Phùng Quán (1932–1995) là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam, bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc chiến tranh Đông Dương và khẳng định được văn tài với Vượt Côn Đảo nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Ông là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu, nhưng trong tác phẩm "Ba phút sự thật", thì ông nói rằng gọi "cậu" là do thói quen, thực ra Tố Hữu là bác của Phùng Quán theo cách nói của người miền Bắc.
Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).
Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.
Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui"[1].
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe...
Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội. Năm 2010, sau khi vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về án táng tại quê nhà: xã Thủy Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm[2].
Tác phẩm
- Vượt Côn Đảo, Tiểu thuyết, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007
- Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Thơ, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007
- Tuổi thơ dữ dội, Tiểu thuyết, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1987 - Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
- Thơ Phùng Quán, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995
- Trăng hoàng cung, Tiểu thuyết thơ, Nxb Thanh Văn, USA 1993. Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản Trăng hoàng cung & Phùng Quán viết Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán & Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh) kể về những câu chuyện xung quanh thi phẩm này.
- Phùng Quán, Thơ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2003
- Ba phút sự thật, Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009
- Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
- Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
Comment