rô vì phải dang nắng tối ngày vào mùa tháng 8, tháng 9 này, thì người ta ở nhà rang cám cho thơm rồi xách cái rổ xuống mé kinh, mé rạch chỗ nào có bóng mát, và nhứt là không vướng cây cỏ chung quanh, thế rồi lựa chỗ cho êm mà ngồi vụt cá lòng tong, cá mại, cá thiểu béo ngậy. Lưỡi câu loại câu cá này uốn bằng cây kim may vá áo quần và lưỡi câu không có ngạnh, vọng câu nhỏ, mũi câu ngắn. Mồi câu là một hột cườm màu đỏ hoặc vàng xỏ qua lưỡi câu và dùng sợi chỉ buộc chận lại cho hột cườm đừng vuột ra ngoài.

                  Sau khi bỏ cám rang trôi trên mặt nước, cá nghe mùi thơm của cám rang và bu lại đầy nhóc. Người ngồi câu không phải chờ cá rỉa mồi mà tay cầm cần câu cứ vụt xuống kéo lên lia lịa, liền tay, đều nhịp và cá thấy hột cườm tưởng miếng mồi, chúng nuốt vội và mắc vào lưỡi câu. Khi cá dính vậy, người ta cũng không phải ngừng lại mà gỡ cá; họ chỉ cần hạ nhẹ cần câu xuống cái rổ để sẵn vừa với tầm của ngọn cần câu là cá dính câu tự động sút ra, và lại tiếp tục vụt cần câu liên tục nữa cho tới khi cá bớt dính, người ta tìm thêm nền câu mới và câu tiếp tục cho tới khi nào muốn nghỉ thì nghỉ.
                  Last edited by viet11; 24-03-2012, 08:28 AM.
                  Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                  Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                  ............



                  Can't Live Without...hehe...


                  Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                  Comment


                  • #10
                    Nhắc tới nhà quê, ai ai cũng nghĩ người nhà quê mê cải lương và đặc biệt là bài ca vọng cổ. Bài ca vọng cổ, ai cũng biết, ai cũng có thể ca được mà không cần phải qua trường âm nhạc nào. Trẻ nhỏ ca, người lớn ca, thanh niên ca, phụ nữ ca. Mọi người khi có hứng là cất lên lời ca. Ca nơi trại ruộng, trên sông nước hữu tình. Ca trong những đêm đám cưới, đám giỗ. Ca trong mùa cắt gặt. Ca trong lúc giăng câu, giăng lưới giữa đồng nước mênh mông.


                    Lương Thư Trung

                    Bài ca vọng cổ là một trong những bài ca quen thuộc làm khuây khỏa nỗi lòng, làm nhẹ đi gánh nặng cực nhọc qua những mùa màng nắng cháy mưa dầm. Người ta không cần thuộc nguyên vẹn lời ca, không cần tiếng đàn, cứ có chút cảm hoài, có chút vui vui là cất lên tiếng ca vang vang cùng trời trăng mây nước. Cái đặc biệt nữa là dân ruộng khi cất giọng ca vọng cổ là ca rất tự nhiên, không thẹn thùng, không mắc cỡ và không sợ ai chê mình ca dở. Có lẽ nhờ vậy mà sáu câu vọng cổ rất gần gũi thân thiết với dân quê không rời được.

                    Vào những năm thập niên 1940-1950, ở làng Bình Hòa còn có tên là Mặc Cần Dưng, tại vàm mương Ông Nhà Lầu, một chủ điền rất lớn, nơi đây ngày xưa ông có xây một nhà lầu bằng gạch đá đồ sộ với cổng tam quan như một lâu đài; rồi ly loạn những năm 1945, căn nhà này bị các phe phái tranh quyền đốt cháy rụi nhưng còn được nhà kho ba bên bốn bề tường nhà đóng khói loang lỗ; nhà kho này có thời được mở lớp học do cậu Chín Nhậm dạy cho học trò trong xóm có nơi đi học. Trước mặt nhà lầu có khoảng sân khá rộng; các ghe hát sơn đông mỗi khi lưu diễn qua vùng này lúc nào cũng ghé lại diễn cả tuần lễ hầu bán thuốc cao đơn huờn tán và buổi hát sơn đông nào cũng được dân trong xóm rủ nhau đến coi rất đông. Bọn con nít tụi tôi hồi ấy mê coi sơn đông dữ lắm; mỗi xế chiều mà nghe tiếng trống đánh tung tung là chúng tôi ngồi không yên, cách nào cũng ráng đi coi cho bằng được.

                    Lúc bấy giờ, vùng này có cậu Ba Cẩn nhà ở gần cầu ông Xã Cương đứng ra lập gánh hát cải lương và mượn kho nhà bị cháy này làm rạp hát. Nhớ hồi ấy tôi còn rất nhỏ, nhưng tối nào cũng xin theo mấy anh chị tôi đi coi hát. Tôi còn nhớ cũng có sân khấu, có kéo màn nhiều lớp, có đèn màu làm bằng những chiếc đèn manchon thắp bằng dầu lửa và che bên ngoài những lồng bằng giấy màu xanh, đỏ, vàng để mỗi khi cần đổi màu, gánh hát có người lanh tay thay những chụp đèn màu ấy làm cho sân khấu rất là cải lương. Lúc bấy giờ tôi thường được coi các đào kép gánh hát của cậu Ba Cẩn hay hát các tuồng Nguyệt Thu Nga, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Ni Cô Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính và hồi đó nhiều người lớn cũng hổng để ý ai là soạn giả soạn ra các vở tuồng này. Gánh hát của Cậu Ba Cẩn giống như gánh hát chầu, cứ hát hoài một chỗ, ít dời đi nơi khác có lẽ vì lúc bấy giờ gánh hát nghèo, không có ghe xuồng chuyên chở đồ nghề như rèm màn, cánh gà, tranh vẽ tuồng tích, đèn đuốc và nhất là sân khấu, ghế ngồi rất bề bộn. Một trong những bài vọng cổ mà tôi được nghe các đào kép trong gánh hát của cậu Ba Cẩn thường hay hát là bài Sầu Vương Biên Ải; sau này mới biết bài hát này của tác giả Thái Thụy Phong, người quê quán Tân Châu (Châu Đốc), với câu nói lối rất quen mà ai ai khắp các nơi làng quê lúc bấy giờ đều thuộc nằm lòng:

                    “Nói lối: Nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh. Chốn quê nhà lòng chạnh nỗi niềm riêng. Em ơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận.

                    Câu 1: Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường…… Cảnh vật mơ màng say giấc điệp giữa trời sương. Chạnh nỗi lòng người viễn khách cô đơn ngoài biên ải lạnh lùng sầu vương theo ngọn gió...”(1)

                    Thời xa xưa ấy, bên cạnh trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa, có ngôi đình thờ Thần Thành Hoàng và lâu lâu cũng có gánh hát cải lương về hát cho dân trong làng coi. Dân trong nhà quê dường như ai cũng mê cải lương. Cứ chiều chiều có chiếc xe lôi chở những người đi rao bảng với trống đánh lung tung quảng cáo tối hát tuồng gì, thì ôi thôi ai ai cũng nôn nao trông cho mau tối đặng đi coi hát. Làng Bình Hòa lúc bấy giờ chỉ có vài ba nhà làm ruộng thuộc hạng đại điền chủ với lúa ngàn mới có dàn máy hát dĩa hiệu Colombia, như nhà cậu Ba Sáng gần mương Nhà Lầu, nhà ông Hai Huấn, ông Hai Nguơn bên kia rạch Mặc Cần Dưng, cũng như nhà cậu Bảy Tý bên này sông là có máy hát loại quay dây thiều và đầu máy gắn kim hát làm bằng loại kim loại sáng. Hát hoài trên dĩa hát như vậy kim cũng phải mòn và khi kim mòn thì tiếng hát trong dĩa phát ra hơi rè rè, lúc bấy giờ người ta đem những cây kim cũ này ra mài lại trên đá bùn cho bén và bắt đầu dùng lại cho đến khi nào kim bị mòn và cứ tiếp tục mài tiếp hoài cho tới khi kim hết hát được mới thôi. Ngày cũng như đêm lúc nào bà con trong xóm cũng nghe văng vẳng bên tai những tuồng cải lương xưa với những lớp vọng cổ xen lẫn những bài ca ngắn như Nam ai, Xàng xê, Đảo ngũ cung, Bình bán chấn vân vân . Dường như hồi thời ấy ở làng quê không có môn giải trí nào khác ngoài dàn máy hát và những tuồng cải lương xưa, nên đây là môn giải trí duy nhứt của dân quê sau một ngày cày sâu cuốc bẫm trên đồng.

                    Nhớ thủa ấy thịnh hành nhứt là tuồng Lâm Sanh Xuân Nương và Nguyệt Thu Nga. Riêng Nguyệt Thu Nga dù có trên năm sáu chục năm nhưng câu nói lối vào bài vọng cổ này tôi vẫn còn nhớ hoài: “Khoan khoan bớ Nguyệt Thu Nga, cái tên mà đã sáu năm qua nó đã đơm bông nở nhụy trong quả tim vàng…” Quả đúng là cải lương. Những chữ “đơm bông nở nhụy”, “quả tim vàng” rất mực văn hoa không có thật ngoài đời mà chỉ có trong các bản vọng cổ, các tuồng cải lương. Thành ra, khi có ai ngỏ lời yêu đương với những câu nói hay viết thơ với những lời lẽ văn hoa bóng bẩy như thế thì người nghe được thường buông lời chê bai là thằng đó hoặc con nhỏ đó cải lương quá mạng.

                    Ngoài các dĩa hát, những dàn hát máy quay dây thiều với kim mòn phải mài lại mà dùng cùng những gánh hát dựng lên nơi các địa phương như vừa kể, tôi còn nhớ vào những năm thập niên 1950 nơi các làng quê còn hay có các ban đờn ca tài tử. Các ban đờn ca này do các thanh niên hoặc người có tuổi tác mê đờn ca đứng ra họp lại đờn ca chơi cho vui. Người thì chuyên đờn cò, người đờn gáo, người giữ chỗ đờn tranh, người phụ trách đờn lục huyền cầm, người chơi đờn kìm, người giữ nhịp song lan, rồi có thêm vài ba người luân phiên nhau ca những bài ca đã thuộc nằm lòng từ hồi nào tới giờ nên họ ca rất dễ dàng nếu không muốn nói là họ ca rất hay và rất mùi mẫn. Ca vọng cổ muốn hay là phải có giọng ca thiệt là mùi; mà giọng ca thiệt là mùi hổng phải ai cũng có được dù có tập luyện dày công cũng khó lắm; dường như giọng ca mùi là do trời phú cho một người nào đó có giọng ca mùi chứ không phải ai muốn là được. Tương tự, ngón đàn mà tươi cũng do trời phú cho chứ tập luyện không thôi mà không có thiên phú dù đờn có hay, đúng nhịp, tỏ ra sành sỏi nhưng trong tiếng đàn thiếu cái vẻ tươi của những chỗ lên bổng xuống trầm.



                    Ban đờn ca tài tử

                    Lúc bấy giờ, ở khúc mương Nhà Lầu, làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) có ban đờn ca của Ba Bảo, Tư Cầm, Ba Diêu, Hai Khị, Tư Siêu, Hai Lù rồi dài ra tới ngoài xóm cầu mương ông Xã Cương có Tư Trước, Năm Xàng ca vọng cổ rất mùi. Các anh chị trong ban đờn ca này mỗi người một tài riêng họp lại thành ban đờn ca tài tử ca hát chơi mỗi khi có đám cưới đám giỗ mời là họ kéo nhau xách đờn tới vui chơi và ca hát cho bà con nghe mà hổng lấy tiền bạc gì ráo trọi. Còn vô trong xã xa xa như xã Vĩnh Hanh, Hang Tra mãi tuốt biệt trong xa khỏi chợ Vàm Xáng (Cần Đăng) có ban đờn ca tài tử do Hai Lê đờn ca cũng mùi lắm.

