Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những miền gái đẹp

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những miền gái đẹp

    TT - Đó là những làng sơn nữ với những vũ điệu mê hồn, là vùng đất bên con sông hiền hòa đã có hàng trăm năm cung tiến mỹ nữ cho vua chúa, là thủ phủ của những “lò” đào tạo hoa hậu VN, là địa danh nghe qua đã thấy phải lòng với nhan sắc...
    Bí mật về những miền gái đẹp là do con người hay tạo hóa?

    Những miền gái đẹp - Kỳ 1: Vũ điệu sơn cước


    Nét đẹp của những cô gái Thái hồn hậu, trong sáng như những đóa hoa rừng Ảnh: ĐẶNG ĐẠI

    Không chỉ những chúa đất vùng sơn cước mà quan ta, quan Tây miền xuôi cũng luôn khao khát được một lần diện kiến nét đẹp đến mê hồn của những cô gái Thái với điệu xòe Thái quay cuồng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn. Đó là những tuyệt sắc giai nhân với vũ điệu làm nghiêng ngả núi rừng Tây Bắc xưa nay.

    Huyền thoại xòe Thái

    Vượt gần 800km đường núi tràn ngập hoa ban với những con đèo cao kinh hoàng của Hoàng Liên Sơn, tôi tìm về thung lũng huyền thoại nơi khai sinh ra điệu xòe Thái lừng danh. Người đẹp xưa phần nhiều đã gối đầu về núi cùng với tổ tiên, người hiếm hoi còn sống cũng đang hút bóng rừng sâu.

    Miền gái đẹp là tên một tạp bút của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết vào tháng 10-1999 sau một chuyến ngao du tại Tuyên Quang - vùng đất được xem có nhiều gái đẹp. Nơi đó có con sông Lô êm đềm chảy qua, mà ông viết là “ở đâu có sông nước đẹp thì ở đấy tất có nhiều mỹ nhân”.

    Miền gái đẹp sau đó được Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn in trong tập tạp bút Miền gái đẹp do Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 2001.

    Hỏi thăm mãi tôi mới tìm được hai vũ nữ được cho là cuối cùng của chúa đất Đèo Văn Ơn còn đang sống ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Chúa đất người Thái năm xưa gọi họ là xào mỗ, tức những cô gái múa. Xào mỗ Vàng Thị Hới, người gia nhập đội xòe khi mới 12 tuổi, nay đã đến tuổi 76.

    Còn xào mỗ Tào Thị Phè đã gần 80. Dòng thời gian, cuộc sống lam lũ, sinh nở nhiều và bệnh tật đã làm tàn phai nhan sắc họ, nhưng tôi vẫn còn thấy phảng phất nét duyên dáng, sắc sảo ngày nào qua từng ánh mắt, ngón tay lướt phím đàn tính tẩu.

    Trong ký ức của xào mỗ Hới, Phè, những nàng Én, nàng Núi, nàng Hủm, nàng Kheo ngày xưa nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng núi rừng Lai Châu. Mặc dù đã về với chúa đất nhưng đi đến đâu cũng có hàng đoàn trai bản bám theo. Những đêm trăng tròn, họ ra dòng suối Nậm So tắm, chúa đất phải cho cả lính theo canh gác từ xa không để những ánh mắt của lũ trai làng liều mạng đến rình trộm những tấm thân ngọc ngà.


    Các mỹ nữ múa xòe của chúa đất Đèo Văn Ơn ngày ấy vang danh đến tận Lào Cai, Hà Nội, Trung Quốc. Những quan ta lẫn quan Tây, quan Tàu đã tìm mọi cách mua chuộc chúa đất để được một lần đưa những tuyệt sắc giai nhân miền sơn cước về xuôi để chiêm ngưỡng.

    Đó là những chuyến đi dài ngày trên lưng ngựa xuyên qua dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, mà trước khi rời khỏi thung lũng Mường So họ phải được làm lễ cúng tế trời đất để mong có ngày trở về an toàn. Xào mỗ Phè đến nay vẫn chưa quên được chuyến đi múa cho quan Tây xem ở Lào Cai năm mình vừa tròn 16 tuổi.

    Đoàn đi gồm 21 người, có 12 xào mỗ, còn lại là gia nhân phục vụ và lính được chúa đất cử theo bảo vệ. Các mỹ nữ cũng phải ngồi lắt lẻo trên yên ngựa như lính tráng, vì hơn 150km đường từ Phong Thổ đến Lào Cai thuở ấy chỉ là con đường mòn vừa lọt dấu chân ngựa xuyên núi rừng hiểm trở.

    Xào mỗ Vàng Thị Hới cời bếp lửa hồng cháy rực, kể rằng ngày xưa mỹ nữ múa xòe còn có nhiều người đẹp hơn hai bà nhiều. Chúa đất có đến ba đội xòe trẻ em và thiếu nữ được tuyển chọn từ những người đẹp nhất vùng.

    Các cô gái được chọn phải có làn da thật trắng, mái tóc đen nhánh, đôi chân cao thẳng, eo thắt, ngực nở và nhất là gương mặt phải đậm đà, xinh tươi như đóa hoa rừng mới nở. Riêng các bé gái ở lứa tuổi 12-14 cũng được tuyển chọn như người ta tuyển hoa hậu bây giờ. Đầu tiên là gia đình thấy con em mình đẹp, có khiếu nhảy múa sẽ tự tiến cử cho bản, bản tiến cử lên chúa đất để có quyết định cuối cùng.

    Khi được gia nhập đội xòe, các em sẽ được dạy thêm không chỉ về múa, hát, mà còn là cung cách nói chuyện, mời rượu, tiếp khách…

    Rong ruổi suốt ba ngày đường, đoàn người mới về đến Lào Cai. Ngay tối đầu tiên họ đã phải múa hát, mời rượu các quan chức địa phương và lính Pháp đến nửa đêm. Trong cơn say San Lùng tửu, một quan Pháp cuồng si mỹ nữ, đòi bắt nàng Én xinh đẹp nhất đội xòe làm vợ qua đêm, nhưng cô may mắn thoát được nhờ nói mình đã ăn chung bát (nghĩa là đã trở thành vợ) với chúa đất Đèo Văn Ơn.

    Sau ba đêm múa hát rã rời ở Lào Cai, đoàn người ngựa lại rong ruổi về Hà Nội. Các quan Hà thành say mê đến mức nhắn tin với chúa đất cho những người đẹp ở lại với Hà thành lâu hơn, và trong chuyến đi ấy có người đã không bao giờ trở lại Hoàng Liên Sơn...



    Cung điện giai nhân

    Chuyện về mỹ nữ ở thung lũng Phong Thổ luôn gắn liền với nhiều bí ẩn. Hôm lên thị trấn Pa So tìm ông Nông Văn Nhay, nguyên phó Phòng Văn hóa huyện Phong Thổ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, một người chuyên nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Thái, ông Nhay kể: chúa đất Đèo Văn Ơn đam mê các mỹ nữ miền sơn cước đến độ đã xây dựng hẳn một cung điện 12 gian toàn bằng gỗ quí dựa lưng vào dãy núi Khau Phọ Nhọ, nhìn ra dòng Nậm So. Chúa đất chỉ dành một gian giữa để thờ cúng, 11 gian còn lại cho riêng 11 bà vợ. Riêng chúa đất không cần gian nào vì mỗi đêm sẽ vào ở với một nàng.

    Tương truyền chúa đất tìm người đẹp rất độc đáo bằng cách đóng giả làm chàng chăn trâu hay ông lão nghèo khó lang thang qua các mó nước, nơi gái bản hay tụ tập tắm giặt, hát hò. Chọn được mỹ nhân ưng ý, chúa đất không cưỡng ép mà mời về các đội xòe hoặc ngỏ lời hát giao tình, se duyên. Và 11 bà vợ của chúa đất Ơn dù đến tòa cung điện 12 gian bằng các con đường khác nhau nhưng đều là những người đẹp nức tiếng núi rừng Tây Bắc.


