Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những con suối trong lòng Tây Bắc

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những con suối trong lòng Tây Bắc

    Cập nhật lúc 11:25, Thứ sáu, 22/07/2011 (GMT+7)
    Tây Bắc đẹp, đó là điều ai cũng phải công nhận. Nhưng vùng đất tuyệt diệu này còn đẹp và lãng mạn hơn vì có những con suối nên thơ. Bao đời qua, suối như những mạch máu âm thầm chảy và nuôi dưỡng mỗi cánh rừng, mỗi bản làng để làm nên cuộc sống và tạo nét văn hóa đặc sắc cho người dân tộc thiểu số...



    1. Khám phá Tây Bắc bằng xe máy, theo kiểu "phượt" đúng nghĩa có lẽ là điều thú vị nhất. Và, một trong những nơi khiến dân "phượt", các tay săn ảnh phải đưa máy lên bấm liên tục có lẽ là các dòng suối. Họ bị hấp dẫn vì vẻ đẹp dân dã mà rất đặc trưng của nó. Chưa có ai thống kê đầy đủ Tây Bắc có bao nhiêu con suối. Ngay cả người đi "phượt" nhiều nhất là bạn Nguyễn Cao Cường - cựu sinh viên Ðại học Kiến trúc cũng không thể biết hết Tây Bắc, dù bạn đã chụp ảnh cả nghìn con suối lớn nhỏ trong những chuyến ăn rừng, ở bản.

    Nơi dòng suối chảy qua, cư dân tụ tập đông đúc. Các cụ già ở các bản làng tỉnh Lào Cai khẳng định, từ xa xưa, người dân đã biết sử dụng lợi thế của những con suối. Ðó là nơi người dân tắm rửa, giặt giũ, vận hành cọn nước, dùng sức nước để giã gạo. Nơi đây còn diễn ra các sinh hoạt văn hóa, các buổi hát giao duyên vào mỗi mùa xuân. Khi gái bản tắm suối thì da trắng, tóc dài, lúa nương uống nước suối thì hạt thóc no tròn, con nai, con hoẵng uống nước suối thì nhanh nhẹn béo tốt.


    Tắm suối. Ảnh: NT

    Em tắm xong lại sạch
    Vẫn ngát thơm hoa rừng
    Da của em trắng ngần
    Là của anh tất cả
    Không phải người xa lạ
    Việc gì mà trộm xem...

    Trích Em tắm
    BẠC VĂN ÙI

    Ở Lào Cai, nhiều con suối đã trở thành nơi hò hẹn của gái, trai trong vùng như suối Trung Hồ, Nậm Sài, Mường Hoa, Tả Van ở huyện Sa Pa; suối Thầu, Mường Khương ở huyện Mường Khương; suối Trung Ðô ở huyện Bắc Hà; suối Dền Sáng, Cốc San, Mường Hum ở huyện Bát Xát...

    Ðặc biệt hơn cả, xã Dền Sáng có nhiều dòng suối đổ về từ những ngọn núi cao, tạo nên âm thanh như tiếng hát xao xuyến lòng người. Cũng tại nơi giao nhau của những con suối đẹp và nên thơ ấy, người dân đã biết tận dụng để làm nơi ngắm cảnh, hẹn hò và gọi là... "Suối tình". Ðây là nơi trai gái người Dao gặp gỡ chuyện trò. Cứ vào tối thứ năm và chủ nhật hằng tuần, thanh niên năm thôn của xã Dền Sáng (Dền Sáng, Trung Trải, Ngải Trồ, Nậm Giàng I và Nậm Giàng II) lại đổ về rất đông. Nhóm còn trẻ thì đùa vui, ca hát; nhóm đến tuổi trăng tròn thì tâm sự, tìm hiểu và hát giao duyên. Các địa phương khác cũng có những con suối đẹp, nơi đó đã trở thành những trung tâm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Lai Châu có suối Nậm Lay, Noong Hẻo; Sơn La có suối Bản Mòng; Ðiện Biên có suối Noọng Luống, U-va, Pá Khoang; Hòa Bình có suối Mường Vang, Mường Thàng, Kim Bôi; Yên Bái có suối Mường Lò...

    2. Tây Bắc đẹp, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ "tức cảnh sinh tình". Cả chục bài hát, hàng trăm bức họa và hàng vạn bức ảnh về những con suối đẹp đã được sinh ra. Chúng ta có bài Tình ca Tây Bắc mà nhạc sĩ Bùi Ðức Hạnh đã gửi gắm những âm điệu dạt dào, tràn đầy niềm vui: "...Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng/Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh...". Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi cũng ca ngợi vẻ đẹp hài hòa, gắn kết của con người và con suối. Và sẽ còn rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, được sinh ra bởi sự rung cảm của các nghệ sĩ khi đến thăm vùng Tây Bắc những năm tháng bình yên sau này.