                    Sau này khi gia đình tôi hồi cư về vùng Tân Bình (Lấp Vò) vào những năm 1955-1960, miệt Rạch Trầu, Rạch Dược, Xáng Nhỏ, rạch Xẻo Da, rạch Bà Chánh có ban đờn ca tài tử gồm các anh Năm Điện chơi đờn cò, đờn tranh rất nhà nghề, anh Sáu Thưởng đờn lục huyền cầm, anh Tư Chương đờn kìm. Ngoài ra, còn có Hai Lữ, Hai Khá, Út Lôi chơi đờn lục huyền cầm rất tươi. Trên miệt Xẻo Tre có Sáu Bành, Út Khỏe đờn lục huyền cầm cũng êm lắm. Còn giọng ca thì nhiều lắm. Anh Tám Ẹo chuyên vọng cổ rất mùi. Anh Bảy Hé thủ món bản vắn như đảo ngủ cung, hướng mã hồi thành. Anh Bảy Huẩn chuyên trị món xàng xê, nhứt là bài “Tống tửu Đơn Hùng Tín” mà anh đã ca rồi là hết sẩy, hổng ai ca bằng. Lớp trẻ trẻ hơn, thuộc hàng con cháu các anh chị trên có Tư Kế, Ba Tâm, Hai Dũng, Tư Yên, Hai Ếch… thì món nào mấy cháu này ca cũng được. Ngoài ra, hồi thời đó có con anh Sáu Tung, là cháu Liệt, dù mới có chín mười tuổi mà cháu đã cất giọng nói lối để vào câu vọng cổ là coi như bà con ai ai cũng ngồi im lắng tai nghe để khi cháu xuống chữ xề là vỗ tay giòn hết biết. Cháu có khiếu ca từ nhỏ và ca rất mùi nhưng sau đó lớn lên cháu không ca nữa vì ở nhà quê ca chơi thì được nhưng ít ai cho con cái theo nghiệp cầm ca tài tử thứ thiệt vì sợ con cái mà nhứt là con gái long đong trời nước lắm.




                    Ở làng tôi hồi đời trước nghe ông bà xưa kể lại ở tuốt trong miệt giáp nước, khỏi chợ Bồ Hút một đỗi, có cô đào Thanh Hương gốc gác ở đây hát rất hay, ca rất mùi mà mỗi lần cô về thăm quê là bà con xúm lại thăm chật nhà và khi nào trên Long xuyên có gánh hát Thanh Hương- Kim Chưởng về hát là hết cả xóm rủ nhau bao một chiếc xe lôi gắn máy đi mười mấy cây số lên Long Xuyên coi cho bằng được Thanh Hương hát. Vui lắm!
                    Last edited by viet11; 29-03-2012, 09:33 AM.
                    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                    ............



                    Can't Live Without...hehe...


                    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                    Comment


                    • #11
                      Chú Ba bầy trẻ,

                      Dường như đã lâu lắm rồi, tôi mới lại ngồi viết thơ này cho chú vì lo ba cái vụ nước nôi ngập lụt, tràn bờ tràn đập. Hầm cá bị nước ngập lé đé mấy bữa rày, nhất là con nước rằm tháng Tám. Bồ lúa cũng sình sụp vì cái sàn nhà bị nước ngập làm cho nó lún xuống, nghiêng một bên. Nhìn tới ngó lui, mọi vật chung quanh vườn tược như lúc nào cũng đang nằm khơi khơi trên mặt nước vào mùa lụt lội này... Loi ngoi lóp ngóp lắm chú Ba à!

                      Rồi sáng nay, thằng Tấn con của chú hai Tâm trên Chắc Cà Đao bơi xuồng vô tui, mời đám giỗ ông ngoại nó vào ngày mùng mười tháng Chín. Con cháu mà nó có lòng nghĩ tưởng đến mình, không ngại nước nôi lênh láng mà mời mình, nếu mình phụ lòng nó là mình không còn biết thế nào là lễ nghĩa nữa phải hông chú?



                      Ở nhà quê mình, coi vậy mà nhất nhất việc gì cũng có cái lễ nghĩa trong đó nghe chú Ba. Gặp nhau chào hỏi là giữ lễ. Kính nhường là giữ lễ. Trên thuận dưới hòa là giữ lễ. Biết giữ tôn ti trật tự từ trong nhà ra tới ngoài đường là giữ lễ... Người già có cái lễ nghĩa riêng của người già, người trẻ giữ cái lễ nghĩa riêng của người trẻ... Xem vậy, việc lễ nghĩa là việc trọng.


                      Mình ở quê có cái dở là chậm chạp, quê mùa nhiều lúc như ngu, như dốt so với ba cái văn minh khắp hoàn cầu, nhưng bù lại, ở đây cái nền nếp lễ nghĩa vậy mà nó vững vàng cũng đỡ đỡ...

                      Cha mẹ thì việc con cái thờ kính là đạo đương nhiên rồi! Còn cô bác ra cô bác, chú ra chú, anh ra anh, chị ra chị, em cháu ra em cháu là cái giềng mối rạch ròi rồi, không ai dám đi ra ngoài cái đạo ấy được. Người nào làm trái lại, người ta chê cười có nước độn thổ mà đi... Đó là cái lễ nghĩa trong gia đình.

                      Còn chòm xóm, bạn bè, bằng hữu việc giữ lễ nghĩa nó cũng quan trọng dữ lắm chú ba. Mình mà vô tình để thất lễ với người trong xóm một lần là người ta cứ nhắc hoài nhắc hủy, có khi suốt đời, không làm sao lấy lại cái tiếng tốt được. Ở nhà quê, có lần tui nói với chú coi vậy mà cư xử, ăn ở với nhau nó khó lắm!

                      Chú Ba bầy trẻ,

                      Nước lên rồi mưa dầm, lầy lội quá mạng. Vậy mà rồi tui cũng biểu mấy đứa nhỏ bơi xuồng ra Chắc Cà Đao dự đám giỗ ông ngoại thằng Tấn hôm mùng mười tháng Chín. Ông ngoại thằng Tấn là cậu ruột của mình. Bà con mà không lui tới nhau, càng ngày càng xa là vậy. Cho nên hồi Tía Má còn sống, lúc ngồi uống trà hay ăn trầu, tui nghe cha mẹ hay nhắc: “Bà con ngày một xa, sui gia ngày một gần” để chỉ cái tình ruột thịt nó lợt lạt khi mình ít tới lui thăm nom nhau, rồi mất gốc, mất nguồn mấy hồi.

                      Chú Ba bầy trẻ à, có đến đó mình mới thấy cái lễ nghĩa của em cháu nó thờ phượng ông bà nó, nó đối với chòm xóm, nó đối với cô bác, nó đối đãi với mình, mình đâm ra phục lớp hậu sinh nghe chú.

                      Việc cúng kiến, dù nó còn nhỏ nhưng nó làm cũng tươm tất lắm chú Ba à. Một mâm cúng cửu huyền thất tổ, một mâm cúng ông bà, một mâm cúng đất đai viên trạch, một mâm cúng cô bác khuất mặt và một mâm hậu thường để dành cúng vào buổi chiều.
                      Rồi nhang đèn, cúng ba tuần rượu, anh em con cháu, lớn trước nhỏ sau, cứ thế mà tuần tự van vái cúng lạy ông bà cho đến khi con cháu cúng xong, không còn thiếu đứa nào là đến phần cúng bánh, nước trà, giống y như hồi ông bà còn sống ăn cơm xong là trà nước vậy.

                      Chú Ba à, dù cúng kiếng mâm này, cỗ kia như vậy chỉ là việc hình thức mà ông bà không bao giờ đòi hỏi con cháu phải lo lắng tốn kém, nhưng cái hình thức nhỏ mà không làm được thì cái lòng hiếu để làm sao mà giữ được!

                      Tui dìa nhà cứ nói đi nói lại với mấy đứa cháu trong nhà để cho tụi nhỏ nó học cái gương lễ nghĩa đó, mà từng tuổi này tui còn phải phục và mừng.

                      Người đời thường cho rằng: “Cồng cộc bắt cá dưới sông, mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ.” Nhưng đâu phải lúc nào cũng đúng một trăm phần, phải hông chú? Nội ngoại “tương tề” mà!

                      Không có gì vô phước cho bằng con cháu trong nhà mà không biết lễ nghĩa, không biết thưa trình trên trước, không biết kính nhường trên dưới, không biết tưởng nhớ tổ tông, rồi để đời cái tiếng vô lễ, bất nhân, bất nghĩa trên miệng thiên hạ trong xóm, trong làng khó mà gột rửa cho sạch được!

                      Thời buổi này, mình nói chuyện lễ nghĩa, nó xưa như cái tuổi già cũ mèm của mình chú Ba. Nhưng nước ngập tràn đồng như cái biển, ở nhà quê mình mà không nói chuyện lễ nghĩa cho sắp nhỏ thì còn nói về cái gì lý thú hơn bây giờ phải không chú?

                      Nền văn minh vật chất như nước tràn bờ, còn cái “nếp nhà” ở nhà quê như căn nhà sàn trên vùng nước ngập, không biết nó trôi theo nước lúc nào! Phải vậy hông chú Ba? Mấy hàng thăm chú thím và sắp nhỏ.

                      Cuối thơ,

                      Hai Trầu



                      Lương Thư Trung

                      Kinh xáng Bốn Tổng ngày...tháng...năm ...

                      Chú Ba bầy trẻ,

                      Mấy hôm rày, hèn lâu, tui mới lại viết thơ thăm chú thím và sắp nhỏ. Lâu quá là lâu như vậy vì lo cắt lúa mùa mưa hổm rày. Bây giờ ở nhà làm lúa tới ba mùa chứ không phải như ngày xưa chỉ một mùa, hai mùa như lúc chú còn ở nhà.

                      Làm nhiều, chi phí nhiều, cũng chẳng được bao nhiêu chú Ba à! Nào phân, thuốc sâu, thuốc cỏ, mướn cày bừa, cắt gặt đâu cũng vào đấy, “mèo lại hườn mèo”, lúa cũ đổi lúa mới, có khi còn lỗ công nữa đó chú!
                      Ở đời này, “tận nhân lực” mới “tri thiên mạng” nhưng đất bùn mà tận dụng quá, đất cũng thành chai cóng, chẳng còn nhựa, còn phân phướng gì, nên phải xài phân hoá học. Hễ cái gì mà tận dụng quá rồi có ngày sẽ kiệt quệ. Mà lúa Thần nông này cũng kỳ quá chú, không có phân lạnh, phân tiêu đen, phân tiêu sữa, phân kali mà nhà quê mình còn gọi nôm na là “phân muối ớt” thì lúa như con nít thiếu sữa, thiếu cơm, không lớn, không nở nang nổi.

                      Vậy mà bắt đầu có rải phân sương sương là có bươm bướm, có sâu thấy mà ngộp. Hết đợt này tới đợt khác, hết loại sâu này tới loại sâu khác, triền miên, hà rầm, nhiều lúc chạy tiền không kịp mà mua ba cái thuốc sâu, thuốc rầy.





                      Xịt thuốc rầy trên đồng lúa Thần Nông

                      Xịt thuốc rầy trên đồng lúa Thần Nông

                      Đó là tui nói mình may mắn còn chút ít tiền, còn uy tín nên mới hỏi han, mượn chác được đầu trên xóm dưới chút đỉnh để mà mua thuốc trừ sâu. Chứ nếu không, cũng phải vay hỏi với tiền lời bạc mười, bạc mười lăm, bạc hai mươi, cũng đành cam chịu. Nếu không có tiền là sâu ăn rụi hết, chứ chẳng chơi.

                      Tui nhắc sơ sơ mấy loại sâu để chú nhớ cái nghề làm ruộng lắm ba chìm bảy nổi này, nào sâu keo, sâu lá, sâu ống, rầy cám, rầy nâu. Đó là tui chưa kể lúa bị bịnh đạo ôn, bịnh ung thư, bịnh đốm lá, lúa ngã, lúa sập, lúa rực lá chưn, chuột bọ, cỏ gạo có đuôi, cỏ chát, cỏ bông, lác, u du, cỏ chỉ, cỏ lông heo và trăm thứ cỏ khác... Trăm thứ là trăm họa cho người làm ruộng, mà thứ nào cũng phải dùng thuốc hết mới diệt được những cái họa này nghe chú. Tiền thôi là tiền!

                      Nhưng trong các loài côn trùng có lẽ loài rầy nâu là độc hại hơn hết. Rầy mà đeo dưới gốc lúa, nếu không kịp phát giác và xịt thuốc liền, trong vài hôm cánh đồng lúa đỏ rực như mùa lúa chín; nhưng mà nó chín háp chú Ba à, lép ráo trọi!