    Thiếu nữ Thái e lệ uống rượu cần cùng khách phương xa - Ảnh: ĐẶNG ĐẠI

    Hôm tôi về Mường So, cung điện xưa đã mất dấu, nhưng hình bóng những mỹ nữ chủ nhân của tòa cung điện ngày nào vẫn còn in đậm trong ký ức những người già. Họ kể trong 11 người vợ, bà Mào Thị Núi là vợ thứ năm xinh đẹp nhất của chúa đất.

    Bà Núi sinh ở Mường So, vùng đất đã được người Thái hát truyền: “Gái Mường So cổ cao ba ngấn, không trang điểm cũng đẹp như ai”. Người ta kể chúa đất mê nàng Núi không chỉ vì “chân nàng múa xòe dẻo dai như con hoẵng, con thỏ. Giọng nàng hát then vút cao từ lồng ngực căng đầy tựa tiếng chim rừng”, mà bởi nhan sắc của nàng không cần một thứ trang điểm nào cũng rạng rỡ như cánh hoa rừng đẹp nhất miền cao này.

    Những đêm Mường So mở hội xòe, trai tráng cách xa mấy dãy núi, mấy cánh rừng chim bay mỏi cánh cũng lắt lẻo lưng ngựa tìm đến để một lần chiêm ngưỡng nàng Núi...

    QUỐC VIỆT

  • #2
    "Giải mã" người đẹp Phong Thổ (kì 2)


    Nét đẹp hồn nhiên nhưng quyến rũ của cô gái Thái miền Tây Bắc - Ảnh: TPS

    TT - Cũng như những người lần đầu giáp mặt những cô gái Thái vùng Phong Thổ, tôi luôn tự hỏi: “Vì sao con gái nơi này quá đẹp?”. Nhiều cô chưa một lần biết phố xá, thị thành hay những cuộc thi nhan sắc, hoa hậu, nhưng nếu họ xuất hiện chắc hẳn nhiều người đã phải có cái nhìn khác về tiêu chuẩn hoa hậu...


    Bên chén rượu men tình

    Đêm trung tuần, trăng tròn vàng rực treo lơ lửng trên dãy Hoàng Liên Sơn. Những cô gái Phong Thổ nghiêng mặt cười e lệ, nâng rượu mời khách phương xa. Tôi mới nhấp vài chén đã chuếnh choáng say, nhưng không hiểu mình say men rượu hay say nhan sắc mỹ nhân? Đống lửa hồng giữa thung lũng bập bùng xua tan sương khí lạnh đại ngàn.

    Những đôi chân múa xòe càng lúc càng dẻo dai, dồn dập hơn. Tiếng hát khắp, hát then vút lên lẫn trong tiếng đàn tính tẩu, tiếng nâng chén rượu lách cách giao tình. Cô gái trẻ người Thái nắm tay mời tôi tham gia đêm múa.

    Giờ đang là vụ mùa, những nàng sơn nữ hơi gầy nhưng gương mặt ai cũng lộ nét trẻ trung, xinh tươi, những đôi chân mày đen nhánh cong vút, ánh mắt sáng lấp lánh trên gương mặt thanh thoát, mờ ảo trong ánh trăng đêm...

    Đêm vui rồi cũng tàn. Các cô gái dừng bước múa ra về trong ánh mắt luyến lưu của bao chàng trai. Tôi nấn ná tìm những chứng nhân cuối cùng của “đế chế” các chúa đất để khám phá bí ẩn nguồn cội nét đẹp Phong Thổ. Nhiều người nói với tôi thung lũng này lắm người đẹp vì xưa là kinh địa của gia tộc những chúa đất.

    Nhưng cũng có người bảo vẻ đẹp con gái miền này là do giao hòa giữa hai dòng máu Á - Âu khi một thời gian dài quân Pháp lên đây đồn trú rất nhiều, xây dựng cả sân bay quân sự. Sự đi lại giữa một số lính Pháp và các cô gái Thái đã tạo nên nét xinh đẹp đặc biệt.

    Một đời nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật dân tộc Thái ở Lai Châu, ông Nông Văn Nhay cho rằng chính điều kiện thiên nhiên và nếp sống người Thái là nguồn cội tạo nên nhan sắc các cô gái Thái vùng này.

    Phong Thổ có địa hình hầu hết là thung lũng được các dãy núi và rừng già bao bọc, khí hậu quanh năm ôn hòa không quá nóng cũng không quá rét. Sống trong thiên nhiên thuận lợi đó, các cô gái Thái vừa lao động cần cù vừa say mê múa hát nên có vóc dáng khỏe mạnh, tâm hồn trẻ trung.


    Lò Thị Thêm (bìa phải) và các bạn sơn nữ Mường So - Ảnh: Quốc Việt

    Một đặc điểm nữa là các cô không hay trang điểm phấn son, còn ăn mặc thì dù trong lễ hội cũng chỉ thuần khăn piêu, áo trắng giản dị nên nét đẹp tự nhiên chan hòa với núi rừng.

    Nâng chén rượu mời khách rồi quay sang vợ, ông Nhay cười khà khà: “Anh cứ nhìn vợ tôi thì biết. Nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Thái vùng này là phải đậm đà, hoang dã nhưng cũng nhẹ nhàng...”.

    Bà Nhay cười, uống cạn chén rượu đầy. Đã gần sang tuổi 70 nhưng mắt bà dư sáng để xe chỉ luồn kim, giọng bà vẫn trong vắt và đôi chân còn leo đèo dốc mỗi ngày.

    Bà Nhay cho biết: con gái Mường So dù mới dậy thì hay đã là mẹ, là bà, sinh con sinh cháu vẫn giữ được nước da trắng trẻo, hồng hào mà không cần son phấn. Ước gì được ăn cá bống vùi tro. Ước gì được về Mường So thăm nàng - bà Nhay cười nhắc lại câu hát giao tình xưa của người chồng già. Gương mặt bà đã hằn dấu tuổi tác nhưng vẫn không phai tàn hết nét xinh đẹp một thuở xuân thì...

    “Tiêu chuẩn” mỹ nhân

    Những ngày ở huyện Phong Thổ, tôi lang thang khắp mảnh đất đầy truyền tích Mường So để gặp gỡ những người đẹp sống lặng lẽ nơi núi rừng. Xã chỉ có 1.022 hộ dân nhưng hiện có 13 đội xòe với gần 200 người. Tất nhiên không phải ai cũng là tuyệt sắc giai nhân nhưng tất cả phải có nét xinh đẹp, duyên dáng cuốn hút người xem mới được gia nhập đội xòe.

    Ở bản Huổi Én, Lò Thị Hồng đang dở tay gặt lúa. Cô gái 22 tuổi này vẫn búi tóc tròn sau gáy, dấu hiệu của cô gái Thái cho chàng trai biết mình vẫn đang chờ người đến rước đi (người đã có chồng búi tóc trên đỉnh đầu).

    11 tuổi, Hồng đã chập chững biết xòe và nhanh chóng nổi tiếng ở Mường So không chỉ bằng những điệu múa mà ở cả nhan sắc mặn mà. Thường các cô chỉ múa quẩn quanh ở tỉnh Lai Châu, thi thoảng có hội thi mới được đi xa.


