Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Đường Thi.

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Đằng vương các tự - Vương Bột

    Lạc hà dữ cô vụ tế phi
    Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc
    ( . . . )
    Đằng vương cao các lâm giang chử
    Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
    Hoạ đống triêu phi Nam phố vân
    Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
    Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
    Vật hoán tinh di kỉ độ thu
    Các trung đế tử kim hà tại ?
    Hạm ngoại trường giang không tự lưu

    Dịch nghĩa :

    Ráng chiều với cánh cò lẻ cùng bay
    Nước thu cùng trời dài một sắc
    ( . . . )
    Toà lầu Đằng Vương cao ngất bên bãi sông
    Đeo ngọc rung chuông ngừng hát múa
    Buổi sớm mây từ của bể Nam bay quanh nóc nhà chạm vẽ
    Buổi chiều, rèm son cuốn , (thấy) cảnh mưa ở núi phía Tây
    Mây lơ lửng, đầm lồng bóng, chuỗi ngày dài dặc trôi
    Vật đổi sao dời, thu qua bao độ ?
    Con vua trong gác nay thấy đâu ?
    Ngoài hiên, sông dài cứ chảy hoài .

    Chú thích : Đằng Vương là tước hiệu của Lí Nguyên Anh, con vua Đường Cao Tổ, Lí đã dựng một toà lầu ở Nam Xương, bên sông Tầm Dương, gọi tên là Đằng Vương các (các= gác= lầu)
    dịch thơ :
    Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
    Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu ?
    Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
    Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
    Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
    Mấy phen vật đổi với sao dời
    Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá ?
    Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài !
    (Tương Như dịch)

    Chú thích : Đằng Vương là tước hiệu của Lí Nguyên Anh, con vua Đường Cao Tổ, Lí đã dựng một toà lầu ở Nam Xương, bên sông Tầm Dương, gọi tên là Đằng Vương các (các= gác= lầu)
    dịch thơ :
    Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
    Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu ?
    Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
    Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
    Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
    Mấy phen vật đổi với sao dời
    Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá ?
    Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài !
    (Tương Như dịch)

    Lai lịch và giai thoại Vương Bột :
    Vương Bột tự là Tử An , 16,17 tuổi đã nổi tiếng thần đồng, hạ bút thành thơ. Cha Vương Bột làm thứ sử Giao Châu (Việt Nam), anh đi thăm cha , bị đắm thuyền chết ngoài biển, yểu thọ với 29 tuổi.
    Bài thơ trên trích ra từ bài phú thể biền ngẫu (cũng gọi là bài “Tự” hoặc Tựa) là “ Đằng Vương các tự” nhân dịp một bữa tiệc lớn được tổ chức ở Đằng vương các. Vương Bột đọc theo yêu cầu của chủ nhân. Bài phú được mọi người tán thưởng, thán phục tài hoa của chàng thi sĩ trẻ . Nhưng về sau có người chê rằng “hai câu thơ đầu còn có chỗ dở”. . . Truyền thuyết kể rằng sau khi chết, hồn Vương Bột còn uất ức vì chưa hiểu tại sao người ta chê thơ mình nên đêm khuya thanh vắng thường hiện hình trên bãi biển, níu áo những văn nhân sĩ tử qua đường, miệng ngâm hai câu thơ trên và hỏi “ta dốt ở chỗ nào xin chỉ giúp” . Nhưng ai cũng chỉ khen hay. Hồn Vương không hài lòng, mắng sĩ tử kia còn dốt hơn, đi thi khoa này ắt không đậu . Quả thật mấy người bị mắng đều thi rớt . Hồn Vương Bột sau đấy vẫn cứ dật dờ trên bãi biển.
    Ngày nọ có một văn nhân đi ngang qua đấy, hồn ma Vương Bột lại hiện hình níu áo hỏi . Chàng văn nhân cười bảo : “ Nhà người từng nổi tiếng “tứ kiệt Sơ Đường” mà bao năm không nhận ra cái dốt của mình ư ? ” . Nói xong dứt áo quay đi . Hồn Vương tha thiết nài nỉ khách giải thích . Khách văn nhân nghĩ chẳng đành phụ lòng cố thi nhân họ Vương bèn nói : “ Hai câu thơ thừa chữ “ dữ” (với) và “ cộng” (cùng) . Nếu bỏ hai chữ ấy thì câu thơ thật tuyệt, gọn và thanh thoát lại liền mạch :
    Lạc hà cô vụ tề phi
    Thu thuỷ tràng thiên nhất sắc
    Hồn Vương Bột ngẩn người hiểu ra, bèn bái tạ vị khách qua đường … Từ đó không ai còn nhìn thấy bóng ma nhà thơ trẻ tài hoa Vương Bột xuất hiện nữa.
    Lời bàn:
    Chao ôi, sao lại có câu chuyện luỵ văn chương bi thiết mà thú vị đến thế !
    Vì sao bao người khen bài thơ hay mà không nhận ra hai từ dư thừa. ? Người chê Vương Bột sao lại chẳng chịu nói ra ? Bỉ nhân cho rằng cái tài năng lập ý, chọn cảnh vật đã cao siêu đến nỗi nó lấn át hai giới từ dư thừa (dữ, cộng) khiến nhiều người không biết. Cho hay, văn chương chẳng biết đâu là bến bờ hoàn hảo. Thi sĩ Vương Bột chết thành ma vẫn trăn trở không thể siêu thoát được. Hồn ma ông vẫn muốn làm cho câu thơ được toàn bích. Câu chuyện sáng tạo văn chương công phu như thế thực là kỳ thú lắm !