                      Nhắc loại rầy nâu, nhớ năm ấy cách nay hai chục năm, nạn rầy nâu này thật khủng khiếp. Giống lúa “Thần Nông 8” rầy nâu ưa lắm. Mới chiều hôm trước mỗi gốc lúa lác đác năm ba con, sáng hôm sau rầy đeo đen gốc, nhiều lúc thấy rầy mà tối tăm mày mặt. Năm ấy, người ta xịt thuốc rầy bằng vàng cây, vàng lượng chứ không phải vàng khâu, vàng chỉ, nhưng rầy vẫn hoàn rầy.

                      Thời kỳ đồ khổ, tai trời nạn dân mà! Trăm thứ trút lên đầu, lên vai người nông dân nghèo chịu đựng. Xịt thuốc lúc đầu còn đỡ đỡ nhưng rầy như ôn, như binh; hết đợt rầy này đến đợt rầy khác, rầy đâm ra lờn thuốc. Riết rồi, lòng tham lam mấy người bán thuốc sâu như con quỉ trong bụng đã xúi giục họ bán luôn cái lương tâm, coi thường cái quả báo nhãn tiền bằng cách bán thuốc giả nhe chú.

                      Loại thuốc Basa, là loại thuốc chuyên trị giống rầy lúc đó, mà cũng đầu hàng, vì thật tình thuốc thiệt đâu có bao nhiêu. Mỗi chai thuốc Basa thì cỡ một phần ba chai là thuốc thiệt, còn lại hai phần ba chai họ pha thêm dầu lửa trắng, nên xịt hoài mà rầy vẫn sống nhăn.

                      Chú thử tưởng tượng loại rầy độc này mà xịt thuốc giả chẳng khác nào tắm cho nó mát, nó mập thè lè cái bụng, trong khi đó lúa càng ngày càng khô, càng rụi, người làm ruộng càng ủ rũ âu sầu nhìn miếng ruộng mà chảy nước mắt. Riết rồi chỉ còn có cách châm một mũi lửa cho nó cháy rụi cho khuất con mắt rồi vì bị rầy với nạn thuốc sâu giả này.

                      Cả vùng Bốn Tổng lan sang Lấp Vò, Cái Nai, Cái Tàu Thượng, Cái Sao, Bắc Dục, Phú Hòa, Cái Sắn, Tân Hiệp, Mặc Cần Dưng, Ba Thê, Núi Sập biết bao nhiêu người tàn mạt vì rầy nâu, vì thuốc sâu giả này chú! Cái cảnh tiền mất tật mang nó sờ sờ. Vàng vòng, lúa thóc, tiền của cũng theo mây, theo khói mà bay lên tới Ngọc Hoàng trên chín từng mây xanh.

                      Còn mấy người bán thuốc sâu giả tiền đựng đầy nón lá, đầy giỏ xách đệm bàng, đầy bao cà ròn, đếm mỏi tay, nhưng rồi cũng chẳng còn gì chú Ba à. Họ trốn đi khỏi chợ quận này biệt tích từ đó đến giờ, không nghe tăm hơi gì. Có người nói đã gặp họ đâu ngoài Long Xuyên một vài lần, áo quần lam lũ lắm và lúc nào cũng che cái nón lá sùm sụp như trốn nợ. Mà cái này còn hơn nợ nữa nghe chú, vì nó vừa gian manh, vừa thất đức tới mấy đời sau lận!

                      Tôi nghĩ mà phục dân ruộng mình độ lượng hết sức, giận thì có giận, nhưng người ta cũng bỏ qua, phú cho Trời. Vì ông bà xưa nói hoài: “Trời cao có mắt” mà! Lại nữa “của tàu rồi cũng đổ âm ty” hết chú Ba à.

                      Mà quả thiệt y như hai với hai là bốn. Năm ấy và mấy năm sau này, trong xóm kinh xáng Bốn Tổng mình, bà con nghe nói vợ chồng ông chủ tiệm ấy giờ nghèo sặc máu. Và cả xóm, cả làng, cả quận mình, ai ai cũng xầm xì:

                      “Ngày xưa quả báo thời lâu, ngày nay quả báo một giây nhãn tiền!”

                      Tui mới sực nhớ hồi nhỏ mình học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có bài học thuộc lòng “Buôn bán phải thật thà”, nghĩ mà ý nghĩa quá nghe chú Ba:



                      “Tin nhau buôn bán cùng nhau,
                      Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như lời.
                      Hay gì lừa đảo kiếm lời,
                      Một nhà ăn uống, tội trời riêng mang.
                      Theo chi những thói gian tham,
                      Pha phôi thật giả, tìm đường dối nhau.
                      Của phi nghĩa có giàu đâu,
                      Ở cho ngay thật, giàu sau mới bền.”
                      (Ca dao)

                      Coi vậy mà ca dao, tục ngữ ở nhà quê ông bà xưa của mình đặt ra, câu nào cũng trúng quá là trúng. Thiệt tình, nhiều lúc làm ra được hột lúa, hột gạo, hột cơm cũng đắng cay dữ lắm nghe chú Ba, tỉ như:

                      “Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
                      Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”
                      (Ca dao)

                      Chuyện đời, nói hoài không hết, mà chuyện đời làm ruộng nó lại càng dài bạt ngàn và lắm khi trào nước mắt. Phải vậy hông chú Ba!?

                      Anh của chú
                      Hai Trầu

                      LTT
                      Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                      Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                      ............



                      Can't Live Without...hehe...


                      Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                      Comment


                      • #12
                        Nơi miền quê miệt Long Xuyên- Châu Đốc có các kinh rạch như con sông chảy vô Núi Sập, Ba Thê, rồi lên nữa có rạch Mặc Cần Dưng vô Cần Đăng, Tri Tôn; phía trên nữa có kinh xáng Vịnh Tre, rạch Cái Dầu; đổ qua Tân Châu, Cao Lãnh, xuống Sa Đéc bên sông trước với Tùng Sơn, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Tân Quí Đông, Tân Quí Tây cũng như về sông Hậu Giang từ Vàm Cống chạy dài xuống Thốt Nốt dọc theo các vùng quê Cái Dầu, Định Yên, Hòa Lạc, Định An, Lai Vung thuộc phần đất Lấp Vò cũ, và giữa dòng sông cái với các cù lao vùng Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây thuộc Thốt Nốt hoặc kinh Cái Sắn vô vùng Tân Hiệp vào mùa tháng năm nước đục là cả một vùng sông rạch rộng bao la. Mùa thả lưới cá mè vinh, cá dảnh, cá hô, cá tra, cá vồ, cá bông lau từ miệt Biển Hồ trên Cao Miên tràn xuống vùng châu thổ miền Tây Nam Phần này như những ngày hội thả lưới thưa bắt cá trắng vào mùa.

                        Lương Thư Trung


                        Lưới cá Linh


                        Vào tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch cũng là mùa giăng lưới cá linh. Lưới cá linh hồi đời trước vì đan bằng chỉ, bằng gai nên lưới không bén như mấy năm sau này đan bằng nilon sợi nhỏ và mềm. Lưới cá linh dày cỡ một phân vào đầu mùa; đến gần cuối mùa, nhứt là lúc cá bắt đầu ra sông vào con nước kém mùng 10 tháng 10 âm lịch thì lưới phải thưa hơn nhưng không lớn quá hai phân; trung bình lỗ lưới một phân rưỡi là bắt cá linh lớn lúc cá ra sông là vừa.

                        Nhớ mấy năm 1980, vào mùa này tôi bủa chừng năm trăm thước lưới cá linh từ lúc hừng đông khi chùa vừa công phu hiệp nhứt, tới lúc trời còn tờ mờ sáng là bủa xong lưới, thì tới chiều về, cá linh dính đầy vài ba khoang xuồng. Có năm tôi giăng lưới lắt nhắt mà ở nhà ủ cả chục khạp mắm cá linh để nấu nước mắm, mỗi khạp da bò ủ được một giạ rưỡi cá tươi, ăn không hết. Rồi lại tới mùa, giăng tiếp, nước mắm cá linh còn lại kêu cho bà con nghèo trong xóm lấy về ăn lấy thảo; vui lắm.

                        Có mấy nơi bủa lưới cá linh ăn tiền nhứt là trên cánh đồng nước bao la, nơi miếng đất nào gần ngọn mương là cá linh nhiều. Thêm nữa, giữa cánh đồng nhiều rong đuôi chồn, mã đề dày bịt mà có một cái láng trống nằm ngay giữa đất, và nếu bủa lưới ngay láng trống này chắc chắn lưới vừa bủa xong vài chục phút là cá linh sẽ dính guộn viền. Hoặc những miếng ruộng nào mà nhạn đất cứ bay vần vần trên bầu trời hoài không chịu bay đi nơi khác, thì đây là dấu hiệu cá linh đang bơi lội trong rong, trong cỏ nhiều lắm; nếu chịu để ý các bầy nhạn và bủa lưới cá linh vào những chỗ đó thì cá linh dính lưới nhiều lắm.



                        Giăng lưới cá linh tháng 9 trên cánh đồng Rạch Trầu.

                        Nói cá linh trên đồng nhiều vô số kể nhưng không phải lúc nào cá cũng dễ dính lưới. Một ngày, thường thường, cá chỉ dính nhiều nhất vào hai giác: buổi sáng khi mặt trời chưa mọc và buổi chiều khi mặt trời sắp lặn. Do vậy, muốn giăng lưới cá linh phải chuẩn bị đi cho thật sớm sao cho trời vừa hừng sáng là bủa xong hết các tay lưới mà mình mang theo. Buổi chiều nán ở lại chờ cho tới trời gần sụp tối mới cuốn lưới. Giác chiều này cá linh dính không cách gì gỡ cho xuể, phải cuốn lưới mang về nhà và cả nhà xúm nhau tiếp giũ lưới cho cá linh văng ra, có khi tới tối mịt mới xong. Nhiều lúc giăng lưới cá linh rất cực như vậy nhưng vui lắm.

                        Còn giác trưa, trời nắng gắt, cá linh dính lai rai vì chúng trốn trong rong, ít đi kiếm ăn. Khi trời đang nắng mà bỗng đổ cơn mưa bất chợt thì cá linh ở đâu là cứ ở đó, không di chuyển cho dù đang mùa cá ra sông tháng 10, tháng 11 âm lịch. Gặp mấy trường hợp này, chúng tôi cuốn lưới, chống xuồng về nghỉ ngơi cho khỏe, vì cá có dính đâu mà ngồi chờ.


                        Lưới cá trắng, còn gọi là lưới thưa, là loại lưới nhằm giăng bắt các loại cá mè vinh, cá dảnh, cá thác lác trên những cánh đồng ngập lụt tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch. Mặt lưới có kích thước từ năm phân tới bảy,
                        tám phân tùy theo cá đầu mùa hay cá cuối mùa, nhưng không thưa quá như lưới thả dưới sông lúc tháng Tư, tháng Năm mưa già, nước đục.



                        Thường thường dân giăng lưới cá trắng vào mùa này là dân biết hưởng nhàn, bởi lưới cá trắng là loại lưới nằm chờ thời chứ không như lưới cá rô, cá linh là loại lưới bủa xong cá dính liền. Các đặc tính của cá mè vinh, cá dảnh là chúng sống trong rong cỏ, nơi nào có rong đuôi chồn, mã đề nhiều là chúng ưa ở trong mấy vạt đất đó, vì mấy thứ này cũng là thức ăn nuôi chúng mập mạp và mau lớn. Nhưng ở trong rong hoài cũng chán. Mấy loài cá này cũng thích lội nghêu ngao từ lung vũng này qua lung vũng khác chơi cho vui. Biết vài đặc tính như vậy, nên dân giăng lưới mới lựa những đám rong đuôi chồn và mã đề mà dọn các luồng lưới cá trắng dài hun hút băng qua nhiều vạt đất tùy theo lưới trên xuồng nhiều hay ít. Dọn luồng như vậy giống như dọn luồng câu mồi cua, miễn làm sao cho luồng lưới nước chảy êm êm, nhè nhẹ mà hấp dẫn cá bơi qua bơi lại từ những chỗ rong mọc dày bịt qua chỗ lúa lưa thưa như đi chơi, đi dạo vậy.