    Những cô gái múa xòe ở Mường So - Ảnh: Q.Việt

    Hồng không tự nhận mình đẹp, mà chỉ hay kể về các bạn múa xòe Lò Thị Hiệp, Đồng Thị Chinh, Lò Thị Yên, Lò Thị Thêm, Đồng Thị Hậu … ở các bản Vàng Bâu, Vàng Pheo, Huổi Én, Khổng Lào. Mỗi cô sơn nữ này như một bông hoa rừng khác nhau. Người đẹp đằm thắm, mặn mà. Người rực rỡ, kiêu sa. Theo Hồng, Lò Thị Thêm là người xinh đẹp nhất vùng. Thêm đã 19 tuổi nhưng chỉ mới học được đến lớp 6, phải nghỉ ở nhà phụ cha và tham gia đội xòe.

    Buổi chiều, tôi tìm đến nhà Thêm bên triền suối Nậm So ngay khi cô đang gùi củi từ rừng về. Cái gùi nặng hơn 30kg làm trĩu bờ vai thon thả, trán cô đẫm mồ hôi nhưng không làm giảm đi nét xinh đẹp đặc biệt.

    Mỗi lần môi hồng cô cười, ánh mắt tròn to, đen nhánh cũng lấp lánh cười theo làm gương mặt trắng trẻo, tinh khiết rạng rỡ hẳn lên. Vừa thoăn thoắt xếp củi vào chái bếp, Thêm vừa nói: “Con gái Thái là vậy đấy anh à, làm việc nhiều lắm”.

    12 tuổi, cô gái này đã biết làm việc nhà, đồng áng, mà đặc biệt rất thạo dệt vải, thêu thùa. Cô cũng như các cô gái Thái khác mới 7,8 tuổi đã tập làm quen với bông, sợi, xe tơ và 12, 13 tuổi đã tự thêu cho mình những chiếc khăn piêu, áo quần lễ hội.

    Trong đôi mắt các chàng trai, sự xinh đẹp hoàn hảo của cô gái Thái bao gồm cả yếu tố này. Nhìn bộ quần áo, chiếc khăn mặc trên người được dệt, thêu tinh xảo hay xấu xí, họ nhận biết cô gái đó đẹp hoàn thiện từ thể xác đến tâm hồn hoặc lười nhác, thô kệch...

    Chuyến đi xa nhất của Thêm là đến thành phố Điện Biên, cách Phong Thổ gần 200km. Ngồi trên hiên nhà sàn, dõi mắt buồn nhìn xa xăm qua đỉnh núi Khau Phọ Nhọ, cô tâm sự với tôi: “Em xem tivi thấy Hà Nội, TP.HCM đẹp quá. Không biết đời em có được đến những nơi đó?”.

    Quanh năm sống lặng lẽ trong thung lũng bốn bề là rừng núi, nhiều bạn bè của Thêm cũng có tâm trạng đó. Tuy nhiên, nó không da diết, cồn cào mà chỉ phảng phất như những giấc mơ, bởi thật sự tâm hồn bình dị của các cô cũng chưa thể hình dung nổi về những nơi xa xôi đó...

    Ngày cuối cùng ở Phong Thổ, Thêm mời tôi ra mó nước Nậm So. Cô kể ngày trước nơi này đông vui lắm, nhưng giờ vắng dần rồi. Nhiều cô đã đi lấy chồng. Một số cô may mắn được học hành cũng bỏ lại váy múa, rời thung lũng đi tìm việc ở phương xa. Các đội xòe nổi tiếng của Mường So không biết ngày mai có còn đủ người để làm ngẩn ngơ những chàng trai đến từ phương xa…

    QUỐC VIỆT

    Comment


    • #3
      “Chè Thái, gái Tuyên”


      TT - Tuyên Quang vang danh cả nước với câu truyền tụng “chè Thái, gái Tuyên”. Những ngày khám phá nét đẹp con gái Tuyên Quang, tôi vẫn chưa tự trả lời được vì sao người ta gọi như vậy.

      Vì sao “gái Tuyên”?

      Chiếc xe khách rệu rã lượn cua cùi chỏ liên tục trên con đèo Hoàng Liên Sơn hun hút vực thẳm. Cô bạn đường ngồi ghế cạnh tôi cứ lặng lẽ dõi mắt lo âu qua ô cửa kính. Tình cờ nghe tôi hỏi chuyện về Tuyên Quang với lơ xe, cô buột miệng: “Anh về quê hương em à?”. Lúc này tôi mới có dịp chú ý kỹ cô gái. Có lẽ cô mới ngoài 20 tuổi, gương mặt trái xoan tai tái vì say xe, nhưng nét thanh tú vẫn hiện rõ trong đôi mắt to tròn trong veo và mũi cao như nghịch ngợm với chiếc răng khểnh giữa làn môi mọng đỏ. Cô kể mình là giáo viên Tuyên Quang lên dạy học ở Lai Châu, nghỉ phép đi thăm bạn dưới Sa Pa. Chuyện trò mới được vài câu thì xe đã đến thị trấn mù sương. Cô gái cười chào rồi khuất bóng sau rặng thông. Tôi luyến tiếc chép miệng: “Tiếc thật, chưa kịp hỏi tên cô ấy!”.

      Ở thị xã Tuyên Quang, nhà nhiếp ảnh già Hồ Thăng nghe tôi nhắc chuyện này cười khà khà, ngâm nga: “Người đẹp chớp mắt về cõi mộng. Trăm năm ngơ ngẩn khách tình si”. Người nghệ sĩ già tự nhận mình may mắn được chiêm ngưỡng nhan sắc nhiều thế hệ người đẹp Tuyên Quang. Ngoài những người tên tuổi, ông biết cả những mỹ nhân mai danh ẩn tích ở rừng sâu, núi cao. Thời trẻ của ông, một cửa hàng Bảo Khuê bán dao rựa, cuốc xẻng, có tiếng là “máy cắt” vì giá cả đắt đỏ nhưng vẫn đông khách hàng mà đặc biệt là trai trẻ. Họ tìm đến để nhìn ngắm mấy chị em bán hàng. Trong đó xinh nhất là cô út đã làm mê mệt cả trái tim lãng tử Hồ Thăng. Về sau cửa hàng đóng cửa, gia đình Bảo Khuê ly tán, không ai biết các mỹ nhân đã trao thân gửi phận nơi đâu.


      Người đẹp Tuyên Quang trong trang phục dân tộc - Ảnh tư liệu

      Những ngày lang thang đôi bờ sông Lô, tôi bới tung cả kho sử liệu, rồi hầu chuyện các học giả hòng tìm giải đáp vì sao “chè Thái, gái Tuyên”. Nhiều người đồng ý kiến nơi này xưa là thành trì của vua tôi nhà Mạc nên cũng lắm mỹ nhân tụ hội làm thê thiếp. Vương triều sụp đổ, hậu nhân họ đã dần sinh sôi bao thế hệ người đẹp. Thêm nữa, đây là vùng đất trung du - miền núi có sông Lô, hồ Na Hang, núi Bạch Mã, Cham Chu... hội đủ linh khí hiền hòa lẫn hoang dã dữ dội của trời và đất để con người sống khỏe mạnh, yêu đời.

      Nhà văn Nguyễn Văn Mạch - nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin, nguyên tổng biên tập báo Tuyên Quang - cũng đồng tình hai ý kiến trên. Nhưng theo nhà văn, có một nguyên nhân khác lớn hơn thuộc về yếu tố nhân chủng. Ngoài người Kinh, địa phương này còn 21 dân tộc đông người khác như Tày, Dao, Cao Lan, Mông, Thái..., kể cả nhóm người Thủy bí ẩn và ít người nhất Việt Nam. Đặc điểm sinh sống của các dân tộc ở Tuyên Quang là ít co cụm mà thường phân tán, đan xen nhau. Sự giao thoa lối sống, văn hóa và hôn nhân đa tộc đã sinh ra nhiều người đẹp cho xứ Tuyên Quang. Một chi tiết đặc biệt khác mà nhà văn Nguyễn Văn Mạch tâm đắc cho rằng xứ Tuyên thời kháng chiến chống Pháp vốn là vùng sơ tán của rất nhiều cán bộ, trí thức, kiều nữ Hà Nội. Nhiều người trong họ về sau ở lại lập gia đình với người bản địa. Vì thế, xứ Tuyên không chỉ có người đẹp về nhan sắc mà còn về trí thức.