    ST
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #17
      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

      Comment


      • #18
        Đề hoa cúc - Hoàng Sào

        Đề cúc hoa

        Táp táp tây phong mãn viên tài
        Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
        Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
        Báo dữ đào hoa nhất xứ khai


        Viết về hoa cúc

        Gió tây thổi ào ạt trong vườn hoa mới nở
        Nhị khô hương lạnh bướm khó bay đến
        Năm khác nếu ta làm chúa xuân
        sẽ truyền cho hoa đào nở ở cùng một chỗ đây.


        Vi vút đầy vườn thổi gió tây,
        Nhuỵ rầu hương lạnh bướm khôn bay.
        Nếu xuân năm tới ta làm chúa,
        Truyền với hoa đào nở khắp đây.
        (Khương Hữu Dụng dịch)
        Chú thích :
        Vì không có bản Hán văn trong tay, người soạn bèn tự phiên âm ngược từ Việt ngữ sang Hán ngữ .
        Lời bàn :
        Lại một kiểu thơ ngôn chí của người anh hùng thất thế Hoàng Sào. Bài tứ tuyệt ngụ ý chí hướng lớn lao của Hoàng Sào, không thể nói rõ ý đồ mà phải giấu trong hình ảnh một vườn hoa dưới thời tiết lạnh buốt khắc nghiệt làm mất mùa hoa . Thời này văn nghệ tự do nên bài thơ trên được truyền tụng . Nếu vào thời Minh và nhất là Mãn Thanh thì do tinh thần cảnh giác cao độ của giai cấp thống trị ắt hẳn Hoàng Sào chưa kịp khởi nghĩa đã bị bắt giam theo luật hình ngục văn tự .
        Gợi ý tiếp tục tìm hiểu : Vì sao nhà thơ đang thương tiếc hoa cúc gặp phải thời tiết xấu sớm chịu tàn phai lại chuyển sang hoa đào ở câu kết vậy ? Cần so sánh hai loài hoa này. Hoa cúc bình thường, dân dã, nở mùa thu - đặc trưng cho mùa này. Hoa đào đại diện vẻ đẹp mùa xuân . Phảichăng bài tứ tuyệt này là lời hứa của thi nhân anh hùng Hoàng Sào muốn thay trời đổi đất, quyết tâm đem lại cảnh sắc hạnh phúc hơn nữa cho mọi người. Hoa cúc, hoa đào còn là hình ảnh tượng trưng cho con người mà nhà thơ anh hùng tự nhận vai trò chúa Xuân (Thanh đế) để ban phát sự sống cho tất cả loài hoa .