                        Ngày xưa, và mãi sau này giăng lưới cá trắng không cần bỏ mồi như lưới cá rô vì giăng cá trắng thật ra là mình đón đường cá đi chứ không phải mình dụ cá về với mình. Tuy vậy, đôi khi người ta cũng rải hột gòn, lúa ngâm theo luồng lưới, nhưng hiếm lắm. Và nếu có chút mồi lai rai như vậy thì cũng chỉ có tính kích thích tâm lý của niềm hy vọng nơi người chờ thời cá lội thôi, chứ chẳng hữu hiệu gì cho lắm.

                        Dọn luồng xong, có khi lưới nhiều phải dọn vài ngày mới xong, rồi bủa lưới. Dân không chuyên môn thì ngồi trước mũi xuồng bủa lưới; dân chuyên nghiệp thì vừa đứng chống xuồng, vừa bủa lưới, xuồng lướt tới thoăn thoắt mà lưới cứ xả ra đều đều, không bị rối, đúng là nhà nghề. Bủa lưới xong là tới màn dằn lưới như cách dằn lưới cá rô. Nghĩa là mình nằm sấp xuống mũi xuồng, một tay lần viền lưới đưa chiếc xuồng đi tới, một tay quạt quạt nước cho dạo lưới chạy theo sức nước cuốn do tay mình quạt mà căng dạo lưới thẳng gần sát mặt đất.

                        Xong đâu đấy, vài ba xuồng lưới tìm một gốc cây lớn giữa đồng hoặc đám điên điển, hay rặng trâm bầu bên bờ kinh hoặc thềm đìa mà đậu xuồng và căng cà rèm lên che nắng che mưa rồi lo nấu cơm, móc hầu mấy con cá mè vinh vừa dính lưới khi mình dằn lưới bỏ vô nồi cơm hấp cho cá chín và cùng nhau ăn cơm cho vui. Cá tươi mà hấp cơm thì ngọt thịt lắm. Giữa cánh đồng nước mênh mông, hai ba người cùng giăng lưới với nhau có đủ chuyện để kể cho nhau nghe về mùa màng, về mấy đêm trước giăng lưới vạt đất nào, chỗ nào bị ma đè, chỗ nào dính cá mè vinh cườm và chỗ nào bị cua kẹp… Tức là đủ thứ chuyện trên trời dưới nước mà chân tình chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề bắt cá tôm thời lúa mùa giăng mắc khắp các cánh đồng nước lụt.

                        Cơm nước xong, khoảng chừng 10 giờ đêm là mấy anh em rủ nhau thăm lưới giác nhứt. Thăm lưới bắt đầu như lúc dằn lưới. Người ta nằm sấp trước mũi xuồng, một tay nắm viền lưới phăng xuồng đi tới, tay mặt quạt quạt nước cho dạo lưới căng ra trở lại như lúc ban chiều. Trường hợp dính cá, cách xa chừng năm ba thước là dân giăng lưới nhà nghề biết liền với các dấu hiệu như viền lưới bị liệt xuống nước hoặc có sức cá vùng vẫy nên dạo lưới bị giựt giựt. Gặp những con cá vừa phải, người ta cầm chắc con cá và gỡ xuôi theo lỗ lưới; trường hợp con cá mè vinh cườm khá lớn, dân giăng lưới chuyên nghiệp thò tay lấy cái vợt múc con cá vô vợt và gỡ ngược con cá, tức là chỉ gỡ hai cái mang khỏi lỗ lưới thôi vì cái mình con cá không chui lọt qua lỗ lưới được. Nếu không có mang theo cái vợt, phải cầm con cá cho chắc ăn, nếu không cá lớn sẽ vùng mạnh và vuột khỏi tay như chơi. Cũng có nhiều trường hợp gặp cá lớn như vậy, khi mình lần viền lưới gần tới nó, chưa kịp cầm tới cái mình con cá thì nó lại giật mạnh một cái là không còn thấy tăm hơi con cá đâu nữa, vừa chắt lưỡi hít hà vừa tức mình sao bàn tay chậm chạp quá mạng, để cá sẩy. Do vậy, dân quê hay nói “cá sẩy là cá lớn”, nghe rất có lý.

                        Thăm lưới xong, chống xuồng về lại chỗ đậu xuồng cũ rồi chờ bạn mình về hỏi thăm nhau cá dính khá hông, uống thêm một tuần trà, rồi đi ngủ, chờ chùa công phu hiệp nhứt rủ nhau thức dậy cuốn lưới và chống xuồng về. Trên đồng nước mênh mông, họ ỳ hú nhau inh ỏi và hỏi thăm nhau đêm qua đứa nào dính cá nhiều, cá ít, nghe rất thân tình và chơn chất lắm.

                        Hồi xưa, thập niên 1940, 1950 cá nhiều nên ai cũng được cá đầy nhóc xuồng, toàn là cá lớn. Sau này, những năm nào nước ngập sâu, đường sá, vườn tược ngập lút hết, cá trên Cao Miên theo nước tràn xuống, giăng lưới cá trắng biết mê. Mấy năm 1960, 1963, là những mùa nước lụt lội rất lớn, dù lúa mùa còn ít so với trước kia hoặc mùa nước lụt vào năm 1978 dù làm lúa thần nông, nhưng cá trắng nhiều vô số kể. Nhứt là năm 1978, nhiều nhà thiếu gạo, nhưng nhờ lưới cá trắng dính nhiều nên nhiều nhà nấu cháo bỏ cá mè vinh, cá dảnh vô nồi cháo cho nhiều mà ăn cá cho đỡ đói. Ngày nay, vì các làng quê làm lúa ba mùa, nên chung quanh các cánh đồng vùng Mặc Cần Dưng, Chợ Mới, Mỹ Luông, Lấp Vò và nhiều vùng khác phải đắp bờ ven để chận không cho nước ngập lúa nên cá không lên đồng được. Mùa giăng lưới cá trắng giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người nhà quê già…



                        Những năm 1948, 1949 miệt Mặc Cần Dưng và các vùng phụ cận, dân quê còn có một loại lưới phất vào khoảng tháng chạp, tháng giêng lúc cá xuống sông hết rồi, nhằm bắt cá rô ụp móng theo mấy gốc cây gáo, cây bảy thưa, cây bần. Lưới đan bằng tơ rất bén cá, có kích thước ngang khoảng hơn một thước, dài chừng hai thước, không bắt viền như các loại lưới vừa kể, mà chiều ngang manh lưới được buộc vào một ngọn trúc dài chừng ba thước, ba bề kia thả ra như lá cờ, nên dân quê gọi là lưới phất hay lưới cờ.

                        Thường thường vào lúc nước chửng ròng, người ta bắt đầu đi phất lưới này. Ngồi trên xuồng buộc vào bụi sậy bên gốc gáo, một tay cầm cái cán lưới và trải mặt lưới cho xuôi theo chiều nước chảy. Cá rô trú ẩn trong gốc, trong chà lâu lâu vọt lên mặt nước ụp móng và chúng ụp móng ngay tay lưới đang trải dài trên mặt nước và hai cái mang của chúng có gai bén nên dính lưới không sao vùng vẫy cho sứt ra được. Người ta chỉ cần cầm cán lưới giơ cao lên xuồng và gỡ cá. Có khi dính hai ba con một lượt vì cá rô ở theo bầy và thường lên ngớp một lượt nên chúng dính mà các bạn ở dưới nước không hay biết gì. Hết gốc gáo này tới gốc gáo khác và cứ phất lưới như vậy suốt ngày cá rô mề dính nhiều lắm, ăn không hết. Thấy cá dính bắt ham nên mùa này bắt cá rô bằng lưới cờ cũng là một trong nhiều thú vui ở nhà quê vào những năm xa xưa ấy.

                        Có lần tôi kể về người bạn nghèo cùng giăng câu, giăng lưới với tôi những ngày xa xưa. Nay anh đã ra người thiên cổ, tôi xin ghi lại vài câu thơ cũ lâu rồi như một chút lòng của người giăng lưới già nhớ bạn nghèo cùng giăng lưới ngày nào:

                        Văng vẳng xa đưa tiếng trích rừng,

                        Kìa bầy nhạn đất gọi tưng bừng

                        Chim ơi, đâu nữa mùa đẻ trứng,

                        Những luống cày sâu, nước ngập đồng.

                        Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới,

                        Chiếc xuồng câu, cũ mục rong rêu

                        Cá ơi, cá có còn ụp móng,

                        Mang đến niềm vui một kiếp nghèo!

                        Điên điển vàng bông, trời cũng vàng

                        Bạn tôi áo rách lòng không than

                        Bông ơi, cho dẫu bông đồng nội,

                        Làm đẹp đất trời, bông điểm trang.

                        Xa quê giờ đã mấy mùa mưa

                        Lòng vẫn mang mang nhớ chốn xưa

                        Nhớ bạn lưới câu từ dạo ấy,

                        Chiếc xuồng, con cá, một bài thơ …”

                        Mùa giăng lưới, cũng như giăng câu, ngày xưa là những công việc phụ nhưng vui. Cá tôm lúc bấy giờ nhiều lắm, thấy dính cá ai cũng ham. Tuy vậy, nếu ai làm chơi thì có ăn, bằng chí thú làm nghề này hoài thì cực và không dư dả gì nhiều. Do vậy mà người xưa mới nói “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” cũng có cái lý của nghề hạ bạc...
                        Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                        Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                        ............



                        Can't Live Without...hehe...


                        Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                        Comment


                        • #13
                          Tháng Năm âm lịch, trên các dòng sông, kinh, rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long con nước bắt đầu ươn. Vài cơn mưa đầu mùa với những cơn gió nồm từ Rạch Giá thổi về làm cho dòng nước cứ như no nê, đầy óc ách các lòng rạch.
                          Những phù sa từ trên nguồn sông Cửu Long đổ tràn về, những bùn đất từ trên các mảnh vườn, các con đường làng bị nước mưa cuốn trôi chảy tuồn tuột xuống sông làm cho dòng nước ươn lại đục ngầu với bùn là bùn...



                          Đặt lọp tại Đồng Tháp Mười

                          Nước ươn cũng bắt đầu mùa cột lùm để xúc cá chạch. Lùm là những tàu lá chuối khô được buộc gom lại thành chùm vừa bằng cái thúng, cái rổ. Rồi buộc vào sợi dây bằng cọng chuối khô treo dọc hai bên bờ kinh, bờ rạch. Khoảng cách giữa hai cái lùm độ chừng năm hoặc mười thước. Cứ thế mà cá chạch chui vô những cái lùm như cái nhà cất đều đặn trên dòng nước đục ngầu như vậy. Trong cái nhà nổi bềnh bồng trên dòng nước, những chị cá chạch có cái bụng bè bè cặp trứng vàng nghính lội hà rong, hà rỗi như ngao du sơn thủy khi con nước lớn đầy rạch, lại kịp trở về trú ngụ trong những cái nhà lùm khi con nước sắp sửa đứng ròng như nghỉ mệt.

                          Biết được đường đi nước bước của mấy chị cá chạch như vậy, bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu đi xúc lùm. Dụng cụ xúc lùm thường gồm có một cái rổ xúc, hoặc cái xịa, hay cái vợt bằng loại nylon lớn hơn cái lùm. Còn vật dụng để đựng cá, người ta có thể đựng trong một cái nồi nhôm hoặc cái thau buộc sợi dây vào quai nồi rồi buộc sợi dây ngang thắt lưng. Cứ thế, người xúc lùm lội đến đâu, kéo cái thau hoặc cái nồi đựng cá đó theo bên lưng như trôi trên sông nhưng không tách ra khỏi một đứa bé đang trầm mình trong nước được. Thường để cho cá không nhảy ra ngoài được, người ta bỏ vào trong thau, trong nồi mấy bụi cỏ hoặc mấy cọng rau muống đồng mập ù bỏ vòi trên mặt nước hoặc vài ba nhánh cây nào đó ngắt vội bên bờ rạch. Xúc lùm như vậy cá chạch khá nhiều. Ngoài ra còn có cá bảy trầu, cá linh non, cá lòng tong, cá bóng, tép rong, tép đất. Nếu buộc khoảng năm chục cái lùm, cá chạch có khi bắt được cùng với tép và các loại cá khác đủ ăn cả ngày, khỏi phải mua thức ăn cho gia đình trong ngày. Nếu ở những nơi ít người buộc lùm, cá chạch càng nhiều và người ta có thể buộc khoảng một trăm cái lùm bằng lá chuối khô như vậy, rồi chia làm hai lần, luân phiên nhau, hôm nay xúc năm mươi cái lùm này, ngày mai xúc năm mươi cái lùm kia, cứ thế đủ cá ăn cho đến hết mùa xúc lùm cá chạch vào những ngày cuối Tháng Sáu, đầu Tháng Bảy âm lịch.

