VƯƠNG TÙNG
Loài cây cảnh hùng vĩ được ưa chuộng
Tác giả: Đổ Xuân Cẩm
Vương tùng là một loài cây gỗ lớn, thường xanh, dạng hình chóp nón, hình thái hùng vĩ, là một trong số 19 loài thuộc chi Araucaria, họ Araucariaceae, trong ngành Thực vật hạt trần, phân bố chủ yếu ở New Caledonia, đảo Norfolk, miền Đông Australia, New Guinea, Argentina, Chile, Nam Brazil. Một số loài được xem là cây kinh tế quan trọng vì cho gỗ tốt và cho hạt ăn được, một số loài được chọn làm cây cảnh quan do có hình thái đẹp, bắt mắt, được trồng làm cảnh rộng rãi ở nhiều vùng trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, loài được nhập trồng rất sớm ở Bảo Lộc là Araucaria columnaris, là loài có tán lá đẹp, cành mọc vòng tạo thành rất nhiều tầng tán nên còn được gọi là tùng bách tán; cành cấp hai của cây mang rất nhiều lá mọc san sát nhau, hợp với cành tạo ra những cột thẳng, do vậy mà trong tên khoa học có tính ngữ columnaris.
Tùy điều kiện đất trồng mà cây có thể cao từ 4 đến 25 mét, ở vùng nguyên sản ( New Caledonia ) nhiều cây cao đến 60 m. Do loài này có kiểu tầng tán phân bổ như dạng chữ vương (王) nên đã có tên là vương tùng. Có người giải thích, đây là một loài tùng có dáng dấp uy nghi nên đã được gán cho chữ vương (vua). Tên tiếng Anh là Cook pine, do nó được các nhà khoa học công nhận có nguồn gốc ở đảo Cook (nằm trong vùng Nam Thái Bình Dương, ở phía Đông Bắc Australia ). Do ở nước ta, cây rất khó ra nón (cơ quan sinh sản), nên muốn nhân giống, chúng ta phải nhập khẩu hạt hoặc giâm cành hay chiết cành. Tuy nhiên, việc giâm hay chiết cành không đơn giản như ở nhiều loài cây xanh khác. Muốn cành giâm hay cành chiết trở thành cây có tầng tán bình thường sau này thì vật liệu phải là cành cấp một. Có thể lợi dụng hiện tượng tái sinh tự nhiên của các chồi ngủ khi cây bị ảnh hưởng của thiên tai hoặc chủ động dùng kỹ thuật xuân hóa để tạo ra hàng loạt chồi tái sinh từ các chồi ngủ để làm vật liệu giâm hay chiết.
Do cây có dáng thế đẹp, hùng vĩ nên thường được chọn trồng đơn lẻ từng cây hoặc trồng thành từng cụm 3-5 cây hoặc trồng thành hàng ở các tiền sảnh, công viên, dọc đại lộ, trồng tạo hàng rào xanh cho các lối đi vào biệt thự, làm cột xanh để tôn tạo các công trình cao tầng hoặc trồng chậu làm cây bonsai.
Điều cần lưu ý là, đây là loài ưa sáng toàn phần lúc trưởng thành, chỉ phát huy tiềm năng mỹ thuật khi trưởng thành ở những nơi không bị che chắn. Không chú ý điều này, cây sẽ bị cong vênh, lệch tán thậm chí nghiêng ngả làm mất vẻ đẹp vốn có của nó. Đã có nhiều trường hợp, cây được trồng thành hàng trước một cao ốc, cây đổ người về một phía, nhìn không đẹp, lúc gặp gió bão rất dễ đổ ngã. Khi trồng trong chậu cũng vậy, lúc cây còn nhỏ có thể để nơi rợp bóng, thậm chí còn được xem như cây trang trí nội thất, nhưng khi cây trưởng thành, muốn cây mọc thẳng và ra tán đều thì cũng phải đặt chậu cây nơi có ánh sáng toàn phần. Trong trường hợp muốn dùng cây để trang trí nội thất thì nên luân phiên chuyển chỗ, xoay chậu để ánh sáng chiếu đều khắp tán cây. Tốt nhất là thỉnh thoảng đưa cây ra sáng một thời gian rồi đưa trở lại nơi chưng làm cảnh. Nếu có điều kiện thì nên tạo ra hai bộ để thay đổi. Cây mọc tốt ở vùng đất pha cát hoặc cát dày, chịu được mặn và gió, nên cũng có vài nơi đưa trồng dọc bờ biển.
Thời gian gần đây, một loài vương tùng có dáng dấp tương tự được nhập nội, với tên tiếng Anh là Norfolk pine, có nguồn gốc ở đảo Norfolk . Loài này thường có chiều cao vượt trội (50-70 m) so với nhiều loài trong chi Araucaria nên có tên khoa học là Araucaria exelsa (exselsa: cao), cũng được chọn trồng ở những địa điểm ngoại thất hay trồng chậu như loài trên. Trong điều kiện địa lý ở nước ta, do cây không cho nón, nên để phân biệt loài này với loài trên phải dựa vào hình thái lá. Ngoài ra, một loài thường được trồng chậu, lúc đầu xuất hiện ở Đà Lạt, với cành và lá mảnh mai hơn hẳn 2 loài trên, tầng tán cũng thưa thớt, đang trên đà phát triển rộng rãi khắp nước ta là Araucaria cunninghamii cũng được các nghệ nhân cây cảnh gọi là vương tùng.
Ở Huế, vương tùng cũng được nhiều người ưa chuộng, được xem là một trong những loài cây xanh cao cấp, có thể bắt gặp ở nhiều địa điểm từ nội hạt thành phố;đến các vùng ven.
Thank you so much for your share and thank you photoghraphers
Comment