        ST
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment


        • #19
          Điểu minh giản -Vương Duy

          Điểu minh giản

          Nhân nhàn quế hoa lạc
          Dạ tĩnh xuân sơn không
          Nguyệt xuất kinh sơn điểu
          Thời minh tại giản trung


          Khe chim kêu

          Người thảnh thơi hoa quế rụng
          Đêm yên lặng non xuân vắng không
          Ánh trăng ló lên làm chim núi giật mình
          thỉnh thoảng hót trong khe núi


          Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,
          Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.
          Trăng lên, chim núi giật mình,
          Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.
          (Ngô Tất Tố dịch)

          Lời bàn:
          Thi nhân Vương Duy đã đi sâu vào khe núi, hoà nhập làm một với cảnh vật. Nhà thơ như đã hoá thân vào con chim núi mà giật mình khi thấy trăng lên. (Bạn đã giật mình vì trăng lên bao giờ chưa ? Có thể vì ta chẳng để ý đón chờ trăng. Có lẽ ta bị cuốn hút vào những thứ ồn ào hào nhoáng khác) . “Giật mình” trong thơ không phải là sợ hãi, hoảng hốt. . .Khi đọc bản dịch thơ, “tiếng kêu” của con chim núi ở cuối bài thơ khiến SV làm bài bị lạc hướng. Bởi hiểu theo tiếng thuần Việt “kêu” là sợ hãi . . . Nên bám theo nguyên tác, cảm thụ theo phiên âm Hán hoặc Hán Việt là tốt nhất. “Minh” nghĩa là “cất tiếng”, biểu lộ sự thích thú ngạc nhiên, không phải là sợ hãi. Dịch là “hót” cũng được nhưng bị trái âm. Bài thơ này là một trong nhiều trường hợp chứng tỏ rằng đọc hiểu theo bản dịch thơ rất dễ bị lầm lẫn, dù rằng bản dịch thơ đã cố gắng tối đa .



          ST

          ST
          Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

          Comment


          • #20
            Đông Dương tửu gia tặng biệt - Vi Trang

            Thiên nhai phương thán dị hương thân
            Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân
            Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt
            Tuý tỉnh hà xứ các triêm cân


            Chia tay ở quán rượu Đông Dương

            Nơi góc trời than thở người xa lạ
            Lại hướng về bến trời từ biệt người cũ
            Sớm mai trăng cô đơn đếm hết năm canh
            Say tỉnh nơi nào cũng (lệ) ướt khăn


            Bên trời lận đận đã thương thân,
            Lại ở bên trời biệt cố nhân,
            Trăng lặn canh tàn nơi quán khách,
            Tỉnh say mỗi ngả lệ đầm khăn.
            (Khương Hữu Dụng dịch)

            Lời bàn :
            Lưu ý hình ảnh “thiên nhai” (bến trời, góc trời) dùng trong văn cổ, khác với “ thiên mạt, thiên tận”(chân trời) thường dùng nhiều hơn . “Thiên nhai” nói lên cái nơi vu vơ, khó xác định phương hướng trên đường giang hồ lưu lạc. Còn “ thiên mạt”” thiên tận” nói về nơi rất xa, xa hút. Có khi nào trong đời bạn không biết hướng quê nhà ở phía nào ? Thôi Hiệu đã có lúc như thế khi thất vọng ngơ ngác bên lầu Hoàng Hạc. Còn Vi Trang thi nhân tìm hướng “người cũ” đang ở, nơi ấy không hẳn là chốn quê nhà.
            Bài thơ bộc lộ cảm xúc bi thương của tình bằng hữu. Xa cách một người bạn nào đấy mà bi ai như xa cách người yêu vậy .


            ST
            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

            Comment


            • #21
              Độ Tang càn- Giả Đảo 贾 岛

              Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
              Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương
              Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ
              Khước vọng Tinh Châu thị cố hương

              Vượt qua sông Tàng Càn
              Ở nhà khách Tinh Châu trải mười năm,
              Hôm sớm Hàn Dương chỉ nhớ cố hương
              Không biết vì sao qua bến Tang Càn nọ,
              Ngoảnh lại Tinh Châu (thấy) đã là quê hương .