                          Mùa xúc lùm cá chạch qua đi theo con nước tràn bờ, khi mà đứa trẻ đã hụt chân trên con rạch căng tròn cái bụng với nước là nước, ngập đầy muốn lút đầu, lút cổ. Không còn mùa xúc lùm, những đứa trẻ nhớ những ngày như mọi ngày cá tép bò lẹt rẹt trong cái thau, cái nồi với nhiều thích thú thật hồn nhiên của thời tuổi nhỏ ở làng quê. Những cơn mưa đã vào mùa từ vài tháng trước cùng những cơn dông làm đung đưa những trái xoài treo lủng lẳng giữa trời. Mấy chị chim sâu lí nhí tiếng cười trong lùm kiến hôi bên kẹt lá. Mấy anh trao trảo hí hửng bên cái ức đỏ ửng của cặp xoài cát căng tròn, rồi dáo dác nhìn quanh quất không trông thấy ai đứng nhìn, vội lấy cái mỏ sành điệu mổ lấy mổ để vào cái ức trái xoài đang chín cây, trông phát thèm. Trong cái quê mùa của thôn xóm có cái vui của trẻ con với những con cá chạch bò rột rẹt trong cái nồi nhôm, có cái mừng của vợ chồng con chim sâu với đàn kiến vừa bắt gặp, có cái liến thoắng của mấy chú chim trao trảo với những loại trái chín cây ngọt ngào. Không những chỉ có xoài mà còn nào là chuối chín bói, long nhãn, vú sữa, mãng cầu, mận, chuối phơi khô và nhất là ớt hiểm mọc trong vườn. Mà kỳ lạ thật, món ớt hiểm vậy mà chim chóc rất thích ăn. Chẳng những chim trao trảo mà còn có các loại sáo, cưỡng, nhòng cũng thích món ăn cay cay này đến như ghiền. Hạnh phúc muôn loài quá giản dị, nhỏ nhoi. Nó có mặt rải rác cùng khắp chung quanh khu vườn mà người nào sẵn lòng biết nhận, hạnh phúc đến thật êm đềm.

                          Qua khỏi mùa xúc lùm, cá chạch theo con nước lên đồng như đang ngao du vào một mùa mới, thong dong hơn nhiều. Cánh đồng vài hôm trước còn lấp xấp nước, nay đã ngập tới hơn nửa ống chân. Đó là mùa đặt lọp cá chạch. Lọp là một dụng cụ được đan bằng tre chuốt thật bóng với những sợi dây nylon hoặc dây chì bện lại. Chiều dài cái lọp khoảng bốn tấc rưỡi. Miệng lọp hình tròn với đường kính khoảng hai tấc. Phần cuối cái lọp hình trái tim, có cái cửa dùng vào việc trút cá chạy lọp vào xuồng rộng nước. Thông thường, mỗi cái lọp gồm có hai cái hom. Hom là bộ phận giống như cái cửa được bện bằng những rẻ lọp chuốt nhọn, để cá theo đó mà vào lọp nhưng đã vào rồi không trở ra ngoài được. Như vậy hom thứ nhất như căn nhà đang mở cửa. Theo dòng nước chảy xuôi, những mùi thơm của cám rang trộn thêm mùi vị mấy món thuốc bắc như đại hồi, tiểu hồi cùng xác cá linh ủ làm nước mắm trôi xuôi theo dòng nước chảy. Tất cả được trộn đều và nắn chung với đất sét dẻo ngoẹo màu mở gà như một bữa tiệc được dọn sẵn đợi chờ mấy chị cá chạch tìm mồi. Và rồi mấy chị cá này lội ngược nước đi qua cái hom thứ nhất. Sau khi ăn uống no nê, những con cá ú ì này lúng túng tìm đường ra hoặc muốn thám hiểm thêm thế giới kỳ lạ này có gì không mà có nhiều song tre như hàng rào dưới dòng nước ngược. Nên từ đó mấy chị cá này mới lần mò chui qua hom thứ nhì. Ở đây là nơi bít bùng vì không còn cái lối nào để đi tiếp dù mấy chị cá này cố tìm lối thoát ra ngoài. Trong khi đó, có biết bao con cá chạch khác lại vờn quanh cái lọp, đang chập chờn nhìn cục đất sét có tẩm mồi cám rang cùng xác mắm cá linh, đại hồi, tiểu hồi mà thèm thuồng. Và chúng đang tìm miệng lọp để vào nơi “tử huyệt” này. Ở đời này, đâu phải chỉ con người, mà vạn vật chung quanh cũng quẩn quanh trong cái vòng kiềm tỏa của thiên nhiên, trời đất đến ghê hồn. Tưởng mùa nước lên, đồng rộng bao la không ai giam hãm đời mình nhưng rồi cá chạch lại kiếm tìm những cái hom lọp rải rác trên cánh đồng lai láng nước là nước này, để chui vào không sao thoát được! Giống như cõi đời thế nhân với những mật ngọt của đỉnh chung, danh lợi mà một nhà thơ xưa đã phải thốt lên:

                          “Cái vòng danh lợi cong cong,

                          Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.”

                          Những chiếc xuồng chất đầy những chiếc lọp xinh xắn với mồi nhử cá sẵn sàng như vậy có đến gần cả trăm, chất cao ba bốn lớp. Xa xa trông chiếc xuồng giống như con rồng đang bơi rè rè trên mặt nước. Những chiếc lọp bé nhỏ như những vẫy rồng xếp đan kẽ vào nhau. Chàng “ngư phủ miệt vườn” bơi nhè nhẹ với cây dằm mái nhỏ như đang du lãm trên vùng nước nổi bềnh bồng. Ngày nào cũng vậy, không hẹn nhưng cứ như đúng giờ, đúng bến. Chàng “ngư phủ miệt vườn” trầm mình trong nước dẫn con rồng nhẹ nhàng nhưng rất cẩn thận dò từng bước âm thầm. Họ lần lượt gỡ từng chiếc lọp rồi nhận nằm vào những cái nền láng bóng theo giồng ranh ngăn chia những thửa ruộng nằm chìm khuất dưới làn nước đục ngầu của những ngày mưa dầm gió chướng. Miệng lọp nằm theo hướng dòng nước chảy xuôi vì cá luôn luôn lội ngược về những cái hom đang mở ra chờ đợi. Không giống như những lãnh chúa thời thập nhị sứ quân, nhưng mỗi chàng “ngư phủ miệt vườn” có những vạt nền riêng cho những chiếc lọp của mình, không ai trùng lấp với ai vì “chim trời cá nước” mà, chỗ nào cũng cá là cá. Vượt lên trên hết thảy đó là cái tình ở làng quê nó thân thương như vậy. Người này còn chỉ cho người kia vạt đất nào có cá chạy lọp nhiều để cùng đi đến đó dọn nền, đặt lọp. Lúc nào cũng nhường cơm xẻ áo, không để phiền lòng nhau vì những điều nhỏ nhặt, cỏn con này.



                          Cá chạch ngoài chợ

                          Trong chốc lát, những cái lọp chìm trong nước như một cuộc dàn binh với những ngọn sậy làm dấu khỏi lạc chỗ đang phất phơ trước ngọn gió chiều lồng lộng thổi ngang qua biển nước như những cờ hiệu. Thế rồi trời chiều bảng lảng in lên nền mây xanh vàng ửng. Phía rặng tre bên kia ngôi cổ tự, tiếng chuông chùa ngân nga thời công phu cuối ngày đang mang vạn vật nơi làng quê trở về với những giờ nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc. Nghe tiếng chuông chùa lòng mọi người trầm lắng xuống như mặt trời sắp sửa đi ngủ bên kia rặng tre làng. Đêm đang về trên khắp mọi nẻo xóm thôn. Chàng “ngư phủ miệt vườn” ngồi trên xuồng mở gói thuốc gò, xé mảnh giấy quyến vừa vặn, rồi tự vấn cho mình một điếu thuốc như cái thú tự thưởng cho mình sau cái lạnh ngâm mình trong nước vừa rồi. Làn khói thuốc bốc lên qua hơi rít nhẹ làm lâng lâng tâm não anh nông phu như quyện lấy đời sống thanh bạch giữa chốn trời nước một màu lắng động. Thấp thoáng đó đây có những bạn đồng hành cùng làm nghề hạ bạc đang nghêu ngao trên đồng với câu hò tiếng hát rặt ruộng đồng. Họ hú ì nhau ơi ới! Như mời gọi, thông báo cho nhau tôi đang ở đây, rồi cùng chống xuồng lại bên nhau ngồi kể chuyện cá tôm, mùa màng. Họ chia xẻ với nhau những kinh nghiệm đời cho đến tối mịt. Văng vẳng vài tiếng chó tru trong con đường làng tối thui theo gió bay ra đồng vắng giữa đêm thâu. Trên chiếc xuồng nhỏ mà ba bên bốn bề muỗi kêu vo ve như tiếng đờn cò kéo chậm. Họ chưa kịp chợp mắt, chùa công phu buổi sáng đến thật vội vàng. Người ngư phủ nhà quê lui cui trở lại những lối mòn dưới nước lạnh để vớt những chiếc lọp theo những dấu hiệu mà anh ta đã làm dấu vào buổi chiều hôm trước. Trong cái lạnh buổi sớm mai, người nhà quê nghèo thấy trong lòng có một niềm vui nho nhỏ lao xao theo mấy chị cá chạch cùng tép rong đã vào ăn tiệc đầy bụng đang xôn xao ở phần cuối cái lọp có hình trái tim. Nhưng không chậm được, anh đành phải nhanh chân trong nước khi trời còn lờ mờ vì buổi chợ sáng nhóm ngoài quận lỵ đang chờ những con cá chạch trên đồng về nhóm chợ.

                          Thế là mùa đặt lọp kéo dài đến tháng mười âm lịch. Có lẽ cũng cần nhắc một chi tiết nhỏ là cá đặt lọp bằng mồi thuốc như vậy thường chỉ bán để xuất cảng hơn là người ta mua về ăn vì cá bị mùi vị của hai vị thuốc đại hồi, tiểu hồi trong những viên đất sét làm hôi hôi mùi thuốc bắc. Tuy vậy, loại cá chạch này cũng đắt hàng, bán chạy như tôm tươi.


                          Lương Thư Trung
                          Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                          Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                          ............



                          Can't Live Without...hehe...


                          Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                          Comment


                          • #14
                            Mùa giăng lưới

                            Nơi miền quê miệt Long Xuyên- Châu Đốc có các kinh rạch như con sông chảy vô Núi Sập, Ba Thê, rồi lên nữa có rạch Mặc Cần Dưng vô Cần Đăng, Tri Tôn; phía trên nữa có kinh xáng Vịnh Tre, rạch Cái Dầu; đổ qua Tân Châu, Cao Lãnh, xuống Sa Đéc bên sông trước với Tùng Sơn, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Tân Quí Đông, Tân Quí Tây cũng như về sông Hậu Giang từ Vàm Cống chạy dài xuống Thốt Nốt dọc theo các vùng quê Cái Dầu, Định Yên, Hòa Lạc, Định An, Lai Vung thuộc phần đất Lấp Vò cũ, và giữa dòng sông cái với các cù lao vùng Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây thuộc Thốt Nốt hoặc kinh Cái Sắn vô vùng Tân Hiệp vào mùa tháng năm nước đục là cả một vùng sông rạch rộng bao la. Mùa thả lưới cá mè vinh, cá dảnh, cá hô, cá tra, cá vồ, cá bông lau từ miệt Biển Hồ trên Cao Miên tràn xuống vùng châu thổ miền Tây Nam Phần này như những ngày hội thả lưới thưa bắt cá trắng vào mùa.


                            Lương Thư Trung


                            Những năm 1950, dân cư các vùng này thường sắm lưới rất thưa, nhứt là lưới thả ngoài sông Cái thì lỗ lưới có người đan cỡ một tấc là ít. Còn trong các rạch nhỏ thì mặt lưới nhỏ hơn nhưng nhỏ gì thì nhỏ mỗi lỗ lưới căng ra đo được cỡ tám phân. Sở dĩ ngày xưa vào mùa này dân ruộng ưa sắm lưới thưa vì cá nhiều và cá lớn, nên ít ai sắm lưới dày.