      Ngay hoa hậu, á hậu Vi Thị Lan, Triệu Nguyễn Thu Trang và nhiều người đẹp dự thi “Người đẹp thành Tuyên” 2006 cũng xuất thân từ những gia đình được pha trộn những dòng máu khác nhau như Kinh, Tày, Cao Lan...


      Một cô gái Tuyên Quang - Ảnh: Q.V.

      Tâm sự mỹ nhân

      Hẹn hò mãi, tôi mới hẹn được Dương Thanh Chấn, cựu người mẫu châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên của VN gốc Tuyên Quang. Người đẹp ngày nào từng rải gót hồng kiêu sa trên khắp sàn diễn quốc tế, giờ sống khép kín với phố núi quạnh hiu. Sáng mùa thu se lạnh trong quán cà phê Mái Ngói khuất sau thành cổ nhà Mạc rêu phong, Chấn ngồi lặng lẽ bên tách trà nóng. Nàng chỉ mặc bộ váy sậm màu giản dị với chiếc áo khoác mỏng. Ở tuổi 39, nhan sắc nàng không còn rực rỡ như thuở xuân thì nhưng vẫn làm say đắm bao chàng trai.

      “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”. Câu thơ mở đầu buổi trò chuyện. Chấn mỉm cười: “Mình không dám nhận là mỹ nhân, nhưng hình như tâm trạng cũng giống thế thật”. Người đẹp một thuở mở đầu thời rạng danh nhan sắc VN trên sàn diễn quốc tế có tuổi thơ cơ cực trong gia đình đông anh em. Lên 10 tuổi, Chấn mới được đi học. Năm 1993, lúc còn đang học môn bóng chuyền ở Trường ĐH Thể dục thể thao Hà Nội, cô đăng ký dự thi “khỏe, đẹp, thời trang” cũng vì bạn bè khích lệ: “Ai cũng nói chè Bắc Thái, gái Tuyên Quang, sao Chấn không thử?”. Lên sàn thi, Chấn lóng ngóng, thô mộc đúng bản chất cô gái nhà quê vì không được ai hướng dẫn, nhưng sau bất ngờ lại được chọn là một trong ba người đẹp VN sang Mỹ thi người mẫu châu Á - Thái Bình Dương.

      Dương Thanh Chấn cho biết có rất nhiều người đẹp Tuyên Quang khác như Mai Huê, Minh Phương, Thu Hà, Tùng Lâm, Thu Hiền, Tô Hương Lan... đã làm rạng danh xứ núi heo hút bằng nhan sắc và tài năng của mình. Người từng là hoa hậu, á hậu, người đang làm phát thanh viên, nhà báo, doanh nhân. Hầu hết đều có điểm chung là đã ít nhiều nổi danh, và vì lý do cuộc sống, công việc, gia đình, không mấy ai trở lại quê hương. Năm 1997, Chấn giã từ sàn diễn sớm để lập gia đình, rồi lặng lẽ trở về xứ Tuyên mở mấy quán xá nho nhỏ. Tỉnh lỵ nhỏ xíu, khách vắng hiu, nhưng cô vẫn vui vì được sống bình dị trên đất quê.

      Trong mắt Dương Thanh Chấn, mỹ nhân Tuyên Quang có nhiều thiệt thòi so với người đẹp ở miền xuôi, ít có điều kiện thi thố. “Cũng chừng chục năm rồi, Tuyên Quang mới thi hoa hậu. Một thời gian không dài với đời người, nhưng cũng đủ để trôi qua mấy thời xuân sắc”. Ngay tân hoa hậu Vi Thị Lan cũng không biết có cuộc thi hoa hậu, may bố cô biết, gọi điện cho con gái đang học ở Hà Nội về tham dự. Các cô cứ lóng ngóng trên sàn diễn, còn trang phục sử dụng cả quần áo đi học. Chấn phải lấy kinh nghiệm truyền lại bước đi, dáng đứng và làm “bầu sô” cho các cô về Hà Nội ứng thí.

      Chấn khuyên tôi đừng cố công tìm kiếm mỹ nhân giữa Tuyên Quang này, những hoa hậu, á hậu, hoa khôi vừa đoạt giải đã nhanh chóng rời quê hương đến Hà Nội, TP.HCM cả rồi. Họ phải đi để khẳng định mình, tìm kiếm cơ hội cho tương lai. Anh bạn xứ Tuyên ngồi bên tôi nuốt ngụm cà phê đắng, giấu tiếng thở dài. Trong mắt anh ta, hình như có bóng những cánh hoa đang bay đi.

      QUỐC VIỆT

      Comment


      • #4
        Làng cung nữ dưới chân núi Yên Tử

        TT - Ít ai ngờ rằng dưới đại ngàn Yên Tử hẻo lánh lại có một ngôi làng dân tộc thiểu số mà thiếu nữ với làn da trắng xinh, chân dài như những nàng hoa hậu. Tương truyền rằng đó là hậu duệ của những cung tần mỹ nữ đời nhà Trần đã định cư nơi này từ hơn 700 năm trước... Thật hư ra sao? Tôi cất bước vào núi rừng Yên Tử...

        Khi “nhà sư” phát hiện “mỏ sắc đẹp”!


        Người đẹp Triệu Thị Lý đang gặt lúa trên cánh đồng Thượng Yên Công - Ảnh: Đỗ Hữu Lực

        Ông Nguyễn Duy Bộ, nguyên trưởng Ban văn hóa xã Thượng Yên Công (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh), cho biết chuyện đó là có thật và nhiều địa danh nơi này đã minh chứng điều đó: Tương truyền rằng thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm khi vào Yên Tử tu luyện có 300 cung tần, mỹ nữ đi theo. Khi đến Yên Tử, do không được thượng hoàng cho ở cùng nơi đất Phật, trong khi đường về kinh đô đã bị tân vương phong tỏa, 300 cung tần mỹ nữ đã gieo mình xuống con suối của đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan, hiện nay suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công thường xuyên bốn mùa có làn nước trong vắt như nước mắt.

        Lại nói tiếp chuyện trong số 300 cung tần, mỹ nữ trầm mình ở non thiêng Yên Tử thì có năm người được làng người dân tộc thiểu số Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử cứu sống. Để cảm nghĩa ơn cứu mạng, năm cung tần mỹ nữ này đã tình nguyện lấy năm chàng trai bản địa và những hậu duệ nơi này được thừa hưởng nhan sắc cũng như phong cách lịch lãm của vương triều. Khi các bà qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ Năm Mẫu để tưởng nhớ những nàng dâu vốn là cung tần mỹ nữ sắc nước hương trời.


        Ảnh: Đỗ Hữu Lực

        Phó chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công Trần Mạnh Hòa bảo rằng không biết các thiếu nữ làng Dao, xã Thượng Yên Công có phải là con cháu dòng dõi của các nàng cung tần mỹ nữ trong nội cung ngày xưa không nhưng cái đẹp của con gái nơi này ai ai cũng thừa nhận. Đặc biệt là cô nào cũng có vóc dáng thanh mảnh, cao ráo.

        Tuy không được học cao hiểu rộng nhưng con gái Thượng Yên Công nói năng nhỏ nhẹ, ý nhị, lịch lãm chẳng khác gì con gái miền xuôi. Còn trưởng Ban tư pháp xã Thượng Yên Công Nguyễn Xuân Mai cho hay: cái đẹp của con gái Thượng Yên Công nổi tiếng khắp nước, con trai từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đua nhau xe hơi, xe máy về đây kiếm vợ, thậm chí cả Việt kiều xa xôi cũng tìm về chọn người kết tóc xe tơ...