              Ghi chú :
              Viết địa danh “Tinh Châu”, ông Nguyễn Quảng Tuân trong bản Thơ Đường Tản Đà dịch đã viết sai chữ 井(jǐng) đọc là “ tỉnh” nghĩa là cái “giếng”. Tôi đã sửa lại là 精(jīng) đọc là“ tinh” có nghĩa là tinh hoa, tốt đẹp, nhỏ xinh. Tinh Châu nghĩa là cái cồn nhỏ xinh đẹp, không thể là “cái giếng”.
              Tinh Châu nay là thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây . Hàm Dương tức là Trường An nơi nhà Đường đóng đô, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Sông Tang Càn nay gọi là sông Vĩnh Định. chảy giữa hai địa điểm trên.


              Giai thoại về Giả Đảo:

              Trền đường về Trường An dự thi, ông cưỡi con lừa ngâm bài thơ “ Đề Lí Ngưng u cư” tay chân khua lên :

              Nhàn cư thiểu lân tình
              Thảo kính nhập hoang viên
              Điểu túc trì biên thụ
              Tăng thôi nguyệt hạ môn

              Ở nhàn ít láng giềng
              Đường cỏ vào vườn hoang
              Chim ngủ cây bên ao
              Sư đẩy cửa dưới trăng
              Chưa thoả mãn với câu cuối, ông bèn đổi “thôi” (đẩy) thành “xao”: tăng xao nguyệt hạ môn (xao : gõ) . Rồi nghĩ đi nghĩ lại, vừa đi vừa đưa tay “thôi” , “ xao” liên tục khiến ai cũng thấy lạ lùng . Gặp xe ngựa quan Hàn Dũ đi qua ông không kịp tránh. Lính trói ông đưa đến trước mặt quan. Hàn Dũ hỏi , Giả giãi bày mình đang mải làm thơ . Hàn Dũ hỏi câu thơ thế nào, Giả trình bày và xin chỉ giáo. Hàn Dũ nhà thơ nhà văn lớn thời ấy đã bảo ông chọn “xao” ( tối chùa đóng cửa, ông có dám đẩy cửa (thôi) được không ? vậy phải gõ chứ !) . Từ đó người TQ dùng từ “thôi xao” để nói việc khổ luyện văn chương .
              Lời bàn:
              Bài thơ Độ Tang càn an ủi những kẻ tha hương như soạn giả và những người cùng cảnh ngộ. Lí trí đã khẳng định rằng trên đất nước mình thì đâu cũng là quê hương. Nhà thơ Giả Đảo bồi thêm một bài thơ đầy xúc cảm. Trộm nghĩ đó chỉ là một xúc cảm thoáng qua khó bền vững trong lòng người. Vậy thì câu thơ “Quê hương mỗi người chỉ một” của Đỗ Trung Quân phiến diện, dễ dãi. . . Nhà thơ Chế Lan Viên viết “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hoá tâm hồn” phóng khoáng thoải mái hơn nhiều . Ai hay ai dở, ai chân lý, hỡi bạn đọc !


              ST
              Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

              Comment


              • #22
                Độc Lí Bạch tập - Trịnh Cốc

                Hà sự Văn tinh dữ Tửu tinh
                nhất thời chung tại Lý tiên sinh ?
                Cao ngâm đại tuý tam thiên thủ
                Lưu trước nhân gian bạn nguyệt minh

                Đọc tập thơ Lí Bạch
                Tại sao ngôi sao Văn và ngôi sao Tửu
                lại cùng một lúc dồn cả vào ông Lý ?
                Ngâm vang lúc say khướt ba nghìn bài thơ
                Để lại cõi đời làm bạn với ánh trăng


                Cớ chi sao Rượu sao Văn,
                Đúc nên một Lý tiên sinh ở đời.
                Ba nghìn say đọc nên bài,
                Nghìn thu bạn với trăng trời sáng sao
                (Tản Đà dịch)
                Lời bàn :
                Hình như hễ ai kết bạn với Lí Bạch thi tiên cũng đều làm thơ về họ Lý . Nhà thơ họ Lý trở thành nguồn thơ cho nhiều người khác . Cuộc đời Lý vốn đã chứa đầy chất thơ. Có thể đó là những vẻ đẹp lạ của Lý và những tấn bi kịch của Lý đã động lòng bằng hữu ? Thi sĩ họ Lý khiến ta nghĩ đến bao nhiêu kẻ tầm thường chả dính dáng gì đến thi ca nhan nhản trên đời này. Đọc thơ khiến ta muốn được sống cùng thi tiên họ Lý ở trên đời .