                            Lưới hồi đời trước người ta tự đan lấy và đan bằng chỉ, bằng gai nếu muốn bắt cá lớn; còn bắt cá rô người ta thích đan lưới bằng tơ vừa mịn vừa bén cá. Với mùa thả lưới tháng năm, dân quê đan lưới xong và bắt viền sao cho lưới không quá dùn mà cũng không căng mặt quá thẳng. Vì nếu bắt lưới mà dùn quá khi cá gặp lưới cá không chịu đâm vào lưới, nhưng bắt lưới căng mặt quá thì mặt lưới không có tùng đủ để giữ con cá khi cá vướng lưới. Do vậy, theo kinh nghiệm nhiều mùa người ta bắt viền trên hơi thẳng và viền dưới hơi dùn để cá đâm vô lưới là dính liền không vùng vẫy đi đâu được.

                            Thường thường vào mùa này, lưới thả thường căng ngang sông rạch nếu sông rạch nhỏ, ít khi thả lưới cặp mé bờ. Lưới sau khi bắt viền xong, dân quê bắt thêm phao viền trên. Phao thường được chuốt từ thân gỗ xốp như cây gòn vì gòn nhẹ và làng quê miền Tây nơi nào cũng có trồng gòn. Nếu không làm phao bằng cây gòn, người ta làm phao lưới bằng gỗ cây vông đồng, loại cây thường dùng là guốc vông những năm thập niên 1940, 1950, ván cây vông cũng nhẹ như gòn. Vả lại vông đồng là loại cây mọc hoang nên vườn tre nào ngày xưa cũng có cây vông đồng mọc đầy. Về sau này khi có lưới đan bằng nilon, người ta cũng chế ra phao lưới làm bằng nhựa nilon luôn thể. Phao lưới được kết ở viền trên và hai phao cách nhau khoảng từ năm tới sáu, bảy tấc là vừa, vì kết xa quá lưới dễ bị chìm mà kết nhặt quá thì lại tốn nhiều phao. Ngoài phao ra, viền trên người ta còn gắn những cây cờ bằng vải vàng, xanh hình cánh bướm nhằm cho xuồng ghe tàu bè thấy lưới đang thả mà tránh.

                            Riêng viền dưới vì muốn cho khi thả lưới thì dạo lưới phải thẳng, nên người ta kết chì; giữa hai cục chì cách nhau cũng cỡ năm tấc là vừa. Vì lòng sông, lòng rạch vào mùa này thường sâu nên dạo lưới ít nhất cũng phải một thước rưỡi nếu lưới thả trong các rạch nhỏ như rạch Mặc Cần Dưng, còn lưới thả ngoài sông Cái, dạo lưới phải dài hơn, có khi bề dạo dài tới hai thước tây mới đủ sức bắt cá hô, cá bông lau, cá vồ cờ, cá tra, cá vồ đém, cá leo, cá kết…



                            Miệt Hòa Lạc, Định An, Định Yên, Lai Vung ngày nay còn giữ được cách thả lưới bắt cá bông lau trên các vịnh thuộc sông Hậu Giang dù ngày nay cá bông lau không còn nhiều như cách nay hơn nửa thế kỷ. Hồi đời xưa chẳng những các vùng vừa kể mà đâu đâu cũng vậy, ai muốn thả lưới bắt cá lớn trên sông rạch thì cứ thả; còn ngày nay vùng Hòa Lạc phải chờ tới phiên, tới chuyến mới tới mình thả lưới bắt cá bông lau. Có nhiều người phải chờ tới một tuần hoặc mười ngày mới tới phiên mình. Có người tới phiên rồi, lưới lại không dính cá, phải chờ đáo phiên lần nữa… Thiệt là mỏi mòn trông đợi mấy chị cá bông lau béo ngậy này vướng lưới, chứ đâu phải dễ dàng gì. Ngày nay khác ngày xưa là vậy.

                            Những năm 1945, miệt Mặc Cần Dưng mùa thả lưới tháng 5 này cá dính thường là cá mè vinh, cá dảnh rất lớn với cặp trứng thè lè. Lúc bấy giờ có con lớn bằng cái dĩa bàn. Lưới thường thả vào lúc nước đứng ròng. Sở dĩ vậy vì dân quê đón cá đi ăn khi nước lớn và lúc nước đứng ròng chúng chuẩn bị về chà, và người ta thả lưới lúc này là nhằm bắt cá về chà. Có khi người ta thả lưới lúc nước đứng lớn là cũng nhằm bắt cá từ trong các đống chà ra sông để kiếm ăn. Nhưng khi nước lớn mạnh cũng như nước ròng mạnh thì dân quê cuốn lưới lên và bơi xuồng về nghỉ ngơi dù đặng thất gì cũng nghỉ vì nước lớn hoặc ròng mà chảy xiết thì lưới dễ bị trôi xa và rách lưới.

                            Giăng Lưới Cá Rô


                            Tháng Bảy, tháng Tám âm lịch là ngưng thả lưới dưới sông vì cá đã lên đồng nhiều rồi. Dân quê theo cá lên đồng mà bủa lưới cá trên đồng. Vào những tháng đầu mùa này, người ta có lưới cá rô, hồi xưa cũng đan bằng chỉ, bằng gai chứ không có lưới nilon như sau này. Đặc biệt lưới cá rô viền dưới không cần phải bắt chì và dạo lưới rất ngắn, cỡ tám tấc vì cá rô ưa ăn mồi trên mặt nước. Lưới cá rô đầu mùa thì dày, lỗ lưới cỡ 2 phân rưỡi. Đến tháng 9, tháng 10, cá rô lớn rồi và lưới cá rô cũng lớn theo và mặt lưới cỡ 4 phân, 4 phân rưỡi. Hồi xưa, lưới cá rô mà lỗ lưới cỡ 4 phân, 4 phân rưỡi thường bắt cá rô mề, có con gần bằng cườm tay, bụng đầy mỡ, béo lắm. Vào mùa lúa giáng, nhất là món lúa sóc so, có gạo mới mà nấu cơm ăn với cá rô lưới 4 phân, 4 phân rưỡi muối sả ớt chiên cho vàng, ăn cơm hết nồi hồi nào không hay. Ngon lắm!

                            Cá rô câu khác cá rô lưới ở chỗ cá rô câu thì có cá nhỏ, cá lớn lộn xộn; nhưng cá rô lưới thì cá dính một cỡ với nhau đều rang, hổng có con lớn con nhỏ như cá rô câu. Người nhà quê nói cá rô lưới là cá lựa là vậy.



                            Giăng lưới cá rô tháng 9 trên cánh đồng Tân Bình (Lấp Vò)

                            Hồi đời trước giăng lưới cá rô là giăng nền nằm, cố định một luồng, chứ ít khi dời luồng mới như sau này. Dân quê bủa lưới theo các giồng ranh lúa mùa khi mùa nước ngập sâu cá vô cạn kiếm mồi là dính lưới. Khi bủa lưới xong, người ta nằm sấp xuống mũi xuồng, tay trái nắm viền lưới, tay mặt quạt quạt nước cho dạo lưới thẳng và chìm xuống gần sát mặt đất. Chốc chốc, dân giăng lưới ngoái lên bốc một nắm lúa ngâm rải dọc theo luồng lưới dưới lườn xuồng làm mồi nhử cho cá bu lại ăn rồi dính lưới. Ngày xưa cá rô mê mùi lúa ngâm lâu ngày.

                            Sau này, thập niên 1970, 1980, dân giăng lưới cá rô không dùng lúa ngâm làm mồi nữa, mà dùng xác mắm cá linh trộn với cám rang và bùn non làm mồi. Và họ cũng không cần phải nằm sát mũi xuồng dằn lưới như xưa nữa. Cách bủa lưới sau này là vừa ngồi ngay mũi xuồng, một chưn xếp bằng trên xuồng, một chưn kia cho xuống nước nhằm đẩy vào cỏ cho mũi xuồng đi tới. Họ bủa lưới tới đâu, tiện tay lấy chút xác mắm cá linh trộn với cám rang và chút bùn non rải tới đó làm mồi.

                            Sau khi bủa xong hết lưới trên xuồng, họ mới bắt đầu quay trở lại và nằm sấp nơi mũi xuồng mà dằn lưới như ngày trước. Dằn lưới cách này, khi họ bắt đầu trở lại dằn lưới và rải mồi một lần nữa, cho tới khi giáp hết các luồng lưới vừa bủa xong, chẳng khác nào họ thăm được một giác lưới rồi.

                            Lợi là lợi chỗ đó vì cá rô thì ưa ăn mồi xổi, nên dân ruộng biết cá thích ăn mồi bất kể chết nên dụ cá dính lưới bằng cách vừa bủa lưới vừa rải mồi. Nhưng giăng lưới cách này có cái hại là cá dính qua một bận là hết cá, nên dân giăng lưới phải dời luồng đi chỗ khác, nếu làm biếng không dời lưới thì cá không còn dính bao nhiêu vì cá có bao nhiêu dính hết lúc mới bỏ mồi rồi.
                            Last edited by viet11; 23-05-2012, 08:24 AM.
                            Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                            Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                            ............



                            Can't Live Without...hehe...


                            Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                            Comment


                            • #15

                              .. Đây là mùa mưa, ngày cá về đồng quậy ổ, mùa súng sen hoa nở ngát hương hè. Nọ mùa giăng câu, đêm sương rơi nằm chờ trăng sáng, chiều tát đìa bì bõm đến là vui. Mà vo nắm sóc so nấu nồi cơm gạo mới, xong ngồi ăn với cá rô ướp sả chiên vàng. Rồi ngồi nghe ai dề dà kể chuyện thời ấy là thế, mà nửa mừng nửa tủi ngày ấy chợt xa rồi. Tác giả bảo không làm văn chương, mà sao nghe trăm năm đồng vọng? Không viết về biên khảo, mà sao nghe lề nếp trở mình? (Tô Thẩm Huy)

                              Đó là vài lời nhận định gợi cảm xúc bồi hồi đến tác phẩm chưa đọc đã nghe khua thức xôn xao kỷ niệm, tác phẩm mới nhất của Lương Thư Trung:Mùa Màng Ngày Cũ do Thư Ấn Quán xuất bản năm 2011.

                              Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bốn phương những trang tiếp nối chắt lọc, lớp lang, đậm tình dân dã của cùng tác giả "Lá Thư Từ Kinh Xáng, Bến Bờ Còn Lại...."

                              Lời giới thiệu của Tô Thẩm Huy:

                              Mùa Màng Ngày Cũ. Bốn tiếng ấy đọc lên sao nghe xôn xao bao điều trong dạ. Nghe tiếng mưa lộp độp rơi trên mái tôn, nghe đong đưa giọng hàng rong ngân dài, khoan thai trong gió. Nghe hơi đất xông dậy ngày mưa xuống nắng lên. Nghe ấu thơ tung tăng, leo trèo, chạy chơi năm mười, tắm mưa, bắn bi, đá bóng. Tuổi thơ tôi êm đềm ven vùng ngoại ô Phú Nhuận. Thuở thanh bình mới di cư vào Nam dăm bẩy năm, đất ấy còn nhiều đồng không bãi trống, tha hồ chơi đùa, nghịch ngợm. Hết hái nhánh tầm ruột, tuột hết lá, cầm cái sống lưng làm thòng lọng rón rén đi bắt cắc kè, lại pha nước xà phòng đổ xuống hang mà lân la đi bắt dế cơm, hay đi "thám hiểm" loanh quanh đồi này xóm nọ, nhặt sọ người dưới kho nghĩa địa về doạ trẻ con trong xóm, rồi hôm sau vội vã đem trả vì nằm mơ thấy ma đến đòi lại.

                              Thế ấy, cầm sách trên tay, mới đọc cái tựa, đã nghe khua thức xôn xao mấy trời xưa cũ:

                              Đôi mắt ướt cung trời hội cũ,
                              Áo mầu xanh không xanh mãi trên đồi hoang.
                              (Tuệ Sỹ)

                              Đọc sử để biết vào năm ấy, tháng ấy, người ấy làm việc ấy. Nhưng muốn biết dưới thời ấy, người ta buồn vui, hạnh phúc ra sao, thương yêu, ganh ghét thế nào, thì sử ký có mà mù tịt. Tài tình đến là bộ sử Tư Mã Thiên cũng chả ra ngoài lệ ấy.