        Thật ra, “mỏ sắc đẹp” sơn cước nơi này chỉ mới được phát hiện độ chừng 10 năm trở lại đây mà người đầu tiên phát hiện là “sư” Nguyễn Năng Văn, cán bộ Phòng VHTT thị xã Uông Bí. Khi ấy anh Văn được phân công vào cắm chốt tại chùa Yên Tử nơi có những bản người Dao để tìm hiểu văn hóa đồng bào. Do anh hay ở trong chùa nên đồng bào Dao cứ nhầm tưởng và gọi anh là “sư”.

        “Sư” Văn đã từng học khoa đạo diễn của Trường đại học Văn hóa, rất rành các tiêu chuẩn của hoa hậu nên khi lạc vào “miền hoa đào” Thượng Yên Công anh thật sự ngỡ ngàng đến lúng túng. Tâm sự với chúng tôi, “sư” Văn thừa nhận gần 10 năm công tác ở “mỏ sắc đẹp” Thượng Yên Công để tìm hiểu văn hóa anh Văn đã bị vợ suýt đốt xe máy đến mấy lần vì... ghen!

        Năm 1999, kỷ niệm 700 năm thượng hoàng Trần Nhân Tông về tu ở Yên Tử, “sư” Văn đã huy động 40 cô gái Dao Thanh Y ra rót nước mời khách tại sân chùa. Ông Lê Toán, giám đốc Sở Văn hóa Quảng Ninh, nhớ lại: “Buổi hôm ấy tôi cứ tưởng như tiên sa giữa sân chùa, sau tìm hiểu mới hay rằng tương truyền họ vốn là con cháu của các cung phi. Thảo nào…”

        “Cung nữ” trên đồng!

        Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công Lã Hoàng Mai tủm tỉm cười mãi: “Tôi xem các cuộc thi hoa hậu trên tivi, cứ thấy người ta khen cô này, cô nọ đẹp nhưng tôi chẳng thấy đẹp tí nào. Không tin, ngày mai anh ra đồng cùng làm với các cô ở đây một ngày thì sẽ thấy bình thường ngay thôi mà!”.

        Từ sáng sớm tinh mơ, tôi mò ra cánh đồng Khe Sú dưới thung lũng Yên Tử. Từ các khe núi những tiếng cười thanh, khúc khích vang vọng. “Các mỹ nhân ra đấy!” - “sư” Văn, người đã có gần mười năm thạo các “đường đi, lối về” của Thượng Yên Công, bấm vào sườn tôi. Khi ánh bình minh tràn vào thung lũng, tôi ngỡ ngàng như lạc vào cõi thiên thai.

        Trên các ruộng lúa, các người đẹp tay thoăn thoắt lưỡi hái ríu rít trò chuyện bằng tiếng Dao. Khi nhìn thấy tôi tay lăm lăm máy ảnh, cô thôn nữ Đặng Thị May ngượng ngùng nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Không được chụp đâu nhé, chồng em biết là nó ghen đấy!”. Đặng Thị May năm nay đã 31 tuổi, có hai con nhưng trông nàng cứ như thiếu nữ. Cùng gặt lúa bên cô là thôn nữ Triệu Thị Lý nhan sắc cũng mặn mà không kém.


        Sau mỗi buổi làm việc nặng nhọc trên đồng, các người đẹp xuống suối Giải Oan rửa chân tay - Ảnh: Đỗ Hữu Lực


        Bà Trương Thị Thoại, 70 tuổi, người thôn Năm Mẫu: “Con gái Dao nơi đây có làn da trắng nõn nà vì ngay từ bé các bà mẹ đã truyền dạy cho các cô con gái uống nước lá, ăn những món ăn mát ruột, kiêng đồ ăn cay nóng để giữ cho làn da đẹp.

        Đi đứng cũng thế, tuy các cô đều có đôi chân dài nhưng họ được dạy phải đi đứng từ tốn, chậm rãi. Nói không bao giờ được nói lớn tiếng mà chỉ đủ nghe. Thậm chí khóc cũng phải… dạy.

        Khi bị bố mẹ đánh mắng chỉ được khóc thút thít mà không được... gào, khi khóc chỉ được dùng khăn hay vạt áo chấm nước mắt chứ không được dùng tay quệt”. Bà Thoại bảo ngày trước các gia đình thường dùng “roi dâu” để dạy con vì cho rằng khi con cái hư là do ma quỉ ám, chứ con người khi sinh ra vốn đã ngoan sẵn rồi. Thiếu nữ Dao nơi đây cô nào cũng biết uống rượu nhưng chỉ được phép uống rượu pâu - thứ rượu nhạt ủ với men lá…

        Lúng túng khi ngồi xuống trước mặt tôi bởi đôi chân khá dài, người đẹp Trương Thị Hậu vừa được nhận vào Xí nghiệp than Đồng Vông (thuộc Công ty than Uông Bí) làm công nhân tuyển than nhưng đã đoạt ngay giải ba trong cuộc thi người đẹp các dân tộc vùng đông bắc Quảng Ninh. Hôm cô mới được nhận vào làm việc, sau buổi đi làm về không ít chàng trai thợ mỏ đã vè vè xe máy theo cô về tận bản. “Nhưng em đã trao trái tim cho người yêu rồi!”- Hậu nói với vẻ mặt ửng đỏ.

        Nguyên trưởng Ban văn hóa xã Thượng Yên Công Nguyễn Duy Bộ cười ý nhị và “cảnh báo” tôi: “Vào làng người đẹp đừng léng phéng kẻo không về nổi đâu!”. Đừng tưởng các cô gái đẹp như tiên sa dưới đỉnh non thiêng này ngờ nghệch, ngây thơ.

        Cách đây hai năm, có một chàng trai thợ mỏ ngoài Cẩm Phả vào du xuân Yên Tử gặp mỹ nhân Triệu Khánh Ly đã buông lời tán tỉnh hứa hẹn chuyện trăm năm, khi “xong việc” chàng quất ngựa truy phong.

        Sau khi khai hoa nở nhụy Triệu Khánh Ly một mình vượt núi ôm con đến tận Đài phát thanh - truyền hình thị xã Cẩm Phả đưa tin tìm chồng! Sau khi đài phát hình, cả Cẩm Phả đều ngỡ ngàng và cha đứa bé không còn cách nào phải trở lại Thượng Yên Công nhận vợ, nhận con và xin lỗi bà con. Hiện nay, Ly đã là chủ hiệu may ở thị xã Cẩm Phả và cứ cuối tuần lại được chồng cho cưỡi xe máy về thăm làng.

        Bà Trương Thị Toại cho biết gần đây con cháu của Năm Mẫu cũng “tân tiến” lắm rồi, có cô đã biết đi xe máy ra tận thị xã để mua sắm và hát karaoke. Nhưng ở làng các cô vẫn phải đội trên đầu chiếc mũ đính bạc, cổ đeo vòng, dây xà tích bạc, đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói từ tốn nếu không muốn ăn “roi dâu”!

        ĐỖ HỮU LỰC

        Comment


        • #5
          Trong “lò” hoa hậu


          Hoa hậu VN 2004 Nguyễn Thị Huyền - người đẹp của thành phố Hải Phòng - Ảnh: V. DŨNG

          TT - Có lẽ chưa có thành phố nào ở VN lại có nhiều người đoạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi như Hải Phòng. Có những cuộc thi hoa hậu mà mỹ nhân đất cảng chiếm đến 8/13 người. Hải Phòng có hẳn một “công nghệ mỹ nhân” hoàn hảo nhất nước...