                ST
                Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                Comment


                • #23
                  Độc toạ Kính Đình sơn - Lý Bạch

                  Chúng điểu cao phi tận
                  Cô vân độc khứ nhàn
                  Tương khán lưỡng bất yếm
                  Chỉ hữu Kính Đình san


                  Một mình ngồi trên núi Kính Đình

                  Đàn chim bay đi hết
                  Mây lẻ thong thả trôi
                  Nhìn nhau không biết chán
                  chỉ có núi Kính Đình

                  Lời bàn
                  Có ba nhân vật trữ tình (chim, mây và núi), nhân vật chính là núi Kính Đình . Nhà thơ Lí Bạch đã hoá thân vào mây núi. Một tư thế sống trên đời thực là ung dung tự tại . Đây là lí do khiến người đời gọi Lý là “ thi tiên ” bởi tư thế sống ung dung như thần tiên vậy .


                  ST
                  Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                  Comment


                  • #24
                    Giang tuyết - Liễu Tông Nguyên

                    Thiên sơn điểu phi tuyệt
                    Vạn kính nhân tung diệt
                    Cô chu toa lạp ông
                    Độc điếu hàn giang tuyết

                    Tuyết trên sông

                    Nghìn non chim hết vẫy vùng,
                    Vắng tanh muôn nẻo tuyệt không dấu người.
                    Áo tơi nón lá ông chài,

                    Con thuyền giữa tuyết ngồi hoài buông câu.
                    Chú thích : Toa lạp / thôi lạp : nón áo tơi lá
                    Lời bàn
                    Nhà thơ Liễu Tông Nguyên hoá thân vào ông chài mùa rét , thản nhiên câu cá trên sông tuyết, nơi ấy thật xa bóng người, xa tục luỵ .
                    [Sinh viên nên đi sâu phân tích cả 4 câu thơ để hình dung trọn vẹn chân dung nhân vật trữ tình này]

                    ST
                    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                    Comment


                    • #25
                      Hàn thực -Hàn Hùng

                      Xuân thành vô xứ bất phi hoa
                      Hàn thực đông phong ngự liễu gia
                      Nhật mộ Hán cung truyền lạp chúc
                      Khinh yên tán nhập ngũ hầu gia

                      Tết hàn thực

                      Thành mùa xuân chẳng chỗ nào không có hoa bay
                      Tiết hàn thực gió đông thổi trên vườn liễu của vua
                      Chiều tối cung điện nhà Hán truyền thắp nến
                      Khói nhẹ toả lan vào các nhà công hầu

                      ST
                      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                      Comment


                      • #26
                        Hành lộ nan - Lý Bạch

                        Hành lộ nan

                        Kim tôn thanh tửu đẩu thập thiên
                        Ngọc bàn trân tu trị vạn tiền
                        Đình bôi đầu trợ bất năng thực
                        Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên
                        Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên
                        Tương đăng Thái Hàng tuyết ám thiên
                        Nhàn lai thuỳ điếu bích khê thượng
                        Hốt phục thừa chu mộng nhật biên
                        Hành lộ nan ! Hành lộ nan !
                        Đa kì lộ, kim an tại
                        Trường phong phá lãng hội hữu thì
                        Trực quải vân phàm tế thương hải


                        Đường đi khó

                        Cốc vàng rượu trong một đấu mười ngàn
                        Mâm ngọc nhắm quý giá một vạn.
                        Dừng chén ném đũa nuốt không được,
                        Rút kiếm nhìn quanh lòng mênh mang.
                        Muốn vượt Hoàng Hà sông băng đóng
                        Toan lên Thái Hàng núi tuyết phủ mờ
                        Lúc rỗi buông câu bờ khe biếc
                        Bỗng mơ cưỡi thuyền lướt bên mặt trời
                        Đưòng đi khó ! Đường đi khó !
                        Nay ở đâu đường bao ngả ?
                        Gió dài phá sóng hẳn có ngày
                        treo thẳng buồm mây vượt biển cả !


