Nếu đây là lần đầu tiên bạn viếng thăm diễn đàn, bạn có thể xem những câu hỏi thừơng gặp bằng cách bấm vào link này FAQ . Để có thể gởi bài, bạn cần phải ghi danh bằng cách bấm vào link ghi danh ở đây ghi danh
Bạn có thể xem bài viết bằng cách bấm vào diễn đàn mà bạn muốn xem dưới đây.
Đôi dòng cảm xúc khi đọc tập thơ Huyền thoại người lái đò
Thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn là những vần thơ rất thực ở đời thường. Tôi rất may mắn và vinh dự được biết đến nhà thơ - một giáo viên vật lí cấp 3 nhưng yêu thơ đến vô cùng.
Trong cuốn “Giọt lệ trăng” tác giả gửi tặng, tôi thấy ở trang cuối cùng có dòng “Cảm nhận về thơ : Thơ là hoa hồng của tâm hồn”. Tôi cứ thắc mắc mãi … hai từ “Hoa hồng” mà nhà thơ nói đến là gì, là nét đẹp kiêu sa quyến rũ, mùi hương dịu nhẹ của loài hoa tình yêu hay là một ý nghĩa nào khác mà thôi chưa nghĩ ra.
Và điều đó được giải đáp bằng những vần thơ của tác giả, rất thực, rất đời thường nhưng lại có nét cuốn hút rất riêng. Tuy tôi biết đến thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn chưa lâu nhưng tôi rất thích và yêu luôn tự lúc nào không hay.
Tôi đã đọc tập thơ “Huyền thoại người lái đò” này tới 4 lần nhưng lần nào đọc tôi cũng phát hiện ra những điều mới mẻ riêng trong từng bài thơ, trong từng vần thơ lung linh nhiều màu sắc và đặc biệt hơn là tôi đều dừng lại ở bài thơ “Pleiku buồn không em…”.
Tôi không hiểu vì sao nhưng những câu thơ ấy cứ xoáy vào đầu óc tôi, từng vần thơ cứ nhảy múa trước mắt tôi bởi ngôn từ nhẹ nhàng mà đượm nét duyên. Tôi đang ôn thi để thứ 2 thi cả ngày nhưng tôi không thể nào thoát ra được bài thơ ấy và có điều gì đó thôi thúc tôi phải viết cho bằng được. Thế là giờ đây, ngồi bên máy tính và viết.
“Pleiku ngan ngát hương trà
Đi trong sương trắng ngỡ là áo em
Nhà nàng ngõ lạ giờ quen
Sao qua trăm buổi vẫn quên lối về?
Pleiku sóng sánh cà phê
Dốc lên, dốc xuống tóc thề xưa bay
Hạt mưa ai chuốt nhỏ gầy
Tìm em đồi cũ lạnh đầy nhớ nhung.
Pleiku phố núi chập chùng
Nửa đêm buồn gảy bập bùng ghi ta
Biển Hồ chưa đến đã xa
Cúc quỳ rụng
Thoảng hương trà tóc em …”
(Pleiku buồn không em…)
Vâng! Là thế đấy, ngôn từ bình dị đến đấy nhưng sao tôi có ấn tượng rất mạnh với bài thơ viết về phố núi này quá.
Tôi vừa có dịp đặt chân lên mảnh đất Cao Nguyên trong một tuần – vùng đất của những đồi núi trập trùng, của những áng mây bàn bạt sớm chiều, của những vườn cà phê hay những đồi thông trải dài xa tít….
Dưới con mắt của tôi, tôi chỉ kịp thốt lên rằng “Ôi! Đẹp quá” , đẹp bởi những áng mây cứ chùng chình lượn quanh. Thế nhưng, dưới con mắt của người nghệ sĩ “Đi trong sương trắng ngỡ là áo em”. Đẹp! Rất đẹp!
Ở vùng núi cao ấy, với tôi đó là miền đất lạ, là những khung cảnh mây trắng lượn lờ hay những đồi núi cứ nhấp nhô liên hồi nhưng nhà thơ đã phát hiện ra được một mùi thơm rất đặc trưng, rất quyến rũ đó là “hương trà” hòa quyện cùng “hương cà phê”. Khi đọc bài thơ này, tôi mới hiểu thêm được một phần nào đó về sự cảm nhận thơ của chính tác giả mà tôi vừa nói ở trên.