                              Thì? Thì chỉ còn cách theo thầy Tuệ Sỹ ngồi thắp đèn khuya mà kể chuyện trăng tàn. Chỉ còn cách dấn liều một cuộc tao phùng, lần giở cảo thơm Mùa Màng Ngày Cũ mà say sưa xao xuyến trước chân trời lục tỉnh đang bát ngát mở ra, la đà sông nước. Mà dãi dầm những mùa mưa mùa nắng. Mà thơ thới với cỏ cây, chơi đùa cùng chim cá. Mà lần theo nẻo đi lối về của cóc nhái, ếch lươn. Sống ở đây mà hồn cũng ở đây. Đây mùa mưa, ngày cá về đồng quậy ổ; mùa súng sen hoa nở ngát hương hè. Nọ mùa giăng câu, đêm sương rơi nằm chờ trăng sáng, chiều tát đìa bì bõm đến là vui. Mà vo nắm sóc so nấu nồi cơm gạo mới, xong ngồi ăn với cá rô ướp sả chiên vàng. Rồi ngồi nghe ai “dề da” kể chuyện thời ấy là thế ấy, mà nửa mừng nửa tủi ngày ấy chợt xa rồi. Tác giả bảo không làm văn chương, mà sao nghe trăm năm đồng vọng? Không viết biên khảo, mà sao nghe lề nếp trở mình?

                              Cái hồn ứng xử thuở dăm bẩy người xưa nhẩy ùm dưới rạch, xúc cá, lùa tôm, xong rủ nhau lên bờ ngồi xem dòng dọc làm tổ, cái hồn ấy nay còn đó không, hay đã lẩn trốn nơi nào? Cái nếp sống nhà quê hiền hoà ngày cũ nay có vì khốn khó mà đâm ra ăn thua, tranh giành hơn thiệt? Cái thiện lương đã mấy mươi đời sinh dưỡng nay có vì áp bức thời thế mà đâm ra chao đảo? Có vì ô nhiễm môi sinh mà đến nỗi tật nguyền? Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân. Trồng cây mười năm mà đốn cây mấy buổi? Trồng người trăm năm mà... biết là bao đỗi? Hay cái hồn ấy chặt không đứt, bứt không suy, vẫn theo những ngày mưa mà dạt dào rơi xuống, thấm sâu vào miền phù sa chan hoà ruộng lúa?



                              Bắt cá mùa nước nổi

                              Chao ôi! Gấp sách lại mà lòng dạ thêm bồi hồi, vương vấn. Ai gọi ai trong giấc mộng trước hiên nhà, sao đã nghe oanh ríu rít hỏi xuân về? Gẫm người xưa ghép miệng với lúa mà gọi chữ hoà không phải là không duyên cớ. Lời của kẻ nhà quê mà sao nghe như châu ngọc! Hoà với mưa mà thuận với nắng trời!

                              Tấc lòng cố quốc tha hương, ngậm ngùi cùng mùa xưa ngày cũ, chi bằng mượn lời Tô Thức mà dấn bước về thăm cõi lòng vạn đại của tác giả:

                              Nê cần hữu túc căn...
                              Xuân cưu hành khả khoái.

                              Như muốn cùng ai nhổ mớ rau cần còn nguyên cả rễ dưới bùn, đem trộn gỏi với thịt chim cu thái nhỏ, rồi nâng chén rượu ngồi nhìn xuân về ngoài ngõ.

                              TTH
                              Hai Mươi Ba Tháng Chạp, Tiết Đông Chí, Canh Dần

                              Lời giới thiệu của Phan Xuân Sinh:

                              Thường thường chúng ta đọc Lương Thư Trung với những bài viết nhận định văn học, giới thiệu tác giả và tác phẩm. Gần đây trên các website văn chương anh còn phỏng vấn một số nhà văn, nhà thơ. Nghĩa là tên của anh gắn liền với những gì gọi là văn chương. Những bài viết về vùng quê, về đồng ruộng, anh ký với một bút hiệu chân chất quê mùa, gần gũi với ruộng đồng, với bà con: Hai Trầu. Bút hiệu nầy nó đã trở thành sâu đậm trong lòng người đọc bấy lâu nay và cũng rất nhiều người nghĩ rằng anh hiện đang sống tại "Kinh Xáng Bốn Tổng", một vùng quê nào đó ở miền Nam, Việt Nam.



                              Lương Thư Trung và Phan Xuân Sinh

                              Vì sao vậy? Vì từ giọng nói, cách hành văn, đến những chất liệu, người đọc thấy rõ "ông Hai Trầu" của miệt vườn nói và viết rất rành mạch về con tôm, con cá, rong rêu, cây cỏ, lúa bắp v.v..., điều mà chỉ có người nông dân mới biết được. Không ngờ rằng "ông Hai Trầu" của ruộng vườn miền Nam lại đang ở rất gần, gần đâu đây, mà cũng rất xa, xa lắm mãi tận chốn quê nhà."Ông Hai Trầu" nói thay cho người nông dân những gì mà họ không diễn tả được, không nói lên được. Ông thay họ làm điều đó. Chữ nghĩa bề bề của ông làm ta phải giật mình vì ông đã biết vận dụng sự hiểu biết cùng kinh nghiệm làm ruộng mấy mươi năm của mình, đã mô tả tường tận sự việc một cách hợp lý, sâu sắc. Ông không những thay mặt nông dân nói lên công việc đồng áng của họ, mà khi ông viết về đồng quê, ta tưởng chừng như những cọng cỏ, con tôm, con cá, nó cũng nói lên được tâm tư, thân phận của mình.

                              Nói như vậy chỉ là một cách để nói rằng dù sống ở đâu, tâm hồn anh lúc nào cũng chìm vào những cánh đồng lúa bao la biết bao là lung vũng mà anh đã từng dầm mưa dãi nắng. Những giồng ranh, những bụi cỏ, những vạt rong đuôi chồn, những khóm mã đề tiềm tàng trong tâm trí anh. Dường như đó mới chính là đời sống thật của anh. Có vài bận cùng anh đi qua những đầm lầy, ao hồ, sông nước vùng Dallas hay vùng Louisiana, anh luôn tấm tắc, trằm trồ: "Khúc sông này nếu mình giăng ngang một tay lưới cá trắng thì hết sẩy" hoặc "Chỗ trấp này đặt một vạt ống trúm thì lươn chun vô đầy nhóc" vân vân...Hoặc vài bận ghé thăm anh, lúc nào tôi cũng được anh dẫn ra thăm mấy cái ao đầy bông súng, bông sen, rong đuôi chồn, gạc nai, và nhiều loài rong cỏ sống dưới nước, xanh tốt chen chúc nở bông. Từ đó tôi mới hiểu thế nào là nỗi lòng của một người nhà quê nhớ quê tha thiết như anh! Thành ra, đối với một người thương nhớ chốn cố hương thì đâu đâu họ cũng nhìn thấy quê hương của họ trước mặt.

                              Hôm nay, cầm trên tay "Mùa Màng Ngày Cũ" của Lương Thư Trung, đọc thấy trong Lời Mở Sách: "Ở đây không mang tính văn chương biên khảo, mà là những chất liệu góp nhặt từ công việc nông nghiệp của những ngày mùa mà người viết đã sống qua nơi chốn thôn quê của mình..." Có mang tính văn chương hay không tự thân nó nói lên điều ấy. Anh là người tự trọng và khiêm nhường, anh chỉ dám tự nhận mình là người nhà quê, anh không cho đây là tác phẩm văn chương. Thế nhưng theo tôi đây là tác phẩm văn chương đúng nghĩa nhất, dù anh viết về đồng quê. Anh lại dùng bút hiệu mà anh dành nó khi anh viết về văn học. Như vậy Lương Thư Trung cho ta đọc một tác phẩm văn học viết về đồng quê. Mặc dù anh chối từ điều nầy. Ta thử lật xem từ bài viết đầu đến bài viết cuối về Mùa Màng Ngày Cũ với cả một tấm lòng anh trang trải, chắt chiu. Người nông dân chân chất ít học, thì làm sao viết được, mà có viết được đi nữa thì làm sao nó sống động, hiện thực như anh viết. Chuyện văn chương chữ nghĩa, tôi nghĩ rằng người đọc họ sẽ thẩm định điều nầy.

                              Tôi là người miền Trung, lớn lên trong thành phố, nên khi đọc Mùa Màng Ngày Cũ tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Cái đất miền Nam xa xôi ấy lại chứa rất nhiều điều bí ẩn mà vùng quê miền Trung hay miền Bắc không thấy và không nghe. Họ giàu có về đất đai đã đành mà họ còn giàu có về mùa màng, mà mùa nào cũng sung túc. Khi đọc ta tưởng chừng như phát hiện những bí ẩn mà lâu nay ta chưa hề nghe thấy. Tôi chưa bao giờ ăn thịt chuột, chưa bao giờ thấy con chuột đồng, thế mà khi đọc "Mùa Chuột" của Lương Thư Trung, tôi muốn gắp thử một miếng, bỏ vào miệng, và tôi nghĩ vị giác của tôi sẽ chết điếng vì ngon. Theo lời kể trong Mùa Màng Ngày Cũ thì bắt chuột cũng lắm công phu, nhiều cách khác nhau. Anh cũng đã phân tích cho người đọc biết lợi hại của mỗi cách. Làm thế nào để rút ra được kinh nghiệm thịt chuột hoàn chỉnh nhất, ngon nhất. Món ăn tôi thường nghe khi ghé qua một vài tỉnh miền Nam là món chuột nướng, dĩ nhiên nhiều cách nướng, không thua gì bò bảy món. Nhưng không ngờ thịt chuột cũng làm được rất nhiều món mà món nào nghe ra cũng thèm chảy nước miếng: "...Như chuột muối sả ớt chiên, chuột khìa nước dừa, chuột kho tương hột, chuột làm bánh xèo, chuột làm mắm, chuột nướng đất, chuột bằm xào lá cách, chuột bằm xào lá lốt, chuột xào kiệu, chuột xào hủ qua, chuột xào hành, chuột nấu cà ri, chuột kho mắm, chuột làm khô, chuột xào sả ớt, chuột bó bẹ chuối nướng.."



                              Bắt chuột đồng

                              Ngoài chuyện mùa chuột đồng còn có mùa bắt lươn bắt lịch. Lươn lịch được Lương Thư Trung xếp vào "mùa" thì đủ biết nó nhiều biết bao nhiêu. Khi còn nhỏ tôi về làng Kim Bồng ở Quảng Nam, đôi khi trông thấy người ta tát nước ao bắt cá và lươn. Con lươn ở ngoài quê tôi to nhất nó chỉ bằng ngón tay cái. Tát ao bắt lươn chỉ có vài con chứ làm gì có mùa lươn để bắt như trong Nam. Còn lịch tới mùa mưa dầm mới xuất hiện và con to nhất chỉ bằng chiếc đũa con. Khi đọc "mùa bắt lươn bắt lịch" trong Mùa Màng Ngày Cũ tôi mới biết rằng con lịch có thể to bằng ngón chân cái và nhiều vô số kể. Quả thật ruộng đồng miền Nam ưu đãi con người quá sức. Lương Thư Trung nói về lươn như sau: "Thường đâm lươn cặp theo các bờ kinh, các thềm đìa. Ngày xưa, dân ruộng đâm lươn nghề lắm. Có người xách giỏ và chỉa đi một hồi là có mấy ký lươn như chơi. Họ gặp hang lươn thổi "mà" là họ cứ cầm chỉa xom chung quanh, một hồi thế nào cũng trúng lươn nằm trong vùng đất sâu bên dưới." Chuyện bắt lươn bắt lịch anh kể rất tỉ mỉ làm cho người đọc cảm tưởng rằng anh là một nông dân chính hiệu, kể lể bằng kinh nghiệm sống và làm việc của chính mình. Thật ra anh là một nhà văn hay là một nông gia? Đúng ra thì cái nào cũng hợp tình hợp lý với anh và cái nào anh cũng đạt đến một cảnh giới tối ưu của nó.