    Xưa, mỗi bản làng Tây Bắc đều có "bến tắm" riêng dành cho phụ nữ. Và thật đẹp biết bao hình ảnh thiếu nữ thoải mái lội xuống dòng nước trong vắt, chiếc váy xòe dần được nâng lên theo nhịp bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc lấy thì váy được cuộn chặt trên đỉnh đầu. Tắm xong, váy áo lại được thả dần xuống theo bước chân cô gái và tới gần bờ thì váy được khéo léo cuốn lên ngang ngực. Tất cả mọi động tác đều diễn ra rất thuần thục.

    Với thiếu nữ dân tộc Thái, tục "tắm tiên" có lẽ kỳ công, kín đáo hơn cả. Bình thường, người thiếu nữ mặc chiếc áo coóng may sát người giúp khoe tấm lưng thon và vun đầy vòm ngực, giúp khuôn ngực của các cô lúc nào cũng được đẩy lên cao, căng tròn và gợi cảm. Chiếc xà tích quấn quanh eo như một chiếc thắt lưng bằng vải, làm cho cô gái nào cũng có bờ eo thon thả. Thiếu nữ Thái mặc váy bó ngay từ khi còn bé, để đôi chân chỉ được bước từng bước nhỏ, dịu dàng. Ðã quen với những nhịp bước trong chiếc váy gò bó, nên dù có mặc loại trang phục khác, thiếu nữ Thái vẫn bước những bước nhỏ dịu dàng. Các thiếu nữ cũng coi việc "tắm tiên" là một nghệ thuật mà mỗi người đều phải học ngay từ tuổi dậy thì, biết khép nép làm duyên. Vẻ chân chất, thánh thiện của họ khiến đại ngàn âm u đẹp như cổ tích và biến những dòng suối già nua, trầm mặc trở nên lung linh, huyền ảo. Văn minh ngày nay "lấn sân" những bản làng xa xôi hẻo lánh cộng với những ánh mắt tò mò của người miền xuôi khiến nhiều phong tục, tập quán của đồng bào mất đi, trong đó, tục tắm suối cũng mai một rất nhanh. Chạnh nghĩ, nếu một ngày nào đó dưới màn nước trong xanh được thiên nhiên kỳ thú ban tặng kia lại thiếu vắng nụ cười giòn giã của các thiếu nữ khỏa làn da trắng ngần, núi rừng Tây Bắc sẽ bớt thơ mộng đi biết bao...

    3. Người dân không thể thiếu những con suối, đó là lời khẳng định của những cụ già dân tộc thiểu số Tây Bắc. Những con suối này đã cung cấp nước cho những nương lúa bậc thang, nhất là vào mùa khô hạn và đã cứu được hàng nghìn ha lúa của bà con dân tộc vùng cao. Vẻ đẹp của Tây Bắc còn được tôn thêm bởi những chiếc cọn nước dịu dàng quay suốt đêm ngày. Thiếu nữ e ấp tuổi mười tám, đôi mươi điệu đà, duyên dáng đứng cạnh cọn nước như chiếc bánh xe khổng lồ, bền bỉ quay, lấy nước, ập òa reo vui suốt đêm ngày thật sự là hình ảnh nên thơ, khiến không ai có thể cầm lòng.


    Những con suối tô thêm vẻ đẹp Tây Bắc.

    Vùng Thuận Châu (Sơn La) ngày nay vẫn truyền tai nhau một câu chuyện rất cảm động về người phụ nữ đi làm nương xuống suối rửa chân. Ðúng lúc chuẩn bị quay lên thì chị đau bụng đẻ rất dữ dội. Chị khuỵu xuống, bám vào được một mỏm đá. Và, đứa con của chị được sinh ra an toàn vì có sự giúp đỡ của thần Suối.
    Suối gắn bó với người dân bản địa là vậy, nhưng nhiều dòng suối hiện đang bị bóp nghẹt để nhường chỗ cho những dự án thủy điện sai quy hoạch. Những cỗ máy khai thác vàng, những người đào vàng cũng đang cày nát, thậm chí lật tung nhiều con suối để tìm nguồn lợi riêng mình.

    Hãy cứu lấy những dòng suối Tây Bắc! Có phải vẻ đẹp đại ngàn đang lên tiếng?...
    NGUYỄN VĂN HỌC
    .......Thiện căn ở tại lòng ta......
    Chữ tâm kia mới băng ba chữ tài
Working...
X