                        Lời bàn:
                        Khí phách anh hùng, cao nhân của Lí Bạch thể hiện thật rõ nét . Lí tưởng sống của ông thật rõ ràng hùng tráng biết bao .
                        Nhà thơ khinh rẻ những thói thường của bao kẻ truy đuổi vinh hoa phú quí tầm thường . Ba năm được chiều chuộng trong cung vua Đường Minh Hoàng như một “bồi bút” khiến ông chán nản, tìm cớ bỏ ra đi . Trên đời mấy ai làm được như Lý !


                        ST
                        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                        Comment


                        • #27
                          Hoài thượng biệt cố nhân - Trịnh Cốc

                          Dương tử giang đầu dương liễu xuân
                          Dương hoa sầu sát độ giang nhân
                          Sổ thanh phong địch li đình vãn
                          Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần


                          dịch thơ:

                          Sông Dương dương liễu đua tươi,
                          Hoa dương buồn chết dạ người sang sông.
                          Đình hôm tiếng sáo não nùng,
                          Anh đi bến Sở tôi trông đường Tần.
                          ( KD)
                          Lời bàn :

                          “Ly đình” là những quán nghỉ chân được xây dành làm nơi cho người ta đưa tiễn nhau. Có hai loại ly đình: đoản đình (để tiễn gần) và trường đình (tiễn xa hơn).
                          Miền Bắc Việt Nam có những cái “điếm”, “cầu” xây ven đường, nơi cách xa xóm làng để cho người làm ruộng, đi chợ xa tạm nghỉ ngơi, cũng dành cho những lữ khach qua đường trú mưa nắng và nghỉ chân, qua đêm .”Cầu”(hoặc “điếm”) ở miền Bắc nước ta cũng là một kiểu “ly đình” như vậy ( “cầu” không bắc qua sông, cầu “ bắc” qua mưa nắng, “ bắc” qua mệt mỏi và đêm. Cầu là căn nhà gạch xây ở ven đường lộ. Căn nhà chỉ có hai bức vách tường. Trong nhà có xây cái bục gạch cao khoảng nửa thước, rộng bằng một, hai cái giường để khách ngồi chơi hoặc ngả lưng qua đêm)
                          Lại một bài thơ tình bằng hữu trong số hàng trăm bài . Đôi bạn chia tay nhau, buồn bã nhưng vẫn quả quyết dứt áo ra đi .



                          ST
                          Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                          Comment


                          • #28
                            Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu

                            Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
                            Thử địa không du Hoàng hạc lâu
                            Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
                            Bạch vân thiên tải không du du
                            Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
                            Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
                            Nhật mộ hương quan hà xứ thị
                            Yên ba giang thượng sử nhân sầu


                            Người xưa đã cưỡi hạc vàng đi rồi
                            Nơi đây (chỉ còn) khoảng không bao trùm Lầu hoàng hạc
                            Hoàng hạc một đi không trở lại
                            Mây trắng nghìn năm bay vu vơ
                            Trời quang nắng in rõ bóng cây trên sông Hán
                            Cỏ thơm sum sê trên bãi cồn Anh Vũ
                            Trời tối rồi quê hương ta ở phía nào ?
                            Khói sóng trên sông làm người buồn rầu


                            Hai bản dịch thơ

                            Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút
                            Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi.
                            Hạc vàng một đã đi, đi biệt
                            Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi
                            Sông tạnh Hán Dương, cây sáng ửng,
                            Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
                            Hoàng hôn về đó, quê đâu tá,
                            Khói sóng trên sông não dạ người.
                            (Khương Hữu Dụng dịch)


                            Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
                            Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ
                            Hạc vàng đi mất từ xưa
                            Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
                            Hán Dương sông tạnh cây bày
                            Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
                            Quê hương khuất bóng hoàng hôn
                            Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !
                            (Tản Đà dịch)


                            Chú thích :
                            Lầu Hoàng hạc thuộc huyện Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Có bản ghi “Tình Xuyên” là tên cái gác, nhưng bỉ nhân thấy “cái gác” không đối chỉnh với “cỏ thơm” (phương thảo) nên chọn “ tình xuyên” là “nắng chiếu” thích hợp hơn. “Anh Vũ” là tên loài chim vẹt thường sống ở bãi cồn đó.