Đúng vậy, mở đầu bài thơ, tác giả đã viết “Pleiku ngan ngát hương trà” hay “Pleiku sóng sánh cà phê”. Đọc câu thơ ấy, tôi cứ nghe mùi hương thoang thoảng đâu đây, mùi thơm dịu nhẹ mà mát rượi lòng mình. Tôi nhắm mắt lại, mường tượng về vùng núi cao, về lúc đứng giữa những đồi chè óng ánh nắng chiều, về lúc nhặt những hạt cà phê trong lòng bàn tay với những quả chín đỏ căng mọng; tôi hít một hơi cho căng tràn lồng ngực mà nghe lòng mình dễ chịu quá.
Để rồi cuối bài thơ, vẫn mùi hương quen thuộc của “phố núi trập trùng” ấy lại xuất hiện lần nữa:
“Cúc quỳ rụng
Thoảng hương trà tóc em…”
Tập thơ đóng lại, tôi vẫn nghe được mùi hương trà thoang thoảng đâu đây, nghe được mùi hương dịu nhẹ làm say mê lòng người. Tôi dừng lại ở bài thơ này vì không phải những bài khác không hay nhưng với tôi, đó là bài thơ hay đã để lại trong tôi một niềm cảm xúc nào đó, niềm cảm xúc đó phải chăng về mùi hương trà cứ thoảng qua trong tôi?
Cám ơn nhà thơ đã cho tôi một lần nữa quay về “Phố núi” với tình cảm mến yêu nhất. Chúc cho nhà thơ có nhiều bài thơ hay và đi thẳng vào lòng người như vậy.
Trần Thị Trúc Hà
(Bài viết đã đăng trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 5.6.2013)
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuộc thi thơ rầm rộ đã được tổ chức trên Facebook với chủ đề thơ là Lời tỏ tình đầu tiên vào tháng 6 năm 2013.
Cuộc thi đã đã quy tụ hơn 3.000 tác giả với hơn 10.000 bài thơ dự thi. Ông Phạm Thanh Long (người đứng ra tổ chức giải thi thơ) và Ban giám khảo cũng đã quyết định chọn 115 bài thơ hay nhất, vào chung khảo và in trong tuyển tập thơ Thơ hay Facebook. Bài thơ dự thi Lời tò tình đầu tiên của Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng đã vào chung khảo và được chọn in trong tuyển tập thơ này.
Rất tiếc là tên tác giả lại bị in sai thành Nguyễn Trắc Thanh Văn! Thanh Trắc Nguyễn Văn đã liên hệ với nhà thơ Lê Minh Quốc để xin chỉnh sửa lại tên tác giả. Nhà thơ Lê Minh Quốc sau khi nhận được tin đã hứa sẽ sửa lại tên tác giả bài thơ như đã yêu cầu.
Ngày 19.7.2013, nhờ một người bạn là nhà thơ trẻ Nguyễn Đình Ánh ở Nghệ An báo tin cho hay là Thanh Trắc Nguyễn Văn đã đoạt được giải khuyến khích.
Giải thưởng gồm 1 Giải nhất, 1 Giải nhì, 1 Giải ba và 15 Giải khuyến khích.
Giải thi thơ lần này theo nhà thơ Lê Minh Quốc đã lập nên một kỷ lục mới ở Việt Nam: Kỷ lục một vạn bài thơ dự thi, số lượng thơ dự thi thật khổng lồ (Kỷ lục đã được Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam, viết tắt là Vietking công nhận) nhưng chất lượng thơ dự thi cũng rất cao không kém, có rất nhiều bài thơ rất hay...
Uống cà phê khác với uống rượu. Uống rượu dễ làm cho cảm xúc con người thăng hoa để có thể “xuất thần” được những câu thơ hay! Còn uống cà phê thì khác. Uống cà phê trầm lắng hơn, để cảm nhận cuộc sống qua lăng kính thời gian một cách chậm rãi hơn.
Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn uống cà phê một mình nhưng không đơn độc:
“Cà phê
Ai bảo cô đơn?
Nửa đêm trăng tắm chập chờn Hằng Nga.”
Chỉ có nhà thơ mới thưởng thức được nét đẹp của trăng, và độc đáo hơn nữa là “trăng tắm”! Nhà thơ hẳn đang có tâm sự. Tâm sự không biết giải bày với ai nên mới ngồi một mình. Trăng là tượng trưng cho cái đẹp. “Trăng tắm” là cái đẹp được nâng cao lên một bậc. Nhìn “Hằng Nga tắm” để thưởng thức nét đẹp của “Hằng Nga” chỉ có được ở những người có tâm hồn nghệ sĩ. Đọc bài thơ mới biết uống cà phê quả là cả một nghệ thuật!