          Ra đường gặp mỹ nhân

          “Chân dài, mặt xương xương, ăn nói ào ào và thật thà như đếm” - những chàng trai đất cảng ngồi uống bia hơi bên bờ biển, nhận xét khá ngây thơ về vẻ đẹp của người đẹp Hải Phòng. Còn nhà thơ Mai Văn Phấn, người sinh sống và đã viết rất nhiều thi phẩm về người đẹp đất cảng, lãng mạn hơn: “Đó là nhan sắc của biển, nhan sắc của tâm hồn rộng rãi, phóng khoáng…”. Chẳng biết nhận xét nào là đầy đủ, nhưng có một sự thật mà ai cũng thừa nhận ở thành phố cảng này: cứ bước ra đường là gặp người đẹp.

          Gần đây cả nước đã biết Hải Phòng có nhiều hoa hậu, nhưng không mấy người hiểu vì sao “long mạch” vùng đất này lại sinh lắm gái đẹp. Tôi gặp nhiều người kể rằng mỹ nhân - danh tướng Lê Chân theo cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ngày xưa, lập ra làng An Biên, tiền thân của Hải Phòng. Bà khai mở nguồn long mạch tươi tốt cho đất cảng ngày nay. Một số ý kiến khác cho biết thêm thời xưa Hải Phòng là miền biên hải hoang vu, khắc nghiệt, thường được chọn làm nơi lưu đày gia tộc các quan lại phạm lỗi với vương triều. Nhiều người trong họ là mỹ nhân, tướng tài đã sinh sôi ra các thế hệ người đẹp với dòng máu mạnh mẽ, phóng khoáng. Về sau, vùng này có làng An Lão được truyền tụng là làng cung tiến mỹ nhân cho vua. Con người sống trước biển bao giờ cũng mạnh khỏe, phóng khoáng cả về thể xác lẫn tâm hồn.


          Về Hải Phòng, tôi được mấy anh bạn “thổ công” mách nước muốn gặp người đẹp thì nên đến các lò đào tạo người mẫu và... vũ trường!? Buổi sáng, đến Cung văn hóa Việt-Tiệp hơi sớm, đành ngồi nhâm nhi cà phê bên đường, nhìn ngắm các bóng hồng chợt đến rồi chợt đi và phát hiện: không chỉ các cô gái trẻ mà nhiều phụ nữ đứng tuổi đang trên đường đến chỗ làm việc cũng có gương mặt thanh thoát, khả ái.

          Chị Đinh Hồng Sơn, người đã huấn luyện và dẫn dắt nhiều cô gái Hải Phòng đi thi hoa hậu, mỉm cười thú vị với phát hiện của tôi: “Phụ nữ Hải Phòng bây giờ chỉ đẹp tự nhiên không chưa đủ, mà còn phải biết cách làm đẹp hơn và đẹp lâu…”.

          Lật cuốn sổ tay sờn rách của chị Sơn, tôi đọc thấy hàng chục tên tuổi người đẹp đất cảng đã rạng danh qua nhiều cuộc thi hoa hậu, người mẫu VN như Nguyễn Kim Oanh, Vũ Minh Thúy, Hoàng Nhật Mai, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Bình Minh, Nguyễn Tuyết Trang, Phạm Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Hồng Vân, Phạm Phương Bắc, Nguyễn Ngọc Anh… Ấn tượng nhất là chung kết cuộc thi hoa hậu phía Bắc năm 2000 có 13 người đẹp thì riêng Hải Phòng đã được chọn đến tám mỹ nhân!

          Từ năm 1993, Nguyễn Kim Oanh đã đăng quang hoa khôi cuộc thi khỏe đẹp - thời trang. Cô gái đất cảng làm cho quê hương mình nức lòng hơn khi đoạt luôn cả giải ứng xử hay nhất. Còn Vũ Minh Thúy sẽ mãi tự hào với thời xuân sắc từng năm lần bước lên bục đăng quang á hậu, siêu mẫu, hoa khôi...

          Gần đây, Phạm Mai Phương dù nặng lòng chút chuyện buồn riêng vẫn có nhan sắc xứng đáng là một cô gái Hải Phòng được đội vương miện hoa hậu VN. Riêng Nguyễn Thị Huyền, cựu hoa hậu 2004, vẫn giữ vững niềm tin trong lòng người hâm mộ về nhan sắc và trí tuệ sắc sảo của mình.


          Một người đẹp Hải Phòng trên bãi biển trong cuộc thi Hoa hậu VN 2006 - Ảnh: HẢI ĐÔNG

          Năm nay, Nguyễn Ngọc Anh - tân hoa hậu Hải Phòng 20 tuổi - tuy không được nhận vương miện đẹp nhất của đêm chung kết hoa hậu toàn quốc 2006, nhưng cô cũng hãnh diện là một trong năm người đẹp nhất VN.

          Trò chuyện với tôi, cô sinh viên khoa ngoại ngữ Đại học Hải Phòng có đôi mắt đen đậm và vầng trán cao - nhận xét sắc sảo về vẻ đẹp: “Em nghĩ người ta không chỉ mến nhan sắc con gái Hải Phòng mà còn ở cả tâm hồn phóng khoáng, thật thà. Một tâm hồn đẹp sẽ làm cho nhan sắc đẹp và bền vững hơn”.

          Ngọc Anh không có ước mơ chuyển tiếp sang nghề người mẫu hay làm doanh nhân, nhà thiết kế thời trang như nhiều cô gái đẹp khác mà chỉ thích trở thành giáo viên. Nhà Ngọc Anh có hai chị em thì cô em cũng được mọi người nhận xét nhan sắc không thua kém gì chị.

          “Kỹ nghệ” người đẹp


          Trong số 17 người đẹp phía Bắc vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu VN 2006, Hải Phòng chiếm đến ba - Ảnh: HỒNG VĨNH
          Hải Phòng từ lâu đã nổi danh là nơi có những lò đào tạo các hoa hậu, người mẫu thành công nhất trên cả nước. Tiếp tôi trên sàn tập Cung Văn hóa Việt - Tiệp, chị Đinh Hồng Sơn lặng lẽ mở cho xem chồng ảnh của các người đẹp Hải Phòng qua nhiều thế hệ. Hầu hết họ ít nhiều đều đã đổ mồ hôi trong những giờ tập luyện vất vả ở lớp đào tạo tại đây hoặc bên Trung tâm Văn hóa thanh niên.

          Theo chị Sơn, đặc điểm hình thể của người đẹp Hải Phòng là vóc dáng cao khỏe, gương mặt thanh, mắt to. Tuy nhiên, hiếm có người đẹp nào tự nhiên đã “mười phân vẹn mười”. Khuyết điểm cơ thể của họ thường bị nặng hoặc nhẹ ở vùng đùi, mông, bụng, lưng, cổ… Những lớp đào tạo người đẹp, đặc biệt là phần thể dục thẩm mỹ chuyên sâu, sẽ giúp các cô gái khắc phục khuyết điểm này.

          Chị Sơn kể đã từng giúp người đẹp H.T.T. - hoa khôi Hải Phòng - giảm 5 kg nhờ tập luyện và một thực đơn ăn kiêng hợp lý. Riêng các người đẹp dự thi người mẫu, hoa hậu sau khi đã tập luyện khắc phục hình thể, sẽ tiếp tục học các lớp tạo dáng đi, thế đứng, nụ cười và các kỹ năng ứng xử, giao tiếp trong cuộc thi. Tuy nhiên, theo chị Sơn: “Điều quan trọng nhất là phải biết nhận ra nét đẹp hình thể tiềm tàng và đánh giá đúng được cơ hội thành công của các em”.

