CÂY MUỐI Ở HUẾ LÀ CÂY GÌ?
Đỗ Xuân Cẩm
Đỗ Xuân Cẩm
Lâu nay, khi tìm hiểu về những con đường ở Huế đã từng một thời mang tên cây, người ta thường bắt gặp đường Hàng Đoác (nay là Đống Đa), đường Hàng me (nay là Phạm Ngũ Lão), đường Phượng Bay (mãi đến bây giờ vẫn có hai luồng ý kiến, một cho rằng đó là đường Lê Duẩn, đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Bạch Hổ, và một cho rằng đó là đường Đoàn Thị Điểm)... Tôi cũng không dám cả quyết được rằng ý nào khớp với thực tế ngày xưa, bởi lẽ mãi đến năm 1959, khi cắp sách vào lớp 6 trường Hàm Nghi tôi mới bắt đầu tiếp cận được hai con đường này. Nhưng trong kí ức tôi vẫn còn in rất rõ, suốt bốn năm học, hằng ngày rảo bộ đến trường dọc hết con đường Đoàn Thị Điểm, dưới hai hàng cây muối tỏa bóng mát rười rượi, một kỷ niệm tuổi học trò đã hình thành trong tôi, đó là những cuộc tập trận bằng súng hóp bắn đạn trái muối xanh, vừa bắn vừa nhấm nhi một cách thú vị... Và lúc ấy, thật ra chúng tôi cũng chẳng nghe được người lớn gọi con đường này là Phượng Bay hay Hàng Muối, mà chính bọn chúng tôi đã tự đặt cho nó cái tên đường "Hàng Muối" để tiện hẹn hò hái trái tập trận.
Rồi cái tên đó cũng đã đi vào lãng quên khi chúng tôi kết thúc cấp học, mỗi đứa một phương. Đến ngày vào Đại học, khi tiếp cận học phần phân loại học thực vật, tôi lại có dịp tìm hiểu trở lại cây muối, nhưng dưới những cái tên hoàn toàn xa lạ với Huế nhưng phổ biến hơn đối với cả nước, đó là nhội, nhội tía, bích hợp..., và sau này bước chân đến đất Quảng Bình, tôi lại được biết thêm một tên mới rất địa phương, như người Huế gọi muối vậy, đó là lội.
Muối là một loài cây gỗ lớn rụng lá theo mùa, lá kép 3 lá chét với kích cỡ và sắc màu thay đổi tùy thuộc vào môi trường đất nơi nó sống và luôn chuyển thành màu đỏ trước lúc rụng rơi. Những nơi đất dày, ẩm mát, lá muối dày và lớn, màu xanh thẫm; ngược lại ở những nơi đất cằn và khô lá muối mỏng hơn, màu xanh vàng. Ở Huế, cây muối được trồng làm cây bóng mát rất sớm, nhiều cây đến nay đã trở thành cổ thụ. Vì cây dễ trồng, lại tỏa bóng tốt, kiểu dáng cây và vòm tán đẹp nên nó được trồng khá nhiều trên các vỉa hè đường phố và công viên, công sở... chứ không riêng gì ở đường Đoàn Thị Điểm. Gần đây, Trung tâm Công viên Cây xanh cũng đưa trồng ở vỉa hè của một số đoạn đường mới cải tạo, bước đầu tạo thành dải thuần loại khá đẹp như ở đường Hùng Vương chẳng hạn. Khuôn viên công sở, trường học cũng là nơi thường có nhiều cây muối, điển hình là ở trường Quốc Học và Hai Bà Trưng hiện còn những cây muối cổ thụ to cao hơn hẳn cây ở các trục đường.
Muối thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) với tên khoa học là Bischofia trifoliata, hay còn được gọi là Bischofia javanica; tên tiếng Anh là Bishop wood, Java wood, Java cedar; phân bố tự nhiên ở Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài khả năng tỏa bóng, cải thiện môi trường và tôn tạo cảnh quan đô thị, muối còn có nhiều tác dụng hữu ích khác nữa.
Lá muối chứa nhiều vitamin C, caroten và nhiều chất dinh dưỡng khác, nhiều nơi người ta dùng chồi non, lá non làm rau để xào hoặc nấu canh ăn, cũng có nơi người ta dùng lá để ăn gỏi cá. Lá già và vỏ thân có chứa nhiều tanin được dùng để nhuộm hoặc sắc lấy nước để ngâm chữa được mụn nhọt, lở loét, khí hư, viêm ngứa âm đạo. Lá khô sắc uống chữa được tiêu chảy; ngậm trị được răng, lợi sưng đau, viêm họng.
Ở Trung Quốc, lá muối được dùng để điều trị viêm nhiễm đường tiêu hóa, cam tích ở trẻ em, viêm hầu họng, cũng dùng ngoài để trị mụn nhọt, lở ngứa; vỏ thân và rễ được dùng trị phong thấp.
Quả muối cũng có nhiều vitamin C, ăn được, khi còn xanh ăn hơi chua chua, khi chín ăn ngọt, tuy nhiên thịt quả rất mỏng nên chỉ có trẻ con dùng ăn chơi.
Gỗ muối màu đỏ, thớ mịn, nặng và bền, chịu nước, không bị mối mọt, dùng làm cầu, đóng tàu thuyền, xe cộ, làm trụ mỏ, cột nhà, ván sàn...
Muối là loài cây quen thuộc, thường mọc tự nhiên ở ven khe suối, dễ nhân giống bằng hạt, sinh trưởng nhanh, thích tầng đất dày, ẩm mát và ưa sáng. Đây là một nguồn gen thích hợp góp phần lục hóa đô thị, cần có những nghiên cứu cụ thể nhằm thiết kế trồng không chỉ để tạo bóng và tôn tạo cảnh quan cho vỉa hè đường phố, công viên mà cho cả khuôn viên công sở, trường học...
Thank you so much for your share
Comment