Uống cà phê đôi lúc để chiêm nghiệm lại cuộc sống. Qua những câu thơ trên, người đọc hiểu nhà thơ đã có những lúc nào đó trong cuộc đời nhiều lần phán đoán sai chuyện tình cảm. Chỉ có khi ngồi im lặng uống cà phê, nhà thơ mới hiểu được cảm xúc thật sự của trái tim mình: “Câu thơ chợt viết đúng là yêu em!”.
“Cà phê
Sóng sánh trời quên
Khuấy tan rồi lại hiện tên một người.”
Khi đã tự khẳng định “đúng là yêu em”, nhà thơ mới biết là mình đã tự đánh mất một cuộc tình rất đẹp. Thanh Trắc Nguyễn Văn chìm đắm vào nỗi đau nuối tiếc. Nhà thơ muốn “quên” nên đã “khuấy tan” ly cà phê. Buồn thay, “khuấy tan rồi lại hiện tên một người”. Tác giả muốn quên mà có quên được đâu! Tôi rất thích câu thơ: “Khuấy tan rồi lại hiện tên một người”; vừa độc đáo, vừa sáng tạo lại vừa giàu hình ảnh.
Lại thêm một câu thơ thật hay: “Ngẩn ngơ uống cạn nụ cười em trao”. Nàng đã đến và còn xinh đẹp nữa (thắm bóng hồng tươi), và còn “cười” nữa! Âm điệu bài thơ như nhộn nhịp hẳn lên, người đọc ít nhiều cũng cảm nhận được niềm vui theo niềm vui của tác giả. Thanh Trắc Nguyễn Văn đã rất khéo léo khi dùng các từ “thắm” và “hồng tươi” để diễn tả nét đẹp tràn đầy xuân sắc, rực rỡ của giai nhân.
“Cà phê
Người gặp chẳng chào
Đắng thơm ngọt nhạt lời nào cho nhau?”
Buồn thay cho nhà thơ, nàng cười là cười với “ai kia” chứ không phải cười với nhà thơ! Gặp nhà thơ nàng còn ngó lơ “chẳng thèm chào”, chứ nói chi là cười! Nhà thơ hụt hẫng đến độ uống một ly cà phê mà phải nếm đủ các vị “đắng thơm ngọt nhạt” của cà phê. Câu thơ tuy buồn nhưng cũng thật thú vị vì nghệ thuật chuyển ý “lời nào cho nhau”, thể hiện tính sáng tạo trong bút pháp của nhà thơ.
“Cà phê
Vơi nửa ngụm sầu
Thời gian cong lại bạc màu khói bay.”
Đau buồn nhưng không phẫn chí. Thời gian là liều thuốc màu nhiệm giúp chúng ta có thể quên tất cả những gì không vui trong cuộc đời. Uống cà phê lúc này đối với tác giả lại là sự giải thoát: “Cà phê / Vơi nửa ngụm sầu”. Câu thơ cuối cùng là một câu thơ cực hay gợi cho ta hình ảnh một ly cà phê bốc khói. Trên ly cà phê có một sợi khói, hình ảnh của thời gian, cong lại và từ từ bạc dần, dần dần tan biến đi. Hãy để những nỗi buồn lụi tàn theo thời gian trên ly cà phê. Cảm ơn nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã gởi đến cho người đọc một bài thơ thật hay và cũng thật nhiều cảm xúc.
(Bài đã đăng trên trang web văn hóa nghệ thuật Đất Đứng ngày 11.4.2013)
Em đi tôi rớt nụ cười
Trăng đi rớt xuống một người... là tôi!
Giận mình sao lắm đơn côi
Bàn chân giẫm nát núi đồi tìm em
Cũng mong dạ cứng đá mềm
Nào hay đá dưới bậc thềm lạnh tanh!
Nàng là tiên nữ trong tranh
Hằng Nga giáng thế mong lành duyên tơ
Còn tôi chàng Cuội bơ vơ
Theo em toàn nhặt hững hờ dửng dưng.
Bao năm xuống biển lên rừng
Lâu đài tình ái xây lưng lửng trời
Kỳ hoa dị thảo trên đời
Dựng vườn thượng uyển như lời em mơ
Ngờ đâu muôn dặm đợi chờ
Thuyền duyên chỉ thấy mịt mờ sóng xô!
Tay khô đòi vã nên hồ
Mộng suông đòi đắp cơ đồ được sao?
Lâu đài trên cát đổ nhào
Gạch tình đá ái vỡ vào khói sương
Lời thương lẩn quẩn còn thương
Loay hoay trượt ngã giữa đường đôi mươi...
Ra đi bỗng khóc bỗng cười
Mải yêu nên mãi là người chưa yêu!
(Bài thơ đã đăng trên báo Làm Bạn Với Máy Vi Tính số 522, ngày 10.9.2013)
Comment