          Và điều may mắn là Hải Phòng năm nào cũng tổ chức cuộc thi người đẹp thành phố để các cô gái có điều kiện thi thố nhan sắc, trí tuệ như là một bước chuyển tiếp cho các cuộc thi quốc gia. Các lớp huấn luyện người mẫu cũng được tổ chức thường xuyên, nhưng đất diễn của họ ở thành phố biển này lại rất chật hẹp. Nhiều cô phải bươn chải ra ngoài. Tương lai hồng lẫn cạm bẫy đen tối luôn rải theo bước chân người đẹp.

          Buổi tối mùa thu ở thành phố biển, tôi được mời đi chiêm ngưỡng nhan sắc mỹ nhân ở một thế giới khác. Đêm vũ trường dập dìu người đẹp. Cô gái mời rượu tôi có mái tóc nhuộm vàng xõa rũ trên bờ vai trắng mịn. Đôi chân thon dài ẩn giấu hờ hững trong chiếc váy ngắn mỏng dính. Khác hẳn với lúc quay cuồng theo nhạc rock, cô nhẹ nhàng tâm sự với tôi về giấc mộng làm người mẫu không thành. Gương mặt xinh đẹp đã mờ hằn vết mệt mỏi của những đêm quay cuồng trên sàn nhảy, nhưng đôi mắt to tròn vẫn ánh lên lấp lánh khi nói về những giấc mơ trên sàn diễn...

          QUỐC VIỆT

          Comment


          • #6
            Kinh đô mỹ nhân


            Ảnh: TRƯƠNG VỮNG

            TT - Kinh thành Huế xưa nay luôn được mệnh danh là “kinh đô của các mỹ nhân”, là nơi các đấng quân vương, tao nhân mặc khách ngẩn ngơ dừng bước từ hàng trăm năm qua. Bao nhiêu năm qua đi, dường như hương sắc Huế đó vẫn chưa phai bao giờ...

            Quân vương và thiếp

            “Nói về người đẹp cố đô Huế, không thể không nhắc lại chuyện xưa. Biết bao nhiêu bậc quân vương các triều Nguyễn đã phải si tình, nhỏ lệ vì mỹ nhân đất này” - nhà nghiên cứu Huế học Nguyễn Đắc Xuân nói.

            Chuyện tình của cựu hoàng Duy Tân và bà Mai Thị Vàng (Hoàng quí phi) - con gái của quan phụ đạo Mai Khắc Đôn, thầy dạy của vua Duy Tân ở thôn Kim Long - vẫn được nhiều người đời sau truyền tụng như là gương nhan sắc và tiết hạnh của con gái xứ kinh kỳ.

            Năm vua Duy Tân được 16 tuổi, hoàng mẫu Nguyễn Thị Định chuẩn bị nạp phi (tuyển cung phi vào nội thành) cho vua. Một danh sách dài hàng chục cô gái đài các thuộc dòng dõi hoàng tộc quyền quí được dâng lên, nhưng Duy Tân chỉ chọn nàng Mai Thị Vàng ở thôn Kim Long và phong nàng làm Hoàng quí phi.


            Hoàng Thị Lê Phương - hoa khôi "Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam 2006" - Ảnh: THÁI LỘC

            Công cuộc kháng Pháp bất thành, vua Duy Tân bị Pháp đày đi đảo Réunion. Người thân ông mang theo chỉ có hoàng mẫu, Hoàng quí phi, em gái vua và vài người nữa, nhưng ba năm sau tất cả đều về nước vì không thể chịu nổi thổ nhưỡng nơi xứ người.

            Khi vị cựu hoàng ở đảo xa gửi về tờ giấy ly hôn và một lá thư cho hội đồng hoàng tộc thuận để Hoàng quí phi có thể đi bước nữa vì nàng mới 26 tuổi, nhưng Hoàng quí phi vẫn quyết định sống cùng chiếc bóng để thủ tiết thờ chồng đến chết.

            Huế trải qua bao năm thịnh suy cùng các triều Nguyễn luôn tự hào là miền đất có nhiều mỹ nhân cung tiến cho vương triều. Đặc biệt là làng Kim Long với cảm tác của vua Thành Thái: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”.

            Bên dòng sông Hương hiện còn có ngôi phủ của Vĩnh quốc công Nguyễn Hữu Độ. Ông là một trong những người có diễm phúc làm bố vợ của nhiều vị vua và hoàng tử. Ông có ba cô con gái sắc nước hương trời, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga được vua Thành Thái đưa vào cung và sắc phong làm Huyền phi, sinh hạ được hai người con.

            Huế còn có Vỹ Dạ, An Ninh, Phong Điền và nhiều địa danh khác đã đi vào tình sử các triều vua Nguyễn. Nhiều người Huế vẫn còn nhớ câu chuyện vua Thành Thái đêm đêm đã giả trang về làng An Ninh (gần làng Kim Long) để tìm mỹ nữ không chỉ đẹp mà còn khỏe mạnh để bí mật lập đội nữ binh riêng. Đội này đông đến gần 100 cô. Họ sống trong triều vừa là cung nữ, vừa tập luyện binh bị, xe tơ dệt vải để chờ ngày khởi binh chống Pháp, nhưng cuối cùng mưu sự bất thành.

            “Thấy cô gái Huế…”

            Kim Long dọc theo bờ dòng sông Hương được gọi là “thôn của các mỹ nhân”, một thời đã làm điên đảo trái tim bao đấng quân vương, đến nay vẫn bình yên với những nhà vườn, những tường thành cổ kính, mái ngói bàng bạc màu rêu phong. Các nữ sinh thướt tha áo dài trên đường đến trường để lại phía sau bao ánh mắt luyến lưu dõi theo của các chàng trai.

            Hoàng Thị Lê Phương - hoa khôi cuộc thi “Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam năm 2006” - đang theo học năm 3 khoa đồ họa, mỹ thuật Đại học Nghệ thuật Huế với ước muốn sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Lê Phương nói rằng cô không quan tâm nhiều đến nét đẹp bên ngoài, vì cái đẹp lớn nhất, đáng yêu nhất của con gái Huế là ở tâm hồn được người khác cảm nhận qua lối sống.

            Nhiều lời mời chào làm người mẫu quảng cáo đã tới tấp đến với Lê Phương ngay sau đêm đăng quang, nhưng cô sinh viên này vẫn kiên quyết từ chối để chuyên tâm học hành. Cô tin rằng tri thức sẽ làm cho thiếu nữ đẹp của Huế thời nay càng đẹp và thành công hơn.


            Hoàng Anh - cô gái Huế được giới thiệu trên poster của Festival Huế 2006 - Ảnh: T.T.D.

            Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận xét rằng cái đẹp của con gái Huế thường không biểu lộ rực rỡ ra bên ngoài mà kín đáo, tinh tế. Và những ai đã cảm nhận được nhan sắc tâm hồn này rồi thì khó mà dứt ra được sự say mê. Tiếng nói dịu dàng, vóc dáng thướt tha, bước đi mềm mại và uyển chuyển như nước sông Hương của các cô gái Huế đã hút hồn không biết bao nhiêu chàng trai. Học trò trong Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

            Với vợ chồng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, tâm hồn người đẹp Huế không chỉ có sự thùy mị, dịu dàng khuê các mà cũng có thể mãnh liệt dữ dội khi gặp hoàn cảnh. Nó như con nước sông Hương vốn êm đềm, thơ mộng nhưng cũng sẵn sàng dâng sóng cuồn cuộn khi ra đến cửa biển hay gặp bão tố.

            Nhiều người Huế có lời khen với bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà ngoại giao có cung cách ứng xử dịu dàng, sâu sắc, nhưng ẩn trong đó là sự mạnh mẽ, quyết liệt khi phải đối đầu với công việc quốc gia đại sự.

