Mấy chục năm qua, cả ở trong và ngoài nước, đã có nhiều người viết về Vũ Hữu Định cùng bài thơ Còn một chút gì để nhớ của ông.
Về tác giả, Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế, từng sống ở nhiều nơi, trong đó có Tây Nguyên, lập gia đình và định cư tại Đà Nẵng. Ông làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Trước 1975, Vũ Hữu Định là cán bộ xây dựng nông thôn; sau giải phóng, ông làm công nhân điện lực. Một đêm trăng tháng Giêng năm 1981, tại làng An Hải, bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, Vũ Hữu Định qua đời vì ngã từ trên lầu xuống.
Trong tập Còn một chút gì để nhớ, theo những người bạn cùng thời thì Vũ Hữu Định ra đi, đã để lại rất nhiều bài thơ chưa kịp in ấn thành tập - kể cả những bài khá nổi tiếng. Vì vậy, bạn bè ông viết tiếp: “Chúng tôi là những bạn bè, những người yêu mến Vũ Hữu Định góp lòng in tập thơ này như một nén hương tưởng niệm đến một con người tài hoa, lang bạt và có đời sống rất thơ”. Về nội dung thơ Vũ Hữu Định, trong cuốn sách Thơ Vũ Hữu Định toàn tập, người giới thiệu cho biết: “Thơ Vũ Hữu Định quay quanh các chủ đề: quê nhà, tình bạn, tình yêu trong khát vọng một không gian rộng rãi”.
Về bài thơ, tên của tác phẩm này trong các cuốn sách được dẫn ở trên, đúng như chúng tôi đã viết - Còn một chút gì để nhớ. Chứ không phải như trong một số trường hợp, có người đã thể hiện khác với tiêu đề vốn có của nó, ví dụ: Một chút gì để nhớ hoặc Còn chút gì để nhớ…
Tương tự như trên, một vài câu, từ trong bài cũng có sự thể hiện không giống với những tài liệu mà chúng tôi hiện có. Có thể nêu một ví dụ (không viết hoa từ nào):
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
Từ “da” trong dòng thơ thứ hai là đúng, thay vì sai như đôi khi được viết thành “nên” (nên em mềm như mây chiều trong).
Dòng cuối của bài thơ này sinh thời được tác giả viết là còn một chút gì để nhớ để quên, như các tài liệu hiện có. Nhưng đôi khi đã được “chuyển” thành còn một chút gì để nhớ để thương.
Hai tập sách chúng tôi đang có trong tay cũng thể hiện sự không thống nhất vài từ ngữ (bên đồi và trên đồn) khi in lại bài thơ nổi tiếng nhất của Vũ Hữu Định viết về Pleiku.
Bản in 1996 tại Việt Nam:
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
Bản in 2006 ở nước ngoài:
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên
Cuối cùng, cần nói thêm là văn bản Còn một chút gì để nhớ được trình bày trong các cuốn sách mà chúng tôi hiện có, có một vài điểm “lạ” về chính tả, cụ thể là sự viết hoa và dấu câu (không chỉ trong một bài này). Nếu không kể tiêu đề bài thơ (có bản in chữ in hoặc in hoa có bản in chữ thường) và từ “Pleiku” được viết hoa (ở dòng thơ em Pleiku má đỏ môi hồng), không có từ nào trong bài nào được viết hoa. Một điểm “lạ” nữa là bài thơ này không sử dụng bất kì dấu câu nào (không chấm, phẩy), kể cả cuối câu kết bài (đối với bản in 2006) và có duy nhất một dấu chấm câu ở vị cuối bài (đối với bản in 1996).
Pleiku là đô thị trẻ trên cao nguyên, mặc dù vậy, đây cũng là một trong những miền đất có sức hấp dẫn đối với nhiều người làm nghệ thuật. Bài Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định (và bản phổ nhạc của Phạm Duy) có thể được xem là một trong những dấu ấn đáng kể về thơ ca của thành phố này trong vòng mấy chục năm qua. Cũng vì sự yêu mến nó, mà người ta đã vô tình hoặc cố ý tạo ra thêm một số “dị bản”. Đó vừa là một sự thú vị lại cũng vừa là “một chút”… rắc rối cho những “anh khách lạ” yêu thơ đã và đang sống tại thành phố Pleiku ngày nay.
Nguyễn Quang Tuệ
Còn một chút gì để nhớ
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cám ơn thành phố có em
xin cám ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
Vũ Hữu Định.
Còn một chút gì để nhớ
Thơ Vũ Hữu Định - Nhạc Phạm Duy - Trình bày : Ý Lan
Comment