Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Hàng năm cứ vào cuối thu...

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hàng năm cứ vào cuối thu...

    Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại ray rứt những kỷ niệm gian nan của việc... chạy trường.

    Trong sân trường THPT Lê Quý Đôn có pho tượng một người đàn ông khăn đóng, áo dài - tất nhiên đó là tượng Lê Quý Đôn. Một đêm cuối tháng tám, pho tượng bỗng rùng mình mấy cái, hóa thành người thật - người ấy dĩ nhiên cũng là cụ Lê Quý Đôn.

    Cụ bước ra giữa sân trường ngửa mặt lên trời hú lên một tiếng dài rất bi phẫn. Tức thì ở phía Tây có tiếng hú trả lời, rồi hai bóng người xuất hiện. Cả hai đều mắt xanh, da trắng, tóc vàng, hiển nhiên đều là người Tây dương.

    Một người hỏi cụ: - Đêm khuya khoắt, có việc gì mà Lê huynh gọi chúng tôi gấp dữ vậy?

    - Hôm nay, tôi mời nhị huynh đệ đến để giao trả lại cái tên của ngôi trường này. Hoặc là Liệp Lang huynh, hoặc là Lư huynh, ai nhận lại thì lấy tên vị ấy thay cho tên tôi trên bảng tên trường.

    Nguyên hai ông Tây mới đến, một người là De Chasseloup Laubat, thường gọi là Xách-xờ-lu, phiên âm Hán Việt là Liệp Lang Lã Bố - Bộ trưởng Bộ Hải quân dưới triều vua Napoléon III. Ngôi trường này mang tên ông ta trong suốt thời kỳ Pháp thuộc.

    Ông Tây thứ hai là đại văn hào kiêm triết gia lừng danh thế giới, tên Jean Jacques Rousseau phiên âm là Lư Thoa. Tên ông được thay thế tên Xáchxờ- lu cho đến sau ngày giải phóng (tháng 4-1975) thì đổi thành trường Lê Quý Đôn. Đại danh của ba vị nói trên gắn liền với thanh danh của nhà trường từ đầu thế kỷ 20 cho đến ngày xảy ra vụ cô giáo Hòa nhận tiền chạy trường bị đổ bể. Lư Thoa hỏi:

    - Có phải Lê huynh buồn vì chuyện bà cô giáo nào đó ăn hối lộ 2.000 đô bị tố cáo chăng? Vụ đó theo bà hiệu trưởng trường này đánh giá thì không có gì nghiêm trọng. Vả lại bên A cũng đã trả lại tiền cho bên B gần đủ rồi mà!

    - Tiền nuốt không trôi tất phải nôn ra, nhưng còn danh dự của Lê Quý Đôn này bị bôi đen, làm sao trả lại được đây? Hơn nữa, ai cũng biết rằng những trường hợp bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm hẳn phải lớn như quả núi, sao bà hiệu trưởng ấy cho là không nghiêm trọng?

    Liệp Lang Lã Bố nói: - Người Pháp chúng tôi có câu tục ngữ: “Một con chim én không làm nổi mùa xuân”. Người Việt Nam cũng có câu: “Một cây làm chẳng nên non...”, và “Muốn làm giàu phải có đào có kép”. Vậy thì một mình cô giáo Hòa kia làm sao bôi trơn được các khâu thủ tục để đưa những đứa học sinh con nhà giàu học kém vào được trường này? Hẳn phải còn ai đó trong đường dây chạy trường. Ai?

    Lư Thoa tiếp lời: - Hỏi thật Lê huynh: Cứ mỗi một phi vụ làm ăn trót lọt, bọn chúng chia cho huynh bao nhiêu? Đừng có nói với chúng tôi cái điệp khúc: “Không nghe, không thấy, không biết” nhé, ma nó tin!

    Lê Quý Đôn nổi quạu: - Thế chúng có chia cho nhị vị huynh đệ không ? Muốn làm ăn, phải có con dấu và chữ ký, mà tôi không phải là hiệu trưởng làm sao có được những thứ đó? Cả ba chúng ta bất quá chỉ có cái hư danh để bọn chúng lợi dụng như một thương hiệu mà thôi.

    Lư Thoa mỉm cười: - Lê huynh bớt giận. Tôi hỏi câu vừa rồi chẳng qua để trắc nghiệm một chuyện. Quả nhiên Lê huynh không nằm trong đường dây chạy trường nên mới nổi nóng như thế. Còn nếu Lê huynh bị tố cáo mà vẫn không dám nổi giận, không thi hành kỷ luật kẻ vu khống mình, lại cho là “vấn đề không nghiêm trọng”... thì... hà... hà! Cái đó kêu bằng ăn xôi chùa ngọng miệng, buộc lòng chúng tôi phải điều tra Lê huynh tới nơi tới chốn.

    - Nếu tôi có lòng tham ô, tất đã ngậm miệng ăn tiền chứ có đâu bức xúc đến phải trả tên trường lại cho nhị vị...

    - Lê huynh có trả tên, chúng tôi cũng không thể nhận. Bộ tưởng chỉ có Lê huynh biết trọng danh dự sao? Đừng chơi kiểu “đánh bùn sang ao” chứ?

    Liệp Lang Lã Bố đưa ra một sáng kiến: - Nghe nói giá sàn của mỗi vụ chạy trường ở đây là 14 triệu. Hay là mình kiến nghị đổi tên trường này là Trường THPT số 14?

    Hai ông Tây phá ra cười, riêng cụ Lê thì không cười nổi. Cụ bưng mặt chạy về phía pho tượng rùng mình một cái nhập thân vào đó, lại hóa đá như cũ. Hai ông Tây cũng biến mất. Đêm trước ngày khai trường có một cơn mưa lớn, nước mưa đọng lại trên khuôn mặt pho tượng thành dòng như nước mắt.

    Sáng hôm sau, học trò đến làm lễ khai giảng thấy thế bảo nhau rằng cụ Lê Quý Đôn khóc. Lại có ai đó đưa ra ý kiến: Hay là đổi tên trường Lê Quý Đôn thành Lệ Quý Đôn!
Working...
X