            Trước năm 1975, văn đàn Sài Gòn cũng từng nghiêng ngả dậy sóng với các tay bút nữ Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Hoàng Hương Trang… đến từ Huế. Các tên tuổi này trước khi khai cuộc bão tố văn thơ từng là nữ sinh dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh, Quốc Học của xứ Huế mộng mơ...

            QUỐC VIỆT - THÁI LỘC

            Comment


            • #7
              Nhan sắc Gò Công (kì cuối)



              TT - Đó là vùng đất hiền hòa lặng lẽ nơi miền cửa biển với những ngôi nhà cổ, dinh thự xưa và bóng dáng thiếu nữ hoài nét duyên xưa. Nhưng đất Gò Công trầm mặc lại là nơi có nhiều đệ nhất phu nhân, hoàng hậu ở miền Nam nước Việt...

              Vùng đất hai hoàng hậu


              Nhà sử học Nguyễn Phước Nghiệp (Trường ĐH Tiền Giang) cho biết xứ Gò Công tuy nhỏ, đất đai không trù phú nhưng lại sản sinh nhiều bậc phu nhân hương sắc, đức tài. Cả miền Nam thời triều Nguyễn có ba người đẹp được tiến cung và sau đó trở thành hoàng hậu thì đất Gò Công chiếm đến hai. Một là bà Phạm Thị Hằng - thái hậu Từ Dũ và hai là bà Nguyễn Hữu Thị Lan - Nam Phương hoàng hậu.

              Thái hậu Từ Dũ sinh năm 1810 tại giồng Sơn Qui, nay thuộc xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Bà là ái nữ của thượng thư bộ lễ Phạm Đăng Hưng. Thuở nhỏ rất xinh đẹp, thông minh, giỏi cầm, kỳ, thi, họa.

              Ông Phạm Đăng Được - cháu nội bảy đời của ông Phạm Đăng Hưng, hiện đang ở khu phố 2, Hòa Thôn, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông - nói: “Đức Từ Dũ rất đẹp, mới 14 tuổi bà đã được tiến cung và trở thành vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Năm 1841, khi hoàng tử lên ngôi vua lấy đế hiệu là Thiệu Trị, bà được tấn phong là hoàng phi. Bà là mẹ hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức. Vốn là người thông tuệ, bà rất chú trọng đến việc giáo dục vua con, nhất là đạo làm vua, đạo làm người. Những lời răn dạy của bà được nhà vua ghi chép thành một cuốn sách, gọi là Từ huấn lục”.


              Người đẹp Gò Công Nguyễn Hữu Thị Lan - Nam Phương hoàng hậu - Ảnh tư liệu

              Hoàng hậu thứ hai của đất Gò là Nam Phương hoàng hậu. Trước khi trở thành đệ nhất phu nhân của hoàng đế Bảo Đại vào năm 1934, bà đã ba năm liền trúng giải hoa hậu Đông Dương. Nam Phương hoàng hậu sinh năm 1914, ở làng Đồng Sơn, nay là xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Bà là người có nhân cách và nổi tiếng về đức độ.

              Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), bà vẫn sinh sống ở Huế. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ cách mạng non trẻ phát động, bà đã đến cơ quan chính quyền cách mạng tỉnh Thừa Thiên tự nguyện hiến toàn bộ nữ trang để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập của đất nước vừa mới ra đời.

              Hành động đáng quí và gương mẫu của bà đã tác động tích cực đến tinh thần hăng hái đóng góp của người dân Huế nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung.

              Cô Tấm ngày nay

              Trần Thị Kim Uyên, 23 tuổi, gương mặt tròn, miệng cười tươi, dáng mảnh mai, vừa đăng quang giải nhất hội thi “Cô Tấm ngày nay năm 2006”. Hội thi được tỉnh tổ chức hằng năm, với hàng trăm thôn nữ tham gia sơ tuyển từ 39 khóm, ấp trong thị xã Gò Công.


              Người đẹp Trần Thị Thu Trang bình dị cùng các chị, các má trên đường ra đồng - Ảnh: Quang Vinh

              Để trở thành “cô Tấm ngày nay”, các thôn nữ Gò Công phải hương sắc và đức hạnh vẹn toàn. Uyên không nói nhiều về mình, chỉ thỏ thẻ: “Xóm em còn nhiều chị đẹp hơn em nhiều, sinh một hai con rồi mà vẫn đẹp như hoa hậu”.

              Những người đẹp Gò Công không cao xa, lộng lẫy. Đó là cô thôn nữ quanh năm sống với ruộng đồng Trần Thị Thu Trang - giải nhất “Người đẹp Gò Công năm 2003”, Trần Ngọc Điểm với giải “Cô Tấm có giọng hát hay năm 2006”, cô giáo tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Long Thuận Trần Hoàng Trang - á hậu “Người đẹp Gò Công năm 2003”...

              Ấp Long Phước có 264 phụ nữ thì đã có trên 30 thôn nữ đoạt được các danh hiệu nhan sắc Gò Công. Họ không kiêu kỳ, không nói những câu cao xa, lạ lẫm với sự bình dị của làng quê mà mộc mạc chân thành.

              Người đẹp Gò Công Nguyễn Phong Lan - giải “Áo dài duyên dáng tỉnh Tiền Giang năm 2000”, giải nhì “Cô Tấm ngày nay năm 2006” - hiện đang là giáo viên THCS ở thị xã Gò Công. Phong Lan ít nói về nhan sắc, mà thường nhắc đến câu chuyện ơn nghĩa sinh thành: “Đến bây giờ em cũng chưa biết cha mẹ ruột của mình là ai. Mẹ em bây giờ là một nữ hộ sinh của bệnh viện huyện, thấy em bị bỏ rơi đã đem về nuôi. Em được chăm sóc trong tình yêu thương còn hơn cả mẹ ruột, mọi người khen em đẹp không đúng đâu, mẹ em mới là người đẹp nhất”.

              QUANG VINH


              Người đẹp Phong Lan - cô giáo THCS ở thị xã Gò Công - Ảnh: Quang Vinh

              Đất Gò Công đã chuộng và tôn vinh sắc đẹp từ rất lâu. Ở Tăng Hòa (Gò Công Đông) hiện vẫn còn một ngôi mộ khắc ghi phần mộ của “hoa hậu tỉnh Gò Công” - bà Nguyễn Thanh Tùng (1919-1951).

              Ông Nguyễn Văn Chín, em của “hoa hậu Gò Công”, cho biết ngày trước các quan lại trong vùng vẫn thường tổ chức hội thi hoa hậu người đẹp, còn gọi là “hội thi đấu sắc đẹp”, người của làng đến từng nhà tuyển mộ người đẹp đại diện cho làng ra tỉnh thi.

              Làng của ông Chín đã may mắn đoạt hai giải nhất, nhì hoa hậu tỉnh Gò Công.

              Comment


              • #8


                HK nhìn hoài không biết CDX nói người đẹp là ai. Nó rỏ ra đứng ở đâu??, chứ đưa cái hình này ,ai cũng giống nhau quá, khó mà phân biệt được
                "Life is like a river, let it flow.
                Cuộc đời giống như một dòng sông. Cứ để nó trôi."

                Comment


                • #9
                  Với HK thì khỏi vì ai cũng đẹp trong mắt HK miễn sao đó là female là HK chơi tuốt D

                  Comment


                  • #10
                    Nói bậy đi, làm thần tượng mấy cô trong đây xụp đổ là Langbam hết chổ sống á
                    "Life is like a river, let it flow.
                    Cuộc đời giống như một dòng sông. Cứ để nó trôi."

                    Comment


                    • #11
                      Sự thực mừ D có sao nói dzị á D, thôi chạy lẹ để u đầu D

                      Comment


                      • #12
                        woo phải lên miền sắc tộc kiếm vợ....

                        Comment


                        • #13
                          Dưa chấm người đẹp áo tím á

                          Comment

                          Working...
                          X