Giang Hồ
Thơ: Phạm Hữu Quang
Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang, với giặt đồ
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình
Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng góc ghế
Đếm thấy thừa ra một góc si
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường
Giang hồ ba bữa , buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về ta đứng bụi mù tung
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi, cũng nhớ nhà.
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang, với giặt đồ
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình
Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng góc ghế
Đếm thấy thừa ra một góc si
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường
Giang hồ ba bữa , buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về ta đứng bụi mù tung
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi, cũng nhớ nhà.
Tàu qua phố
1. Tàu đi qua phố, tàu qua phố/Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt đời bên bếp vợ/Chẻ củi, trèo thang, với... giặt đồ.
Thi sĩ Phạm Hữu Quang quê Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ khá nổi tiếng với bài thơ Giang hồ (với đoạn trích trên). Và, không thể không nhắc thêm hai câu nghe quá đỗi thiệt tình mà cũng quá xá đã đời: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà". Tìm đọc nhiều văn bản bài Giang hồ của Phạm Hữu Quang, thấy dưới bài thơ đều ghi tháng 5/1991. Năm đó, thi sĩ giang hồ vừa ba chín tuổi. Mười năm sau, bốn chín tuổi là một chuyến giang hồ dằng dặc, hết vụn vặt, chẳng nhớ nhà (!)… Nhưng, nhiều người vẫn nhớ Phạm Hữu Quang. Tôi nhớ anh, trong nhiều lần nhớ tiếng cơm sôi bếp củi quê nhà. Rồi chợt dưng, thêm một nỗi nhớ những chuyến tàu: "Tàu đi qua phố, tàu qua phố/Phố lạ mà quen, ta giang hồ"... 2. Chuyến tàu qua phố lạ của Phạm Hữu Quang đó, đối với tôi có thể gọi là phố quen. Quen mỗi ngày nhìn đoàn tàu chạy ngang khi đứng ở chắn barie. Quen mỗi đêm thao thức nằm nghe tiếng còi tàu. Quen những buổi sớm cuối tuần ngồi quán cà phê bên kia đường để ngắm những chuyến tàu qua. Quen những đêm tàu vội vã rời sân ga, tàu qua phố, băng ngang nơi mình ở, lòng chợt bâng khuâng (!)… Phố quen đấy. Nhưng lắm khi quen mà như lạ. Lạ, một đêm sáng trăng, tàu đang băng vào phố, tàu chạy qua nơi có ngôi nhà tôi ở; tôi nhìn ra cửa sổ thấy ánh trăng đầm đìa trên những bụi chuối, bờ lau, vạt nước… Ước chi có thể tự nhiên bước ra, đặt chân nhẹ xuống một nơi nào đó mà đạp cỏ, băng đường đất về nhà (!). Lạ, những buổi sớm cuối tuần, ngồi uống cà phê mà không thấy tàu qua thì như thấy thiếu một cái gì. Ai ngồi trên chuyến tàu đó? Ai đi đâu, về đâu? Có người thân nào, có cô em xinh tươi nào, có thi sĩ giang hồ nào vừa đi qua đây? Và lạ, bất ngờ một cái vẫy chào chìa ra cửa sổ đoàn tàu (!). Tàu qua phố. Phố lạ mà quen. Phố quen mà như lạ. Những chuyến tàu mỗi đêm ngày vẫn đi qua. Xê dịch một nhịp điệu, phô diễn một âm thanh, chuyên chở bao tâm trạng… Ước chi, một bữa thèm đi, có thể bước thẳng từ nhà lên… đoàn tàu đang băng qua(!). Chao ôi, những chuyến giang hồ tưởng tượng, những thêu dệt mộng mơ, những biến thể phức cảm… vẫn luôn miệt mài chảy trong tôi. Trong tôi hình như cũng rung chuyển một chuyến tàu (!). 3. "Ba ơi, ba… dừng lại, tàu qua nè ba!" - Thằng con trai ba tuổi của tôi vẫn thường bi bô sôi nổi như vậy mỗi khi nhìn thấy một đoàn tàu đi qua. Nó bắt dừng lại là để ngắm đoàn tàu và để đưa tay… vẫy chào đoàn tàu. "Nghi thức" vẫy chào đoàn tàu của thằng con tôi luôn lặp lại, lần nào cũng với một vẻ phấn khích, thích thú. Không ai bảo nó điều đó cả, kể cả các cô giáo ở trường. Trường mẫu giáo, nơi con tôi học nằm cách đường ray xe lửa chỉ vài chục mét. Mỗi buổi sớm khi chưa vào lớp, hay mỗi buổi chiều vào giờ tan học; khi thấy một đoàn tàu chạy ngang qua là các cô cậu bé đồng loạt ồ reo và đưa tay vẫy chào. Những bàn tay bé xinh vẫy mãi cho đến khi tàu chạy khuất. Thì ra vậy, trẻ thơ rất thích được ngắm đoàn tàu. Chúng đồng loạt đưa tay vẫy chào như một phản xạ tự nhiên. Với chúng, có lẽ, mỗi chuyến tàu là biểu hiện cho một sự huyên náo, reo vui! Tôi đã nhiều lần ngồi một mình trên tàu để đi những chặng rất dài, hết ngày, thâu đêm. Tàu dừng lại ở đây, ở đó, ở kia; bước xuống, bước lên, rồi bước xuống… Nói chuyện người này, nhìn người nọ, nhớ hoài đôi mắt đó… Thức ngủ, mệt mỏi, hưng phấn; hiện thực, mộng mơ lẫn lộn… Với tôi, mỗi lần trên những chuyến tàu dài là một dịp để được sống (với những ý nghĩ) trọn vẹn hơn. Và, dù biết là lắm khi trắc trở, trục trặc, mệt mỏi… nhưng vẫn thèm đi, và nhớ những chuyến tàu. Tàu qua phố. Tôi ngồi bên phố. Phố quen mà như lạ. Khẽ đưa tay lên vẫy chào. Tôi chào đoàn tàu thay cho thằng con ba tuổi của tôi, thay cho tâm hồn thi sĩ trong trẻo trẻ thơ của Phạm Hữu Quang. Chào nhé! Hẹn một chuyến giang hồ. Chẳng lẽ… (!). Làng Mai 8/2006 - Trần Nhã Thụy