                              Mùa Màng Ngày Cũ đã được Dương Văn Chung và Thái Lý phân tích một cách rõ ràng và chi li. Trên phương diện bạn bè cùng sinh hoạt với nhau trong các tạp chí văn nghệ, tôi nghĩ mình phải có bổn phận nói lên cho mọi người biết, đọc Mùa Màng Ngày Cũ phải cẩn trọng vì ngoài tính văn chương (dĩ nhiên) nó còn mang một sự nghiên cứu công phu mà người viết đã miệt mài làm việc, tra cứu, cân nhắc để hoàn thành ra nó... Chỉ vài trăm trang giấy nhưng người viết phải mất biết bao nhiêu thời gian. Người sinh trưởng tại miền Nam đọc để nhớ lại trên vùng đất mình sinh ra đã có các mùa màng từ xưa nhưng bây giờ đã mai một. Đọc để đánh thức lại mình, hồi tưởng lại trí nhớ, và để thương cho vùng đất màu mỡ của mình. Còn người miền Trung và miền Bắc đọc để biết rằng trên vùng đất anh em của mình có nhiều điều lạ lẫm, mùa nầy tiếp nối mùa kia không ngơi nghỉ. Cây lúa, con cá của miền Nam nó khác với quê mình chỗ nào. Để biết cái cực khổ của người nông dân miền Nam nhưng còn có cái để ăn, trong lúc người nông dân miền Trung miền Bắc cực khổ nhiều hơn nhưng cứ đói quanh năm.



                              Cất vó bắt cá

                              Trong hai mươi hai mùa màng ở miền Nam mà Lương Thư Trung đã đề cập thì miền Trung và miền Bắc chỉ có chừng năm, ba mùa, còn những thứ khác hình như không có. Đọc Mùa Màng Ngày Cũ để chúng ta biết rằng nơi ấy họ ít lo nghĩ về cái ăn, chỉ cần chăm chỉ một chút ngày hôm đó bụng họ sẽ đầy. Chiều về còn có thể tập trung vài người bạn nông dân ngồi nhậu tới chỉ, xuống mương xuống ao quơ quào một hồi có mồi nhấm nháp. Chứ nông dân miền Trung, miền Bắc làm gì được cái tiêu khiển có vẻ lịch lãm như vậy. Đầu tắt mặt tối cơm không đủ no, thiên tai luôn luôn chờ chực bỏ xuống đầu lúc nào không hay, người nông dân luôn luôn chống chọi với cuộc sống, với thiên nhiên.

                              Cám ơn Lương Thư Trung đã cho tôi những giây phút được nhìn về chốn cũ, được so sánh cuộc sống của người nông dân, được biết về vùng đất trù phú mà người dân các miền khác mơ ước và khi đọc xong Mùa Màng Ngày Cũ tôi mới nghiệm ra được, mới hiểu được tại sao người dân miền Nam họ rộng lượng, hiếu khách, thảo ăn, thảo uống, lòng họ chân chất, huỵch tẹt cũng chính vì vùng đất đã ưu đãi họ, đã nâng niu họ. Có lẽ thể hiện rõ ràng nhất trong câu vọng cổ mà họ hát, nó không đượm chất cầu kỳ, không bay bướm khó hiểu như câu Nam Ai Nam Bình của miền Trung hay câu Quan Họ của dân miền Bắc . Vùng đất ấy đã cưu mang biết bao nhiêu nhọc nhằn của dân tộc, chống đỡ và cứu giúp biết bao nhiêu tại họa của các miền khác.


                              Món ăn ở đồng bằng Sông Cửu

                              Tim Nguyễn
                              E-mail

                              Vừa rồi, một ông bạn lớn tuổi cho biết ông thích bài của Nguyễn viết về miếng ngon trong văn tùy bút Vũ Bằng. Được khen, ai chẳng nở mũi, huống chi Nguyễn này vốn ít khi được ai khen mà chỉ toàn nghe những lời, đại loại “cái ông Tim Nguyễn này lúc nào cũng chỉ viết về trăng về hoa về bướm… chẳng ra làm sao cả” hoặc “anh viết chi mà toàn chuyện trên trời dưới đất, chẳng dính dáng chi tới con người cả”… Như rứa đó, nghĩ cũng đáng kiếp, ai bảo bước liêu xiêu giữa đời mà cứ tưởng mình đang đi trên mây. Người ta chê là phước bảy mươi đời, chưa bị chửi là may. Nay được ông bạn khen cho một câu, sướng quá trời là sướng, bèn tự khích lệ “Tới luôn đi bác tài!”. Do đó, hôm nay Nguyễn xin kể các món ngon của đồng bằng sông Cửu Long, mà kể theo Sơn Nam chứ không có gì gọi là kinh nghiệm của mình hay độc sáng cả.


                              Cũng xin nói ngay ở đây: Nguyễn không được hân hạnh quen Sơn Nam, nhưng đã từng rất thích ông. Những truyện ngắn trong Hương Rừng Cà Mâu phải nói là có sức thu hút đặc biệt khiến người đọc phải mê Sơn Nam. Rồi còn thơ ông nữa (ông ít làm thơ) cũng có cái gì đó khiến người ta ghi nhớ: Phong sương mấy độ qua đường phố / Hạt bụi nghiêng mình nhớ cố hương... Hay những câu: Thân không làm lính thú / Sao chưa về cố hương... Ngoài ra, Tim Nguyễn cũng có đọc một số đoạn trong tạp bút Dạo Chơi của Sơn Nam và cảm thấy rất hứng khởi. Sau đây, mời các bạn xuôi về các vùng quê Nam Bộ để cùng ông Sơn Nam tưởng nhớ tới “Món ăn ở đồng bằng sông Cửu Long” và nghe ông kể “một vài huyền thoại” của vùng sông nước. Văn Sơn Nam mộc mạc, giản dị, cộng thêm sự tế nhị của người từng trải, nhiều hiểu biết về vùng châu thổ Cửu Long nên có một thi vị đặc biệt. Đây, mời các bạn thưởng thức:

                              “Vài người tỏ ra sành điệu, đã thưởng thức một vài món mà chưa ai từng thưởng thức. Đã là món địa phương, ít ra nó cũng được phổ biến trong thời gian tương đối dài và lan rộng qua xóm làng lân cận. Bày ra món ăn lạ, lắm khi chỉ vì nghèo túng rồi vận dụng sự xoay trở, tháo vát nhỏ bé, tạm thời. Hoặc dư giả, chán cao lương mỹ vị, bèn thử tìm vài cảm giác lạ, trở lại đời sống hồn nhiên, dân dã. Hoặc bày kiểu ăn uống lập dị, vui chơi trong chốc lát. Dường như đã qua rồi, cái thú vui nướng con vịt với lửa rơm ngoài đồng, lấy đất sét bó trọn con vịt còn lông lá, đốt lửa đến khi nứt ra, bao nhiêu lông vịt dính vào đất. Hoặc trước khi nướng cá lóc thì gói trọn trong lá sen, để lấy mùi thơm. Ngó sen dùng làm rau, trộn gỏi, gẫm lại chẳng có gì độc đáo nhưng người ăn như sung sướng: sen là món tinh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Mùa nước lụt, vùng đồng bằng, bông điên điển (cây điền thanh) nấu canh chua khá ngon, lại còn dưa chua bông điên điển. Ra khỏi đồng bằng, bông này dường như chẳng còn giá trị: mau héo, thêm vị đắng, vì vậy khó bán ra chợ, không phổ biến. Cá trê vàng nướng ăn với nước mắm gừng đã đành, nhưng kèm thêm đọt kèo nèo (cù nèo to lá, còn gọi là tai tượng) thấy tươi mát, đậm đà. Cây môn nước mọc tràn đồng, ven bờ rạch lắm khi trở thành đặc sản, đậm đà hương vị. Hóc Môn, ngọn cùn của con rạch (hóc) đầy môn nước; Đồng Môn (vùng Long Thành) là cánh đồng hoang nhiều môn nước. Phía miền Tây Nam bộ, lắm nơi gọi Lung Môn, Xẻo Môn, cắt về làm dưa chua, khá ngon, xào với thịt heo…”

                              Các bạn thấy sao, nhất là các bạn sinh trưởng ở miền đồng bằng châu thổ Cửu Long - như Nguyên Nhi và chàng Phan nhà văn vỉa hè… - Sơn Nam tả các món ăn dân dã miền Nam nghe cũng “có lý” lắm đấy chứ? Riêng Nguyễn đặc biệt thích cá trê vàng nướng dầm nước mắm gừng có chút ớt ăn với cơm nóng, ôi tuyệt cú mèo, ăn mà thấy sướng. Còn món dưa môn xào với thịt heo (có khi hiền nội làm món dưa cải chua (tự tay nàng muối) xào với thịt ba rọi có dính tí mỡ và da) cũng là món khoái khẩu. Lúc ăn nhớ rưới thêm chút nước mắm ớt thiệt cay, nha các bạn, sẽ thấy đời nghèo mà vui biết bao! Ngoài ra, ông Sơn Nam còn tả tới món cháo lươn nấu với cọng môn có nêm mặn với mắm kho, Nguyễn tôi chưa được ăn bao giờ, nhưng tưởng tượng lúc trời vào thu gió vàng hiu hắt thổi trong cây lá mà được ăn món cháo lươn này chắc cũng thú vị lắm lắm đấy bạn nhỉ.
                              Bây giờ, ta hãy nghe Sơn Nam nói về cá đồng:

                              “Cuối mùa nắng, đồng ruộng cạn khô, ít cá. Mưa đầu mùa vài đám, cá non xuất hiện. Khi cá còn nhỏ, ăn nhão, nhưng vẫn ngon nếu biết kỹ thuật. Cá trê, cá lia thia con nảy nở trong lung vừa đầy nước, xúc đem về, kho lạt, lại thêm vài lát gừng để xóa tan mùi cỏ dại. Cá trê con còn gọi cá trê năn (loại cỏ cọng tròn ở đất phèn). Lại còn cá rô con, gọi cá cò cưỡng, kho mắm, ăn với đọt rau dừa chỉ, gọi chỉ vì cọng nhỏ so với rau dừa trâu, to hơn. Rau dừa có phao nhỏ, màu trắng, xem khá đẹp, sạch sẽ. Những món ngon như trên, kể còn nhiều, thí dụ như cua đồng xào với mái dầm (loại cỏ lá to, mỗi cọng một lá như cây dầm bơi xuồng), thường mọc nơi bãi bùn, gần bụi dừa nước. Ngon vì bây giờ thiếu thức ăn, mùa mưa bắt đầu, buồn bã, chân trời rộng chưa phủ màu xanh, hoặc khi nước nổi bao la, vài cụm rừng tràm soi bóng, bông điên điển trổ vàng hực. Màu vàng của xứ nắng, ta nhớ đến những đóa hướng dương miền Nam nước Pháp trong tranh của Van Gogh. Không thể nào quên mùa cá linh trên sông Cửu Long hoặc sông Hậu: vớt cá, đem nướng trên vỉ, ăn với đọt cây xộp, hoặc nấu canh chua. Lại còn chuột đồng xào lá lốt, băm nhỏ, ăn với bánh tráng nướng hoặc xoài chua đầu mùa.”

                              Ôi, những món ngon của đồng bằng Sông Cửu, nghe tả mà thèm. Đặc biệt như bạn nhìn thấy qua văn Sơn Nam, miền Nam giàu tôm cá và các loại rau. Về rau, ta gặp ở đây lá sen, ngó sen, bông điên điển, đọt kèo nèo, môn nước, rau dừa, mái dầm, đọt cây xộp, lá lốt, xoài chua… Có tới mười món rau, làm Nguyễn tôi nhớ tới một lần ăn bánh canh Trảng Bàng ở khu Bình Quới, Thanh Đa, trước khi bỏ nước sang đây. Nhà hàng dọn lên, cùng với thịt heo luộc và nước mắm, một mẹt rau xanh (có nhiều loại Nguyễn tôi không biết tên), thấy mà mê. Có vị thơm của sen, súng, xoài, chua, ngọt, chát… đủ gây hứng cho khẩu vị. Cho tới bây giờ, ngồi ở xứ Mỹ này, đọc văn Sơn Nam, Nguyễn thấy nhớ vô cùng thổ ngơi, sông nước miền Nam.
                              Ôi, nhớ ơi là nhớ. Bạn ơi…


                              Last edited by viet11; 04-04-2012, 10:04 PM.
                              Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
                              Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
                              ............



                              Can't Live Without...hehe...


                              Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....

                              Comment

                              Working...
                              X