                            ST
                            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                            Comment


                            • #29
                              Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch

                              Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu
                              Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
                              Cô phàm viễn ảnh bích không tận
                              Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

                              Dịch :

                              Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu từ phía tây
                              Tháng ba hoa khói, xuống Dương châu
                              Bóng buồm xa dần trong trời biếc vô tận
                              Chỉ thấy Trường giang vẫn chảy mau tới cuối trời

                              dịch thơ

                              Bạn từ lầu Hạc lên đường,
                              Giữa mùa hoa khói, châu Dương xuôi dòng.
                              Bóng buồm đã khuất bầu không
                              Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
                              (Ngô Tất Tố dich)

                              Chú thích : quận Quảng Lăng ( còn gọi Dương Châu, Giang Châu ) nay là huyện Giang Đô ,
                              tỉnh Giang Tô. .
                              Lời bàn
                              Một kiệt tác của tình bạn thơ Lí Bạch- Mạnh Hạo Nhiên .
                              Sinh viên nên chú ý phân tích : Hai câu 3 và 4 là trọng tâm . Tưởng tượng cảnh người đưa tiễn ở trong tư thế dáng điệu như thế nào . Hình ảnh “viễn ảnh bích không tận” và “Trường Giang thiên tế lưu” có ngụ ý xã hội đương thời chứ không phải chỉ là cảnh thiên nhiên mênh mang rợn ngợp . Không bao giờ oán trách trời đất vô tình, nhà thơ chỉ mựơn cảnh để nói thời cuộc mà thôi . Sinh viên thường hay bỏ qua khía cạnh “thời cuộc” .


                              ST
                              Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                              Comment


                              • #30
                                Hoàng hạc lâu văn địch - Lý Bạch

                                Hoàng hạc lâu văn địch

                                Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
                                Tây vọng Tràng An bất kiến gia
                                Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch
                                Giang thành ngũ nguyệt “Lạc mai hoa”

                                Nghe thổi sáo ở lầu Hoàng hạc

                                Một lần làm khách đi đày đến Trường Sa
                                Nhìn về phía Tây thành Tràng An chẳng thấy nhà
                                Trong lầu Hoàng Hạc nghe tiếng sáo ngọc
                                Thành Giang hạ tháng Năm nghe khúc nhạc
                                “Hoa mai rụng”

                                dịch thơ :
                                Trường Sa đất biếm làm thân khách
                                Ngảnh lại Trường An chẳng thấy nhà
                                Hoàng hạc lầu cao nghe sáo ngọc
                                Thành Giang nghe khúc “Lạc mai hoa”
                                (Ngô Văn Phú)

                                Chú thích
                                Trường An là thủ đô thời nhà Đường, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây- một cố đô nổi tiếng thời thịnh trị của TQ , một cố đô văn hoá của Trung Hoa . Đến nỗi người Việt Nam trước đây cũng gọi Hà Nội- Thăng Long là “Trường An / Tràng An” .
                                Sáo ngọc là cây sáo làm bằng loại đá quí (ngọc) .

                                Lời bàn :
                                Nhà văn Tào Tuyết Cần (tác giả Hồng Lâu Mộng) từng cho rằng Lí Bạch chịu ảnh hưởng của Thôi Hiệu khi viết bài thơ này. Giai thoại kể rằng khi đến chơi lầu Hoàng Hạc, Lí Bạch lấy bút định làm thơ, ngẩng lên định viết thì nhìn thấy bài Hoàng Hạc lâu . Đọc xong Lí thở dài buông bút không viết nữa. Sau đấy Lí viết bài thơ tả lại cảm xúc trên , thế là cũng thành một bài thơ .
                                Lí Bạch rất biết thẩm định thơ của bạn hữu, và không ngại nói ra sự khâm phục của mình. Lí tài hoa mà lại khiêm tốn biết chừng nào ! Thiên hạ yêu quí mến phục Lí Bạch còn vì điểm ấy nữa . Ai bảo “văn nhân tương khinh” ! Nhìn chung, bài thơ này dễ hiểu, dung dị . SV chỉ cần tập trung phân tích vào cái tâm thế nhớ thủ đô và tên khúc nhạc sáo “ lạc mai hoa”. Hoa mai rụng là hình ảnh tượng trưng số phận tàn lụi , sự mất mát . . .


                                ST
                                Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                                Comment

                                Working...
                                X